Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/08/2023

Cộng đồng người Thượng trên Tây Nguyên không còn như trước

Hải Di Nguyễn

Việt Nam trả lời Báo cáo viên Đặc biệt Liên Hiệp Quốc, Việt Nam nói "không có người bản địa"

Hải Di Nguyễn, Mạch Sống Media, 11/08/2023

Ngày 9/8 là Ngày Quốc tế Dân tộc Bản địa Thế giới (International Day of the World’s Indigenous Peoples).

Trong thư phản hồi của Việt Nam ngày 27/7/2023 cho thư tố giác của Báo cáo viên Đặc biệt Liên Hiệp Quốc ngày 6/9/2022, họ nói Việt Nam không có người bản địa, và cũng không có cái gọi là người Thượng bản địa (indigenous Montagnards).

Việt Nam cũng phủ nhận có đàn áp người Thượng về vấn đề tôn giáo.

bandia1

Nhóm Tin lành Buôn Dhiă cầu nguyện cho các nạn nhân bị bách hại vì lý do tôn giáo 22/8/2022. 

Thư tố giác nói gì ?

Thư tố giác được ký bởi bà Nazila Ghanea (Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo hoặc niềm tin), ông Mumba Malila (Phó trưởng nhóm công tác về bắt giữ tùy tiện), ông Clement Nyaletsossi Voule (Báo cáo viên Đặc biệt về quyền tự do hội họp ôn hòa và lập hội), và ông Fernand de Varennes (Báo cáo viên Đặc biệt về các vấn đề thiểu số).

Thư nhắc tới cáo buộc rằng ông Cung Niê, ông Y Thinh Niê, và ông Y Don Niê, ba người Thượng theo đạo Tin lành, bị đàn áp, bắt giữ tùy tiện, và tra hỏi không có luật sư, khi họ có các hoạt động cho Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của hành vi bạo lực liên quan đến tôn giáo hoặc niềm tin (22/8 hàng năm).

Thư tố giác cũng nói những hình phạt với ông Cung Niê, ông Y Thinh Niê, và ông Y Don Niê "không phải là trường hợp cá biệt" và trước đây chính quyền Việt Nam đã "bắt giữ, thẩm vấn, và đe dọa thành viên các nhóm tôn giáo độc lập khác nhau" khi tưởng niệm ngày này.

Họ nhắc tới một số trường hợp khác như ông Y Phô Êban, ông Y Siu Loar, ông Y Khen Buondap của các hệ phái Tin lành; và các tín đồ Cao Đài độc lập.

Việt Nam phản hồi như thế nào ?

Trong thư phản hồi ngày 27/7, Việt Nam phủ nhận mọi cáo buộc và nói ở Việt Nam "không ai bị bắt giữ tùy tiện hay trừng phạt vì thực hiện các quyền tự do hợp pháp, bao gồm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, tự do ngôn luận và quan điểm, tự do hội họp và lập hội".

Về ba ông Y Cung Niê, Y Thinh Niê, Y Don Niê, nhà nước Việt Nam cáo buộc họ có "những hoạt động phức tạp liên quan đến tổ chức FULRO [nguyên văn viết là FURLO]".

Như đã viết nhiều lần trên Mạch Sống (trong bài viết về Y Phic H’dokY Quynh BuondapY Arôn ÊbanY Dú Ksơr…), các tín đồ Tin lành ở Tây Nguyên, khi bị chính quyền địa phương bắt giữ, đều luôn bị tra hỏi về FULRO và bị cáo buộc là hoạt động cho FULRO, dù họ đều khẳng định không có.

Thư phản hồi của nhà nước Việt Nam nói công an địa phương mời ba ông Y Cung Niê, Y Thinh Niê, và Y Don Niê lên làm việc và đó "là hoạt động bình thường của lực lượng công an Việt Nam" – "việc mời công dân lên nói chuyện không phải là bắt bớ nên theo luật không bắt buộc phải có luật sư".

Phủ nhận đàn áp các nhóm Cao Đài và Tin Lành, thư khẳng định nhà nước Việt Nam "bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân, quyền theo hoặc không theo tôn giáo, bảo đảm bình đẳng và không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng, và có luật pháp bảo vệ hoạt động của các tổ chức tôn giáo".

Việt Nam có người bản địa không ?

Thư phản hồi nói "ở Việt Nam không có người bản địa, cũng không tồn tại cái gọi là ‘người Thượng bản địa’ (indigenous Montagnards)". Việt Nam nói Việt Nam có 54 sắc tộc cùng sinh sống, và từ "Montagnard" không được công nhận.

Trong phỏng vấn đăng trên RFA Tiếng Việt ngày 5/7/2023, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giáo sư Phụ trách bộ môn Dân tộc học khu vực Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis Diderot, Paris 7 (1995-1999) cho biết :

"Đất nước mình tuy có lịch sử lâu dài, như người ta hay nói là 4000 năm, nhưng thực ra rất là mới.

"Hơn nữa, lịch sử lâu dài đó của Việt Nam thực sự chỉ tập trung ở phía Bắc, xung quanh sông Hồng. Còn dải đất miền Trung thì mới chỉ được sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam sau này. Thanh Hóa, Nghệ An thì sớm hơn, còn từ Huế trở vào thì mới nhập vào lãnh thổ Việt Nam mấy trăm năm nay. Miền Nam thì gia nhập trễ nhất, có những khu vực mới nhập vào từ thế kỉ 19.   

"Còn Tây Nguyên thì thực tế chỉ được "hội nhập" vào lãnh thổ Việt Nam từ đầu thế kỉ 20. Trước đó thì quyền lực các vương triều phong kiến đối với Tây Nguyên rất lỏng lẻo, chỉ có tính chất tượng trưng, phủ dụ.

"Thành ra, nếu mình nói cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên không phải là người bản địa, hay người Khmer ở Miền Nam, người Chăm ở miền Trung không phải là người bản địa chỉ là cách nói hồ đồ, khiên cưỡng, không đúng với sự thật".

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy cũng nói :

"Ít nhất đã từng có hai cơ chế tôn trọng quyền của người bản địa như vậy. […] Sau khi Chính phủ Quốc gia Việt Nam ra đời, ông Bảo Đại đặt ra quy chế "Hoàng triều Cương thổ", tôn trọng tính tự trị của người bản địa ở Tây Nguyên và các vùng miền núi phía bắc. […]

"Năm 1956, ở miền Bắc, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố Sắc lệnh số 268/SL ngày 7/1/1956 thành lập Khu Tự trị Việt Bắc. Nội dung của Sắc lệnh này đã chứng tỏ rất rõ là Việt Nam có người bản địa, dù văn bản này không nhắc tới khái niệm đó".

Việt Nam đối xử với người bản địa như thế nào ?

bandia2

Người Thượng thôn K'rèn phản đối cưỡng chế đất làm dự án hồ Tà Hoét ở Lâm Đồng năm 2023.

Anh Y Quynh Buondap, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, nói ngày 28/4/2023 "Bản thân tôi nhận thấy người Thượng ở Tây Nguyên chịu nhiều thiệt thòi, con người bị phân biệt đối xử, đất đai bị chính quyền tước đoạt, tôn giáo bị đàn áp".

Anh Y Arôn Êban, người Êđê hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan, nói ngày 19/5/2023 "Mình thờ phượng Chúa, đi nhóm của hội thánh độc lập, nếu chính quyền phát hiện được, họ mời lên đồn công an tra hỏi, thẩm vấn dù mình không làm gì cả" và "họ cáo buộc mình tuyên truyền về Tin lành Đêga, xây dựng cơ sở ngầm của FULRO".

Thế nhưng khi ghi danh học Kinh Thánh ở Hội thánh Tin lành Miền nam Việt Nam (được nhà nước Việt Nam công nhận), anh bị từ chối vì bị coi là "phản động".

bandia0

Trẻ em người Thượng trên Tây Nguyên thường thiếu ăn và thiếu mặc

Ngoài chuyện phân biệt đối xử và đàn áp về tôn giáo, người Thượng cũng bị chiếm đoạt đất.

"Chính quyền hứa là hợp đồng 20 năm hoặc 30 năm hoặc 15 năm sẽ trả lại cho người dân, nhưng sau giải phóng thì họ trưng dụng các đất đai đó… Người Kinh từ phía bắc có quyền phát nương làm rẫy, còn những người tại chỗ phát nương làm rẫy thì bị kiểm lâm và bị chính quyền tịch thu, bắt bỏ tù. Đó là những vấn đề kỳ thị rất rõ ràng".

Nhiều người Thượng khi tham gia biểu tình đòi lại đất đai và đòi tự do tôn giáo bị giam giữ và đánh đập tra tấn.

Ông Y Dú Ksơr, người Êđê từ Phú Yên, nói ngày 26/5/2023 "họ đánh tôi bằng dùi cui, vào xương sườn, xương sống… Họ cũng đá vào hòn dái, đánh vào ngực, tát vào miệng… tôi cũng bị gãy răng".

Ông cũng nói trong một năm đó, ông bị nhốt trong hầm "tối tăm, mịt mù… Nhốt ở dưới lòng đất, mịt mù, không thấy mặt trời mặt trăng, giống bị điên khùng luôn… Một hầm chỉ có một người, không có hai, không có ba. Chỉ ở trong đó, ăn trong đó, kinh khiếp luôn".

Sau vụ xả súng ngày 11/6

Ngày 11/6/2023 vừa qua, đã có vụ xả súng tấn công trụ sở công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm chín người thiệt mạng, bao gồm công an xã, cán bộ xã, và người dân. Chánh văn phòng Bộ Công an Đặng Hồng Đức được dẫn lời là "nguyên nhân do âm mưu của các thế lực thù địch, một số nghi phạm FULRO [bài gốc viết là Fulro] lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ người Kinh với dân tộc thiểu số".

Trong một bài viết ngày 13/7, tôi đã viết về chuyện người Thượng bị ảnh hưởng như thế nào sau vụ xả súng.

Anh Y Phic H’dok, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, nói "Việt Nam cần cởi mở và làm rõ ràng để các báo chí và quốc tế cùng tham gia điều tra làm rõ vụ việc".

Anh Y Quynh Buondap cũng nói "tôi hy vọng nhà nước Việt Nam sẽ có một thái độ tôn trọng hơn và ít phân biệt đối xử hơn, lắng nghe ý kiến của người Thượng bản địa và lắng nghe những mong muốn của họ để họ được có quyền nói lên những bức xúc hoặc những vấn đề họ đang cần giải quyết, phải giải quyết đúng vấn đề nguyện vọng của họ…".

Hải Di Nguyễn

Nguồn : Mạch Sống Media, 14/08/2023

https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/1984-viet-nam-tra-loi-bao-cao-vien-dac-biet-lhq-noi-viet-nam-khong-co-nguoi-ban-dia.html

************************

Người Thượng bị ảnh hưởng như thế nào sau vụ xả súng 11/6 ?

Hải Di Nguyễn, Mạch Sống Media, 13/07/2023

Ngày 11/6/2023 vừa qua, đã có vụ xả súng tấn công trụ sở công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm chín người thiệt mạng, bao gồm công an xã, cán bộ xã, và người dân.

Tại Hội nghị của Ban Tuyên giáo ngày 16/6 , Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh văn phòng Bộ Công an được dẫn lời là "Theo đánh giá bước đầu, nguyên nhân do âm mưu của các thế lực thù địch, một số nghi phạm FULRO [bài gốc viết là Fulro] lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ người Kinh với dân tộc thiểu số gây mất trật tự và gây tiếng vang ở nước ngoài".

bandia3

Trụ sở đồn Công an Xã Ea Tiêu

Theo RFA tiếng Việt đăng tin ngày 20/6, 74 người đã bị bắt giữ và Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk nói với báo chí đã bắt hết "các đối tượng cầm đầu" vụ tấn công.

Ngày 20/6, tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Hoa Kỳ, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa cho biết trong số người bị bắt có "thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công", nhưng không nói rõ tổ chức nào.

Sau vụ xả súng ngày 11/6, báo chí độc lập và mạng xã hội đã có nhiều bài viết và tranh luận về vụ tấn công, về cách báo chí nhà nước và dư luận viên đưa tin, và về những mâu thuẫn âm ỉ của các cộng đồng bản địa ở Tây Nguyên.

Vậy vụ tấn công vừa qua và dư luận có tác động thế nào đến các cộng đồng người Thượng ở Việt Nam và nước ngoài ?

Ảnh hưởng tới người Thượng ở Việt Nam

Anh Y Phic H’dok, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý và hiện đang sống tại Mỹ, nói ngày 12/7 :

"Nhiều người Êđê không thể kiếm được việc làm vì các nhà tuyển dụng từ chối khi nghe đến người Êđê, họ nói rằng họ là người bạo động, khủng bố. Có nhiều người trong gia đình của họ bị bắt oan và chính quyền đe dọa không cho phép cung cấp thông tin ra bên ngoài, nếu không sẽ bị bỏ tù. Chính quyền khuyến khích người Kinh bắt người Êđê khi họ mặc đồ rằn ri, trong khi đó người Kinh thì không bị bắt, mặc dù họ vô tội. Nhân cơ hội này, chính quyền đàn áp lãnh đạo của các hội thánh tư gia càng nhiều hơn".

Anh Y Quynh Buondap, cùng sáng lập Người Thượng vì Công lý và đang tỵ nạn tại Thái Lan, cho biết ngày 12/7 :

"Sau vụ việc đó người dân Đêga bị cấm ra khỏi địa phương của họ, nhất là khu vực huyện Cư Kuin. Làm cho người dân bàng hoàng lo sợ, đến nỗi không được đi làm vì đi làm cứ thấy người Thượng Đêga mặc áo lao động hay quần áo rằn ri là có người Kinh đuổi theo vây bắt đánh đập…".

Ngày 5/7 chị Becky, nhà hoạt động quyền người bản địa Tây Nguyên đang sống tại Thụy Sỹ, cho biết hình ảnh người Thượng "cũng xấu đi. Ví dụ, một số người gán ghép cho người Thượng là những người thích bạo động, thích gây chia rẽ".

Anh Y Quynh Buondap nói người Thượng "không đòi gì hết, họ chỉ đòi được tự do sinh sống trên đất đai tổ tiên và tôn giáo của họ đã có từ ngàn đời xưa, và mong muốn được tôn trọng quyền người bản địa và vùng đất của họ".

Theo anh, phản ứng của nhà nước Việt Nam chỉ tăng thêm "chia rẽ giữa người Thượng Tây Nguyên và người Kinh, và gây hận thù dân tộc".

Tác động tới người Thượng tỵ nạn tại Thái Lan

Chị Becky cho biết "Những người hồ sơ không nổi bật, họ không bị ảnh hưởng nhiều".

Tuy nhiên "có một số người Thượng tỵ nạn tại Thái Lan thuộc dạng hồ sơ nổi bật, họ bị áp lực như truyền thông nhà nước đưa thông tin của họ trên mặt báo hay trên internet rất là nhiều. Họ mất ăn mất ngủ, và người nhà của họ cũng bị đàn áp, cũng bị áp lực rất nhiều. Và hiện tại nhiều người phải tìm nơi ở khác".

Anh Y Quynh Buondap nói "Nhiều dư luận viên đã tung ra một số bài viết tấn công tôi và vu cáo rằng tôi là thủ lĩnh trong vụ xả súng tại Tây Nguyên vừa qua với những nội dung hoàn toàn sai sự thật".

Như đã viết trong thông cáo báo chí ngày 11/6 của tổ chức Người Thượng vì Công Lý, anh lần nữa khẳng định "chúng tôi không liên quan đến bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào xúi giục, thúc đẩy, âm mưu hoặc tiếp tay cho việc sử dụng bạo lực vì bất kỳ mục đích gì".

bandia4

Thông cáo báo chí của Hội Người Thượng Vì Công Lý (MSFJ) ngày 11/06/2023

Anh Y Quynh Buondap nói "Bản thân tôi lo sợ bàng hoàng vì có thể mật vụ Việt Nam họ có thể bắt cóc áp giải về Việt Nam như những người Việt Nam khác đã từng bị, như mới đây ông Đường Văn Thái đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc về Việt Nam".

Anh cho biết "tôi phải di chuyển nhà để được an toàn và viết thư xin sự bảo vệ từ văn phòng UNHCR, luật sư CAP và các văn phòng tổ chức quốc tế biết đến tình trạng của tôi và cộng đồng người Thượng tị nạn đang gặp nguy hiểm và bản thân tôi bị đe dọa đến tính mạng, bởi ở Thái Lan chưa phải là nơi an toàn. Và thông báo tất cả cộng đồng hạn chế ra ngoài và di chuyển nơi ở để tìm nơi an toàn hơn".

Theo lời chị Becky, một số người tỵ nạn ở Thái Lan gần đây cho biết là họ nhận được tin nhắn uy hiếp. Ngoài ra, có vài người lạ mặt tới trường học của con cái người tỵ nạn và chụp hình các em.  

Trong phỏng vấn ngày 18/6, chị H Thái Ayun, một người Êđê làm việc cho CAMSA và giúp đỡ nạn nhân buôn người, cũng nói "Tình hình hiện tại rất căng… Vụ xả súng ở Đắk Lắk, họ đổ tội cho người tỵ nạn ở Thái Lan là kẻ xúi giục, cầm đầu các cuộc bạo loạn. Họ yêu cầu chính phủ Thái trục xuất những người tỵ nạn ở Thái Lan. Rất lo lắng".

Tác động tới người Thượng ở Mỹ

Anh Y Phic H’dok cũng nói "Sau sự việc này, công an địa phương Y Phi Bya, vào ngày 7 tháng 7 năm 2023 đã đến nhà tôi để sách nhiễu gia đình, và điều tra hỏi thăm cuộc sống tôi ở bên Mỹ, và ngày 10 tháng 7 công an lại tiếp tục gọi điện cho gia đình đòi gặp để xác định danh tính của tôi hiện tại đang định cư ở Mỹ, tất cả đó chỉ là cớ của họ để sách nhiễu, đây được gọi là hành vi đàn áp xuyên quốc gia".

Sau vụ tấn công ngày 11/6

Anh Y Phic H’dok nói "Việt Nam cần cởi mở và làm rõ ràng để các báo chí và quốc tế cùng tham gia điều tra làm rõ vụ việc. Việt Nam cần thả ngay những người vô tội, các nhà lãnh đạo hội thánh tư gia. Chính quyền phải tôn trọng luật pháp Việt Nam và quốc tế, bảo vệ quyền lợi của người dân, và giải quyết thoả đáng vấn đề đất đai của người dân".

Anh Y Quynh Buondap cũng nói "tôi hy vọng nhà nước Việt Nam sẽ có một thái độ tôn trọng hơn và ít phân biệt đối xử hơn, lắng nghe ý kiến của người Thượng bản địa và lắng nghe những mong muốn của họ để họ được có quyền nói lên những bức xúc hoặc những vấn đề họ đang cần giải quyết, phải giải quyết đúng vấn đề nguyện vọng của họ…".

Hải Di Nguyễn

Nguồn : Mạch Sống Media, 14/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hải Di Nguyễn
Read 192 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)