Mật nghị năm nay sẽ thảo luận về vấn đề thống nhất Đài Loan, các khó khăn kinh tế, và quan hệ với Mỹ.
Ba thế hệ lãnh đạo Trung Quốc : Hồ Cẩm Đào, trái, Tập Cận Bình và Giang Trạch Dân. Tập được cho là sẽ tham dự hội nghị mùa hè hàng năm ở Bắc Đới Hà, nhưng không có những người lớn tuổi nhất của đảng. (Nikkei dựng phim/Kyodo/Yusuke Hinata)
Mùa hè chính trị của Trung Quốc đã đến. Các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc – đã nghỉ hưu và vẫn còn đương nhiệm – đã tập trung tại thị trấn nghỉ mát ven biển Bắc Đới Hà ở tỉnh Hà Bắc để tổ chức các cuộc thảo luận thường niên, theo hình thức bí mật và không chính thức, về tình hình đất nước.
Cuộc họp năm nay có lẽ sẽ mang tính lịch sử.
"Đây là mật nghị Bắc Đới Hà đầu tiên mà tất cả các đảng viên lão thành đầy quyền lực đều vắng mặt", một đảng viên kỳ cựu, người đã quan sát chính trị Trung Quốc suốt bốn thập niên, cho biết.
Đối với Tập Cận Bình, người đã giữ chức chủ tịch nước và tổng bí thư đảng trong gần 11 năm, đây sẽ là cuộc họp ở Bắc Đới Hà đầu tiên trong thời gian ông cầm quyền không có sự tham dự của các đảng viên lão thành có ảnh hưởng nhất.
Tháng 11 năm ngoái, cựu lãnh đạo tối cao Giang Trạch Dân, người quyền lực nhất trong số các đảng viên lão thành, đã qua đời ở tuổi 96.
Một tháng trước đó, người tiền nhiệm trực tiếp của Tập, Hồ Cẩm Đào, 80 tuổi, đã bị hộ tống ra khỏi lễ bế mạc đại hội đảng toàn quốc. Kể từ đó, người ta không còn nhìn thấy ông. Có tin đồn rằng ông không còn cư trú ở Bắc Kinh nữa. Khả năng ông xuất hiện tại cuộc họp Bắc Đới Hà năm nay là rất thấp.
Cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (giữa) bị hộ tống khỏi sân khấu trong đại hội toàn quốc của Đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2022. (Ảnh của Yusuke Hinata)
Nhưng sẽ có rất nhiều chủ đề phải thảo luận. Ví dụ, Tập cần vạch ra một đại chiến lược để thu hồi Đài Loan, vốn được chế độ cộng sản xem là mục tiêu tối hậu của họ.
Về kinh tế, Trung Quốc chưa từng ở trong tình trạng bấp bênh như thế này kể từ khi chính sách "cải cách và mở cửa" được đưa ra vào cuối thập niên 1970.
Về ngoại giao, Tập cần quyết định phải làm gì với Mỹ. Quan hệ song phương được cho là đã rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Những nỗ lực của chính quyền Tập nhằm giải quyết những thách thức lớn này đều gặp trở ngại. Tuy nhiên, may mắn là ông sẽ không bị đảng viên lão thành nào phê phán tại mật nghị.
Chẳng hạn, cách xử lý vấn đề Đài Loan của ông đã không diễn ra như mong muốn. Taro Aso, cựu thủ tướng Nhật Bản 82 tuổi, hiện đang giữ chức phó chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, vừa đến thăm Đài Loan. Hôm thứ Ba (15/08/2023), ông đã gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại văn phòng tổng thống ở Đài Bắc.
Đây là chuyến thăm Đài Loan đầu tiên của một phó chủ tịch đương nhiệm của LDP, nhân vật số 2 của đảng, kể từ khi người Nhật cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 1972.
Tập Cận Bình phát biểu trong chuyến thăm lực lượng không quân ở Khu biên giới phía Tây của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Đối với ông, việc thừa nhận mình có thể đã phạm sai lầm chính sách là không hấp dẫn. © Tân Hoa xã/Kyodo
Nhưng điều khó chịu hơn nữa đối với Trung Quốc là kế hoạch đến Mỹ trong tháng này của Phó Tổng thống Đài Loan William Lại Thanh Đức.
Lại sẽ thăm New York sau chuyến đi đến Paraguay. Trên đường trở về từ đất nước Nam Mỹ, ông sẽ dừng lại ở San Francisco. Paraguay và Đài Loan duy trì quan hệ ngoại giao, và Lại sẽ tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Paraguay, Santiago Pena Palacios.
Ông cũng sẽ tranh cử tổng thống vào tháng 1 năm sau, với tư cách là ứng viên của Đảng Dân Tiến cầm quyền, kế nhiệm bà Thái Anh Văn. Chuyến thăm Mỹ dự kiến của phó tổng thống đương nhiệm Đài Loan đã kích động làn sóng phản ứng dữ dội từ Trung Quốc.
"Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức tương tác chính thức nào giữa Mỹ và khu vực Đài Loan", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng Đài Loan, "là cốt lõi trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và là lằn ranh đỏ không thể vượt qua".
Người phát ngôn nói thêm, "Trung Quốc sẽ theo sát các diễn biến và thực hiện các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi".
Phó Tổng thống Đài Loan William Lại Thanh Đức đang làm Trung Quốc khó chịu với kế hoạch đến Mỹ trong tháng này. (Ảnh của Yu Nakamura)
Trung Quốc đang mong đợi rằng ứng viên từ phe đối lập chính, Quốc Dân Đảng (KMT), sẽ đánh bại Lại. Nhưng ứng viên đó, Thị trưởng Thành phố Tân Bắc, Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih), vừa có những hành động có thể khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc bối rối. Chẳng hạn, tháng trước, Hầu đã chọn Nhật Bản làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình kể từ khi chính thức trở thành ứng viên tổng thống của KMT.
Ứng viên tổng thống Đài Loan mà Trung Quốc ưa thích lại có một chuyến thăm Nhật Bản trong lúc người Nhật ngày càng công khai kêu gọi ngăn chặn Trung Quốc. Bắc Kinh chắc chắn không thể thấy thoải mái.
Trên thực tế, tình hình đang trở nên tồi tệ hơn đối với chính quyền Tập Cận Bình. Khi Hầu Hữu Nghi gặp Koichi Hagiuda, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của LDP, vị thị trưởng bày tỏ sự thấu hiểu quan điểm của Nhật Bản về việc xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển.
Trong một cuộc họp kín vào ngày 1/8, Hầu đã nói với Hagiuda rằng ông "muốn tôn trọng quyết định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế", vốn kết luận rằng kế hoạch xả nước của Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Nhận xét của Hầu hoàn toàn trái ngược với chính sách của Trung Quốc.
Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của LDP, Koichi Hagiuda (phải) và Hầu Hữu Nghi của Quốc Dân Đảng Đài Loan tại Tokyo vào ngày 1/8. Một số người ở Bắc Kinh có lẽ đã bối rối khi ứng viên tổng thống của Quốc Dân Đảng lại chọn đến thăm Nhật Bản. © Kyodo
Sự kiện này cũng tiết lộ một thay đổi trong nền chính trị Đài Loan.
Hầu gia nhập Quốc Dân Đảng với tư cách một người Đài Loan bản địa, sinh ra ở Đài Loan. Bổn Tỉnh Nhân (benshengren), như tên gọi của nhóm này, là những người đã sống ở Đài Loan trước khi Thế chiến II kết thúc.
Trong lịch sử, các thành viên chủ chốt của Quốc Dân Đảng là Ngoại Tỉnh Nhân (waishengren), những người từ đại lục di cư đến Đài Loan từ nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc sau Thế chiến II.
Với tình hình chính trị gần đây của Đài Loan, việc đưa lập trường thân Trung Quốc lên hàng đầu sẽ khiến Quốc Dân Đảng gặp bất lợi trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Thay vào đó, đã có một sự điều chỉnh.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi Đài Loan bắt đầu tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 1996, không có ứng cử viên nào là người đại lục. Hầu Hữu Nghi, cũng như Lại Thanh Đức, và Kha Văn Triết của Đảng Nhân dân Đài Loan, đảng lớn thứ ba ở hòn đảo, đều là người Đài Loan bản địa.
Kha Văn Triết (phải), lãnh đạo Đảng Nhân dân Đài Loan, bắt tay với chính trị gia Nhật Bản Keiji Furuya trong chuyến thăm Tokyo vào tháng 6. © Kyodo
Như truyền thống mọi năm, khởi đầu của mật nghị Bắc Đới Hà năm nay đã được gợi ý khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng Thái Kỳ, một trong bảy thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng cộng sản Trung Quốc, đã xuất hiện tại khu nghỉ mát bên bờ biển Bắc Đới Hà vào ngày 03/08.
Thái, nhân vật số 5 của Trung Quốc, là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, hay chánh văn phòng của Tập. Ông đã gặp các quan chức cấp cao về khoa học và công nghệ trong kỳ nghỉ ở Bắc Đới Hà.
Người ta nói rằng hình thức của mật nghị Bắc Đới Hà đã thay đổi trong những năm gần đây, và cuộc họp năm nay có thể không nhất thiết phải có sự tham dự của tất cả các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, bao gồm cả Tập và các đảng viên lão thành. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo hàng đầu đã biến mất khỏi các bản tin được một thời gian, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy mật nghị đang được tiến hành.
Ngoài vấn đề Đài Loan, Tập còn phải đối mặt với quan hệ căng thẳng với Mỹ và những khó khăn do nền kinh tế suy yếu. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên Trung Quốc đang tăng vọt. Thị trường bất động sản sa sút càng làm tình hình khó khăn hơn.
Trong giai đoạn trước, khi Trung Quốc được điều hành theo hệ thống lãnh đạo theo cấp ủy, những đảng viên lão thành đã có thể bày tỏ quan ngại của mình. Hệ thống này cho phép kiềm chế đối trọng, dù thiếu các cuộc bầu cử dân chủ.
Tuy nhiên, dưới thời Tập, Trung Quốc gần như đã từ bỏ hệ thống lãnh đạo tập thể và thiết lập một chế độ cai trị đơn cực.
Thái Kỳ (chính giữa hàng trước), nhân vật số 5 của Trung Quốc, chụp ảnh với các chuyên gia ở Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, vào ngày 3/8. © Tân Hoa Xã /Kyodo
Trong hoàn cảnh như vậy, cách duy nhất để sửa chữa các chính sách quan trọng là chính Tập Cận Bình phải nhận ra vấn đề và ra lệnh sửa chữa chúng. Nhưng một động thái như vậy có nghĩa là nhà lãnh đạo cao nhất phải tự thừa nhận sai lầm, khiến nó trở thành một lựa chọn không hấp dẫn.
Chính sách zero-Covid của Trung Quốc là một ví dụ. Nó đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển của người dân để ngăn chặn coronavirus, và đã được kéo dài trong gần ba năm theo sáng kiến của Tập, giáng một đòn nặng nề không cần thiết vào nền kinh tế Trung Quốc.
Với kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, rõ ràng chính sách zero-Covid là vô nghĩa.
Trung Quốc cũng chưa thoát khỏi tình trạng thị trường bất động sản sụt giảm kéo dài. Sự sa sút hiện tại xảy ra sau khi Trung Quốc chuyển sang kiềm chế bong bóng thị trường như một phần trong chính sách "thịnh vượng chung" mang dấu ấn của Tập.
Quản trị từ trên xuống sẽ có lợi thế riêng của nó khi tình hình diễn ra tốt đẹp. Quyết định nhanh chóng, lộ trình rõ ràng, và việc triển khai chính sách cũng rất nhanh. Nhưng một khi tình hình trở nên tồi tệ, bất kỳ phản ứng nào cũng bị chậm lại. Đó là vì ưu tiên hàng đầu của nền chính trị Trung Quốc là để Tập Cận Bình giữ thể diện và duy trì sự thống trị của mình.
Trong hoàn cảnh như vậy, Trung Quốc sẽ không thể sửa lỗi một cách toàn diện. Xin lấy một ví dụ trong y học, việc này tương tự như khi không thể thực hiện đại phẫu, dù căn bệnh có nghiêm trọng đến đâu.
Thay vào đó, Trung Quốc ngày nay chỉ có thể tiến hành sơ cứu, theo cách không khiến Tập phải mất thể diện.
Mật nghị Bắc Đới Hà đầu tiên nơi "những đảng viên lão thành hoàn toàn biến mất" dự kiến sẽ kéo dài đến giữa tháng 8. Kết quả sẽ là gì ?
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : "Xi opens Beidaihe with no elders but plenty of challenges", Nikkei Asia, 10/08/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 14/08/2023
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.