Thông báo mới nhất từ Ngoại trưởng Đức Heiko Maas vào ngày 20/2/2019 cho thấy cuộc đàm phán về vụ Trịnh Xuân Thanh giữa Việt Nam và Đức đã một lần nữa nhuốm chút hy vọng ‘phục hồi quan hệ đối tác chiến lược’ giữa hai nước - quan hệ mà Nhà nước Đức đã tuyên bố tạm ngừng vô thời hạn vào tháng 9 năm 2017 - 2 tháng sau khi ra thông báo phản đối Việt Nam cho mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.
Ngày 20/11/2017 Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 tại Myanmar - Ảnh Việt Nam và Thế Giới
Sẽ phải trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức ?
Sau khi kết thúc cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ Ngoại giao Đức đã ra một bản tin và một Thông cáo báo chí, trong đó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Heiko Maas đã nhấn mạnh mối quan tâm của ông đến một sự hợp tác chặt chẽ dựa trên sự tôn trọng các giá trị chung :
"Trong thời gian qua đã có những khác biệt có thể nhận thấy rõ rệt giữa Đức và Việt Nam – đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Hôm nay chúng tôi đã trao đổi với nhau về việc chúng tôi có thể điều chỉnh lại mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức như thế nào và làm sao có thực chất trở lại. Theo quan điểm của chúng tôi, một quan hệ đối tác chiến lược cũng bao gồm sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng nhân quyền phổ quát" (Thoibao.de).
Cách nói mở đường của Maas cho thấy nhiều khả năng Phạm Bình Minh đã hứa hẹn ‘Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’.
Tuy nhiên theo thông tin từ phía Bộ Ngoại giao Đức và được giới truyền thông quốc tế đưa tin, trước đây Việt Nam cũng đã hứa hẹn không dưới một lần về ‘Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’, nhưng sau đó bặt tăm.
Sẽ đặt nhân quyền ưu tiên trong quan hệ đối tác chiến lược ?
Vào tháng 11 năm 2017, lần đầu tiên phía Đức bắn tiếng ‘phục hồi quan hệ đối tác chiến lược’, cùng lúc với quá trình đàm phán vụ Trịnh Xuân Thanh tưởng đâu đã có lối ra. Nhưng sau đó phía Việt Nam lại ngậm miệng và tất cả chìm vào bóng tối.
Vào lần này - lần đầu tiên mà cấp bộ trưởng ngoại giao như Phạm Bình Minh công cán đến Đức kể từ vụ khủng hoảng Trịnh Xuân Thanh, những điều kiện cho triển vọng phục hồi đối tác chiến lược đã không còn dễ thở như năm 2017.
Một từ ngữ đặc biệt mà Ngoại trưởng Đức Heiko Maas dùng là ‘điều chỉnh’ trong quan hệ đối tác chiến lược, nếu quan hệ này được phục hồi. Điều đó có nghĩa là sẽ có những thay đổi, thậm chí là thay đổi đáng kể về nội dung quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Một trong những thay đổi đó đã lộ diện ngay trong thông báo của ông Maas : "Theo quan điểm của chúng tôi, một quan hệ đối tác chiến lược cũng bao gồm sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng nhân quyền phổ quát".
Hoàn toàn có thể hiểu rằng kể từ nay trở đi và chỉ sau khi Trịnh Xuân Thanh được trao trả lại cho Đức, quan hệ đối tác chiến lược mới được đàm phán lại, nhưng sẽ được bổ sung vào đó ít nhất nội dung nhân quyền.
Cũng hoàn toàn có thể hiểu rằng với vai trò một quốc gia có tác động mạnh mẽ nhất tới Liên minh Châu Âu (EU) liên quan đến số phận EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam), Đức cũng như EU đều đang đặc biệt quan ngại về những vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt Nam, và cả EU lẫn Đức đã chuyển quan điểm từ ‘EVFTA trước, nhân quyền sau’ sang ‘nhân quyền trước, EVFTA sau’. Có đến hai bằng chứng gần nhất và rõ nhất của quan điểm mới mẻ này : vào giữa tháng 11 năm 2019, lần đầu tiên nghị viện Châu Âu tung ra một bản nghị quyết lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền với nội dung rất rộng và sâu, lời lẽ rất cứng rắn ; và vào tháng 2 năm 2019, Hội đồng Châu Âu đã thẳng tay quyết định hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn EVFTA khiến chính quyền Việt Nam ‘mất ăn’ khi tưởng như đã nuốt trôi mọi thứ.
Sẽ đàm phán lại EVFTA ?
Không chỉ đàm phán lại quan hệ đối tác chiến lược, mà "Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam có thể sẽ phải đàm phán trở lại. Chúng tôi cũng thúc đẩy cho việc kết thúc nhanh chóng các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam" - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói.
Đây là thông tin về lộ trình mới nhất cho EVFTA hiện ra sau khi hiệp định này bị hoãn và khiến cho hy vọng của giới chóp bu Việt Nam về một ‘EVFTA sắp được ký kết, phê chuẩn và thông qua’ mòn mỏi theo ngày tháng. Đức, với tư cách là đầu tàu kinh tế và chính trị ở Châu Âu, cũng như có quyền quyết định lớn nhất trong việc có thông qua EVFTA hay không, không còn nghi ngờ gì nữa, đang quyết định lộ trình cần phải có của hiệp định này cũng những điều kiện then chốt mà chính quyền Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ. Thông điệp của Đức cũng là thông điệp của EU.
Hiệp định EVFTA đã được phía Việt Nam đàm phán từ những năm 2013 và đã được hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, hiệp định này đã phải trải qua đến hai năm rưỡi cho giai đoạn rà soát pháp lý, trong khi những hiệp định cùng loại chỉ mất từ 6 tháng đến 1 năm.
Vào tháng 10 năm 2018, tại trụ sở của EU ở Brusells đã diễn ra một cuộc điều trần EVFTA - nhân quyền, với kết quả là Ủy ban Châu Âu đã cho Việt Nam ‘qua cầu’ và làm tờ trình cho Hội đồng Châu Âu, để hội đồng này quyết định phê chuẩn EVFTA.
Theo lịch trình trước đây của EU, nếu EVFTA được Hội đồng Châu Âu phê chuẩn và nhận dược sự ủng hộ của Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu (một cơ quan tham mưu rất quan trọng của Nghị viện Châu Âu về các hiệp định thương mại), EVFTA sẽ được đưa ra Nghị viện Châu Âu để xem xét bỏ phiếu thông qua vào tháng 5 năm 2019. Tuy nhiên, giớp chóp bu Việt Nam chỉ muốn ăn sẵn và ăn ngay đã bị một cú sốc thình lình khi nhân quyền - yếu tố mà trước đây chỉ là một điều kiện không ưu tiên trong EVFTA và bị chính quyền Việt Nam xem thường, đã trở nên chính yếu và tạo ra cú knock-out hoãn EVFTA ngày vào lúc Hà Nội sắp mở tiệc ăn mừng ‘thoát nạn’.
Thông báo của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas về khả năng ‘đàm phán lại’ EVFTA cũng có nghĩa là sẽ chẳng có cuộc họp nào của Hội đồng Châu Âu vào tháng 3 năm 2019 để phê chuẩn hiệp định này, và càng không có cuộc họp chuyên biệt nào của Nghị viện Châu Âu vào tháng 5 năm 2019 để bỏ phiếu thông qua EVFTA.
Mà phía Việt Nam sẽ phải quay lại gần như điểm xuất phát của nó : ngồi vào bàn đàm phán với EU, nhưng trước hết là với một số nước quan trọng trong khối EU, để chỉ nói về… nhân quyền.
Từ trước và sau cuộc điều trần EVFTA - nhân quyền tại Brusells vào tháng 10 năm 2019, chính quyền Việt Nam đã và vẫn chưa có bất kỳ cải thiện nhân quyền nào dù chỉ mang tính tượng trưng hay mang tính đối phó. Thậm chí chính quyền này vẫn tiếp tục bắt bớ những người bất đồng chính kiến và đàn áp các cuộc biểu thị lòng yêu nước của người dân phản đối Trung Quốc.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 27/02/2019
(Viết giúp một Dư luận viên của đảng)
Vụ việc Trịnh Xuân Thanh đã đẩy quan hệ hai nước Đức - Việt trở nên căng thẳng về mặt ngoại giao. Những tin tức ngày càng đáng lo ngại từ phía Cộng hòa liên bang Đức dù đã bị báo chí đảng ta cho vào sọt rác vẫn cứ hàng ngày vang vọng đến mọi người dân qua hệ thống Internet đáng ghét.
Diễn biến vụ việc và hiện tượng
Những động tác của phía Cộng hòa liên bang Đức cứ lừ lừ như tàu điện không phanh đẩy mối quan hệ và uy tín của nhà nước Việt Nam xuống tận chân dốc.
Chỉ cần người phát ngôn ra nói một câu : "Tôi lấy làm tiếc về phát biểu ngày 2/8 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức". Thế là đủ.
Bắt đầu từ việc tuyên bố Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh dù Việt Nam đã chủ động (sau khi bị lộ) đưa Trịnh Xuân Thanh lên Tivi quốc gia để nhận tội rằng đã "chốn chánh" do suy nghĩ không chín chắn, nay xin tự thú để được đảng và nhà nước khoan hồng.
Thế rồi phía Đức lại tiếp tục đẩy cao sự việc bằng việc tống cổ trưởng phòng tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin phải rời nước Đức trong vòng mấy chục tiếng đồng hồ và đưa tối hậu thư đòi Việt Nam xin lỗi. Chưa hết, ngày 10 tháng 8, họ lại đưa vụ việc lên cấp Tổng công tố Liên bang.
Ngày Quốc khánh Việt Nam, Tổng thống Đức gửi điện chúc mừng vẫn không buông tha vấn đề mà còn nhắc nhở chủ tịch nước Việt Nam về Nhà nước pháp quyền.
Không những thế, theo đuôi Đức, Cộng hòa Séc cũng vào cuộc điều tra và bắt giữ người liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh. Vụ việc rất có thể đẩy lên tầm Liên Hiệp Châu Âu.
Vẫn chưa hết, trong cuộc họp báo Liên bang ngày 22/9, Chính phủ Đức đã đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam và phát lệnh trục xuất tiếp một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin trong vòng 4 tuần. Tệ hại hơn nữa, ông Breul người phát ngôn Bộ ngoại giao Đức còn tuyên bố : "Chúng tôi có những bằng chứng cho thấy nhiều nhân viên sứ quán đã nhúng tay vào vụ bắt cóc này". Điều này đồng nghĩa với việc đe dọa nhiều nhân viên Đại sứ quán Việt Nam lại phải quay đầu về núi.
Tưởng rằng đến như vậy là vụ việc đã tạm dừng, thế nhưng mới đây, chính phủ Đức còn tuyên bố rằng vẫn bảo lưu các biện pháp trừng phạt khác với Việt Nam chứ không buông tha.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Cộng hòa liên bang Đức như sau : "Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác trên bình diện chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển".
Và lời của Ngoại trưởng Đức, ông Sigmar Gabriel : "Chúng ta không thể trở lại tình trạng bình thường, làm như là không có chuyện gì xảy ra".
Trước những thông tin dồn dập ngày càng bất lợi cho Việt Nam từ phía Cộng hòa liên bang Đức, thiết nghĩ với lòng tự cao cộng sản (à quên, xin lỗi - tự hào), Nhà nước Việt Nam chúng ta cần phải nghĩ gì và làm gì ?
Chúng ta phải nghĩ gì ?
Để giải quyết vụ việc, trước hết cần nhận thức vấn đề Trịnh Xuân Thanh theo đúng quan điểm của đảng và nhà nước ta - Quan điểm về luật pháp xã hội chủ nghĩa lấy đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lenin làm chủ đạo. Trên cơ sở đó, tất cả cán bộ, đảng viên, dư luận viên cần xác định rằng :
- Chế độ ta là chế độ ưu việt nhất trong mọi chế độ, ở đó, nền dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản - theo Phạm Văn Đồng - và gấp vạn lần dân chủ tư sản - theo Nguyễn Thị Doan. Do vậy, mọi việc được xử lý, tiến hành dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng ta đều là sáng suốt, tài tình nên không thể có sai lầm. Chỉ vì đảng ta là đạo đức, là văn minh, là đội quân ưu tú nhất của giai cấp công nhân, mà giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến nhất trong đất nước này. Việt Nam chúng ta đã "chiến thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ" - Hồ Chí Minh- nghĩa là chúng ta mạnh và giỏi hơn hẳn phần còn lại của thế giới, thì Việt Nam không cần sợ bố con thằng nào.
- "Đảng ta là đảng cầm quyền" - Hồ Chí Minh - và đứng đầu là Tổng bí thư. Một đảng ưu việt, vĩ đại như vậy, thì lời Tổng bí thư phải được coi như là mệnh lệnh, cao hơn cả Hiến pháp và Luật pháp. Bởi Hiến pháp cũng chỉ do Quốc hội soạn ra, mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định nghị quyết, luật lệ của Quốc hội quan trọng nhưng đứng sau nghị quyết của đảng. Vì thế, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố về Trịnh Xuân Thanh : "Tinh thần là bắt bằng được, không trốn được đâu" thì dù có phải đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng phải bắt bằng được, huống chi chỉ là quan hệ với Cộng hòa liên bang Đức, một đất nước của bọn tư bản.
- Việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt ở Đức đưa về Việt Nam, nhà nước Đức gọi là bắt cóc, điều này là do có sự khác biệt giữa hai nước về quan niệm - cũng giống như Việt Nam ta hay nói là khác biệt về quan niệm nhân quyền vậy. Nếu nước Đức coi việc bắt người bất ngờ trên đường phố, nơi công cộng, nơi vắng vẻ bằng vũ lực mà không cần giấy tờ, nguyên tắc luật pháp hay cơ quan luật pháp cho phép... mà chỉ bởi một bọn đóng vai côn đồ không có sắc phục là bắt cóc, thì ngược lại, ở Việt Nam gọi mà "mời" hoặc "đưa về làm việc". Điều này đã và đang thường xuyên được thực thi trên đất nước Việt Nam chúng ta mà không hề gặp bất cứ trở ngại nào, từ phía cơ quan tư pháp như Viện kiểm sát hoặc Tòa án các cấp, hẳn nhiên là dân thì không thể chống cự.
Chính vì vậy, mà nền tư pháp chúng ta mới có cái tên là "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", nếu không thì chúng ta thêm cái đuôi xã hội chủ nghĩa vào làm gì cho thêm rách việc ?
- Việc chúng ta sang tận đất Đức bắt về, chỉ là do việc cấp bách thực hiện bằng được lời Tổng bí thư đã lỡ nói ra trước thiên hạ. Chứ trước đó đầu tháng 7 tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân thỉnh cầu bà Thủ tướng Đức Merkel giúp đỡ việc dẫn độ Trịnh Xuân Thanh. Nhưng bà Thủ tướng Đức Merkel đã từ chối và viện dẫn rằng, thủ tục dẫn độ phải làm đúng theo những chuẩn mực của nhà nước pháp quyền. Bà không có quyền và cũng không có thể can thiệp vào thủ tục này được.
Điều này cần hiểu rằng ở nước Đức, họ không coi nhiệm vụ và mục đích là quan trọng bằng việc bảo vệ ba thứ lăng nhăng là luật pháp, chủ quyền và con người. Họ khác hẳn ở ta nhiệm vụ của đảng là quan trọng nhất, hơn tất cả mọi điều khác cộng lại.
Điều đó cũng thể hiện thái độ của họ đã dám coi đảng ta không ra cái gì. Đó là điều không thể chấp nhận được. Do vậy chúng ta phải thực hiện theo phương châm "mày không cho thì tao cướp". Thường thì khi thực hiện việc này rất hiệu quả. Bằng chứng là bao nhiêu vụ việc về đất đai, thu hồi bằng công an, chó và súng đạn, nhà tù là xong.
- Quan điểm chung về luật pháp, tưởng cần nhắc lại lời Tổng bí thư Lê Duẩn mà trên mạng đã trích dẫn rất nhiều rằng : "Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước do dân và vì dân chứ không phải là nhà nước tư bản của giai cấp tư sản. Chúng nó cần pháp luật để cai trị bóc lột nhân dân còn chúng ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa chúng ta không cần pháp luật. Chúng ta chỉ cần phê bình và tự phê bình là đủ". Do vậy, việc bắt Trịnh Xuân Thanh nếu có vấn đề, chỉ cần phê bình và tự phê bình là đủ.
- Về luật pháp, cần phải xác định rõ ràng rằng, đảng ta và nhà nước ta hết sức coi trọng luật pháp với điều kiện bảo đảm rằng việc coi trọng đó, không được ảnh hưởng tới lợi ích cai trị của đảng và thực hiện các mục đích của đảng. Trái với điều đó, luật pháp hay hiến pháp đều là thứ linh tinh vô ích. Trước đây, Hồ Chủ tịch đã từng dạy rằng : Khi uốn thanh tre, người ta thường uốn quá đi chút, khi nó trở lại thẳng là vừa. Việc bắt bớ Trịnh Xuân Thanh, có hơi quá vì trên đất Đức mà không được sự cho phép, nhưng điều đó chỉ là sự "hơi quá" một chút mà thôi.
- Trịnh Xuân Thanh dù chưa được xử tại Tòa, dù Hiến pháp quy định rằng công dân chỉ được coi là có tội khi có bản án do tòa án quyết định. Thế nhưng, như đã nói ở trên, ở ta, đảng cao hơn cả luật pháp và đứng ngoài luật pháp, do vậy đảng đã cho rằng có tội thì tất nhiên phải có tội mà chẳng cần tòa nào. Việc nước Đức không bắt giao lại Trịnh Xuân Thanh cho đảng ta là sự coi thường đảng ta. Mà đảng ta thì "vĩ đại thật" - Hồ Chí Minh - chứ không phải là vĩ đại giả hay vĩ đại đùa.
Những việc cần làm ngay
Chúng ta đã làm gì ?
Cần phải nói rằng đảng và nhà nước ta rất sáng suốt và tài tình. Bằng chứng là ngay sau khi bắt được Trịnh Xuân Thanh, chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh "tự thú" tại Bộ công an. Đó là một hành động sáng suốt.
Đảng và nhà nước ta đã lờ đi những câu hỏi có tính chọc ngoáy rằng Trịnh Xuân Thanh ở nước ngoài, bị truy nã quốc tế thì về Việt Nam bằng đường nào để ung dung đến tự thú mà không bị bắt bởi lệnh truy nã ? Rằng Trịnh Xuân Thanh đã về cả tuần mới đến tự thú thì anh ta ăn ngủ ở đâu ? Rằng phía Đức đưa ra chiếc xe có dính máu và công cụ hỗ trợ rồi cho rằng Trịnh Xuân Thanh bị bắt đưa vào Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin thì Việt Nam có ý kiến gì...
Tất cả những câu hỏi đó, chúng ta đã kiên quyết lờ đi, coi như không nghe, không biết và không hiểu. Chỉ cần người phát ngôn ra nói một câu : "Tôi lấy làm tiếc về phát biểu ngày 2/8 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức".
Thế là đủ.
Lẽ ra, với vị thế Việt Nam, chỉ cần ta "lấy làm tiếc" thì Cộng hòa liên bang Đức đã phải biết sợ.
Thế rồi, tất cả báo chí của chúng ta đã đồng thanh... im lặng trước những phản ứng của Cộng hòa liên bang Đức. Lẽ ra phía Đức cần biết thái độ khinh miệt không thèm chấp, không thèm đếm xỉa đến để tự biết mình là ai.
Thế nhưng, như lời Hồ Chí Minh đã nói "chúng ta càng nhân nhượng, thì địch càng lấn tới". Phía Đức liên tiếp nâng tầm sự kiện này lên thành vấn đề nghiêm trọng.
Chúng ta phải làm gì ?
Trước tình hình phía Cộng hòa liên bang Đức ngày càng làm lớn chuyện, chúng ta cần phải kiên quyết hành động để bảo vệ uy tín của đảng và nhà nước ta bằng các biện pháp như sau :
- Khẳng định quan hệ Việt Nam-Cộng hòa liên bang Đức là quan hệ hai quốc gia bình đẳng, thậm chí là chúng ta ưu việt hơn, họ không thể bằng chúng ta vì họ không được Đảng cộng sản tài tình lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện như chúng ta. Họ tuy giàu có phồn hoa, nhưng là phồn hoa giả tạo, còn chúng ta tuy nghèo đói, nhưng là nghèo đói thật.
- Chúng ta biết rằng giữa các nước có các mối quan hệ từ đối tác song phương, đối tác khu vực tới đối tác toàn diện, đối tác chiến lược rồi đối tác chiến lược toàn diện. Giữa Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức hiện nay đang là đối tác chiến lược.
Do vậy khi Chính phủ Đức đơn phương quyết định đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam thì chúng ta cần nhanh chóng đình chỉ luôn đối tác tòa diện với Cộng hòa liên bang Đức, nghĩa là hạ xuống thêm một bậc. Bởi một khi họ không thích là bạn bè tử tế với ta thì ta nghỉ chơi luôn cho họ sợ và hiểu thế nào là vị thế của Việt Nam cũng như hậu quả của việc chọc giận đảng và nhà nước ta.
- Buộc Chính phủ Đức phải xin lỗi Việt Nam vì đã gọi việc Việt Nam bắt người trên đất Đức là bắt cóc. Trong khi chúng ta chỉ lén lút dùng mật vụ bắt bỏ xe đem về cho tự thú.
- Đuổi ngay các nhân viên Đại sứ quán Đức về nước, gồm là Trưởng phòng Tình báo, các nhân viên khác phải rời Việt Nam trong vòng 48 tiếng đồng hồ.
- Trước hết, trả cho phía Đức tất cả mớ lý thuyết của người Đức tạo ra là Chủ nghĩa Mác. Thứ lý thuyết vớ vẩn nguy hiểm đã làm hại đất nước chúng ta mấy chục năm nay.
- Ngay lập tức dừng tất cả các dự án và các khoản tiền viện trợ và viện trợ không hoàn lại mà Việt Nam đã dành cho Cộng hòa liên bang Đức. Trả lại tất cả các khoản viện trợ mà Việt Nam đã nhận của Cộng hòa liên bang Đức để chứng minh rằng câu nói "Người ghét, của ưa" là không có giá trị đối với Việt Nam.
- Không tạo điều kiện cho các kiều dân Đức đang sinh sống và làm ăn tại Việt Nam, không chấp nhận bất cứ trường hợp tỵ nạn nào của người Đức muốn sang tỵ nạn ở Việt Nam.
- Tiến tới kêu gọi và nhận khoảng 120.000 người Việt Nam và kiều bào Việt Nam đang làm ăn và sinh sống cũng như khoảng 6.000 sinh viên đang học tập tại Đức về nước làm ăn. Cử Hồ Ngọc Thắng, người mới bị Đức sa thải, cầm đầu đám người Việt Nam này trở về phụng sự đảng.
- Không khuyến khích các tập đoàn như Tân Hiệp Phát hoặc Seacombank, Vinashin, Dung Quất, Bauxite hoặc Dầu khí đầu tư sang Đức. Những tập đoàn đó chỉ được đầu tư và làm ăn ở Việt Nam.
- Không tạo môi trường đầu tư, buộc họ phải rút về nước khoảng 300 tập đoàn như Siemens, Mercedes-Benz, Bosch, B.Braun, Metro, Deutsche Bank, Bayer, BASF, v.v… để họ tự bóc lột nhân công của họ.
- Không tạo điều kiện cho Cộng hòa liên bang Đức dùng Việt Nam để giao thương ra thế giới như với Châu Âu hoặc các diễn đàn kinh tế khác.
Ngoài các biện pháp trên, chúng ta kiên quyết bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác trên bình diện chính trị, kinh tế, chính sách hợp tác phát triển với Cộng hòa liên bang Đức.
Thiết nghĩ rằng việc phải có hành động cụ thể quyết liệt như đã nêu trên trong điều kiện này mới có thể giữ vững uy tín của đảng, nhà nước Việt Nam dẫn đầu trên trường quốc tế.
Hà Nội, ngày 26/7/2017
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 25/09/2017 (nguyenhuuvinh's blog)
Quan hệ Đức - Việt Nam ngày càng xấu đó là do cách hành xử của Việt Nam
PV tiến sĩ Nguyễn Quang A về vụ Trịnh Xuân Thành
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tieng DanVietMedia, 25/09/2017