Bóng đá, golf, quyền anh, thậm chí đua xe Công thức 1 (Formule 1), Saudi Arabia chiếm một vị trí ngày càng lớn trong nền thể thao toàn cầu hóa. Với Quỹ Đầu tư trị giá 730 tỷ đô la, đứng hàng thứ 6 trên thế giới, Riyadh có những nguồn tài chính dồi dào để mua những gì mà họ muốn. Ngoài phục vụ đối nội, chính sách thể thao của Riyadh còn nhằm đánh bóng hình ảnh và gia tăng ảnh hưởng ngoại giao trên trường quốc tế.
Danh thủ Pháp Karim Benzema ký hợp đồng với câu lạc bộ bóng đá Al Ittihad, Saudi Arabia, ngày ngày 06/06/2023 via Reuters - Al Ittihad
Mua cầu thủ bóng đá hay mua người gây ảnh hưởng ?
Mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Saudi Pro League 2022-2023 chỉ thu hút trung bình 9.300 người hâm mộ đến các sân vận động. Nhưng mùa giải 2023-2024, khởi động từ ngày 11/08/2023 có thể sẽ khác hơn. Câu lạc bộ Al Ittihad vừa chi 440 triệu đô la để ký hợp đồng hai năm với danh thủ Pháp Karim Benzema, Quả Bóng Vàng 2022 đến từ Real Madrid và 100 triệu đô la mua N’Golo, trung vệ hàng đầu của đội Chelsea.
Danh thủ bốn lần được trao Quả Bóng Vàng, Cristiano Ronaldo, từ Manchester United đến đá cho câu lạc bộ Al Nassr với mức lương mỗi năm là 200 triệu đô la. Hay như đội trưởng Liverpool, Jordan Henderson, cũng đã ký với Al Ettifaq, một đội bóng khác của Saudi Arabia để được trả khoản lương mỗi tuần hơn 810 ngàn euro trong vòng ba năm.
Danh sách các ngôi sao bóng đá được Saudi Arabia nhắm đến không chỉ dừng ở đó. Riyadh được gì khi đầu tư bạc tỷ trong bóng đá ? Jean-Baptiste Guégan, chuyên gia địa chính trị thể thao trên đài phát thanh RTS khẳng định, Riyadh sẽ được "hoàn vốn" trước tiên là về thể thao và sau đó là trên phương diện hình ảnh và danh tiếng.
"Việc đón các cầu thủ này đến Saudi Arabia trước hết là nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tiên : Làm hài lòng giới trẻ Saudi Arabia và như vậy kích hoạt giải vô địch quốc gia. Mục tiêu thứ hai là biến giải vô địch chuyên nghiệp của đất nước thành một trong mười giải đấu hay nhất thế giới – hiện vẫn chưa được như thế. Nhưng mục đích thật sự ở đây chính là danh tiếng của đất nước. Tham vọng, là làm thế nào để Saudi Arabia có thể kiểm soát được hình ảnh của mình. Cuối cùng, họ không mua các cầu thủ mà là mua những người gây ảnh hưởng, những người này sau đó sẽ trở thành công chức của bộ Thông tin. Họ sẽ là những người quảng bá hình ảnh của Saudi Arabia ở trong nước và nước ngoài".
Đầu tư thể thao : Chính sách "Sportwashing" của Riyadh ?
Theo tuần báo kinh tế Anh The Economist, những biến đổi này của Pro League chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư trị giá nhiều tỷ đô la của Saudi Arabia vào nền thể thao thế giới. Chương trình này do hoàng thái tử Mohamed Ben Salman, còn được gọi là MBS, đề xướng trong kế hoạch "Tầm nhìn 2030".
Mục tiêu là nhằm đa dạng hóa nền kinh tế đất nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu dầu lửa. Kế hoạch dự trù phát triển nhiều ngành công nghiệp mới, giải phóng nền kinh tế, nhất là cho phép phụ nữ tham dự nhiều hơn vào thị trường lao động.
Nhưng những dự án này của MBS đã bị nhiều tổ chức đấu tranh nhân quyền chỉ trích là "hợm hĩnh" và "sportwashing", nghĩa là sử dụng thể thao như một công cụ để "tẩy sạch" tai tiếng đất nước liên quan đến các hành động vi phạm nhân quyền, nhất là sau vụ sát hại dã man nhà báo đối lập Jamal Khashoggi hồi tháng 10/2018.
Tuy nhiên, theo giải thích của Danyel Reiche, trường đại học Georgetown ở Qatar với The Economist, tham vọng đầu tư trong thể thao của Saudi Arabia trên thực tế đã có từ ba thập niên. Cuộc đua đầu tư thể thao khởi động từ năm 1993, khi Qatar lần đầu tiên tổ chức giải đấu quần vợt nam ATP World Tour.
Chính sách này đã được tăng tốc nhanh hơn nữa từ khi hoàng thái tử Mohamed Ben Salman lên cầm quyền. Đầu tư của Saudi Arabia trong thể thao không chỉ dừng trong bóng đá mà còn mở rộng sang nhiều môn thi đấu khác. Nhà xã hội học thể thao, Carole Gomez, trường đại học Lausanne, Thụy Sĩ, trên đài RTS cho biết, Riyadh đã từng bước xây dựng nền chính sách ngoại giao thể thao như thế nào :
"Người ta thấy từ năm 2016-2017, nhiều sự kiện thể thao khác nhau đã được tổ chức ở Saudi Arabia hay nhận được đầu tư ở trong nước. Những hoạt động này không chỉ có trong bóng đá : nhiều giải thi đấu quần vợt, đấm bốc hay đấu vật tự do cũng đã được tổ chức. Rồi dần dần, chính sách này được tăng tốc với nỗ lực tiếp quản câu lạc bộ Manchester United năm 2018-2019, mua Newcastle, hay nỗ lực đăng cai Cúp Bóng Đá nam thế giới vào năm 2030".
Golf, F1 : Thương hiệu "cao cấp", hình ảnh "tiến bộ" cho Ryadh
Ngoài bóng đá, Saudi Arabia của hoàng thái tử MBS còn đặt cược nhiều vào môn đua xe Công tThức (F1). Năm 2021, giải đua xe lớn diễn ra tại đường đua Djeddah. Cũng trong năm 2021 đó, thế giới đánh golf bị chấn động khi Riyadh tổ chức một cuộc tranh tài cạnh tranh với hệ thống giải đấu truyền thống của Bắc Mỹ (PGA) và châu Âu khi mua nhiều "cao thủ" đánh golf với giá cao. Cuộc chiến đường đua xanh này cuối cùng đã được giải quyết hồi trung tuần tháng 6/2023 qua việc hợp nhất các giải đấu dưới bảo trợ của Saudi Arabia.
Theo nhà địa chính trị Jean-Baptiste Guégan, môn đánh golf là một ví dụ hoàn hảo nhất cho tham vọng đầu tư thể thao của Riyadh.
"Với năng lực tài chính, Saudi Arabia có thể xây dựng cán cân quyền lực. Họ gần như đã "nuốt chửng" PGA – giải đấu chuyên nghiệp lớn nhất của Mỹ. Sắp tới quý vị sẽ còn trông thấy Saudi Arabia làm tương tự với nhiều môn thể thao khác như quần vợt hay môn bóng gậy (cricket). Nhưng Saudi Arabia sẽ không "đơn độc", bởi vì Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng sẽ đầu tư vào những môn thể thao này".
Vì những lý do gì mà Riyadh chi nhiều tiền cho ba môn thể thao chính là bóng đá, đua xe Công thức 1 và đánh golf ? Theo phân tích từ nhà sử học Nicolas Bancel, và cũng là giáo sư trường đại học Lausanne, với đài RTS, chiến lược bóng đá là do tính chất phổ quát : Quả bóng tròn là môn thể thao phổ biến nhất trên toàn thế giới. Còn với F1, môn đua xe này sẽ mang về một hình ảnh tiến bộ.
"Công thức 1, ngay cả khi môn thể thao này có bị phản đối do quan điểm sinh thái, chúng vẫn là một chiếc tủ kính trưng bày công nghệ cho những hãng sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới. Môn đánh golf, là hình ảnh "uy thế" của một môn thể thao thuần túy phương Tây. Lúc khởi đầu, đây là một môn thể thao "cao cấp", tốn rất nhiều tiền cho những người tham gia. Theo tôi, đây là một phần của chiến lược "cải tạo hình ảnh" mà Saudi Arabia tìm kiếm thông qua loại hình thể thao này".
Cuộc đua đầu tư thể thao trong khu vực
Với những khoản đầu tư to lớn này trong thể thao, Saudi Arabia hy vọng sẽ có được một tác động lan tỏa đến phần còn lại cho nền kinh tế. Một phần của chính sách này là nhằm xây dựng lại một thương hiệu trong một khu vực nổi tiếng với các xung đột tôn giáo, chủ nghĩa cực đoan và chiến tranh.
Theo nhận định của Steven Cook, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một cơ quan tư vấn ở New York, với The Economist, ý tưởng ở đây là "tốt hơn hết mọi người nên cùng nhau hợp tác vì sự thịnh vượng trong khu vực chứ không nên có xung đột và Saudi Arabia muốn được xem là đi đầu trong lĩnh vực này".
Do vậy, đối với Riyadh, đầu tư trong thể thao giờ là một hình thức "quyền lực mềm", một công cụ gây ảnh hưởng "êm dịu" khác. "Quyền lực mềm" trong thể thao mang tính toàn cầu nhiều hơn so với thứ "quyền lực mềm" tôn giáo có tính chất khu vực mà Saudi Arabia thực hiện cho đến lúc này thông qua việc tài trợ xây đền thờ và mở rộng đạo Hồi hệ phái Sunni. Về điểm này, nhà sử học Nicolas Bancel đưa ra hai hướng phân tích :
"Trước hết, có một lô-gic cạnh tranh nội bộ trong khu vực với Qatar và cả với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, những nước đã có chính sách thể thao từ rất lâu. Thứ hai, tôi nghĩ rằng Saudi Arabia đang đi theo một tiến trình năng động của xu thế đa cực hóa thế giới. Quyền lực mềm bằng thể thao cho phép củng cố hơn nữa lập trường này và tham gia vào sự năng động đó mà không bị gạt sang một bên so với phương Tây".
Phát triển thể thao: Công cụ chính trị đối nội
Cuối cùng đầu tư lớn trong thể thao còn vì mục tiêu đối nội. Bộ trưởng Đầu tư Khaled al-Faleh trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho kênh truyền hình Mỹ CNBC đã khẳng định "bất kỳ một thể thao nào có người tiêu thụ ở cấp độ quốc gia và toàn cầu, có thể mang lại cơ hội đầu tư cũng như là cải thiện chất lượng cuộc sống tại Saudi Arabia chúng tôi đều quan tâm".
Theo nhà phân tích địa chính trị thể thao Jean-Baptiste Guégan, một chiến lược như vậy chủ yếu nhắm vào giới trẻ Saudi Arabia :
"Đó là cơ sở chính trị cho 40 năm tới. Trao cho họ những gì họ muốn còn là một phần khế ước xã hội : "Tôi mang lại cho quý vị sự phát triển, kinh tế, giải trí nhưng chớ nên đòi hỏi tôi dân chủ". Đây còn là một cách đối phó trước một dạng nguy cơ xảy ra các mùa xuân Ả Rập.
Điều thứ hai còn có liên quan đến vấn đề y tế. Khoảng 70% dân số là dưới 35 tuổi nhưng có đến 60% người dân là bị quá cân hay trong tình trạng béo phì. Ngày nay, số người chơi thể thao tại Saudi Arabia là chưa tới 10%. Rõ ràng mục tiêu ở đây là mang tính kinh tế : Khuyến khích người dân Saudi Arabia dù là nam hay nữ nên chơi thể thao. Bởi vì, Nhà nước khó thể gánh nổi các chi phí dành cho y tế ngay cả khi Saudi Arabia có phương tiện".
Cuộc phiêu lưu nào cũng có những rủi ro. Saudi Arabia có thể phải đối mặt với những khó khăn do chính mô hình thương mại của nước này gây ra cũng như là những chỉ trích về vấn đề nhân quyền như những gì xảy ra cho Qatar. Kết quả từ những nỗ lực trên của Saudi Arabia hiện vẫn còn quá khiêm tốn. Nhưng có một điều chắc chắn là sự gia nhập của vương quốc này trong đầu tư thể thao đang góp phần cho một sự biến đổi lớn trong nền thể thao thế giới.
(The Economist, RTS)
Minh Anh
Nguồn : RFI, 17/08/2023