Ngày 14/11 vừa qua, chị Nguyễn Thanh Tâm của chương trình phỏng vấn livetream Đối Diện trên mạng xã hội facebook có cuộc phỏng vấn nhà báo Nguyễn Vũ Bình với nội dung : "Tìm hiểu hiện tình Phong trào dân chủ Việt Nam", xin được trình bày nội dung gỡ băng cuộc phỏng vấn trực tiếp này.
Thanh Tâm : Thanh Tâm xin chào mọi người, một lần nữa chúng ta lại gặp lại trong chương trình livetream chủ đề Đối Diện do Thanh tâm thực hiện, buổi phỏng vấn hôm nay là buổi phỏng vấn thứ 38 của chương trình và hôm nay chúng ta rất hân hạnh được sự tham gia của nhà báo Nguyễn Vũ Bình. Trước hết Thanh Tâm xin chân thành cảm ơn nhà báo Nguyễn Vũ Bình đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Thanh Tâm xin mời nhà báo Nguyễn Vũ Bình gửi lời chào tới tất cả những người đang theo dõi chương trình.
Nguyễn Vũ Bình : Xin kính chào chị Thanh Tâm, xin kính chào quý khán, thính giả của chương trình Đối Diện, tôi là Nguyễn Vũ Bình, hiện đang sinh sống tại Hà Nội, tôi rất vui mừng được tham gia chương trình phỏng vấn của chị Thanh Tâm.
Thanh Tâm : Đề tài ngày hôm nay, đó là "tìm hiểu về hiện tình Phong trào dân chủ Việt Nam", thưa nhà báo Nguyễn Vũ Bình, nói về Phong trào dân chủ Việt Nam thì anh Bình cho biết khái niệm về Phong trào dân chủ, nếu chúng ta đem áp dụng vào bối cảnh tình hình đất nước hiện này, thì nó sẽ bao gồm những phương diện nào, Thanh Tâm xin mời nhà báo Nguyễn Vũ Bình ?
Nguyễn Vũ Bình : Đây là một đề tài rất lớn và phức tạp. Có rất nhiều người tham gia, có một quá trình lâu dài, nhưng để mà nói nó là cái gì, nó như thế nào và nó sẽ ra sao thì đây là một vấn đề rất phức tạp. Cũng rất là may mắn, tôi có thời gian tham gia tương đối lâu, đến bây giờ cũng được 17-18 năm, thứ hai là tôi cũng có chút nghiên cứu cũng có biết được một đôi điều. Trải qua một quá trình dài như thế, cũng có sự kiểm nghiệm, kiểm chứng các quá trình mà nó xảy ra. Những người tham gia có thể từ khía cạnh này, khía cạnh khác nhưng chưa có được cái nhìn tổng thể. Hôm nay chúng ta cùng nhau trao đổi xem thế nào. Phong trào dân chủ, nói một cách ngắn gọn, nó là toàn bộ những hoạt động của người dân hướng tới, nhằm dân chủ hóa đất nước. Đấy là khái niệm rộng và chung nhất. Dân chủ hóa đất nước có nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là cái chính thể, thể chế chính trị bảo đảm tự do của con người. Đó là cái cốt lõi nhất của quá trình dân chủ hóa đất nước, bất kể nước nào cũng vậy. Áp dụng vào Việt Nam, chúng ta thấy Việt Nam chưa có chính thể dân chủ, tức là nó chưa có những định chế như tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng, rồi báo chí tự do, vv… Phong trào dân chủ ở trong thể chế chính trị độc tài thì việc cần làm là làm cái gì ? Việc quan trọng nhất, đó chính là việc thay đổi chuyển từ chế độ độc tài sang chế độ, chính thể dân chủ. Đó là nhiệm vụ cũng như cái cốt lõi nhất của Phong trào dân chủ. Ngoài ra Phong trào dân chủ còn có những lĩnh vực hoạt động khác nhưng cái cốt lõi nhất của Phong trào dân chủ trong thể chế độc tài này là thay đổi chế độ. Với mục tiêu thay đổi chính thể này, Phong trào dân chủ cần làm những cái gì ? đã làm những cái gì ? và khái quát lại nó gồm những cái gì ?
Tôi khái quát lại, nó gồm 6 lĩnh vực, 6 phương diện đấu tranh. Tôi sẽ điểm qua về 6 phương diện, sau đó tôi sẽ đi vào từng phương diện một. Phương diện thứ nhất là nâng cao nhận thức của người dân ; thứ hai là tố cáo và lên án chế độ độc tài toàn trị cộng sản Viêt Nam ; thứ ba là liên kết, kết nối trong Phong trào dân chủ để tạo ra sức mạnh cho phong trào ; thứ tư, là những hoạt động phản kháng của phong trào dân chủ ; thứ năm là kết nối với người dân để dẫn dắt cuộc đấu tranh ; thứ sáu là mặt trận quốc tế vận và mối liên hệ với người Việt hải ngoại và phong trào dân chủ hải ngoại. Như vậy, có 6 nội dung chính trong những hoạt động của Phong trào dân chủ. Tôi xin đi vào nội dung, phương diện đầu tiên, đó là :
1. Nâng cao nhận thức của người dân. Cái quan trọng nhất là phải làm sao cho người dân biết được, hiểu được các quyền con người của mình. Các quyền tự do cơ bản và quyền tự do dân sự. Tự do cơ bản là việc con người được tự do đi lại, sinh sống, sinh hoạt… tự do dân sự là các quyền tự ứng cử, bầu cử, v.v. Cái thứ hai của việc nâng cao nhân thức của người dân là chúng ta phải làm cho người dân hiểu bản chất của chế độ này, chế độ chúng ta đang sống, chế độ cộng sản. Cái thứ ba của việc nâng cao nhận thức con người là chúng ta cần tìm được mối liên hệ giữa việc mất tự do của con người với hoàn cảnh khổ cực của người dân.Từ việc chúng ta không có các quyền con người tới việc nhà nước họ áp đặt, họ làm ra những vấn đề mà nó dẫn đến cuộc sống của người dân lầm than khổ sở như hiện nay.
2. Tố cáo và lên án chế độ. Nội dung đầu tiên là tố cáo tội ác trong quá khứ, trong lịch sử của chế độ. Chế độ này có rất nhiều tội ác, có nhiều góc khuất mà cần phải làm rõ, ví dụ : cải cách ruộng đất, rồi đánh tư sản, vv… chúng ta phải lên án, tố cáo và phân tích ra vấn đề đó. Tố cáo lên án chính sách hiện hành, những chính sách hiện hành đang gây đau khổ cho người dân. Ví dụ, vấn đề "dân oan" vấn đề cướp đất… nó có hai chính sách tạo ra việc này, thứ nhất, chính sách sở hữu toàn dân về đất đai, thứ hai là quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp và khu dân cư. Nó dựa vào hai cái này thì nó mới cướp được đất của người dân. Chúng ta sẽ phân tích ra để người dân hiểu được việc này, việc lợi dụng các chính sách để trục lợi. Rồi chúng ta tố cáo những chính sách kinh tế sai lầm, ví dụ như cái việc để doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 60-70% nguồn lực của đất nước nhưng lại làm ra chỉ 20-30% giá trị sản phẩm cho đất nước. Đó là chính sách về phát triển kinh tế nó sai lầm, đã có rất nhiều người phê phán cái này. Tố cáo lên án việc vi phạm quyền con người. Vi phạm quyền con người thì nhan nhản trên đất nước này, ví dụ như chúng ta biết, người dân tới đồn công an, sau đó bị đánh và bị chết ; tố cáo những việc đàn áp người đấu tranh. Những người đấu tranh bị đánh, bị câu lưu, rồi bắt giam bởi những điều luật rất mơ hồ như vậy. Cuối cùng là tố cáo tham nhũng.
3. Những hoạt động liên kết, kết nối bên trong Phong trào dân chủ để tạo ra sức mạnh của Phong trào. Chúng ta biết là, nếu đấu tranh đơn lẻ thì sức mạnh của chúng ta không được là bao, nhưng nếu kết hợp lại với nhau, chúng ta đấu tranh trong một tổ chức thì sức mạnh nó nâng lên cấp số nhân. Cho nên việc kết nối lại, liên kết trong Phong trào dân chủ là một yêu cầu thường trực, tuyệt đối. Tất nhiên là chúng ta biết rằng, việc kết nối này, hình thành và hoạt động theo tổ chức là việc đại kỵ đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Nhưng dù đại kỵ thế nào chúng ta cũng phải làm, vì nó là yêu cầu để tăng thêm sức mạnh cho Phong trào dân chủ. Hoạt động liên kết, kết nối này để hình thành các tổ chức, có tổ chức chính trị đó là các đảng phái, các nghiệp đoàn, vv. Về xã hội, nó có các tổ chức xã hội dân sự, các hội nhóm thiện nguyện, v.v…
4. Các hoạt động phản kháng của Phong trào dân chủ. Đó là những việc ký kết các thư phản đối, tố cáo, phản kháng trên không gian mạng, trên facebook, có những bức ảnh chúng ta chụp để phản đối việc bắt bớ,ví dụ, Free Nguyễn Văn Đài, vv. Chúng ta có những phản kháng ở ngoài đời, đó là việc biểu tình, biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình bảo vệ môi trường cây xanh, biểu tình bảo vệ môi trường chống Formosa, bảo vệ môi trường biển ; hoặc trước đây chúng ta có những hoạt động phản kháng như treo biểu ngữ tố cáo tham nhũng mà có gần chục người bị bắt năm 2008-2009 ; hoăc chúng ta đi đòi người khi một số người bị câu lưu, mà anh em biết thì đến trụ sở công an đòi người…
5. Hoạt động kết nối người dân, đi vào với người dân, cùng với người dân đấu tranh. Hoạt động này có hai khía cạnh, trên không gian mạng xã hội, chúng ta kết nối với rất nhiều người dân, sự kết nối này rất có giá trị, nó làm được rất nhiều việc. Thứ hai là kết nối ngoài đời, chúng ta có những tổ chức thiện nguyện, đi cứu trợ thiên tai, lũ lụt… rồi những hội nhóm về bảo vệ môi trường, người dân tham gia rất đông, hoặc chúng ta kết nối với "dân oan".
6. Mặt trận quốc tế vận và liên kết với người Việt hải ngoại, Phong trào dân chủ hải ngoại. Chúng ta tố cáo lên án chế độ, tất nhiên ở trong nước là cần thiết rồi, nhưng với quốc tế quan trọng hơn. Bởi vì Việt Nam đã hội nhập rồi, đã vào sân chơi chung của thế giới, thì thế giới cần biết được bản chất của cái nhà nước này. Thế thì, muốn kết nối với quốc tế, chúng ta phải có kênh dẫn truyền, đó là người Việt hải ngoại và Phong trào dân chủ hải ngoại, chứ chúng ta trong nước, không đi ra ngoài được, không quen biết ai, chúng ta làm sao kết nối được. Chúng ta phải kết nối với người Việt hải ngoại và chúng ta hình thành lên một mặt trận quốc tế, để quốc tế hiểu được bản chất của nhà cầm quyền, bản chất chế độ ; hiểu được người dân trong nước lầm than, bị vi phạm các quyền con người như thế nào.
Đó là 6 phương diện của Phong trào dân chủ, nhưng muốn thực hiện những yêu cầu, phương diện này, chúng ta cần hiểu rõ chế độ cộng sản này, và chúng ta cũng cần phải hiểu rõ phong trào dân chủ. Phong trào dân chủ có 6 phương diện này rồi, nhưng vẫn còn những điều chúng ta cần phải hiểu nữa…
Thanh Tâm : Vừa rồi nhà báo có đề cập đến việc đấu tranh để thay đổi chế độ. Ai cũng biết chế độ hiện giờ đang cai trị đất nước Việt Nam đó chính là chế độ cộng sản. Khi nói tới đấu tranh để thay đổi chế độ thì xin mời nhà báo có thể nói rõ hơn về vấn đề này không ?
Nguyễn Vũ Bình : Để mà đấu tranh thay đổi chế độ, thì trước hết chúng ta cần phải hiểu được, chế độ cộng sản này nó là cái gì ? nó như thế nào, và quy luật của nó ra sao ? Đây là một vấn đề cực kỳ phức tạp. Hiểu chế độ cộng sản này, nó có vô vàn tầng mức để hiểu. Người thì hiểu nó ở khía cạnh này, người thì hiểu nó khía cạnh kia. Người cao hơn một chút thì hiểu thêm khía cạnh nữa. Nhưng tổng hợp lại thì nó là một vấn đề rất khó. Bởi vì chúng ta thấy, trong phong trào dân chủ, hoặc trong nhân dân cũng vậy, khi nói tới chế độ cộng sản này, nó không có sự thống nhất, hầu như cãi nhau suốt. Bởi vì người ta không hiểu bản chất của nó, mỗi người chỉ nhìn một góc độ, người này tâm huyết góc độ này, người kia tâm huyết góc độ kia nên cãi nhau chỗ đó.
Ví dụ : có người nói thế này, chế độ cộng sản Việt Nam, đã có công này công kia, chỉ đến khi đổi mới, mới tha hóa biến chất. Có người nói, từ năm 75 tới giờ, có người lại nói, quá hơn một tý… nhưng cuối cùng nó là cái gì thì không ai nói ra được ?
Tôi đã phải mất rất nhiều thời gian, và nghiên cứu rất kỹ thì tôi mới có một hiểu biết, có thể nói tạm gọi là trọn vẹn, tương đối là trọn vẹn về chế độ cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng. Cái đặc điểm của các chế độ cộng sản là những mục tiêu họ nói ra bên ngoài rất tốt đẹp, nhưng những thực tế diễn ra lại không tốt đẹp và nó ngược lại với những lời nói đó. Cho nên chúng ta cứ ca ngợi cái câu của ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu : "Đừng tin những gì cộng sản nói, hãy xem những gì cộng sản làm".
Qua một quá trình nghiên cứu, tôi thấy như thế này. Chế độ cộng sản có một sự chuẩn bị rất chu đáo, rất là bài bản và nó có nghệ thuật trong việc cai trị của nó. Muốn hiểu được chế độ cộng sản, thì chúng ta phải hiểu mục tiêu, đầu tiên chúng ta phải hiểu mục tiêu của chế độ cộng sản này đã… mục tiêu thật ấy. Nếu chúng ta không hiểu mục tiêu của nó, chúng ta không thể hiểu được nó. Và từ cái mục tiêu này, chúng ta mới tìm ra cách thức người ta làm, phương pháp của họ.
Mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản, không phải cái mà chúng ta vẫn đọc, vẫn được tuyên truyền mà mục tiêu chính của chế độ cộng sản là thống trị con người. Mục tiêu cao nhất của họ là thống trị nhân loại. Từng các quốc gia là thống trị nhân dân các quốc gia, và sau đó là thống trị nhân loại. Họ làm như thế nào ?
Đầu tiên người ta đặt vấn đề cướp được chính quyền, sau đó người ta áp đặt một cơ chế, bộ máy để người ta cai trị. Việc cướp chính quyền bằng nhiều cách và các quốc gia nó diễn ra khác nhau, nhưng còn cái áp đặt toàn bộ cái cơ chế, cái guồng máy của các nhà nước cộng sản thì nó giống nhau. Cái quan trọng nhất để cơ chế, bộ máy của cộng sản hoạt động là phải triệt tiêu được tinh thần phản kháng của người dân. Nếu muốn thống trị phải triệt tiêu được cái đó (tinh thần phản kháng). Người ta đã tìm ra cách, đó là triệt tiêu tinh thần phản kháng, khả năng phản kháng của người dân. Muốn triệt tiêu tinh thần phản kháng, khả năng phản kháng của người dân họ làm như thế nào ? Họ có ba trụ cột chính sách để họ thực hiện việc triệt tiêu tinh thần, khả năng phản kháng của người dân.
1. Trụ cột thứ nhất là gieo rắc sự sợ hãi, giết, tất cả ngay từ đầu khi cộng sản xuất hiện, chúng ta thấy việc giết kinh khủng đến mức độ nào. Tức là bất kể ai đối lập, không đi theo tinh thần chủ nghĩa của họ là giết tất cả. Các đảng phái khác cũng giết hết… giết rất là nhiều, người dân sợ, rất sợ, người ta chưa từng thấy cảnh như thế bao giờ.
2. Trụ cột chính sách thứ hai là áp đặt sự lệ thuộc. Sợ rồi vẫn chưa đủ, cần để người dân lệ thuộc vào nhà cầm quyền. Áp đặt sự lệ thuộc bằng cách, thứ nhất là bần cùng hóa nhân dân, tức là không còn cái gì đã. Người ta làm cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản miền bắc, cải tạo tư sản miền nam. Cải cách ruộng đất tức là cướp đất của người dân có ruộng và nói là địa chủ, giàu có. Có người giàu, có người không giàu, nhưng của người ta đang bình thường cướp hết đã… cho người dân thành bần cố nông, không có gì đã. Bên công nghiệp cũng vậy, cải tạo tư sản ở miền bắc và sau này miền nam. Người ta đến người ta thu nhà máy, xí nghiệp, công ty… thu hết, đang làm người chủ, cuối cùng còn không được bằng công nhân, vì bị phân biệt đối xử. Như vậy, bước đầu tiên là bần cùng hóa người dân. Bước thứ hai là cho người dân vào hợp tác xã, vào các công ty, xí nghiệp của nhà nước. Hai bước này là bắt đầu đánh vào dạ dày, và mọi chế độ tem phiếu, vv… Như vậy, họ đã tạo ra được sự lệ thuộc của người dân vào nhà nước, chế độ.
3. Trụ cột chính sách thứ ba : kiểm soát tư tưởng của người dân. Họ có các cơ quan, nhưng cái đó chỉ là phần phụ, mà người ta tạo ra cơ chế để người dân kiểm soát tư tưởng của nhau. Ông này có tư tưởng, có ý khác là người dân báo lên trên, đó mới là cái nghệ thuật của người ta chỗ đó, tức là cái kiểm soát cao nhất là để tự người dân kiểm soát lẫn nhau. Khi người ta vừa có ý nghĩ, nói ra mới hôm trước, hôm sau cơ quan chức năng đã biết… nên người ta rất sợ, và không còn dám nghĩ tới nữa.
Với ba cái trụ cột chính sách này nó vận hành, nước nào cũng như nước nào. Liên Xô cũng như Đức, Đức cũng như Trung Quốc, Trung Quốc cũng như Việt Nam giống nhau, không có nước nào khác cả. Cơ chế vận hành một thời gian, người dân gần như bị triệt tiêu hết cái tinh thần, và khả năng phản kháng thì gần như không còn, thế là người ta muốn làm gì thì người ta làm. Đấy là lúc ấy người ta đã lập, đã áp đặt được sự thống trị người dân. Đây nó gọi là một nghệ thuật trong việc cai trị. Cộng sản đã đạt đến mức nghệ thuật trong sư cai trị.
Nhưng nếu muốn vận hành một guồng máy lớn như vậy, để bảo đảm những yêu cầu của chế độ đặt ra, thì hệ thống của nó phải khổng lồ, cần huy động rất nhiều người mới làm được việc này. Khi người dân bị ép phải vào hợp tác xã, xí nghiệp, nhà máy thì họ không thể làm việc có hiệu quả được. Chúng ta biết kinh tế kế hoạch hóa là không có hiệu quả. Cuối cùng, nền kinh tế không tạo ra của cải vật chất. Bộ máy thì khổng lồ, nền kinh tế không tạo ra của cải vật chất thì nguồn lực nhà nước ngày càng cạn kiệt đi. Chế độ cộng sản có một điểm như thế, nó rất ghê gớm về phương diện thống trị, phương diện cai trị và về việc quản lý xã hội theo ý đồ của họ nhưng lại không sản xuất ra được của cải vật chất. Không sản xuất ra nhưng hệ thống quá lớn, lại tiêu dùng, phá, nên nguồn lực đổ vào đó khủng khiếp và đến lúc phải cạn kiệt. Không có một đất nước cộng sản nào chịu nổi việc này, Liên Xô trước đây tan tành cũng chỉ vì cạn kiệt nguồn lực. Như vậy, chúng ta cần hiểu chế độ cộng sản, nó có một hệ thống mà nó tự hoạt động theo một guồng quay, cơ chế chứ không phụ thuộc vào cá nhân hoặc lớp người nào, ai lên, ai tham gia vào guồng máy đều sẽ như vậy. Chính vì vậy, chúng ta cần thay đổi là thay đổi cái cơ chế này. Mặt khác chúng ta cần hiểu quy luật của các chế độ cộng sản, đó là quy luật tự sụp đổ, chúng ta có thực tế Liên Xô, Đông Âu, do cạn kiệt nguồn lực và sức nặng của hệ thống…
Thanh Tâm : Thưa nhà báo Nguyễn Vũ Bình, có phải Phong trào dân chủ ở Việt Nam đã có từ lâu, có thể cho biết sơ lược về lịch sử Phong trào dân chủ ở Việt Nam, các giai đoạn, các thời kỳ cũng như đặc trưng của từng thời kỳ hay không, xin mời Anh ?
Nguyễn Vũ Bình : Chúng ta biết, Phong trào dân chủ Việt Nam không chỉ có mấy năm gần đây mà nó là cả một quá trình kéo dài. Tất nhiên, chúng ta không thể nói nó dài quá được, nhưng ít nhất, chúng ta nói từ năm 75 tới giờ. Mỗi một giai đoạn có một đặc thù, đặc trưng riêng, tôi tạm thời chia Phong trào dân chủ ra làm bốn giai đoạn và có những đặc trưng khác nhau.
Giai đoạn thứ nhất của Phong trào dân chủ là từ năm 1975-1988 :
Tại sao lấy mốc năm 1988 ? Vì năm đó có bài viết "Nắm tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ" của tiến sĩ Hà Sĩ Phu, bài viết đó như một quả bom ở trong thời điểm đó. Một trí thức ở miền bắc đã có nhận thức như thế.
Giai đoạn từ 1975-1988 nó là cái gì ? Giai đoạn này gọi là giai đoạn Phục Quốc, theo quan điểm của tôi, tức là những người ở thời Việt Nam Cộng Hòa, nhất là những người trong quân đội, liên quan đến quân đội có vũ trang đứng lên, với ý thức, ý định là giải phóng quê hương, lập lại nhà nước Việt Nam Cộng Hòa đã mất. Giai đoạn này đặc trưng phương pháp là bạo động, vũ trang, thành phần chủ yếu là những người trong quân đội thời Việt Nam Cộng Hòa và những người Việt hải ngoại, mục tiêu là khôi phục lại quốc gia đã mất. Chúng ta biết là, cuối cùng kết quả cũng không đi đến đâu, nhưng nó là một sự động viên, khích lệ tinh thần đấu tranh sau này.
Giai đoạn thứ hai là từ năm 1988 đến năm 2000 :
Tại sao lại là năm 2000 ? Vì năm 2000 có lá đơn xin thành lập đảng của Nguyễn Vũ Bình, tức là tôi. Lá đơn xin thành lập đảng tức là đặt vấn đề tổ chức, đó là bước ngoặt, hơn nữa, tôi là người trẻ tuổi, và một số người trẻ tuổi tham gia.
Từ năm 1988 đến năm 2000, tôi gọi là giai đoạn thức tỉnh, những người trí thức miền Bắc, hầu hết là miền Bắc, có cả ở miền Nam đã có sự thức tỉnh trong nhận thức, đã lên tiếng như các ông Hoàng Minh Chính, Trần Độ, ông Hà Sĩ Phu, Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, Phạm Quế Dương, v.v. Đó là một lớp người, bắt đầu lên tiếng, có những bài viết trao tay nhau, rồi liên hệ với nhau… Giai đoạn này số người tham gia không nhiều, và phát triển rất chậm. Cùng lúc đó, một hướng khác, trong miền Nam và hải ngoại đã chuyển dần từ phương thức đấu tranh vũ trang, bạo động sang bất bạo động, người ta cũng kết nối với phong trào ở ngoài Bắc. Tức là hai quá trình nó diễn ra song song như vậy.
Giai đoạn thức tỉnh của trí thức miền Bắc từ năm 1988 đến năm 2000 âm thầm nhưng khốc liệt, với bức màn sắt bao phủ và sự sắt máu của công an, chế độ giai đoạn này, bắt bớ tù đày rất đơn giản, dễ dàng.
Giai đoạn thứ ba là từ năm 2000-2007, gọi là giai đoạn đấu tranh chính trị.
Tại sao gọi là giai đoạn đấu tranh chính trị ? Gọi là đấu tranh chính trị vì nó có mấy đặc trưng thế này :
Thứ nhất, những người tham gia là những người hoàn toàn có ý thức về việc đấu tranh thay đổi chế độ, những người đã hiểu sự cần thiết phải đấu tranh để thay đổi chế độ.
Thứ hai, người ta đặt vấn đề tổ chức, chúng ta có hội Chống tham nhũng mà chuẩn bị thành lập vào tháng 9/2001, có ông Hoàng Minh Chính, tôi, ông Phạm Quế Dương, ông Trần Khuê. Năm 2006 có rất nhiều tổ chức ra đời, đảng Dân Chủ được phục hoạt, thành lập đảng Thăng Tiến, thành lập Nghiệp đoàn lao động, trung tâm Nhân Quyền, khối 8406, v.v. Những người tham gia có ý thức chính trị và tập trung vào đấu tranh chính trị, lập ra các tổ chức, hội nhóm để đấu tranh, đối trọng, đối lập trực diện với nhà cầm quyền. Số người tham gia những năm đầu của giai đoạn này chưa nhiều, nhưng đến năm 2005, 2006 thì số người tham gia đã tăng lên rất nhiều, thành phần tham gia cũng tương đối phong phú.
Giai đoạn thứ tư, bắt đầu từ cuối năm 2007, với cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần đầu tiên tới hiện nay.
Tôi gọi giai đoạn này là giai đoạn tổng hợp. Tại sao gọi là tổng hợp, bởi vì giai đoạn này các phương thức, hình thái đấu tranh đều có hết. Giai đoạn trước chỉ có đấu tranh chính trị, nhưng giai đoạn này ngoài đấu tranh chính trị, tức là vẫn có các hội nhóm đấu tranh chính trị, nhưng có thêm các hình thái mới, kết hợp với nhân dân, đi vào nhân dân ; lập ra các tổ chức xã hội dân sự…
Thanh Tâm : Trong khoảng nửa năm 2017 trở lại đây, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã gia tăng đàn áp và bắt bớ rất nhiều người đấu tranh, thì Phong trào dân chủ lắng xuống, thậm chí có người nói bị thoái trào, anh Bình có đồng ý với nhận định này hay không ? Xin mời anh Bình ?
Nguyễn Vũ Bình : Chúng ta muốn hiểu được, nó có thoái trào hay không, chúng ta cần hiểu được, phong trào dân chủ có những nội dung gì ? Những nội dung gì đang làm được, và những nội dung gì bị hạn chế đi, không làm được hoặc dừng lại.
Muốn đánh giá được, chúng ta cần so sánh như vậy, chứ không thể nói cảm tính được, như : bắt nhiều thế, mười mấy hai mươi ông trong vòng có mấy tháng, thế là thôi tan rồi… không thể nói đơn giản vậy được, vì phong trào dân chủ rất rộng lớn. Lắng xuống là có, nhưng thoái trào tôi nghĩ là không. Bởi vì Phong trào dân chủ có 6 phương diện như thế, trong 6 phương diện đó, trong năm 2017 này, có những phương diện bị ảnh hưởng nặng nề, ví dụ hoạt động phản kháng, biểu tình là bây giờ khó khăn rồi, rồi người đấu tranh bị bắt, các tổ chức xã hội dân sự giảm hoạt động… đấy là những cái thực tế diễn ra như vậy, mà cũng không ai chối được.
Nhưng những chuyện như vậy, so với 6 nội dung kia, nó cũng không phải chiếm ưu thế, nó chỉ là một, hai nội dung, phương diện đấu tranh bị ảnh hưởng, hạn chế đi, chúng ta còn 4 nội dung vẫn đang hoạt động rất tốt.
Từ 2007 đến bây giờ, và nhất là mấy năm gần đây, chúng ta biết phong trào dân chủ phát triển rất là mạnh. Trên không gian mạng xã hội, chúng ta làm chủ tình hình, chúng ta là người dẫn dắt, phong trào dân chủ là người dẫn dắt, định hướng người dân, mạng xã hội facebook. Nếu chúng ta hiểu một cách đơn giản thì không đúng ý này, mà vấn đề dẫn dắt phải hiểu là trong việc phản biện xã hội, phản biện lại các chính sách sai lầm, phản biện hoạt động sai trái của các cơ quan công quyền, của các cá nhân sai trái trong bộ máy nhà nước thì những cá nhân lên tiếng đó là những thành viên của phong trào dân chủ là những người tiên phong, và rất hiệu quả trong việc đó.
Tại sao chúng ta làm được những việc đó hiệu quả ? Bởi vì chúng ta nói lên sự thật. Tại sao người dân lại nghe chúng ta, lại theo chúng ta ? Bởi vì chúng ta nói lên sự thật. Những cơ quan công quyền, cán bộ kia người ta không nói lên sự thật, không nói lên sự thật là thua rồi. Phong trào dân chủ dẫn dắt được là do người ta nói lên sự thật.
Thêm một ý nữa, tình yêu thương hay sự chia sẻ phong trào dân chủ cũng làm rất tốt những việc này. Chúng ta đi cứu trợ bão lụt, làm thiện nguyện sau này bị đánh phá nhưng đến bây giờ vẫn còn những người làm việc này. Đối với người dân, sự thật và sự chia sẻ với họ chính là cái người ta theo.
Cho nên tôi nói phong trào dân chủ rất là mạnh ở mặt trận truyền thông mạng xã hội. Tôi nói là mạng xã hội chứ bây giờ báo chí thì ai xem, thì chúng ta chiếm lĩnh gần như hoàn toàn cái trận địa truyền thông. Chính vì vậy mà người ta mới có ý định dẹp Facebook với Google, Youtube… nhưng tôi nghĩ là rất khó, bởi vì ngoài phong trào dân chủ ra, còn rất nhiều người dân, rồi các công ty mạng viễn thông… cái lợi ích của nó trong đó, nếu mà dẹp đi thì là cả một sự đảo lộn lớn của đất nước này.
Và cũng có thể, chế độ này ở giai đoạn cuối rồi, nên nó làm ra những việc chẳng giống ai để cho nó kết thúc. Tôi không nói là nó sẽ xảy ra hay không xảy ra, nó xảy ra cũng có cái tốt của nó, tôi nghĩ nó sẽ đảo lộn, và đảo lộn trong thời điểm này, chế độ đang cạn kiệt nguồn lực, nó sẽ là sự kết thúc.
Trở lại với câu hỏi của chị, trong năm 2017 như thế, bắt như vậy, thì có phải phong trào dân chủ thoái trào không ? Tạm lắng thì có, nhưng thoái trào thì không. Phong trào dân chủ có 6 phương diện, cái mà người ta đánh vào, cái mà bây giờ đang thiệt hại, nó chỉ ở trong một, hai cái phương diện nào đó thôi, mà cũng không phải toàn bộ phương diện đó, mà chỉ một vài khía cạnh của một hai phương diện. Cho nên chúng ta không thể nói phong trào dân chủ thoái trào được, nó vẫn đang phát triển, và ở những khía cạnh này khía canh khác nó tạm lắng thôi.
Thanh Tâm : Vâng, nhà báo Nguyễn Vũ Bình nói vậy thì Thanh Tâm cũng có phần yên tâm, chúng ta biết vừa qua có Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, không biết nhà báo Nguyễn Vũ Bình có nghĩ sự kiện APEC có mang lại sự thay đổi nào đó cho Phong trào dân chủ Việt Nam hay không ?
Nguyễn Vũ Bình : Vâng, cái thay đổi, nếu mà chi tiết, những vấn đề nhỏ, thì nó luôn luôn thay đổi. Nhưng nếu nói là thay đổi có tính chất bước ngoặt thì tôi nghĩ là không.
Chúng ta cần hiểu bối cảnh của APEC, những mong muốn của nhà cầm quyền Việt Nam, cũng như của phong trào dân chủ. Mong muốn của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay, chúng ta biết rồi, đối với họ vấn đề kinh tế là vấn đề cấp bách, nguy cơ số một, nó không còn cái gì hơn cả, để cứu vãn nền kinh tế. Nhưng nó có một đặc điểm là, người ta không đi vào thực chất để giải quyết vấn đề, người ta chỉ đi vào những cái bên ngoài, những cái để cầm hơi thôi. Chứ nếu mà giải quyết thực chất vấn đề, của nền kinh tế, cũng không khó, thật ra các chuyên gia của nhà nước cầm quyền cộng sản người ta chỉ ra hết. Đó là việc tư nhân hóa, chuyển hẳn sang cơ chế thị trường, buông những doanh nghiệp nhà nước ra… rồi cho minh bạch, các công ty kiểm toán quốc tế vào.
Cách làm để thay đổi nền kinh tế không phải không có, có rất nhiều, mà rất nhiều người làm được, nhưng người ta không làm. Lý do không làm là, kinh tế mà làm như vậy thì nó sẽ kéo đến chính trị, xã hội và người ta lo sợ sẽ mất độc quyền lãnh đạo của người ta. Nhưng người ta lại bấu víu vào những Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương, TPP… người ta hi vọng xuất khẩu được, hoặc lấy hàng của tàu tuồn sang kiếm được chênh lệch phần trăm… người ta đi vào những cái gọi là bấu víu, không cơ bản. Với tâm thế như vậy, vào hội nghị APEC, thì cái TPP ông tổng thống Mỹ đã bỏ đi rồi, còn 11 nước thì Canada lại không đồng ý điều khoản về lao động, nên chưa ký kết ngay. Cuối cùng qua thương lượng thì các nước đạt thỏa thuận kiểu như ký nháy, rồi để tiếp tục bàn thảo tiếp.
ục tiêu về vấn đề Biển Đông, có nhiều người đưa thông tin, phân tích cho rằng, tổng thống Mỹ đã đặt vấn đề Biển Đông trong nội hàm quan tâm trong chiến lược của Mỹ kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Theo một khía cạnh nào đó cũng mang lại kết quả, vì nhà cầm quyền Việt Nam chuyên đi leo dây, đạt được kết quả với Mỹ như vậy, lúc sau họ lại ký với Trung Quốc hàng chục văn bản, v.v. như vậy, về thực chất, nhà cầm quyền không tận dụng được APEC để thoát khỏi khủng hoảng.
Đối với phong trào dân chủ, trước khi diễn ra APEC, chúng ta đã đưa được rất nhiều những thông tin về việc nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng đàn áp, điều này đã được các tổ chức nhân quyền quốc tế rất quan tâm. Họ đã đưa các chương trình nghị sự, cũng như những can thiệp nhất định. Đến khi vào đến Việt Nam tham gia hội nghị, họ sẽ được chứng kiến việc vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam, việc canh giữ các nhà hoạt động, câu lưu người bất đồng chính kiến…
APEC cũng là cơ hội để phong trào dân chủ thể hiện cho thế giới thấy phần nào bộ mặt của nhà cầm quyền Việt Nam, cũng như là cơ hội để phong trào dân chủ đánh giá mọi mặt hoạt động, các mối quan hệ, tương quan của nhà cầm quyền, của chế độ. Tôi nghĩ rằng những thay đổi nhỏ thì luôn luôn có, nhưng thay đổi có tính chất bước ngoặt thì sự kiện APEC này chưa làm được…
Thanh Tâm : Vừa rồi anh Bình có nhắc đến tổng thống Donad Trump, trong bài diễn văn của tổng thống Donad Trump đọc ở Hội nghị Thượng đỉnh có đề câp đến Hai Bà Trưng, chúng ta đều biết Hai Bà Trưng là hai vị nữ lưu luôn nêu cao tấm gương về tinh thần đấu tranh bất khuất bảo vệ bờ cõi, đất nước Việt Nam trước sự xâm lấn của giặc ngoại xâm phương Bắc, theo anh Bình, tổng thống Donad Trump có dụng ý gì khi nhắc đến hai vị nữ anh hùng này của dân tộc Việt Nam, Thanh Tâm xin mời anh Bình ?
Nguyễn Vũ Bình : Có thể nói, trong diễn văn Tổng thống Donad Trump đề cập tới cuộc đấu tranh của Hai Bà Trưng chống giặc ngoại xâm, nó rất là tế nhị, rất mạnh mẽ.
Theo chúng tôi hiểu, đó là một thông điệp ngầm, bởi vì Hai Bà Trưng chống chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, đấy là nói theo ngôn ngữ bây giờ. Hay ở chỗ khi ông ấy nói vậy thì không ai bắt bẻ gì được, vì nó là truyền thống của đất nước Việt Nam. Nói như vậy là ông ấy hiểu được cái nội tình của Việt Nam, thảm cảnh của nhân dân Việt Nam đang bị o ép, đang bị xâm lấn bởi Trung Quốc, đó là thông điệp ngầm, ông ấy muốn chuyển tải là người dân phải đứng lên để thoát khỏi sự xâm lấn, bành trướng, o ép của Trung Quốc theo gương của Hai Bà Trưng.
Chính vì vậy, rất nhiều người đánh giá cao bài diễn văn có nội dung này. Chúng tôi cũng chia sẻ sự đồng tình với nội dung đó, vì như vậy ông ấy rất hiểu Việt Nam và rất tế nhị, nhưng cũng rất hiệu quả, một sự động viên khích lệ ngầm.
Thanh Tâm : Nhà báo Nguyễn Vũ Bình có thể cho biết dự đoán của anh về tương lai gần tình hình của đất nước cũng như của phong trào dân chủ Việt Nam hay không ?
Nguyễn Vũ Bình : Với câu hỏi này, chúng ta cần hiểu, đối với một nhà nước cộng sản, với một cơ chế và bộ máy khổng lồ hoạt động được bẩy mấy năm như vậy, thì nó rất khủng khiếp.
Hiểu để chúng ta biết được giới hạn của phong trào dân chủ. Có rất nhiều quan điểm, có rất nhiều người nói, hô hào nhân dân đứng lên lật đổ, giải phóng, v.v. những quan điểm đó cũng không sai, nó phản ánh nguyện vọng chính đáng của người dân, của những người đấu tranh.
Nhưng chúng ta phải hiểu cái giới hạn của phong trào dân chủ, ngoài lý thuyết về sự vận hành của hệ thống cộng sản (chặt chẽ, khó khăn) thì chúng ta cũng cần hiểu là : năm 45 đảng cộng sản Việt nam thành lập được 15 năm, có 5.000 đảng viên, được tổ chức rất chặt chẽ và sắt máu. Khi đó, chính phủ đô hộ Pháp đã yếu, vô cùng rệu rã… vậy mà họ cũng phải chờ đến khi Nhật đảo chính Pháp, rồi lợi dụng cuộc biểu tình của công nhân viên chức Hà Nội, mới nhảy ra cướp chính quyền. Nay, nhà cầm quyền cộng sản có hệ thống, guồng máy mạnh gấp hàng nghìn lần chế độ Pháp thuộc lúc đó, trong khi đó phong trào dân chủ chúng ta có gì ?
Chúng ta hoạt động chưa có tổ chức, chưa có đảng phái nào hoạt động (công khai) trong nước, bí mật thì không biết có không, nếu có thì cũng không đáng kể nhưng lại nói là đi lật đổ chế độ thì chúng ta lấy gì để lật đổ chế độ ? Đó là những điều mà chúng ta không nắm được giới hạn của chúng ta. Mong muốn của chúng ta là lật đổ cộng sản, nhưng trong tay chúng ta chưa có lực lượng được tổ chức, thì chưa thể nới tới chuyện lật đổ được. Cuối cùng, phong trào dân chủ làm được gì ? Nó tác động để đẩy nhanh quá trình tự sụp đổ của chế độ cộng sản, vì quy luật của cộng sản là quy luật tự sụp đổ do cạn kiệt nguồn lực.
Trở lại câu hỏi về dự phóng cho tương lai của Việt Nam, chúng ta đã chứng minh được sự cạn kiệt nguồn lực của chế độ, chúng ta biết hiện nay Việt Nam nợ khoảng 600 tỷ đô la, đó là tổng thể toàn bộ khoản nợ của Việt Nam, từ nợ của chính phủ, doanh nghiệp, địa phương các lĩnh vực… số nợ này gấp khoảng 3 lần GDP của Việt Nam. Trong bối cảnh cả nước làm ra không đủ chi cho hệ thống trong một năm, tức là làm hiện tại chưa đủ ăn. Như vậy, hiện tại, thực chất chúng ta không trả được 1 đồng tiền lãi nào trong số 600 tỷ đô la nợ, chưa nói đến nợ gốc… đó là con số rất thực, trực tiếp. Bây giờ dự phóng tương lai chúng ta chỉ căn cứ vào quy luật của chế độ cộng sản, tự sụp đổ do cạn kiệt nguồn lực, và cái chứng minh là số nợ hiện tại, khả năng trả nợ thực tế của Việt Nam như thế.
Như vậy, có thể nói, chúng ta đang ở giai đoạn cuối cùng sự tồn tại của chế độ cộng sản, sự sụp đổ của nó sẽ xảy ra trong tương lai rất gần.
Theo quan điểm của tôi, là trong năm nay và sang năm… những giới hạn cuối cùng (về số nợ, khả năng trả nợ…) nó đã vượt qua rồi. Nhưng việc dự đoán phần lớn thể hiện mong mỏi, mong ước của chúng ta. Nói vậy để chúng ta biết, trong tương lai gần điều đó sẽ xảy ra và chúng ta cũng cần có sự chuẩn bị để khi chế độ sụp đổ chúng ta không bị sốc, không bị bất ngờ.
Thanh Tâm : Từ trước tới giờ, quan niệm của chúng ta về phong trào đấu tranh dân chủ thì quốc nội, các anh chị em đấu tranh trong nước mới là tiền tuyến,ở hải ngoại chỉ là hậu phương mà thôi. Có nghĩa là hải ngoại yểm trợ, hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh mà thôi. Nhưng thời gian sau này, luồng suy nghĩ có vẻ chuyển đổi vì khi bước ra sân chơi quốc tế, thì sân chơi bây giờ không chỉ là quốc nội không nữa, mà mặt trận đấu tranh quốc nội và hải ngoại cũng như nhau. Nếu chúng ta biết kết hợp, ở hải ngoại vận dụng những luật chơi quốc tế, thì vẫn có thể là một mũi tấn công rất tốt, cùng với quốc nội hai mặt tiếp ứng với nhau. Vậy anh Bình nghĩ gì về quan niệm mới này, tức là không phải phân chia tiền tuyến hậu phương như trước nữa, mà là hai mũi giáp công ?
Nguyễn Vũ Bình : Vâng, tôi hoàn toàn nhất trí. APEC vừa rồi, chính phủ Đức không tham gia, lý do vụ khủng hoảng ngoại giao, liên quan tới việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Rồi chúng ta biết, vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, đòi bồi thường 1,25 tỷ đô la. Chúng ta cũng được biết, chương trình đòi tài sản công dân của Ủy ban Cứu người vượt biển đang xúc tiến…
Tôi có một bài viết : "Hướng đi mới của phong trào dân chủ Việt Nam", đây là hướng đi cực kỳ quan trọng. Tại sao lại quan trọng ? Vì trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập rồi, sự tăng trưởng cũng như phát triển của nền kinh tế phụ thuộc, thậm chí lệ thuộc vào các nền kinh tế nước ngoài, nhất là những nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…
Mặt trận đối ngoại bây giờ, chúng ta đánh trực diện vào những quốc gia đó, khi đó chúng ta có thể tác động vào vấn đề làm ăn, giao thương kinh tế của Việt Nam. Đây là một mặt trận rất lớn và quan trọng.
Tôi đồng ý với chị, vai trò của phong trào hải ngoại không có kém gì với quốc nội. Nói cho cùng thì như tôi đã phân tích, trong nước cũng chỉ tác động để đẩy nhanh quá trình tự sụp đổ của chế độ cộng sản, và hải ngoại cũng vậy. Nếu như trước đây chúng ta xác định, trong nước mà tập hợp nhau lại được, đứng lên dồn ép nhà cầm quyền Việt Nam để người ta nhượng bộ, mở cửa, thay đổi thì điều đó mới gọi là vai trò quyết định ở trong nước. Nhưng trong nước không làm được vai trò đó, chúng ta không dồn ép được nhà cầm quyền nhượng bộ, đồng ý để các đảng phái xuất hiện và tồn tại, thì chúng ta không thể nói vai trò quyết định được nữa. Như vậy, vai trong trong nước và hải ngoại là như nhau, đều tác động đẩy nhanh quá trình tự sụp đổ của chế độ.
Bây giờ mở ra hướng mới như này, mặt trận hải ngoại chúng ta cần chú trọng, bởi vì ảnh hưởng của nó rất lớn, ví dụ 1,25 tỷ đô la nếu ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện, trong lúc khó khăn của nhà cầm quyền Việt Nam thì nó là vấn đề cực lớn. Sau này nếu đòi tài sản thành công, ví dụ nhà cầm quyền phải đền bù bồi thương 5-7 tỷ đô la, hoặc 10-15 tỷ đô la, thì chế độ cũng không còn tiền mà thanh toán, phá sản, quy hàng.
Thanh Tâm : Câu hỏi vừa rồi là câu hỏi cuối cùng, không biết nhà báo Nguyễn Vũ Bình có điều gì muốn nói thêm xung quanh chủ đề về phong trào dân chủ Việt Nam hay không ?
Nguyễn Vũ Bình : Vâng, tôi xin nói một chút nữa thôi. Những người tham gia vào phong trào dân chủ, về tinh thần, sự dấn thân thì rất là hay rồi. Nhưng cũng có những hạn chế, đó là một phần ít có sự trau dồi, tìm hiểu.
Khi chúng ta tham gia, chúng ta cần hiểu về phong trào dân chủ, chúng ta hiểu về chúng ta, rồi chúng ta cần hiểu về chế độ cộng sản. Chúng ta cũng cần hiểu bản thân chúng ta, khả năng chúng ta phù hợp với lĩnh vực nào, khía cạnh đấu tranh nào. Tôi mong muốn, qua những buổi như thế này, được gửi gắm tới những người mới tham gia, những bạn trẻ, cần nghiên cứu, cần tìm hiểu để tham gia vào phong trào được hiệu quả hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn chị Thanh Tâm và chương trình Đối Diện đã cho tôi cơ hội chia sẻ chút hiểu biết của mình.
Thanh Tâm : Thay mặt chương trình và khán thính giả, xin chân thành cảm ơn nhà báo Nguyễn Vũ Bình đã tham gia và chia sẻ những nghiên cứu và hiểu biết rất giá trị của Anh. Xin đươc hẹn gặp lại Anh trong các chương trình tiếp theo.
Hà Nội, ngày 23/11/2017
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn : RFA, 23/11/2017
(Nội dung gỡ băng cuộc phỏng vấn livetream)
Hiến pháp Dân chủ là một trong số các định chế quan trọng nhất của chính thể dân chủ. Xét trên khía cạnh mặc định về phương thức tổ chức xã hội, tức là sau khi đã có sự lựa chọn chế độ chính trị và mô hình dân chủ, hiến pháp là định chế quan trọng nhất. Tất cả phương thức xây dựng thể chế dân chủ đều tuân theo và được định hướng từ hiến pháp.
Hiến pháp vừa như một chiếc la bàn định hướng, lại vừa như bản thiết kế để xây dựng ngôi nhà dân chủ - Ảnh minh họa (iStock)
Hiến pháp vừa như một chiếc la bàn định hướng, lại vừa như bản thiết kế để xây dựng ngôi nhà dân chủ, cũng đồng thời là hải trình của con thuyền quốc gia trên biển. Một định chế quan trọng như vậy, chúng ta cần có sự thấu hiểu về hiến pháp dân chủ.
1. Khái niệm và các nội dung của hiến pháp dân chủ
Hiến pháp là một hệ thống các nguyên tắc chính trị căn bản để kiến thiết và xây dựng chính quyền cũng như dẫn dắt cuộc sống và tiến hóa của một cộng đồng quốc gia. Hiến pháp là một đạo luật cơ bản của quốc gia, nó thể hiện ý chí và nguyên vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Nói một cách dễ hiểu, hiến pháp là một thỏa ước cho một hiện tại và tương lai của người dân trong cùng một quốc gia.
Tất cả những ưu tư và ưu tiên trong nội dung xây dựng thể chế dân chủ đều được thể hiện trong hiến pháp. Nghiên cứu về hiến pháp của các quốc gia, chúng ta thấy mỗi bản hiến pháp thường có bốn nội dung sau.
- Lời nói đầu hay mục tiêu chung quốc gia. Đây là những nội dung tuyên bố của quốc gia về chính thể của họ, đồng thời cũng là tuyên bố về những giá trị tốt đẹp mà quốc gia đó cam kết theo đuổi.
- Các điều khoản về quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Những điều khoản này xác quyết các quyền con người và quyền công dân của mỗi quốc gia. Nói chung, những quyền con người ở các quốc gia thường có giá trị phổ quát và không khác nhau nhiều lắm. Công ước quốc tế về quyền con người chính là văn bản đầy đủ nhất về các quyền con người và quyền công dân phổ quát. Có quốc gia đã sử dụng bản Công ước quốc tế về quyền con người làm tiêu chuẩn xác định các quyền con người của công dân nước mình là một sự vận dụng rất sáng tạo và đúng đắn.
- Các điều khoản về tổ chức nhà nước. Trong các điều khoản này, vấn đề quốc gia đó theo chế độ nhất thể hóa hoặc tản quyền (hình thức nhà nước liên bang), mô hình nghị viện hay tổng thống, bán tổng thống... đều được đề cập. Cùng với đó là các nguyên tắc xây dựng một nhà nước dân chủ, mối quan hệ giữa các thành tố của xã hội, sự phân chia quyền lực giữa các nhánh của chính quyền...
- Các điều khoản đặc biệt. Đây là những điều khoản đặc biệt của các quốc gia. Có thể đó là những ưu tư của riêng quốc gia đó trong bối cảnh đặc biệt, cũng có thể đó là những thỏa thuận cần hàn gắn trong quá khứ. Mỗi quốc gia có một điều đặc biệt và không giống nhau.
2. Tâm lý tôn sùng và gánh nặng của hiến pháp
Chúng ta đều biết được vai trò của hiến pháp trong xây dựng thể chế dân chủ và dẫn dắt đời sống người dân. Khi có quan niệm đúng, xác định chính xác thể chế dân chủ cần xây dựng, hiến pháp phát huy tác dụng và đem lại những lợi ích to lớn. Nhưng trường hợp ngược lại, tức là quan điểm về nội dung dân chủ cũng như cách thức xây dựng thể chế dân chủ chưa được chuẩn xác, thì hiến pháp ngoài việc không giúp ích gì cho con người có tự do mà còn là gánh nặng, gây khó khăn rất lớn cho những thay đổi cần thiết.
Bài viết : "Một cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế dân chủ" có đề cập, trong số 150 quốc gia có thể chế dân chủ, mới chỉ có chưa đầy 30 quốc gia người dân được tự do, còn 120 quốc gia có thể chế dân chủ, nhưng người dân chưa được tự do. Như vậy, giả sử rằng, nếu như 120 quốc gia này có những nhận thức khác, thay đổi quan điểm về nội dung và cách thức xây dựng thể chế dân chủ, thì với hiến pháp hiện hành, việc thay đổi đó có được thực hiện thuận lợi, dễ dàng hay không ? Câu trả lời là không vì chính các bản hiến pháp, hay nói đúng hơn, là vì tâm lý tôn sùng hiến pháp.
Các hiến pháp dân chủ, thường đến sau các cuộc cách mạng lật đổ, hoặc chế độ độc tài sụp đổ. Nhân dân chỉ nhìn thấy các quốc gia dân chủ hàng đầu trên thế giới với các bản hiến pháp ổn định mấy trăm năm. Việc thuê các chuyên gia hàng đầu, từ chính các quốc gia dân chủ họ mơ ước để viết ra bản hiến pháp càng làm cho người dân yên tâm, và họ mặc định đó là những điều tốt đẹp nhất, không cần phải thay đổi hoặc rất nên hạn chế thay đổi hiến pháp. Không chỉ vậy, rất nhiều người còn có tâm lý, quan niệm rằng, chỉ sửa đổi, thay đổi hiến pháp khi có những biến cố lớn trong đời sống xã hội. Tâm lý tôn sùng và đóng đinh hiến pháp chính là một gánh nặng mà hiến pháp đem lại.
Một trong các lý do hiến pháp khó sửa đổi, thay thế nữa, đó là khi hiếp pháp chưa bao quát hết được những vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất thì nó sẽ tạo ra những lỗ hổng, khoảng trống pháp luật để các nhóm lợi ích, thành phần cơ hội có thể lạm quyền, trục lợi. Quyền và lợi song hành một thời gian sẽ dẫn tới sự câu kết lợi ích. Những cá nhân, nhóm người và tập đoàn khai thác, trục lợi từ chính những thiếu sót, méo mó trong hiến pháp sẽ không dễ dàng chấp nhận sự thay đổi, sửa đổi hoặc thay thế hiến pháp hiện hành.
Trong các bản hiến pháp dân chủ, việc quy định các điều luật bám sát cuộc sống, sự thay đổi theo từng thời điểm, hoàn cảnh nội hàm các đạo luật là có, và người ta căn cứ vào đó để điều chỉnh cuộc sống và pháp luật. Tuy nhiên, các quy định sửa đổi, thay đổi và thay thế của bản thân hiến pháp, hoặc những đạo luật cơ bản trong hiến pháp lại rất hạn chế và rất ngặt nghèo. Đây là một trong số những bất cập đáng lo ngại nhất của các hiến pháp dân chủ. Hầu như các quốc gia đều ít nhiều chịu đựng những bất cập này. Nếu như trước đây, thoát khỏi ách độc tài đối với nhiều quốc gia đã là một giác mơ lớn biến thành hiện thực. Nhưng ngày càng có nhiều dẫn chứng về việc, một quốc gia thoát khỏi ách độc tài hoàn toàn không đồng nghĩa với việc quốc gia đó đương nhiên có dân chủ, và người dân đương nhiên được tự do. Con số 120 quốc gia có thể chế dân chủ nhưng người dân chưa thực sự được tự do, cùng với những xáo trộn lớn tại các quốc gia này đang ngày càng cho thấy nội hàm dân chủ và cách thức xây dựng thể chế dân chủ ở các quốc gia có vấn đề nghiêm trọng. Như vậy là, với chức năng của mình, mặc nhiên các hiến pháp dân chủ cũng chịu trách nhiệm cho tình trạng này. Nhưng điều đáng lo ngại nhất, không phải là vấn đề trách nhiệm, mà chính là khả năng tự sửa đổi, thay thế của hiến pháp dân chủ ở các quốc gia này.
3. Quan niệm cần thiết về Hiến pháp Dân chủ
Hiến pháp Dân chủ là một trong số các định chế quan trọng nhất của thể chế dân chủ. Nhưng Hiến pháp Dân chủ cũng là một sản phẩm của nhận thức con người về nội hàm và cách thức xây dựng thể chế dân chủ. Nhận thức của chúng ta có thể đúng, có thể chưa đúng, hoặc chưa chính xác. Chúng ta không nên tôn sùng, đề cao vai trò của Hiến pháp quá mức, để rồi chính Hiến pháp sẽ lại là cái ràng buộc lại khi chúng ta cần thay đổi. Chỉ cần thấu suốt quan điểm này, chắc chắn chúng ta sẽ có một bản Hiến pháp đẹp và hiệu quả.
Đối với yêu cầu về sự ổn định của Hiến pháp, chúng ta vẫn cần đáp ứng. Trong số bốn nội dung quan trọng của Hiến pháp (Lời nói đầu hay mục tiêu chung quốc gia; Các điều khoản về quyền và nghĩa vụ công dân ; Các điều khoản về tổ chức nhà nước ; Các điều khoản đặc biệt), chúng ta có thể đóng khung hai nội dung đầu quan trọng. Tại sao lại đóng khung hai nội dung đầu? Bởi vì kiến thức, kinh nghiệm, sự đồng thuận của người dân đối với hai nội dung đầu không khó khăn để đạt được. Mặt khác, phần lớn đó là những mục tiêu cao đẹp một quốc gia hướng tới. Mục tiêu cao đẹp không khó xác định cũng như không khó tìm sự đồng thuận. Chỉ có khó khăn về phương pháp, biện pháp, con đường đi tới mục tiêu mà thôi.
Như vậy, chúng ta còn hai nội dung quan trọng để có thể xác định nội hàm, nội dung cũng như cách thức xây dựng thể chế dân chủ. Trước hết, dù nội hàm như thế nào thì về nguyên tắc chúng ta cần xác định không đóng khung các nội dung này, tức là có thể sửa đổi, thay thế khi hội đủ số yêu cầu, điều kiện cần thiết. Các Hiến pháp Dân chủ của các quốc gia hiện tại không phải không thể, không có các quy định về sự thay đổi, thay thế, mà sự quy định quá khó khăn, ngặt nghèo (ví dụ đòi hỏi sự đồng thuận rất cao, 70-75%...) cộng thêm tâm lý tôn sùng Hiến pháp làm cho khả năng có thể thay đổi, thay thế của Hiến pháp vô cùng khó khăn, phức tạp.
Trong mối tương quan với Dự án xây dựng Thể chế Dân chủ Việt Nam theo cách tiếp cận mới mà chúng tôi đề nghị, Hiến pháp Dân chủ cần quán triệt một số vấn đề sau.
- Cần đưa định chế dân chủ cốt lõi Tòa án Nhân quyền vào nội dung các diều khoản về tổ chức nhà nước. Khi cách tiếp cận cũ chưa có định chế dân chủ cốt lõi, định chế trực tiếp bảo đảm và bảo vệ các quyền con người, hay nói cách khác, bảo đảm và bảo vệ tự do của con người thì Tòa án Nhân quyền chính là định chế bảo đảm các yêu cầu đó. Vì vậy, định chế Tòa án Nhân quyền xứng đáng và cần thiết được đưa vào nội dung các điều khoản về tổ chức nhà nước.
- Hiến pháp dân chủ cần xác định các định chế hỗ trợ để thực hiện định chế cốt lõi, đồng thời xây dựng các định chế khác xoay quanh và phục vụ cho định chế cốt lõi Tòa án Nhân quyền. Hai định chế hỗ trợ quan trọng nhất của định chế Tòa án Nhân quyền là trang bị kiến thức về tự do, dân chủ, nhân quyền đầy đủ cho người dân và định chế về việc miễn phí cho người dân bảo vệ các quyền con người của mình ở Tòa án Nhân quyền.
- Định chế Tòa án Nhân quyền cần được xác lập ở tất cả các cấp: cơ sở, tiểu bang, liên bang và là một hệ thống độc lập với quyền lực tuyệt đối, không phụ thuộc vào tam quyền có sẵn của định chế tam quyền phân lập. Nếu có thể được, hợp lý nhất là các Tòa án Nhân quyền các cấp nằm trong Tòa an Hiến Pháp. Cấp độ cao nhất của Tòa án Nhân quyền, hay Tòa án Nhân quyền quốc gia (liên bang) chính là Tòa án Hiến pháp.
- Một vấn đề quan trọng nữa mà Hiến pháp Dân chủ cần lưu ý, đó là xu thế hội nhập, toàn cầu hóa của các quốc gia hiện nay. Tự do của con người cần tương thích và phù hợp với tất cả các quốc gia.
Hiến pháp Dân chủ với những nội dung được xác định ổn vững và những nội dung cần được bổ sung, sửa đổi, thay thế chính là yêu cầu cần thiết cho bất kỳ quốc gia nào. Khi đã xác định chính xác định chế dân chủ cốt lõi, tức là xác định đúng nội dung dân chủ cần được xây dựng, cũng như cách thức xây dựng thể chế dân chủ, chúng ta luôn hi vọng và tin tưởng rằng, Hiến pháp Dân chủ thể hiện được đầy đủ chức năng, vai trò của nó, đồng thời không gây ra những khó khăn, rào cản nào cho bất kỳ một sự thay đổi cần thiết nào, trong các nội hàm của dân chủ khi tình thế và hoàn cảnh thay đổi.
Hà Nội, ngày 28/10/2017
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn : RFA, 28/10/2017 (nguyenvubinh's blog)
Chúng tôi xin được trình bày ba vấn đề, hay ba câu hỏi là nguyên nhân và cảm hứng để chúng tôi nghiên cứu và tìm ra cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế dân chủ.
Tòa án Nhân quyền Châu Âu ở Strasbourg - Ảnh minh họa
Câu hỏi 1 : Tại sao trên thế giới có khoảng 150 quốc gia có thể chế dân chủ, mà chỉ có chưa đầy 30 quốc gia (bao gồm Mỹ, Tây Âu, Nhật, Úc và mới đây là Đài Loan, Hàn Quốc...) là người dân thực sự được tự do. Còn lại, hơn 120 quốc gia cũng có thể chế dân chủ, ví dụ Mexico, Thái Lan, Nga, Indonesia... người dân lại không có được tự do ? Những nước này thường chỉ được gọi là có dân chủ trong tuyển cử.
Câu hỏi 2 : Khi các chế độ độc tài sụp đổ, ví dụ Ai Cập, Tunisia... nếu có một cuộc khảo sát với người dân ở các quốc gia này : tự do là gì, nhân quyền bao gồm những quyền gì ? như thế nào ? Dân chủ là gì ?... thì có bao nhiêu phần trăm người dân biết, hiểu được những khái niệm đó ? Vậy mà, tất cả các nhà khoa học chính trị, các nhà chính trị học đều nói rằng, người dân là chủ thể tham gia xây dựng nên thể chế dân chủ để bảo đảm tự do và lợi ích của chính người dân ? Như vậy, có sự lệch pha trong nhận thức của người dân và việc tham gia xây dựng thể chế dân chủ, việc xây dựng thể chế dân chủ có thực sự bảo đảm tự do và lợi ích của người dân hay không ?
Câu hỏi 3 : Trên thế giới hiện nay đã có định nghĩa, khái niệm chung, thống nhất về dân chủ hay chưa ? Nếu có thì đó là định nghĩa nào ?
Theo chúng tôi được biết, hiện nay trên thế giới chưa có khái niệm, định nghĩa chung, thống nhất về dân chủ. Có tài liệu nói rằng, tính đến những năm 60 của thế kỷ XX, đã có trên 500 định nghĩa về dân chủ. Từ những năm đó tới hiện nay, tức là hơn 50 năm sau, thì có thêm bao nhiêu định nghĩa nữa về dân chủ ? Tại sao lại như vậy, nếu không có định nghĩa chung, khái niệm thống nhất thì liệu có phải chưa có sự thống nhất về bản chất của dân chủ hay không ?
Suy tư về câu hỏi thứ nhất, chúng ta buộc phải công nhận, thể chế dân chủ hiện hành trên thế giới có khuyết tật chung. Phải có khuyết tật chung mới dẫn tới tình trạng ¾ số quốc gia cũng có thể chế dân chủ mà người dân lại chưa được tự do. Kết hợp với câu hỏi thứ ba, tức là thế giới chưa xác định được định nghĩa, khái niệm chung, thống nhất về dân chủ... dẫn tới kết luận rằng, thế giới chưa tìm ra được bản chất thực sự của dân chủ. Điều này có nghĩa là, trong rất nhiều định chế của thể chế dân chủ, chúng ta chưa tìm ra được định chế dân chủ cốt lõi, thể hiện bản chất của dân chủ, hay chưa tìm ra được định chế dân chủ cốt lõi bảo đảm được tự do của con người. Chỉ khi xác định được định chế dân chủ cốt lõi, bảo đảm được tự do của con người và xây dựng thể chế dân chủ xoay quanh định chế dân chủ cốt lõi mới bảo đảm được tự do của con người.
Trên mạch lo-gic đó, chúng tôi đã nghiên cứu và tìm ra được định nghĩa, khái niệm dân chủ thể hiện được bản chất của dân chủ. Chúng tôi đi từ khái niệm chung nhất về dân chủ, được nhiều người công nhận nhất : dân chủ là phương thức tổ chức xã hội bảo đảm cao nhất tự do của con người. Vấn đề cần xác định trong định nghĩa này, tự do là gì ? Và chúng tôi đã xác định : "tự do là các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi một cá nhân". Như vậy, chúng ta cần có, cần xây dựng được một định chế cốt lõi mà ở đó mỗi cá nhân có thể, có khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mình.
Đó chính là định chế Tòa án nhân quyền ở tất cả các cấp. Chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra Dự án xây dựng thể chế dân chủ xoay quanh định chế cốt lõi Tòa án nhân quyền, để bảo đảm tự do của con người.
Liên quan đến câu hỏi thứ hai, chúng tôi xác định, cần trang bị đầy đủ kiến thức cho toàn thể nhân dân về tự do, dân chủ, nhân quyền để người dân có đầy đủ nhận thức tham gia vào xây dựng thể chế dân chủ. Chỉ có những con người có đủ kiến thức về các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền mới có thể tham gia xây dựng lên thể chế dân chủ bảo đảm tự do và quyền lợi của mình. Toàn bộ vấn đề này nằm trong mục các bước đi và cách thức xây dựng thể chế dân chủ của dự án.
Dự án của những người Việt Nam, đất nước chưa bao giờ có tự do, dân chủ, lại bàn về những vấn đề thế giới đã đi qua hàng trăm năm không khỏi gây ra những hoài nghi, thắc mắc. Cộng thêm việc dự án được nghiên cứu và trình bày theo lối tư duy Á Đông sẽ làm cho nhiều người cảm thấy khó đọc và tiếp cận. Nhưng chúng tôi tin rằng, những người trăn trở với các câu hỏi được nêu ở đầu bài viết, sẽ vượt qua được những trở ngại rất nhỏ này.
Trân trọng mời quý vị tham khảo Dự án xây dựng thể chế dân chủ và các tài liệu liên quan trên trang nghiencuutheche.com của chúng tôi.
Hà Nội, ngày 16/10/2007
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn : RFA, 16/10/2017 (nguyenvubinh's blog)
I. Tóm tắt vụ án Trịnh Vĩnh Bình và một vài vụ án khác
Vụ án Trịnh Vĩnh Bình như chúng ta biết, được diễn ra từ ngày 21/08 đến ngày 27/08/2017 vừa qua. Tòa án Trọng tài quốc tế (ICA – International Court of Arbitration), một cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, bên cạnh Phòng thương mại quốc tế (ICC), có trụ sở tại Paris, đã mở phiên xét xử vụ tranh chấp : công dân Vương quốc Hà Lan (gốc Việt), ông Trịnh Vĩnh Bình, kiện Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Vụ kiện liên quan đến việc Việt Nam vi phạm Thỏa thuận giữa hai bên tại Singapore năm 2006 về việc Việt Nam bồi thường bằng tiền và trả lại tài sản mà ông Trịnh Vĩnh Bình đã đầu tư theo quy định của Hiệp định Đầu tư Hà Lan – Việt Nam (10/3/1994) nhưng đã bị Chính phủ Việt Nam tịch thu trước đây.
Logo Tòa án trọng tài quốc tế cạnh Phòng thương mại quốc tế - Ảnh minh họa
Ông Trịnh Vĩnh Bình – một Việt kiều có quốc tịch Hà Lan, cuối những năm 1980 đã đem theo tiền và vàng về Việt Nam đầu tư nhưng không đăng ký chính thức để thành lập doanh nghiệp theo Luật đầu tư nước ngoài (29/12/1987) của Việt Nam. Do ở thời điểm đó pháp luật chưa cho phép người nước ngoài (bao gồm cả Việt kiều có quốc tịch nước ngoài) đứng tên mua nhà và đứng tên nhận sang nhượng Quyền sử dụng đất, ông Bình đã nhờ người thân đứng tên giùm đất đai, nhà cửa và hai doanh nghiệp trong nước... công việc làm ăn của ông Bình sau đó đã gặt hái được nhiều thành công, phát triển nhanh chóng.
Năm 1996, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt giữ ông Trịnh Vĩnh Bình với nhiều cáo buộc hình sự, trong đó có các tội danh "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", "Trốn thuế" và tội "Đưa hối lộ" theo quy định của Bộ Luật Hình sự Việt Nam 1985 (sửa đổi bổ sung năm 1989). Theo báo Công an Nhân dân ngày 06/06/2005, cho tới khi bị cơ quan an ninh điều tra Bà Rịa – Vũng Tàu bắt giữ, ông Bình đã nắm trong tay 11 căn nhà, 114 nền nhà và 2.847.745 m2 đất. Với những tội danh nói trên, ông Bình đã bị kết án 11 năm tù (bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật), bị tịch thu tài sản là nhà, đất do người khác đứng tên giùm, và một số tài sản là động sản, tiền mặt, đồ cổ…
Năm 2000, ông Trịnh Vĩnh Bình rời khỏi Việt Nam, trở về Hà Lan và năm 2003 tiến hành khởi kiện Chính phủ Việt Nam theo quy định tại (khoản 4) Điều 9 của Hiệp định Việt Nam- Hà Lan, tại Trung tâm Quốc tế Giải quyết các Tranh chấp về Đầu tư (ICSID) – Stockholm (Thụy Điển), với sự giúp đỡ của hãng luật Covington Burling của Mỹ. Theo đơn kiện khi đó, ông Bình yêu cầu phía Việt Nam phải bồi thường số tiền hơn 100 triệu USD. Sau đó, vào năm 2006, ông Bình và Chính phủ Việt Nam đạt được thoả thuận bên ngoài Tòa Trọng tài ICSID, ký tại Singapore. Theo một số nguồn tin, nội dung của Thỏa thuận 2006 có quy định : Chính phủ Việt Nam chấp thuận miễn chấp hành hình phạt tù cho ông Bình, bồi thường 15 triệu USD, "trả lại tài sản" cho ông Bình, và cho phép ông trở lại Việt Nam để tiếp tục đầu tư. Đổi lại, ông Bình rút đơn kiện khỏi Tòa Trọng tài ICSID và không tiết lộ nội dung Thỏa thuận 2006.
Về số tiền 15 triệu USD bồi thường cho ông Bình theo Thỏa thuận 2006, có tin nói là phía Việt Nam đã trả xong, dù chậm trễ vì mãi đến năm 2014 mới trả hết và ông Bình cũng không đòi tiền lãi từ năm 2006 đến 2014. Tuy nhiên, cho tới nay (9/2017) ông Bình vẫn chưa được nhận lại tài sản theo Thỏa thuận 2006.
Tháng 01/2015, ông Trịnh Vĩnh Bình tái khởi kiện Chính phủ Việt Nam tại Tóa án Trọng tài quốc tế (ICA) Paris, với lý do chính phủ Việt Nam "Không thực hiện đúng Cam kết trong Thỏa thuận 2006" và đòi chính phủ Việt Nam bồi thường ít nhất 1,25 tỷ USD.
Đây là phiên tòa không công bố công khai nội dung xét xử, chúng ta chỉ biết được kết quả sau này, nhưng có nhiều khả năng ông Trịnh Vĩnh Bình sẽ thắng kiện. Vấn đề là chính phủ Việt Nam có phải trả toàn bộ số tiền ông Bình yêu cầu hay không thì chưa biết được, nhưng điều quan trọng là ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện, và chính phủ Việt Nam đã phải hầu tòa và thua kiện.
Những lần thua kiện ở ngoại quốc của một số cơ quan, chủ thể của nhà nước Việt Nam trước đây :
1. Vụ Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam thua vì "thiếu hiểu biết" luật quốc tế :
Vụ việc bắt đầu khi Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam sa thải ông Letard vào năm 2002. Ban đầu ông Letard đã khiếu nại vụ việc lên Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới (FIFA) để yêu cầu Việt Nam bồi thường vì đã vi phạm hợp đồng. FIFA ra quyết định giải quyết khiếu nại với kết luận nghiêng về phía Việt Nam, xử thua ông Letard.
Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của FIFA, ông Letard đã khởi kiện ra Tòa Trọng tài Thể thao ở Thụy sĩ. Tòa Trọng tài Thể thao thụ lý vụ việc và thông báo cho Liên Đoàn Bóng Đá Việt Nam biết và yêu cầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam cung cấp thông tin vụ việc, cũng như phản hồi các cáo buộc của ông Letard. Nhưng Liên đoàn bóng đá Việt Nam không chịu cung cấp thông tin theo yêu cầu của tòa. Thậm chí khi được triệu tập đến phiên tòa để xét xử, Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam cũng chẳng thèm tham dự.
Lý do của việc "không quan tâm đến vụ kiện" là do các quan chức lãnh đạo của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khi đó cho rằng đã có kết quả giải quyết cuối cùng của FIFA, kiện ra Tòa Trọng tài Thể Thao ở Thụy sĩ không phải là phương phức để giải quyết tranh chấp theo như hợp đồng ký kết, nên nó không có giá trị. Với lại kiện ra tòa Thụy Sỹ, nếu thua "mà ở Việt Nam ta không chấp hành thì làm gì được nhau".
Phiên tòa vụ này được mở ra mà không có bị đơn là Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam. Thế là nguyên đơn đươc dịp tha hồ vạch tội. Kết quả là Tòa trọng tài Thể thao xử ông Letard thắng kiện, yêu cầu Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam bồi thường hợp đồng cho ông Letard với số tiền gần 200 ngàn đô (3 tỷ đồng Việt Nam thời đó). Áp dụng hình thức chế tài nếu không thi hành án thì Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ bị cấm tham gia tất cả các giải đấu bóng đá theo hệ thống FIFA trong 2 năm.
Lúc này các quan chức Liên đoàn bóng đá Việt Nam mới "té ngửa" ra, là phán quyết của tòa này lại có hiệu lực pháp lý cao hơn phán quyết của FIFA, mà FIFA cũng phải thi hành bản án của Tòa Trọng tài Thể thao.
Thật ra việc khởi kiện cũng rất đơn giản, trong Quy chế giải quyết khiếu nại của FIFA nêu rõ, khi tranh chấp xảy ra nếu không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của FIFA thì các bên có thể khởi kiện vụ việc ra Tòa Trọng tài Thể thao ở Thụy Sỹ, và các phán xử của Tòa án này là có hiệu lực cuối cùng mà FIFA cũng phải đảm bảo thi hành.
Thế là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mới chịu báo cáo lên chính phủ và cầu cứu. Ngân sách nhà nước cấp cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam vào năm đó được 3,7 tỷ, đã phải bồi thường cho ông Letard 3 tỷ. Vụ này thua vì ra cuộc chơi quốc tế mà thiếu hiểu biết luật quốc tế.
2. Vietnam Arlines (VNA) thua vì xem thường tòa án nước ngoài
Vụ việc bắt đầu với một ông người Ý mang tên Liberati kiện Vietnam Arlines (VNA) ra Tòa án Roma ở Ý, yêu cầu VNA trả tiền chi phí cho ông ta vì VNA đã ủy quyền cho một Đại lý VNA thuê ông ta làm việc. Đại lý này bị phá sản, ông Liberati đành nhằm vào VNA đòi tiền. Phiên tòa mở ra, tại Roma ngày 30/11/1995, nhưng VNA không cử đại diện tham dự, dù ngày 1/11/1994 đã được đại sứ quán Italy tại Việt Nam chuyển giấy thông báo về phiên xử. Vietnam Arlines không cử người tham dự, bởi nghĩ rằng "ta chả liên quan". Sự vắng mặt của bị đơn làm Tòa án Ý nhanh chóng tuyên ông Liberati thắng kiện, buộc Vietnam Arlines phải thanh toán cho bên nguyên đơn 1,3 triệu euro.
Đứng trước phán quyết này, lãnh đạo Vietnam Arlines đánh giá phán quyết ở Tòa án nước Ý dễ gì thi hành được ở Việt Nam khi Vietnam Arlines là "con cưng" của nhà nước, Vietnam Arlines cũng chẳng có tài sản ở Ý thì… "làm gì được nhau".
Đúng là suốt gần 7 năm sau đó án này không thi hành được, vì ở Ý không có gì để chế tài được VNA. Rồi bỗng một ngày của năm 2002, luật sư Liberati phát hiện VNA đang có một tài khoản triệu đô ở nước Pháp, đây là cơ hội ngàn vàng, đảm bảo cho việc thi hành án của VNA. Thi hành ở Ý không được thì nhờ Pháp "thi hành hộ", đó là cách làm của luật sư đại diện cho ông Liberati. Giữa Ý và Pháp đều thuộc khối Liên Hiệp Châu âu. Đây là một liên hiệp gần như nhất thể hóa về chính trị, ngoại giao và tương trợ tư pháp rất chặt chẽ với nhau. Thế là tòa án ở Pháp nhanh chóng ra quyết định phong tỏa tài khoản triệu đô của VNA tại Pháp để đảm bảo thi hành án.
Điều buồn cười trong vụ này, lúc đầu VNA chỉ bị yêu cầu thanh toán là 1,3 triệu euro, nhưng không chịu thi hành ngay, mà đi thuê mấy luật sư để "gỡ" vụ phong tỏa tài sản ở Pháp. Kết quả cuối sau một thời gian kiện cáo của VNA, gỡ đâu không thấy mà kết quả cuối cùng là VNA phải thanh toán bồi thường cho ông Liberati 5,2 triệu euro, vì phải thanh toán cho bên nguyên đơn thêm tiền lãi suất của nhiều năm và thanh toán luôn chi phí luật sư cho bên họ, vì VNA là bên thua kiện. Vụ này VNA thua đau vì đã xem thường thẩm quyền và khả năng thi hành bản án của Tòa án quốc gia Ý...
II. Những vấn đề rút ra từ các vụ án
Qua vụ án của ông Trịnh Vĩnh Bình, tất cả đều thấy rằng, nhà nước Việt Nam hoàn toàn có thể bị kiện ra tòa án và hoàn toàn có thể thua kiện. Đây là ý nghĩa vô cùng lớn, một thắng lợi tinh thần vô giá mà vụ án Trịnh Vĩnh Bình có thể đem lại.
Nếu như trước đây, rất nhiều người nghĩ rằng, việc đưa nhà nước, nhà cầm quyền Việt Nam ra được tòa án quốc tế là điều vô cùng khó khăn, không tưởng thì nay tất cả đều nghĩ lại, và nghĩ khác đi. Thêm nữa, việc đưa được nhà nước Việt Nam ra trước tòa án quốc tế và có nhiều hy vọng thắng kiện càng khích lệ người dân nhiều hơn nữa. Như vậy, vụ án Trịnh Vĩnh Bình như là một sự cởi bỏ về mặt tâm lý, tinh thần cho người dân, và chính từ vụ án này sẽ tạo ra một tiền lệ, ít nhất là về mặt niềm tin đối với người dân.
Nếu như vụ án ông Trịnh Vĩnh Bình kiện trực tiếp nhà nước Việt Nam ra tòa án giải quyết vấn đề tinh thần, tâm lý thì hai vụ án sau, của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Vietnam Airlines lại như một sự chỉ dẫn về mặt nội dung đối với các vụ kiện. Có thể nói rằng, nội dung của hai vụ kiện này cực kỳ đơn giản, sự việc rất thông thường nhưng cuối cùng nhà cầm quyền Việt Nam đã phải trả rất nhiều tiền để giải quyết hậu quả. Việc chi trả nhiều tiền cho hai vụ án, phần lớn xuất phát từ việc thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm cũng như việc coi thường luật pháp quốc tế khi Việt Nam mới gia nhập sân chơi chung của luật pháp quốc tế. Tất nhiên sau này, Việt Nam có kinh nghiệm, sẽ không phải trả phí cho những điều không đáng xảy ra. Tuy nhiên, nội dung các vụ án, tức là tính chất các sự việc vô cùng đơn giản nhưng luật pháp quốc tế vẫn bảo vệ những người bị thiệt thòi. Điều này có nghĩa rằng, đối với nhiều đồng bào của chúng ta, những người đã bị nhà cầm quyền Việt Nam đối xử vô cùng dã man, tàn bạo cũng như việc cướp, tước đoạt trắng trợn tài sản, nhà cửa có rất nhiều cơ hội trong việc kiện nhà nước Việt Nam để đòi lại quyền lợi cũng như những tài sản của mình.
Đối với phong trào dân chủ Việt Nam, việc kiện nhà nước Việt Nam nên xác định là một hướng đi mới trong bối cảnh cuộc đấu tranh trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Phong trào phản đối Formosa và bảo vệ môi trường ban đầu rất sôi nổi, bằng các cuộc biểu tình, vận động phản đối khắp cả nước nhưng đã không duy trì được lâu bởi sự đàn áp, đánh phá cả từ trong lẫn ngoài phong trào dân chủ… Một thời gian sau, việc phản đối Formosa đã chuyển sang những người dân trực tiếp bị ảnh hưởng của vùng biển chết, ô nhiễm như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đồng thời cuộc đấu tranh của người dân còn được sự ủng hộ, hỗ trợ của toàn bộ hàng ngũ giáo phẩm và các giáo xứ của giáo phận Vinh. Ban đầu cuộc đấu tranh của người dân trực tiếp bị ảnh hưởng đã thu hút được sự chú ý cũng như tạo được sự lúng túng nhất định cho nhà cầm quyền. Nhưng cuộc đấu tranh cũng không duy trì ngọn lửa nhiệt tình được lâu. Nhà cầm quyền đã ra tay đàn áp rất dã man, hiểm độc nên phong trào phản đối Formosa và bảo vệ môi trường đã và đang chùng xuống, mất đà.
Đối với các tổ chức xã hội dân sự, nhà cầm quyền Việt Nam còn sắt máu và đàn áp dã man hơn. Ngoài việc cài cắm người để lũng đoạn từ bên trong, nhà cầm quyền còn trực tiếp đàn áp bằng các biện pháp : đánh đập, giam cầm, truy tố. Hội Anh Em Dân Chủ là một tổ chức xã hội dân sự khá bài bản, lâu năm bị đàn áp dã man nhất. Toàn bộ đội ngũ lãnh đạo của Hội, cả cũ lẫn mới đều bị bắt giam, khởi tố bởi điều luật vô cùng tàn bạo, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79 bộ Luật hình sự). Các hoạt động của các hội, nhóm khác cũng bị phá, ngăn cản và gây rối như hoạt động thể dục thể thao thường xuyên, đá bóng giao lưu của nhóm FC - NoU, các hoạt động kỷ niệm của các hội nhóm cũng bị đàn áp và phá đám. Một số hội, nhóm mới ra đời, mặc dù chỉ có tính chất học thuật cũng bị đưa vào tầm ngắm và sách nhiễu (ví dụ Nhóm Nghiên cứu Thể chế). Như vậy, về hoạt động của các hội, nhóm xã hội dân sự cũng đang bị ngưng trệ, cầm chừng do sự đánh phá, đàn áp dã man của nhà cầm quyền Việt Nam.
Phong trào dân oan đã bị đánh phá và cắt đứt sự kết nối với phong trào dân chủ vào cuối năm 2016. Tuy vẫn còn một vài nhóm nhỏ hoạt động nhưng cũng trong tình trạng cố thủ. Đến nay, những người dân oan tự phát vẫn hàng ngày, hàng giờ tập hợp tới những địa điểm nhạy cảm để yêu cầu, yêu sách và khiếu nại. Nhưng do không có sự tổ chức, cũng như không có được sự giúp đỡ dài hơi, những người dân oan có thể bị dẹp bỏ cũng như giải tán bất cứ khi nào nhà cầm quyền muốn ra tay.
Một đặc điểm rất đáng lo ngại đối với phong trào dân chủ là khả năng kết nối, làm việc chung của các hội nhóm, các cá nhân hiện nay vô cùng khó khăn. Rất khó hội nhóm hoặc cá nhân nào kêu gọi một công việc chung tốt đẹp mà có sự ủng hộ, tham gia hoặc giúp đỡ của những hội, nhóm cá nhân khác một cách đông đảo như trước đây nữa. Với bối cảnh chung của phong trào dân chủ như vậy, việc mở ra một hướng đi mới, sử dụng luật pháp quốc tế, hoặc các quốc gia dân chủ có quan hệ với Việt Nam đòi lại công lý, quyền lợi cho người dân đồng thời dồn ép nhà cầm quyền Việt Nam trên nhiều phương diện là một việc thật cần thiết và ý nghĩa...
III. Khảo sát một số trường hợp kêu gọi và chuẩn bị khởi kiện
Có thể nói rằng, không phải bây giờ, tức là sau khi ông Trịnh Vĩnh Bình kiện nhà cầm quyền Việt Nam và có dấu hiệu thắng kiện, phong trào dân chủ mới đặt vấn đề khởi kiện nhà cầm quyền Việt Nam ra các tòa án quốc tế.
Trước đó, đã có những cố gắng rất đáng lưu tâm, và đến nay cần được xem xét thỏa đáng. Chúng ta có thể thấy, có ba trường hợp, ba nơi (người, nhóm người) có ý định và đã kêu gọi việc khởi kiện nhà cầm quyền Việt Nam ra tòa án quốc tế (tất nhiên có thể còn có những trường hợp khác mà người viết bài này chưa biết). Chúng ta cùng xem xét, phân tích các khả năng để có thể tập trung vào những nơi khả quan, để đem lại hiệu quả cao nhất.
1. Trường hợp kêu gọi tố cáo để khởi kiện nhà nước Việt Nam của ông Đặng Chí Hùng
Ngày 21/11/2013, trên một số trang mạng có đăng lời kêu gọi đồng bào tố cáo để khởi kiện nhà cầm quyền Việt Nam với những tội danh xuyên suốt chiều dài lịch sử, từ khi đảng cộng sản cướp chính quyền cho đến tận ngày kêu gọi khởi kiện.
Lời kêu gọi người dân chung tay tố cáo để khởi kiện đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam bao gồm rất nhiều nội dung, tội ác trải qua nhiều thời kỳ. Lời kêu gọi cũng liệt kê các tội ác để khởi kiện như : tội ác xâm lược, tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng, tội ác chống nhân loại, vi phạm bộ luật nhân quyền quốc tế. Toàn bộ thời gian lịch sử được chia làm ba giai đoạn : giai đoạn từ năm 1945 - 1969 ; giai đoạn từ 1969 - 1975 ; giai đoạn từ 1975 tới nay. Có thể nói rằng, đó là bản cáo trạng toàn diện về tội ác của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam từ trước đến nay.
Cơ sở để tác giả Đặng Chí Hùng đưa ra lời kêu gọi đó là trong lịch sử đã có các chủ thể, nhà nước bị kiện vì tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng và tội ác chống nhân loại. Ví dụ Đức Quốc Xã, Pôn Pốt hoặc mới nhất là Giang Trạch Dân và Lý Bằng bị tòa án Tây Ban Nha xét xử. Mục đích của việc tố cáo để khởi kiện là để nhân dân biết, hiểu rõ hơn bộ mặt thật của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, để cảnh báo quốc tế không quan hệ, giao lưu làm ăn với nhà nước cộng sản Việt Nam, và cuối cùng là chế tài đối với lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay.
Do không thể cập nhật được các kế hoạch, chương trình tiếp theo của lời kêu gọi này, nên việc đưa ra đánh giá, nhận định sẽ rất khó khăn. Nếu chỉ khảo sát qua lời kêu gọi này, chúng ta thấy lời kêu gọi mang nhiều ý nghĩa chính trị, tuyên truyền và tố cáo, nhưng tính chất khả thi thì hầu như chưa thấy đâu bởi vì nội dung đúng là mới chỉ dừng lại ở lời kêu gọi.
Chúng ta chưa thấy một chương trình, kế hoạch cụ thể nào ? Ví dụ sẽ khởi kiện ở đâu ? Tòa án nào ? Thời gian và thời điểm khởi kiện ra sao ? Các cơ sở pháp lý của việc khởi kiện là gì ? Nguồn lực tài chính cho chi phí khởi kiện lấy từ đâu ? Các thành phần nào đứng đơn, thành phần nào hậu thuẫn, v.v...
Tóm lại, chưa có chương trình kế hoạch cụ thể nào. Chúng ta cần lưu ý hai điều nếu muốn tiếp tục lời kêu gọi và hành động theo hướng này. Thứ nhất, các vụ án khởi kiện tương tự, thường tập trung vào một hoặc một vài nội dung cụ thể, trực tiếp. Ví dụ, kiện Pôn Pốt là tội ác diệt chủng liên quan trực tiếp đến hai triệu người Campuchia bị tàn sát. Kiện Giang Trạch Dân là kiện vụ đàn áp Pháp Luân Công. Như vậy, việc kiện chính trị cần tập trung vào một tội danh với vụ việc cụ thể. Thứ hai, việc khởi kiện quốc tế là vô cùng tốn kém, cần chuẩn bị tốt về nguồn lực tài chính, cụ thể là kêu gọi các mạnh thường quân hoặc quyên góp của đồng bào. Cả hai việc kêu gọi đều rất khó khăn, vất vả.
2. Trường hợp khởi kiện nhà nước Việt Nam liên quan đến vấn đề đất đai ở Dương Nội
Mới đây, trên mạng xã hội facebook, anh Trịnh Bá Phương, con trai nữ tù nhân lương tâm, dân oan Cấn Thị Thêu đã thông báo ngày 16/9 rằng, anh đã tiếp xúc với một luật sư ở Hà Nội hỏi thủ tục, để kiện nhà cầm quyền cộng sản ra Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC-International Criminal Court).
Trụ sở Tòa Án Hình Sự Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan
Anh Phương tiết lộ, một người tin cẩn của anh vào năm 2015 đã liên lạc với văn phòng luật sư quốc tế thuộc Tòa Án Công Lý Quốc Tế (ICJ-International Court of Justoce) của Liên Hiệp Quốc, nhằm kêu gọi họ giúp đỡ dân oan bị cướp đất kiện nhà cầm quyền Việt Nam ra tòa quốc tế. Các luật sư của ICJ cho biết họ cần sự hỗ trợ từ luật sư trong nước, cho nên anh Phương đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các luật sư trong nước. Liên quan tới vấn đề này, báo Tuổi Trẻ hôm thứ Bảy 16/09 cho biết, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC) vừa quyết định mở rộng phạm vi thụ lý sang những vụ kiện liên quan tới tội ác hủy hoại môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên phi pháp và trưng thu trái pháp luật đất đai của người dân. ICC được thành lập theo Quy Chế Rome 1998, có trụ sở chính thức tại The Hague, Hòa Lan, vốn là một tòa án thường trực có trách nhiệm truy tố những cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược.
Vụ việc này ngoài một thông báo ngắn gọn, chúng ta chưa có thêm thông tin để phân tích cũng như bình luận. Nhưng có một yếu tố đặc biệt, đây là những người Việt, đang sống ở trong nước lại có ý định khởi kiện nhà cầm quyền Việt Nam ra tòa án quốc tế. Điều này vừa có sự độc đáo những cũng tạo ra sự lo âu về việc những người khởi kiện có thể gặp phải sự trả thù của nhà cầm quyền. Hoặc nếu không trả thù thì việc xúc tiến, hoạt động khởi kiện cũng bị gặp khó khăn, cản trở. Dưới góc độ đấu tranh và ủng hộ người đấu tranh, chúng ta hi vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người dân Dương Nội nói chung và gia đình anh Trịnh Bá Phương nói riêng...
3. Trường hợp khởi kiện đòi tài sản của công dân Hoa Kỳ gốc Việt do Ủy ban Cứu người vượt biển (BPSOS) khởi xướng
Ngày 31/8/2017, trên trang web của BPSOS đã công bố Chương trình công dân Mỹ gốc Việt đòi tài sản. Đây là một chương trình rất lớn, với phương châm là dùng luật pháp và hệ thống chính trị của Hoa Kỳ để bảo vệ, đòi lại tài sản của công dân Hoa Kỳ bất chấp thái độ, luật pháp và chính sách của chế độ ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của tổ chức này (BPSOS), người Việt Nam ở Hoa Kỳ có ít nhất từ hai chục ngàn đến cả trăm ngàn người có đủ điều kiện để tham gia chương trình đòi tài sản, với ba cách thức thực hiện khác nhau.
a. Đòi lại tài sản bằng việc khởi kiện nhà cầm quyền Việt Nam
Thông thường, một công dân ở quốc gia này không thể kiện một chính quyền của quốc khác. Tuy nhiên, luật Hoa Kỳ có một biệt lệ. Luật Foreign Sovereign Immunity Act (FSIA), ban hành năm 1976, cho phép công dân Hoa Kỳ kiện chính quyền ngoại quốc trong trường hợp bị tước đoạt tài sản không bồi thường, và người đứng đơn kiện không nhất thiết phải có quốc tịch Hoa Kỳ vào thời điểm tài sản bị tước đoạt. Theo nghiên cứu của SPSOS, có khoảng 4.000 hồ sơ có thể thực hiện theo con đường khởi kiện đòi tài sản ở tòa án.
b. Đòi lại tài sản bằng thể thức phán quyết hành chính do quốc hội Hoa Kỳ ấn định.
Thể thức phán quyết hành chính có nguồn gốc như sau. Năm 1949 Quốc hội Hoa Kỳ ban hành Luật Giải quyết các đòi hỏi bồi thường quốc tế (International Claims Settlement Act). Thực thi luật này, năm 1954 Tổng thống Dwight Eisenhower thành lập Ủy hội Giải quyết các đòi hỏi bồi thường ngoại quốc, tức Foreign Claims Settlement Commission (gọi tắt là FCSC), đặt dưới Bộ Tư Pháp. FCSC có trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết các đòi hỏi bồi thường của công dân Hoa Kỳ khi tài sản bị một chính quyền ngoại quốc cưỡng đoạt, với điều kiện người đòi bồi thường đã là công dân Hoa Kỳ vào thời điểm tài sản bị cưỡng đoạt.
FCSC phán quyết theo thủ tục hành chính, và định mức bồi thường theo các công thức nhất định. Chính quyền ngoại quốc không có quyền tham gia, phân trần, vận động, hay khiếu nại. Quyết định của FCSC là chung quyết, không thể kháng cáo kể cả ở tòa án. Quyết định của FCSC sau được chuyển sang Bộ Ngoại giao để điều đình hay áp lực quốc gia đối tượng thực thi việc bồi thường.
Trong trường hợp quốc gia ấy không hợp tác, Tu chính án Hickenlooper, ban hành năm 1964 để bộ sung Luật Viện trợ ngoại quốc, đòi hỏi Tổng thống ngưng các khoản viện trợ và ngăn chặn các định chế tài chính quốc tế cho quốc gia ấy vay vốn. Tổng thống có quyền đặc miễn không áp dụng biện pháp trừng phạt này nếu như chứng minh được cho Quốc hội rằng sự đặc miễn sẽ giúp ích cho việc "đòi nợ" cho công dân.
FCSC chỉ giải quyết các hồ sơ ấy thuộc vào một Chương trình đòi bồi thường (Claims Program) đã được thiết lập. Muốn thiết lập Chương trình đòi bồi thường thì phải có văn thư yêu cầu của Ngoại trưởng hoặc sự chỉ định của Quốc hội bằng hành động lập pháp. Cách nào cũng đòi hỏi một cuộc vận động mạnh mẽ, rộng lớn và kiên trì.
Từ khi được thành lập năm 1954, FCSC đã giải quyết tổng cộng 42 Chương Trình Đòi Bồi Thường bao bồm các quốc gia : Đức, Iran, Nam Tư, Bulgaria, Romania, Hungary, Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan, Ý, Cuba, Trung Hoa, Đông Đức, Ethiopia, Ai Cập, Panama, Albania và Việt Nam. Tổng cộng 660.000 hồ sơ đã được giải quyết.
Theo tính toán và phỏng đoán, có từ 6000 - 10.000 hồ sơ người Mỹ gốc Việt có thể phù hợp với con đường đòi lại tài sản bằng thể thức phán quyết hành chính này.
c. Đòi lại tài sản bằng việc điều đình trực tiếp giữa nạn nhân và chế độ đã cưỡng đoạt tài sản (tức là nhà cầm quyền Việt Nam) với sự theo dõi, hỗ trợ của chính quyền Hoa Kỳ.
Đây là con đường dành cho những hồ sơ không hội đủ tiêu chuẩn cho hai con đường 1 và 2 có thể được giải quyết thông qua điều đình.
Để thực hiện chương trình đòi tài sản, vào tháng 6/2017 vừa qua, BPSOS đã thuê hai hãng luật với nhiều kinh nghiệm tư vấn về hồ sơ và hỗ trợ trong vận động. Đó là hai hãng luật Perseus Strategies và Heideman, Nudelman & Kalik, PC. Hãng Perseus Strategies đã vận động thành công để mở Chương Trình Đòi Bồi Thường Cuba lần 2. Người đứng đầu hãng luật này là Jared Genser, một luật sư nhân quyền nổi tiếng thế giới. Ông cũng là người sáng lập tổ chức Freedom Now, chuyên tranh đấu cho các tù nhân lương tâm. Hãng thứ 2, Heideman, Nudelman & Kalik, PC, đã thành công trong nhiều vụ đòi các chính quyền ngoại quốc bồi thường cho công dân Hoa Kỳ. Chẳng hạn, năm 2015 hãng luật này đã thành công trong việc đòi chính quyền Iran bồi thường tổng cộng 1.9 tỉ Mỹ kim cho 170 thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và gia đình của họ cho các mất mát và thiệt hại gây ra bởi vụ đánh bom ở Beirut, Lebanon năm 1983. Chính quyền Iran đứng sau vụ đánh bom này.
Qua nghiên cứu các bài viết, cũng như đường đi nước bước, cách thức thực hiện và kinh nghiệm, tôi thấy rằng chương trình đòi tài sản của công dân Mỹ gốc việt do BPSOS khởi xướng và vận động, thực thi có rất nhiều khả năng thành công. Đây là một chương trình rất có giá trị và hoàn toàn phù hợp với hướng đi mới của phong trào dân chủ Việt Nam. Có thể nhận thấy, tính khả thi hay khả năng thành công ở các yếu tố sau.
Thứ nhất, BPSOS không chỉ mới gần đây mà từ năm 2013 đã thực hiện việc thu thập, tìm hiểu và nghiên cứu các hồ sơ. Đồng thời BPSOS đã đối chiếu các hồ sơ với luật pháp Hoa kỳ, và đã chỉ ra được các điều luật có liên quan, phù hợp, có thể vận dụng để thực hiện chương trình đòi tài sản cho công dân. Như vậy, yếu tố pháp lý, yếu tố quan trọng nhất đã được bảo đảm.
Thứ hai, Việc khởi kiện cũng như thực hiện đòi lại tài sản là do chính các nạn nhân của chế độ cộng sản, những người không chỉ bị tước đoạt tài sản mà họ và gia đình còn bị đàn áp, đối xử dã man, tàn bạo. Việc đòi tài sản cũng là việc họ lên án, tố cáo chế độ cộng sản Việt Nam đối với quốc tế. Những nạn nhân trực tiếp của chế độ, với quyền lợi sát sườn cùng với khả năng thành công cao lại có thể tố cáo, gây khó khăn cho chế độ cộng sản chính là hi vọng cao nhất cho việc thực hiện thành công chương trình đòi lại tài sản dựa vào sự giúp sức của luật pháp và hệ thống chính trị Hoa Kỳ.
Thứ ba, tổ chức khởi xướng chương trình, Ủy ban cứu người vượt biển là một tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong việc vận dụng luật pháp Hoa Kỳ để giúp đỡ các nạn nhân của chế độ cộng sản. Theo thông tin được đăng tải trên website (doitaisan.org), chúng ta được biết, BPSOS đã giúp đỡ và hỗ trợ cho 250 nạn nhân Việt Nam, nhà cầm quyền phải bồi thường 3,5 triệu đô la mỹ cho họ trong vụ việc ở America Samoa, lãnh thổ tự trị của Hoa Kỳ (khởi kiện và tuyên án 1999 - 2003). Không những vậy, chúng ta được biết, BPSOS đã thuê hai hãng luật rất có uy tín, kinh nghiệm trong chương trình đòi lại tài sản cho công dân Mỹ gốc Việt này.
Thứ tư, nghiên cứu kỹ chương trình đòi lại tài sản, chúng ta có thể thấy rằng, song song với các giải pháp khởi kiện, đòi tài sản qua con đường giải quyết hành chính, thì BPSOS có các cuộc vận động chính trị nhằm hỗ trợ cho chương trình. Đó là các chương trình : vận động cắt viện trợ, chặn chương trình vay vốn quốc tế của Việt Nam ; đẩy lùi nỗ lực của Việt Nam xin đặc quyền mậu dịch ; đánh chặn nỗ lực đi cửa sau của Việt Nam để thu hút mậu dịch và đầu tư ; lôi cuốn sự chú ý của những doanh nhân và nhà đầu tư Hoa Kỳ. Như vậy, ngoài vấn đề pháp lý, vận động hành lang thì BPSOS còn có các hoạt động chính trị để hỗ trợ cho chương trình. Điều này càng làm tăng khả năng thành công của chương trình đòi tài sản mà BPSOS đang thực hiện.
Những cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mở ra. Chương trình đòi lại tài sản thực sự là một hướng đi rất đúng và hay trong giai đoạn hiện nay, khi mà nhà cầm quyền Việt Nam hiện đang bị dồn ép từ mọi phía, mọi phương diện và hầu như không còn khả năng để duy trì độc quyền lãnh đạo được nữa.
Chúng ta hãy ủng hộ và chung tay góp sức cho chương trình, hi vọng những nạn nhân của chế độ, không chỉ ở Hoa Kỳ đòi lại tài sản mà ngay cả ở Việt Nam cũng sẽ đòi được tài sản và quyền làm người của mình.
Hà Nội, ngày 28/9/2017
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn : RFA, 28/09/2017
Trong tiếng Hán, thành ngữ "Tứ Diện Sở Ca" được dùng để hình dung tình huống một người gặp khó khăn to lớn, tình hình xung quanh dường như cho thấy thất bại của người này.
Tứ Diện Sở Ca trong bàn cờ tướng
Năm 202 trước công nguyên, nhà Tần - một vương triều phong kiến thống nhất đầu tiên của Trung Quốc ra đời. Do các đời vua Tần thích việc lớn hám công to, nhất là Tần Thủy Hoàng xây dựng hoàng cung và lăng mộ lộng lẫy cho mình, cung đình chi tiêu lớn, cho nên bóc lột nhân dân hết sức tàn khốc, phong trào khởi nghĩa nông dân không ngừng dấy lên. Rốt cuộc, 15 năm sau, nhà Tần bị lật đổ. Sau khi nhà Tần bị diệt vong, có hai thế lực tranh giành quyền lực thống trị đất nước mới, một thế lực do Hạng Vũ dẫn đầu, một thế lực do Lưu Bang dẫn đầu.
Hạng Vũ là một tướng quân đến từ nước Sở, tính tình cương cường, kiêu căng, dũng cảm thiện chiến. Lưu Bang vốn là một quan chức cấp thấp trước khi nhà Tần bị diệt vong, tính tình hơi gian trá, nhưng rất biết dùng người. Trong cuộc chiến chống nhà Tần, hai người Hạng Vũ và Lưu Bang từng kết nghĩa, ủng hộ nhau. Sau khi nhà Tần bị lật đổ, hai người bất hoà ngay.
Ban đầu Hạng Vũ chiếm ưu thế tuyệt đối. Cuộc chiến đấu then chốt cuối cùng giữa Lưu Bang và Hạng Vũ xẩy ra ở một nơi gọi là Cai Hạ. Trải qua một trận giao chiến kịch liệt, quân sĩ của Lưu Bang đã bao vây Hạng Vũ và quân sĩ của Hạng Vũ. Tuy Hạng Vũ đã ở vào thế yếu, nhưng vẫn có hàng nghìn binh sĩ, Lưu Bang không thể tiêu diệt Hạng Vũ trong thời gian ngắn.
Buổi tối hôm đó, Hạng Vũ và binh sĩ bị bao vây nghe thấy tiếng hát quen thuộc vang dội từ tứ phía. Nghe kỹ, hóa ra là dân ca nước Sở quê Hạng Vũ. Tiếng hát vang dội từ doanh trại của Lưu Bang. Hạng Vũ và binh sĩ hết sức kinh ngạc, nghĩ Lưu Bang đã đánh chiếm quê họ, và bắt nhiều người thân ở quê, hơn nữa tiếng hát quen thuộc này cũng gây nên lòng nhớ nhung quê hương của binh sĩ. Lúc đó, tinh thần binh sĩ của Hạng Vũ bị dao động, nhiều binh sĩ chạy trốn nhân lúc trời tối, hàng nghìn quân chỉ còn lại mấy trăm.
Hóa ra, đây là kế mưu của Lưu Bang. Lưu Bang tổ chức binh sĩ của mình hát dân ca nước Sở buồn rầu, là nhằm mục đích dao động tinh thần binh sĩ của Hạng Vũ. Cuối cùng, Lưu Bang giành được thắng lợi cuộc chiến ở Cai Hạ, Hạng Vũ buộc phải tự tử.
Sau này, người ta lấy tích "Tứ Diện Sở Ca" để chỉ một trạng thái bốn bề thọ địch dành cho những người và những đối tượng đang đi đến điểm cuối cùng của sự tồn tại, hay là sự thất bại được báo trước.
Nhìn vào thực trạng nền kinh tế Việt Nam, quan hệ đối ngoại, những mâu thuẫn nội bộ và sự dồn nén của các thành phần trong xã hội hiện nay, rất nhiều người đều có đồng thuận, nhà cầm quyền Việt Nam, đảng cộng sản và chế độ độc tài toàn trị cộng sản đang trong trạng thái chuẩn bị cho một sự thay đổi, hoặc sụp đổ hoàn toàn. Đó chính là tình huống "Tứ Diện Sở Ca" nêu trên, không còn một giải pháp nào ngoài việc tự thay đổi hoặc sụp đổ.
Đảng Cộng sản Việt Nam đang bối rối giữa duy trì chế độ độc quyền độc đảng hay mở cửa về dân chủ - Ảnh minh họa
Trước hết, chúng ta cần thừa nhận một vấn đề có tính quy luật đã từng diễn ra trong lịch sử. Các quốc gia cộng sản, còn gọi là các nước xã hội chủ nghĩa ra đời và tồn tại một thời gian, sau đó đều tự sụp đổ. Ngoại trừ duy nhất trường hợp của Ba Lan, cũng phải may mắn khi phe xã hội chủ nghĩa suy yếu, cùng sự hỗ trợ đắc lực của phương tây mới đấu tranh dồn ép nhà cầm quyền nhượng bộ và thay đổi. Các quốc gia cộng sản, với mục đích thống trị người dân, đã sử dụng một cơ chế để triệt tiêu tinh thần phản kháng của nhân dân. Để sử dụng được cơ chế hủy diệt tinh thần phản kháng của người dân, các nước cộng sản đã phải huy động những nguồn lực cực lớn tạo ra và duy trì một bộ máy khổng lồ trong khi nền kinh tế kế hoạch (một trong các cơ chế tạo lập sự lệ thuộc của người dân vào chế độ) không hề tạo ra của cải vật chất. Kết quả là, để duy trì và vận hành bộ máy, trong khi nền kinh tế không tạo ra của cải vật chất, các quốc gia cộng sản đều cạn kiệt nguồn lực và tự sụp đổ.
Trong thực tế, đi sâu vào phương thức vận hành của chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay, hai yếu tố dẫn tới sự sụp đổ của các chế độ cộng sản vẫn còn hiện hữu, dù hình ảnh có vẻ tráng lệ hơn. Đó là việc sử dụng nguồn lực cực lớn để duy trì và vận hành bộ máy khổng lồ. Yếu tố thứ hai, sau một thời gian ngắn cởi trói tạo ra sức bật bất ngờ của nền kinh tế, sự nửa vời trong phát triển kinh tế cùng với sự quan liêu, tha hóa của bộ máy hành chính, hệ thống chính trị đã đưa nền kinh tế trở lại với đúng vị thế của nền kinh tế cộng sản, tức là một phương diện để quản lý người dân. Ngoài ra, trong xu thế hội nhập, nền kinh tế còn là nguồn tham nhũng vô tận của quan chức đảng và nhà nước. Kết quả tất yếu của nền kinh tế hiện nay cũng là sự cạn kiệt nguồn lực, không tạo ra được của cải vật chất để duy trì bộ máy khổng lồ của đảng và nhà nước. Những số liệu chứng minh cho sự cạn kiệt nguồn lực của chế độ hiện đang lan tràn trên không gian mạng, tuy chưa nói chính xác được con số thực, số nợ 600 tỷ đô la, gấp ba lần GDP hoàn toàn không có khả năng thanh toán. Hiện nay, mỗi ngày Việt Nam đang phải trả số nợ là 45 triệu đô la, cả nợ gốc và lãi, tương đương 1000 tỷ đồng.
Thực ra, với một quốc gia hơn 90 triệu dân, số nợ 600 tỷ đô la hoàn toàn không phải là con số đáng lo ngại. Với một nền kinh tế lành mạnh, sức sản xuất được giải phóng thì số nợ 600 tỷ đô la đó có thể trả được trong vài ba năm. Nhưng nhìn vào nền kinh tế Việt Nam hiện nay, ai cũng thấy rằng đó là việc làm bất khả thi. Nền kinh tế nào có thể phát triển được khi một con gà phải cõng 14 loại thuế phí ? nền kinh tế nào hoạt động nổi khi giá xe ô tô gấp 3 lần giá thị trường, khi giá xăng dầu gấp đôi giá nhập khẩu ? một xe tải chạy từ bắc vào nam hết 3-4 triệu đồng tiền phí đường, chưa kể tiền mãi lộ cho cảnh sát giao thông. Giá quả Thanh Long mua tại vườn của người dân chỉ là 2000 đồng/kg trong khi người sử dụng phải trả là 30.000 đồng/kg, gấp 15 lần ? ! ? Ai còn có thể kinh doanh, làm ăn nổi trong nền kinh tế này, và nền kinh tế này tạo ra của cải vật chất bằng cách nào ?
Như vậy, sự cạn kiệt nguồn lực trong khi vẫn phải duy trì một bộ máy khổng lồ bám vào ngân sách (ước tính 30-35 triệu người bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước) chính là gốc rễ cho sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ cộng sản Việt Nam. Những diễn biến gần đây cho thấy dấu hiệu của một sự tan rã, sụp đổ đến rất gần của chế độ toàn trị. Chúng ta cùng xem xét trên các phương diện.
I. Giới hạn cuối cùng trong các quan hệ đối ngoại
1. Mặt thật của chế độ đã được phơi bày trên trường quốc tế.
Trong những năm đầu đổi mới, thiết lập các mối bang giao với các quốc gia dân chủ trên thế giới, Việt Nam nổi lên như một quốc gia muốn thay đổi và hội nhập với thế giới. Các quốc gia phương tây đã nồng nhiệt và hồ hởi đón nhận Việt Nam. Không phải họ không biết, cũng như không được cảnh báo về những thủ đoạn của Việt Nam.
Tuy nhiên, có hai lý do mà các quốc gia phương tây vẫn chào đón và giúp đỡ nhiệt tình cho Việt Nam. Thứ nhất, là các quốc gia nhân bản, họ hi vọng khi Việt Nam hội nhập sẽ tiếp thu được những cái hay, cái đẹp và nhân bản của các quốc gia dân chủ, từ đó có thể tự sửa đổi để học hỏi và hòa nhập vào trào lưu tiến bộ của nhân loại. Thứ hai, là một thực thể kinh tế, họ cũng muốn thiết lập để quan hệ làm ăn với Việt Nam. Nhưng cả hai lý do này, cuối cùng các quốc gia quan hệ với Việt Nam đã hoàn toàn vỡ mộng.
Đối với mong muốn thứ nhất, các quốc gia tiến bộ đã bỏ qua và nhân nhượng rất nhiều với Việt Nam. Bởi vì Việt Nam đã ký kết các công ước quốc tế về quyền con người, đã nhận các khoản viện trợ để triển khai các kế hoạch bảo đảm và bảo vệ quyền con người. Nhưng họ đã không ngờ được, tiền thì mất mà sự đàn áp người dân Việt Nam ngày càng gia tăng. Đã có rất nhiều sự góp ý, sự kiên nhẫn của các quốc gia đối với Việt Nam nhưng tất cả đều đổ sông, đổ biển. Việt Nam ngày càng thể hiện là một quốc gia độc tài toàn trị và không hề có ý định cũng như khả năng để thay đổi.
Các báo cáo nhân quyền của các quốc gia dân chủ gần đây nhất đã và đang chỉ đích danh Việt Nam là những điển hình về đàn áp nhân quyền trên thế giới. Gần đây có hai vụ việc nghiêm trọng càng thể hiện bộ mặt lưu manh, côn đồ của nhà cầm quyền Việt Nam. Vụ tước đoạt tài sản của doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình (người Việt ở Hà Lan). Ông này đang kiện chính phủ Việt Nam, khả năng thắng kiện rất cao, và Việt Nam có thể mất 1-1,25 tỷ đô la bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình. Vụ thứ hai là vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một quan chức nghi tham nhũng đang lẩn trốn ở Đức để xin quy chế tỵ nạn. Việc bắt cóc người ngay giữa nước Đức đang gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Đức, cũng như Châu Âu. Những hi vọng về việc Việt Nam có thể tự thay đổi để đi theo trào lưu tiên bộ của nhân loại đã cạn kiệt trong con mắt của các quốc gia dân chủ, tiến bộ.
Về vấn đề làm ăn kinh tế với Việt Nam, sự thực các quốc gia cũng đã vỡ mộng. Chỉ có một số rất ít các công ty, hoặc các quốc gia có các công ty làm ăn được ở Việt Nam. Lý do là, các công ty lớn làm ăn bài bản, thường có sự đầu tư dài hạn, số vốn lớn với hoạt động lâu năm mới thu hồi vốn và làm ăn có lãi. Khi vào Việt Nam, họ phải chi rất nhiều những khoản hối lộ, đút lót để được đầu tư. Quá trình hoạt động, họ gặp phải môi trường vô pháp luật, bát nháo và rất thiếu chuyên nghiệp. Không những vậy, càng đầu tư lâu dài, người ta nhận thấy người dân càng có xu hướng nghèo đi, ngoại trừ một tỷ lệ nhỏ dân số là quan chức và giới kinh doanh bất chính là có tiền. Thị trường teo tóp hoàn toàn đi ngược lại những kỳ vọng và tính toán ban đầu của họ. Chính vì vậy, xu hướng gần đây, các ngân hàng nước ngoài đã rút hết khỏi Việt Nam, làm tiêu tan cả lý do kết nối thị trường Việt Nam với thế giới.
2. Giới hạn cuối cùng trong lựa chọn đồng minh.
Đối với sức ép về vấn đề nhân quyền, thậm chí quan hệ kinh tế, nhà cầm quyền Việt Nam có nhiều kinh nghiệm để đối phó. Mặc dù đang ở thế khó khăn trong các mối quan hệ, nhưng họ không quá lo lắng vấn đề này. Tuy nhiên, quan hệ quốc tế trong mấy năm gần đây đang hình thành những cục diện chính trị mới, rất phức tạp. Nước Mỹ sau một thời gian dài thể hiện sự nhún nhường quá mức trong quan hệ quốc tế, nay đã và đang lấy lại sức mạnh và vị thế siêu cường bằng một tổng thống mới được bầu của đảng Cộng Hòa, tổng thống Donald Trump. Việc tìm lại vị thế siêu cường duy nhất của Mỹ chắc chắn sẽ đụng chạm tới quyền lợi của Trung Quốc, một quốc gia tranh thủ sự mềm yếu của Mỹ giai đoạn trước để bành trướng khắp thế giới. Sự bành trướng của Trung Quốc đã có những dấu hiệu vi phạm luật pháp quốc tế, cụ thể là đường lưỡi bò trên biển Thái Bình Dương. Không những vậy, Trung Quốc còn là đồng minh thân cận của Bắc Triều Tiên, một quốc gia đang sở hữu trái phép vũ khí hạt nhân nhưng lại luôn thách thức thế giới. Kết hợp các yếu tố lại, đang có một xu thế hình thành các liên minh trong việc khẳng định sức mạnh và vị thế giữa Trung Quốc và Mỹ. Việt Nam một lần nữa lại bị kẹt giữa hai sức mạnh nhiều khả năng đối đầu trên thế giới.
Truyền thống của Việt Nam là khả năng đu dây giữa các thế lực, để tận dụng và lợi dụng các thế lực cho các mục đích của mình. Tuy nhiên, nếu các thế lực chưa có sự đối kháng về lợi ích, chưa hình thành liên minh để chuẩn bị đối đầu nhau thì thủ thuật đu dây còn phát huy tác dụng. Nhưng hiện nay, xu thế hình thành liên minh đang hiện hữu, Việt Nam dù không muốn cũng bắt buộc phải lựa chọn để đứng vào một bên. Đây chính là bài toán đau đầu, hóc búa nhất đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong quan hệ quốc tế.
Việc lựa chọn đồng minh lần này còn phức tạp ở chỗ, với số nợ khổng lồ và nền kinh tế hoàn toàn suy kiệt, cần kết hợp lựa chọn đồng minh cùng con đường thoát ra khỏi khủng hoảng và phát triển đất nước. Mọi suy nghĩ và logic thông thường đều hướng tới một quan hệ đồng minh với Mỹ và các quốc gia dân chủ. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề phức tạp hơn rất nhiều vì nội bộ nhà cầm quyền Việt Nam đang có mâu thuẫn và tranh chấp quyết liệt, gay gắt giữa hai xu thế thân và không thân Trung Quốc. Nhưng thời gian không còn nhiều cho sự lựa chọn. Việc kéo dài thời gian lựa chọn cũng như tiếp tục đu dây có thể là một trong những lý do khiến cho nhà cầm quyền Việt Nam có thể phải trả giá rất đắt, bằng chính sự tồn vong của chế độ này.
II. Sự phản kháng của người dân đã trở thành phong trào
Trong mấy năm trở lại đây, chúng ta thấy cỏ rất nhiều điểm nóng người dân phản kháng lại nhà cầm quyền ở các mức độ và cách thức khác nhau.
Vụ việc lớn, bao trùm nhất, dẫn tới sự phản kháng sâu rộng của cả nước chính là vụ công ty Formosa xả thải làm biển chết bốn tỉnh miền trung Việt Nam. Do mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng khủng khiếp của sự ô nhiễm môi trường đã thức tỉnh toàn dân quan tâm phản kháng. Vụ việc này chưa kết thúc và cũng chưa biết bao giờ sẽ kết thúc nhưng người dân đều đã nhận thức được bản chất của nhà cầm quyền, bất chấp nguyện vọng của người dân, bất chấp môi trường sống để quyết định duy trì sự hoạt động của công ty Formosa.
Ngoài vụ Formosa ra, chúng ta thấy hàng ngày hàng giờ, sự phản kháng của người dân ở khắp nơi, ở tất cả các lĩnh vực. Đó là người dân các chung cư phản đối giá thu phí hoặc yêu cầu thực hiện đúng các dịch vụ mà chung cư đã cam kết. Những người gửi tiền các ngân hàng giăng biểu ngữ đòi tiền ngân hàng... và những vụ việc lớn như vụ việc bà con xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức đấu tranh giữ đất đai bằng cách bắt giữ cảnh sát và cán bộ tới đàn áp nhân dân. Gần đây nhất, những tài xế đã phản đối việc đặt trạm thu phí và mức phí cao ở thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bằng cách trả tiền phí bằng tiền lẻ, tạo ra sự ách tắc toàn tuyến đường trên quốc lộ. Vụ việc này đã tạo ra sự chú ý của xã hội và bước đầu cuộc đấu tranh của những tài xế đã có kết quả. Trạm thu phí đã phải giảm giá thu phí và các trạm thu phí BOT trên cả nước cũng được rà soát và tính toán lại mức thu phí. Tất cả những sự phản kháng của người dân đã trở thành phong trào và ngày càng lan rộng bởi những lý do sau đây.
- Tất cả sự phản kháng đều do sự bức bách tự thân của những người bị xâm hại quyền lợi. Đó là việc người dân bị thiệt hại trực tiếp đến các quyền lợi của bản thân, họ lên tiếng cho những vấn đề cơm áo gạo tiền của chính mình và người thân của họ. Việc phản kháng như vậy có thể được thúc đẩy bởi hai yếu tố. Một là, nếu không phản kháng, nếu không đấu tranh họ cũng không thể tiếp tục sống được nữa ; hai là, người dân nhận thức được các quyền lợi của mình là chính đáng, có cơ sở để đạt kết quả khi tham gia đấu tranh.
- Với sự mở rộng của hệ thống Internet và mạng xã hội, người dân tham khảo được thông tin và kinh nghiệm từ những người, những cuộc đấu tranh khác. Đồng thời họ được sự ủng hộ, cổ vũ và động viên của cộng đồng mạng xã hội facebook mà phong trào dân chủ đang dẫn dắt, định hướng bằng sự thật và lương tâm. Việc trả phí bằng tiền lẻ xuất hiện ban đầu không phải ở Cai lậy mà là ở cầu Bến Thủy, Nghệ An và Hà Tĩnh trước đây.
- Việc đấu tranh của người dân, với sự giúp sức của cộng đồng mạng xã hội ít nhiều đã đạt kết quả nên ngày càng khuyến khích người dân mạnh dạn lên tiếng đòi quyền lợi của mình. Một trong các lý do các cuộc đấu tranh của người dân có kết quả là mâu thuẫn trong nội bộ của nhà cầm quyền, các nhóm lợi ích tranh dành và dựa vào các sai phạm để triệt hạ lẫn nhau.
Trong những trường hợp người dân đấu tranh không đạt kết quả, tức là nhà cầm quyền bất chấp lợi ích của người dân, thì sự dồn nén của người dân càng tích tụ và không ai biết được khi có sự cố xảy ra, thì sự bùng phát của người dân sẽ dẫn tới những hậu quả gì.
III. Mâu thuẫn nội bộ giới cầm quyền đã lên tới đỉnh điểm
Có thể nói, việc tồn tại các phe nhóm trong nội bộ đảng cộng sản đã có từ lâu, nhưng mâu thuẫn chưa bao giờ lên tới mức đỉnh điểm như hiện nay.
Có hai biểu hiện của mâu thuẫn nội bộ đã lên tới tới đỉnh điểm. Thứ nhất, có hai nhân vật có khả năng thay thế tổng bí thư đảng cộng sản giữa hoặc hết nhiệm kỳ thì một người bị bệnh đã thay thế, một người không xuất hiện từ cuối tháng 7 tới nay. Điều này chứng tỏ việc tranh giành quyền lực đã bước vào giai đoạn quyết liệt, một mất một còn. Thứ hai, việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức về quy án, bề ngoài là chống tham nhũng, bên trong là sử dụng để triệt hạ lẫn nhau đã làm xấu hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời làm ảnh hưởng trực tiếp tới bang giao giữa Việt Nam và Đức, cũng như Châu Âu. Khả năng Việt Nam bị cắt viện trợ từ Đức và hủy bỏ hiệp định thương mại Việt Nam - Châu Âu là hoàn toàn có thể xảy ra. Như vậy, để triệt hạ lẫn nhau, các phe cánh trong nội bộ đảng cộng sản đã trực tiếp gây hại tới lợi ích của quốc gia, điều này cũng chứng tỏ mâu thuẫn đã lên tới đỉnh điểm.
Trong bối cảnh nền kinh tế suy kiệt, sức ép về đối ngoại gia tăng, sự dồn nén của người dân đã tới mức báo động, việc đoàn kết nội bộ để vượt qua khủng hoảng là điều rất cần thiết thì trong nội bộ đảng cầm quyền lại xảy ra mâu thuẫn trầm trọng, không thể làm việc chung. Đây chính là một yếu tố chứng tỏ sự cáo chung của chế độ sắp tới trong một tương lai gần.
Mâu thuẫn nội bộ trầm trọng cũng chứng tỏ đảng cộng sản Việt Nam không có khả năng tự thay đổi để tránh một sự sụp đổ có thể xảy ra. Với những yếu kém và khủng hoảng mọi mặt hiện nay, nếu người nào có cái nhìn toàn cảnh và toàn diện, sẽ nhận thấy vấn đề sụp đổ của chế độ chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, khi trong đảng có mâu thuẫn trầm trọng, không một ai dám đưa vấn đề để thảo luận trong đảng nhằm có những giải pháp để vượt qua khủng hoảng sống còn này. Lý do là phần lớn không nhận ra được nguy cơ, nhưng quan trọng hơn, đối phương sẽ sử dụng việc quy chụp để triệt hạ ngay lập tức những người đưa vấn đề ra thảo luận.
Lịch sử giai đoạn cuối cùng của các triều đại ở Việt Nam, ở Trung Quốc cũng như bất kể quốc gia nào, mâu thuẫn nội bộ chính là yếu tố thúc đẩy nhanh sự sụp đổ của vương triều, chế độ đó.
IV. Dòng chảy của sự thật và lương tâm
Trong các yếu tố góp phần thúc đẩy quá trình tự sụp đổ của chế độ cộng sản, nếu không nói tới hệ thống Internet và mạng xã hội facebook là một thiếu sót nghiêm trọng. Có thể nói rằng, dòng chảy bất tận của sự thật và lương tâm này chính là khắc tinh của chế độ cộng sản Việt Nam. Chỉ xét về khải niệm bản chất của hai thực thể, chế độ cộng sản và mạng xã hội facebook, chúng ta cũng thấy ngay tính chất khắc chế trong nội hàm các khái niệm. Một bên cộng sản là : dối trá và bạo lực, bên còn lại (facebook) là sự thật và lương tâm. Tại sao nói mạng xã hội facebook là dòng chảy của sự thật và lương tâm ?
Chúng ta đều biết rằng, trong chế độ cộng sản, con người bị tha hóa và dù không tha hóa cũng không có môi trường, diễn đàn để thể hiện bản thân. Chính vì vậy, mạng xã hội facebook chính là môi trường, là diễn đàn để thể hiện bản thân mình. Nhu cầu tự thể hiện bản thân chính là nhu cầu quan trọng nhất của một cá nhân. Khi tự thể hiện bản thân thì bất cứ ai cũng mong muốn mình trở thành người được chú ý, nhận được sự quan tâm và trân trọng. Bởi vì facebook là diễn đàn của hàng chục triệu người hoàn toàn độc lập, không chịu sự phụ thuộc và định hướng của bất cứ trung tâm nào hay bất cứ ai. Chính vì vậy, phải có thông tin về sự thật, người đưa tin về sự thật mới thực sự thu hút và chính phục được người khác. Mặt khác, facebook là diễn đàn mở, tức là những người kết bạn với nhau nhưng nhiều khi không hề biết về nhau, vì vậy, facebook có tính chất bình đẳng giữa các thành viên tham gia. Khi đã bình đẳng thì việc phản biện rất sôi động và khắc nghiệt. Tất cả những thông tin không đúng sự thật trước sau gì cũng bị vạch trần. Như vậy, những thông tin về sự thật, người đưa tin về sự thật sẽ được tôn trọng và chính những thông tin về sự thật được lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp trên không gian mạng. Những thông tin sai sự thật, người đưa tin sai sự thật sẽ bị loại bỏ và không được chú ý, không lan tỏa được. Đó chính là dòng chảy của sự thật.
Vấn đề lương tâm cũng có xu hướng tương tự. Những người lên tiếng đấu tranh chống áp bức, bất công, giúp đỡ người hoạn nạn, người thấp cổ bé họng bị chà đạp, bị đàn áp luôn nhận được sự tôn trọng của bất kể ai và của cộng đồng mạng nói chung. Những điều sai trái, bậy bạ, những vấn đề bạo lực đều bị lên án và phê phán, phỉ nhổ trên không gian mạng. Ngược lại, những việc tốt, giúp đỡ người khác, hoàn cảnh khó khăn đều được chia sẻ, động viên và trân trọng. Một trong các lý do mà mạng xã hội facebook trở thành dòng chảy của sự thật và lương tâm, đó là không có một trung tâm nào, một cá nhân nào có thể định hướng, dẫn dắt hoặc khuynh loát được dư luận và thông tin. Tất cả đều được hình thành tự nhiên và hoàn toàn độc lập, khách quan. Chỉ còn sự thật và lương tâm được tôn vinh và trở thành dòng chảy chính cho diễn đàn chung vô cùng tuyệt vời này.
Trên tinh thần của sự thật, mạng xã hội đã nâng cao nhận thức của rất nhiều người dân về tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Nhận thức đầu tiên đó là vấn đề quyền con người. Không chi là các văn bản pháp luật, các kiến thức về quyền con người, mà mạng xã hội facebook còn chia sẻ những thực tế của người dân khi thực thi, đối đáp và đòi hỏi các quyền con người của mình trong cuộc sống. Mạng xã hội cũng góp phần xóa tan lập luận nhà nước, chế độ giúp, lo cho người dân mọi vấn đề của cuộc sống, bằng việc chỉ ra cho người dân thấy được những đồng tiền thuế của người dân đóng góp mới là những phúc lợi người dân đương nhiên được hưởng. Không chỉ vậy, facebook còn chỉ cho người dân biết, mức thuế, phí người dân đóng góp hiện nay đã vượt qua tất cả những gì mà một nhà nước tàn bạo nhất hiện nay và trong lịch sử có thể áp đặt cho người dân.
Dòng chảy của sự thật đã phản biện và phơi bày tất cả những chủ trương đường lối, chính sách cũng như hành xử của nhà cầm quyền trên mọi phương diện. Để dễ hình dung, về mặt truyền thông, dòng chảy của sự thật như ánh sáng ban ngày rọi chiếu mọi ngõ ngách đêm đen che dấu và bưng bít sự thật của chế độ độc tài toàn trị. Tất cả những tính toán và so sánh chỉ ra sưu cao, thuế nặng của người dân cho tới những khoản vay, khoản nợ khổng lồ không có khả năng thanh toán đang hàng ngày hàng giờ đến với người dân làm lung lay tận gốc những niềm tin còn sót lại. Dòng chảy sự thật và lương tâm cũng làm xói mòn "bản chất cộng sản" trong hệ thống công chức, thậm chí quan chức hiện hành. Đây chính là mối lo lớn nhất của đảng cộng sản Việt nam, mối lo về tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ đảng. Ai có thể làm mãi những điều sai trái, những điều phản dân hại nước khi hàng ngày hàng giờ họ tiếp xúc với sự thật và nước mắt của người dân ?
Nếu như chúng ta có niềm tin vào vấn đề thời vận, của con người hay một chế độ thì hiện nay có thể nói rằng, vận của chế độ cộng sản Việt Nam đã tận kiệt. Khi vận đã hết, tất cả các vấn đề trong lòng chế độ chưa và không được giải quyết đúng đắn, triệt để sẽ lần lượt và cùng lúc xuất hiện. Và đó là những vấn đề không thể che đậy hay giải quyết qua loa như trước đây được nữa. Không những vậy, bối cảnh quốc tế hoặc những yếu tố khách quan cũng đưa tới những lựa chọn sống còn đối với một chế độ hoàn toàn không còn khả năng duy trì sự tồn tại bởi sự cạn kiệt nguồn lực. Tương lai đang giang tay chào đón toàn thể người dân Việt Nam.
Hà Nội, ngày 27/8/2017
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn : RFA, 27/08/2017 (nguyenvubinh's blog)
Trong những năm qua, khi đi vào nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề Dân chủ, xây dựng thể chế dân chủ, trong đầu tôi luôn có một câu hỏi : có một thể chế dân chủ nào có thể áp dụng cho mọi quốc gia (trong trạng thái bình thường, tức là không có chiến tranh), đều đem đến kết quả tốt đẹp không ? Làm thế nào để có được một thể chế dân chủ, để xây dựng được một thể chế dân chủ như vậy ?
Thể chế Dân chủ - cấu trúc tự hoàn thiện bao gồm hệ thống các cơ chế tự điều chỉnh ở tất cả các lĩnh vực
Những nỗ lực nghiên cứu đã được đền đáp, tôi tin là tôi đã tìm ra được một thể chế dân chủ có thể áp dụng cho mọi quốc gia đạt tới đích cuối cùng : tự do của người dân. Không những vậy, thể chế dân chủ này sẽ chỉ đường và đưa các quốc gia hòa hợp vào một thể chế lớn hơn, thể chế dân chủ toàn cầu, mà chúng ta thường được nghe dưới cái tên Toàn cầu hóa.
Sẽ có một câu hỏi đặt ra ngay lập tức, vậy thể chế dân chủ này so sánh với thể chế dân chủ Hoa Kỳ có điều gì giống và khác nhau ? Xin trả lời, giống ở những nguyên lý cơ bản, nhưng khác ở cách thức xây dựng một hệ thống đồng bộ ngay từ ban đầu. Thể chế dân chủ Hoa Kỳ, thể chế dân chủ ưu việt nhất hiện nay, là một quá trình tìm tòi, sáng tạo trong xây dựng quốc gia Hoa Kỳ, cũng là quá trình xây dựng thể chế dân chủ Hoa Kỳ. Đó là quá trình thử và sai vô cùng vất vả của người dân Hoa Kỳ trong suốt mấy trăm năm. Đến nay, về cơ bản, đó là thể chế khá hoàn thiện, tuy nhiên, chưa phải là hoàn hảo.
Thể chế dân chủ mà tôi sắp trình bày, dựa trên việc rút ra được những nguyên lý cơ bản nhất của thế chế dân chủ Hoa Kỳ, nhưng việc áp dụng là hoàn toàn chủ động và đồng bộ trong hệ thống các mối liên hệ hữu cơ ở tất cả các lĩnh vực. Về cơ bản, những nguyên lý đã được trình bày trong cuốn sách Dân Chủ của tôi. Tuy nhiên, bài viết này, sẽ giải thích và trình bày các nguyên lý đó, dưới một khía cạnh khác về thể chế dân chủ. Đó là một cấu trúc tự hoàn thiện bao gồm hệ thống các cơ chế tự điều chỉnh ở tất cả các lĩnh vực.
I. Thể chế Dân chủ - cấu trúc tự hoàn thiện bao gồm hệ thống các cơ chế tự điều chỉnh ở tất cả các lĩnh vực
1. Một số vấn đề lý luận
Trước khi đi sâu tìm hiểu thể chế dân chủ, chúng ta cần tìm hiểu lý thuyết và lý luận về cấu trúc tự hoàn thiện, và cơ chế tự điều chỉnh. Một thể chế dân chủ có thể áp dụng cho tất cả các quốc gia thì bản thân nó phải có sự tự hoàn thiện bên trong cấu trúc của nó. Chính vì vậy, chúng ta cần phải hiểu được, thế nào là một cấu trúc tự hoàn thiện.
Cấu trúc tự hoàn thiện là một hệ thống các yếu tố tương tác lẫn nhau luôn luôn dẫn tới sự phát triển cả về phẩm và lượng của hệ thống hay cấu trúc đó.
Cấu trúc tự hoàn thiện nào cũng bao hàm bên trong các yếu tố sau :
- Động lực nội tại của cấu trúc (hệ thống)
- Cơ chế thực thi, phát huy, phát triển động lực đó
- Tính đồng bộ của hệ thống
Khi chúng ta nói tới cấu trúc tự hoàn thiện, là nói tới cấu trúc xã hội trong đó con người tương tác lẫn nhau. Vậy các yếu tố của cấu trúc tự hoàn thiện sẽ được hiểu như thế nào về mặt xã hội ?
- Động lực nội tại của cấu trúc, đó chính là nhu cầu chung nhất, quan trọng nhất của con người, chúng ta cần tìm ra nhu cầu này.
- Cơ chế thực thi, phát huy, phát triển động lực chính là cơ chế, cách thức để con người thực hiện nhu cầu chung, quan trọng nhất đó.
- Tính đồng bộ của hệ thống xuất phát từ nhu cầu đa dạng của con người, cũng như yêu cầu vận hành của hệ thống.
Bởi vì nhu cầu (chung) của con người là tự nhiên, nên điều quan trọng nhất là cơ chế thực thi, thực hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu đó. Cơ chế này chính là hạt nhân trong cả một hệ thống các yếu tố tương tác lẫn nhau của hệ thống.
Khi chúng ta tìm ra được nhu cầu chung, quan trọng nhất, động lực cho toàn hệ thống, và chúng ta tìm ra, xây dựng được cơ chế thực thi hiện thực hóa nhu cầu này, cùng với các yếu tố tương tác đồng bộ thì hệ thống, cấu trúc đó sẽ tự vận hành đưa lại những điều tốt đẹp nhất, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của cá nhân hoặc tập thể nào. Đó gọi là cấu trúc tự hoàn thiện.
Cơ chế tự điều chỉnh : Có hai khía cạnh để nói về cơ chế tự điều chỉnh, một là sự sắp đặt các thành tố theo một lo-gic tương tác thúc đẩy và kiểm soát lẫn nhau giúp cho các thành tố đều phát triển không bị thiên lệch và mất kiểm soát. Ví dụ rõ nhất là cơ chế Tam quyền phân lập. Hai là, cơ chế tự điều chỉnh là sự vận hành của hệ thống các quy định về kết quả và hậu quả mà chủ thể có thể lựa chọn đem lại lợi ích cho bản thân và công việc. Đây là hệ thống các quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ về sự thưởng phạt, những lợi ích, hậu quả ở tất cả các khía cạnh, lĩnh vực của đời sống con người. Mỗi một cá nhân, trong toàn bộ tương tác với xã hội, từ công việc đến sinh hoạt xã hội đều cần tự điều chỉnh hành vi phù hợp với các quy định trong từng khía cạnh, lĩnh vực của đời sống. Cơ chế tự điều chỉnh sẽ giúp nâng cao hiệu lực và hiệu quả của cấu trúc tự hoàn thiện, đồng thời ngăn chặn ngay từ đầu những khiếm khuyết và lệch lạc có thể dẫn tới sự phá hủy cấu trúc tự hoàn thiện của thể chế dân chủ.
Như vậy, cấu trúc tự hoàn thiện là hệ thống các yếu tố, trong đó có yếu tố hạt nhân, tương tác dẫn tới sự phát triển của hệ thống. Cơ chế tự điều chỉnh giúp nâng cao hiệu lực và hiệu quả của cấu trúc tự hoàn thiện...
2. Diễn giải thể chế Dân chủ dưới góc độ cấu trúc tự hoàn thiện
a. Như phần trên có đề cập, điều quan trọng đầu tiên của cấu trúc tự hoàn thiện là tìm ra được động lực bên trong cấu trúc. Thể chế dân chủ có bộ khung cấu trúc là toàn thể xã hội con người trong một quốc gia. Tìm động lực của xã hội chính là tìm hiểu nhu cầu cơ bản, quan trọng nhất của con người sống trong xã hội. Tìm đúng nhu cầu nội tại, cơ bản, quan trọng nhất của con người là bước quan trọng đi tới cơ chế quan trọng nhất, là hạt nhân của cấu trúc tự hoàn thiện, của thế chế dân chủ. Đó là cơ chế bảo đảm phát huy, phát triển động lực, nhu cầu cơ bản đó.
Từ trước tới nay, đã có nhiều sách báo, tài liệu nói về nhu cầu quan trọng nhất của con người nói chung, nhưng có khá nhiều sự lầm lẫn. Ví dụ, có người nhận định, nhu cầu quan trọng nhất của con người là mong muốn được mọi người cho mình là quan trọng. Điều này nghe qua thì có vẻ hợp lý, tuy nhiên nó không phải là tất cả. Có rất nhiều người không đi tìm kiếm sự đánh giá của người khác về bản thân mình, họ đi tìm sự đặc biệt, sự khác biệt của bản thân với mọi người. Cũng như vậy, việc nỗ lực tạo ra nhiều tiền, để thỏa mãn nhiều nhu cầu khác nhau của con người là một nhu cầu quan trọng mà nhiều người theo đuổi, tuy nhiên, vẫn có những người không theo đuổi việc kiếm tiền trong xã hội. Vậy thì điều gì là chung nhất, bao hàm tất cả các nhu cầu khác biệt (mà quan trọng đối với mỗi cá nhân) đối với con người nói chung ? Đó là nhu cầu tự thể hiện bản thân của con người. Anh này muốn tự thể hiện bản thân bằng việc kiếm được nhiều tiền, chị kia muốn tự thể hiện bản thân bằng việc có nhiều quyền lực. Người khác muốn tự thể hiện bản thân thông qua sự khác biệt trọng hội họa, v.v. Nhu cầu tự thể hiện bản thân là nhu cầu tối quan trọng, chung nhất và không thể thiếu ở mỗi một con người. Như vậy, bất kỳ một xã hội nào cũng hàm chứa một động lực nội tại cho sự phát triển và tự hoàn thiện như nhau, bởi nhu cầu quan trọng nhất của con người là giống nhau ở tất cả các chủng tộc, sắc tộc và các quốc gia.
b. Vậy điều gì có thể giúp cho con người thỏa mãn, thực hiện được nhu cầu tối quan trọng đó ? Đó chính là sự Tự do ! Tự do là yếu tố quan trọng nhất để con người nói chung và mỗi cá nhân nói riêng có thể thõa mãn nhu cầu tự thể hiện bản thân. Chúng ta cần xây dựng được cơ chế bảo đảm tự do của con người, thì xã hội sẽ phát triển và tự hoàn thiện.
Tiếp đến, yếu tố nào là quan trọng nhất bảo đảm tự do của con người trong xã hội ? Chúng ta đều biết rằng, một xã hội dân chủ phải bao hàm nhiều yếu tố, định chế quan trọng như : tam quyền phân lập, cơ chế tản quyền (nhà nước liên bang), đa nguyên đa đảng, các quyền cơ bản của con người, các quyền dân sự, quyền công dân,…vv. Nhưng khi có tất cả các yếu tố này thì yếu tố nào là quan trọng nhất, là hạt nhân cần tập trung và nhấn mạnh. Đó là yếu tố đã từng nêu ở các cuốn sách và bài viết trước đây : khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân là hạt nhân quan trọng nhất của cơ chế dân chủ, của thể chế dân chủ.
Như vậy, cơ chế để bảo đảm khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân là cơ chế hạt nhân, quan trọng nhất trong cấu trúc tự hoàn thiện của thể chế dân chủ
c. Để bảo đảm, thực thi được cơ chế hạt nhân này, cần có một loạt các điều kiện và yếu tố được thực hiện. Đây chính là yêu cầu về tính đồng bộ của hệ thống, cấu trúc tự hoàn thiện. Có nhiều định chế liên quan tới việc bảo đảm các quyền con người về mặt luật pháp và cơ chế thực hiện. Nhưng quan trọng nhất trong cơ chế hạt nhân (khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân) là TÒA ÁN NHÂN QUYỀN để mỗi một cá nhân có thể tự bảo vệ các quyền con người của mình. Tòa án Nhân quyền chính là định chế quan trọng nhất để thực hiện khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân.
Tòa án Nhân quyền là nơi các cá nhân có thể tự bảo vệ các quyền con người của mình, nhưng trong trường hợp cá nhân là người nghèo, không có tiền để thuê luật sư và tham gia tố tụng thì sao ? Đây chính là nơi thể hiện tính đồng bộ và ưu việt của thế chế dân chủ lấy con người làm trung tâm, tất cả tập trung cho tự do của con người. Đó là, tất cả các công dân đều được miễn phí khi tham gia tự bảo vệ các quyền con người của mình tại các Tòa án Nhân quyền ở tất cả các cấp. Hệ thống chính quyền các cấp sẽ phải có nguồn kinh phí cho việc này. Nếu chúng ta chỉ nêu ra những cơ chế, định chế tốt đẹp bảo vệ quyền con người mà không đi tới cùng các yêu cầu, điều kiện để bảo đảm cơ chế đó vận hành đúng và đem lại lợi ích cao nhất cho người dân thì chúng ta không bao giờ có được sự tự do thực sự của người dân và một nền dân chủ hiệu quả.
II. Phương thức xây dựng thể chế dân chủ của quốc gia
Có một điều cần lưu ý, phương thức xây dựng thể chế dân chủ của quốc gia được nêu ra ở đây không phải là sự khác biệt hoặc mới mẻ hoàn toàn. Thực tế, đó cũng chính là việc xây dựng các định chế cần thiết của bất kỳ nên dân chủ nào trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, có sự nhấn mạnh, tập trung đặc biệt vào một số định chế, đồng thời cũng có sự bổ sung, hoàn thiện ở nhiều khía cạnh.
Trước hết, chúng ta cần khẳng định, việc xây dựng thể chế dân chủ của quốc gia bao hàm việc xây dựng các định chế cần thiết sau : Hiến pháp Dân chủ, hay còn gọi là đạo luật cơ bản của quốc gia ; cơ chế tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp) ; hình thành, thành lập các đảng chính trị (đa nguyên, đa đảng) ; cơ chế tản quyền, chế độ liên bang ; các quyền tự do cơ bản của con người ; các quyền tự do dân sự chính trị, hay quyền công dân,…vv…Trong quá trình xây dựng toàn bộ các định chế đó, cần chú trọng hoàn thiện và xây dựng thêm một số định chế và nội dung quan trọng.
1. Tập trung xây dựng thể chế dân chủ cơ sở, là đơn vị hành chính mà người dân trực tiếp tham gia
Đây là điều khác biệt với phần lớn cách thức xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới. Trọng tâm của thể chế dân chủ cần phải đặt ở đơn vị cơ sở, là nơi người dân có thể tham gia trực tiếp nên việc xây dựng các điều luật bảo đảm các quyền con người trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể của họ (để hiểu rõ hơn phần này, xin đọc cuốn sách Dân Chủ, chương IV, hiện thực hóa dân chủ). Một khuynh hướng quan trọng của thế giới là toàn cầu hóa đã giúp giảm bớt các gánh nặng vai trò quốc gia, cũng có nghĩa là giảm bớt sự tập trung quyền lực và nguồn lực của trung ương trong xây dựng thể chế dân chủ. Như vậy, thời điểm để xây dựng thể chế dân chủ tập trung trên bình diện cơ sở là rất thuận lợi đối với các quốc gia...
2. Tập trung xây dựng Tòa án Nhân quyền các cấp và cơ chế thực thi để người dân tự bảo vệ các quyền con người của mình
Đây là cơ chế, định chế quan trọng nhất của thể chế dân chủ, là hạt nhân trong cấu trúc tự hoàn thiện của thể chế dân chủ quốc gia. Chúng ta xây dựng thành công các Tòa án Nhân quyền, và cơ chế thực thi việc bảo vệ quyền con người là chúng ta đã thành công trong xây dựng thể chế dân chủ. Tòa án Nhân quyền cũng là yếu tố, định chế mới so với tất cả các thể chế dân chủ hiện đang tồn tại trên thế giới. Để xây dựng thành công Tòa án Nhân quyền và cơ chế thực thi, cần thực hiện những việc sau đây :
- Sự độc lập hoàn toàn và quyền lực tuyệt đối trên cơ sở hiến pháp và luật pháp của ngành tư pháp nói chung và Tòa án Nhân quyền nói riêng. Nếu không có sự độc lập, và quyền lực tuyệt đối của Tòa án Nhân quyền, chúng ta không thể nói tới việc người dân có thể tự bảo vệ các quyền con người của mình.
- Xây dựng đội ngũ luật sư nhân quyền độc lập và chuyên nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lý và cùng tham gia bảo vệ quyền con người của công dân.
- Xây dựng nguồn kinh phí của nhà nước phục vụ bảo trợ cho các hoạt động bảo vệ quyền con người của công dân trong tố tụng.
Tóm lại, ngoài việc thành lập Tòa án Nhân quyền các cấp, nhà nước cần bảo đảm sự hỗ trợ về pháp lý và tài chính để công dân tự bảo vệ các quyền con người của mình.
3/ Trang bị kiến thức về tự do, dân chủ và cách thức xây dựng thể chế dân chủ cho người dân
Người dân là chủ thể xây dựng nên thể chế dân chủ, nhất là khi trọng tâm của thể chế dân chủ ở cấp cơ sở, thì nhận thức của người dân là yếu tố quan trọng. Người dân cần được trang bị đầy đủ các kiến thức về tự do, dân chủ, về việc xây dựng thể chế dân chủ, và đặc biệt cần hiểu rõ cơ chế để bảo vệ các quyền con người của mình. Đây là việc làm vô cùng quan trọng nhưng hầu như chưa có một quốc gia nào thực hiện việc trang bị kiến thức cho nhân dân về lĩnh vực này. Một mặt, các thể chế dân chủ của các quốc gia hiện nay, chủ yếu được xây dựng trên bình diện quốc gia, không phải trên bình diện dân chủ cơ sở, nên vai trò của người dân rất mờ nhạt. Mặt khác, các kiến thức về tự do, dân chủ quá kinh viện, trừu tượng và khó hiểu, nên không thể phổ cấp đến cho người dân. Chính vì vậy, để thực hiện việc trang bị kiến thức cho người dân hiệu quả cần phải :
* Chuẩn hóa các kiến thức về tự do dân chủ dưới hình thức dễ hiểu, sinh động và dễ phổ biến nhất.
* Xây dựng các học viện về dân chủ, các khoa dân chủ học ở các trường đại học, môn học dân chủ ở các trường trung học phổ thông để phổ biến tới mọi người trong xã hội.
Người dân càng có nhiều hiểu biết về tự do, dân chủ thì đóng góp xây dựng nên thể chế dân chủ càng thiết thực hiệu quả và nâng cao khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mình.
4. Ứng dụng cơ chế tự điều chỉnh trong mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội
Không nghi ngờ gì nữa, việc ứng dụng cơ chế tự điều chỉnh trong các mặt hoạt động của đời sống xã hội sẽ nâng cao hiệu lực và hiệu quả của thể chế dân chủ. Cơ chế tự điều chỉnh, với khía cạnh là quy định về kết quả và hậu quả những lựa chọn của cá nhân cho bản thân và công việc. Hệ thống thưởng phạt về tác phong sinh hoạt, đi sớm về muộn tại công sở, hoặc về hậu quả công việc sẽ đặt các cá nhân vào những lựa chọn tối ưu cho bản thân và công việc. Một cơ chế tự điều chỉnh trong công việc là điều tuyệt đối cần thiết và cần thực hiện ngay. Ví dụ, một phòng công tác có trưởng phòng và 10 nhân viên. Các nhân viên có các quy định thưởng phạt chi tiết, tỉ mỉ, và hình phạt nặng nhất là đuổi việc, nếu vi phạm một số lỗi nhất định. Trưởng phòng sẽ bị cách chức khi có 3-4 nhân viên bị đuổi việc. Cứ như vậy, một vụ trưởng (hay cục trưởng, viện trưởng..) cũng sẽ bị cách chức khi có đủ số lượng các trưởng phòng dưới quyền bị cách chức theo quy định… Đó chính là cơ chế tự điều chỉnh.
Tuy nhiên, việc thực thi cơ chế tự điều chỉnh cần phải tính toán rất kỹ càng, chi tiết. Ban đầu, cơ chế này nên áp dụng vào công việc thực thi ở các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm. Sau đó sẽ lan tỏa ra tất cả các lĩnh vực của toàn hệ thống. Cuối cùng sẽ tới các sịnh hoạt dân sự của người dân, khi mà người dân đã làm quen và chấp nhận cơ chế tự điều chỉnh trong công việc.
Cần nhấn mạnh một điều, cơ chế tự điều chỉnh là vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả của cấu trúc tự hoàn thiện – thể chế dân chủ tự do.
III. Nắm tay nhau xây dựng nền Dân chủ : Giấc Mộng Việt Nam
Theo mạch lo-gic của cuốn sách Dân Chủ và các bài viết của tác giả, đến nay chúng ta đã có chất liệu để có thể xây dựng thể chế dân chủ tự do. Các nguyên lý cơ bản, và một phần lớn nội dung xây dựng thể chế dân chủ đã được khái quát trong cuốn sách Dân Chủ. Phần đầu bài viết này đã giải thích toàn bộ thể chế dân chủ dưới góc độ một cấu trúc xã hội được xây dựng phát huy tối đa động lực nội tại của con người và toàn thể xã hội, đưa tới sự phát triển và tự hoàn thiện của hệ thống, cấu trúc đó. Chúng ta cũng đã đề cập tới phương thức xây dựng thể chế dân chủ của quốc gia nói chung, áp dụng cho tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, chúng ta cần phải có các bước đi, cách làm cụ thể, thiết thực dựa trên hoàn cảnh hiện tai của đất nước và các đặc thù riêng có của Việt Nam.
1. Những nội dung quan trọng cần chuẩn bị trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ ở Việt Nam
Trong các bài viết trước đây, chúng ta đã đề cập tới những đặc trưng riêng của Việt Nam khi xây dựng thể chế dân chủ. Đó là, chúng ta chưa có các lực lượng chính trị thay thế, người dân bị bất ngờ và chúng ta chưa có kinh nghiệm làm việc chung với tư cách các tổ chức, đoàn thể. Chính vì vậy, chúng ta cần có thời gian để thực hiện các bước chuẩn bị quan trọng. Việc xây dựng thể chế dân chủ là một công việc vô cùng quan trọng và phức tạp. Có cảm giác, các quốc gia thay đổi chế độ trong thời gian vừa qua trên thế giới đã quá vội vàng trong việc thiết lập các định chế dân chủ. Chúng ta thường nghe nói, các nước có thời gian xây dựng hiến pháp, chuẩn bị cho tổng tuyển cử từ 6 tháng đến 1 năm. Đây là thời gian không tưởng, hầu như chẳng ai làm được gì ngoài việc copy các hiến pháp và phương thức tổ chức sẵn có ở đâu đó. Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên để ra 2-3 năm chuẩn bị và từ 1-2 năm cho các đảng phái, tổ chức lực lượng chính trị vận động tranh cử. Đó là thời gian tối thiểu, nếu chúng ta muốn xây dựng một thể chế dân chủ tự do thực sự. Vậy trong thời gian này, chúng ta cần chuẩn bị và thực hiện những công việc gì ?
2. Tập trung xây dựng Tòa án Nhân quyền các cấp và cơ chế thực thi để người dân tự bảo vệ các quyền con người của mình
Đây là cơ chế, định chế quan trọng nhất của thể chế dân chủ, là hạt nhân trong cấu trúc tự hoàn thiện của thể chế dân chủ quốc gia. Chúng ta xây dựng thành công các Tòa án Nhân quyền, và cơ chế thực thi việc bảo vệ quyền con người là chúng ta đã thành công trong xây dựng thể chế dân chủ. Tòa án Nhân quyền cũng là yếu tố, định chế mới so với tất cả các thể chế dân chủ hiện đang tồn tại trên thế giới. Để xây dựng thành công Tòa án Nhân quyền và cơ chế thực thi, cần thực hiện những việc sau đây :
- Sự độc lập hoàn toàn và quyền lực tuyệt đối trên cơ sở hiến pháp và luật pháp của ngành tư pháp nói chung và Tòa án Nhân quyền nói riêng. Nếu không có sự độc lập, và quyền lực tuyệt đối của Tòa án Nhân quyền, chúng ta không thể nói tới việc người dân có thể tự bảo vệ các quyền con người của mình.
- Xây dựng đội ngũ luật sư nhân quyền độc lập và chuyên nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lý và cùng tham gia bảo vệ quyền con người của công dân.
- Xây dựng nguồn kinh phí của nhà nước phục vụ bảo trợ cho các hoạt động bảo vệ quyền con người của công dân trong tố tụng.
Tóm lại, ngoài việc thành lập Tòa án Nhân quyền các cấp, nhà nước cần bảo đảm sự hỗ trợ về pháp lý và tài chính để công dân tự bảo vệ các quyền con người của mình.
3. Trang bị kiến thức về tự do, dân chủ và cách thức xây dựng thể chế dân chủ cho người dân
Người dân là chủ thể xây dựng nên thể chế dân chủ, nhất là khi trọng tâm của thể chế dân chủ ở cấp cơ sở, thì nhận thức của người dân là yếu tố quan trọng. Người dân cần được trang bị đầy đủ các kiến thức về tự do, dân chủ, về việc xây dựng thể chế dân chủ, và đặc biệt cần hiểu rõ cơ chế để bảo vệ các quyền con người của mình. Đây là việc làm vô cùng quan trọng nhưng hầu như chưa có một quốc gia nào thực hiện việc trang bị kiến thức cho nhân dân về lĩnh vực này. Một mặt, các thể chế dân chủ của các quốc gia hiện nay, chủ yếu được xây dựng trên bình diện quốc gia, không phải trên bình diện dân chủ cơ sở, nên vai trò của người dân rất mờ nhạt. Mặt khác, các kiến thức về tự do, dân chủ quá kinh viện, trừu tượng và khó hiểu, nên không thể phổ cấp đến cho người dân. Chính vì vậy, để thực hiện việc trang bị kiến thức cho người dân hiệu quả cần phải :
* Chuẩn hóa các kiến thức về tự do dân chủ dưới hình thức dễ hiểu, sinh động và dễ phổ biến nhất.
* Xây dựng các học viện về dân chủ, các khoa dân chủ học ở các trường đại học, môn học dân chủ ở các trường trung học phổ thông để phổ biến tới mọi người trong xã hội.
Người dân càng có nhiều hiểu biết về tự do, dân chủ thì đóng góp xây dựng nên thể chế dân chủ càng thiết thực hiệu quả và nâng cao khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mình.
4. Ứng dụng cơ chế tự điều chỉnh trong mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội
Không nghi ngờ gì nữa, việc ứng dụng cơ chế tự điều chỉnh trong các mặt hoạt động của đời sống xã hội sẽ nâng cao hiệu lực và hiệu quả của thể chế dân chủ. Cơ chế tự điều chỉnh, với khía cạnh là quy định về kết quả và hậu quả những lựa chọn của cá nhân cho bản thân và công việc. Hệ thống thưởng phạt về tác phong sinh hoạt, đi sớm về muộn tại công sở, hoặc về hậu quả công việc sẽ đặt các cá nhân vào những lựa chọn tối ưu cho bản thân và công việc. Một cơ chế tự điều chỉnh trong công việc là điều tuyệt đối cần thiết và cần thực hiện ngay. Ví dụ, một phòng công tác có trưởng phòng và 10 nhân viên. Các nhân viên có các quy định thưởng phạt chi tiết, tỉ mỉ, và hình phạt nặng nhất là đuổi việc, nếu vi phạm một số lỗi nhất định. Trưởng phòng sẽ bị cách chức khi có 3-4 nhân viên bị đuổi việc. Cứ như vậy, một vụ trưởng (hay cục trưởng, viện trưởng..) cũng sẽ bị cách chức khi có đủ số lượng các trưởng phòng dưới quyền bị cách chức theo quy định…Đó chính là cơ chế tự điều chỉnh.
Tuy nhiên, việc thực thi cơ chế tự điều chỉnh cần phải tính toán rất kỹ càng, chi tiết. Ban đầu, cơ chế này nên áp dụng vào công việc thực thi ở các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm. Sau đó sẽ lan tỏa ra tất cả các lĩnh vực của toàn hệ thống. Cuối cùng sẽ tới các sịnh hoạt dân sự của người dân, khi mà người dân đã làm quen và chấp nhận cơ chế tự điều chỉnh trong công việc.
Cần nhấn mạnh một điều, cơ chế tự điều chỉnh là vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả của cấu trúc tự hoàn thiện – thể chế dân chủ tự do.
III. Nắm tay nhau xây dựng nền Dân chủ : Giấc Mộng Việt Nam
Theo mạch lo-gic của cuốn sách Dân Chủ và các bài viết của tác giả, đến nay chúng ta đã có chất liệu để có thể xây dựng thể chế dân chủ tự do. Các nguyên lý cơ bản, và một phần lớn nội dung xây dựng thể chế dân chủ đã được khái quát trong cuốn sách Dân Chủ. Phần đầu bài viết này đã giải thích toàn bộ thể chế dân chủ dưới góc độ một cấu trúc xã hội được xây dựng phát huy tối đa động lực nội tại của con người và toàn thể xã hội, đưa tới sự phát triển và tự hoàn thiện của hệ thống, cấu trúc đó. Chúng ta cũng đã đề cập tới phương thức xây dựng thể chế dân chủ của quốc gia nói chung, áp dụng cho tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, chúng ta cần phải có các bước đi, cách làm cụ thể, thiết thực dựa trên hoàn cảnh hiện tai của đất nước và các đặc thù riêng có của Việt Nam.
1. Những nội dung quan trọng cần chuẩn bị trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ ở Việt Nam
Trong các bài viết trước đây, chúng ta đã đề cập tới những đặc trưng riêng của Việt Nam khi xây dựng thể chế dân chủ. Đó là, chúng ta chưa có các lực lượng chính trị thay thế, người dân bị bất ngờ và chúng ta chưa có kinh nghiệm làm việc chung với tư cách các tổ chức, đoàn thể. Chính vì vậy, chúng ta cần có thời gian để thực hiện các bước chuẩn bị quan trọng. Việc xây dựng thể chế dân chủ là một công việc vô cùng quan trọng và phức tạp. Có cảm giác, các quốc gia thay đổi chế độ trong thời gian vừa qua trên thế giới đã quá vội vàng trong việc thiết lập các định chế dân chủ. Chúng ta thường nghe nói, các nước có thời gian xây dựng hiến pháp, chuẩn bị cho tổng tuyển cử từ 6 tháng đến 1 năm. Đây là thời gian không tưởng, hầu như chẳng ai làm được gì ngoài việc copy các hiến pháp và phương thức tổ chức sẵn có ở đâu đó. Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên để ra 2-3 năm chuẩn bị và từ 1-2 năm cho các đảng phái, tổ chức lực lượng chính trị vận động tranh cử. Đó là thời gian tối thiểu, nếu chúng ta muốn xây dựng một thể chế dân chủ tự do thực sự. Vậy trong thời gian này, chúng ta cần chuẩn bị và thực hiện những công việc gì ?...
a. Định hình các tổ chức, đảng phái và lực lượng chính trị. Đây là việc vô cùng quan trọng, và cần có thời gian để thực hiện. Chúng ta có một số đảng phái, tổ chức chính trị ở hải ngoại, khi chuyển tiếp về trong nước, cũng phải mất một thời gian để người dân làm quen và lựa chọn. Những tổ chức ở trong nước cũng bắt đầu được thành lập và vận động người dân tham gia. Thời gian 2-3 năm không phải là nhiều, nhưng cũng đủ để các tổ chức đảng phái định hình và bước vào hoạt động được.
b. Xây dựng dự thảo hiến pháp dân chủ để xin ý kiến nhân dân. Đây là việc làm bắt buộc với bất cứ quốc gia nào bắt tay xây dựng thể chế dân chủ. Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia, nhưng chúng ta cần một cách nhìn thoáng hơn về vấn đề này. Chúng ta chỉ nên nêu những vấn đề quan trọng nhất trong việc định hình quốc gia, các nội dung quan trọng nhất. Về hiến pháp mới của Việt Nam, tôi nghiêng về tinh thần xây dựng hiến pháp của Tập hợp dân chủ đa nguyên, nhưng cần có thêm hai nội dung quan trọng : Đạo luật về xây dựng Tòa án Nhân quyền các cấp và Đạo luật về việc bắt buộc trang bị kiến thức cho người dân về tự do, dân chủ và phương thức xây dựng thể chế dân chủ.
c. Thành lập Ủy ban Hòa giải quốc gia. Đây là nội dung rất quan trọng, không thể thiếu được đối với đất nước chúng ta. Trong một thế kỷ qua, chúng ta đã quá chia rẽ và hận thù, cũng như xung đột liên miên. Chúng ta cần một Ủy ban để hóa giải hận thù, để phân biệt đúng sai và cuối cùng, để kéo mọi người lại gần nhau hơn, chung tay xây dựng đất nước. Ủy ban Hòa giải cần thực hiện những công việc gì ?
* Xây dựng được hệ thống giá trị quy chuẩn, dựa vào việc tham khảo hệ thống các giá trị của quốc tế, để từ hệ thống quy chuẩn đó, đánh giá lại toàn bộ lịch sử Việt Nam, trước mắt là từ cuối thế kỷ XIX đến nay. Những gì là đúng, là sai, là công, là tội cần được minh bạch, rõ ràng đối với các lực lượng chính trị xã hội, đối với các cá nhân có dấu ấn trong lịch sử nước nhà. Đây là việc rất quan trọng mà phần lớn các nước thoát khỏi họa Cộng sản đã không thực hiện. Điều này đặc biết quan trọng với Việt Nam bởi vì một di sản vô cùng tai hại mà Cộng sản Việt Nam đã để lại, đó là mọi giá trị trong cuộc sống đều bị đảo lộn, khiến cho người dân không thể nhận thức được những gì là đúng, là sai, là công, là tội…
* Tập hợp toàn bộ các hồ sơ, các khiếu nại, tố cáo về sự oan sai của tất cả người dân từ khi đảng Cộng sản xuất hiện tới khi sụp đổ. Cần phân chia thành các thể loại khác nhau để có hướng xử lý. Đây cũng là công việc bắt buộc nếu chúng ta muốn chia tay quá khứ để cùng bắt tay xây dựng tương lai. Việc xử lý dựa trên tinh thần công khai thừa nhận sự oan sai, khôi phục, phục hồi danh dự, phẩm giá của các nạn nhân. Nếu điều kiện kinh tế cho phép, sẽ có sự đền bù một phần cho nạn nhân.
* Xác định tinh thần chủ đạo trong việc xử lý những người có trách nhiệm của chế độ CSVN. Đây là việc rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, khi đã có Ủy ban hòa giải thì mọi việc phải được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch. Tinh thần chung là học tập cách xử lý của các nước đi trước thoát khỏi họa Cộng sản, đồng thời không làm ảnh hưởng tới công cuộc xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai. Nhưng dù có làm cách nào, có lẽ theo tôi, vẫn cần có một sự sám hối tập thể của những người đã cố ý hoặc vô tình đày đọa nhân dân và dân tộc.
2. Những nội dung cần chú trọng, nhấn mạnh và đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ tự do
a. Nội dung cần chú trọng : Xây dựng nhà nước liên bang. Đây là một điều kiện, một cơ chế bắt buộc của thế chế dân chủ. Cơ chế tản quyền, giúp cho mọi vùng, miền có các đặc thù riêng biệt có thể phát triển và phát huy hết các lợi thế so sánh của mình. Đồng thời tránh được những xung đột đảng phái trên quy mô quốc gia. Điều kỳ lạ là phúc lợi của cơ chế tản quyền, của chế độ liên bang rất lớn và việc thực hiện nó rất quan trọng đối với thể chế dân chủ tự do nhưng có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã bỏ qua. Chúng ta thấy, có các quốc gia dân chủ lâu năm như Pháp, quốc gia có thể chế dân chủ khá lâu như Thái Lan, các quốc gia mới có thể chế dân chủ như Ai Cập, Ucraina….đều bỏ qua định chế quan trọng này. Những quốc gia này đều có những bất ổn và khiếm khuyết trong cấu trúc dân chủ. Đặc biệt hơn cả, chúng ta thấy, Thái Lan là một ví dụ điển hình về thất bại của nền dân chủ liên quan trực tiếp tới việc bỏ qua cơ chế tản quyền, chế độ liên bang. Những quốc gia vừa đề cập, nếu chuyển sang chế độ liên bang, sẽ giải quyết cơ bản các bất ổn hiện nay.
Trên cơ sở nhận thức về lý luận, sự cần thiết của cơ chế tản quyền, của chế độ liên bang, đồng thời rút kinh nghiệm của các quốc gia bỏ qua yếu tố quan trọng này, chúng ta cần thống nhất, nhà nước của Việt Nam tương lai là nhà nước liên bang.
b. Nội dung cần nhấn mạnh : Tòa án Nhân quyền. Chúng ta đã đề cập tới nhiều lần, về việc Tòa án Nhân quyền, cơ chế để người dân thực hiện việc bảo vệ các quyền con người của mình là cơ chế hạt nhân, quan trọng nhất của thể chế dân chủ tự do, của cấu trúc tự hoàn thiện. Nhưng việc cần nhấn mạnh cơ chế này cũng là bởi, nếu thực hiện, chúng ta là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện việc này. Vậy nên, tính chất quan trọng là việc mở đường của sự thành công hay thất bại của một cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế dân chủ. Chúng ta thực hiện thành công cơ chế này, nội dung này, thể chế dân chủ của chúng ta sẽ là hình mẫu trong tương lai cho các nước khác học tập theo.
c. Nội dung cần đặc biệt quan tâm : Trang bị kiến thức về tự do, dân chủ và phương thức xây dựng thể chế dân chủ cho người dân. Xét đến cùng, một cơ chế, một thể chế muốn thành công phải dựa vào sự tham gia, đóng góp, thực hiện và thực thi của người dân. Nhưng người dân chỉ có thể tham gia khi họ nhận thức được các vấn đề, nội dung mình tham gia để đem lại lợi ích cho chính bản thân mình. Khi chúng ta trang bị các kiến thức này cho người dân, chúng ta không cần phải lo lắng, lo ngại nhiều về thể chế dân chủ của mình. Bởi vì, khi người dân biết được các quyền (lợi) của mình, biết cách thức xây dựng thể chế dân chủ đem lại quyền lợi đó, và cuối cùng, biết cách để bảo vệ các quyền con người của mình thì mặc nhiên, đất nước sẽ có một thể chế dân chủ tự do thực sự, tiệm cận sự hoàn hảo. Xét cho cùng, các quốc gia chưa có được tự do thực sự cho người dân, cũng là bởi người dân chưa biết được : tự do là gì ?
*************
Chúng ta có tương lai, chúng ta có những con người quan tâm tới việc xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai, điều chúng ta cần là sự đoàn kết và quyết tâm. Tôi tin rằng, lịch sử sẽ lựa chọn dân tộc nhiều đau thương và bất hạnh này (Việt Nam) để làm được điều gì đó cho nhân loại. Vậy chúng ta có tự tin để nắm tay nhau xây dựng thành công một thể chế dân chủ nâng đỡ và tôn vinh con người hay không ? Hãy nắm tay nhau chung xây giấc mộng Việt Nam !
Hà Nội, ngày 24/7/2017
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn : RFA, 24/07/2017 (nguyenvubinh's blog)