Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phỏng vấn chuyên đề : "Chính sách đàn áp tôn giáo xuyên suốt bao nhiêu năm của nhà nước cộng sản Việt Nam"

Cuộc phỏng vấn được thực hiện với Hòa thượng Thích Không Tánh, Phó Viện trưởng Hội đồng Điều hành của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Đồng Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam, Đồng Chủ tịch Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại Việt Nam, Trụ trì Chùa Liên Trì ở Quận 2 Sài Gòn (ngày 8/9/2016 Chùa Liên Trì đã bị nhà nước cưỡng chế, san bằng, phá bỏ mà không bồi hoàn thỏa đáng). Bản thân Hòa thượng Thích Không Tánh từ năm 1977 đến nay đã bị nhà nước cộng sản giam cầm 3 lần, tổng cộng 15 năm tù)

tanh1

Hòa thượng Thích Không Tánh trên nền đổ nát của chùa Liên Trì

***

Song Chi : Thưa Hòa thượng, chúng ta biết nhiều năm nay chỉ số tự do tôn giáo (tức Religious Freedom Index) của Việt Nam luôn luôn nằm ở mức rất thấp trên thế giới, Việt Nam từng 2 lần bị liệt vào danh sách các Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern) về Tự do tôn giáo, và ngày 2/12/2022 vừa qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại đưa Việt Nam vào "Danh sách Theo dõi đặc biệt" (Special Watch List) vì vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo… Trong khi nhà nước Việt Nam thì luôn luôn nói rằng đó là cái nhìn thiên lệch, rằng ở Việt Nam có tự do tôn giáo vì nhìn bên ngoài từ Nam ra Bắc chùa được xây mới rất nhiều, trong số đó có những ngôi chùa rất to, số lượng nhà sư tăng, số lượng người đến chùa đông đảo v.v. Thưa Hòa thượng nghĩ sao về điều này ?

Thích Không Tánh : Đúng là số lượng chùa mới, chư tăng và Phật tử có tăng nhiều và số lượng dân chúng cũng tăng gấp 3,4 lần so với trước năm 1975 nên nhu cầu của con người cũng tăng theo...

Tuy nhiên, việc xây nhiều chùa to lớn, không thể nói là có tự do tôn giáo. Những ngôi chùa to lớn như Ba Vàng, Tam Chúc, Bái Đính… chủ yếu xây to lớn để kinh doanh, lôi kéo khách du lịch để thu tiền, lấy ngoại tệ !

Còn tự do tôn giáo là một vấn đề khác. Tự do tôn giáo là các tôn giáo phải được tự do hành đạo, được truyền bá giáo pháp rộng rãi, được đào tạo, truyền thừa, giáo dục đạo đức Chân, Thiện, Mỹ..0 cho quần chúng.

Những sự đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền cộng sản là rõ ràng, xuyên suốt, thế giới ai cũng biết ! Những tu sĩ, cá nhân, tổ chức tôn giáo nào không nghe theo sự điều khiển, chỉ đạo của nhà nước là bị đàn áp ! Các chùa, tu viện, thánh thất, nhà thờ nào hư dột muốn tu sửa, xây dựng rất khó khăn ! Chỉ cần tu sửa một nhà bếp, tăng phòng nhỏ… mà không có giấy phép thì sẽ bị công an đến phạt tiền cưỡng chế, phá dỡ !

Song Chi : Là Phó Viện Trưởng Hội đồng Điều Hành của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hiểu được những gì đã xảy ra với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bao nhiêu năm nay, một cách vắn tắt, thưa Hòa thượng, tại sao nhà nước cộng sản đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và điều đó đã bắt đầu từ khi nào ?

Thích Không Tánh : Năm 1981, nhà cầm quyền cộng sản lập nên Giáo hội mới gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người dân thường gọi là "Giáo hội nhà nước" hay "Giáo hội quốc doanh". Từ đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ! Chư tăng, ni và chùa nào không theo Giáo hội nhà nước lập đều bị đàn áp, cô lập, không cho đi lại, sách nhiễu đủ điều từ việc cư trú, sinh hoạt tôn giáo, cúng lễ...

Nói cho đúng thì ngay sau ngày 30/4/1975, ngày cộng sản cưỡng chiếm được miền Nam thì họ đã tiến hành đàn áp, bách hại đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất rồi !

Song Chi : Xin Hòa thượng kể về một số vụ việc đàn áp cụ thể, nghiêm trọng và tàn bạo nhất của nhà nước cộng sản đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ sau 30/4/1975 cho đến nay ?

Thích Không Tánh : Việc đàn áp thì nhiều nhưng tôi không nhớ và biết hết được ! Ngay sau 30/4/1975 họ đập phá tượng Phật Bà Quan Âm ở Phan Thiết, tượng Phật Lộ Thiên ở Biển Hồ - Kontum… Họ ép và lấy hết các cơ sở từ thiện, Cô Ký Nhi Viện, các trường trung, tiểu học Bồ Đề, trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, trung tâm Quảng Đức, Cô Nhi Viện Quách Thị Trang, Việt Nam Quốc Tự... Chùa nào không vào Ban liên lạc Phật giáo yêu nước thì không được cấp sổ mua lương thực, không làm Hộ khẩu, tăng ni buộc đi làm thủy lợi, bắt đi nghĩa vụ quân sự…

- Ngày 02/11/1975, Đại đức Thích Huệ Hiền cùng 11 vị tăng ni Thiền Viện Dược Sư ở Cần Thơ đã tự thiêu phản đối vì bị ép phải rời bỏ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Sau nầy có Huynh trưởng Hạnh Minh- Hồ Tấn Anh ở Quảng Nam tự thiêu ngày 2/9/2001, có gởi thư lên Giáo hội và yêu cầu nhà nước để Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sinh hoạt, người dân được hưởng quyền tự do tôn giáo, trả tự do cho Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ. Có Phật tử (không nhớ tên) đã đến đảnh lễ tháp Ôn Linh Mụ ở Huế rồi tự thiêu ngay tại tháp ! Năm 2014, nữ Huynh trưởng Phật tử Nguyễn Thị Tuyết Mai, pháp danh Đồng Xuân tự thiêu trước Dinh Độc Lập… Những việc tự thiêu này luôn bị che giấu, lấy mất xác ! Hoặc xuyên tạc tự thiêu vì tình !

- Sau 30/4/1975 đa phần chư vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như quý Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Thuyền Ấn, cùng các Thượng tọa Thích Thông Bửu, Thích Nhật Thiện, Thích Thông Huệ… đều bị bắt đi tù, có vị bị ám hại chết trong tù như Hòa thượng Cố vấn Viện Hóa Đạo Thích Thiện Minh ! Có vị vào bệnh viện vài ngày thì chết như Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Thanh Quang. Có vị bị giam giữ trong tù, quản thúc trong bệnh viện cho đến khi sắp chết họ mới cho về như Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thượng tọa Thích Bửu Huệ (Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Long Khánh), Thượng tọa Thích Quảng Thành (Chánh đại diện Phật giáo tỉnh Bình Tuy).

- Nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Bình Định ép Thượng tọa Thích Tâm Hoàn (Phó đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bình Định) phải phá bỏ tượng Phật Di Đà lộ thiên trước chùa Long Khánh, Thượng tọa không thể nghe theo nên uống thuốc quyên sinh để bảo vệ tượng Phât ! - Nhiều vị khác như Hòa thượng Thích Hộ Giác, Hòa thượng Thích Tâm Châu, Hòa thượng Thích Huyền Vi, Hòa thượng Thích Thanh Cát, Hòa thượng Thích Mãn Giác, Hòa thượng Thích Chánh Lạc, Hòa thượng Tắc Phước, Hòa thượng Như Huệ, Pháp sư Thích Giác Đức… và nhiều vị khác thì vượt biên !

- Điều đáng nói là chư tăng bị giam giữ, bị tử hình như Đại đức Thích Viên Thông (chùa Phổ Tịnh, An Nhơn-Bình Định) hoặc chết trong tù đều không được công bố minh bạch !

- Tình trạng đàn áp vẫn tiếp diễn suốt 48 năm qua ! Nhiều chùa, Niệm Phật Đường bị nhà nước trưng dụng, phá dỡ, cưỡng chế, điển hình gần đây như chùa An Cư thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở Đà Nẵng, chùa Sơn Linh ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum bị đập phá ngày13/12/2022. Hòa thượng Thích Thanh Quang, Trụ trì chùa Giác Minh ở thành phố Đà Nẵng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị bệnh, Phật tử đưa nhập viện, vài giờ sau bệnh viện báo đã chết ! Tang lễ chưa xong, một sư trẻ lên quản lý liền đổi bảng hiệu từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành GHPGVN quốc doanh !

- Chùa Sơn Linh Cổ Tự ở Bà Rịa của Thượng tọa Thích Hạnh Đức vì không theo Phật giáo quốc doanh, đấu tranh ủng hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nên bị giam tù cả chục năm, chiếm đoạt luôn chùa rồi giao cho các thầy Giáo hội nhà nước quản lý !

- Một số cơ sở khác của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị chính quyền địa phương phá huỷ hoàn toàn như chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm-Sài Gòn. Phá dỡ và chiếm cổng chùa Phước Bửu làm cổng Ấp Văn Hóa ! Khuyến dụ quý Thầy ở Thiền Lâm Cổ Tự tỉnh Tiền Giang theo Giáo hội nhà nước thì mới cho trùng tu ! Đập phá phòng từ thiện Thiện Nguyện Bối Diệp của Tịnh Thất Bối Diệp ở Bảo Lộc-Lâm Đồng !

- Đàn áp, sách nhiễu, phá dỡ từng phần các chùa Pháp Biên ở Hồ Tràm, chùa Đạt Quang ở xã Bầu Lâm, chùa Thiên Quang ở huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu… Từ 2021 đến nay, chùa Thiên Quang nhiều lần bị nhà cầm quyền huyện Xuyên Mộc đàn áp, sách nhiễu, đe dọa sẽ cưỡng chế, dẹp bỏ nếu Thượng tọa Trụ trì không theo Giáo hội nhà nước !

Song Chi : Xin Hòa thượng kể về những kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân về việc bị đàn áp ?

Thích Không Tánh : Chùa Liên Trì ở quận 9 Sài Gòn là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ trước 1975. Năm 1968, sau Tết Mậu Thân, Giáo hội bổ nhiệm tôi làm Trụ trì và Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Quận 9, Đô Thành Sài Gòn.

Sau 30/4/1975 nhà nước đổi quận 9 thành quận Thủ Đức, ép tôi hiến chùa Liên Trì cho nhà nước, giải tán Ban đạị diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Chùa nào không tham gia vào Ban liên lạc Phật giáo yêu nước thì họ không cấp sổ mua hàng để mua gạo, đường, sữa và các thực phẩm cần thiết. Nhà cầm quyền dùng kinh tế, hộ khẩu để kiểm soát, mua chuộc, cai trị dân ! Tôi nhớ thời gian những năm 1976-77, họ bắt các nhân sĩ, trí thức, đảng phái, văn nghệ sĩ, tu sĩ các tôn giáo ở miền Nam vô tù rất nhiều. Tôi phản đối việc nầy cũng như việc bắt các tu sĩ đi nghĩa vụ quân sự, làm thủy lợi nên đã viết Kiến nghị gởi ông Phạm Văn Đồng yêu cầu trả tự do cho Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ v.v.

- Ngày 5/11/1977 tôi tổ chức mời quý thầy đại diện các quận trong thành phố tham gia buổi cầu nguyện cho quý Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ… tại Chánh điện chùa Ấn Quang. Hôm sau công an triệu tập những thầy tham gia cầu nguyện để điều tra rồi cho về. Riêng tôi ngày 7/11/1977 mấy chục công an đến bao vây chùa Liên Trì, bắt còng tay, bịt mắt tôi, áp giải về giam ở biệt giam khu C số 4 Phan Đăng Lưu...lúc đó tôi lo sợ vô cùng ! Mấy hôm sau, được biết quý Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Thuyền Ấn... cũng đang bị biệt giam ở khu B nên tôi không còn thấy cô đơn, sợ hãi nữa.

- Tháng 6 năm 1978, họ chuyển qua giam ở khám Chí Hòa. Lúc đầu giam riêng sau đưa qua khu tập thể EH, có ở chung với Linh mục Huyền Linh, cụ Thái Lăng Nghiêm, anh Trương Quang Anh Thái, anh Nguyễn Châu Á, anh Lý Nghiệp Phu... ở lầu dưới thì có Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Dân biểu Võ Long Triều... Mỗi phòng giam khoảng 50 - 60 người nằm sát nhau, việc sinh hoạt cơm nước rất tệ, thăm nuôi khó khăn, thuốc men không có, chỉ có thuốc Xuyên Tâm Liên nên những tù nhân lớn tuổi đau bệnh nhiều ! Đêm nào cũng có tiếng kêu : Báo cáo cán bộ… có người cấp cứu ! Báo cáo cán bộ... có người xỉu ! Và khi được đưa xuống bệnh xá đa phần không về lại phòng nữa !

Có lần tôi bị kỷ luật, biệt giam một tuần cùm chân, chỉ được mặc 1 quần đùi, không cho đem theo mùng mền, quần áo, thức ăn.. phải nằm trần trên nền xi-măng rất lạnh. Mỗi ngày chỉ được phát 1 ca nước, lưng chén cơm với mấy cọng rau muống có cả rễ và 2 muỗng nước pha muối ! Hôm hết kỷ luật cán bộ phải nhờ 2 lao động vào mở cùm, đỡ dậy dìu về phòng !

Cứ khoảng 2- 3 năm, cán bộ gọi lên làm việc bảo viết cam kết, hứa không đấu tranh, kiến nghị gì nữa thì cho về nhưng tôi không cam kết nên ở đến cuối năm 1986 thì có lệnh "đổi mới" sao đó, họ thả hết mấy trăm tù nhân tập trung ở Khám Chí Hòa và tôi cũng được thả ra mà không phải làm cam kết gì cả.

Tôi ra tù cuối năm 1986 và thỉnh thoảng tìm cách ra vấn an Hòa thượng Thích Huyền Quang bị nhà nước quản thúc nghiêm ngặt ở Quảng Ngãi ! Đến năm 1992 Hòa thượng Thích Đôn Hậu viên tịch, Hòa thượng có để Di Huấn và Di Chúc cho quý Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Pháp Tri, Hòa thượng Thích Quảng Độ...vận động phục hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

- Với tinh thần bảo vệ Chánh pháp, bảo vệ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tôi cùng quý Thượng tọa Thích Nhật Ban, Thượng tọa Thích Tâm Ân, Thượng tọa Long Trình, Thượng tọa Quảng Huệ, Thượng tọa Huệ Đăng, Thượng tọa Nguyên Lý...thành lập Tăng đoàn Bảo vệ Chánh pháp và gởi Kiến hghị lên ông Đỗ Mười yêu cầu nhà nước CHxã hội chủ nghĩaVN trả Việt Nam Quốc Tự, Trung tâm Quảng Đức, Cô Nhi Viện Quách Thị Trang, trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội… thì bị bắt lần 2 và giam ở 3C Tôn Đức Thắng 1 năm !

- Tù Lần 3 là khi bão lụt đồng bằng sông Cửu Long 1993, Hòa thượng Thích Quảng Độ kêu gọi cứu trợ và bổ nhiệm Thượng tọa Thích Long Trí làm Trưởng đoàn, tôi Phó đoàn. Khi Thượng tọa Long Trí vào Sài Gòn chuẩn bị đi cứu trợ thì bị công an bắt đưa về quản thúc ở Quảng Nam. Tôi tiếp tục tổ chức cứu trợ thì bị bắt cùng Thượng tọa Thích Nhật Ban, Đại đức Thích Trí Lực (Đệ tử Ôn Đôn Hậu) với 2 Đạo hữu Nhật Thường, Đồng Ngọc và Thượng tọa Nguyên Lý thì bị công an đến chùa Từ Hiếu lấy hết tiền và hàng cứu trợ !

Lần 3 này họ giam tôi ở khu kiên giam khám Chí Hòa, có lúc đưa về giam ở 3 C Tôn Đức Thắng để điều tra hỏi cung. Ra tòa họ xử Hòa thượng Thích Quảng Độ và tôi 5 năm tù giam và 5 năm quản chế, Thượng tọa Nhật Ban 4 năm tù giam, Đại đức Trí Lực và Đạo hữu Nhật Thường 3 năm, Phật tử Đồng Ngoc hưởng án treo. Sau ra tòa nửa tháng họ đưa bốn anh em chúng tôi lên trại giam Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai (gần núi Chứa Chan) bắt lao động cải tạo cho đến ngày hết án !

Ra tù cuối năm 1998, nhưng vì còn bị quản thúc, quản chế 5 năm nên công an thường ép đi trình diện và đi đâu cũng phải khai báo nên việc sinh hoạt của chùa Liên Trì rất khó khăn. Không cho tôi nhận đệ tử và Phật tử nào đi chùa Liên Trì đều bị ngăn cản, gây khó dễ, không chứng giấy cho con cái Phật tử đi làm ! Họ nhiều lần tổ chức họp dân đấu tố tôi, kêu gọi Phật tử không đi chùa Liên Trì ủng hộ ông Thích Không Tánh… không cho nuôi các cháu mồ côi cũng như không được tổ chức họp quý Chức sắc trong Hội đồng Liên tôn và mời cơm, biếu quà các anh thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa…

- Ngày 8/9/2016, khoảng 400-500 công an, bộ đội, dân phòng kéo đến bao vây chùa Liên Trì, đọc lệnh cưỡng chế… rồi dùng xe cẩu phá sập, san bằng chùa Liên Trì lấy đất chùa đầu tư, kinh doanh !

- Chùa Liên Trì có 4 Thầy ở tu học từ chục năm trước, khi chùa bị cưỡng chế, triệt phá các Thầy phải tìm nơi nương tựa tu học, lưu lạc tứ phương ! Phần tôi, hôm chùa bị cưỡng chế tôi hoảng sợ, mệt không nói nổi, họ chở tôi đến bệnh viện quận 2 và canh giữ suốt ! Khoảng mươi hôm sau, lúc đêm quý Thầy ở chùa Giác Hoa, Quận Bình Thạnh qua rước tôi về chùa Giác Hoa và tôi tá túc chùa Giác Hoa từ đó đến nay…

Song Chi : Ngoài cá nhân Hòa thượng, xin kể ra những vị chân tu nào của Phật giáo đã bị đàn áp, bức hại nghiêm trọng nhưng vẫn giữ được tinh thần bất khuất, một lòng bảo vệ đạo pháp ?

Thích Không Tánh : Ngoài những tăng, ni theo cộng sản, nằm vùng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Chư Tôn Đức tăng ni nào trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà không theo sự điều khiển, sai khiến của nhà cầm quyền cộng sản đều bị đàn áp, triệt hạ, bắt bỏ tù, hoặc bị cô lập, giám sát, bắt ép lên đồn làm việc, tùy mức độ ảnh hưởng quần chúng và sự phản ứng, đối kháng lại.

Song Chi : Ngoài việc sử dụng bạo lực để đàn áp, nhà nước cộng sản Việt Nam đã sử dụng những biện pháp nào để lợi dụng, tha hóa, lũng đoạn Phật giáo, tha hóa người tu hành, gây chia rẽ giữa tôn giáo này với tôn giáo kia v.v. ? Họ có thành công không ? Và trong những thủ đoạn đó, theo Hòa thượng thủ đoạn nào là tinh vi, thâm độc nhất ?

Thích Không Tánh : Nhà cầm quyền thường lợi dụng những phản biện, phê phán trung thực về chế độ để đàn áp, kết tội, sách nhiễu, gây khó khăn trong việc cư trú, xin phép xây dựng, làm ăn, đi lại. Lúc bấy giờ trong dân gian người ta hay nói : Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý – Đồng Khởi ra đời mất Tự Do… Từ Sài Gòn muốn đi Mỹ Tho phải xin giấy phép…

- Gây chia rẽ, phân hóa trong giới Phật tử, chư tăng và tôn giáo khác. Dùng danh lợi, vật chất lôi kéo làm ăng-ten theo dõi, báo cáo lập công. Khống chế, kềm hãm nhà chùa, người dân bằng chế độ Hộ khẩu.

Thủ thuật : Trấn, Phân, Cô, Kéo – khó ai qua khỏi 4 ải : Đàn áp, phân hóa, cô lập, phong tỏa, mua chuộc, lôi kéo nầy !

Hậu quả là Việt Nam không có tự do tôn giáo và tôn giáo chỉ là công cụ của chế độ. Họ mở nhiều trường đào tạo cán bộ và tu sĩ phải học theo đường lối chính trị duy vật Mác Lê… của đảng, trong khi đó không cho những tu sĩ tu hành chân chính được hoằng dương chánh pháp nên người chân tu bây giờ ít ! Mai này, không biết những bậc chân tu đạo đức, những tinh túy, tinh hoa trong tôn giáo có nở hoa, phát triển ?

- Điều tinh vi là họ sử dụng chính những ngôn từ triết thuyết, giáo lý của Phật giáo nhưng không truyền bá phần tích cực mà chỉ quảng bá phần tiêu cực như kêu gọi Phật tử nên nhẫn nhục, an phận, lấy ân báo oán, lo niệm Phật, cầu an đừng lý chuyện chánh trị, thế gian, nên thức thời, tùy duyên, khế cơ để sống. Phật, Chúa đều dạy Từ Bi, Bác Ái, Vô Ngã, Vị tha, tha thứ… việc nhà nước để nhà nước lo ; tu hành mà đấu tranh, chống đối là còn Tham Sân Si… ! Những ai nói lên những bất công, sai trái của chế độ thì bị kết tội phản động, bỏ tù ! Chính những người vô Tổ quốc, vô tôn giáo, thiếu nhân tính, tình người mới là phản động mà không biết !

Phật tử ngày nay đa phần thích an nhàn, cầu an, sống theo thời, tùy duyên, khế cơ… ít quan tâm đất nước, dân tộc, đạo pháp… Một số thích vật chất, danh lợi có thể giải thoát ! Hoặc thuộc lòng kinh điển, hiểu sâu triết thuyết, giáo lý là chứng đắc ?

Song Chi : Còn đối với quần chúng, nhà nước cộng sản đã tiến hành những chính sách ngu dân hóa như thế nào thông qua con đường Phật giáo, thưa Hòa thượng ?

Thích Không Tánh : Đối với quần chúng, nhà cầm quyền không cho tự do tư tưởng, báo chí, tự do ngôn luận, phát biểu chánh kiến… Không có báo tư nhân, không có đài phát thanh nào của Phật giáo để quần chúng tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi, tu học chánh pháp. Phật tử chỉ đi chùa cúng bái, van xin cầu khẩn nhu cầu vật chất cá nhân…

Song Chi : Xin Hòa thượng cho một sự so sánh về chính sách tôn giáo của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa trước đây và nhà nước cộng sản Việt Nam bây giờ ?

Thích Không Tánh : Thời Việt Nam Cộng Hòa có Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp, có tam quyền phân lập rõ ràng. Dưới thể chế, chánh thể Việt Nam Cộng Hòa có Tự do, Dân chủ, Nhân quyền và theo Công pháp Quốc tế. Thể chế duy vật chủ nghĩa cộng sản mà thế giới đã kết luận : Chủ nghĩa cộng sản là "Tội ác chống Nhân loại" thì ai cũng biết lâu rồi !

Trước 1975, dưới chánh thể Việt Nam Cộng Hòa, Phật giáo có báo chí tư, có chương trình phát thanh hằng tuần trên các đài phát thanh từ trung ương đến địa phương. Sau 1975, hoàn toàn không có các phương tiện nầy, sách báo bị đốt bỏ ! Trước năm 1975, có trường Bồ Đề Tư thục, có Cô Ký Nhi Viện, có trường học, bệnh viện, nhà thương miễn phí, có giờ dạy đạo đức, công dân giáo dục, giáo lý cho các em. Sau 1975 hoàn toàn bị cấm chỉ, dẹp bỏ ! Sự khác nhau là ở thể chế chánh trị cộng với nền giáo dục. Chánh thể Việt Nam Cộng Hòa là một xã hội nhân văn, nhân bản, các bộ môn văn học nghệ thuật đều phát triển dù chỉ mới 21, 22 năm xây dựng.

Song Chi : Cái hại lớn nhất mà nhà nước Việt Nam đã và đang gây ra cho sự phát triển của Phật giáo là gì, thưa Hòa thượng ?

Thích Không Tánh : Cái hại mà chủ nghĩa duy vật theo ý thức hệ cộng sản gây ra cho Phật giáo là làm cho Phật tử không hiếu đạo theo hướng chánh pháp mà hiểu đạo Phật như một tôn giáo tiêu cực, bi quan, yếm thế, lánh đời, mê tín dị đoan, chỉ cầu an, cúng sao hạn như một thần quyền. Chạy theo vật dục, không được hiểu đạo Phật như một triết thuyết, học thuyết – như giải pháp khai mở tuệ giác, phá trừ vô minh nghiệp chướng nhằm đưa chúng sanh lên bờ Giác. Cần chứng đắc lý duyên sinh, vô thường, vô ngã, vị tha và xem việc thoát ly sanh tử, cứu độ chúng sanh là mục đích tối thượng mà Đức Từ phụ đã truyền dạy hơn 2.000 năm trước.

Song Chi : Sau 2 lần, năm 2005 và năm 2006, bị liệt vào danh sách các Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern (CPC) về Tự do tôn giáo, Việt Nam lại bị đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt ((Special Watch List) như đã đề cập ở trên và cũng có người cho rằng với những vi phạm nghiêm trọng trong thời gian qua, lẽ ra Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại vào danh sách CPC và có những biện pháp chế tài nghiêm khắc thì đúng hơn. Nhưng có vẻ như sự nhân nhượng, dễ dãi của chính phủ Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây về vấn đề nhân quyền đối với Việt Nam suốt một thời gian dài khiến cho tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam không hề được cải thiện. Theo Hòa thượng, những vị chân tu và tất cả những ai quan tâm đến tự do tôn giáo ở Việt Nam cần phải làm gì để thúc đẩy tự do tôn giáo và bảo vệ Phật pháp khỏi bị lũng đoạn, tha hóa ?

Thích Không Tánh : Việt Nam dầu nhiều lần bị liệt vào danh sách cần quan tâm và theo dõi đặc biệt nhưng tình trạng đàn áp tôn giáo vẫn rất nặng nề nhưng thế giới thì không làm gì được vì Việt Nam rất khéo bưng bít, che đậy, qua mặt ! Chư tăng, tu sĩ cần có tinh thần vô úy, dũng cảm vượt qua sự sợ hãi, mạnh dạn lên tiếng trước những đàn áp, bất công của chế độ duy vật, vô thần, độc tài toàn trị. Yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thực thi Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, tôn trọng những gì đã ký về các quyền dân sự, chánh trị, tự do căn bản của con người mới hy vọng bớt đi phần nào việc đàn áp Nhân quyền, Tôn giáo tại Việt Nam !

Song Chi : Xin chân thành cảm ơn Hòa thượng Thích Không Tánh.

Song Chi thực hiện

Nguồn : RFA, 22/05/2023

Published in Văn hóa

43 năm qua từ sau ngày cưỡng chiếm miền Nam, bạo quyền công sản Việt Nam không từ bỏ một thủ đoạn xảo quyệt nào, thẳng tay đàn áp trắng trợn, triêt hạ một cách có hệ thống các tôn giáo chính thống đã có mặt tại miền Nam từ rất lâu đời như Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Cao Đài, Tin lành, Phât giáo Hòa Hảo, Công giáo…

Đến nay gần như các cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bị xóa sổ, nhiều nhà thờ, chủng viện của các tôn giáo khác đã có gần thế kỷ qua đã và đang bị đập phá.

Từ Sài Gòn, Hòa thượng Thích Không Tánh tố cáo tội ác man rợ của bạo quyền cộng sản đàn áp, triệt hạ tôn giáo.

Nội dung như sau – Mời quí vị cùng nghe :

Hòa thượng Thích Không Tánh trả lời  phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành

Trần Quang Thành thực hiện

Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 13/11/2018

Published in Video

Phỏng vấn Hòa thượng Thích Không Tánh, về tình hình tự do tín ngưỡng tại Việt Nam

Từ ngôi chùa nhỏ, đang tá túc tại Quận Bình Thạnh, Sài Gòn, Hòa thượng Thích Không Tánh, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, thành viên của Hội đồng Liên tôn Quốc Nội bày tỏ vài suy nghĩ về đạo pháp, đất nước, dân tộc, niềm tin.

Đặc biệt, ngài nói thêm về tình hình tự do tín ngưỡng ở Việt Nam , ngay sau khi nhà nước Việt Nam ban hành Luật tôn giáo và tín ngưỡng vào năm 2018.

Tuấn Khanh thực hiện

Nguồn : RFA, 31/05/2018

*******************

Tự do tôn giáo Việt Nam 2017 : Tăng cường sách nhiễu (VOA, 30/05/2018)

Việt Nam có bước tiến về luật thực thi quyền tự do tôn giáo nhưng chính quyền lại tăng cường sách nhiễu các nhóm tôn giáo có ý kiến trái chiều, nhất là các nhóm Công giáo chỉ trích chính quyền, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá.

hoathuong1

Hoạt động của Hội Cờ Đỏ bị cho là sách nhiễu giáo dân

Nhận xét về Việt Nam trong phúc trình thường niên về tự do tôn giáo trên thế giới công bố vào sáng thứ Ba ngày 29/5 năm 2018, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nói Việt Nam đã có nỗ lực giảm đáng kể thời gian đăng ký hoạt động cho các nhóm tôn giáo chưa được công nhận. Theo đó, Mỹ ghi nhận rằng Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo của Việt Nam, vốn có hiệu lực từ đầu năm 2018, đã giảm thời gian chờ được công nhận đối với các nhóm tôn giáo từ 23 năm xuống còn 5 năm.

Ngoài ra Luật mới của Việt Nam cũng giảm nhiều các hoạt động tôn giáo đòi hỏi phải có sự chấp nhận trước của chính quyền, bản phúc trình ghi nhận.

"Lần đầu tiên Việt Nam cũng đã xác định rõ quyền địa vị pháp lý cho các nhóm tôn giáo đã được nhìn nhận. Luật quy định rằng các nhóm tôn giáo được thực hiện các hoạt động giáo dục, y tế, bảo vệ xã hội, từ thiện và nhân đạo phù hợp với các đạo luật liên quan", bản phúc trình viết nhưng cũng lưu ý rằng đạo luật mới về tôn giáo của Việt Nam không nêu cụ thể các đạo luật liên quan là đạo luật nào mà có khả năng mâu thuẫn với điều luật mới này, hay những bộ luật khác có điều luật không rõ ràng chẳng hạn như Luật Giáo dục.

"Các nhóm Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Bahai và Phật giáo đã được phép tổ chức giáo dục tôn giáo cho các tín đồ trong cơ sở của mình. Các sinh viên học sinh tiếp tục tham gia vào các buổi học giáo lý căn bản được tổ chức trong khuôn khổ khóa tu mùa hè ở các chùa, tự viện trên cả nước", phúc trình cho biết.

Tăng cường sách nhiễu

Bên cạnh đó, bản phúc trình về tự do tôn giáo của Mỹ cũng ghi nhận những trường hợp khiến họ quan ngại như trường hợp hai tù nhân tôn giáo tử vong bất thường trong tù và các hoạt động sách nhiễu đối với các nhóm hoạt động tôn giáo bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền.

Hai trường hợp tử vong bất thường đó là trường hợp của Ma Seo Sùng bị chính quyền xã Ea So, huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc, bị bắt với cáo buộc ‘tàng trữ ma túy’ nhưng sau đó chính quyền lại nói rằng người này cùng cháu trai đang ‘tìm kiếm miền đất mới của Chúa Trời.’ Trường hợp thứ hai là của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn bị Công an tỉnh Vĩnh Long bắt về với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ và ‘thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’. Sau đó chính quyền thông báo là Ma Seo Sùng đã treo cổ trong trại giam còn Nguyễn Hữu Tấn đã cắt cổ tự tử - cả hai vụ việc đều xảy ra vào tháng Năm năm 2017.

Ngoài ra, phúc trình cũng ghi nhận trường hợp của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đồng thời là nhà hoạt động tôn giáo và nhân quyền Nguyễn Bắc Truyền và Mục sư Tin Lành Nguyễn Trung Tôn bị bắt giữ vào tháng Bảy với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Còn tín đồ Hòa Hảo Bùi Văn Trung cùng gia đình đã bị bắt giam về tội ‘Gây rối trật tự công cộng’

Bên cạnh đó, một nhóm người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được biết đến với tên gọi "Nhà nước Degar" tố cáo họ tiếp tục bị Hà Nội theo dõi, thẩm vấn, bắt giữ tùy tiện và bị phân biệt đối xử, một phần là vì ‘hoạt động tôn giáo’ của họ, bản phúc trình cho biết.

Giới chức Việt Nam cho rằng các nhóm Thiên chúa giáo Degar đã ‘kích động ly khai bạo lực’. Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã thường xuyên giải tán các buổi tụ tập tôn giáo của họ và tổ chức các buổi từ bỏ ‘Thiên chúa giáo Degar’ hay ‘các tín ngưỡng Thiên chúa giáo khác’ cho tín đồ một cách công khai.

Một trong những hoạt động sách nhiễu tôn giáo được bản phúc trình nêu lên là vụ việc vào tháng Năm khi "các nhân viên an ninh mặc thường phục quấy nhiễu giáo dân và linh mục, tấn công giáo dân và hủy hại tài sản của Nhà thờ và tài sản của giáo dân" tại Giáo họ Văn Thai thuộc Giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An.

"Truyền thông Nhà nước và các trang blog ủng hộ chính quyền đã tìm cách bôi nhọ các linh mục tích cực hỗ trợ những nhà hoạt động và các nạn nhân của thảm họa môi trường Formosa", phúc trình nêu rõ và dẫn lại vụ các tổ chức xã hội do chính quyền kiểm soát như Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ đã tổ chức các cuộc phản đối lên án các Linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục của Giáo phận Vinh.

"Các trang blog ủng hộ chính quyền đã đăng nhiều bài viết lên án các linh mục Công giáo, cáo buộc họ nhận tiền và thông đồng với các thế lực thù địch với mục đích kích động bạo loạn chống lại Đảng Cộng sản và Nhà nước", phúc trình viết.

"Vào ngày 29 và 30 tháng 10, hàng trăm người thuộc Hội Cờ đỏ đã tập trung tại Giáo xứ Song Ngọc, Nghệ An, để lên án các giáo dân… khiến cho hai linh mục thuộc Giáo phận Vinh bị bao vây".

Ngoài ra, phúc trình cũng dẫn lại vụ xung đột xảy ra vào ngày 17/12 giữa giáo dân và những người ủng hộ chính quyền xung quanh việc xây dựng một nhà nguyện mới của Giáo phận Vinh. "Truyền thông Nhà nước đưa tin các giáo dân tấn công công an trong khi mạng xã hội tường thuật rằng các nhân viên an ninh mặc thường phục đã tấn công giáo dân theo lệnh của chính quyền địa phương", phúc trình cho biết.

Một trường hợp khác cũng được nêu lên trong bản phúc trình của Bộ ngoại giao Mỹ là vụ khoảng 10 người có vũ trang đã chen ngang thánh lễ tại Nhà thờ Giáo xứ Thọ Hòa ở tỉnh Đồng Nai hôm 4/9 để đòi trừng trị vị linh mục đã kêu gọi cải cách chính trị trên Facebook.

Bên cạnh các vụ sách nhiễu, Bộ ngoại giao Mỹ cũng ghi nhận nhiều vị chức sắc tôn giáo tại Việt Nam bị chính quyền cấm xuất cảnh như Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, Mục sư Thân Văn Trường vì lý do ‘an ninh quốc gia’.

"Tự do tôn giáo là yếu tố quan trọng trong khởi đầu của nước Mỹ. Bảo vệ quyền tự do tôn giáo mang ý nghĩa sống còn đối với tương lai chúng ta", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại buổi công bố bản phúc trình về tự do tôn giáo hôm thứ Ba ngày 29/5.

"Quyền tự do tôn giáo không phải của riêng chúng ta. Đó là quyền của bất cứ cá nhân nào trên thế giới. Tổng thống Trump đứng về phía những ai đấu tranh cho tự do tôn giáo. Phó Tổng thống của chúng ta cũng đứng về phía họ, và tôi cũng vậy", ông Pompeo nói và cho biết thúc đẩy quyền tự do tôn giáo cũng đồng nghĩa với thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng cho biết tại buổi công bố bản phúc trình là Mỹ sẽ tổ chức Hội nghị các bộ trưởng để thúc đẩy tự do tôn giáo tại Bộ ngoại giao vào ngày 25 và 26 tháng 7 tới đây.

"Tôi trông đợi chào đón những đồng sự đến từ những chính phủ có cùng chung suy nghĩ, cũng như đại diện các tổ chức quốc tế, các cộng đồng tôn giáo và xã hội dân sự để tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với tự do tôn giáo như là một quyền con người phổ quát", Ngoại trưởng Pompeo nói và cho biết hội nghị này sẽ xác định những cách cụ thể để đẩy lùi tình trạng kỳ thị tôn giáo cũng như đảm bảo sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo cho tất cả mọi người.

Published in Video