Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/08/2023

Huề : Giá gạo tăng cao, giá nông cụ sản xuất cũng tăng

Dân Trần, Hàn Lam

Giá gạo tăng cao, đừng mừng vội : nông dân vẫn không đủ sống

Dân Trần, VNTB, 17/08/2023

Giá lúa gạo Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 năm qua khiến nhiều dư luận tỏ ra hồ hởi vui mừng cho nông dân. Nhưng thực tế, những người đầu tắt mặt tối trên đồng ruộng lại không được hưởng lợi từ việc tăng giá này. Với cơ chế hiện nay thì nông dân Việt Nam vẫn khó lòng thoát khỏi cảnh nghèo cho dù giá lúa có tăng cao hơn.

gao1

Giá lúa mùa này tăng, sẽ dẫn tới giá giống, phân, thuốc, các dịch vụ máy cày, máy gặt, gieo giống tăng theo.

Những con số không biết nói dối, nếu nó là những con số thật và được dùng đúng cách. Một số tờ báo trong nước đưa tin nhờ đợt tăng giá này mà mùa lúa này nông dân có lời lên tới 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đó là với người có 7ha đất.

Tờ Vnexpress có bài viết "Lúa tăng giá kỷ lục, nông dân miền Tây lãi lớn" ngày 25/07/2022. Bài báo nới về trường hợp nông dân Bùi Văn Phước ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp vui mừng khi năng suất đạt gần 7 tấn/ha, với giá bán 7.000 đồng mỗi kg, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng, tăng 20% so với vụ trước. Tuy nhiên để đạt mức lợi nhuận này, gia đình ông Phước phải có tới 7ha đất.

Theo một số thống kê thì để có thể trở nên giàu có nhờ trồng lúa thì ít nhất mỗi hộ dân phải có diện tích đất trên 5ha. Trong khi đó, trung bình mỗi hộ gia đình trồng lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ có khoảng 0,5ha đất.

Đặt trường hợp lý tưởng nhất là nhuận 50%, trúng mùa, được giá như mùa này thì 0,5ha đất sẽ đạt 3,5tấn, với giá 7.000đ/kg thì một hộ nông dân sẽ có thu nhập 24,5 triệu đồng sau 3 tháng làm lúa. Trừ đi 50% chi phí sản xuất thì lợi nhuận còn 12,25 triệu đồng. Lấy số tiền này chia cho một mùa lúa 3 tháng thì mỗi tháng cả gia đình chỉ có thu nhập khoảng 4 triệu đồng.

Nếu gia đình có 4 người cùng canh tác trên 0,5ha ruộng này thì trung bình thu nhập chỉ 1 triệu đồng/ người/tháng. Đây là mức thu nhập nằm dưới ngưỡng nghèo. Đó là trong điều kiện lý tưởng nhất : vừa trúng mùa, vừa được giá, vừa có lợi nhuận 50% sau khi trừ chi phí sản xuất.

Nhưng mỗi năm chỉ làm cao nhất là 3 mùa lúa (9 tháng), vậy 3 tháng còn lại người nông dân sẽ không đủ ăn nếu chỉ tập trung vào cây lúa. Không đủ ăn rồi tiền đâu mua sách vở, đóng học phí cho con đến trường ?

Trên đây chỉ là tính toán trên điều kiện lý tưởng nhất. Còn nếu một vụ lúa chỉ được giá, nhưng mất mùa ; hoặc được mùa mất giá ; thậm chí mất mùa và mất giá, thì người nông dân chỉ có thể vay mượn, hoặc bỏ ruộng đi làm thuê, làm mướn, hoặc bỏ xứ đi làm công nhân.

Ngoài ra cơ chế thu mua lúa gạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long cũng phụ thuộc vào nhiều trung gian, thương lái. Cho nên lợi nhuận của người nông dân cũng phải chia bớt một phần cho các trung gian này.

"Giá lúa mùa này tăng, sẽ dẫn tới giá giống, phân, thuốc, các dịch vụ máy cày, máy gặt, gieo giống tăng theo. Được giá một mùa nhưng vẫn phải lo cho mùa sau. Nhà tui có ba công ruộng, bán được 7.000đ/ký, trả hết tiền phân phướng, công thợ thì coi như ba tháng nay dư được gần sáu triệu, cố gắng dành dụm mới đủ xài chú ơi". Một người nông dân nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo (theo cách tính của người miền Tây Nam Bộ : 1 công = 1000 mét vuông = 0,1 ha).

Bên cạnh câu chuyện giá cả và chi phí sản xuất, Đồng bằng Sông Cửu Long cũng đối diện với nhiều vấn đề do tác động của biến đổi khí hậu. Tình trạng hạn mặn diễn ra càng ngày càng nặng khiến cho việc trồng lúa càng trở nên khó khăn hơn. Sông Mekong cũng không còn nhiều phù sa do Trung Quốc đã chặn dòng bằng hàng chục đập thuỷ điện đầu nguồn. Khiến người dân càng ngày càng phụ thuộc vào phân bón hóa học.

Biến đổi khí hậu, qui mô sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc thương lái, cộng với việc cơ quan chức năng thiếu định hướng và không có qui hoạch bền vững khiến cho vựa lúa của cả nước càng ngày càng bế tắc. Mang tiếng là cường quốc xuất khẩu lúa gạo nhưng nông dân Việt Nam lại phải sống dưới mức nghèo, làm lúa không đủ sống, mà không làm lúa thì không biết làm gì. Cho nên rất cần có một chiến lược hiệu quả, bền vững để giúp nông dân có thể sống, làm giàu với ruộng lúa. Phải có kế hoạch thay đổi chính sách triệt để thì mới có thể phát huy được thế mạnh và tiềm năng của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Dân Trần

Nguồn : VNTB, 17/08/2023

*************************

Giá gạo đã chạm ngưỡng nên giờ… ‘quay đầu’ ?

Hàn Lam, VNTB, 17/08/2023

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam giảm 10 USD xuống còn 628 USD/tấn, gạo 25% tấm 598 USD/tấn.

gao2

Giá gặo tăng do "đẩy giá" ?

Tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo nguyên liệu lại có dấu hiệu hạ nhiệt do xuất khẩu chậm lại.

Giá lúa gạo ngày 16/8/2023 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh giảm 100 – 200 đồng/kg. Theo đó, tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang sáng 16-8, giá lúa OM 18 giảm 100 đồng/kg xuống còn 7.800 – 8.000 đồng/kg, OM 5451 giảm 200 đồng/kg xuống còn 7.600 – 7.800 đồng/kg.

Với các chủng loại còn lại, giá duy trì ổn định. Cụ thể, giá lúa IR 504 ở mức 7.300 – 7.500 đồng/kg ; lúa Đài thơm 8 ở mức 7.400 – 7.600 đồng/kg ; Nàng Hoa 9 có giá 7.200 – 7.600 đồng/kg ; lúa Nhật cũng ổn định ở mức 7.800 – 8.000 đồng/kg ; lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 13.000 đồng/kg.

Với lúa nếp, nếp Long An (tươi) ở mức 6.900 – 7.400 đồng/kg. Trong khi đó, giá nếp An Giang tươi ổn định ở mức 6.300 – 6.600 đồng/kg ; nếp An Giang (khô) ở mức 7.700 – 7.900 đồng/kg ; nếp Long An (khô) có giá 7.700 – 7.900 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu tiếp tục tăng 50 đồng/kg lên mức 12.050 đồng/kg. Trong khi giá gạo thành phẩm ổn định ở mức 13.800 – 13.900 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 duy trì ổn định ở mốc 11.600 đồng/kg ; trong khi đó, giá cám khô còn 7.550 đồng/kg.

Tại An Giang, giá gạo bán lẻ duy trì ổn định, gạo trắng thường ở mức 15.000 đồng/kg ; thơm thái hạt dài 18.000 – 20.000 đồng/kg ; nếp ruột ở mức 15.000 – 17.000 đồng/kg ; gạo Jasmine thơm 17.000 – 18.000 đồng/kg ; gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg.

Ông Nguyễn Quang Hòa – Giám đốc Công ty TNHH gạo Dương Vũ cho biết, hiện tại, doanh nghiệp đã giao xong các đơn hàng cũ, trong khi đơn hàng mới chưa có. Nguyên nhân là do mức giá xuất khẩu đang ở mức cao. Do vậy, các nhà nhập khẩu đang ưu tiên nhận các đơn hàng cũ từ những nhà xuất khẩu khác.

"Những khách hàng lớn, có thể ảnh hưởng đến giá thị trường thì họ chưa mua. Trong khi đó, vẫn có những đơn hàng xuất khẩu với giá cao, nhưng đây là những khách lẻ, không quyết định được giá thị trường", ông Hòa thông tin.

Thị trường lúa hè thu hiện giao dịch chậm, các giao dịch mới rất ít do lúa đa phần đã được cọc từ trước.

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thì giá cả lúa tăng do đang có hiện tượng đẩy giá. Liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số nước đẩy giá gạo, lúa tại thị trường nội địa tăng cao, tại phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15-8 vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng điều hành cần tránh những cú sốc giá. Bởi việc đẩy giá tiêu dùng trong nước sẽ ảnh hưởng tới một số nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, thu nhập thấp.

Ông đề nghị các bên liên quan có thái độ bình tĩnh. Mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, chỉ phân tích một khía cạnh, một phía thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp thông tin, ngày nào ở đồng bằng sông Cửu Long cũng xuống giống vì tại đây xuống giống theo con nước. Nếu không có biến động, Việt Nam sẽ không gặp vấn đề gì trong việc xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo.

Tuy nhiên, hiện chỉ khoảng 20% diện tích lúa đồng bằng sông Cửu Long nằm trong liên kết, 80% diện tích còn lại nông dân và thương lái mua bán tự do. Trong khi, giá lúa, gạo được quyết định bởi cung – cầu. Cầu tăng nhưng cung ít thì giá sẽ bị đẩy lên, đó là quy luật thị trường. Ngoài ra, ở Việt Nam giá lúa gạo còn chịu ảnh hưởng từ các yếu tố khác như : vấn đề đặt cọc, câu chuyện thỏa thuận, mua bán, mùa vụ…

"Thực tế có hiện tượng đẩy giá, gây ảnh hưởng lớn tới thị trường", ông Hoan thừa nhận.

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 17/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Dân Trần, Hàn Lam
Read 123 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)