Ban Bí thư, cơ quan chỉ đạo công việc hàng ngày của Đảng cộng sản Việt Nam, vừa có hai thành viên mới.
Ông Phan Đình Trạc và Nguyễn Xuân Thắng được bầu bổ sung vào Ban Bí thư
Tại buổi họp trung ương ngày 6/10, đã diễn ra việc bầu bổ sung Ủy viên Ban Bí thư khóa XII.
Kết quả, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, được bầu vào Ban Bí thư.
Theo quy định của Đảng cộng sản, Ban Bí thư gồm một số Ủy viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và một số Ủy viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Cơ quan này có nhiệm vụ chỉ đạo công việc hàng ngày của Đảng, quyết định một số vấn đề về tổ chức cán bộ và một số vấn đề khác theo sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương.
Đứng đầu Ban Bí thư là Tổng bí thư, với người thứ hai là Thường trực Ban Bí thư phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư.
Trưởng ban Nội chính Trung ương
Ông Phan Đình Trạc được Bộ Chính trị bổ nhiệm, từ chức Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương lên giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương vào tháng 2/2016.
Ông vốn là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An quân hàm Đại tá, sau đó trở thành Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An rồi làm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương.
Tại lễ trao quyết định bổ nhiệm khi đó, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ca ngợi ông Trạc là "ở cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Sinh năm 1958 tại Nghệ An, ông Phan Đình Trạc đã là Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 11, 12.
Hiện tại ông cũng là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Ban Nội chính Trung ương được thành lập lại vào cuối năm 2012.
Về chức năng, đây là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên quan lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Trong một lần tiếp xúc cử tri ngày 28/4, ông Phan Đình Trạc phát biểu : "Ai tham nhũng cũng phải xử lý, song cần chọn những vụ việc, vụ án trọng điểm để xử lý trước. Thời gian qua, Tòa án đã xét xử và tuyên 8 án tử hình về tội tham nhũng ; phạt tù và nhiều biện pháp khác đối với các tổ chức, cá nhân làm thất thoát tài sản của Nhà nước."
Trường đào tạo cao cấp nhất của Đảng
Sinh năm 1957 tại Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Thắng có học hàm Phó Giáo sư rồi Giáo sư, học vị Tiến sĩ kinh tế.
Theo tiểu sử, ông từng làm nghiên cứu sinh ở Nga tại Viện MEMO thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga trong hơn 5 năm, rồi làm cộng tác viên khoa học cho Viện này trong 3 năm.
Năm 1995, ông về lại Việt Nam, làm việc ở Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Từ 2001, ông làm Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Năm 2016, ông giữ chức Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngôi trường đào tạo cao cấp nhất của Đảng cộng sản.
Tại đây, đào tạo cao cấp lý luận chính trị được xem là nhiệm vụ then chốt, với mục tiêu trực tiếp là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cho hệ thống chính trị tại Việt Nam.
Trong một bài viết năm 2016, ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá : "Tự thân kinh tế thị trường không đưa đến chủ nghĩa xã hội, nhưng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công dứt khoát phải phát triển kinh tế thị trường."
Ông nói "đặc trưng riêng" của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ là : "Phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHXN, do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, vì lợi ích của đại đa số nhân dân, hướng vào con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, mọi người được tham gia và mọi người được hưởng lợi."
Danh sách Ban bí thư khóa XII gồm 12 thành viên :
1. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Bí thư Quân ủy trung ương
2. Ông Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư
3. Ông Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, tham gia Thường trực Ban Bí thư trong thời gian ông Đinh Thế Huynh điều trị bệnh kể từ ngày 1/8/2017
4. Ông Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức trung ương
5. Ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương.
6. Bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận trung ương
7. Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế trung ương
8. Ông Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
9. Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng trung ương
10. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao
11. Ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính trung ương
12. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Trong các cuộc đấu tranh của phe ly khai Catalonia tuần này người ta thấy hai lá cờ.
Cờ nền vàng vạch đỏ đã có từ thế kỷ 11 - 12 trên gia huy của các vị vương xứ Aragon
Một cờ vàng bốn sọc đỏ, tức La Senyara, là cờ chính thức của Vùng tự trị Catalonia.
Một lá cờ khác, cũng nền vàng có sọc đỏ nhưng còn có ngôi sao trắng trên nền xanh ở góc trái lá cờ, là L'Estellada, không được coi là chính thức.
Lịch sử hai lá cờ này cũng gắn chặt với lịch sử vùng đất nằm về phía Đông Bắc Tây Ban Nha, giáp nước Pháp và có tinh thần độc lập đang dâng lên.
Bốn ngón tay chảy máu
Người Catalonia (hiện có khoảng 7,5 triệu) luôn tự hào về lá cờ vàng bốn sọc đỏ.
Chính thức mà màu cờ vàng sọc đỏ là của cả Vùng Tự trị Tây Ban Nha gồm Catalonia, Aragon, các đảo Balearic, và cả Valencia.
Ngoài ra, các thành phố nói tiếng Catalan ở bên ngoài Tây Ban Nha mà nay thuộc Pháp (Provence) và Ý (Sardinia) cũng dùng màu cờ này.
Trưng cầu dân ý của người Catalonia gây khó khăn cho Madrid
Nó cũng có trên quốc huy của Andorra.
Người ta tin rằng cờ nền vàng vạch đỏ đã có từ thế kỷ 11 ở khu vực Châu Âu này và xuất hiện trên gia huy của các dòng vua chúa xứ Aragon.
Các công tước Barcelona (nay là thủ phủ Catalonia) đã kiểm soát cả Aragon.
Ngày nay, ở Aragon thuộc Pháp vẫn có các cộng đồng nói tiếng Catalan.
Bị kẹt giữa hai vương triều lớn hơn của các vua Pháp và Tây Ban Nha, người Catalonia và Aragon đã liên tục đấu tranh vì quyền tự trị.
Cùng lúc, các công quốc trong vùng đều có quyền lợi gắn liền với Vatican, và đã có lúc Barcelona chỉ thần phục Giáo hoàng La Mã, và màu cờ vàng đỏ cũng là màu cờ của Tòa Thánh.
Lá cờ bốn vạch đỏ còn được gọi là 'Els Quatre Dits de Sang' hay 'Bốn ngón tay máu'.
Cảm hứng từ Cuba
Còn lá cờ L'Estelada có thêm "ngôi sao cô đơn' màu trắng trên nền xanh dương lại là cờ chỉ của phái ly khai Catalonia.
Cờ có ngôi sao 'cô đơn' trên nền xanh
Lấy cảm hứng từ màu cờ có ngôi sao của Puerto Rico và Cuba giành độc lập khỏi thực dân Tây Ban Nha, phe ly khai Catalonia đã đặt ngôi sao tương tự vào cờ của họ mới hồi đầu Thế kỷ 20.
Trong thập niên 1930, Mặt trận Dân tộc Catalonia (FNC) đã dùng lá cờ này.
Cuộc đấu tranh của người Catalonia bị đặt ra ngoài vòng pháp luật thời Tướng Francisco Franco và lá cờ 'L'Estelada bị cấm.
Phe thiên tả Catalonia đã thay ngôi sao trắng bằng ngôi sao đỏ, và gọi đó là cờ đỏ (Estelada Vermella, hay Red Estelada) từ năm 1968.
Sau khi Tướng Franco qua đời và Tây Ban Nha có nền dân chủ, cờ L'Estelada trở thành biểu tượng tự do của Catalonia và không được chính quyền trung ương ở Madrid khuyến khích.
Trước và sau cuộc trưng cầu dân ý bị cấm đòi độc lập ngày 1/10/2017, dân Catalonia đã công khai treo cờ này.
Nhưng trong trường hợp Catalonia được độc lập - điều cả Madrid và Liên Hiệp Châu Âu không ủng hộ - thì cờ vàng bốn sọc đỏ Senyera sẽ trở thành quốc kỳ của Catalonia.
Nguồn : BBC, 02/10/2017
Trong lúc Bắc Hàn và Hoa Kỳ tiếp tục hăm dọa lẫn nhau thì chúng ta không biết gì nhiều về việc cuộc khẩu chiến được người dân Bắc Hàn đón nhận ra sao, bởi chính quyền ông Kim Jong-un vẫn kiểm soát chặt người dân và quản lý cẩn trọng việc dân chúng tiếp cận với thế giới bên ngoài.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thường được mô tả là một quốc gia cô lập, lạc hậu trong thế kỷ 21. Các số liệu thì khó mà có được, và thường được đưa ra dựa trên ước đoán.
Nhưng liệu những thứ ước đoán đó có cho chúng ta biết gì về cuộc sống ở Bắc Hàn không ?
Cha truyền con nối - Ảnh minh họa
Ông Kim Nhật Thành thành lập ra Bắc Hàn vào năm 1948, và triều đại nhà Kim đã nắm quyền kể từ đó tới nay theo hình thức cha truyền con nối.
Trong cùng thời gian đó thì Nam Hàn đã trải qua sáu chế độ cộng hòa, một cuộc cách mạng, vài cuộc đảo chính quân sự và quá trình chuyển tiếp sang các kỳ bầu cử tự do, công bằng.
Có tổng số 12 vị tổng thống đã dẫn dắt Nam Hàn trong 19 nhiệm kỳ.
Người dân hiếm có điện thoại di động
Ba triệu điện thoại di động nghe có vẻ nhiều, nhưng với một đất nước có 25 triệu dân thì nó chỉ thể hiện một điều là trung bình trong 10 người dân mới có hơn một người có điện thoại di động. Hầu hết người dùng điện thoại di động có vẻ như tập trung ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Ngược lại, với dân số khoảng 51 triệu người thì lượng đăng ký thuê bao còn đông hơn số dân sống tại Nam Hàn.
Trên thực tế chỉ có một mạng di động là Koryolink, thị trường di động Bắc Hàn khá hạn chế, nhưng đang tăng trưởng.
Ban đầu được hợp tác với hãng viễn thông Ai Cập Orascom, trong nhiều năm Koryolink vẫn là lựa chọn duy nhất.
Tuy nhiên, vào năm 2015, Orascom phát hiện ra là Bắc Hàn khi đó đang xây dựng một mạng cạnh tranh là Byol, và hãng Ai Cập này buộc phải tiết lộ với các nhà đầu tư của mình rằng hãng đã mất quyền kiểm soát mạng dịch vụ với trên ba triệu thuê bao.
Có lý do để nghi ngờ về những con số thuê bao này.
Nghiên cứu do Viện Mỹ-Hàn tại SAIS thực hiện cho thấy một số phần tăng trưởng được dựa trên cách tính của Bắc Hàn rằng việc mua thuê bao sẽ rẻ hơn việc tăng thời lượng gọi.
Bên cạnh việc khan hiếm điện thoại di động, đa số người dân Bắc Hàn chỉ được phép kết nối vào 'internet riêng' của nước này - thực chất là một mạng nội bộ khép kín, chỉ hoạt động trong phạm vi đất nước.
Các phúc trình hồi 2016 nói rằng Bắc Hàn chỉ có tổng số 28 tên miền được đăng ký.
Người Triều Tiên thấp hơn người Hàn Quốc
Nghe có vẻ như huyền thoại phố thị, nhưng có những nghiên cứu nói rằng đàn ông Bắc Hàn có chiều cao trung bình thấp hơn so với đàn ông Nam Hàn.
Giáo sư Daniel Schwekendiek từ Đại học Sungkyunkwan University ở Seoul đã nghiên cứu chiều cao của những người Bắc Hàn đào tẩu khi họ vượt biên giới chạy sang Nam Hàn, và thấy rằng họ thấp hơn từ 3 đến 8 cm so với người Nam Hàn.
Schwekendiek chỉ ra rằng sự khác biệt về chiều cao không thể là do gene được, bởi người dân hai miền đều cùng là một dân tộc.
Ông cũng bác bỏ những ý tưởng chỉ trích theo đó nói người tị nạn nhiều khả năng là suy dinh dưỡng nên có hình thể thấp bé hơn.
Thiếu đói thực phẩm được cho là yếu tố chính khiến người Bắc Hàn thấp bé hơn.
Đường sá tại Triều Tiên không tốt
Những hình ảnh từ thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn thường cho thấy phố xá rộng rãi, thông thoáng ít xe cộ tắc nghẽn, nhưng bên ngoài thành phố thì câu chuyện lại khác hẳn.
Bắc Hàn có khoảng 25.554 km đường bộ, theo các số liệu có hồi 2006, nhưng chỉ có 3% là thực sự được rải nhựa đường, tính ra là chỉ 724km.
Cũng theo ước tính thì cứ trong 1.000 dân Bắc Hàn chỉ có 11 người sở hữu xe hơi, và do đó tại các bến xe buýt luôn có hàng dài mọi người xếp hàng chờ đợi.
Cảnh xếp hàng chờ giao thông công cộng ở Bắc Hàn
Than là sản phẩm chủ yếu của Triều Tiên
Bắc Hàn dựa vào hoạt động xuất khẩu than để giữ nền kinh tế tồn tại, nhưng khó mà tính được là giá trị thực sự của ngành này là gì, bởi số liệu chỉ có được từ các quốc gia nhập khẩu than Bắc Hàn.
Hầu hết than Bắc Hàn được xuất sang Trung Quốc, là nước hồi 2/2017 đã ra lệnh cấm nhập than của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đặt câu hỏi về bản chất của lệnh trừng phạt này.
"Có những người theo dõi hành trình tàu bè, và họ đã nhìn thấy các tàu của Bắc Hàn đậu tại các cảng dỡ than của Trung Quốc ngay cả khi đã có lệnh cấm. Tôi tin rằng Trung Quốc đã gián đoạn việc nhập than, nhưng không phải là thôi hoàn toàn", Kent Boydston, nhà nghiên cứu, phân tích từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói.
Người dân Nam Hàn có mức sống cao
Cho tới 1973, Bắc Hàn và Nam Hàn khá tương đương nhau về mức độ thịnh vượng.
Kể từ đó, Nam Hàn đã phát triển vũ bão, trở thành một trong các nhà sản xuất công nghiệp hàng đầu thế giới, với các đại công ty như Samsung hay Hyundai nổi tiếng toàn cầu.
Bắc Hàn dậm chân mãi như thời thập niên 1980, với hệ thống kinh tế quốc doanh điều hành.
So sánh thực lực quân sự Nam Bắc
Đứng thứ 52 thế giới về mặt dân số, nhưng Bắc Hàn được coi là quốc gia có nền quân sự lớn thứ tư thế giới.
Chi phí quốc phòng ước tính chiếm tới 25% tổng GDP, và hầu như mọi đàn ông Bắc Hàn đều phải trải qua huấn luyện quân sự dưới hình thức này hay hình thức khác.
Người Nam Hàn có tuổi thọ cao hơn
Hàng loạt nạn đói hồi cuối thập niên 1990 khiến tuổi thọ Bắc Hàn giảm mạnh. Nhưng ngay cả khi không vướng gì yếu tố này thì miền Bắc vẫn có tuổi thọ trung bình thấp hơn 12 năm.
Tình trạng khan hiếm thực phẩm ở Bắc Hàn vẫn tồn tại, và đó là một trong những lý do khiến người Nam Hàn thọ hơn người miền Bắc.
nhưng người Triều Tiên sinh con nhiều hơn
Trong năm 2017, tỷ lệ sinh nở ở Nam Hàn đạt mức thấp kỷ lục, trong lúc nước này tiếp tục phải đối phó với tình trạng đã kéo dài suốt cả thập niên, là cần phải tăng mức sinh nở.
Nam Hàn đã chi chừng 70 tỷ đô la cho các khoản tặng tiền khi sinh con, cải thiện chế độ nghỉ thai sản và chi trả cho việc chữa bệnh hiếm muộn, vô sinh.
Bài do Alex Murray và Tom Housden thực hiện.
Đồ họa : Mark Bryson, Gerry Fletcher và Prina Shah.
Không biết là vô tình hay hữu ý nhưng gần như cùng thời điểm khi bộ phim tư liệu 'The Vietnam War' (Chiến tranh Việt Nam) ra mắt, những người lính phi công Bắc Việt và Hoa Kỳ cũng đã có một buổi giao lưu gặp gỡ hiếm hoi.
Cuộc hội ngộ hiếm có giữa các cựu lính phi công cộng sản Bắc Việt và Hoa Kỳ sau hơn 40 kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc
Trong khán phòng khoảng một trăm người, tại bảo tàng tàu sân bay USS Midway, những người tham gia hầu hết đều ở độ tuổi thất thập cổ lai hy. Một số còn nhận ra nhau, reo lên "Anh này bắn hạ tôi năm xưa !" như thể gặp lại một bạn lâu năm.
Quả thực, buổi gặp gỡ "From Dogfights to Dente" (Từ Không chiến đến Hòa giải) tối 21/9/2017 tại bảo tàng tàu sân bay USS Midway, ở San Diego, California, không phải là buổi gặp mặt đầu tiên giữa các cựu lính phi công Bắc Việt - Hoa Kỳ.
Tháng 4/2016, 11 cựu lính phí công Hoa Kỳ đã sang Hà nội gặp gỡ địch thủ cộng sản năm xưa. Và có vẻ buổi gặp gỡ cá nhân đầu tiên, vốn là đứa con tinh thần giữa Trung tướng Nguyễn Đức Soát và Đại tá Charlie "Shark" Tutt, đã mở đường cho cuộc gặp gỡ thứ hai vào tối 21/9 vừa qua.
Hay như cách Đại tá Lê Thanh Đạo nói tại buổi giao lưu : "Chỉ mới một năm không gặp thôi mà đã thấy nhớ rồi".
Đoàn cựu phi công chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam (Bắc Việt), gồm 11 người, dẫn đầu đoàn là Trung tướng Nguyễn Đức Soát, người đã có một bài phát biểu mở đầu buổi giao lưu.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát dẫn đầu đoàn lính phi công Việt Nam tại buổi giao lưu - hình ảnh chụp từ video tường thuật trực tiếp của Tổ chức Bảo tàng USS Midway
"Cách đây hơn 40 năm, chúng ta, các phi công trẻ đều thực hiện nhiệm vụ mà đất nước giao cho mình. Ngày nay khi quan hệ hai nước tốt lên... chúng ta nhìn lại trận đánh ngày xưa để hiểu thêm về nhau, chia sẻ nỗi đau mất mát mà cuộc chiến nào cũng để lại cho mỗi phía".
"Mục đích của buổi gặp gỡ là hiểu thêm về các trận không chiến. Nhưng mục đích cao cả hơn là góp phần xây dựng mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đúng như quyết tâm của hai nước, gác lại quá khứ, hướng đến tương lai".
Một cựu phi công Mỹ khác phát biểu tại buổi gặp mặt thì nói : "40 năm trước, năm 1965, Bắc Việt có 40 phi công. Và 40 phi công này đã chiến đấu lại Hải quân Mỹ, Không quân Mỹ, Thủy quân lục chiến Mỹ và cả các lực lượng chiến đấu từ các nước đồng minh của Mỹ. Chúng ta, khác họ, chúng ta có thể trở về nhà sau 10 tháng chiến đấu. Còn họ, họ đã ở quê nhà rồi. Nhưng họ vẫn luôn phải trở lại chiến trường".
"Cuộc gặp năm ngoái giữa chúng tôi, họ đã khiến tôi thực sự cảm phục. Tôi hi vọng họ cũng sẽ dành được sự cảm phục từ quý vị", vị cựu sĩ quan Mỹ cũng từng tham gia buổi gặp gỡ năm ngoái tại Hà Nội nói thêm.
'Ông có căm thù Mỹ không ?'
Buổi giao lưu đầu tiên diễn ra với sự tham gia của Trung tướng Đức Soát, Đại tá Nguyễn Thanh Quý và Đại úy John Cerak của Không quân Hoa Kỳ.
John Cerak, cựu Đại úy của Không quân Hoa Kỳ lên tiếng trong buổi gặp mặt
"Chúng tôi đang bay qua không phận Lào, sau đó quay trở lại về phía Đông, liên tục dùng radar rà soát, thì đột nhiên, ông Nguyễn Đức Soát đây đã phá hỏng một ngày đẹp trời", Đại úy John Cerak nói chỉ tay về ông Soát trong khi khán phòng rộ lên tiếng cười.
Scott McGaugh, Giám đốc tiếp thị Bảo tàng USS Midway, điều khiển chương trình
"Ông Nguyễn Đức Soát, ông đã bắn hạ sáu máy bay Mỹ, đây là có phải là vì lòng hận thù không ?" - người điều phối buổi giao lưu Scott McGaugh hỏi.
Vị Trung tướng 72 tuổi trả lời :
"Riêng đặc thù của không quân, chúng tôi chỉ thấy máy bay thôi. Khi vào không chiến, máy bay này theo máy bay kia. Các phi công là những người lính mà cảm giác về chết chóc ít xảy ra vì người ta không nhìn thấy. Không ai mong bắn chết người khác, chỉ mong bắn hạ máy bay của đối phương thôi.
"Cách đây bảy năm tôi gặp Đại tá Charlie Tutt, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Tôi bàn với ông ấy tổ chức cho các cựu phi công từng tham chiến ở Việt Nam gặp nhau. Cho nên tình cảm của tôi đối với nhân dân Mỹ như thế, các bạn hiểu cả...".
Đại tá Nguyễn Thanh Quý tại buổi giao lưu - hình ảnh chụp từ video tường thuật trực tiếp của Tổ chức Bảo tàng USS Midway
Có phi công Nga và Trung Quốc tham chiến ?
Một người trong khán đài hỏi "Có phi công Nga và Trung Quốc tham chiến hay không ?".
Đại tá Nguyễn Thanh Quý phân trần : "Trong cuộc chiến, phi công giai đoạn đó được Liên Xô cũ và Trung Quốc đào tạo. Trong chiến tranh không có phi công Nga, Trung Quốc nào tham gia. Chúng tôi có bí mật quân sự riêng. Ở Nga chúng tôi chỉ học kỹ thuật. Còn chiến thuật là chúng tôi tự tìm tòi. Các sĩ quan Nga không được vào sở chỉ huy, điều hành, không được dự buổi rút kinh nghiệm.
"Có nhóm ba phi công chuyên gia, một mặt là giúp bay hồi phục khi các giáo viên bận đi đánh nhau. Có một lần là tháng 9/1972, một phi công học bay được một thiếu tá người Nga bay kèm giúp bay hồi phục kỹ thuật thì bị bốn chiếc F4 tấn công. Máy bay tập thì không đeo tên lửa. Bốn chiếc F4 quần cho đến khi gần hết dầu thì các phi công nhảy dù, nên mới có chuyện một phi công người Nga nhảy dù. Nhưng là trong trường hợp bay hồi phục, chứ không phải chiến đấu".
Ông Nguyễn Hưng, tự giới thiệu lá lính biệt động của Việt Nam Cộng Hòa tham gia đặt câu hỏi tại buổi giao lưu
Sự xuất hiện của một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa tại buổi giao lưu cũng gây chút bất ngờ. Ông Nguyễn Hưng, tự giới thiệu là lính biệt động quân của lực lượng Việt Nam Cộng Hòa và chỉ tay về phía cựu phi công Bắc Việt, cười lớn nói "They shot me down ! (Họ bắn hạ tôi đấy !)".
"Tôi muốn hỏi các cựu phi công Hoa Kỳ ở đây, ai là người đã ném quả bom xuống bệnh viện Bạch Mai, xuống Khâm Thiên", ông Hưng hỏi.
Câu hỏi khó gây ra một sự lúng túng cho cả khán phòng, nhưng người điều phối Scott Gaugh khéo léo tránh né bằng cách thay thế với câu hỏi : "Các ông nghĩ sao về độ chính xác của bom Mỹ ?".
Nhưng sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ, Clint Johnson lại không tránh né, trả lời "Họ đã làm hết sức có thể để tránh thương vong cho thường dân. Chúng tôi đã rất cẩn thận để không đánh bom sai nơi... nhưng tai nạn xảy ra. Một số người đã không cẩn thận nhưng chúng tôi có quy định rất nghiêm ngặt. Nếu anh không tuân theo, anh có thể mất sự nghiệp phi công vĩnh viễn hoặc đi tù".
Về phía cộng sản Bắc Việt, Đại tá Lê Thanh Đạo trả lời :
"Tôi không biện minh cho những quả bom của máy bay Mỹ ném vào khu nhà dân nhiều dân thường. Nhiều trẻ em đã bị chết, tuy nhiên tôi cũng hiểu kỷ luật quân đội Mỹ là rất rõ ràng. Nhưng bệnh viện Bạch Mai thì rất sát khu chỉ huy không quân của chúng tôi. Quả bom không trúng hầm chỉ huy mà 'lạc' sang bệnh viện.
"Điều đó tôi thấy người ném bom không có lỗi, nhưng kẻ gây ra chiến tranh mới có lỗi".
Buổi giao lưu chuyển hướng sang cuộc sống cá nhân giữa thời chiến. Đại tá Lê Thanh Đạo thì tự hào giới thiệu người vợ cùng theo ông đến buổi giao lưu.
"Đây là bà vợ tôi, trong chiến tranh là tuần nào cũng lên thăm chồng xem còn sống hay không, đến nỗi có tay chỉ huy nói là cô cứ lên như thế này là làm mất sức chiến đấu của chúng tôi".
Đại úy Clint Johnson (trái) và đại tá Lê Thanh Đạo (phải) cùng người thông dịch viên tại buổi giao lưu tối 21/9 tại bảo tàng USS Midway.
"Ngược lại chúng tôi có vợ con lên nên càng hăng hái hơn, may quá lúc đó tôi đã bắn được bốn chiếc máy bay rồi cho nên tôi vẫn được động viên khen thưởng. Công bắn hạ tên lửa là do vợ tôi cả.
Một cựu phi công Mỹ, Đại úy Hải quân Jack "Fingers" Ensch, phát biểu
Trả lời phóng viên tờ San Diego Union-Tribune, Đại úy Hải quân Jack "Fingers" Ensch nói :
"Nhà tù nhỏ nhất thế giới là giữa hai tai anh. Nếu anh cứ tiếp tục căm thù, thì họ cũng vẫn cách xa nửa thế giới. Họ không biết anh đang nghĩ về họ, hận thù họ hay những thứ như thế. Họ tiếp tục với cuộc sống của mình. Nếu anh vẫn hận thù, thì anh vẫn bị giam cầm".
Trước khi kết thúc buổi tọa đàm, khi được mời chia sẻ những lời cuối, Đại úy Clint Johnson nói :
"Tôi không bao giờ ghét kẻ thù. Cả hai đều làm những điều mà chúng tôi nghĩ là tốt nhất. Người Mỹ muốn ngăn cản sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản, còn người Việt Nam chỉ muốn thống nhất đất nước, không thể tranh cãi gì được với một một sứ mệnh như thế.
"Rất tiếc là quốc gia chúng ta phải giao chiến như thế. Tôi không nghĩ bên nào thực sự căm ghét bên nào. Họ có thể thù ghét một số hành động, nhưng tôi không tin họ căm ghét đối thủ của mình trên chiến trường", ông Johnson nói.
Còn Đại tá Lê Thanh Đạo thì nhắc lại thông điệp mà Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã nói trong phát biểu mở đầu :
"Chúng ta đã ngồi đây như những người bạn. Chúng ta hãy khép lại quá khứ, hướng tới tương lại, tình hữu nghị Việt-Mỹ của chúng ta".
Những sai phạm liên quan các dự án thu phí BOT giao thông vừa qua ở Việt Nam không chỉ gây thiệt hại 'hàng ngàn mà hàng vạn tỉ' đồng và nếu 'điều tra kỹ' thì đó chính là một 'Đại án', một quan chức từng tham gia lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC tuần này.
Quản lý và phát triển giao thông hợp lý trước áp lực của gia tăng và kích thước dân số ở đô thị đang là một câu hỏi lớn ở Việt Nam
Trao đổi với Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ hôm 14/9/2017, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói :
"Việc giám sát BOT là một chủ trương dưới nhiều ý kiến phản đối và cuối cùng Quốc hội đã thành lập một đoàn giám sát BOT và theo tôi nhận thức, giám sát BOT chính là giám sát chất lượng và đầu tư vào công tác BOT.
"Bởi vì đó là vốn, vốn vay nước ngoài là chính, rồi đem làm, nhưng chỉ định thầu không qua đấu thầu, rồi chất lượng đường, sau đó là các giá và các trạm [thu phí], tiền mà mất ngay tức khắc, chính là chất lượng của những công trình đó và không qua đấu thầu...
"Tôi cho rằng câu chuyện đó cũng là đại sự, mà chính chuyện đó mới dẫn đến tiêu cực, cho nên những đường như Pháp Vân - Cầu Giẽ ở ngoài Hà Nội và đường này kia, chưa đi mà đã tróc, thì rõ ràng có nhiều chuyện lắm.
"Và người ta nói còn liên quan đến phu nhân của một ông cựu lãnh đạo thật to với Đảng, nhà nước này dính líu đến những đầu tư đó mà nhờ... đó giải các khoản nợ ngân hàng tới mấy trăm, cả ngàn tỉ... Do đó cho nên, người ta tính ngược lại thì giá đầu tư mà không qua đấu thầu mà chỉ định thì rõ ràng câu chuyện rất lớn và tiêu cực rất lớn.
Một bản đồ đánh dấu các trạm thu phí giao thông trong các dự án BOT ở Việt Nam
"Ở đây, tôi nghĩ nếu điều tra kỹ, thẩm tra kỹ, mà kể cả thẩm tra chất lượng yêu cầu mời quốc tế vào thẩm tra, chứ không phải giám sát rồi đi cưỡi ngựa xem hoa thì cũng không nắm được gì, thì chính cái đó mới thấy thất thoát như thế nào".
Sau khi lên tiếng tiếp về cách thức đặt các trạm thu phí giao thông trong các 'dự án đầu tư' theo phương thức xây dựng, vận hành, chuyển giao (BOT) 'không đúng chỗ' và 'không đúng theo quy định' theo đó, khoảng cách là 70 km mới được đặt một trạm, kể cả vấn đề triển khai thu phí tự động đến nay 'vẫn chưa thực hiện được', Luật sư Trần Quốc Thuận nói :
"Tất cả những cái đó là thiệt hại vừa qua không phải là hàng ngàn, mà hàng vạn tỉ [đồng], cái đó là cái lớn mà nếu làm cho kỹ ra thì đó cũng là một loại Đại án".
Mới đây, truyền thông chính thức Việt Nam và cộng đồng mạng xã hội 'xôn xao' về phát biểu được cho là của một đương kim quan chức Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, khi ông được trích dẫn nói "BOT không ảnh hưởng đến người nghèo" tham gia giao thông.
Bình luận về phát biểu này của ông Kiên, Luật sư Trần Quốc Thuận nói :
"Còn phát biểu của ông Kiên, các phát biểu của các vị vừa qua [khách mời khác tại Bàn tròn thứ Năm], tôi rất đồng tình. Phát biểu rất ngớ ngẩn và thấy vấn đề không ra tầm trình độ của mình, rất tiếc cho ông Kiên".
Trước đó, ngay tại cuộc Tọa đàm hôm 14/9, nhà báo Mạc Việt Hồng, Chủ biên báo Đàn Chim Việt online từ Ba Lan, nêu quan điểm :
"Về câu nói của ông Nguyễn Đức Kiên, tôi cho rằng đó là một câu nói có thể liệt vào loại ngớ ngẩn nhất trong năm 2017, tôi nghĩ rằng khi ông Kiên nói câu này, thì ông nghĩ một cách đơn giản là những cái xe ô tô qua lại các trạm phí đó thì phải trả tiền.
Có ý kiến cho rằng các nhà quản lý và đầu tư dự án vào giao thông ở Việt Nam cần quan tâm lợi ích và nhu cầu của người dân, bên cạnh lợi nhuận của các nhà đầu tư
"Còn người nghèo có thể đi xe máy, xe đạp hoặc đi bộ, thì người ta không phải trả tiền này, thế nhưng đấy là một cách nhìn có thể nói là rất thiển cận, rất là không chính xác, bởi vì khi phí đó đường bộ từ Bắc đến Nam, theo như tôi kiểm tra ngày hôm qua, thì có khoảng mấy chục trạm thu phí gì đó, và trên toàn Việt Nam hiện nay có khoảng trên một trăm trạm thu phí.
"Theo tôi biết, mỗi chuyến xe như vậy, vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, người ta phải trả rất nhiều tiền phí, như vậy thì cái tiền đó sẽ cộng vào chi phí khi bán sản phẩm ra, thì các sản phẩm sẽ [có giá thành] cao hơn, người tiêu dùng tất nhiên phải chịu ảnh hưởng và phải bị cõng phí này rồi, cho nên nói như vậy, theo tôi là không chính xác".
Còn từ Hà Nội, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cũng đưa ra bình luận về điểm này :
"Tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Đức Kiên khi mà nói như vậy, thì có thể ý của ông... muốn nói rằng là những doanh nghiệp, hay những người sử dụng những phương tiện giao thông và lưu thông rất nhiều ở những tuyến đường đó thì bị ảnh hưởng nhiều hơn.
"Nhưng nếu mà nói là không... hoàn toàn ảnh hưởng đến người dân, không ảnh hưởng đến người nghèo, thì tôi nghĩ là điều đó chưa chính xác", nhà nghiên cứu xã hội học và phát triển nói với BBC từ Hà Nội.
Thu thuế hay không thu thế đối với người bán dâm nếu mở 'khu phố Đèn Đỏ' trong các đặc khu kinh tế tại Việt Nam là chủ đề gây tranh luận tại Bàn tròn thứ Năm hôm 14/9/2017.
Việt Nam đang có dự kiến mở dịch vụ phố Đèn Đỏ ở một số đặc khu kinh tế, du lịch, theo truyền thông trong nước.
Một luật sư từ Sài Gòn cho rằng không nên thu thuế với 'các chị em' làm nghề này vì làm như vậy Việt Nam sẽ không còn là 'chế độ tốt đẹp nữa'.
Trong khi đó, một nhà xã hội học từ Hà Nội chuyên nghiên cứu về giới và phát triển xã hội, cộng đồng thì cho rằng đã là hoạt động có thu, thì cần phải thu thuế như bình thường.
Trao đổi với Tọa đàm trực tuyến của BBC Tiếng Việt hôm thứ Năm, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội, Luật sư Trần Quốc Thuậntrước hết nêu quan điểm về việc có nên mở dịch vụ 'Đèn đỏ' như trên đã nói hay không, ông nói :
"Tôi rất đồng tình và ủng hộ những lời lập luận lịch sử quá trình và cái lợi, hại trong việc cho hành nghề mãi dâm, hoặc là không cho hành nghề mãi dâm. Tôi cho rằng đó là một câu chuyện rất hợp đạo lý, nó cũng bình thường.
"Còn nếu về phong tục tập quán Việt Nam, nói phong tục tập quán Việt Nam, thực tế thì trước đây có nghề mãi dâm... cũng có này kia, làm sao không có được, xã hội Sài Gòn trước kia, mại dâm cũng coi như công khai, thì đâu có vấn đề gì.
"Nhưng mà chỉ vướng luật pháp, không có sửa, đó là cái sửa của luật Hình sự, Bộ Luật Hình sự cho rằng là như chị Khuất Thu Hồng [khách mời tại bàn tròn] có nói rằng đã có một bước tiến là những người hành nghề mãi dâm thì không bị xử lý hình sự, những người môi giới, tổ chức thì bị xử lý hình sự, thì cái đó cũng là một cái vướng về pháp luật".
Mại dâm và tham nhũng
Việc có nên thu thuế hay không từ dịch vụ Đèn Đỏ nếu được mở cửa, khai thác ở Việt Nam có những tranh luận giữa khách mời của BBC Tiếng Việt
Theo luật sư Thuận, dường như có sự thiếu thống nhất, hoặc thiếu công bằng giữa việc chính quyền thường ra tay với mua, bán dâm mà lại không truy quét tham nhũng nhà nước và chức vụ mà như ông nói là 'ăn hối lộ, cướp của, cướp đất' của dân v.v..., ông nói tiếp :
"Vướng pháp luật thì nếu cần, Quốc hội ra một nghị quyết thì cũng sẽ giải quyết được ngay, nhưng về mặt đạo lý, nhiều người tôi trao đổi và tôi cũng suy nghĩ rằng hành nghề mãi dâm này đôi khi còn tốt hơn mấy người nhận hối lộ, ăn hối lộ mà cướp đất của dân.
"Người ta có cái để người ta bán, cái thân để người ta bán, để đi kiếm tiền người ta sống, thì bắt bớ rồi đưa đi trại giáo dục, không biết giáo dục cái gì, sao không giáo dục mấy người ăn hối lộ, cướp của của dân, cái tội đó là nặng hơn nhiều chứ, tại sao không tập trung để truy quét ? Mà lại truy quét chi một cái người ta gọi là tệ nạn xã hội ?
"... Rõ ràng như Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng nói là chống tham nhũng là khó, chống nguy hiểm. Bây giờ người ta cũng nói là nguy hiểm, còn chống tệ nạn thì dễ, bởi vì tệ nạn có cái gì đâu mà làm ghê gớm thế ?
"Cho nên tôi cho rằng đã đến lúc phải nhìn vào sự thật, phải cần, phải có một nhu cầu để mà giải quyết và đối với chị em phụ nữ, người ta không có gì, người ta còn có cái đó, thì họ cũng phải mang để bán để họ sống chứ ? Tại sao không cho họ bán ? Nó còn tốt hơn đi ăn cướp, đi buôn lậu, thì cái đó, cái nào tốt hơn.
"Thì tôi nghĩ cần phải nhìn cái tổng thể xã hội và dĩ nhiên là còn sự quản lý chặt chẽ, đừng để nó lan truyền bệnh tật, rồi chữa bệnh cho chị em, còn đừng có nghĩ tới chuyện thu thuế, cái này để quản lý chẳng có gì để thu thuế, đến cái món đó còn thu thuế thì còn cái gì là chế độ tốt đẹp ? Cho nên cái này đã đến lúc phải quản lý và phải tổ chức", nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với Bàn tròn thứ Năm.
'Lấy mỡ nó rán nó'
Cũng là người có quan điểm nên ủng hộ việc quản lý mại dâm theo cách thức mới thay vì cấm đoán hoặc hình sự hóa những người hành nghề này, nhưng có ý kiến khác với Luật sư Thuận về việc có nên thu thuế hay không với người hành nghề này, từ Hà Nội, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng phản biện :
"Nếu có thể tôi muốn tranh luận về thuế dịch vụ Đèn Đỏ với ông Trần Quốc Thuận..., tôi nghĩ rằng một khi chúng ta đã có lập ra khu Đèn Đỏ cung cấp dịch vụ tình dục, thì chúng ta phải thu thuế.
"Tại sao phải thuế, vì thuế để trả cho bộ máy quản lý nhà nước, những người liên quan, chẳng hạn ngành y tế cung cấp dịch vụ cho khu vực đó, rồi công an và các loại thuế khác, không có lẽ lại lấy thuế của người nông dân đóng để trả cho dịch vụ Đèn Đỏ ?
"Cho nên mỡ nó phải rán chính nó, chứ không thể nếu chúng ta lại đặt vấn đề là ở đây có cái gì nhạy cảm, hoặc có cái gì đó mà không thu thuế, thì tôi nghĩ là nó sẽ là không công bằng.
"Bất kỳ một người nào mà lao động có thu nhập, thì sẽ phải đóng thuế, tôi nghĩ là chúng ta nên suy nghĩ về chuyện đấy một cách nghiêm túc, thay vì cứ luẩn quẩn về những lý do đạo đức hay là văn hóa, thì nó sẽ không thấu đáo, mà rõ ràng là nó sẽ tạo ra sự bất công bằng và nó sẽ không hiệu quả nếu như chúng ta thực sự muốn thành lập khu Đèn Đỏ", Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nói với BBC.
Phản hồi ngay tại Bàn tròn về ý kiến của nhà nghiên cứu xã hội học, Luật sư Trần Quốc Thuận nói :
"Hiểu ý tôi nói không đúng, bởi vì cái thuế là khác và việc thu lệ phí để cân đối bộ máy lại khác và bây giờ thuế là đóng cho nhà nước và nhà nước dùng cái đó để quản lý toàn bộ xã hội này, thì đó là khác.
"Còn bộ máy thành lập ra, đâu phải cái gì nhà nước cũng quản lý, mà để cho tư nhân họ quản lý và thông qua một cơ sở nào thì họ có dịch vụ, thu vô, mỗi lần đi vào, đóng bao nhiêu tiền, thì đóng bao nhiêu phần trăm cho bộ máy..., chứ không ai lấy ngân sách để cân đối và cũng không ai lấy tiền đấy chuyển vào ngân sách, để như vậy thì nó không hay, tôi hiểu là như thế", luật sư nói với BBC.
Những đoạn video clip mà BBC được xem hôm thứ Sáu cho thấy cảnh sát và các nhân viên cứu thương Đài Loan đã bỏ mặc một người Việt mà không cấp cứu.
Hình trích xuất từ video clip trong dashcam của xe cứu thương đầu tiên tới hiện trường. Ngày ghi trong video clip là 30/8/2016, nhưng BBC được xác nhận đây là các hình ảnh ghi lại trong ngày 31/8/2017
Lao động nhập cư bỏ trốn này đã bị bắn nhiều phát và nằm trong vũng máu suốt nửa tiếng đồng hồ trong lúc nhóm y tế lo chữa trị cho một nhân viên chính phủ bị thương nhẹ.
Nguyễn Quốc Phi, 27 tuổi, sang Đài Loan từ nhiều năm trước theo hợp đồng làm việc trong nhà máy.
Tuy không mang theo vũ khí gì, nhưng ông đã bị một cảnh sát từ Hạt Hsinchu, gần Đài Bắc, bắn chín phát rồi tử vong hôm 31/8/2017 sau khi cảnh sát này và một nhân viên chính phủ tới hiện trường nơi được cho là có xảy ra vụ trộm xe.
Các hình ảnh video do camera gắn trên chiếc xe hơi cứu thương đầu tiên tới hiện trường cho thấy ông Phi đã bị bắn, nằm bên cạnh chiếc xe cảnh sát, nhưng nhân viên cảnh sát nói nhóm cứu thương hãy tránh ra bởi ông ta cảm thấy người bị thương vẫn chưa chịu khuất phục hoàn toàn.
Bỏ mặc không cấp cứu
Người lao động nhập cư không có vũ khí trong tay và bị thương quá nặng, không thể đứng lên. Ông ta bò dưới chiếc xe, trốn dưới đó, rồi bò ra, ném một hòn đá nhưng không nhắm vào ai và cũng không ném mạnh. Ông ta khi đó trông đã rất yếu.
Sau đó, ông ta cố mở cánh cửa xe, có vẻ như để tìm cách vào xe vào tự bảo vệ mình. Vào thời điểm đó, viên cảnh sát bước tới, dùng gậy đẩy ông ta ra rồi khóa cửa xe lại.
Em gái ông Nguyễn Quốc Phi là Nguyễn Thị Thảo mang ảnh anh trai tại cuộc biểu tình ở Đài Bắc hôm 15/9/2017
Người lao động nhập cư sau đó nằm dưới mặt đất. Chiếc xe cứu thương đầu tiên tới nơi đã được khoảng 5 phút, nhưng không làm gì để cấp cứu cho người bị thương.
Thay vào đó, nhóm các nhân viên y tế chữa trị và đưa đi một nhân viên chính phủ bị thương nhẹ, bỏ mặc người lao động nhập cư nằm hấp hối trong vũng máu.
Khi được hỏi vì sao không cấp cứu người nhập cư, một nhân viên y tế họ Chen từ trạm cứu hỏa Hsinchu nói với BBC :
"Viên cảnh sát nói với chúng tôi là không tới gần... Nhỡ ra ông ta (người nhập cư) đột nhiên nổi điên và làm điều gì đó thì sao ? Và bởi ông ta chưa bị còng tay, cho nên chúng tôi không thể làm gì".
Chỉ cho tới khi chiếc xe cứu thương thứ hai tới nơi sau đó nửa tiếng, người bị thương mới được cứu chữa. Tuy trông ông gần như không còn sức sống nhưng cảnh sát khi đó vẫn còng tay ông.
Ông Nguyễn Quốc Phi được xác định đã tử vong khi được đưa tới bệnh viện.
Lao động nhập cư bỏ trốn bị coi như tội phạm ?
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Đài Loan nói ông Phi đã tấn công người cảnh sát và viên chức chính phủ khi họ tìm cách chặn việc ông phá hoại và ăn trộm một chiếc xe hơi. Họ nói ông đã đấm vỡ mũi, thâm tím mặt mày viên chức chính phủ, và khi bị viên cảnh sát dùng hơi cay để khống chế ông ta đã chạy tới một cái mương gần đó, rửa mắt và rồi nhặt gạch đá ném về phía hai người đang tìm cách bắt giữ ông.
Cảnh sát nói người lao động nhập cư đã tìm cách vào trong xe tuần tra của cảnh sát, và rằng khi nhân viên cảnh sát bắn chín phát thì đã có sáu viên đạn trúng vào ông Phi.
Cuộc biểu tình diễn ra hôm 15/9 đòi chính quyền Đài Loan phải điều tra đầy đủ vụ lao động nhập cư người Việt bị bắn chết hôm 31/8/2017
Hôm thứ Sáu 15/9, đã có một cuộc biểu tình nữa được tổ chức. Cha của người thiệt mạng, ông Nguyễn Quốc Đông gần đây đã sang Đài Loan, và trong cuộc biểu tình này ông kêu gọi chính phủ và cảnh sát Đài Loan hãy tiến hành điều tra đầy đủ.
"Tôi chỉ có một yêu cầu : Chính quyền Đài Loan cần phải nói rõ điều gì đã xảy ra và tại sao", ông Nguyễn Quốc Đông nói.
Ông và những người có mặt tại cuộc biểu tình, trong đó có các nhóm nhân quyền và các nhóm bảo vệ quyền của người lao đọng, nghi ngờ về câu chuyện của cảnh sát.
"Tôi không tin việc cảnh sát nói con trai tôi tìm cách đánh cắp xe hơi. Con tôi thậm chí còn không biết lái xe", ông nói. "Tôi cho rằng đây là việc sử dụng vũ lực quá mức".
Cơ quan giám sát thuộc chính phủ Đài Loan, Control Yuan đã quyết định tiến hành điều tra xem chuyện gì đã xảy ra.
Các nhà hoạt động và các di dân nói rằng việc lao động nhập cư bỏ trốn liên quan tới những khoản phí 'cắt cổ' mà Việt Nam và Đài Loan để cho các khâu trung gian môi giới thu của người lao động.
Những người phát biểu tại cuộc biểu tình hôm thứ Sáu cũng chỉ trích việc chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật Đài Loan thường đối xử với các lao động bỏ trốn như những tội phạm.
Lao động đến từ Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn trong những người nhập cư bỏ trốn. Họ thường phải trả các khoản nợ trong suốt thời gian một đến một năm rưỡi đầu tiên sang làm hợp đồng tại Đài Loan, các nhà hoạt động nói.
Ông Nguyễn Quốc Phi đã bỏ trốn khỏi chỗ làm từ ba năm trước.
Người cha nói rằng lương của con trai ông rất thấp và bị trừ gần hết.
"Nếu như con trai tôi làm việc bên ngoài, chính quyền có thể dùng quyền lực của mình để làm điều gì đó, nhưng họ không thể đối xử với một người theo cách này. Chúng tôi tới đây để đi tìm công lý", ông Nguyễn Quốc Đông nói.
Cindy Sui
BBC News, Đài Bắc
Giới hoạt động Việt Nam học gì ?
Một nhà hoạt động nhân quyền bình luận với BBC rằng bài học lớn nhất cho phong trào dân chủ tại Việt Nam nhìn từ vụ khủng hoảng Rohingya là "nếu không có sự giám sát, một thủ lĩnh sẽ bị tha hóa".
Nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Hữu Long nói bà Aung San Suu Kyi làm ông "thất vọng"
Người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar (Miến Điện) đang phải đối mặt với thảm họa nhân đạo, theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
Ông Antonio Guterres nói rằng những cuộc tấn công bị cáo buộc là do lực lượng an ninh tiến hành nhắm vào người Rohingya là hoàn toàn không thể chấp nhận. Quân đội nói rằng họ đang đấu với dân quân và phủ nhận việc nhắm vào thường dân.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi tiến hành các bước khẩn cấp nhằm chấm dứt bạo lực.
Khoảng 379.000 người Rohingya đã trốn sang Bangladesh từ khi bạo lực nổ ra hồi tháng trước. Nhiều ngôi làng đã bị đốt.
Bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo có quyền lực nhất Miến Điện, bị những người từng ủng hộ bà ở phương Tây chỉ trích vì không ngăn được bạo lực diễn ra.
Hôm 14/9, trả lời BBC từ Đài Loan, nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Hữu Long nói : "Thật sự tôi rất thất vọng vì tôi từng nghĩ bà Suu Kyi là một tượng đài không thể lay chuyển về tinh thần đấu tranh".
"Bài học lớn nhất cho phong trào dân chủ tại Việt Nam từ vụ khủng hoảng Rohingya là "nếu không có sự giám sát, một thủ lĩnh sẽ phản bội lý tưởng và bị tha hóa".
"Bà Suu Kyi đã từng là thần tượng của những người đấu tranh ở các nước, trong đó có tôi. Bà từng rao giảng, truyền cảm hứng về tự do, dân chủ cho những người khác đứng lên đấu tranh giống bà".
"Thế nhưng đến khi đứng trước lựa chọn chính trị, bà đã chọn chính trị thay vì giá trị phổ quát về nhân quyền và có hành động đi ngược lại những giá trị nhân quyền".
"Với tư cách người đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi Miến Điện từ một nước độc tài quân sự sang dân chủ, bà đã chọn đứng về phe đa số trong xã hội, im lặng trước việc đàn áp phe thiểu số là người Rohingya".
"Lựa chọn đó đã bỏ rơi một lực lượng thiểu số trong xã hội. Khi nói về tự do nhân quyền, không thể nói đa số có thể dùng quyền lực để đàn áp thiểu số, làm như thế không khác gì độc tài".
Bà Aung San Suu Kyi dự kiến có bài diễn văn trên truyền hình vào ngày 19/9
'Vấn đề cơ bản'
Người sáng lập trang Luật khoa Tạp chí cho biết thêm : "Khi một người nắm chính quyền mà không bị giám sát thì rất dễ bị tha hóa".
"Chuyện này có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào, kể cả Việt Nam".
"Có gì đảm bảo rằng những người cổ súy cho nhân quyền, dân chủ đến khi nắm quyền sẽ không tha hóa, phản bội lý tưởng của họ ? Một người từng đoạt giải Nobel Hòa bình như bà Suu Kyi mà còn vậy thì khả năng phản bội lý tưởng ở những nơi khác rất có thể xảy ra".
"Cho nên, trong mọi phong trào đấu tranh dân chủ, chúng ta không nên phụ thuộc nhiều vào cá nhân thủ lĩnh nào đó, và dồn toàn bộ sự tín nhiệm cho người đó".
"Người nắm quyền phải bị giám sát chặt chẽ bởi báo chí, các tổ chức xã hội dân sự và người dân".
"Khi đó, chúng ta mới có thể tin rằng người đó ít có khả năng tha hóa và phản bội lợi ích xã hội và giá trị phổ quát về nhân quyền".
"Ngoài ra, tôi nghĩ rằng vấn đề cơ bản nhất của dân chủ là sự tham gia của từng người dân vào tiến trình chính trị, chứ không chờ thủ lĩnh phất cờ".
"Tôi mong muốn người dân sẽ chủ động tham gia hơn vào tiến trình chính trị, trong khả năng và điều kiện của họ, chẳng hạn như góp ý xây dựng dự thảo luật, chống lại sai trái và gầy dựng hội đoàn riêng để bảo vệ lợi ích của họ".
"Một khi người dân làm được việc này thì các chính trị gia hay bất kỳ thủ lĩnh nào, sẽ run sợ trước người dân biết chủ động giám sát họ".
Theo một số nhà quan sát, bà Suu Kyi phải hết sức thận trọng về vấn đề người Rohingya vì người dân Myanmar không mấy cảm thông với người Rohingya.
Phần đông dân chúng Myanmar đồng tình với quan điểm chính thức của nhà nước rằng người Rohingya không phải là công dân nước này, mà là người nhập cư trái phép từ Bangladesh.
Hai người Anh nhận án tù vì đưa lậu 12 người Việt vào Anh (BBC, 12/09/2017)
Một cặp người Anh vừa bị kết án tù vì tìm cách đưa lậu 12 người Việt Nam vào Anh trên một chiếc xe tải chất đầy lốp xe.
Katy Bethel nói bà không hề biết có người nhập cư người Việt ở trên xe
Bà Katy Bethel và bạn đời là ông Aaron Harris ở quận Gillingham, hạt Kent, miền Đông Nam nước Anh, bị bắt giữ tại trạm kiểm soát xe qua đường hầm xuyên từ Anh sang Châu Âu Eurotunnel hôm 4/7/2015.
Bốn người đàn ông, năm phụ nữ và ba trẻ em Việt Nam được phát hiện đang trốn trong đống lốp xe sau khi một cảnh sát nhìn thấy có một cặp chân lộ ra.
Tại phiên xét xử tại Tòa án Hoàng gia Maidstone hôm 11/9, ông Harris nhận án tù 5 năm, còn bà Bethel nhận án 2 năm 9 tháng tù.
Bốn người đàn ông, năm phụ nữ và ba trẻ em Việt Nam được phát hiện đang trốn trong đống lốp xe
Lúc bị bắt năm 2015, bà Bethel, mẹ của 4 con, và đang mang thai 6 tháng, ngồi trên chiếc xe tải do ông Harris lái. Bà này nói bà không hề biết có người nhập cư ở trên xe.
Tại phiên tòa, bà Bethel nói bà và Harris đang đi ra biển chơi hôm đó. Họ lái xe đi tìm một bãi biển đẹp nhưng bị lạc nên đỗ xe bên đường và đi dạo. Bên khởi tố cáo buộc bà Bethel đã có lời khai "vớ vẩn".
Theo các thông tin được báo cho bồi thẩm đoàn, trong bốn tiếng đồng hồ ở Pháp, hai người đã gửi và nhận 67 tin nhắn và cuộc gọi tới một số điện thoại không xác định.
Bà Bethel nói ông Harris, là cha của 2 trong số 4 người con của bà, đã dùng điện thoại của bà và bà không biết được nội dung các cuộc gọi và tin nhắn đó.
Theo lời khai, ông Aaron Harris lái chiếc xe tải còn bà Katy Bethel là hành khách
Bà đã khóc khi Thẩm phán Philip Statman tuyên bố bà nhận án tù.
Khi tuyên án hai người này, vị thẩm phán nói : "Rõ ràng là hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp vào Anh là một ngành kinh doanh lớn.
"Theo đánh giá của tôi, đây là một hình thức kinh doanh rất tinh vi. Tôi thấy rõ là có nhiều người khác cũng tham gia [vào đường dây này]".
Ngành kinh doanh lớn
Theo báo cáo mới ra hôm 11/9 của Trưởng Cao ủy chống Nô lệ tại Anh Quốc, ông Kevin Hyland, nhiều người Việt trả tới hơn 30.000 bảng Anh cho các đường dây buôn người để vào Anh, với hy vọng sẽ có một cuộc sống 'vương giả' ở nước này.
Báo cáo này mô tả việc đưa người lậu vào Anh như một ngành kinh doanh lớn, và đưa ra bằng chứng rằng các tổ chức buôn lậu người ở Việt Nam phóng đại về độ tin cậy với dịch vụ của họ và các nguồn lợi ích tài chính có thể kiếm được ở Anh.
Báo cáo cho thấy người Việt được đưa lậu vào Anh thường làm các công việc lao động chân tay, như trong các tiệm móng chân móng tay và trại trồng cần sa, cũng như trong ngành mại dâm.
Ông Daniel Silverstone, đồng tác giả của báo cáo trên mô tả về tuyến đường vào Anh của người Việt trong bài báo "Đưa lậu [vào Anh] để trồng cần sa : người nhập cư Việt Nam đang bị bóc lột ở Anh", đăng trên trang The Conversation hôm 11/9 :
"Những khu vực mới có đông người di cư từ Việt Nam gồm một số thôn ở các tỉnh miền Trung, khu vực nghèo hơn các tỉnh phía Bắc, như tỉnh Hải Phòng, nơi nhiều người nhập cư vào Anh trước đây. Chặng đường cho những người Việt Nam tìm cách vào Anh bất hợp pháp là rất tốn kém và có thể mất 30.000 bảng. Những người tìm cách vào Anh này không phải là những người nghèo nhất trong cộng đồng, nhưng phải vay nợ nhiều hay bán cơ sở kinh doanh của mình để lấy tiền đi".
Ông Silverstone cũng nói về hai tuyến đường vào Anh chính. Một tuyến qua Nga, sau đó qua Đông Âu tới Pháp, ở Pháp một thời gian rồi sang Anh bất hợp Pháp qua phà biển trên xe tải. Tuyến thứ hai, tốn nhiều tiến hơn, là bay thẳng sang Ireland hay Hà Lan với thị thực hợp pháp, rồi đi phà sang Anh.
Những người Việt tìm cách vào Anh bất hợp pháp rất dễ bị các băng đảng tội phạm tổ chức các chuyến đi này lợi dụng. Khi đến Anh, nhiều người nhập cư Việt Nam chịu nợ nần chồng chất, bị cô lập và rất dễ tổn thương - họ thường bị bóc lột.
Hồi tháng 2/2017, 5 người Việt đã bị bắt khi cảnh sát Anh bố ráp một trại trồng cần sa quy mô lớn ở hạt Wiltshire, vùng Tây Nam nước Anh. Tổng giá trị của hàng ngàn cây cần sa được phát hiện ở trại này, từng là hầm trú ẩn hạt nhân do chính phủ Anh xây, lên tới hơn 1 triệu bảng Anh.
**********************
Người Việt trả tới hơn 30 ngàn bảng để vào Anh lậu (BBC, 11/09/2017)
Người Việt trả tới hơn 30.000 bảng Anh cho các đường dây buôn người để vào Anh, với hy vọng sẽ có một cuộc sống 'vương giả' ở nước này, một báo cáo mới cho hay.
Một trang trại trồng cần sa của người Việt bị cảnh sát Anh khám phá
Theo báo cáo của Trưởng Cao ủy chống Nô lệ tại Anh Quốc ông Kevin Hyland, có một hệ thống đưa lậu người Việt sang Anh với hai mức giá khác nhau, phóng viên chuyên về nội vụ của Press Association, Hayden Smith viết.
Bài viết mô tả rằng những ai chọn dịch vụ "cao cấp" sẽ phải trả khoảng 33.000 bảng Anh và được hứa hẹn sang Anh với con đường ngắn nhất và mức rủi ro thấp nhất.
Còn những ai chọn dịch vụ "phổ thông" nộp từ 10 nghìn đến 20 nghìn bảng.
Báo cáo này mô tả việc đưa người lậu vào Anh như một ngành kinh doanh lớn, và đưa ra bằng chứng rằng các tổ chức buôn lậu người ở Việt Nam phóng đại về độ tin cậy với dịch vụ của họ và các nguồn lợi ích tài chính có thể kiếm được ở Anh.
Nhiều người Việt được đưa lậu vào Anh bị ép làm việc trong các trang trại trồng cần sa đã bị bắt
Văn bản này dẫn lời của một người được phỏng vấn cho biết cô ta trả 25.000 USD (khoảng 19.000 bảng) cho đường dây buôn người nhưng con đường sang Anh và kết quả "không được như lời quảng cáo".
Người phụ nữ này nói :
"Tôi được hứa hẹn là cuộc sống tương lai sẽ như một bà hoàng ở Anh (a queen in the UK), thức ăn ngon, quần áo đẹp, công việc nhẹ nhàng với mức lương cao".
"Tôi kỳ vọng sẽ có một mức sống cao. Tôi lên máy bay, sau đó lên xe hơi rồi xe tải - nhưng tôi không biết họ đã đưa tôi đi qua những nước nào".
"Tôi đi mất hai tháng. Không có chuyện bạo lực hay bóc lột trên đường nhưng chuyến đi đó rất vất vả. Chuyến đi tốn kém hơn thỏa thuận lúc đầu và tôi không có được công việc mà họ hứa hẹn với tôi".
Kẽ hở thị thực
Báo cáo này cũng nói những kẻ buôn người đang tìm cách khai thác kẽ hở trong quy trình cấp thị thực vào Anh.
Đơn xin thị thực cho người Việt Nam vào Anh được xử lý ở Sứ quán Anh tại Bangkok.
"Những quyết định cấp thị thực được đưa ra dưới sức ép về thời gian. Chúng tôi cho rằng những nhóm buôn người biết điều này và sử dụng dịch vụ thị thực khẩn vì họ nghĩ những đơn xin thị thực loại này sẽ không bị xét kỹ", báo cáo viết.
Bài của Hayden Smith cũng trích lời từ bản phúc trình nói các đường dây buôn người sử dụng các đại lý xin thị thực cho sinh viên sang Anh.
Sau đó các sinh viên này biến mất và các nhóm buôn người sẽ lấy thị thực của họ dùng cho những người trông giống các sinh viên này.
Báo cáo cho thấy người Việt được đưa lậu vào Anh thường làm các công việc lao động chân tay, như trong các tiệm móng chân móng tay và trại trồng cần sa, cũng như trong ngành mại dâm.
Quản lý chặt nghề làm nail
Báo cáo khuyến nghị chính phủ Anh có các biện pháp quản lý các tiệm móng tay móng chân chặt chẽ hơn nhằm ngăn ngừa chuyện các cơ sở này trở thành các điểm lao động bất hợp pháp hay bóc lột lao động.
Một trường hợp mà báo cáo này nêu là một thiếu niên Việt Nam bị bắt làm việc ở hai tiệm nail. Em phải nộp hết thu nhập cho những kẻ buôn người và bị chúng nhốt.
Báo cáo nói những nỗ lực nhằm chống tình trạng bóc lột lao động và nô lệ hiện đại trong ngành làm nail rất "khó khăn".
"Mặc dù các tiệm nail rất được chuộng và có nhiều người làm việc trong nghề này, nghề làm móng chân móng tay vẫn là ngành ít có quy định và những quy định hiện nay dường như chỉ mang tính tự nguyện", báo cáo nói.
Báo cáo kêu gọi Bộ Nội vụ Anh xem xét phương án cấp giấy phép cho các tiệm nail.
Báo cáo cũng nói những người trồng cần sa Việt Nam giờ đã trở nên "tinh vi hơn" và tránh bị phát hiện bằng các biện pháp cản nhiệt.
Nhiều trẻ em và người lớn Việt Nam dễ bị tổn thương được thuê làm những công việc cấp thấp trong các trại trồng cần sa.
"Hình thức nô lệ hiện đại này đang rất phổ biến trong những người Việt Nam", báo cáo viết.
Báo cáo này cũng nói thêm có nhiều trường hợp nạn nhân Việt Nam bị bắt ép trồng cần sa cũng chính là người người đang bị tội phạm hóa "vì những công việc mà họ bị bắt phải làm".
Đảng cộng sản 'cần kỷ luật thép' để không tan rã ? (BBC, 11/09/2017)
Trong khi phong trào diệt trừ tham nhũng đang được lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam thúc đẩy, Tạp chí Cộng sản nói tới nhu cầu thiết lập 'kỷ luật thép'.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) bắt tay Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines. Ông Trọng đang đề cao chiến dịch chống tham nhũng và trừng trị mạnh 'quan chức tham nhũng'
Tuy thế, cũng có các ý kiến nói chỉ cần mọi đảng viên cộng sản tuân thủ pháp luật là đủ vì chính cơ chế 'đối xử đặt biệt' với họ mới là gốc rễ của nhiều vấn đề.
Bài viết hôm 02/09/2017 về công tác 'xây dựng Đảng' trên Tạp chí Cộng sản có nêu như sau :
"Xây dựng đạo đức không thể chỉ dựa vào tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên. Việc giáo dục, rèn luyện và thực hiện các chuẩn mực đạo đức trong xây dựng Đảng chỉ có hiệu quả khi thiết lập được chế độ "kỷ luật thép" trong Đảng và hệ thống chính trị.
Chế độ "kỷ luật thép" ấy được xây dựng trên cơ sở ý thức đầy đủ về vai trò, vị trí của Đảng đối với dân tộc, nhân dân, vinh dự và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên khi gánh vác các chức trách nhiệm vụ trong hệ thống quyền lực của Đảng và Nhà nước.
Chế độ "kỷ luật thép" của Đảng phải bảo đảm vừa răn đe, đề phòng, hạn chế sự vi phạm kỷ luật, vừa xử lý nghiêm khắc những hành vi, hiện tượng vi phạm đạo đức của Đảng.
"Trong hòa bình xây dựng, dưới tác động của cơ chế thị trường, những cám dỗ lợi ích còn phức tạp, nguy hiểm hơn nên càng phải xây dựng và thực hiện chế độ "kỷ luật thép" của Đảng."..
'Các sứ quân và bị khoai tây'
Các lãnh đạo nhiệm kỳ trước và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam tháng 5/2015
Trước đó không lâu, hồi giữa tháng 8/2017, nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản được báo chí Việt Nam trích lời khẳng định rằng "cuộc chiến chống tham nhũng được xem là đến hồi quyết liệt nhất".
Ông Nhị Lê cũng nêu ra vấn đề phe nhóm, rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có nguy cơ chứa chấp trong nội bộ "hàng trăm sứ quân - các nhóm lợi ích".
Trích dẫn Karl Marx, ông tổ của chủ nghĩa cộng sản, ông Nhị Lê nói :
"...Khi các nhà chính trị liên kết với bọn tài phiệt tài chính thì nguy cơ sụp đổ của một nền chính trị, rất gần, thậm chí cận kề. Điều đó mới là đáng nói về tai họa tham nhũng, vào chính lúc này đây.
"Tôi không thể hình dung ra được, trong Đảng lại xuất hiện bao nhiêu bè nhóm, đẳng cấp. Nói rộng ra, tôi không thể hình dung ra được một đất nước mà có tới cả hàng chục, thậm chí trăm 'sứ quân' - 'nhóm lợi ích'.
"Cách đây 10 thế kỷ, trước thời kì Đại Cồ Việt, chỉ có 12 sứ quân mà đã làm loạn lạc và tan hoang đất nước rồi. Nguy hại hơn, ngay một số tổ chức Đảng đã bị biến thành "những bị khoai tây". Các thành viên được tập hợp trong những "chiếc bị" này, mà điều này như tôi đã nói mấy năm trước, chỉ cần cắt cái đầu dây buộc chiếc bị đó ra thì bị khoai tây sẽ bị văng tung tóe, mỗi củ mỗi nơi".
Chuyển hàng bó tiền Việt vào một ngân hàng ở Việt Nam - con số hàng tỷ VND bị tham nhũng lấy đi khiến dư luận bất bình
"Nhìn rộng ra, nguy cơ Đảng bị phân rã, chia cắt, cát cứ là hết sức nguy hiểm. Trong Đảng mà nảy nòi nhiều "sứ quân" thì nguy cơ khó còn là Đảng Cộng sản nữa ; và khi đó, vai trò lãnh đạo, trọng trách lịch sử của Đảng sẽ bị tổn thương và đe dọa nghiêm trọng", ông Nhị Lê được trích dẫn trên VTCNews (15/08/2017).
Không chỉ nói đến nguy cơ với Đảng cầm quyền, ông Nhị Lê còn nói về "tính chính danh, chính pháp của Đảng" bị đe dọa nếu không chống được tham nhũng.
Ý kiến mạng xã hội
Cùng lúc, chủ đề này cũng được nhiều bạn đọc trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt quan tâm.
Có ý kiến, như của bạn có nick là 'Nguyen Vinh' tỏ ý tin tưởng vào sự chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng :
"Ông Trọng, ông Vượng, ông Chính đang xây dựng Cơ Chế để kiểm soát Tham Nhũng. Tôi tin các ông ấy sẽ tạo ra được một cơ chế như vậy".
Nhưng cũng có ý kiến hoài nghi.
Chẳng hạn bạn có nick là Thanh Ngochi viết :
"Kỷ luật thép' của đảng... thôi chẳng cần đâu, tốn tiền của dân, chỉ cần các đảng viên tuân thủ hiến pháp và luật pháp là đủ rồi".
Còn bạn Phạm Khuê thì viết :
"Bày trò ra cho tốn công vô ích. Đã có bộ luật thì ai cũng phải chấp hành đi. Không phải bộ luật chỉ để cai trị dân và chừa cán bộ Đảng viên ra đâu. Thế Đảng bỏ khẩu hiệu 'Sống theo pháp luật' rồi sao ?"
Ý kiến của Nguyễn Nhương thì nhắc lại một thời kỳ trước :
"Chỉ có cách là thành lập các 'tổ công tác đặc biệt' như thời Cải cách văn hóa của Mao hay 'đội cải cách ruộng đất 1954' của Việt Nam là cứ đi tới làng nào phố nào nghe nhân dân tố tay nào tham nhũng hay ức hiếp nhân dân thì 'băm ngay', không cần xét xử. Có vậy mới là 'kỷ luật thép'"
Còn bạn 'Thang Viet Nguyen' thì đặt câu hỏi : "Cách chức cũ, cho về hưu lĩnh lương chức mới. Học tập tấm gương... từ thời đại rực rỡ đến thời đại huy hoàng ?"
Được biết hôm 11/09/2017, Ủy ban Thường vụ quốc hội Việt Nam, qua lời Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sẽ cho ý kiến về bảy dự án luật trong đó có Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Các vụ xử 'đại án' hiện vẫn đang diễn ra ở Việt Nam, với tin mới nhất cho hay bốn lãnh đạo của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) có mặt tại phiên xét xử Đại án OceanBank ngày 11/9, theo sau triệu tập của tòa để giải trình việc cầm tiền "chăm sóc" từ OceanBank, lên tới hàng tỷ VND.
Tuy nhiên, một bị cáo chính, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, bác bỏ luôn "lời khai một chiều của phía bị cáo" và nói ông "không nhận đồng nào".
*******************
Chủ tịch Quang 'tưởng niệm lãnh tụ Hồ Chí Minh' (BBC, 11/09/2017)
Một số báo Việt Nam vừa đồng loạt đăng tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang có hoạt động dâng hương tưởng niệm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hình ảnh đăng hôm 5/9/2017 trên trang web Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc Chủ tịch Trần Đại Quang tới tưởng niệm ngày mất của ông Hồ
Trang Zing viết : "Ngày 11/9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch".
Báo này giải thích rõ đây là ngày mất của ông Hồ, tính theo lịch âm, 21/7.
Cũng có nội dung tương tự, nhưng trang VietnamNet ghi "nhân dịp kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2/9 và 48 năm Ngày Bác Hồ đi xa (21/7 âm lịch)" chứ không nêu rõ việc tưởng niệm diễn ra hôm nào.
Các trang này đều dẫn nguồn trang tin Văn phòng Chủ tịch nước, nơi trong bài đăng đầu giờ sáng ngày 11/9 ghi rõ Chủ tịch Trần Đại Quang đã có các hoạt động tưởng niệm tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch.
Tuy nhiên, theo trang tin chính thức của khu di tích này thì sự kiện trên đã diễn ra từ trước đó ít hôm.
"Sáng ngày 05/9/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch", bài đăng cùng ngày trên trang này viết.
Tin Chủ tịch Trần Đại Quang "dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh" là bài mới nhất được đăng trên trang tin chính thức của Văn phòng Chủ tịch nước tại địa chỉ vpctn.gov.vn.
Trước đó, tin cuối cùng được đăng vào hôm 14/8/2017, nói về hội nghị học tập và triển khai nghị quyết Hội nghị trung ương 5 của Đảng Cộng sản khóa 12.
Tin tức về sức khoẻ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và chuyến đi sang Nhật Bản để điều trị của ông đã thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam và truyền thông nước ngoài hồi tháng 8.
Nhưng sau đó, báo chí Việt Nam liên tiếp đăng các hình ảnh và cả video cho thấy ông Quang đã dự các lễ nội bộ và tiếp khách nước ngoài.
Lần gần nhất, ông đón Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi hôm 6/9, trong chuyến thăm hai ngày của ông al-Sisi tới Hà Nội.