Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/08/2017

"Tứ Diện Sở Ca"

Nguyễn Vũ Bình

Trong tiếng Hán, thành ngữ "Tứ Diện Sở Ca" được dùng để hình dung tình huống một người gặp khó khăn to lớn, tình hình xung quanh dường như cho thấy thất bại của người này.

tudien1

Tứ Diện Sở Ca trong bàn cờ tướng

Năm 202 trước công nguyên, nhà Tần - một vương triều phong kiến thống nhất đầu tiên của Trung Quốc ra đời. Do các đời vua Tần thích việc lớn hám công to, nhất là Tần Thủy Hoàng xây dựng hoàng cung và lăng mộ lộng lẫy cho mình, cung đình chi tiêu lớn, cho nên bóc lột nhân dân hết sức tàn khốc, phong trào khởi nghĩa nông dân không ngừng dấy lên. Rốt cuộc, 15 năm sau, nhà Tần bị lật đổ. Sau khi nhà Tần bị diệt vong, có hai thế lực tranh giành quyền lực thống trị đất nước mới, một thế lực do Hạng Vũ dẫn đầu, một thế lực do Lưu Bang dẫn đầu.

Hạng Vũ là một tướng quân đến từ nước Sở, tính tình cương cường, kiêu căng, dũng cảm thiện chiến. Lưu Bang vốn là một quan chức cấp thấp trước khi nhà Tần bị diệt vong, tính tình hơi gian trá, nhưng rất biết dùng người. Trong cuộc chiến chống nhà Tần, hai người Hạng Vũ và Lưu Bang từng kết nghĩa, ủng hộ nhau. Sau khi nhà Tần bị lật đổ, hai người bất hoà ngay.

Ban đầu Hạng Vũ chiếm ưu thế tuyệt đối. Cuộc chiến đấu then chốt cuối cùng giữa Lưu Bang và Hạng Vũ xẩy ra ở một nơi gọi là Cai Hạ. Trải qua một trận giao chiến kịch liệt, quân sĩ của Lưu Bang đã bao vây Hạng Vũ và quân sĩ của Hạng Vũ. Tuy Hạng Vũ đã ở vào thế yếu, nhưng vẫn có hàng nghìn binh sĩ, Lưu Bang không thể tiêu diệt Hạng Vũ trong thời gian ngắn.

Buổi tối hôm đó, Hạng Vũ và binh sĩ bị bao vây nghe thấy tiếng hát quen thuộc vang dội từ tứ phía. Nghe kỹ, hóa ra là dân ca nước Sở quê Hạng Vũ. Tiếng hát vang dội từ doanh trại của Lưu Bang. Hạng Vũ và binh sĩ hết sức kinh ngạc, nghĩ Lưu Bang đã đánh chiếm quê họ, và bắt nhiều người thân ở quê, hơn nữa tiếng hát quen thuộc này cũng gây nên lòng nhớ nhung quê hương của binh sĩ. Lúc đó, tinh thần binh sĩ của Hạng Vũ bị dao động, nhiều binh sĩ chạy trốn nhân lúc trời tối, hàng nghìn quân chỉ còn lại mấy trăm.

Hóa ra, đây là kế mưu của Lưu Bang. Lưu Bang tổ chức binh sĩ của mình hát dân ca nước Sở buồn rầu, là nhằm mục đích dao động tinh thần binh sĩ của Hạng Vũ. Cuối cùng, Lưu Bang giành được thắng lợi cuộc chiến ở Cai Hạ, Hạng Vũ buộc phải tự tử.

Sau này, người ta lấy tích "Tứ Diện Sở Ca" để chỉ một trạng thái bốn bề thọ địch dành cho những người và những đối tượng đang đi đến điểm cuối cùng của sự tồn tại, hay là sự thất bại được báo trước.

Nhìn vào thực trạng nền kinh tế Việt Nam, quan hệ đối ngoại, những mâu thuẫn nội bộ và sự dồn nén của các thành phần trong xã hội hiện nay, rất nhiều người đều có đồng thuận, nhà cầm quyền Việt Nam, đảng cộng sản và chế độ độc tài toàn trị cộng sản đang trong trạng thái chuẩn bị cho một sự thay đổi, hoặc sụp đổ hoàn toàn. Đó chính là tình huống "Tứ Diện Sở Ca" nêu trên, không còn một giải pháp nào ngoài việc tự thay đổi hoặc sụp đổ.

tudien2

Đảng Cộng sản Việt Nam đang bối rối giữa duy trì chế độ độc quyền độc đảng hay mở cửa về dân chủ  - Ảnh minh họa

Trước hết, chúng ta cần thừa nhận một vấn đề có tính quy luật đã từng diễn ra trong lịch sử. Các quốc gia cộng sản, còn gọi là các nước xã hội chủ nghĩa ra đời và tồn tại một thời gian, sau đó đều tự sụp đổ. Ngoại trừ duy nhất trường hợp của Ba Lan, cũng phải may mắn khi phe xã hội chủ nghĩa suy yếu, cùng sự hỗ trợ đắc lực của phương tây mới đấu tranh dồn ép nhà cầm quyền nhượng bộ và thay đổi. Các quốc gia cộng sản, với mục đích thống trị người dân, đã sử dụng một cơ chế để triệt tiêu tinh thần phản kháng của nhân dân. Để sử dụng được cơ chế hủy diệt tinh thần phản kháng của người dân, các nước cộng sản đã phải huy động những nguồn lực cực lớn tạo ra và duy trì một bộ máy khổng lồ trong khi nền kinh tế kế hoạch (một trong các cơ chế tạo lập sự lệ thuộc của người dân vào chế độ) không hề tạo ra của cải vật chất. Kết quả là, để duy trì và vận hành bộ máy, trong khi nền kinh tế không tạo ra của cải vật chất, các quốc gia cộng sản đều cạn kiệt nguồn lực và tự sụp đổ.

Trong thực tế, đi sâu vào phương thức vận hành của chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay, hai yếu tố dẫn tới sự sụp đổ của các chế độ cộng sản vẫn còn hiện hữu, dù hình ảnh có vẻ tráng lệ hơn. Đó là việc sử dụng nguồn lực cực lớn để duy trì và vận hành bộ máy khổng lồ. Yếu tố thứ hai, sau một thời gian ngắn cởi trói tạo ra sức bật bất ngờ của nền kinh tế, sự nửa vời trong phát triển kinh tế cùng với sự quan liêu, tha hóa của bộ máy hành chính, hệ thống chính trị đã đưa nền kinh tế trở lại với đúng vị thế của nền kinh tế cộng sản, tức là một phương diện để quản lý người dân. Ngoài ra, trong xu thế hội nhập, nền kinh tế còn là nguồn tham nhũng vô tận của quan chức đảng và nhà nước. Kết quả tất yếu của nền kinh tế hiện nay cũng là sự cạn kiệt nguồn lực, không tạo ra được của cải vật chất để duy trì bộ máy khổng lồ của đảng và nhà nước. Những số liệu chứng minh cho sự cạn kiệt nguồn lực của chế độ hiện đang lan tràn trên không gian mạng, tuy chưa nói chính xác được con số thực, số nợ 600 tỷ đô la, gấp ba lần GDP hoàn toàn không có khả năng thanh toán. Hiện nay, mỗi ngày Việt Nam đang phải trả số nợ là 45 triệu đô la, cả nợ gốc và lãi, tương đương 1000 tỷ đồng.

Thực ra, với một quốc gia hơn 90 triệu dân, số nợ 600 tỷ đô la hoàn toàn không phải là con số đáng lo ngại. Với một nền kinh tế lành mạnh, sức sản xuất được giải phóng thì số nợ 600 tỷ đô la đó có thể trả được trong vài ba năm. Nhưng nhìn vào nền kinh tế Việt Nam hiện nay, ai cũng thấy rằng đó là việc làm bất khả thi. Nền kinh tế nào có thể phát triển được khi một con gà phải cõng 14 loại thuế phí ? nền kinh tế nào hoạt động nổi khi giá xe ô tô gấp 3 lần giá thị trường, khi giá xăng dầu gấp đôi giá nhập khẩu ? một xe tải chạy từ bắc vào nam hết 3-4 triệu đồng tiền phí đường, chưa kể tiền mãi lộ cho cảnh sát giao thông. Giá quả Thanh Long mua tại vườn của người dân chỉ là 2000 đồng/kg trong khi người sử dụng phải trả là 30.000 đồng/kg, gấp 15 lần ? ! ? Ai còn có thể kinh doanh, làm ăn nổi trong nền kinh tế này, và nền kinh tế này tạo ra của cải vật chất bằng cách nào ?

Như vậy, sự cạn kiệt nguồn lực trong khi vẫn phải duy trì một bộ máy khổng lồ bám vào ngân sách (ước tính 30-35 triệu người bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước) chính là gốc rễ cho sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ cộng sản Việt Nam. Những diễn biến gần đây cho thấy dấu hiệu của một sự tan rã, sụp đổ đến rất gần của chế độ toàn trị. Chúng ta cùng xem xét trên các phương diện.

I. Giới hạn cuối cùng trong các quan hệ đối ngoại

1. Mặt thật của chế độ đã được phơi bày trên trường quốc tế. 

Trong những năm đầu đổi mới, thiết lập các mối bang giao với các quốc gia dân chủ trên thế giới, Việt Nam nổi lên như một quốc gia muốn thay đổi và hội nhập với thế giới. Các quốc gia phương tây đã nồng nhiệt và hồ hởi đón nhận Việt Nam. Không phải họ không biết, cũng như không được cảnh báo về những thủ đoạn của Việt Nam.

Tuy nhiên, có hai lý do mà các quốc gia phương tây vẫn chào đón và giúp đỡ nhiệt tình cho Việt Nam. Thứ nhất, là các quốc gia nhân bản, họ hi vọng khi Việt Nam hội nhập sẽ tiếp thu được những cái hay, cái đẹp và nhân bản của các quốc gia dân chủ, từ đó có thể tự sửa đổi để học hỏi và hòa nhập vào trào lưu tiến bộ của nhân loại. Thứ hai, là một thực thể kinh tế, họ cũng muốn thiết lập để quan hệ làm ăn với Việt Nam. Nhưng cả hai lý do này, cuối cùng các quốc gia quan hệ với Việt Nam đã hoàn toàn vỡ mộng.

Đối với mong muốn thứ nhất, các quốc gia tiến bộ đã bỏ qua và nhân nhượng rất nhiều với Việt Nam. Bởi vì Việt Nam đã ký kết các công ước quốc tế về quyền con người, đã nhận các khoản viện trợ để triển khai các kế hoạch bảo đảm và bảo vệ quyền con người. Nhưng họ đã không ngờ được, tiền thì mất mà sự đàn áp người dân Việt Nam ngày càng gia tăng. Đã có rất nhiều sự góp ý, sự kiên nhẫn của các quốc gia đối với Việt Nam nhưng tất cả đều đổ sông, đổ biển. Việt Nam ngày càng thể hiện là một quốc gia độc tài toàn trị và không hề có ý định cũng như khả năng để thay đổi.

Các báo cáo nhân quyền của các quốc gia dân chủ gần đây nhất đã và đang chỉ đích danh Việt Nam là những điển hình về đàn áp nhân quyền trên thế giới. Gần đây có hai vụ việc nghiêm trọng càng thể hiện bộ mặt lưu manh, côn đồ của nhà cầm quyền Việt Nam. Vụ tước đoạt tài sản của doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình (người Việt ở Hà Lan). Ông này đang kiện chính phủ Việt Nam, khả năng thắng kiện rất cao, và Việt Nam có thể mất 1-1,25 tỷ đô la bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình. Vụ thứ hai là vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một quan chức nghi tham nhũng đang lẩn trốn ở Đức để xin quy chế tỵ nạn. Việc bắt cóc người ngay giữa nước Đức đang gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Đức, cũng như Châu Âu. Những hi vọng về việc Việt Nam có thể tự thay đổi để đi theo trào lưu tiên bộ của nhân loại đã cạn kiệt trong con mắt của các quốc gia dân chủ, tiến bộ.

Về vấn đề làm ăn kinh tế với Việt Nam, sự thực các quốc gia cũng đã vỡ mộng. Chỉ có một số rất ít các công ty, hoặc các quốc gia có các công ty làm ăn được ở Việt Nam. Lý do là, các công ty lớn làm ăn bài bản, thường có sự đầu tư dài hạn, số vốn lớn với hoạt động lâu năm mới thu hồi vốn và làm ăn có lãi. Khi vào Việt Nam, họ phải chi rất nhiều những khoản hối lộ, đút lót để được đầu tư. Quá trình hoạt động, họ gặp phải môi trường vô pháp luật, bát nháo và rất thiếu chuyên nghiệp. Không những vậy, càng đầu tư lâu dài, người ta nhận thấy người dân càng có xu hướng nghèo đi, ngoại trừ một tỷ lệ nhỏ dân số là quan chức và giới kinh doanh bất chính là có tiền. Thị trường teo tóp hoàn toàn đi ngược lại những kỳ vọng và tính toán ban đầu của họ. Chính vì vậy, xu hướng gần đây, các ngân hàng nước ngoài đã rút hết khỏi Việt Nam, làm tiêu tan cả lý do kết nối thị trường Việt Nam với thế giới.

2. Giới hạn cuối cùng trong lựa chọn đồng minh. 

Đối với sức ép về vấn đề nhân quyền, thậm chí quan hệ kinh tế, nhà cầm quyền Việt Nam có nhiều kinh nghiệm để đối phó. Mặc dù đang ở thế khó khăn trong các mối quan hệ, nhưng họ không quá lo lắng vấn đề này. Tuy nhiên, quan hệ quốc tế trong mấy năm gần đây đang hình thành những cục diện chính trị mới, rất phức tạp. Nước Mỹ sau một thời gian dài thể hiện sự nhún nhường quá mức trong quan hệ quốc tế, nay đã và đang lấy lại sức mạnh và vị thế siêu cường bằng một tổng thống mới được bầu của đảng Cộng Hòa, tổng thống Donald Trump. Việc tìm lại vị thế siêu cường duy nhất của Mỹ chắc chắn sẽ đụng chạm tới quyền lợi của Trung Quốc, một quốc gia tranh thủ sự mềm yếu của Mỹ giai đoạn trước để bành trướng khắp thế giới. Sự bành trướng của Trung Quốc đã có những dấu hiệu vi phạm luật pháp quốc tế, cụ thể là đường lưỡi bò trên biển Thái Bình Dương. Không những vậy, Trung Quốc còn là đồng minh thân cận của Bắc Triều Tiên, một quốc gia đang sở hữu trái phép vũ khí hạt nhân nhưng lại luôn thách thức thế giới. Kết hợp các yếu tố lại, đang có một xu thế hình thành các liên minh trong việc khẳng định sức mạnh và vị thế giữa Trung Quốc và Mỹ. Việt Nam một lần nữa lại bị kẹt giữa hai sức mạnh nhiều khả năng đối đầu trên thế giới.

Truyền thống của Việt Nam là khả năng đu dây giữa các thế lực, để tận dụng và lợi dụng các thế lực cho các mục đích của mình. Tuy nhiên, nếu các thế lực chưa có sự đối kháng về lợi ích, chưa hình thành liên minh để chuẩn bị đối đầu nhau thì thủ thuật đu dây còn phát huy tác dụng. Nhưng hiện nay, xu thế hình thành liên minh đang hiện hữu, Việt Nam dù không muốn cũng bắt buộc phải lựa chọn để đứng vào một bên. Đây chính là bài toán đau đầu, hóc búa nhất đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Việc lựa chọn đồng minh lần này còn phức tạp ở chỗ, với số nợ khổng lồ và nền kinh tế hoàn toàn suy kiệt, cần kết hợp lựa chọn đồng minh cùng con đường thoát ra khỏi khủng hoảng và phát triển đất nước. Mọi suy nghĩ và logic thông thường đều hướng tới một quan hệ đồng minh với Mỹ và các quốc gia dân chủ. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề phức tạp hơn rất nhiều vì nội bộ nhà cầm quyền Việt Nam đang có mâu thuẫn và tranh chấp quyết liệt, gay gắt giữa hai xu thế thân và không thân Trung Quốc. Nhưng thời gian không còn nhiều cho sự lựa chọn. Việc kéo dài thời gian lựa chọn cũng như tiếp tục đu dây có thể là một trong những lý do khiến cho nhà cầm quyền Việt Nam có thể phải trả giá rất đắt, bằng chính sự tồn vong của chế độ này.

II. Sự phản kháng của người dân đã trở thành phong trào

Trong mấy năm trở lại đây, chúng ta thấy cỏ rất nhiều điểm nóng người dân phản kháng lại nhà cầm quyền ở các mức độ và cách thức khác nhau.

Vụ việc lớn, bao trùm nhất, dẫn tới sự phản kháng sâu rộng của cả nước chính là vụ công ty Formosa xả thải làm biển chết bốn tỉnh miền trung Việt Nam. Do mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng khủng khiếp của sự ô nhiễm môi trường đã thức tỉnh toàn dân quan tâm phản kháng. Vụ việc này chưa kết thúc và cũng chưa biết bao giờ sẽ kết thúc nhưng người dân đều đã nhận thức được bản chất của nhà cầm quyền, bất chấp nguyện vọng của người dân, bất chấp môi trường sống để quyết định duy trì sự hoạt động của công ty Formosa.

Ngoài vụ Formosa ra, chúng ta thấy hàng ngày hàng giờ, sự phản kháng của người dân ở khắp nơi, ở tất cả các lĩnh vực. Đó là người dân các chung cư phản đối giá thu phí hoặc yêu cầu thực hiện đúng các dịch vụ mà chung cư đã cam kết. Những người gửi tiền các ngân hàng giăng biểu ngữ đòi tiền ngân hàng... và những vụ việc lớn như vụ việc bà con xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức đấu tranh giữ đất đai bằng cách bắt giữ cảnh sát và cán bộ tới đàn áp nhân dân. Gần đây nhất, những tài xế đã phản đối việc đặt trạm thu phí và mức phí cao ở thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bằng cách trả tiền phí bằng tiền lẻ, tạo ra sự ách tắc toàn tuyến đường trên quốc lộ. Vụ việc này đã tạo ra sự chú ý của xã hội và bước đầu cuộc đấu tranh của những tài xế đã có kết quả. Trạm thu phí đã phải giảm giá thu phí và các trạm thu phí BOT trên cả nước cũng được rà soát và tính toán lại mức thu phí. Tất cả những sự phản kháng của người dân đã trở thành phong trào và ngày càng lan rộng bởi những lý do sau đây.

- Tất cả sự phản kháng đều do sự bức bách tự thân của những người bị xâm hại quyền lợi. Đó là việc người dân bị thiệt hại trực tiếp đến các quyền lợi của bản thân, họ lên tiếng cho những vấn đề cơm áo gạo tiền của chính mình và người thân của họ. Việc phản kháng như vậy có thể được thúc đẩy bởi hai yếu tố. Một là, nếu không phản kháng, nếu không đấu tranh họ cũng không thể tiếp tục sống được nữa ; hai là, người dân nhận thức được các quyền lợi của mình là chính đáng, có cơ sở để đạt kết quả khi tham gia đấu tranh.

- Với sự mở rộng của hệ thống Internet và mạng xã hội, người dân tham khảo được thông tin và kinh nghiệm từ những người, những cuộc đấu tranh khác. Đồng thời họ được sự ủng hộ, cổ vũ và động viên của cộng đồng mạng xã hội facebook mà phong trào dân chủ đang dẫn dắt, định hướng bằng sự thật và lương tâm. Việc trả phí bằng tiền lẻ xuất hiện ban đầu không phải ở Cai lậy mà là ở cầu Bến Thủy, Nghệ An và Hà Tĩnh trước đây.

- Việc đấu tranh của người dân, với sự giúp sức của cộng đồng mạng xã hội ít nhiều đã đạt kết quả nên ngày càng khuyến khích người dân mạnh dạn lên tiếng đòi quyền lợi của mình. Một trong các lý do các cuộc đấu tranh của người dân có kết quả là mâu thuẫn trong nội bộ của nhà cầm quyền, các nhóm lợi ích tranh dành và dựa vào các sai phạm để triệt hạ lẫn nhau.

Trong những trường hợp người dân đấu tranh không đạt kết quả, tức là nhà cầm quyền bất chấp lợi ích của người dân, thì sự dồn nén của người dân càng tích tụ và không ai biết được khi có sự cố xảy ra, thì sự bùng phát của người dân sẽ dẫn tới những hậu quả gì.

III. Mâu thuẫn nội bộ giới cầm quyền đã lên tới đỉnh điểm

Có thể nói, việc tồn tại các phe nhóm trong nội bộ đảng cộng sản đã có từ lâu, nhưng mâu thuẫn chưa bao giờ lên tới mức đỉnh điểm như hiện nay.

Có hai biểu hiện của mâu thuẫn nội bộ đã lên tới tới đỉnh điểm. Thứ nhất, có hai nhân vật có khả năng thay thế tổng bí thư đảng cộng sản giữa hoặc hết nhiệm kỳ thì một người bị bệnh đã thay thế, một người không xuất hiện từ cuối tháng 7 tới nay. Điều này chứng tỏ việc tranh giành quyền lực đã bước vào giai đoạn quyết liệt, một mất một còn. Thứ hai, việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức về quy án, bề ngoài là chống tham nhũng, bên trong là sử dụng để triệt hạ lẫn nhau đã làm xấu hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời làm ảnh hưởng trực tiếp tới bang giao giữa Việt Nam và Đức, cũng như Châu Âu. Khả năng Việt Nam bị cắt viện trợ từ Đức và hủy bỏ hiệp định thương mại Việt Nam - Châu Âu là hoàn toàn có thể xảy ra. Như vậy, để triệt hạ lẫn nhau, các phe cánh trong nội bộ đảng cộng sản đã trực tiếp gây hại tới lợi ích của quốc gia, điều này cũng chứng tỏ mâu thuẫn đã lên tới đỉnh điểm.

Trong bối cảnh nền kinh tế suy kiệt, sức ép về đối ngoại gia tăng, sự dồn nén của người dân đã tới mức báo động, việc đoàn kết nội bộ để vượt qua khủng hoảng là điều rất cần thiết thì trong nội bộ đảng cầm quyền lại xảy ra mâu thuẫn trầm trọng, không thể làm việc chung. Đây chính là một yếu tố chứng tỏ sự cáo chung của chế độ sắp tới trong một tương lai gần.

Mâu thuẫn nội bộ trầm trọng cũng chứng tỏ đảng cộng sản Việt Nam không có khả năng tự thay đổi để tránh một sự sụp đổ có thể xảy ra. Với những yếu kém và khủng hoảng mọi mặt hiện nay, nếu người nào có cái nhìn toàn cảnh và toàn diện, sẽ nhận thấy vấn đề sụp đổ của chế độ chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, khi trong đảng có mâu thuẫn trầm trọng, không một ai dám đưa vấn đề để thảo luận trong đảng nhằm có những giải pháp để vượt qua khủng hoảng sống còn này. Lý do là phần lớn không nhận ra được nguy cơ, nhưng quan trọng hơn, đối phương sẽ sử dụng việc quy chụp để triệt hạ ngay lập tức những người đưa vấn đề ra thảo luận.

Lịch sử giai đoạn cuối cùng của các triều đại ở Việt Nam, ở Trung Quốc cũng như bất kể quốc gia nào, mâu thuẫn nội bộ chính là yếu tố thúc đẩy nhanh sự sụp đổ của vương triều, chế độ đó.

IV. Dòng chảy của sự thật và lương tâm

Trong các yếu tố góp phần thúc đẩy quá trình tự sụp đổ của chế độ cộng sản, nếu không nói tới hệ thống Internet và mạng xã hội facebook là một thiếu sót nghiêm trọng. Có thể nói rằng, dòng chảy bất tận của sự thật và lương tâm này chính là khắc tinh của chế độ cộng sản Việt Nam. Chỉ xét về khải niệm bản chất của hai thực thể, chế độ cộng sản và mạng xã hội facebook, chúng ta cũng thấy ngay tính chất khắc chế trong nội hàm các khái niệm. Một bên cộng sản là : dối trá và bạo lực, bên còn lại (facebook) là sự thật và lương tâm. Tại sao nói mạng xã hội facebook là dòng chảy của sự thật và lương tâm ?

Chúng ta đều biết rằng, trong chế độ cộng sản, con người bị tha hóa và dù không tha hóa cũng không có môi trường, diễn đàn để thể hiện bản thân. Chính vì vậy, mạng xã hội facebook chính là môi trường, là diễn đàn để thể hiện bản thân mình. Nhu cầu tự thể hiện bản thân chính là nhu cầu quan trọng nhất của một cá nhân. Khi tự thể hiện bản thân thì bất cứ ai cũng mong muốn mình trở thành người được chú ý, nhận được sự quan tâm và trân trọng. Bởi vì facebook là diễn đàn của hàng chục triệu người hoàn toàn độc lập, không chịu sự phụ thuộc và định hướng của bất cứ trung tâm nào hay bất cứ ai. Chính vì vậy, phải có thông tin về sự thật, người đưa tin về sự thật mới thực sự thu hút và chính phục được người khác. Mặt khác, facebook là diễn đàn mở, tức là những người kết bạn với nhau nhưng nhiều khi không hề biết về nhau, vì vậy, facebook có tính chất bình đẳng giữa các thành viên tham gia. Khi đã bình đẳng thì việc phản biện rất sôi động và khắc nghiệt. Tất cả những thông tin không đúng sự thật trước sau gì cũng bị vạch trần. Như vậy, những thông tin về sự thật, người đưa tin về sự thật sẽ được tôn trọng và chính những thông tin về sự thật được lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp trên không gian mạng. Những thông tin sai sự thật, người đưa tin sai sự thật sẽ bị loại bỏ và không được chú ý, không lan tỏa được. Đó chính là dòng chảy của sự thật.

Vấn đề lương tâm cũng có xu hướng tương tự. Những người lên tiếng đấu tranh chống áp bức, bất công, giúp đỡ người hoạn nạn, người thấp cổ bé họng bị chà đạp, bị đàn áp luôn nhận được sự tôn trọng của bất kể ai và của cộng đồng mạng nói chung. Những điều sai trái, bậy bạ, những vấn đề bạo lực đều bị lên án và phê phán, phỉ nhổ trên không gian mạng. Ngược lại, những việc tốt, giúp đỡ người khác, hoàn cảnh khó khăn đều được chia sẻ, động viên và trân trọng. Một trong các lý do mà mạng xã hội facebook trở thành dòng chảy của sự thật và lương tâm, đó là không có một trung tâm nào, một cá nhân nào có thể định hướng, dẫn dắt hoặc khuynh loát được dư luận và thông tin. Tất cả đều được hình thành tự nhiên và hoàn toàn độc lập, khách quan. Chỉ còn sự thật và lương tâm được tôn vinh và trở thành dòng chảy chính cho diễn đàn chung vô cùng tuyệt vời này.

Trên tinh thần của sự thật, mạng xã hội đã nâng cao nhận thức của rất nhiều người dân về tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Nhận thức đầu tiên đó là vấn đề quyền con người. Không chi là các văn bản pháp luật, các kiến thức về quyền con người, mà mạng xã hội facebook còn chia sẻ những thực tế của người dân khi thực thi, đối đáp và đòi hỏi các quyền con người của mình trong cuộc sống. Mạng xã hội cũng góp phần xóa tan lập luận nhà nước, chế độ giúp, lo cho người dân mọi vấn đề của cuộc sống, bằng việc chỉ ra cho người dân thấy được những đồng tiền thuế của người dân đóng góp mới là những phúc lợi người dân đương nhiên được hưởng. Không chỉ vậy, facebook còn chỉ cho người dân biết, mức thuế, phí người dân đóng góp hiện nay đã vượt qua tất cả những gì mà một nhà nước tàn bạo nhất hiện nay và trong lịch sử có thể áp đặt cho người dân.

Dòng chảy của sự thật đã phản biện và phơi bày tất cả những chủ trương đường lối, chính sách cũng như hành xử của nhà cầm quyền trên mọi phương diện. Để dễ hình dung, về mặt truyền thông, dòng chảy của sự thật như ánh sáng ban ngày rọi chiếu mọi ngõ ngách đêm đen che dấu và bưng bít sự thật của chế độ độc tài toàn trị. Tất cả những tính toán và so sánh chỉ ra sưu cao, thuế nặng của người dân cho tới những khoản vay, khoản nợ khổng lồ không có khả năng thanh toán đang hàng ngày hàng giờ đến với người dân làm lung lay tận gốc những niềm tin còn sót lại. Dòng chảy sự thật và lương tâm cũng làm xói mòn "bản chất cộng sản" trong hệ thống công chức, thậm chí quan chức hiện hành. Đây chính là mối lo lớn nhất của đảng cộng sản Việt nam, mối lo về tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ đảng. Ai có thể làm mãi những điều sai trái, những điều phản dân hại nước khi hàng ngày hàng giờ họ tiếp xúc với sự thật và nước mắt của người dân ?

Nếu như chúng ta có niềm tin vào vấn đề thời vận, của con người hay một chế độ thì hiện nay có thể nói rằng, vận của chế độ cộng sản Việt Nam đã tận kiệt. Khi vận đã hết, tất cả các vấn đề trong lòng chế độ chưa và không được giải quyết đúng đắn, triệt để sẽ lần lượt và cùng lúc xuất hiện. Và đó là những vấn đề không thể che đậy hay giải quyết qua loa như trước đây được nữa. Không những vậy, bối cảnh quốc tế hoặc những yếu tố khách quan cũng đưa tới những lựa chọn sống còn đối với một chế độ hoàn toàn không còn khả năng duy trì sự tồn tại bởi sự cạn kiệt nguồn lực. Tương lai đang giang tay chào đón toàn thể người dân Việt Nam.

Hà Nội, ngày 27/8/2017

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 27/08/2017 (nguyenvubinh's blog)

Quay lại trang chủ
Read 1435 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)