Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/08/2023

Thuế tối thiểu toàn cầu : Lợi hay hại cho kinh tế Việt Nam ?

Lê Hồng Hiệp & Phan Xuân Dũng

Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị trình Quốc hội dự thảo luật liên quan đến Thuế tối thiểu toàn cầu (Global Minimum Tax) vào tháng 10 này. Thuế tối thiểu toàn cầu, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất và được các quốc gia thành viên G7 thông qua vào năm 2021, yêu cầu các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu hàng năm trên 750 triệu euro (800 triệu USD) phải nộp mức thuế tối thiểu là 15% trên tổng lợi nhuận của họ. Biện pháp này, sẽ có hiệu lực từ năm tới, là nhằm giảm bớt sự cạnh tranh về thuế giữa các quốc gia và ngăn các công ty đa quốc gia trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang những nơi có mức thuế thấp. Đến nay, đã có 142 quốc gia, bao gồm Việt Nam, bày tỏ ủng hộ đối với Thuế tối thiểu toàn cầu.

1111111111111111111111111

Thủ tướng trao đổi với đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tại hội nghị sáng 22/4/2023. Ảnh : VGP/Nhật Bắc.

Áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu mang lại một số lợi ích cho Việt Nam. Thứ nhất, biện pháp này sẽ củng cố uy tín của Việt Nam như một thành viên tuân thủ luật pháp, có trách nhiệm và đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế. Điều này phù hợp với mục tiêu hội nhập quốc tế của Việt Nam, bao gồm việc tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu và hợp tác với các quốc gia khác để chống lại các thách thức chung, bao gồm hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia. Thứ hai, Việt Nam sẽ thu được một khoản thu ngân sách nhà nước đáng kể từ việc đánh thuế khoản lợi nhuận trước đây chưa bị đánh thuế của các công ty đa quốc gia. Bộ Tài chính ước tính việc triển khai Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo thêm 14.600 tỷ đồng (629 triệu đô la Mỹ) cho ngân sách nhà nước trong năm 2024. Nếu không áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ mất khoản thu này, bởi quốc gia mẹ của các công ty đa quốc gia sẽ có quyền thu khoản thuế này thay Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng bất lợi đến khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một nhân tố đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong 30 năm qua. Khu vực FDI chiếm khoảng 20% GDP của Việt Nam và 74% tổng giá trị xuất khẩu trong năm 2022. Năm ngoái, vốn FDI đăng ký tại Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD. Công nghiệp chế biến chế tạo chiếm phần lớn trong số này, với tổng số hơn 16,8 tỷ USD, tương đương 60,6% vốn đăng ký.

Vị trí chiến lược, sự ổn định chính trị, kết hợp với chi phí lao động thấp và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cạnh tranh, giúp Việt Nam trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả những gã khổng lồ toàn cầu và các biểu tượng công nghiệp như Samsung, Intel, LG, Panasonic, LEGO, BYD và Foxconn. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tiêu chuẩn ở Việt Nam là 20%, tuy nhiên mức thuế suất ưu đãi từ 10 đến 17% vẫn được áp dụng, tùy thuộc vào lĩnh vực, quy mô và địa điểm đầu tư. Một số nhà đầu tư thậm chí còn được hưởng mức thuế suất đặc biệt thấp, từ 5 đến 9%, nếu họ đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên cao. Điều này dẫn đến mức thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình chỉ 12,3%, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia cạnh tranh nhất ở Châu Á về thu hút đầu tư.

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ vô hiệu hóa sự hấp dẫn của các mức thuế suất ưu đãi này, vì các công ty đa quốc gia sẽ có nghĩa vụ phải trả mức thuế suất 15% bất kể họ hoạt động ở đâu. Điều này sẽ khiến việc đầu tư vào Việt Nam ít sinh lời hơn, do đó gây lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ước tính có tối thiểu hơn 100 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi Thuế tối thiểu toàn cầu. Trước tình hình đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2023 hồi tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài nếu Thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng tại Việt Nam. Ông tiết lộ đã thành lập một tổ công tác đặc biệt gồm các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực và các nhà đầu tư nước ngoài lớn để nghiên cứu vấn đề và đưa ra giải pháp.

Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam dường như đang hướng đến các ưu đãi ngoài thuế để bù đắp tác động tiêu cực của Thuế tối thiểu toàn cầu đối với môi trường đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Ví dụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một số chương trình hỗ trợ tài chính thí điểm cho các dự án FDI quy mô lớn và chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao và chế tạo. Các hỗ trợ này sẽ bao gồm đào tạo, nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng và chi phí sản xuất công nghệ cao. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đã kêu gọi Việt Nam tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng, phát triển lực lượng lao động lành nghề và nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính để tăng cường khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc chỉ tập trung vào các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài có thể dẫn đến nguy cơ duy trì sự phụ thuộc quá mức vào FDI và xuất khẩu, một vấn đề mà chính phủ đã tìm cách kéo giảm. Các ngành xuất khẩu dựa vào FDI rất dễ bị tổn thương trước các quyết định đầu tư của các công ty đa quốc gia luôn tìm cách tối đa hóa lợi nhuận và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, như đã thấy trong đại dịch Covid-19. Hơn nữa, việc quá chú trọng vào FDI sẽ cản trở khu vực tư nhân trong nước của Việt Nam, vì rất ít công ty tư nhân trong nước có khả năng tài chính và công nghệ để đầu tư vào các dự án quy mô lớn và các lĩnh vực ưu tiên giúp họ có thể cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia hoặc được hưởng lợi từ các mức thuế suất ưu đãi.

Về lâu dài, Việt Nam phải đề ra các chiến lược để củng cố các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực chế tạo và định hướng xuất khẩu, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc và rủi ro bên ngoài. Doanh thu thu được từ việc đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia có thể được sử dụng một cách chiến lược để tài trợ cho các sáng kiến như nguồn nhân lực và công nghệ, giúp các công ty nội địa hội nhập vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao. Việt Nam cũng cần thúc đẩy hơn nữa đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ và chuyển giao tri thức bằng cách liên kết các doanh nghiệp nước ngoài với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước.

Mặc dù vậy, trong ngắn và trung hạn, khu vực FDI sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam. Một cách tiếp cận cân bằng đối với Thuế tối thiểu toàn cầu dựa trên lợi ích chung sẽ giúp đảm bảo rằng các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho mục tiêu hàng đầu của Việt Nam hiện nay là trở thành một nền kinh tế công nghiệp hóa và thu nhập cao vào năm 2045.

Lê Hồng Hiệp & Phan Xuân Dũng

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 15/08/2023

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Hồng Hiệp, Phan Xuân Dũng
Read 220 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)