Tối 8/3, VOA nhận được thư kêu cứu của ông Bạch Hồng Quyền, một nhà hoạt động Việt Nam đang tị nạn tại Thái Lan, nói rằng ông đang trong tình trạng "hết sức nguy hiểm" vì là "nhân chứng duy nhất chứng nhận việc ông Trương Duy Nhất đã có mặt ở Thái Lan để tìm kiếm quy chế tị nạn".
Trong thư, ông nói cảnh sát Thái Lan đang kết hợp với đại sứ quán Việt Nam để truy lùng nhằm bắt giữ và trục xuất ông về Việt Nam "với mục đích xóa dấu vết ông Trương Duy Nhất đến Thái Lan.
VOA Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn trực tiếp với ông Bạch Hồng Quyền để tìm hiểu thêm sự việc.
VOA Tiếng Việt : Xin ông Bạch Hồng Quyền cho biết rõ hơn về tình trạng hiện nay của ông ?
Bạch Hồng Quyền : Như mọi người đã biết, thông tin về việc ông Trương Duy Nhất mất tích từ ngày 26/1/2019 đến nay đã hơn 1 tháng nhưng vẫn chưa có bất cứ tin tức gì từ phía Thái Lan lẫn Việt Nam. Nhiều thông tin cho biết ông Nhất đã bị bắt cóc tại Thái Lan và đã đưa về Việt Nam. Tôi là nhân chứng duy nhất vì khi đến Thái Lan, ông Nhất có liên hệ với tôi nhờ giúp đỡ. Tôi có đi đón ông Nhất tại sân bay Don Mueang. Khi đó, ông Nhất có nói ông sang đây để xin quy chế tị nạn vì ở Việt Nam thì có thể bị bắt hoặc bị bỏ tù bất cứ lúc nào.
Sau đó, ông Nhất có nhờ tôi thuê một chỗ ở gần chỗ tôi để tiện giúp đỡ đi lại. Sau đó, tôi có đưa ông Nhất tới một khách sạn gần nhà tôi ở Lamluka để thuê phòng ở khách sạn.
Rồi ông Nhất nhờ tôi đưa tới UNHRC (Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc) để đăng ký tị nạn. Hôm đó là ngày 25/1/2019. Sáng hôm đó tôi đưa ông Nhất tới Liên Hiệp Quốc để đăng ký, rồi về lại khách sạn. Tối đó, ông Nhất nói có một vài số điện thoại lạ liên lạc.
Hôm sau, cuộc gọi cuối cùng mà tôi liên lạc được với ông Nhất là vào lúc 17g20 chiều 26/1. Sau đó thì ông Nhất mất tích, đến giờ vẫn chưa liên lạc được.
Hôm nay, báo Thái Lan đưa tin là Tổng cục cảnh sát Thái Lan kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam đang vào cuộc điều tra vụ ông Trương Duy Nhất mất tích tại Thái Lan.
Vì tôi là nhân chứng duy nhất xác định ông Trương Duy nhất đã đến Thái Lan và đến Liên Hiệp Quốc để xin quy chế tị nạn, và những người có liên quan như Kami hiện không biết ở đâu, còn ông Cao Lâm thì đã bị bắt và giam tại IDC (Trung tâm giam giữ di trú Thái Lan), thứ Ba này sẽ trục xuất về Việt Nam. Còn tôi là nhân chứng duy nhất trực tiếp giúp ông Nhất tại Thái Lan, nên khi biết những tin đó, tôi rất lo lắng về sự an toàn của tôi, cũng như có thể bị trục xuất về Việt Nam, vì tôi là một người hoạt động nhân quyền bị chính quyền Việt Nam truy nã vì việc tôi giúp những người dân bị ảnh hưởng của vụ Formosa.
Ngoài ra, tại nơi tôi mới đến ở, thì chiều hôm qua, khoảng 2 giờ chiều, cảnh sát di trú có đến. Tôi nhìn thấy nhờ bộ đồ họ mặc và may mắn là tôi đã đi kịp khỏi nơi đó. Còn có tin là cảnh sát di trú đã hỏi những người bảo vệ ở nơi tôi ở trước đó 2, 3 ngày.
Tình trạng của tôi hiện giờ thực sự là nguy hiểm. Tôi đang nói chuyện mà rất lo lắng là cảnh sát Thái có thể bắt tôi bất cứ lúc nào và trục xuất tôi về Việt Nam. Thực sự tôi rất lo lắng...
VOA Tiếng Việt : Tin ông nói rằng ông Cao Lâm đã bị bắt và trục xuất về Việt Nam, đó là tin ông biết chính thức hay chỉ được nghe nói ?
Bạch Hồng Quyền : Tôi biết tin chính thức là ông Cao Lâm đã bị bắt vào ngày 1/3. Nhưng cảnh sát không hỏi gì về ông Trương Duy Nhất, mà chỉ hỏi về việc tôi đang ở đâu. Đó là điều minh chứng thêm về việc cảnh sát Thái đang truy lùng tôi gắt gao.
VOA Tiếng Việt : Anh có biết ông Cao Lâm bị trục xuất về Việt Nam vì nguyên nhân gì không ?
Bạch Hồng Quyền : Ông Cao Lâm bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam với lý do lao động bất hợp pháp. Mà tôi tin chắc chắn đó không phải là lý do thực, vì tôi biết chắc chắn rằng ông Cao Lâm ở đây lao động ở đây nhiều năm, không phải mới đây. Không thể nào vì chuyện lao động bất hợp pháp mà họ trục xuất như vậy được.
Ông Cao Lâm có biết việc ông Nhất đến Thái Lan, vì ông Cao Lâm có gặp ông Trương Duy Nhất vào đúng hôm ông Nhất đến Thái Lan và ở nhà tôi tối hôm đó.
Hôm nay, vợ con ông Cao Lâm bị trục xuất về Việt Nam. Còn ông Cao Lâm thì đến thứ Ba tuần sau mới bị trục xuất...
Vẫn theo lời ông Bạch Hồng Quyền nói với VOA, hồ sơ xin tị nạn ở nước thứ ba của ông đã được chính phủ Canada nhận. Hiện ông đang chờ phỏng vấn và làm tiến hành các thủ tục tiếp theo để đi định cư tại đây.
Ông Quyền cũng đã gửi thư kêu cứu và trình bày về tình trạng an ninh của mình hiện nay với cơ quan di trú và Đại sứ quán Canada ở Thái Lan. Tuy nhiên, ông Quyền lo sợ với những diễn tiến hiện nay, phía Canada sẽ không kịp can thiệp nếu ông bị bắt và trục xuất về Việt Nam.
********************
Một người tị nạn Việt Nam kêu cứu vì bị cảnh sát Thái truy lùng do liên quan đến ông Trương Duy Nhất (RFA, 09/03/2019)
Tối ngày 8/3, ông Bạch Hồng Quyền, một nhà hoạt động nhân quyền hiện đang xin tị nạn chính trị tại Bangkok viết thư kêu cứu vì "Tổng cục cảnh sát Thái Lan kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam truy lùng" người này để "bắt giữ và trục xuất về Việt Nam với mục đích xoá dấu vết ông Trương Duy Nhất đến Thái Lan".
Ông Bạch Hồng Quyền - Courtesy of FB Bạch Hồng Quyền
Theo bức thư có chữ ký của ông Bạch Hồng Quyền được công bố thì hiện nay ông đang trong tình trạng hết sức nguy hiểm vì "là nhân chứng duy nhất chứng nhận việc ông Trương Duy Nhất đã có mặt tại Thái Lan để xin quy chế tị nạn của Cao ủy liên hợp quốc UNHCR".
Ông này cũng nói rằng, bản thân bị chính quyền Việt Nam truy nã vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền cho người dân trong thảm hoạ Formosa và phải đào thoát đến Bangkok để xin tị nạn chính trị, sau đó được Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cấp quy chế tị nạn số 815-17C00228.
"Nhân chứng duy nhất" về việc blogger Trương Duy Nhất có mặt ở Thái Lan
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA vào tối 8/3, nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền xác nhận là người đã đón blogger Trương Duy Nhất ở một sân bay của Thái Lan, thuê khách sạn và đưa ông nhất đến Văn phòng của UNHCR ở Bangkok để điền đơn xin tị nạn chính trị.
Và vì chỉ có 2 người khác biết tung tích của ông Trương Duy Nhất ở Thái Lan là Kami và Cao Lâm, một người hiện nay đã bị bắt và một người không biết tung tích nơi nào nên bất đắc dĩ ông Quyền trở thành nhân chứng duy nhất của việc này.
"Tôi có đi đón ông Nhất tại sân bay Don Mueang. Khi đó, ông Nhất có nói ông sang đây để xin quy chế tị nạn vì ở Việt Nam thì có thể bị bắt hoặc bị bỏ tù bất cứ lúc nào.
Sau đó, ông Nhất có nhờ tôi thuê một chỗ ở gần chỗ tôi để tiện giúp đỡ đi lại. Sau đó, tôi có đưa ông Nhất tới một khách sạn gần nhà tôi ở Lamluka để thuê phòng ở khách sạn.
Rồi ông Nhất nhờ tôi đưa tới UNHCR (Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc) để đăng ký tị nạn. Hôm đó là ngày 25/1/2019. Sáng hôm đó tôi đưa ông Nhất tới LHQ để đăng ký, rồi về lại khách sạn. Tối đó, ông Nhất nói có một vài số điện thoại lạ liên lạc.
Hôm sau, cuộc gọi cuối cùng mà tôi liên lạc được với ông Nhất là vào lúc 17g20 chiều 26/1. Sau đó thì ông Nhất mất tích, đến giờ vẫn chưa liên lạc được", ông Bạch Hồng Quyền tiết lộ.
Cũng theo lời từ nhà hoạt động đang trốn truy nã của chính quyền Việt Nam, báo chí Thái Lan hôm 8/3 đưa tin là Tổng cục cảnh sát Thái Lan kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam đang vào cuộc điều tra vụ ông Trương Duy Nhất mất tích tại Thái Lan.
Tuy nhiên, phóng viên của RFA ở Bangkok chưa tìm được bài báo nào của Thái Lan nói về vụ việc này.
Nhà chức trách Thái Lan hồi đấu tháng 2 cũng cho biết họ không có dữ liệu nhập cảnh của ông Nhất và đang điều tra xem ông có nhập cảnh bất hợp pháp hay không và chuyện gì đã xảy ra với ông.
Trang web của VOA dẫn lời Bạch Hồng Quyền nói thêm là, hồ sơ xin tị nạn ở nước thứ ba của ông đã được chính phủ Canada nhận. Hiện ông đang chờ phỏng vấn và làm tiến hành các thủ tục tiếp theo để đi định cư tại đây.
Ông này cũng đã gửi thư kêu cứu và trình bày về tình trạng an ninh của mình hiện nay với cơ quan di trú và Đại sứ quán Canada ở Thái Lan. Tuy nhiên, nhà hoạt động này lo sợ với những diễn tiến hiện nay, phía Canada sẽ không kịp can thiệp nếu ông bị bắt và trục xuất về Việt Nam.
Cao Lâm đối diện với nguy cơ bị trục xuất, ông Trương Duy Nhất vẫn mất tích
Hơn 1 tháng kể từ ngày một blogger bất đồng chính kiến - Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do bị mất tích ở Thái Lan khi đang xin tị nạn chính trị, có nghi ngờ là do mật vụ Việt Nam bắt cóc, cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nào lên tiếng xác nhận tình trạng của ông Nhất.
Trong khi đó, một người Việt khác có tên là Cao Lâm bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ ở Bangkok vào ngày 1/3. Ngày hôm sau tòa án Thái Lan buộc tội ông này lao động bất hợp pháp.
Ông Cao Lâm ở Thái Lan Courtesy of FBNV
Ông Cao Lâm hiện bị giam giữ trại Trung tâm giam giữ người nhập cư (IDC) của Thái Lan và đối diện với nguy cơ bị trục xuất về nước.
Theo lời ông Lâm, cảnh sát Thái Lan không đề cập gì đến việc ông Trương Duy Nhất bị mất tích, mà chỉ hỏi về tung tích của ông Bạch Hồng Quyền, tuy nhiên ông Lâm không rõ số điện thoại và nơi ở của nhà hoạt động đang bị Việt Nam truy nã ở đâu nên không thể cung cấp.
Chúng tôi được biết thông tin ông Cao Lâm sang Thái Lan từ 2003 và sau đó có mở một xưởng may nhỏ ở ngoại ô Bangkok. Ông Lâm cho biết ông sang Thái Lan làm việc với thị thực du lịch.
Ông được nhiều người biết đến về việc giúp đỡ một nhóm người Thượng Việt Nam tị nạn ở Thái Lan và các trường hợp tị nạn chính trị khác.
Trong cuộc phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA với Bạch Hồng Quyền vào tối 8/3, anh này tiết lộ ông Cao Lâm sẽ bị trục xuất về nước vào thứ ba 12/3/2019.
Đài Á Châu Tự Do không liên lạc được với Cao Lâm hay Cảnh sát Thái Lan để xác nhận thông tin này.
Hồi năm 2014, ông Trương Duy Nhất - cựu nhà báo Đại Đoàn Kết và chủ blog Một góc nhìn khác bị Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng kết án 2 năm tù giam với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, công dân".
Năm 2014, tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF, có trụ sở tại Pháp vinh danh nhà báo Trương Duy Nhất là một trong 100 anh hùng thông tin của thế giới.
Năm 2016 ông Nhất mãn hạn tù và bắt đầu viết blog cho Đài Á Châu Tự Do.
Một số nguồn tin cho chúng tôi biết, ông Nhất mất tích tại một tiệm kem trên tầng 3 của trung tâm mua sắm Future Park, một ngày sau khi đăng ký thông tin để nộp đơn tìm kiếm quy chế tị nạn tại văn phòng Cao ủy của Liên hiệp quốc về người tị nạn tại Bangkok, Thái Lan.
Hàng loạt các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã yêu cầu chính quyền Thái Lan và Việt Nam tìm kiếm và điều tra về sự mất tích của nhà báo người Việt.
Chính quyền quân đội Thái Lan sau đó đánh tiếng cho biết sẽ điều tra và hiện nay đang có động thái bắt giữ những người Việt Nam có liên quan đến vụ mất tích của ông Nhất.
Phản ứng sau khi ông Bạch Hồng Quyền bị truy nã (BBC, 12/05/2017)
Một số người dân huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh nói "sẽ biểu tình đồng hành" cho nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền sau khi nghe tin ông bị công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố.
Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền (áo xám, chính giữa) tại buổi biểu tình với người dân huyện Lộc Hà hôm 3/4
Hôm 12/5, công an tỉnh Hà Tĩnh chính thức ra lệnh truy nã ông Bạch Hồng Quyền, thành viên nhóm Con Đường Việt Nam, về tội "Gây rối trật tự công cộng" tại UBND huyện Lộc Hà vào ngày 3/4/2017.
Hôm 3/4, ông Bạch Hồng Quyền cùng nhiều người dân hai xã Thạch Bằng, Thạch Kim, đến UBND Lộc Hà yêu cầu chính quyền đối chất về vấn đề bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra và vụ nổ súng uy hiếp người dân tối 2/4.
Dân bức xúc ?
Trước thông tin ông Bạch Hồng Quyền bị khởi tố và truy nã, một số người dân tại huyện Lộc Hà tỏ ra bức xúc.
Bà Tuyết, chủ cơ sở đông lạnh Anh Tuyết, nói với BBC : "Ở đây giờ không chỉ riêng bản thân tôi mà hàng trăm, hàng nghìn sẽ xuống đường đồng hành cũng anh Quyền".
"Anh ấy đã giúp đỡ cả giáo dân và những người dân khác mà không tư lợi gì cả. Nếu như ở Việt Nam ai cũng như anh ấy thì mọi việc không có đổi trắng thay đen được".
"Những cái đen tối của Formosa thì họ che giấu, còn những người tốt, giúp dân thì họ cho là có tội. Không thể để chính quyền muốn làm gì thì làm với người vô tội được".
Bà Tuyết cho biết sẽ có một buổi tuần hành nhưng không cho biết rõ chi tiết.
Ông Nguyễn Hải Hà, chủ cơ sở đông lạnh Hồng Hà nói : "Bạch Hồng Quyền có làm gì đâu mà bắt !"
Người dân tụ tập tại UBND huyện Lộc Hà yêu cầu chính quyền đối chất hôm 3/4
"Bà con nghe tin vậy thì bức xúc lắm. Bắt người không có tội. Họ làm việc tốt, giúp người, mà bây giờ truy nã thì luật pháp Việt Nam không ra gì nữa !".
Ông Hà còn nói "nếu nhà cầm quyền cứ bắt giữ người vô tội, việc [biểu tình] chắc chắn sẽ xảy ra".
Trao đổi với BBC hôm 12/5, chị Bùi Hương Giang vợ ông Bạch Hồng Quyền cho biết, hôm 11/5, công an đã đến cả gia đình bên nội và bên ngoại đề yêu cầu "ký biên bản bắt giữ anh Quyền" nhưng gia đình đã không hợp tác.
"Họ nói khích, gài bẫy tôi, nói tôi là vợ thì phải khuyên chồng ra đầu thú", chị Giang nói.
"Tôi nói chồng tôi không có tội, không việc gì phải ra đầu thú cả".
Chị Giang cho biết chị luôn ủng hộ chồng.
Ông Bạch Hồng Quyền đã tham gia hoạt động nhân quyền 5-6 năm nay
"Từ trước khi yêu Quyền rồi lấy Quyền, tôi đã xác định ủng hộ Quyền trên con đường đấu tranh này. Tôi biết sẽ có những khó khăn như đánh đập, tù đày nhưng không nó sẽ xảy ra sớm như vậy".
"Chỉ mong mọi người quan tâm, lên tiếng bảo vệ cho Quyền. Hãy giúp Quyền, ủng hộ cho Quyền, cũng như nhân quyền ở Việt Nam".
Một luật sư, ông Trần Thu Nam, nói rằng"bất cứ tội gì khi khởi tố mà bị can không có mặt, cơ quan thẩm quyền có quyền truy nã".
"Tuy nhiên, việc công an bắt gia đình anh Quyền ký biên bản bắt giữ là không đúng luật. Vì chỉ ký biên bản đó sau khi đã bị bắt. Gia đình không liên quan gì đến việc bắt giữ".
Báo Hà Tĩnh đưa tin công an Hà Tĩnh khởi tố vụ án hình sự ngày 12/4, khởi tố bị can và bắt giữ ngày 18/4 và ra quyết định truy nã ngày 12/5.
Tờ báo viết : "Những cá nhân, tổ chức nào che giấu, giúp đỡ người bị truy nã bỏ trốn hoặc biết mà không tố giác thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".
***********************
Công an phát lệnh truy nã nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền (RFA, 12/05/2017)
Phóng ảnh lệnh truy nã Bạch Hồng Quyền. File photo
Hôm 12/05/2017, công an tỉnh Hà Tĩnh chính thức ra quyết định truy nã toàn quốc đối với nhà hoạt động vì xã hội và môi trường Bạch Hồng Quyền.
Lệnh truy nã được Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Thượng tá Trần Hải Trung ký.
Trước đó, vào ngày 18/4/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra có quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với Bạch Hồng Quyền về tội "gây rối trật tự công cộng" và "bắt giữ người trái pháp luật", theo Điều 245 và Điều 123 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Nhà hoạt động vì xã hội và môi trường Bạch Hồng Quyền bị cơ quan chức năng Việt Nam khởi tố và truy nã với cáo buộc cầm đầu, kích động khoảng 2.000 giáo dân ở xã Thạch Bằng và xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà biểu tình, vào ngày 3/4/2017, ở trụ sở của Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo cơ quan chức năng Việt Nam, người biểu tình lợi dụng khiếu kiện đền bù sự cố môi trường biển do Formosa gây ra hồi đầu tháng Tư năm ngoái để gây rối an ninh trật tự và một cán bộ công an đã bị đám đông bắt giữ.
Bản thân anh Bạch Hồng Quyền, sau khi có lệnh khởi tố, cho biết :
"Chuyện đã chấp nhận bước chân vào con đường để đấu tranh cho quyền con người, tại vì em là thành viên của Con Đường Việt Nam.
Tôn chỉ lớn nhất của Con Đường Việt Nam là khai dân trí và phổ biến quyền con người để người dân có thể hiểu biết thêm về quyền của mình thì việc để bắt bớ không làm em sợ hãi hoặc chùn bước vì ở đâu có bất công ở đó sẽ có đấu tranh".
Tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Minh Thúy mãn án tù (RFA, 05/05/2017)
Theo tin từ giới tranh đấu trong nước, tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Minh Thúy đã được trả tự do khỏi nhà tù số 5 Thanh Hóa vào sáng ngày 5/5/2017.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy được gặp lại 2 con trai hôm 5/5/2017 sau những ngày tù tội với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ". Courtesy of HuynhNgocChenh
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy là một cộng sự của ông Nguyễn Hữu Vinh, người phụ trách trang web AnhBaSam chuyên điểm tin, thu hút rất nhiều độc giả trong và ngoài nước quan tâm đến tình hình Việt Nam.
Cả hai người bị cơ quan an ninh điều tra thuộc Bộ công an bắt khẩn cấp vào ngày 5/5/2014 với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước", theo điều 258 Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23/3/2016, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Hữu Vinh 5 năm tù giam, bà Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù giam.
Đến ngày 22/9/2016, tòa sơ thẩm Tòa Án Nhân Dân Hà Nội quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm ; tức ông Nguyễn Hữu Vinh bị y án 5 năm tù giam, và bà Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù giam.
Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, nhiều tổ chức bênh vực nhân quyền trên thế giới đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối các bản án này, chỉ trích Việt Nam vi phạm các nghĩa vụ quy định trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia.
Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy tại phiên tòa phúc thẩm ở Hà Nội ngày 22/9/2016. AFP photo
Riêng trường hợp bà Nguyễn Thị Minh Thúy, các tổ chức tranh đấu cho quyền của phụ nữ trên thế giới đã nhiều lần kêu gọi Hà Nội trả tự do cho bà cũng như các phụ nữ tranh đấu tại Việt Nam.
Nói với Đài Á Châu Tự Do nhân kỷ niệm Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3 vừa qua, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền Quốc tế Human Rights Watch cho rằng :
"Các nhà hoạt động nữ ở Việt Nam rất dũng cảm. Họ đang phải đối mặt với những đe dọa, hành hung từ lực lượng công an mặc sắc phục và thường phục, bao gồm cả những nhóm côn đồ tấn công họ, đánh đập họ. Những nhà hoạt động nữ dù dũng cảm không kém những đồng nghiệp nam của mình nhưng họ lại dễ bị tổn thương hơn khi đối mặt với những đe dọa truy bức từ chính quyền".
Cũng theo ông Phil Robertson thì : "Họ là những người đóng vai trò người đi đầu. Cho nên theo tôi đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận vai trò quan trọng của họ không kém các đồng nghiệp nam trong việc đấu tranh thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam".
Được biết, ngoài trang BaSam, bà Nguyễn Thị Minh Thúy còn cùng với ông Nguyễn Hữu Vinh phụ trách các trang Dân Quyền và Chép Sử Việt.
*********************
Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền bị truy nã (RFA, 05/05/2017)
Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền. File photo
Nhà hoạt động vì xã hội và môi trường Bạch Hồng Quyền tại Hà Nội hiện đang bị truy nã.
Thông tin từ những người cùng hoạt động với anh Bạch Hồng Quyền cho biết tin này, cụ thể lệnh truy nã được ký hôm 19 tháng tư vừa qua. Nhà hoạt động Thảo Teresa cho biết :
Lệnh 245 là của những người ở gần cơ quan điều tra cơ quan Hà Tĩnh họ có được, và đây là lệnh của truyền thông Hà Tĩnh đưa lên. Quyền sẽ để cho bắt, bắt kiểu gì thì chưa biết, nhưng Quyền xác định là sẽ đi tù. Cho Quyền 2 con đường là lưu vong thì không chịu lưu vong rồi, còn vì đấu tranh Quyền xác định đi tù.
Nhiều nhà hoạt động đấu tranh cho quyền con người, môi trường sạch bị cơ quan chức năng làm việc và một số bị qui chụp là thành viên của những tổ chức ở nước ngoài.
Tuy nhiên những nhà hoạt động cho rằng họ thực thi quyền công dân theo qui định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Hiện có những nhà hoạt động công khai đang bị giam giữ mà không được xét xử công bằng như luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga…