Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sự kết hợp các tổ chức chính trị Việt Nam tại thời điểm này là một kết hợp của nhu cầu lịch sử

Sự kết hợp các tổ chức chính trị Việt Nam hải ngoại và trong nước tại thời điểm này là một kết hợp của nhu cầu thực tế để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc Việt Nam là giải thể chế độ cộng sản và thoát khỏi sự áp chế của Trung Quốc nhằm đem lại cho nhân dân Việt Nam một cuộc sống tự do và hạnh phúc. 

kethop1

Quận Cam, Orange County, tiểu bang California, Hoa Kỳ, là thủ đô của người Việt tỵ nạn cộng sản

1. Xu thế chính trị hiện nay đang ở giai đoạn hoại diệt

Xu thế chính trị hiện nay trong bốn nước cộng sản còn lại đang đi theo chiều hướng lịch sử khách quan có tính biến dịch và đang ở giai đoạn hoại diệt căn cứ vào ba thực trạng :

Một là, chủ nghĩa cộng sản đã và đang ở trong tình trạng khủng hoảng học thuyết vì mục tiêu lý thuyết và sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội thực tế mâu thuẫn nhau.

Hai là, xu thế chính trị của bốn nước cộng sản còn lại là Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, và Việt Nam đều phải đi theo con đường sinh hoạt kinh tế thực tế để sống còn ; đó là kinh tế thị trường. Một khi kinh tế thì đi theo kinh tế thị trường mà tổ chức chính trị vẫn đi theo đường lối độc đảng, chuyên chế, và độc tài thì cũng giống như mầm sống trứng gà lộn kinh tế thị trường sẽ phá vở vỏ trứng xã hội chủ nghĩa để sinh ra con gà con mới.

Ba là, thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay đã đi đến chỗ tang thương, rách nát cùng cực mà người dân không thể nào chịu đựng được nữa. Môi trường sinh thái của một quốc gia nông nghiệp và ngư nghiệp bị tàn phá khủng khiếp bởi Trung Quốc, bởi sự điều hành đất nước thiếu khôn ngoan, không tôn trọng quy luật tự nhiên và khoa học, và nhất là bởi lòng tham lam vô đáy của giới lãnh đạo cộng sản qua việc vét sạch, bán cạn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. 

Xã hội quá bất công, chênh lệch giàu nghèo không thể tưởng tượng được do diễn trình tái phân phối lợi tức trong quốc gia hết sức vô lý, đã tạo nên một xã hội xuống cấp đạo đức, xuống cấp giá trị, thiếu văn hóa, ích kỷ, nhỏ nhen, mạnh được yếu thua như xã hội của loài lang sói. Sự tha hóa xã hội do tình trạng dân oan quá đau khổ, tệ nạn xã hội quá lan tràn, và làm cho người dân đành phải nhắm mắt đưa chân trong vô vọng về tương lai, nhất là các cô gái trẻ phải bán mình vì sinh kế cho gia đình khi đi lấy chồng ở một đất nước xa lạ và người chồng quá lớn tuổi hay tật nguyền mà mình chưa biết mặt. Tất cả đau thương đó của người dân diễn ra trước mắt một chính quyền bất lực đã đẩy đưa người dân vào vòng cùng quẩn không lối thoát và làm cho đất nước ngày càng kiệt quệ.

Tình trạng kinh tế, văn hóa, xã hội suy đồi như thế làm phát sinh sự cạnh tranh quyền lực chính trị một cách hết sức dã man ; giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam không gớm tay khi tàn sát nhau, đầu độc nhau, gài bẫy nhau, và tiêu diệt nhau. Cuộc chiến giữa Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh, và Trần Quốc Vượng đang diễn ra để giành nhau vị trí kế thừa Nguyễn Phú Trọng là một cuộc chiến hết sức gay gắt. Nguyễn Phú Trọng nắm được viên tướng chưa từng cầm quân và không có kinh nghiệm trận mạc là Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch, nhưng Trần Đại Quang lại có đồng minh thân thiết là hai viên tướng có quân, Tổng tham mưu trưởng Phan Văn Giang và Bộ trưởng nội vụ Tô Lâm. 

Nguyễn Phú Trọng và Trần Quốc Vượng hoàn toàn dựa vào Trung Quốc và dựa vào cơ chế tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam để duy trì quyền lực nhưng cả hai ủy viên Bộ chính trị này lại không được đa số đảng viên ủng hộ. Đinh Thế Huynh bày tỏ sự tách xa Nguyễn Phú Trọng ở lập trường không mấy thân thiện với Trung Quốc. Với bối cảnh đó, Trần Đại Quang và Đinh Thế Huynh có thể thỏa hiệp với nhau nhưng không phải thỏa hiệp để duy trì nguyên trạng với cơ cấu cũ như là Đinh Thế Huynh giữ vai trò Tổng bí thư và Trần Đại Quang giữ chức vụ Chủ tịch nước mà Trần Đại Quang thực hiện sách lược nhất thể hóa hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước, điều ao ước mà Nguyễn Phú Trọng không làm được. Thế thì Đinh Thế Huynh đã thỏa hiệp để giữ vị trí gì ? Vị trí Bí thư thứ nhất kiêm Thường trực Ban bí thư Bộ chính trị và Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, nhân vật thứ hai sau người đứng đầu Đảng dưới danh xưng Tổng bí thư đảng hay Chủ tịch đảng. 

Theo quy ước thông lệ của Đảng cộng sản Việt Nam thì chức vụ Thủ tướng phải trải qua một thời gian dài học việc ở vị trí Phó thủ tướng thường trực hay Phó thủ tướng thứ nhất, và vị trí Thủ tướng ở hàng thứ ba sau Tổng bí thư và Chủ tịch nước trong khi Chủ tịch Quốc Hội ở hàng thứ tư. Vị trí bốn nhân vật đó làm nên cơ chế gọi là "tứ trụ triều đình" của nhà nước cộng sản Việt Nam.

Cả nước Việt Nam có ba thành phố lớn là Sài Gòn, Hà Nội và Đà Nẵng nhưng trung tâm cạnh tranh quyền lực lại nằm ở Đà Nẵng. Quảng Nam – Đà Nẵng đã nuôi dưỡng một con cọp và một con sói mà người ta tưởng con cọp trên cơ con sói nhưng người ta lại không biết con sói đã hạ con cọp qua cách như là con cọp bị con voi khổng lồ dùng vòi quật ngã vậy. Nguyễn Bá Thanh chết thì Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đều mừng nhưng thật sự không do Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng giết. Trần Đại Quang khôn ngoan chứ không phổi bò như Nguyễn Bá Thanh ; khi Vũ "nhôm" bị sờ gáy thì Trần Đại Quang biết ngay anh chàng "lù khù vác lu mà chạy" này chủ mưu.

Nhân vật Thời "Đồ Bành" gắn liền với nhân vật Nguyễn Xuân Phúc. Khi Thời "Đồ Bành" trở nên đại gia Thân Đức Nam thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc trở thành Thủ tướng chính Phủ. Do vậy Trần Đại Quang không dám để con sói ở gần mình. Trần Đại Quang quyết giành lại ảnh hưởng tại Đà Nẵng và Cam Ranh từ Nguyễn Xuân Phúc núp sau lưng Nguyễn Phú Trọng … 

Thế nhưng liên hiệp Trần Đại Quang – Đinh Thế Huynh sẽ sắp xếp ai thay thế Nguyễn Xuân Phúc ? Trong năm Phó thủ tướng đương nhiệm thì trước hết ba Phó thủ tướng sau không phải là nhân tuyển thích hợp vì họ đều sinh trưởng tại Miền Bắc gồm Phạm Bình Minh, Nam Định ; Vũ Đức Đam, Hải Dương, và Trương Đình Dũng, Vĩnh Phúc. Vì sao ? Vì lãnh đạo Đảng và Nhà Nước đều là hai nhân vật sinh trưởng ở Miền Bắc rồi, Trần Đại Quang, Ninh Bình ; Đinh Thế Huynh, Nam Định. Hai Phó thủ tướng còn lại là Vương Đình Huệ và Trương Hòa Bình thì ai sẽ thích hợp với vị trí thủ tướng hơn ?

Trương Hòa Bình, 61 tuổi, quê quán ở Long An, Thạc sĩ Luật, ủy viên Bộ chính trị, nguyên là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, quá trình làm việc nghiêng về chuyên môn ngành an ninh và tư pháp chứ không có nhiều kinh nghiệm về sinh hoạt kinh tế, tài chánh và quản trị hành chánh nói chung.

Vương Đình Huệ, 60 tuổi, sinh trưởng tại Nghệ An, Tiến sĩ kinh tế, Giáo sư Đại học, ủy viên Bộ chính trị, nguyên là Bộ trưởng tài chánh, Trưởng ban kinh tế trung ương. Theo lẽ thường thì Vương Đình Huệ có thể thích hợp cho vị trí Thủ tướng nhưng Nghệ An tuy thuộc Miền Trung mà nhìn dưới khía canh phân bố quân bình nhân sự vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam thì Nghệ An vẫn thuộc Miền Bắc, tức là thuộc lãnh thổ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Do vậy Trương Hòa Bình của Long An mới là một nhân vật làm thăng bằng cán cân địa dư vì Long An thuộc Miền Nam, tức là thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.

2. Bối cảnh xã hội, văn hóa, kinh tế, và chính trị tan nát

Bối cảnh xã hội, văn hóa, kinh tế, và chính trị tan nát như thế của thể chế cộng sản Việt Nam đòi hỏi toàn dân trong và ngoài nước phải đoàn kết một lòng tranh đấu giải thể chế độ cộng sản. Nhưng tranh đấu phải có lãnh đạo để điều hướng mọi hoạt động đấu tranh nhằm thống nhất hành động nhắm đến một mục đích chung. Thực trạng sinh hoạt chính trị của Việt Nam sau hơn 80 năm bị Thực dân Pháp đô hộ rồi tiếp theo là 30 năm với cuộc chiến tranh Quốc/Cộng thì lòng dân phân tán, các tổ chức xã hội, đảng phái chính trị cũng bị phân hóa nghiệt ngả. Do vậy, để kết hợp mọi người chung sức chung lòng cùng làm việc với nhau thì trước hết mỗi chính đảng phải kết hợp tái thống nhất dưới một Ủy ban lãnh đạo rồi các chính đảng thống nhất đó cùng với các tổ chức chính trị xã hội khác lại một lần nữa cùng phối hợp hành động trong một Mặt Trận Quốc Dân Việt Nam để vận động quần chúng tham gia hoạt động trong Mặt Trận đó.

3. Mặt Trận Quốc Dân Việt Nam phải được tổ chức hợp lý

Để kiện toàn khả năng kết hợp toàn dân trong và ngoài nước nhằm hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc Việt là tranh đấu giải thể chế độ cộng sản, thâu hồi nền độc lập dân tộc, thoát khỏi sự áp chế của Trung Quốc nhằm đem lại cho nhân dân Việt Nam một cuộc sống tự do và hạnh phúc thì Mặt Trận Quốc Dân Việt Nam phải được tổ chức hợp lý với một cơ cấu linh động và thích ứng với hoạt động đấu tranh chính trị, đồng thời cũng tránh sự va chạm giữa các bộ phận với nhau trong quá trình sinh hoạt. Cơ cấu đó nên được quy định rõ ràng trong Bản Nội Quy Sinh Hoạt.

Tóm lại, thời cơ lịch sử đã và đang đến. Các sinh hoạt chính trị theo chiều hướng hợp nhất đã ló dạng, hình thành và phát triển. Ba hệ phái chính và các hệ phái phụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã kết hợp lại thống nhất dưới sự lãnh đạo chung của một Hội Đồng Lãnh Đạo từ tháng 4 năm 2016. Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội và Hải Ngoại Việt Nam cũng được thành lập trong tháng 4 năm 2016 gồm Đại Diện các Tôn Giáo lớn của người Việt kết hợp với Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam. Sau đó hơn một năm, Liên Hiệp Hội Đồng Quốc Dân Việt Nam đã được vận động thành lập cuối tháng 12 năm 2017. Cả ba kết hợp này đều diễn ra tại thủ đô tỵ nạn cộng sản là Quận Cam, Orange County, tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Và nhiều tổ chức đoàn thể khác cũng đã và đang trên đường tái kết hợp sau một thời gian dài phân hóa. Điều đó nói lên sự sẳn sàng nhập cuộc nhận lãnh trách nhiệm lịch sử của mọi bộ phận trong đại gia đình dân tộc Việt. 

Nước ngàn suối, trăm sông đều hội tụ về biển, và nước biển chỉ có một vị, đó là vị mặn. Cũng vậy, khi nhu yếu lịch sử đòi hỏi thì chín mươi hai triệu người dân Việt như một đều nói lên một tiếng nói, đó là tiếng nói quyết tâm thực hiện cho bằng được dân tộc độc lập, dân quyền tự do, và dân sinh ấm no hạnh phúc.

Trần Nguyên Liêm

Nguồn : CaliToday, 17/02/2018

Published in Việt Nam

Sapa : Tiếng kêu cứu của núi đồi … ! (CaliToday, 05/02/2018)

Những biệt thự, những dự án bạc tỷ nhưng đền bù cho dân một mét vuông (m2) đất nông nghiệp từ vài ngàn cho đến vài chục ngàn đồng, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc có số hộ dân ở huyện Sapa, tỉnh Lào Cai đi khiếu kiện lâu dài liên quan đến dự án xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sapa…

"Sapa ước hẹn bạn mình ơi
Vãng cảnh sương giăng quện đất trời
Thác Bạc dòng reo hòa gió hát
Cầu Mây khách dạo ẩn rừng chơi
Trai Mường nhún nhẩy khèn trong trẻo
Gái Thái đong đưa mắt sáng ngời
Văn hóa chợ Tình mang bản sắc
Một miền sinh thái nước non tươi"

(Vãng cảnh Sa-Pa, Tr.Đ. Thiện)

Sapa từ lâu đã đi vào thi ca Việt Nam không chỉ với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, thơ mộng mà còn đậm đà bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, Sapa ngày nay là những biệt thự, là những khách sạn hiện đại và là "đại công trường" ngổn ngang với những dự án bạc tỷ. Dự án xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sapa là một trong những dự án mà Cali Today nói đến. Dự án này kéo dài mười mấy năm qua nhưng hiện cho thấy vẫn chưa hoàn thành vì vướn mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, dẫn đến việc có nhiều hộ dân khiếu kiện kéo dài, không đồng thuận giao đất cho chủ đầu tư.

sapa1

Chợ văn hóa Sapa đã xong nhưng Dự án không thể hoàn thành vì vướng mắc trong công tác GPMB. (Ảnh : Mạnh Hưng - Báo Tài nguyên và môi trường)

Dự án xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sapa được chính quyền tỉnh Lào Cai phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2004 và năm 2005, dự án được nhà đầu tư là Công ty Cương Lĩnh sau chuyển sang Công ty đầu tư VIDIFI bắt đầu công đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng, san lắp mặt bằng. Tuy nhiên, quá trình triển khai lấy đất của dân nhằm phục vụ việc xây dựng dự án đã vấp phải sự không đồng thuận vì những sai sót, việc thống kê bồi thường không chính xác, không đảm bảo tính pháp lý…

Chị Phạm Thị Nhung, đại diện cho hộ bà Bùi Thị Huyền, tổ 2B, thị trấn Sapa chia sẻ với Cali Today :

"Quy hoạch nó bảo là dự án Chợ văn hóa và Bến xe nhưng thực tế nó thu đất của dân để chia lô bán nền, làm biệt thự"

Chị Nhung cho biết gia đình chị nhận quyết định thu hồi hơn 7000m2 đất. Còn của những hộ dân khác trong cùng dự án là khoảng mấy chục hecta đất thực sự vào năm 2009, 2010 chính quyền đã lấy đất của người dân bán xây dựng biệt thự. Các hộ dân cho rằng việc giao đất để phục vụ dự án công cộng, công trình văn hóa và quốc phòng làm giàu cho đất nước thì họ sẵn sàng tuân thủ nhưng nếu lấy đất của người dân để bàn giao cho nhà đầu tư chia lô, bán nền là không được, đó là chưa nói việc đền bù cho thấy thiệt thòi của người dân là rất lớn. Các hộ dân nộp đơn kiện ra Tòa nhờ phân xử cho thấy những khiếu kiện của các hộ dân là có cơ sở. Tuy nhiên :

"Họ vẫn thu đất của dân để đền bù theo giá mới, giá thời điểm bây giờ… có nghĩa là họ vẫn có quyền thu đất của mình và họ chỉ trả cho nhà mình mỗi người một suất tái định cư. Tôi hỏi lại họ, thế bây giờ nhà nước lấy đất của tôi vì lợi ích quốc gia, giờ sang luật đất đai 2013 trong quyết định hiện hành không cho phép thu đất của tôi giao cho doanh nghiệp, không ai cho phép lấy của người nghèo lo cho người giàu. Họ lấy đất của tôi để làm biệt thự thì gia đình tôi cũng có nhu cầu làm biệt thự chứ ? Họ lấy của tôi rồi đền cho tôi giá rẻ và bắt tôi mua biệt thự, giá cao làm sao tôi nhận ? Nguồn gốc đất nhà tôi trước năm 1980".- Lời của chị Nhung.

Chị Nhung và nhiều hộ dân cho rằng Quyết định phê duyệt là từ tháng 06/2005 nhưng mà quyết định này chỉ có hiệu lực đến năm 2008. Theo chị Nhung, Viện kiểm sát nói Quyết định này trái quy định của pháp luật vì Nhà nước không còn chủ trương đổi đất lấy công trình (hạ tầng) từ kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa XI. Trái quy định của pháp luật nhưng tỉnh Lào Cai và huyện Sapa cố tình "lấy thịt đè người" để lấy đất của dân đặng giao cho doanh nghiệp chia lô, bán nền. Chị Nhung nói :

"Tôi không phải là tiểu thương. Họ lấy đất của dân để xây dựng dự án chợ- bến xe. Công trình chợ đã đưa vào hoạt động rồi, còn bến xe thì đang chuẩn bị hoạt động. Còn đất của gia đình tôi với người dân họ thu để chia từng lô bán biệt thự".

Giá đền bù quá thấp, chị Nhung nói thêm :

"Mỗi biệt thự họ bán từ thời năm 2009, hợp đồng đặt cọc ghi thời 2009-2011 gì đấy là mấy tỷ đồng một cái biệt thự, còn giá thị trường bây giờ thì phải mấy chục tỷ đồng. Lúc họ đền bù cho gia đình tôi năm 2012, quyết định thu hồi 2012 là 6.500 đồng/m2 đất nông nghiệp. Sau đó gia đình thắc mắc thì họ bảo hỗ trợ 200% thành 13.000 đồng tổng cộng lại là gần 19.000 đồng/m2 đất nông nghiệp".

Trả lời phỏng vấn của báo Công an vào tháng 7/2017, ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Sapa nói đây là dự án sử dụng quỹ đất để đổi cơ sở hạ tầng. Nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư hạ tầng thì được tỉnh trả lại bằng quỹ đất tương ứng để thu hồi vốn. Việc nhà đầu tư chuyển nhượng lại đất là bình thường theo Luật Đất đai.

Sapa từ một điểm thu hút khách du lịch, là nơi bảo tồn văn hóa vùng miền bỗng chốc nở rộ những khách sạn, biệt thự và những dự án bạc tỷ đang xây dựng và sắp xây dựng như : Khu quần thể vui chơi giải trí Fanxifang, dự án khu đô thị Trường Giang ; dự án khu đô thị mới Đông Bắc… đánh đổi không ít từ những ý kiến không đồng thuận của những hộ dân như trường hợp của chị Nhung.

"Họ bán rồi, có hợp đồng đặt cọc là họ bán rồi. Trường hợp mua cũng không kiện được nó vì họ làm hợp đồng đặt cọc theo kiểu khép chặt là ; nếu có gì thay đổi thì có thể diện tích đất không thay đổi nhưng vị trí có thể thay đổi, tức là bên người ta mua mà dân không trả đất thì họ chuyển đi chổ nào thì phải chịu. Kiểu mua trên sơ đồ đấy…"

Hiện tại chị Nhung và một số hộ dân đã xuống Hà Nội kêu cứu đến các cơ quan, ban ngành chức năng Trung ương. Còn Sapa đang từng ngày trở nên hiện đại hóa và mở rộng nhằm hướng tới năm 2020 lên đô thị loại 3.

Thiên Hà

***********************

Khi báo nhà nước phẫn nộ ‘điều 62 của Luật Đất đai đang vấy máu’… (CaliToday, 04/02/2018)

Vào đầu năm 2018, trong bối cảnh nạn cướp đất vẫn tràn ngập ở nhiều vùng tại Việt Nam, tỷ lệ đơn thư khiếu nại – tố cáo liên quan đất đai chiếm đến 95% trong tổng số đơn thư khiếu tố, còn Bộ Tài nguyên và môi trường vừa dự thảo một dự luật sửa đổi về Luật Đất đai nhưng không những không thu hẹp mà còn đề nghị tiếp tục mở rộng diện đối tượng bị giải tỏa đất, trang báo điện tử Một Thế Giới đã đăng bài viết rất đáng chú ý của tác giả Hoàng Hải Vân (cựu phóng viên báo Thanh Niên) với tựa đề "Lợi ích nhóm nằm trong Luật Đất đai".

Nội dung đáng chú ý nhất của bài báo trên là phần kết luận :

"Xin nói thẳng, không chỉ là đơn khiếu kiện chiếm 80%, mà điều 62 của Luật Đất đai đang vấy máu. Chúng ta đã nghe nhiều trường hợp người dân không chấp nhận rời khỏi ruộng vườn đã phản ứng bằng bạo lực với lực lượng cưỡng chế, máu của dân và máu của đồng bào làm nhiệm vụ cưỡng chế đều là máu của người vô tội. Nơi này nơi kia ở nông thôn đang bất ổn về chính trị, không phải do sự chi phối của các thế lực thù địch, mà do đất của dân bị Nhà nước thu hồi để giao cho các "đại gia", tuy có thể đúng Luật nhưng trái đạo lý. Những đảng viên Cộng sản hãy nhớ rằng, Liên minh công nông là nền tảng chính trị của Đảng không chỉ ở nông thôn. Nền tảng chính trị đó mà bị phá vỡ thì Đảng không còn đất sống".

Cho đến nay, Một Thế giới vẫn lọt thỏm trong hơn 900 tờ báo nhà nước, với tuyệt đại đa số còn lại vẫn nằm trong tình trạng câm nín "cho nó lành" mà không có bất cứ phản biện xã hội nào.

Những cụm từ "điều 62 của Luật Đất đai đang vấy máu" và "Nền tảng chính trị đó mà bị phá vỡ thì Đảng không còn đất sống" – thể hiện tâm trạng bức xúc cao độ nhưng vẫn phải kìm nén khi viết ra và khi được biên tập bởi tờ báo – cần được xem là hết sức hiếm hoi trên mặt báo nhà nước.

Cần nhắc lại, vào năm 2013 Luật Đất đai đã được đưa vào Dự thảo hiến pháp 2013 để lấy ý kiến nhân dân. Nhưng khi Hiến pháp 2013 được thông qua thì không còn thấy có bất kỳ khái niệm nào được sửa đổi. Điều đó cho thấy Nhà nước, Chính quyền và Quốc hội cực kỳ vô cảm trong mối quan hệ với nhân dân.

sapa2

Những hình ảnh quá thường thấy ở Hà Nội. Có đến hàng trăm ngàn nạn nhân của cơ chế giải tỏa đất đai đã trở thành tầng lớp dân oan ở Việt Nam. Ảnh : Xuân Việt Nam.

Và trên hết là vô tâm

Sự vô tâm cùng cực đó khiến vấn đề sở hữu đất đai đã không hề được thay đổi. Cho tới nay, Hiến pháp vẫn khẳng định đất đai là "sở hữu toàn dân", mặc dù đã có rất nhiều ý kiến đánh giá là sở hữu đất đai toàn dân hoàn toàn không còn phù hợp với cơ chế vận động thị trường hiện thời. Đặc biệt là những hậu quả ghê gớm gây ra bởi vô số các nhóm lợi ích bất động sản kết hợp với các nhóm thân hữu chính trị trong suốt vài chục năm qua bởi "chế độ sở hữu toàn dân".

Tính chất "toàn dân" đã giúp chế độ có thể trưng thu đất đai một cách vô tội vạ với giá đền bù rẻ mạt, có khi thấp bằng 1/10 tới 1/20 giá thị trường, thậm chí chỉ bằng 1/100 giá thị trường, gây bất công xã hội ghê gớm và châm ngòi cho hàng chục ngàn cuộc khiếu kiện lớn nhỏ hằng năm trong dân chúng, tạo ra một tầng lớp dân oan thảm thương lên đến hàng triệu người trên mảnh đất Việt Nam ngày càng bị bóp vụn.

Trong rất nhiều dự án được gọi là "phát triển kinh tế xã hội", chủ đầu tư đã cấu kết với chính quyền địa phương đền bù giá rẻ mạt đối với người dân, thu hồi đất một cách tùy tiện, sẵn sàng cưỡng chế và thậm chí gây chết người. Nhưng sau đó chỉ sử dụng khoảng 1/3 diện tích để thực hiện dự án như họ đã mô tả trong luận chứng kinh tế kỹ thuật, còn lại 2/3 là phân lô bán nền kiếm lời.

Trong khi đó ngay cả ở Trung Quốc, đất nước đã sinh ra hàng trăm ngàn cuộc khiếu kiện lớn nhỏ của người dân mỗi năm, cũng đã phải thực hiện những cải cách nhất định. Từ đầu năm 2013, chính Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra một văn bản yêu cầu các chính quyền địa phương không được thu hồi đất bất hợp lý đối với người dân, đe dọa thi hành kỷ luật những quan chức ăn chênh lệch giá đền bù.

Ở Việt Nam, đã có rất nhiều ý kiến yêu cầu phải chuyển sở hữu đất đai sang hình thức đa sở hữu : vừa sở hữu toàn dân, vừa sở hữu tập thể và phải có cả sở hữu tư nhân ; không thể thu hồi đất vô tội vạ, không được thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội là loại dự án đã gây ra bất công lớn nhất và tình trạng dân oan kéo đi khiếu kiện nhiều nhất trong những năm vừa rồi.

Nếu trong thời gian tới, Quốc hội không chịu thay đổi bất kỳ nội dung quan trọng nào của Luật Đất đai, sẽ tất yếu làm tăng tình trạng lobby chính sách, làm sai chính sách phổ biến. Các nhóm lợi ích, các nhóm thân hữu chính trị sẽ tiếp tục lợi dụng những chính sách sai lầm để trục lợi. Do đó càng gây ra phản ứng ngày càng mạnh mẽ, ngày càng quyết liệt của người dân, và có thể sinh ra hàng loạt cuộc biểu tình như xã hội đã và đang chứng kiến trên khắp các miền đất nước, đặc biệt ở các vùng nông thôn miền Bắc như Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên… và ngay cả tại ngoại thành Hà Nội là Dương Nội, Đồng Tâm.

Thiền Lâm

Published in Việt Nam

Việt Nam đang trở nên "hấp dẫn nhất thế giới" khi "chỉ số đo sức khỏe nền kinh tế" – nhưng lại bị rất nhiều người dân xem là một thị tường cờ bạc – bật tăng dữ dội kể từ tháng 11/2017.

cobac2

Ngày càng nhiều chuyên gia và nhà đầu tư nói thẳng rằng về thực chất, thị trường chứng khoán chỉ là một thị trường cờ bạc, trong khi chẳng đóng góp gì hoặc chủ đóng góp rất ít ỏi cho nền kinh tế. Ảnh : VTC

Lẽ dĩ nhiên, chính phủ "kiến tạo" của Thủ tướng Phúc và những cận thần ham hố thành tích tăng trưởng có thể trông mong vào hiện tượng chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán tăng vọt từ gần 700 điểm vào đầu năm 2017 lên gần 1.000 điểm vào đầu tháng 12 cùng năm, nhưng thậm chí vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm trở lại mà vẫn còn có xu hướng tăng tiếp, có chuyên gia còn dự báo thị trường này có thể tăng cho đến khi nào vượt qua mốc kỷ lục được thiết lập vào tháng Ba năm 2007 là 1.167 điểm.

Nếu chỉ nhìn vào ngoại hình của VN-Index, ai cũng phải công nhận đó là một người đàn bà hấp dẫn, thậm chí hấp dẫn nhất thế giới, bởi nó đã mang lại hình ảnh thăng hoa dữ dội cho thị trường chứng khoán Việt Nam thuộc loại ghê gớm nhất trên thế giới vào năm 2017.

Nhưng nếu "nhìn xuyên qua quần áo" của người đàn bà trên, người ta sẽ thấy gì ? Có thật người đàn bà đó là đặc trưng cho sắc đẹp của cả nền kinh tế Việt Nam như các kênh báo đảng và kênh báo chính phủ thường lôi cả sự trần trụi ra để khoe mẽ ?

Một trong những chuyên gia đã quan sát, phân tích và trực tiếp tham gia vào thị trường chứng khoán Việt nam từ hàng chục năm qua – Tiến sĩ Đinh Thế Hiển – trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Đất Việt trong nước vào tháng 11/2017 đã cho rằng không phải bây giờ mà suốt từ năm 2007, VN-Index hoàn toàn không phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh nội địa mà nó dựa vào cổ phiếu của một nhóm gồm vài ba công ty rất lớn. Do đó, VN-Index hiện nay chưa đủ phản ánh sức khỏe nền kinh tế.

Vậy vì sao không phản ánh nội lực kinh tế mà VN-Index vẫn "lên" quá dễ dàng ?

"Chỉ cần có một vài cổ phiếu dịch lên một chút cũng đủ khiến chỉ số VN-Index tăng lên. Những mã này số lượng giao dịch không lớn, vẫn là những nhà đầu tư Nhà nước hay nhà đầu tư chủ chốt nắm quyền chi phối, đặc biệt là những cổ phiếu có chủ đầu tư chủ chốt nắm quyền chi phối thì nó càng không đại diện cho giá trị thực tế" – ông Đinh Thế Hiển lý giải.

Đáng chú ý, quan điểm của ông Đinh Thế Hiển không phải là cá biệt trong giới chuyên gia tài chính và chứng khoán ở Việt Nam. Từ trước đến nay và đặc biệt càng về sau này, bất chấp lối tuyên giáo một chiều và cưỡng ép về "thị trường chứng khoán phản ánh sức khỏe nền kinh tế", ngày càng nhiều chuyên gia và nhà đầu tư nói thẳng rằng về thực chất, thị trường chứng khoán Việt Nam khác hẳn với các thị trường chứng khoán trên thế giới, bởi chứng khoán Việt Nam chỉ là một thị trường cờ bạc với tính minh bạch quá thấp cùng vô số chiêu trò thủ đoạn đầu cơ và làm giá, một thị trường mà "tiền không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ biến từ túi kẻ này sang túi kẻ khác", trong khi chẳng đóng góp gì hoặc chủ đóng góp rất ít ỏi cho nền kinh tế.

Chỉ ở trong chăn mới biết chăn có rệp – đó là thâm niên kinh nghiệm và cũng là trải nghiệm xương máu của quá nhiều nhà đầu tư và giới phân tích tài chính, bởi hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" là một đặc trưng rất rõ và cũng hết sức tàn nhẫn của VN-Index. Một thị trường của khoảng 20 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn như VIC, VNM, GAS… mà chỉ cần những cổ phiếu này tăng hay giảm về giá là chắc chắn làm diện mạo VN-Index lập tức chuyển từ xanh sang đỏ.

Nhưng "xanh vỏ đỏ lòng" là câu chuyện của những năm trước khi đám "tay to" (giới đại gia thao túng thị trường cờ bạc này) duy trì thế giằng co của VN-Index nhằm một hoặc cho những mục đích ẩn giấu nào đó, trong đó đương nhiên phải kể đến mục đích "làm đẹp chỉ số chứng khoán’ và do đó làm đẹp bộ mặt kinh tế quốc gia theo ý chỉ của giới chóp bu Việt Nam.

Còn bây giờ, VN-Index đang có dấu hiệu tăng thực sự, không chỉ các cổ phiếu vốn hóa lớn mà cả loại midcap (cổ phiếu vốn hóa vừa) và penny (cổ phiếu vốn hóa nhỏ) đều tăng theo. Kể từ tháng 11 đến nay, một số cổ phiếu đã tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi – một mức sinh lợi mà chỉ đồn gtie62ngia3 Bicoin hay ma túy mới có được.

Chứng khoán không thể tăng nếu không có tiền. Tiền bơm vào càng mạnh, chứng khoán càng bay cao. Tiền từ đâu ra ?

Tiền từ đâu ra ?

Trong đợt tăng trưởng gấp hơn hai lần từ tháng 11/2006 đến tháng 3/2007, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã được kích hoạt chủ yếu bởi một gói kích thích từ chính phủ.

Vào đợt "phục hồi" cũng hơn hai lần từ đáy vào năm 2009, VN-Index cũng dựa vào gói hỗ trợ 143.000 tỷ đồng của chính phủ – một khối lượng tiền rất lớn khi đó mà đã tuôn chảy vào không chỉ thị trường chứng khoán mà còn khiến thị trường bất động sản, khiến mặt bằng giá nhà đất ở Sài Gòn và Hà Nội đội lên gấp 2-3 lần. Nhưng từ đó đến nay, chính phủ vẫn không thể đưa ra bất kỳ giải trình thuyết phục nào cho Quốc hội và bàn dân thiên hạ về "hiệu quả gói hỗ trợ", về việc tại sao gói hỗ trợ này lại chủ yếu chui vào hai thị trường chứng khoán và bất động sản mà không phải phục vụ cho khu vực sản xuất và kinh doanh.

Còn 2017 đã không có gói kích thích nào. Nhưng thay vào đó, từ giữa năm 2017, Thủ tướng Phúc đã "chỉ đạo quyết liệt" về việc các ngân hàng phải đẩy tín dụng ra lưu thông, nâng cao mức tăng trưởng tín dụng của cả năm 2017 lên từ 19 đến 21% – một động thái rất dễ được hiểu là "tăng tín dụng tức tăng GDP và tăng thành tích". Điều đó có nghĩa là hệ thống ngân hàng phải tung vào thị trường tín dụng và tài chính một con số khổng lồ khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, trong bối cảnh ngân hàng thừa mứa tiền đồng.

Ở Việt Nam, đã từ lâu ngân hàng lại chính là "tay to" của thị trường chứng khoán, để bất cứ khi nào ngân hàng câu kết với giới đại gia các ngành khác thì VN-Index mới có thể "thăng hoa" – tương tự chỉ số GDP bay cao đến 7,46% của Thủ tướng Phúc.

Nhưng hậu quả của chuyện "bay cao" trên là lần đầu tiên kể từ khi chính thức nhậm chức thủ tướng vào giữa năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc bị dư luận xã hội và giới chuyên gia cùng Quốc hội bật lên mối nghi ngờ nặng nề về những kết quả "thành tích điều hành kinh tế" do ông báo cáo trong kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2017.

Còn giờ đây, hãy thản nhiên mà nhìn VN-Index "thăng hoa" cùng mặt bằng giá cổ phiếu bỗng nhiên đội lên gấp đôi, gấp ba, tô hồng cho thành tích "tăng trưởng kinh tế" và "điều hành thắng lợi" của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Một làn sóng vay mượn ngân hàng trên diện rộng để mua cổ phiếu đang dần sôi sục trong giới đầu tư nhỏ lẻ và những người chẳng hề biết trò đầu cơ làm giá là gì. Rồi cũng như quy luật lên đỉnh – suy tàn của năm 2007 và 2009, nhiều khả năng đến năm 2018 chỉ số chứng khoán Việt Nam sẽ khựng lại rồi lao dốc, bỏ lại một đám nhà đầu tư côi cút với nhiều món vay nợ ngân hàng không thể trả được.

Thiền Lâm

Published in Việt Nam
Trang 2 đến 2