Những ngày qua có thông tin Viện Sử học Việt Nam vừa cho phát hành bộ sử Việt gồm 15 tập, do Giáo sư Phan Huy Lê làm chủ biên, trong đó khi nói đến miền Nam từ năm 1956 đến 1975, những nhà viết sử đã dùng danh xưng đúng của mảnh đất này là "Việt Nam Cộng Hòa" chứ không còn gọi là "ngụy quyền Sài-Gòn".
Bộ sử Việt gồm 15 tập - Ảnh minh họa
Nhiều thảo luận đã đưa ra lí giải vì sao có thay đổi cách gọi tên như thế.
Có ý kiến cho đây là vì Hà Nội muốn đòi lại chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng - những vùng quần đảo này trước đây thuộc về Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam), còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) qua Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại thừa nhận Hoàng Sa nằm trong lãnh hải Trung Quốc.
Theo công pháp quốc tế thì chỉ khi thừa nhận có quốc gia Việt Nam Cộng Hòa thì Hoàng Sa mới thuộc chủ quyền của nước Việt Nam.
Cũng có người nói thay đổi cách gọi tên của miền Nam là tạo không khí cho chính sách hòa giải dân tộc để chung sức chống lại Trung Quốc đang bành trướng.
Những nhà sử học cho đó là cách viết sử nghiêm minh và chuẩn mực, điều mà trước nay bởi nguyên do chính trị và tuyên truyền nên sách sử xuất bản tại Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua đã dùng những từ miệt thị khi nói về Việt Nam Cộng Hòa, như khi nói về chính quyền thì gọi là "ngụy quyền" và những người phục vụ chính quyền đó là "ngụy quân".
Tuy nhiên, một tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lên tiếng phản đối cách gọi tên đó và cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam Cộng Hòa là "một thây ma" đã chết từ lâu không việc gì phải dựng nó sống lại.
Trên Facebook của tôi, có bạn tỏ ra rất lạc quan với những biến chuyển chính trị trong vòng một năm qua, với việc Việt Nam đang xích gần lại với Hoa Kỳ hơn bao giờ hết trong quan hệ mang tính chiến lược, trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, và đang tạo ảnh hưởng đến lãnh đạo Hà Nội cũng như tác động đến nền kinh tế đang có nhiều khó khăn ở Việt Nam.
Hiệp định Paris 1973
Toàn cảnh lễ ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 tại Paris
Cũng có nhận định cho rằng sắp đến thời điểm đem Hiệp định Paris 1973 ra để thi hành.
Sự kiện này không phải là điều mới. Từ thập niên 1990, giáo sư Vũ Quốc Thúc, một nhà kinh tế và giáo sư đại học thời Việt Nam Cộng Hòa đã đưa ra chủ trương khôi phục và thi hành Hiệp định Paris, tức là đòi cho người dân miền Nam được quyền tự quyết về tương lai chính trị và những quyền tự do căn bản.
Căn bản của Hiệp định Paris là để quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam trong danh dự và hai miền chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình trên đất nước Việt Nam.
Sau đó giải quyết khác biệt chính trị bằng việc thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, tiến đến bầu cử để chọn lựa thể chế chính trị.
Hai chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam thực thi chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc, người dân miền Nam có các quyền căn bản, theo điều 11 của hiệp định :
- Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia ;
- Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân : tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín nguỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.
Về việc thống nhất hai miền Nam và Bắc, quyết định đó tùy thuộc vào chính phủ hai bên.
Hoa Kỳ cũng đồng ý viện trợ hơn ba tỉ đô la để tái thiết miền Bắc Việt Nam.
Hiệp định được Ngoại trưởng bốn bên ký tại Paris ngày 27/1/1973, gồm Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng Hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Ngày 30/4/1975 xe tăng và bộ đội cộng sản miền Bắc vào chiếm miền Nam, chính quyền Sài Gòn đầu hàng.
Một năm sau hai miền chính thức được thống nhất, đưa đến một thực tế là chỉ còn một nước Việt Nam từ đó đến nay.
Chủ trương hòa hợp hòa giải
Đất nước đã thống nhất, nhưng lòng người thì chưa. Đó là nhận xét của nhạc sĩ Phạm Duy khi ông trở về Việt Nam năm 2005 để sống những ngày cuối đời và chết ở đó.
Từ nhiều năm qua, lãnh đạo Hà Nội đã ban hành những nghị quyết, chính sách với mục đích hòa giải dân tộc, như Nghị quyết 36 cách đây hơn một thập niên ; những chính sách mời gọi người Việt ở nước ngoài, không phân biệt quá khứ, về đầu tư, tham gia vào việc xây dựng đất nước. Hay chính sách cấp thị thực 5 năm cho người Việt có hộ chiếu nước ngoài.
Những chủ trương hòa giải dân tộc đó đã nhắm sai đối tượng, vì chỉ quan tâm tới người Việt sinh sống ở nước ngoài, trong khi đối tượng chính mà nhà nước cần có tinh thần hoà giải là với những công dân Việt đang sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Ngày nay ở Việt Nam chưa có hòa giải vì những người bất đồng quan điểm với nhà nước vẫn còn bị sách nhiễu, giam tù hay quản chế.
Những tù nhân lương tâm đã được thế giới nhắc đến như Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Bắc Truyển, Trần Huỳnh Duy Thức là ví dụ.
Sách báo của Miền Bắc trước đây thường dùng cụm từ 'ngụy quân, ngụy quyền' để gọi chính phủ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa
Gọi tên "Việt Nam Cộng Hòa" lúc này có liên quan gì đến việc đòi lại chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa là điều tôi cho là xa vời, vì ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay quá lớn trong chính trường Việt Nam khiến lãnh đạo Hà Nội, dù có xích lại gần hơn với Hoa Kỳ, cũng sẽ không làm gì mạnh về chủ quyền trên Biển Đông.
Sự kiện Việt Nam, do áp lực từ Trung Quốc, tháng trước đã phải yêu cầu công ty Repso của Tây Ban Nha ngưng khoan dầu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy điều đó.
Qua việc nhắc đúng tên của miền Nam là "Việt Nam Cộng Hòa", tôi chỉ hy vọng lãnh đạo Hà Nội thực tâm nhìn nhận trên đất nước đó đã có một nền văn hoá, một không khí sinh hoạt chính trị sôi nổi trong hai mươi năm và những di sản đó vẫn còn trong lòng nhiều người Việt, trong nước cũng như tại nước ngoài.
Hãy để cho nền văn hoá đó được sống. Đừng cấm đọc, cấm in lại hay ngăn cản không cho phổ biến những ca khúc đã đi vào lòng hàng triệu người dân Việt. Điều đó sẽ thể hiện tinh thần hòa giải của chính quyền.
Còn nếu thực sự đem Hiệp định Paris ra làm căn bản hòa hợp hòa giải cho cả nước, đó sẽ là điều mừng cho đất nước và dân tộc, sau hơn 40 năm chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất.
Bùi Văn Phú
Nguồn : BBC, 25/08/2017
Tác giả là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.
Việt Nam Cộng Hòa, và trước đó là Quốc Gia Việt Nam, là một thực thể chính trị mà Hiệp Định Genève 1954 có nhiều nước, trong đó Trung Quốc và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký, công nhận chính quyền hợp pháp quản lý lãnh thổ kể cả biển phía Nam vĩ tuyến 17 của Việt Nam khi chưa thống nhất đất nước Việt Nam.
Tối 30/4 tại sân khấu của trường Đại học Cộng đồng Laney, Vũ đoàn Danny Nguyễn đã có chương trình tưởng niệm qua vũ nhạc kịch về lịch sử Việt, về hành trình đến Mỹ của người Việt với nhiều đau thương và mất mát (Hình : Bùi Văn Phú)
Về pháp lý quốc tế cũng như về mặt lịch sử rất hiển nhiên không thể chối cãi. Có thể khi còn đấu tranh chính trị vì lợi ích chính trị thì không công nhận nhau cũng là chuyện thường tình. Song chính trị thì luôn nhất thời và có thể thay đổi, nhất là khi đất nước đã thống nhất và đang có nhu cầu thống nhất lòng người đoàn kết dân tộc để phát triển hùng cường và đấu tranh chống nguy cơ, từ nguy cơ trở thành thuộc quốc hay nguy cơ tụt hậu.
Việc viết bộ sử Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập do Giáo sư Phan Huy Lê chủ biên, không dùng từ "ngụy quyền Sài gòn" mà sử dụng "Việt Nam Cộng Hòa" là bước tiến mới của giới sử học Việt Nam. Song tôi nghĩ phải có sự chính thức của chính quyền thống nhất hiện nay vì sẽ có nhiều cái lợi, như sau :
Một là, để đấu tranh bảo vệ chủ quyền chính đáng của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa mà pháp lý quốc tế hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi Trung Quốc bắt đầu tranh chấp chủ quyền năm 1909 cho Paracels mà Trung Quốc cho là đất vô chủ (res -nullius), thì sự chiếm hữu phải mang tính thật sự, nhà nước, liên tục và hòa bình.
Từ năm 1954 đến 1975 chỉ có chính quyền ở Miền Nam mới có quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa vì hai quần đảo này ở vị trí dưới vĩ tuyến 17, cũng đã từng được rất nhiều nước thừa nhận, nên phải được chính thức thừa nhận mới bảo đảm tính pháp lý quốc tế liên tục.
Hai là, hiện có hơn 4 triệu Việt Kiều trong đó các thành phần trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng rất quan trọng, công nhận Việt Nam Cộng Hòa sẽ tạo sự đoàn kết, hòa hợp hòa giải dân tộc. Nhân kỷ niệm ngày 30 thánh 4, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tuyên bố có "một triệu người vui, một triệu người buồn" đã tạo điều kiện hòa hợp hòa giải dân tộc mà tôi cũng đã phát biểu phải là chiến lược chứ không chỉ là sách lược.
Ba là sự đoàn kết dân tộc là điều kiện quan trọng, nhất là chất xám người Việt ở khắp nơi trên thế giới để xây dựng đất nước hùng cường mà hiện có triển vọng trở thành cường quốc biển chứ không chỉ là cường quốc trung bình như có nhà nghiên cứu ở Mỹ vừa phát biểu.
Bốn là, thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam chúng ta hiện nay có thể chính thức thừa hưởng gia tài rất quý báu về văn hóa giáo dục, kinh tế mà chính quyền Việt Nam Cộng Hòa với cơ chế mà gần như cả thế giới hiện nay đang thực hiện.
Cụ thể như tôi đã phát biểu trong Đại Hội kỷ niệm 50 năm thành lập Hôi Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, rằng giới sử học ở Miền Nam trước đây không bị ảnh hưởng về chính trị. Cụ thể qua 9 năm Tập San Sử Địa mà tôi là chủ nhiệm kiêm chủ bút thấy rất rõ không chịu ảnh hưởng về chính trị, đã có nhiều đóng góp mà tạp chí Xưa & Nay vừa rồi đã cho xuất bản nhiều chuyên đề từ Tập San Sử Địa. Hay về nền giáo dục ở Miền Nam từ tiểu học đến trung học, cao đẳng, đại học mà nay ta đang đổi mới sẽ tiếp tục rất nhiều thành quả, nhất là chương trình giáo dục trung học tổng hợp rất hiện đại mà khi áp dụng ở Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức là kết hợp rất truyền thống dân tộc Việt.
Như tôi đã từng phát biểu rằng bất cứ nước nào tôn trọng giới học thuật, khoa học, nghiện cứu, nước ấy sẽ phát triển và ngược lại rất khó phát triển. Tôi rất trân trọng giới chính trị cũng như những người có chính kiến khác nhau song tôi cũng rất mong giới chính trị tôn trọng tôi cùng những ý kiến của tôi.
Nguyễn Nhã (Tiến sĩ Sử học)
Nguồn : VOA, 24/08/2017
Đảng cộng sản Việt Nam thừa nhận chính thể Việt Nam Cộng Hòa ?
Câu trả lời là Không ! Bởi họ chưa bao giờ đủ tư cách để thừa nhận hay bác bỏ điều này. Có hàng ngàn lý do và dấu hiệu để nhận biết điều này. Nhưng vấn đề cốt lõi mà tôi muốn nói ở đây chính là Cấp độ văn hóa của thể chế chính trị cộng sản ; Tính chính danh của kẻ thừa nhận/công nhận và ghi chú ; Hệ quả của việc công nhận hay không công nhận này là gì ?
Bộ Lịch sử Việt Nam do các nhà sử học của Viện khoa học lịch sử Việt Nam hiện tại biên soạn, họ đã vứt bỏ hai chữ Ngụy và thay thế vào đó bằng chữ Việt Nam Cộng Hòa.
Chuyện công nhận, thừa nhận chế độ Việt Nam Cộng Hòa chỉ mới xuất hiện trong vài ngày gần đây, khi bộ Lịch sử Việt Nam do các nhà sử học của Viện khoa học lịch sử Việt Nam hiện tại biên soạn, họ đã vứt bỏ hai chữ Ngụy và thay thế vào đó bằng chữ Việt Nam Cộng Hòa. Mới nhìn, có vẻ như đây là sự thay đổi lớn về quan hệ giữa hai thể chế cộng sản và Việt Nam Cộng Hòa. Hay nói cách khác rằng đây là một sự công nhận. Nhưng thực tế, bản chất của việt thay đổi chữ này không phải là công nhận hay không công nhận.
Bởi chữ Ngụy không do quốc tế hay báo giới quốc tế viết nên, nó cũng không do nhân dân viết nên hoặc giả do người Việt Nam Cộng Hòa viết nên mà do chính những người cộng sản viết nên, ép buộc nhân dân phải dùng nó trong suốt quá trình học tập, lao động, tồn tại... Có một thời gian dài, nếu người dân dung chữ Việt Nam Cộng Hòa mà không dùng chữ Ngụy thì gặp rắc rối to. Không thiếu những người bị hạch hẹ, bị đánh gãy răng do cùng chữ Việt Nam Cộng Hòa mà không dùng chữ Ngụy.
Như vậy, suy cho cùng là chữ Ngụy do người cộng sản nhào nặn ra, đến khi họ cảm thấy không thể dùng được nữa thì vứt đi, dùng chữ khác. Và chẳng có sự công nhận hay không công nhận ở đây thông qua động thái đổi chữ của người cộng sản !
Bởi chuyện công nhận chỉ xảy ra khi người ta xin anh công nhận hoặc chí ít người ta cũng bắn tiếng để yêu cầu anh công nhận. Đằng này hoàn toàn không có động thái đó từ những người của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Và trên hết là cái điều gọi là công nhận của nhà nước cộng sản cũng chỉ dừng ở chỗ trước đây anh dùng cả một hệ thống tuyên truyền để gọi/áp đặt người ta vào chỗ Ngụy, giờ anh thấy làm chuyện đó tào lao, không bổ ích, anh bỏ nó đi. Như vậy, nếu có thái độ nghiêm túc thì cần phải có thêm một hành vi đúng đắn, thể hiện sự tử tế của chế độ : Công khai xin lỗi những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa vì bấy lâu nay đảng, nhà nước đã mạ lị, xúc phạm họ.
Thái độ nghiêm túc của một chính thể không thể là sự đánh tráo khái niệm, tuyệt nhiên không thể. Không thể bảo với một người nào đó, cho dù nó là đứa trẻ rằng tao gọi mày là thằng Trộm mặc dù tên của mày là Hùng/ Dũng/ Sang/ Trọng/ Phúc/ Quang/ Ngân gì đó. Và sau đó dùng quyền lực bắt người ta phải gọi thằng Hùng, con Ngân... này là Trộm. Cuối cùng, thấy việc mình làm đã quá đà, vô đạo đức, thiếu tư cách làm người thì quay trở lại tuyên bố nó tên Phúc/ Quang/ Ngân/ Hùng/ Dũng/ Sang/ Trọng chứ không phải tên Trộm như bấy lâu nay ! Thực ra việc này chỉ cho thấy anh vẫn chưa chạm được tới ngưỡng của người có văn hóa và anh tự huyễn hoặc bản thân.
Vì anh có công nhận hay không công nhận thì tên của nó vẫn cứ là Hùng/ Dũng/ Sang/ Trọng/ Phúc/ Quang/ Ngân... Cái tên này do cha mẹ đặt và khai sinh cho nó từ lúc mới đẻ, nó không thể vì chuyện anh áp đặt mà biến thành cái tên khác. Hơn nữa bản chất của nó không phải là trộm, cái tên Trộm là do anh áp đặt lên nó không thể làm thay đổi bản chất, gốc gác của nó được. Nó chỉ cho thấy thâm tâm của anh mờ ám, đen tối và thiếu liêm sỉ. Đơn giản là vậy, đừng bao giờ sai lầm nói rằng nhà nước Việt Nam đang công nhận chế độ Việt Nam Cộng Hòa bằng cách thay đổi chữ nghĩa trong các cuốn sử của họ. Nói như vậy cũng đồng nghĩa với không biết gì cả về lịch sử, chính trị và văn hóa.
Đó chỉ mới là yếu tố thứ nhất, vấn đề thứ hai là tính chính danh của người áp đặt. Cũng nên xem lại tính chính danh của nhà nước cộng sản, hãy xem nó từ chi tiết nhỏ nhất : Tự Do bầu cử. Thử hỏi trong chín chục triệu dân Việt Nam, có mấy người được quyền đề cử, ứng cử ? Và thử xem xét lại trong chín chục triệu dân này, có mấy người biết chính xác về nhân vật mình phải bầu ? Và hơn hết là thử hỏi trong chín chục triệu dân Việt Nam, có mấy người được phép từ chối bầu cử mà không bị ép chế, hỏi han, hạch sách ? Rồi có bao nhiêu điểm bỏ phiếu, không chạy theo chỉ tiêu, thi đua, đánh tráo phiếu gọi là "không hợp lệ" và kết quả bầu cử có được kiểm tra nghiêm túc ?
Một khi tất cả những câu hỏi này không được trả lời thỏa đáng thì chắc chắn là nhà nước tồn tại, hoạt động nhưng không chính danh. Mà một khi tư cách tồn tại của anh không chính danh thì anh lấy tư cách gì để xem xét, công nhận người khác ? !
Và thực sự, sau khi đã loại bỏ mọi cái vỏ ngôn từ nhằm mị người như công nhận, thừa nhận, xác nhận... Thì mục đích chính của người cộng sản lần này là gì ? Người ta đã đưa ra khá nhiều giả thuyết, cho rằng vì tính chính danh của Việt Nam Cộng Hòa trong vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa, nhà nước cộng sản Việt Nam buộc phải công nhận nhằm tranh đấu cho việc lấy lại biển đảo. Chuyện này nghe ra quá mơ hồ và chẳng có giá trị gì. Bởi muốn tranh đấu để lấy lại biển đảo, chỉ công nhận không thôi thì chưa đủ mà phải chính nhà nước Việt Nam Cộng Hòa đứng ra kiện mới có gái trị pháp lý. Như vậy liệu người cộng sản có muốn điều này ? Hoặc có chấp nhận để Việt Nam Cộng Hòa quay trở lại nhằm giữ toàn vẹn lãnh thổ ? Chắc chắn là không !
Giả sử cho rằng, người cộng sản sẽ đại diện cho chế độ cũ để kiện lấy lại Hoàng Sa – Trường Sa, chuyện này nghe ra quá buồn cười bởi muốn thừa kế, đại diện thì anh phải làm tròn trách nhiệm kẻ đến sau, kẻ thừa kế. Anh đã ném vài thế hệ bên thua cuộc vào đen tối, vào hố sâu cùng quẫn, cướp bóc của người ta một cách trắng trợn thì lấy tư cách gì để đại diện ? Ai cho phép anh đại diện ? Chuyện này càng khó !
Chỉ có một khả năng duy nhất, có sức thuyết phục hơn hết là sau động thái tổ chức truy bắt những kẻ đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người dân Đức tổ chức biểu tình kêu gọi chính phủ Việt Nam trả Trịnh Xuân Thanh, nhà nước Việt Nam quá bẽ mặt và thấy rằng mối nguy mất thuộc cấp đang mỗi ngày thêm cao. Trước đây mọi sự chưa rõ ràng, giờ trắng đen đã rõ : Đảng viên cộng sản gộc, tội phạm của đảng vẫn có chỗ dung thân trên đất phương Tây. Như vậy, những ngòi nổ âm ỉ bấy lâu nay trong nội bộ đảng sẽ bùng nổ trong một sớm một chiều khi họ cảm thấy có "đầu ra".
Và thử nghĩ với 5 triệu người Việt ở hải ngoại, họ hầu hết thành đạt và ổn định, cộng thêm với hàng loạt đảng viên có nguy cơ bỏ ra nước ngoài, cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ mạnh hẳn lên và họ sẽ có những cuộc hòa giải, hòa hợp trên đất khách sau "tiền lệ" Trịnh Xuân Thanh. Trong khi đó, ngân sách quốc gia ngày càng trống rỗng, người Việt hải ngoại muốn bảo lãnh người thân hoặc tìm cách đưa người thân ra nước ngoài theo diện du lịch, lao động (mặc dù rất ngắn hạn và mơ hồ) nhiều hơn là gởi tiền về giúp như trước đây. Lượng kiều hối từ hải ngoại đổ vào Việt Nam đã giảm mạnh kể từ đầu năm 2017 đến nay. Điều này khiến cho kẻ lâu nay huênh hoang phải giật mình nhìn lại. Nói là công nhận này khác, thực ra là đang cố dấm dúi để sửa sai và lấy lòng người đã bị mình ám hại.
Nhưng lấy lòng được tới đâu và người ta có chịu im lặng tha thứ, xem như không có chuyện gì hay không lại là chuyện khác. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ thành khẩn, chân thành của kẻ biết mình sai và biết hối cải !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 25/08/2017 (VietTuSaiGon's blog)
Bộ Lịch sử Việt Nam vừa xuất bản đang được công luận quan tâm. Nội dung có những thay đổi về cách nhìn nhận một số sự kiện lịch sử, trong đó, điều mà công luận quan tâm nhất là trả lại tên gọi cho chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và tế nhị vì vậy bộ sử nhận được rất nhiều hoan nghênh nhưng còn có cả những ý kiến phản đối dữ dội.
Kỷ niệm 25 năm chiến tranh Việt Nam : Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara (trái) gặp Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tổng thống Lyndon B. Johnson và Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu (Nam Việt Nam) trong Hội nghị Honolulu tại Camp Smith, Hawaii ngày 08 tháng 2 năm 1966. AFP photo
Thực ra, không phải bây giờ mà từ 6,7 năm nay, trong hệ thống chính trị đã đề cập về vấn đề này.
Đại đoàn kết có lẽ là tờ báo đầu tiên đưa ra luận điểm này với bài "Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam" (20/07/2011).
"Theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế".
Nhưng phải 3 năm sau, vào thời điểm Trung Quốc đem giàn khoan HD 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (tháng 5/2014), báo chí Việt Nam mới phản công rầm rộ. Nhiều tờ báo dẫn lại đọan trích trên của Đại Đoàn Kết hoặc dựa theo luận điểm này để bác bỏ sự luận điểm của Trung Quốc cho rằng Công hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.
Còn báo điện tử của Chính phủ viết :
"Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974".
Ông Trần Công Trục nguyên trưởng ban Biên giới của Chính phủ, tức là một quan chức cao cấp có trách nhiệm trực tiếp đến chủ quyền của đất nước, trong chương trình thời sự 19 giờ ngày 22/5/2014 của đài VTV1 còn nói toạc ra là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nếu có tuyên bố này nọ về Hoàng Sa, Trường Sa thì cũng chẳng có giá trị pháp lý gì :
"Các bạn hãy nhớ rằng tuyên bố của chúng ta vào thời kỳ 1958 nghĩa là cái lúc mà hai miền Bắc, Nam được hiệp định Genève ký kết năm 1954 phân chia quyền quản lý cho 2 nhà nước với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa. Quần đảo Hoàng Sa của chúng ta nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế theo hiệp định Genève, Và vì vậy, mọi tuyên bố, mọi hành vi của Việt Nam Cộng Hòa có giá trị pháp lý thay mặt Nhà nước Việt Nam quản lý vùng đất ấy còn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chúng ta không trực tiếp quản lý. Vì vậy cho dù tuyên bố đó như thế nào thì giá trị pháp lý trong quan hệ quốc tế không có. Cho nên Trung Quốc họ muốn dùng tất cả mọi lý lẽ để nói rằng chúng ta thừa nhận thì đấy hoàn toàn là sự bịa đặt".
Đấy là báo chí, còn bây giờ là chính sử. Vấn đề xoay quanh thể chế chính trị ở Miền Nam Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào là ngụy quyền hay Việt Nam Cộng Hòa. Câu hỏi dễ trả lời, đó là Việt Nam Cộng Hòa vì đấy là sự thật lịch sử.
Xuyên tạc Việt Nam Cộng Hòa là ngụy quyền, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa là ngụy quân là cách gọi nhằm phục vụ ý đồ tuyên truyền của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, là miệt thị đối phương. Sau khi Việt Nam Cộng Hòa thua trận, cách gọi này vẫn được duy trì, thể hiện tính hẹp hòi, bần tiện, không sạch sẽ của kẻ thắng trận.
Trả lại tên gọi Việt Nam Cộng Hòa và chính thức đưa vào chính sử thì vấn đề ảnh hưởng sâu và rộng hơn so với báo chí. Nhưng dù báo chí hay sử sách thì về nguyên tắc, nó không phản ánh quan điểm của thể chế chính trị đương thời mà trong trường hợp này là Nhà nước Việt Nam hiện nay. Cần phải có sự khẳng định, thừa nhận bằng văn bản hay bằng tuyên bố hoặc lồng vào nội dung nào cũng được của Nhà nước Việt Nam hay Bộ ngoại giao Việt Nam.
Tuy nhiên, do đặc thù của hệ thống chính trị ở Việt Nam thì việc báo chí, đặc biệt là sử sách viết như thế nào cũng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam chi phối, vì vậy nó vẫn phản ánh quan điểm, thái độ của Nhà nước Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa là bước tiến quan trọng. Tôi không cho đây là bước tiến. Bản chất của vấn đề là gọi lại cho đúng tên, thế thôi. Điều này có thể ghi nhận, chứ không có gì đáng khen. Liên hệ đến công cuộc gọi là đổi mới năm 1986. Từ chỗ nền kinh tế bị bóp nghẹt, Đảng Cộng sản Việt Nam nới lỏng ra một phần nên thoát ra được cuộc khủng hoảng kinh tế. Như vậy, cái gọi là "đổi mới" ở đây thực chất là sửa sai, từ chỗ cấm rồi buông, trói rồi cởi. Tuy nhiên, ông Đỗ Mười đã vơ công ấy là công của Đảng Cộng sản Việt Nam : "Không có Đảng thì không có đổi mới". Chỉ cần đặt ra câu hỏi ai cấm, ai trói và tự trả lời thì sẽ hiểu, công của Đảng cộng sản Việt Nam có hay không.
Vấn đề Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy, gọi chính thể này đúng tên cũng là việc sửa sai, có gì đáng khen. Lịch sử phải ghi lại những sự kiện một cách khách quan trung thực như nó đã xảy ra. Đó là thiên chức của người viết sử. Lịch sử không xu nịnh ai. Trả lại sự thật cho lịch sử là tất yếu.
Nhiều người còn nghi ngờ sự thực tâm khi gọi đúng tên của chính thể ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, cho rằng việc này nhằm vào nhiều mục đích chính trị. Có chăng, việc thừa nhận này nên ghi nhận và khuyến khích ở sự can đảm.
Dẫu đơn giản chỉ là gọi lại cho đúng tên, thế mà nhiều người đã giãy nảy lên, ra sức phản đối. Với họ, cứ phải gọi Việt Nam Cộng Hòa là ngụy quân ngụy quyền mới được. Họ cho rằng, Giáo sư Phan Huy Lê "đánh tráo sự thật lịch sử". Điển hình cho nhóm người này là ông Nguyễn Thanh Tuấn, trung tướng - nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng. Ông ta tỏ ra hậm hực và rất cay cú về bộ Lịch sử mới xuất bản, đòi xử lý nhóm biên soạn.
Đây là kết quả của sự nhồi nhét, tuyên truyền một chiều. Sự nhồi nhét ấy đã tạo ra một lớp người còn bảo thủ hơn cả Đảng. Đã có lời cảnh báo rằng rô bốt là sản phẩm của con người nhưng coi chừng có ngày con người không kiểm soát nổi nó.
Nhưng ý nghĩa của việc thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa không đơn thuần chỉ là tên gọi. Điều quan trọng ở chỗ, khi đã công nhận Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể, có giá trị pháp lý theo Hiệp định Genève tương tự Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Miền Bắc thì vấn đề nảy sinh từ đó là :
- Bản chất của cuộc chiến tranh 1954 – 1975 là gì ? Đó có phải cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước như trước nay vẫn tuyên truyền không ?
- Sự có mặt của Mỹ và đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam (Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines) có khác gì về bản chất so với sự có mặt của đồng minh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Miền Bắc (Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên) ở miền Bắc không khi cả 2 nhóm đồng minh này đều tham chiến ? v.v…
- Và vấn đề lquan trọng nhất là tại sao quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lại có mặt trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa và lật đổ nó ?
Ở đây, tôi chỉ gợi mở vấn đề, chứ không có tham vọng lý giải nó trong phạm vi một bài viết.
Dù sao thì, việc thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa cũng đáng hoan nghênh và là một sự can đảm cần khuyến khích. Thế hệ lãnh đạo Việt Nam hiện nay, vào năm 1975 họ chưa có vai trò gì. Họ không phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh. Cái khó nhất của họ là cuộc chiến tranh do thế hệ lãnh đạo trước tiến hành đã cho họ thừa hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi mặc dù với dân tộc và với đất nước thì không. Vì vậy, nếu họ dám thừa nhận sai lầm của thế hệ lãnh đạo trước và dám sửa cũng là một sự can đảm. Họ hoàn toàn nhận thức được bản chất của cuộc chiến tranh 1954-1975 chứ không đến mức bảo thủ như ông trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn vừa nêu trên. Điều quan trọng là họ có thực tâm hay không và thực tâm đến đâu Nếu biết đặt quyền lợi của đất nước, của dân tộc lên trên hết thì những vấn đề tưởng như là phức tạp sẽ giải quyết được. Đó là chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc, là sự hòa giải dân tộc, là khai thác và phát triển giá trị của Việt Nam Cộng Hòa và cao hơn là đưa đất nước tiến cùng thời đại chứ không phải hổ thẹn với quốc dân và thế giới như hiện nay.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 24/08/2017
Nếu Lịch sử biết nói thì thời gian 43 năm lặng lẽ trôi qua sẽ bảo các nhà viết sử cộng sản Việt Nam rằng : "Vì kiêu ngạo và nhát gan mà đảng cầm quyền đã lỡ một chuyến tầu".
Bộ "Lịch sử Việt Nam" từ khởi thủy đến năm 2000, gồm 15 tập có tổng số gần 10.000 trang đã không còn dùng từ "ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn" để chỉ chính thể Việt Nam Cộng Hòa trước 1975.
Tại sao ?
Vì rằng đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã để mất chính nghĩa chủ quyền quốc gia ở Biển Đông ngay khi quần Hoàng Sa bị quân Trung Quốc đánh chiếm từ tay Hải quân của Việt Nam Cộng Hòa ngày 19/01/1974.
Thời đó, chính quyền miền Bắc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã không dám hé răng phản đối Bắc Kinh vì sợ mất viện trợ và bị cắt đường tiếp vận vũ khí của Nga và các nước Đông Âu cộng sản cho miền Bắc xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa đi qua lãnh thổ Trung Quốc.
Bây giờ, 43 năm sau, bộ sách "Lịch sử Việt Nam" từ khởi thủy đến năm 2000, gồm 15 tập có tổng số gần 10.000 trang đã không còn dùng từ "ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn" để chỉ chính thể Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Và khi làm việc này, Đảng Cộng sản Việt Nam nhắm đạt được 2 điều :
Thứ nhất, việc công nhận Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam là một thực thể chính trị, song song với nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc trong giai đoạn 1954-1975 "có lợi trong việc tranh biện pháp lý cho chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trước Trung Quốc", theo quan điểm của giới nghiên cứu Việt Nam.
Thứ hai, mở ra một cánh cửa mới trong nỗ lực hòa giải, hòa hợp dân tộc giữa hai miền Nam-Bắc nói chung và giữa đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam với ngót 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, nói riêng.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, tổng chủ biên bộ sách nói với báo chí trong nước rằng : "Đây là tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ sử học. Hơn 30 nhà nghiên cứu sử học mất 9 năm để biên soạn bộ sử".
Phó Giáo sư Cường cho rằng : "Vấn đề Việt Nam Cộng Hòa trong các bộ sử tới sẽ phải nêu rõ hơn, khi đây là một thực thể tồn tại ở miền Nam Việt Nam gần 21 năm. Có một sự gối nhau khi năm 1954 có thể chế nữa gọi là Quốc gia Việt Nam. Đến năm 1955, Ngô Đình Diệm truất Bảo Đại để làm quốc trưởng, rồi trưng cầu dân ý, bầu Tổng thống...
Thời gian trước, nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, nhiều người vẫn quen gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng trong bộ sách gọi trung tính hơn là "quân đội Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn". Theo ông Cường, lịch sử cần phải khách quan, viết thế nào để cho mọi người chấp nhận" (VnExpress 19/8/2017).
Vẫn theo VnExpress, ông Cường nói thêm : "Khi viết tập 12, giai đoạn 1954 đến 1965, chúng tôi cũng có những tranh luận rằng có nên dùng "ngụy quân, ngụy quyền" như trước đây không ? Từ lâu, giới nghiên cứu đã cho rằng không nên dùng, nói hay viết cũng đều không sai, nhưng mang hơi hướng miệt thị. Trong bối cảnh hoà hợp dân tộc thì có những cách gọi cần thay đổi. Khái niệm dùng trong văn bản khoa học nên có sự khách quan, trung tính nên cuối cùng qua vài buổi tranh luận, tổ biên soạn quyết định dùng từ quân đội Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn".
Trên lãnh thổ Việt Nam từng tồn tại những thực thể chính quyền. Thời chống Pháp (1945-1954) ngoài chính thể là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì ở các đô thị lớn thuộc vùng tạm chiếm, Pháp đã thành lập chính quyền Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng. Sau Hiệp định Genève, ở miền Nam cũng có chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Dĩ nhiên, thực thể này không chính danh, không hợp pháp.
Ngoài nói thẳng tính chất phụ thuộc về mặt chính trị của chính quyền ấy, bộ sử cũng không né tránh khi viết về những thay đổi về kinh tế, văn hoá, xã hội ở những vùng chiếm đóng. Thậm chí, thừa nhận nền kinh tế hàng hóa miền Nam khi ấy phát triển hơn ở miền Bắc kế hoạch hóa tập trung ; hay chính quyền ấy cũng có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, khi Trung Quốc ra tay đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974...".
Trong câu nói này, ông Giáo sư Cường đã "tiền hậu bất nhất". Một mặt ông bảo "lịch sử cần phải khách quan, viết thế nào để cho mọi người chấp nhận" nhưng ông lại cho rằng nói hay viết (ngụy quân, ngụy quyền) cũng đều không sai.
Tại sao nó "đúng" và như vậy là không "mang hơi hướng miệt thị" hay sao ?
Ông còn"nửa tỉnh nửa say" khi nói "chính quyền Việt Nam Cộng Hòa" được thành lập ở miền Nam sau Hiệp định Genève 1954, không chính danh, không hợp pháp.
Tại sao "không chính danh" và "không hợp pháp" khi Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975) là một thực thể chính trị độc lập, có một chính quyền do dân bầu, có Hiến pháp và được 78 Quốc gia công nhận ?
Trong khi, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ năm 1954 đến năm 1976 cũng là nhà nước độc lập nhưng không do dân bầu và chỉ quản lý thực tế miền Bắc Việt Nam .
Nhưng trong đầu lãnh đạo đảng và các nhà khoa bảng Cộng sản Việt Nam thì chỉ có nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mới "chính danh" và "hợp pháp" trên toàn lãnh thổ.
Bằng chứng như cái loa tuyên truyền của Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) từng xuyên tạc : "Có thể nói, ngay từ đầu, chính thể "Việt Nam Cộng Hòa" đã không có một cơ sở pháp lý vững vàng nào. Mãi tới tận năm 1955 nó mới ra đời và ra đời một cách bất hợp pháp trên nửa lãnh thổ phía nam của Việt Nam như một "sáng tạo" thuần túy của người Mỹ nhằm theo đuổi các mục tiêu phản ánh lợi ích riêng của họ (thị trường Đông Nam Á, gia tăng ảnh hưởng ở vị trí chiến lược, ngăn chặn làn sóng xã hội chủ nghĩa…).
Trong khi đó Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được thành lập một cách chính danh trên toàn lãnh thổ Việt Nam vào năm 1945 sau cuộc Cách mạng tháng Tám của muôn triệu con dân đất Việt trước khi bất kỳ một lực lượng quân Đồng minh nào vào giải giáp quân Nhật. Ngay trong năm 1946, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội theo chế độ phổ thông đầu phiếu trên toàn quốc với sự tham gia của đông đảo đồng bào và đã có bản Hiến pháp đầu tiên được thông qua – hai sự kiện này đặt cơ sở pháp lý vững chắc cho nhà nước dân chủ mới khai sinh. Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ban hành những sắc lệnh, những văn bản pháp lý đầu tiên khẳng định nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ từ Bắc chí Nam.
Không những vậy, sau năm 1954 nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, dù đang trên thế thắng về mặt quân sự (với trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu) vẫn chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử sòng phẳng trên tinh thần hòa hợp để thống nhất đất nước đang tạm thời bị chia cắt. Tuy nhiên cả phía Mỹ và cái gọi là Việt Nam Cộng Hòa đều kiên quyết từ chối thiện chí đó !" (VOV, ngày 23/04/2015).
Lu loa như thế chỉ đúng nửa sự thật. Bởi vì từ sau Chính phủ Liên Hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, hay liên hiệp Quốc-Cộng 1946, và Quốc hội có dân bầu đầu tiên 1946, dù nhiệm kỳ cho đến 1960 mới chấm dứt, nhưng lực lượng phá hoại của Đảng Cộng sản Việt Nam do hai ông Võ Nguyên Giáp và Trần Quốc Hoàn chỉ huy đã tìm mọi cách để đánh phá hai đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội để chiếm độc quyền cai trị.
Bằng chứng đã được ghi trong Bách khoa toàn thư mở : "Hồ Chí Minh giao cho Võ Nguyên Giáp và Trần Quốc Hoàn , sau này trở thành Bộ trưởng Công an, nhiệm vụ vô hiệu hóa các cuộc biểu tình do Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội tổ chức nhằm chấm dứt hoạt động tuyên truyền của các đảng này trong dân chúng. Võ Nguyên Giáp kể lại : "Chúng tôi phải trừng trị bọn phá hoại... Nhưng bằng mọi giá phải tránh khiêu khích và đảm bảo không xảy ra xung đột lớn". Võ Nguyên Giáp dùng lực lượng tự vệ và các hội viên Hội Cứu Quốc phá các cuộc biểu tình này".
Như vậy, dù có "chính danh" trên giấy tờ nhưng chính phủ liên hiệp ban đầu đã thay hình đổi dạng bằng một Chính phủ và Quốc hội đảng cử dân bầu của riêng Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó cho đến ngày được gọi là "thống nhất đất nước chính thức", sau cuộc tổng tuyển cử ngày 25 tháng 4 năm 1976 và sau 20 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn do Đảng Cộng sản Việt Nam chủ động xâm lược Việt Nam Cộng Hòa từ 1955 đến tháng 4/1975, cái "chính danh" của Quốc hội đảng cử dân bầuvà nhà nước do đảng độc quyền lãnh đạo chưa bao giờ là "của dân, do dân và vì dân" như nhà nước tuyên truyền.
Lời Nguyễn Cơ Thạch
Nhưng tại sao Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc đã không dám phản đối Trung Quốc khi Bắc Kinh xua quân đánh chiềm Quần dảo Hoàng Sa tháng 1/1974 ?
Ông Dương Danh Dy, một chuyện gia về Trung Hoa của Việt Nam đã trích lời Thứ trưởng Ngọai giao Nguyễn Cơ Thạch vào thời điểm xẩy ra vụ Hoàng Sa để trả lời cho thắc mắc này.
Báo Tuần Việt Nam của Bộ Thông tin và truyền thông cộng sản Việt Nam, trong số ra ngày 6/1/2014 viết : "Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa, 19.1.1974, có một băn khoăn của nhiều người là tại sao lúc đó Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lại không lên tiếng.
Có phải chăng như sử gia Nguyễn Đình Đầu đã nghĩ rằng tình đồng chí giữa những người Cộng sản lúc đó còn lớn hơn lãnh thổ ?
TuanVietnam có cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu Trung Quốc lão thành Dương Danh Dy - người có may mắn biết được nội tình câu chuyện.
Phóng viên : Có một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là, hồi Trung Quốc đánh Hoàng Sa đầu năm 1974, tại sao Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lại không lên tiếng phản đối ?
Và, đối với một số người, thậm chí còn đặt vấn đề nặng hơn là Việt Nam lúc đó đã nể, sợ Trung Quốc. Thậm chí không ít người còn chỉ trích Ban lãnh đạo Việt Nam lúc đó còn đặt tình đồng chí cao hơn lãnh thổ quốc gia ?
Dương Danh Dy : Tôi xin nói rằng đó chính là câu hỏi mà tôi cũng thắc mắc cách đây 40 năm, khi còn là một tổ trưởng theo dõi quan hệ Việt - Trung. Tất nhiên, tôi phàn nàn với mấy anh bạn đồng nghiệp thôi. Nhưng không hiểu sao, ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao, nghe được, và cho gọi tôi lên gặp ông.
Ông Thạch, vốn rất quý tôi vì biết rõ tính ngay thẳng của tôi, đã nói luôn :
"Dy ơi, sao cậu dại thế ! Đất nước đã thống nhất chưa ? Thống nhất đất nước so với việc Trung Quốc chiếm nửa Hoàng Sa thì cái nào lớn hơn ?
Cậu có biết rằng viện trợ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu dành cho chúng ta chủ yếu đi qua đường nào ? Rồi cậu chắc biết hơn những người khác rằng Trung Quốc viện trợ cho chúng ta như thế nào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ...
Thế mà bây giờ, vì cái chuyện Hoàng Sa, mà đằng nào họ cũng chiếm của Việt Nam rồi, chúng ta lên tiếng, đã không làm được gì còn ảnh hưởng tới sự nghiệp lớn hơn".
Lúc đó, ông Thạch chỉ nói cho tôi đến thế thôi, và tôi cũng thông".
Ông Dy "thông" nhưng lịch sử thì không vì vào năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi Công hàm cho Thủ tướng Trung Hoa Chu n Lai nhìn nhận chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc trên Hoàng Sa và Trường Sa.
-----------------
Trong một dịp khác, lời nói của ông Dương Danh Dy còn được phổ biến trên Internet nhận định rằng : "Việc không nói để không ảnh hưởng tới sự nghiệp thống nhất đất nước thì rõ rồi. Nhưng việc không nói còn làm cho Ban Lãnh đạo Trung Quốc chủ quan, nghĩ rằng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa coi nhẹ vấn đề biển đảo mà không tìm cách đánh chiếm luôn quần đảo Trường Sa nữa"…
Rất tiếc dự đoán về ý đồ của Trung Quốc ở Trường Sa của chuyên gia Dương Danh Dy không hoàn toàn đúng. Thay vì "đánh chiếm hết", Trung Quốc đã làm chủ 7 đảo quân sự được tân tạo từ các bãi đá có vị trí chiến lược ở Trường Sa để đe dọa trực tiếp Việt Nam.
Đó là : đá Châu Viên, đá Chữ Thập, cụm đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Vành Khăn và đá Xu Bi.
Không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ chỉ dừng chân ở 7 vị trí này.
Như vậy, qua lời ông Nguyễn Cơ Thạch, ai cũng thấy rõ việc bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đối với đảng và chính phủ miền Bắc khi Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974 không quan trọng bẳng việc phải đánh phá để chiếm Việt Nam Cộng Hòa !
Bây giờ, có sáng mắt ra cũng đã quá muộn vì dù sách sử mới có nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa thì Hoàng Sa và một phần Trường Sa cũng đã nằm trong tay Trung Quốc.
Cho nên nếu Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã (thời Việt Nam Cộng Hòa ở lại) cho rằng"Việc thừa nhận này (Việt Nam Cộng Hòa)có lợi trước nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam"(Tuổi Trẻ online, ngày 20/08/017)thì cũng chi là mong ước mà thôi.
Bởi vì khi Phi Luật Tân mời Việt Nam tham gia vụ kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế năm 2013 để bác bỏ chủ quyền tự nhận của Bắc Kinh trong hình Lưỡi Bò (hay đường 9 đọan), chiếm ¾ diện tích trên 3 triệu cây số vuông biển đảo ở Trường Sa thì Việt Nam không dám làm.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng nói với báo Tuổi Trẻ rằng : "Từ năm 1954 - 1975 chỉ có chính quyền ở miền Nam Việt Nam mới có quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa vì hai quần đảo này ở vị trí dưới vĩ tuyến 17, cũng đã từng được rất nhiều nước thừa nhận, nên chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phải được chính thức thừa nhận mới bảo đảm tính pháp lý quốc tế liên tục".
Nhưng tại sao phải mất tới 43 năm, kể từ khi Trung Quốc dùng võ lực đánh chiếm quấn đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/1/1974, từ tay Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, sách sử của nhà nước cộng sản Việt Nam mới biềt nhìn nhận có một Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam để có lợi về mặt chủ quyền biển đảo ở Biển Đông nói chung và Hoàng Sa nói riêng ?
Tiến sĩ Nguyễn Nhã còn lạc quan, theo tường thuật của Tuổi Trẻ : "Trong cái nhìn triển vọng về việc thừa nhận chính thể Việt Nam Cộng Hòa, ông Nhã cũng lưu ý rằng "Hiện nay có hơn 4 triệu Việt kiều trong đó các thành phần trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng rất quan trọng. Công nhận Việt Nam Cộng Hòa sẽ tạo sự đoàn kết, hòa hợp hòa giải dân tộc, như ý nguyện lúc sinh thời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt".
Không chỉ thế, theo ông Nhã, "... Thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam chúng ta hiện nay có thể chính thức thừa hưởng gia tài rất quý báu về văn hóa giáo dục, kinh tế với cơ chế mà gần như cả thế giới hiện nay đang thực hiện. Đặc biệt như tôi đã phát biểu trong Đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học lịch sử Việt Nam rằng giới sử học ở miền Nam trước đây không bị ảnh hưởng về chính trị, hay quan điểm. Bất cứ nước nào tôn trọng giới học thuật, khoa học, nghiên cứu, nước ấy sẽ phát triển và ngược lại rất khó phát triển".
Quả là nhiêu khê đấy. Nếu chỉ cần tập sách sử biết nhìn nhận có một chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam từng kiểm soát chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa mà Đảng Cộng sản Việt Nam lấy lại được chính nghĩa để vận động toàn dân hy sinh bảo vệ lãnh thổ thì rẻ quá.
Nhưng cái gía mà nhà nước cộng sản Việt Nam phải trả cho hòa hợp, hòa giải dân tộc với người Việt Nam Cộng Hòa trong và ngoài nước còn cao gấp vạn lần hơn.
Còn cao hơn, nếu cụm từ "ngụy quân ngụy quyền" chỉ có gía trị trên trang sách mà trong đầu thì không.
Chỉ lỡ một chuyến tầu thôi mà khổ thế đấy.
Phạm Trần
(23/08/2017)
Tháng Tám năm 2017, lần đầu tiên từ thời điểm "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", đã diễn ra một sự kiện rất đặc biệt và hoàn toàn chưa có tiền lệ : Bộ sách Lịch sử Việt Nam - đã "nhìn nhận công lao nhà Mạc cùng chúa Nguyễn và các vương triều nhà Nguyễn, không gọi chính quyền Việt Nam cộng hoà là ngụy quân, ngụy quyền như trước, chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam...".
Bộ sách sử mới của Việt Nam, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn, 18/8/2017
Tin tức trên được báo Tuổi Trẻ đăng ngày 18/8/2017.
"Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam"
Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Cường, nguyên viện trưởng Viện sử học, chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam, đã trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ với một nội dung đáng chú ý : "Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam… Trước đây, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà, mọi người vẫn hay gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn. Lịch sử phải khách quan, phải viết thế nào để mọi người chấp nhận".
Diễn giải của ông Trần Đức Cường cũng là phát ngôn đầu tiên, hoặc đã có nhưng rất hiếm hoi, của một quan chức bậc trung về "Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam", dù được báo Tuổi Trẻ cẩn trọng giải thích là "bên lề buổi giới thiệu sách…", tức có thể hiểu là phát ngôn này không phải được phát ra trên diễn đàn chính thức.
Bằng chứng quá rõ về tính hiếm hoi trên là kể từ Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị đảng cầm quyền về "thực hiện công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài" từ năm 2003, kèm theo chủ trương "hòa hợp hòa giải dân tộc", chỉ đến năm 2015 mới le lói một cách nhìn ngấm ngầm trong nội bộ đảng về "thực thể Việt Nam Cộng Hòa", nhưng từ đó đến nay lại chưa có một phát ngôn chính thức nào của giới quan chức về điều này, càng không có bất kỳ đảng văn hay văn bản pháp quy nào đề cập đến vấn đề được xem là rất nhạy cảm chính trị này. Trong thời gian đó, hệ thống tuyên truyền của tuyên giáo đảng và công an vẫn sắt máu duy trì cụm từ "ngụy quân ngụy quyền", đặc biệt thể hiện trên các diễn đàn của giới dư luận viên, tuy mật độ nhắc đến cụm từ này có thuyên giảm đôi chút.
Nhưng dù "thực thể Việt Nam Cộng Hòa" không hoặc chưa phải là phát ngôn hay chủ trương được chính thức công bố, hiện tượng bộ sách Lịch sử Việt Nam không còn xem Việt Nam Cộng Hòa là "nguỵ quân ngụy quyền" vẫn là một sự xác nhận gián tiếp về tính chủ trương chưa được công bố, cùng lúc được "bật đèn xanh" từ một cấp trên nào đó.
Vậy "cấp trên" đó là cơ quan nào ? Là ai ?
Ai và vì sao ?
Thông thường và theo "đúng quy trình", người ta nghĩ ngay đến Ban Tuyên giáo trung ương. Còn "cao" hơn nữa chỉ có thể là Ban Bí thư hoặc Tổng bí thư.
Thế nhưng điều trớ trêu là từ trước đến nay, hầu hết phát ngôn công khai của giới chóp bu Việt Nam, từ Tổng bí thư Trọng trở xuống Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, hay các quan chức cấp cao khác…, đều chưa từng xác nhận "thực thể Việt Nam Cộng Hòa".
Dấu chỉ duy nhất về "hòa hợp dân tộc" liên quan đến Tổng bí thư Trọng được tiết lộ chỉ là việc vào đầu năm 2017, nhân vật này đã "gật" với đề xuất của Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh về "mời tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người đã cầm bút phục vụ chế độ cũ, về dự ‘Hội nghị hòa hợp dân tộc’ dịp giỗ tổ Hùng Vương".
Chưa có bằng chừng nào để khẳng định rằng Nguyễn Phú Trọng là người chủ xướng cho hội nghị đặc biệt trên, trong khi từ đó tới nay ông Trọng còn phải "căng mình" đối phó với đủ thứ chuyện đấu đá trong nội bộ đảng cùng nhiều mầm mống khủng hoảng kinh tế và xã hội. Và cả với cuộc khủng hoảng đối ngoại mới nhất mang tên "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh"…
Cần nhắc lại, "Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học" đã phải gánh chịu một thất bại - một phá sản cay đắng. Ngay sau khi ông Hữu Thỉnh phát ra tuyên bố về này, khắp các diễn đàn trong nước và đặc biệt ở hải ngoại đã phản ứng như sóng lừng. Rất nhiều ý kiến của nhà văn, nhà báo hải ngoại cho rằng sự kiện này về thực chất chỉ mang tính "cuội". Họ tung ra một câu hỏi quá khó để trả lời rằng Nghị Quyết 36 của Bộ Chính Trị về "công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài" đã ra đời mười mấy năm trước mà hầu như chưa làm được gì cả, nhưng tại sao đến nay mới sinh ra mới cái cử chỉ như thể "chiêu dụ người Việt hải ngoại" như thế ?
Nhiều ý kiến từ hải ngoại cũng thấu tim gan "đảng quang vinh" về chuyện suốt từ năm 1975 đến nay, đảng chỉ quan tâm đến "khúc ruột ngàn dặm" nhằm hút đô la "làm giàu cho đất nước" càng nhiều càng tốt, nhưng ai cũng hiểu là không có đô la thì chế độ không thể nào tồn tại.
Nhưng lại quá hiếm trường hợp trí thức của "khúc ruột ngàn dặm" được đảng ưu ái tạo cho đất dụng võ ở quê nhà. Sau hơn bốn chục năm "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", vẫn còn quá nhiều cảnh kỳ thị của nhà cầm quyền Việt Nam đối với giới trí thức và văn nghệ sĩ hải ngoại. Nhiều trí thức hải ngoại ôm mộng trở về Việt Nam để "cống hiến", nhưng cuối cùng đã phải chua chát biệt ly khỏi "vòng tay của đảng". Nếu tạm gác lại nhu cầu đô la, "khúc ruột ngàn dặm" đã chẳng có gì khác hơn là "ruột dư"…
Một câu hỏi "day dứt" khác : tại sao không phải những năm trước mà đến năm nay - 2017 - đảng mới lấp ló xác nhận gián tiếp về "thực thể Việt Nam Cộng Hòa" ?
Sự thật quá hiển nhiên là giờ đây, tình trạng chính trị và kinh tế của đảng cầm quyền là khó khăn hơn bao giờ hết. Sự bế tắc gần như toàn diện như thế đã khiến đang manh nha phát sinh một luồng tư tưởng cùng một số quan chức buộc phải nghiêng dần theo xu hướng "cải cách". Trong những "cải cách" đó, lần đầu tiên từ sau năm 1975 đã bộc lộ tín hiệu có vẻ đôi chút thực chất về "lấy lòng người Việt hải ngoại".
Kể cả làm thế nào để đạt được một thâm ý sống còn hơn hết thảy : cộng đồng người Việt ở các quốc gia, đặc biệt ở Mỹ, sẽ "để yên" cho nhiều quan chức và thân nhân quan chức Việt Nam ung dung rửa tiền, mua sắm nhà cửa, kinh doanh và hưởng thụ cuộc sống ở xứ sở tượng trưng cho lối thoát, nếu tình hình trong nước "có biến" ?
"Những người lính ở phía bên kia chiến tuyến"
Nằm trong khoảng giữa của "hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học" tháng 4/2017 và bộ sách giáo khoa Lịch sử Việt Nam tháng 8/2017, lễ kỷ niệm "Ngày thương binh liệt sĩ 27/7" năm 2017 lại có cái gì đó là lạ…
Ngày 25/7/2017, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Quỹ Mãi mãi tuổi 20… tổ chức hội thảo khoa học "Những bức thư thời chiến với truyền thống và văn hóa dân tộc".
Điểm nhấn của cuộc hội thảo trên là nhà văn Lê Thị Bích Hồng tìm được ở những lá thư thời chiến tinh thần và khát vọng hoà hợp dân tộc của những người lính "Việt cộng" và cả những người lính Việt Nam Cộng hòa "phía bên kia".
Báo chí nhà nước bình luận : Khát vọng hòa hợp dân tộc, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh cũng là động lực để nhà văn Đặng Vương Hưng đưa vào tuyển tập những lá thư thời chiến của những người lính ở phía bên kia chiến tuyến.
Khác với một số lần "trình diễn" trước với cụm từ "chế độ cũ", lần này có đôi chút "cách tân" hơn khi cuộc hội thảo trên và được báo chí nhà nước đưa tin đã lấp ló cụm từ "Việt Nam Cộng Hòa" như một hàm ý thừa nhận chế độ chính trị ở miền Nam trước năm 1975.
Chỉ sau hội thảo trên một ngày, Đài truyền hình Việt Nam như thể "vô tình" phát hình ảnh những người lính Việt Nam Cộng Hòa và lính quân giải phóng lồng với nhau, nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7…
Một tiền đề "tự chuyển hóa" ?
Tháng Tám năm 2017. Hiện tượng bộ sách Lịch sử Việt Nam gián tiếp xác nhận "thực thể Việt Nam Cộng Hòa" có thể được xem là một sự kiện lịch sử, và có thể là một tiền đề dẫn đến một giai đoạn "tự chuyển hóa" về quan điểm chính trị của đảng, hay nói chính xác hơn là bắt đầu từ một bộ phận nào đó của đảng cầm quyền. Tiến trình chuyển đổi này có thể nhanh hơn hoặc tăng tốc vào năm sau - 2018.
Ngân sách đang hiện ra nhiều dấu hiệu cạn kiệt nhanh khó lường. Trong tình thế hầu hết các nguồn "ngoại viện" đều đóng cửa, không "tự chuyển hóa" thì đảng thì đảng sẽ... hy sinh.
Bối cảnh của thái độ dần thừa nhận "khúc ruột ngàn dặm" lại đậm đà dấu ấn "thu nhập ngân sách" : sau 23 năm tăng trưởng liên tục, lượng kiều hối do "kiều bào ta" gửi về Việt Nam đã sụt giảm nặng nề vào năm 2016, chỉ còn 9 tỷ USD so với 13,5 tỷ USD của năm 2015. Vào nửa đầu của năm 2017, lượng kiều hối thậm chí còn "suy thoái tư tưởng" ghê gớm hơn, đến mức cho tới thời điểm này Tổng cục Thống kê còn không dám công bố con số kiều hối về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017.
Trong khi đó, một dự báo của Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ còn cho thấy trong năm 2017 này, lượng kiều hối về Việt Nam có thể chỉ còn 5,4 tỷ USD. Tức "tụt hậu" đến chẵn một thập kỷ…
Một bài toán quá khốn quẫn đang dựng đứng : nếu không thu hút được đủ nhiều kiều hối của "kiều bào ta", chính phủ đào đâu ra ngoại tệ mạnh để bù đắp hố nhập siêu đến năm chục tỷ đô la từ Trung Quốc và trả nợ nước ngoài hàng chục tỷ Mỹ kim mỗi năm ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 21/08/2017
Nếu ngày nay nhiều người nghĩ rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa mặc dù những thiếu sót của nó vẫn còn hơn hẳn chế độ cộng sản bây giờ thì đó chính là nhờ những người, khá đông đảo, như Nguyễn Văn Loan.
Nguyễn Gia Kiểng, Nguyên Văn Loan, Nguyên Sơn Bá (Paris, 2013)
Năm 2016 đã là một năm đau nhức cho Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi. Không phải là sự phản bội của một nhóm người mà một phần dư luận đã biết. Sự cố đó tuy rất đáng phẫn nộ nhưng chỉ khiến tổ chức thanh lọc đội ngũ và lành mạnh hơn. Nỗi đau là ở chỗ chúng tôi đã mất hai người anh cả kính mến : anh Nguyễn Văn Loan và anh Nghiêm Văn Thạch. Ngày 21/07/2017 vừa qua này là ngày giỗ đầu tiên của anh Loan.
Tôi chỉ biết anh Loan sau khi đã về làm việc trong nước, dù trước đó tại Paris tôi đã biết đến khá nhiều nhân vật Việt Nam. Paris trong thập niên 1960 và cho tới năm 1973 là nơi được nhiều người Việt lui tới nhất. Đó là nơi mà phần lớn con cái các gia đình quyền thế du học. Từ năm 1968 lại có hội nghị Paris quyết số phận của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Hầu hết các nhân vật quan trọng và các nhà báo lớn đều đến Paris vì việc riêng cũng như việc công. Tôi gặp nhiều người trong họ và qua họ đã tạm biết ai là ai tại miền Nam lúc đó. Tuy vậy tôi không hề nghe nói tới anh Loan cho đến khi về Việt Nam.
Tôi làm việc cho Nha Đầu Tư ngân hàng Việt Nam Thương Tín, một ngân hàng của nhà nước nhưng có quy chế tự quản. Miền Nam lúc đó có 33 ngân hàng và Việt Nam Thương Tín lớn hơn tổng số 32 ngân hàng kia cộng lại. Nha Đầu Tư có nhiệm vụ kiểm soát các công ty liên hệ thuộc Việt Nam Thương Tín, nghĩa là những công ty mà Việt Nam Thương Tín làm chủ một phần vốn, thường là đa số tuyệt đối. Các công ty này chiếm hai phần ba thương vụ các công ty quốc doanh và gần một nửa hoạt động kinh tế miền Nam lúc đó. Nha Đầu Tư này trên thực tế là một quỹ đầu tư kiểm soát phần lớn kinh tế miền Nam dù dư luận ít ai biết tới nó, ngoài những người "trong cuộc", nghĩa là những chuyên viên và những người có thẩm quyền về kinh tế. Đứng đầu nha này là Nguyễn Sơn Bá, bạn của tôi từ lúc du học Pháp. Anh Bá tốt nghiệp trường Chính Trị (Sciences Po) Paris và về nước trước tôi, bây giờ cũng ở Paris và cũng ở trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên với tôi. Nha này đặt ở lầu 5 trong một cao ốc 10 tầng của trụ sở trung ương của Việt Nam Thương Tín, ngay sát Bến Chương Dương. Trên hành lang vẫn còn treo một bảng với hàng chữ "Trung Tâm Huấn Luyện" vì trước đó lầu 5 dành cho trung tâm này. Từ một năm trước khi tôi về nước công việc của trung tâm này phần lớn cũng do Nha Đầu Tư đảm nhiệm, một phần do Nha Khảo Cứu. Trung Tâm Huấn Luyện này chỉ còn trên sơ đồ tổ chức của ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Lý do là vì ông giám đốc được cử sang làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc Kỹ Thương Ngân Hàng, một ngân hàng do Việt Nam Thương Tín làm chủ 99% vốn. Ông này không ai khác hơn là Nguyễn Văn Loan.
Văn phòng của tôi lại cũng chính là văn phòng của anh Loan trước trước khi anh được bổ nhiệm sang Kỹ Thương Ngân Hàng, bàn làm việc của tôi cũng là của anh Loan trước đây. Anh Loan trên nguyên tắc vẫn còn là giám đốc Trung Tâm Huấn Luyện. Văn phòng này không phải là văn phòng lớn nhất nhưng chắc chắn là văn phòng đẹp nhất của trụ sở Việt Nam Thương Tín. Nó đặt ở lầu chính giữa của cao ốc nên tiện lợi để giao dịch với các bộ phận khác của ngân hàng nhưng, đặc sắc hơn, nó ở nằm góc, đúng ra là ở khúc lượn vì tòa nhà này được thiết kế không có góc, giữa đường Hàm Nghi và đường Tôn Thất Đạm, cho phép nhìn thấy cả Bến Bạch Đằng lẫn Bến Chương Dương. Anh Loan chắc thích văn phòng này lắm nên đã nhờ một hoạ sĩ danh tiếng vẽ ngân hàng Việt Nam Thương Tín với văn phòng này ở giữa. Khi phải rời Việt Nam anh cũng mang theo bức tranh này trong số hành lý ít ỏi. Khi tôi tới Paris anh tặng cho tôi. Nó được treo ở phòng khách nhà tôi từ hơn 30 năm nay.
Lần đầu tiên tôi nghe đến tên anh Loan là khi Nguyễn Sơn Bá trình bày sơ đồ tổ chức của ngân hàng khi tôi mới nhận việc. Anh Bá còn cho biết thêm là anh Loan hiện ở trong cùng cư xá Việt Nam Thương Tín với chúng tôi. Tôi tự nhiên cảm thấy một sự nể phục với anh Loan dù chưa gặp. Việt Nam Thương Tín là đóa hoa của chế độ Việt Nam Cộng Hòa lúc đó về cả phẩm lẫn lượng. Một ông cựu bộ trưởng có lần nói với tôi rằng Việt Nam Thương Tín kiểm soát gần hết kinh tế Việt Nam. Hơi quá nhưng cũng phản ánh một phần sự thực. Ông Nguyễn Huy Hân, lúc đó là tổng giám đốc thuế vụ, tuyên bố với báo chí : "lương của tôi không bằng lương một người tài xế Việt Nam Thương Tín". Cũng hơi quá nhưng cũng phản ánh một phần sự thực. Việt Nam Thương Tín trả lương cao và ngược lại đòi hỏi nhân viên làm việc thật hiệu quả. Được tuyển dụng vào Việt Nam Thương Tín là ước mơ của thanh niên Việt Nam tốt nghiệp đại học lúc đó. Họ phải qua một cuộc tuyển chọn khó khăn và sau đó qua một thời gian huấn luyện và sàng lọc trước khi được chính thức tuyển dụng. Đứng đầu Trung Tâm Huấn Luyện như vậy phải là một người có nghiệp vụ ngân hàng rất cao. Tôi cũng chưa bao giờ nghe bất cứ ai nói một điều bất lợi về anh Loan trong vô số những bàn tán và phê phán về các cấp lãnh đạo Việt Nam Thương Tín lúc đó.
Dù anh Loan ở cùng cư xá với tôi, nhà anh chỉ cách nhà tôi không tới 50 m và cuối tuần nào tôi cũng thấy anh chơi tennis ở sân tennis nằm chính giữa cư xá và ngay trước nhà tôi nhưng trong mấy tháng đầu tôi chưa có dịp nói chuyện trực tiếp với anh. Lần đầu tiên tôi thực sự gặp anh là tại văn phòng, văn phòng cũ của anh và bây giờ là của tôi. Anh có dịp ghé ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Mới gặp tôi anh đã vồn vã như quen biết nhau từ rất lâu và làm tôi ngạc nhiên thú vị vì anh tỏ ra biết rất rõ về tôi. Thế là vừa găp đã thân nhau. Anh hỏi tôi có thấy vị trí văn phòng này đẹp không. Tôi chỉ có thể đồng ý. Anh Loan cười khoái chí "mình cần đẹp chứ đâu cần lớn", rồi anh lấy tay hích tay tôi như để thêm hương vị cho câu nói đùa. Sau này tôi khám phá ra là anh Loan có thói quen lấy tay hích vào tay tôi để lôi kéo sự chú ý mỗi khi nói điều gì đặc biệt hoặc vui nhộn. Ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên đó tôi đã xác nhận cảm giác ban đầu khi chưa găp anh mà chỉ nghe một vài lần một vài người nhắc đến anh : anh Loan là một người hiền lành, vui tính, giản dị và không có tham vọng quyền lực nhưng có khả năng chuyên môn rất cao.
Anh Loan sinh năm 1930, đi du học Paris sau tú tài và tốt nghiệp cử nhân luật rồi về Việt Nam làm ngân hàng. Ở vào thời thanh niên của anh, nghĩa là từ 1954 trở đi, những người tốt nghiệp nước ngoài như anh rất hiếm và có thể có những địa vị rất cao trong xã hội miền Nam Việt Nam, như hầu hết các bạn anh. Nhưng Nguyễn Văn Loan không màng những chuyện đó, anh lặng lẽ làm việc trong ngân hàng, lên dần tới chức giám đốc trong ngân hàng Việt Nam Thương Tín rồi vì hoàn cảnh mà được chuyển sang làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc Kỹ Thương Ngân Hàng. Ngân hàng này đứng hàng thứ ba về tầm vóc trong số các ngân hàng miền Nam lúc đó. Mới đầu nó là một ngân hàng của một tổ hợp của Quân Lực Việt Nam Công Hòa có tên là Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân. Quỹ này lấy vốn từ tiền tiết kiệm bắt buộc của các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa và gồm đủ loại công ty như ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, vận tải, cơ khí v.v. trong đó Kỹ Thương Ngân Hàng là đầu não. Sau một thời gian chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lấy quyết định giải tán tổ hợp này vì ba lý do chính : quân đội không nên làm kinh doanh vì sẽ mất tính chiến đấu, ép buộc các quân nhân phải đóng tiền cho quỹ tiết kiệm này bằng cách khấu trừ tự động vào lương là sai bởi vì nhiều người quá nghèo và cần tiền cho gia đình, hơn nữa việc điều hành tổ hợp này lại có những điều thiếu minh bạch. Quyết định sau cùng là chỉ thị cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín mua lại quỹ này để hoàn trả cho các quân nhân đồng thời điều khiển các công ty của tổ hợp mà phần lớn đã rệu rã trong giai đoạn chính phủ quyết định giải tán tổ hợp nhưng chưa có giải pháp cho các công ty con. Trong số các công ty con này Kỹ Thương Ngân Hàng là công ty lớn nhất và rắc rối nhất, cần một tổng giám đốc rất có bản lĩnh và nhất là không thể bị ngờ vực. Thế là anh Nguyễn Văn Loan đang làm công tác đào tạo được cử sang làm chủ tịch tổng giám đốc, một chức vụ lớn trong xã hội miền Nam lúc đó. Chức vụ này anh Loan không hề thèm muốn nhưng cũng không sợ. Có lẽ anh chỉ dự định giữ chức vụ này một thời gian để chấn chỉnh lại ngân hàng này rồi thôi nên anh vẫn yêu cầu ngân hàng Việt Nam Thương Tín giữ cho anh chức vụ giám đốc Trung Tâm Huấn Luyện và chỉ coi anh như tạm thời vắng mặt. Điều này cũng nói lên nhiều về con người Nguyễn Văn Loan, anh không ham chức lớn nhưng làm gì cũng làm đến nơi đến chốn. Tôi thấy vui và ngạc nhiên là dù đã rời Trung Tâm Huấn Luyện để sang làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc một ngân hàng khác nhưng anh Loan vẫn theo dõi hoạt động huấn luyện, lúc đó chủ yếu do Nha Đầu Tư của chúng tôi đảm nhiệm. Chính vì nhu cầu huấn luyện mà tôi đã soan ra một tài liệu với tựa đề là Mô Thức Kiểm Soát Quản Trị. Từ "mô thức" (model, modèle) trong tiếng Việt bắt đầu từ đó. Thực ra đây là một tài liệu học tập nội bộ của Nha Đầu Tư mà công việc là kiểm soát hoạt động của hơn 30 xí nghiệp liên hệ thuộc Việt Nam Thương Tín. Anh Loan nói rằng anh rất thích tài liệu này và đã cho in để phổ biến trong Kỹ Thương Ngân Hàng. Có lẽ vì thế mà một sinh viên trường Đại Học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt đã có được một cuốn và làm một luận án tốt nghiệp với tựa đề "Mô Thức Kiểm Soát Quản Trị của Nguyễn Gia Kiểng".
Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên này chúng tôi trở thành bạn thân và anh Loan sau mỗi lần chơi tennis thường tạt qua kéo tôi ra ngoài sân nói chuyện. Nói chuyện ngoài sân vừa mát vừa kín đáo, nhất là chúng tôi thường nói với nhau bằng tiếng Pháp. Tôi khám phá ra một điều lý thú là trái với bề ngoài vô tư anh Loan rất quan tâm tới chính trị và tình hình chiến sự. Anh có rất nhiều thông tin chính xác. Anh Loan biết hầu hết các nhân vật Việt Nam, quân sự cũng như dân sự, người nào anh cũng nhớ một giai thoại hài hước nói lên bản chất. Mỗi lần kể một câu chuyên ngộ nghĩnh anh lại lấy tay hích tay tôi để cùng cười. Anh Loan trở thành một cuốn "tự điển nhân vật Việt Nam" của tôi, anh không chỉ biết ai là ai mà còn hiểu biết về chính trị và chiều sâu của những vấn đề đang đặt ra cho Việt Nam lúc đó.
Có lần tôi hỏi anh Loan :
-Anh Loan biết nhiều về chính trị như vậy sao không tham gia chính quyền ?
Anh đáp :
-Chính vì moa hơi biết về chính trị một chút nên moa biết là moa không đủ khả năng, còn mấy cha kia chẳng biết gì cả nên cứ tưởng là làm chính trị không cần học. Mấy chả chỉ coi làm chính trị là để có danh vọng. (Do thói quen nói tiếng Pháp anh Loan dùng đại từ moa và toa, thay cho tôi và anh khi nói tiếng Việt với bạn bè).
Rồi anh lấy tay hích tay tôi vừa cười khoái chí vừa nói : "trâu nghé đâu biết sợ cọp, dốt quá thì đâu biết mình dốt !"
Với thời gian tôi nhận ra là anh Loan đánh giá rất thấp những người cầm quyền trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Có những người anh đánh giá là trong sạch nhưng không có tài, còn phần đông vừa không trong sạch vừa không có tài. Một trường hợp ngoại lệ là Nguyễn Ngọc Huy. Anh Loan đánh giá cao ông Huy nhưng không ủng hộ dù đã được bạn bè của ông Huy rủ rê nhiều lần. Lý do là vì ông Nguyễn Ngọc Huy đã không có thái độ dứt khoát với nhóm Liên Trường một nhóm mà theo anh có khuynh hướng "Nam Kỳ tự trị" và kỳ thị người Bắc, một khuynh hướng mà anh rất ghét dù là người miền Nam chính hiệu, cũng như anh rất ghét tham nhũng.
Có lần anh tới Nha Đầu Tư Việt Nam Thương Tín gặp Nguyễn Sơn Bá và tôi để trình bày một trường hợp khá đặc biệt. Một đại tá đến gặp anh để xin cấp một giấy chứng nhận là có 15 triệu đồng ký thác trong Kỹ Thương Ngân Hàng mặc dù không có trương mục (tài khoản). Ông đại tá cho biết đã được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng nhưng chỉ có thể nhận chức nếu có bằng cớ là sẽ có đủ 15 triệu đồng để nộp cho "cấp trên" tại phủ tổng thống. Số tiền này, theo lời ông đại tá, không nhất thiết là hối lộ mà cũng dùng cho quỹ an ninh và tình báo. Ông đại tá khẳng định rằng chỉ vài ngày sau khi nhận chức ông sẽ có dư số tiền này do các doanh nhân lớn trong tỉnh "đóng góp". Theo anh Loan những trường hợp như vậy đã từng xẩy ra tại các ngân hàng khác. Anh nói thêm rằng viên đại tá này phải là người tương đối trong sạch nên mới không có 15 triệu và cũng không có bạn bè hay họ hàng giầu có để vay. Anh hỏi ý kiến chúng tôi bởi vì trên nguyên tắc Kỹ Thương Ngân Hàng là một ngân hàng con của Việt Nam Thương Tín và do đó chịu sự kiểm soát của Nha Đầu Tư. Tôi hỏi anh nghĩ thế nào, anh cười nói : "Moa biết ý kiến của toa rồi, moa chỉ gặp toa để có thể nói với ông đại tá kia là bên Việt Nam Thương Tín không đồng ý và tôi không làm khác được vì Việt Nam Thương Tín là công ty mẹ của Kỹ Thương Ngân Hàng". Rồi chúng tôi bàn về trường hợp này và cùng ngao ngán cách điều hành quốc gia lúc đó. Nếu quả thực số tiền 15 triệu này chỉ để dùng cho an ninh thì có nhiều phương pháp khác để các doanh nhân đóng góp một cách vừa kín đáo vừa minh bạch, nhưng tiếc rằng cái khó của tình thế đã đi đôi với cái dở của những người cầm quyền.
Một kỷ niệm riêng với anh Loan là vào năm 1974 anh đưa ra một dự án cải tổ hoàn toàn cách làm việc của Kỹ Thương Ngân Hàng và nhờ tôi làm cố vấn chỉ đạo. Chính trong lúc đang làm việc với anh Loan và ban giám đốc Kỹ Thương Ngân Hàng mà tôi nhận được điện thoại của ông Lê Tấn Lộc, tổng giám đốc Việt Nam Thương Tín, thông báo rằng tôi vừa được chỉ định làm phụ tá tổng trưởng bộ kinh tế. Dự án này vì vậy chỉ thực hiện được một phần.
Trong những tháng cuối của Việt Nam Cộng Hòa, nhất là kể từ khi Phước Long thất thủ đầu năm 1975, anh Loan trao đổi nhiều với tôi về tương lai miền Nam. Chúng tôi đều đồng ý rằng sự thảm bại của Việt Nam Cộng Hòa là điều chắc chắn. Quân đội cộng sản đã có thể điều động từ xa môt lực lượng hùng hậu đến đánh chiếm một tỉnh lỵ chỉ cách thủ đô Sài Gòn khoảng 100 km mà quân lực Việt Nam Cộng Hòa không làm gì được dù đã biết cả tháng trước thì phải hiểu rằng Việt Nam Cộng Hòa đã hoàn toàn kiệt quệ. Tôi còn nhớ rõ lời anh Loan (anh nói bằng tiếng Pháp) : "Nếu chúng ta phải thua cuộc chiến này thì cũng đúng thôi. Cộng sản nó tàn bạo thực đấy nhưng nó có tổ chức và có quyết tâm chiến thắng. Bên mình thì chỉ có những người tranh giành địa vị, không có quyết tâm cũng chẳng có tổ chức và cũng chẳng biết gì về chính trị. Có bất công chăng là đối với đám trẻ, họ chiến đấu và hy sinh nhưng họ không có những cấp chỉ huy xứng đáng về cả chính trị lẫn quân sự". Anh Loan hỏi tôi liệu Mỹ có sẽ can thiệp để cứu Việt Nam Cộng Hòa không, tôi trả lời là không. Anh Loan cũng gật đầu và nói rằng người Mỹ đã quá kiên nhẫn với Việt Nam Cộng Hòa rồi, họ không thể can thiệp nữa.
Sau ngày 30-4-1975 rất may là anh Loan không bị đi tù như nhiều người trong đó có tôi bởi vì anh là một người thuần túy chuyên môn và cũng không thuộc diện sĩ quan biệt phái. Anh tìm gặp tôi ngay khi tôi được trả tự do và lần này anh lại có nhiều chuyện kể cho tôi nghe về những cấp lãnh đạo cộng sản mà anh tiếp xúc rất nhiều trong thời gian tôi ở tù, trong đó có cả những người mà anh đã từng quen biết trước khi họ ra Bắc tập kết. Toàn là những chuyện cười ra nước mắt. Anh Loan vẫn có cái nhìn tinh tế của một chuyên gia và một người quan sát chính trị có tài. Anh đã nhanh chóng giúp tôi hiểu được tình hình xã hội Việt Nam lúc đó bằng cả những nhận định của chuyên gia lẫn những câu chuyện rất cụ thể. Thí dụ như một lần anh nói với tôi : "Toa biết không, moa nói chuyện nhiều với những ông từ ngoài Bắc vô mới biết rằng có hai nghề đã biến mất tại miền Bắc, toa có biết hai nghề nào không ?" Tôi chào thua. Anh Loan cười nói : "Đó là nghề nấu ăn và nghề thợ nề, bọn nó chỉ biết phá hoại thôi chứ không nghĩ tới xây dựng, còn dân thì ăn độn là may rồi, nói gì đến nấu ăn !"
Chúng tôi gặp nhau khá thường xuyên cùng với một số bạn thân khác, tất cả đều là những viên chức Việt Nam Cộng Hòa cũ, như anh Lâm Ngọc Diệp cựu tổng giám đốc Hàng Không Dân Dụng, anh Nguyễn Văn Đạt cựu tổng giám đốc thương cảng Sài Gòn và anh Nguyễn Kiển Thiên Ân cựu tổng trưởng thương mại. Anh Loan là người vui vẻ thoải mái nhất, anh chế diễu những cái vớ vẩn, ngây ngô của chế độ cộng sản nhưng không bao giờ tỏ ra thù ghét. Có lẽ vì anh đã từ lâu coi sự thất bại của Việt Nam Cộng Hòa là không tránh khỏi. Vả lại từ ngày quen biết Nguyễn Văn Loan tôi chưa thấy anh thù ghét ai bao giờ, cùng lắm là nói chuyện để cười chơi.
Anh Loan rời Việt Nam đi Pháp trước tôi mấy tháng. Ngay khi tôi đến Paris anh Nguyễn Trọng Kha (cựu giáo sư trường Đại Học Kiến Trúc Sài Gòn, bạn thân của cả anh Loan và tôi, đã vượt biên từ ba năm trước) cho tôi địa chỉ của anh Loan và chúng tôi gặp nhau ngay. Anh Kha cho biết đang cố gắng thuyết phục anh Loan cùng thành lập một tổ chức chính trị. Anh Kha lúc đó đang là người lãnh đạo chính của Lực Lượng Thanh Niên Tự Do Âu Châu nhưng anh nói là tổ chức này đang bế tắc về đường lối bởi vì anh em phần đông chỉ có lòng thôi chứ không có kiến thức và kinh nghiệm chính trị nào cả và anh đang tìm một tổ chức thay thế với những người có trình độ hơn. Anh Kha bảo tôi rủ anh Loan mà anh đánh giá rất cao.
Anh Loan cười nói với tôi : "Moa có bao giờ làm chính trị đâu và cũng không có khả năng. Làm chính trị khó quá, nhưng moa ủng hộ toa nên moa đồng ý tham gia giúp toa xây dựng tổ chức lúc ban đầu, bao giờ tổ chức đủ mạnh thì cho moa nghỉ".
Thế là anh Loan trở thành một trong mười người sáng lập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, gồm tám viên chức cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và hai chuyên gia tại Pháp nhưng từ hồi còn là sinh viên đã theo dõi sát tình hình Việt Nam và rất gắn bó với chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Anh tham dự rất đều đặn những buổi họp mỗi tối thứ năm và đóng góp rất tích cực. Anh ủng hộ hoàn toàn đề nghị dành trọn hai năm để chỉ thảo luận trước khi bắt đầu xây dựng tổ chức trong khi vài anh em khác cho rằng không cần một thời gian dài đến như thế. Anh Loan nói nhiều lần : "làm gì cũng phải có dự án trước nếu không thì chỉ là làm bậy mà không biết". Anh luôn luôn đóng góp những ý kiến giản dị nhưng rất đúng đắn và cần thiết.
Khi chúng tôi hoàn tất việc đúc kết những suy nghĩ và thảo luận thành tài liệu "Cơ Sở Tư Tưởng" anh Loan dơ tập tài liệu lên nói với anh em : "Đây mới là nội quy thực sự của tổ chức !". Anh còn nói thêm sau đó : "Tụi mình tương đối biết việc và có kinh nghiệm mà còn mất hai năm bàn cãi mà cũng chưa biết chắc phải làm gì, mấy cha khác thì cứ làm bừa đi". Và anh lại cười, vẫn cái cười hiền lành nhưng thực ra khá phức tạp như thường lệ.
Vài năm sau anh Loan rời Pháp để sang định cư tại Mỹ. Sang Mỹ anh vẫn liện lạc đều đặn với bạn bè tại Pháp. Anh gọi điện thoại cho tôi thường xuyên. Anh thông báo cho tôi cả những tin tức của những người bạn tại Paris mà tôi không có thì giờ để liên lạc. Cũng chính anh gần đây đã thông báo cho cho tôi tin anh Lâm Ngọc Diệp, cựu tổng giám đốc Hàng Không Dân Dụng thời Việt Nam Cộng Hòa vừa qua đời dù anh Diệp ở ngay gần nhà tôi. Anh Loan rất thủy chung và gắn bó với bạn bè. Có lẽ chính vì thế tôi chưa bao giờ nghe bất cứ ai nói điều gì không tốt về anh.
Từ khi tới Mỹ anh Loan không sinh hoạt với phân bộ Mỹ của THDCĐN, anh chỉ liên lạc trực tiếp với tôi thôi. Có lẽ là vì sau một thời gian dài chật vật phấn đấu để ổn định cuộc sống thì anh đã lớn tuổi rồi. Tuy vậy anh Loan không hề bỏ cuộc. Anh vẫn tích cực thuyết phục bạn bè ủng hộ Tập Hợp, mỗi lần tôi sang D.C. anh đều tổ chức cho tôi tiếp xúc với các thân hữu. Vài tháng trước khi qua đời anh còn mua tặng dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai cho một số bạn. Nhưng anh Loan đóng góp theo cách thực thà và giản dị của anh. Năm 2005 tôi sang tham dự buổi họp mặt của phân bộ Mỹ tại New Jersey. Anh Loan cùng đi với tôi và lúc cuộc họp mặt kết thúc được khoảng một giờ anh bảo tôi : "Toa cho moa về sớm đi, moa có hẹn chơi mạt chược". Các chí hữu trẻ chắc là muốn chúng tôi ở lại lâu hơn nữa với họ và có thể thất vọng vì câu nói của bậc huynh trưởng này, dù chúng tôi đã họp mặt từ hai ngày. Nhưng anh Loan là thế, giản dị, thực thà và không giấu giếm. Cũng cái tính nghĩ sao nói vậy đó đã khiến anh nói với một cựu tổng trưởng, bạn thân thời thanh niên, khi ông này hỏi về đám cưới sắp tới của con anh : "Moa không mời toa vì toa có tiếng tham nhũng, sợ các bạn khác không vui". Mà đúng thế, những người bạn thân của anh Loan đều là những người lương thiện và ghét tham nhũng. Sự thực nhiều khi làm mất lòng nhưng đối với anh Loan hầu như không có sự thực nào không thể nói.
Anh Loan qua đời đột ngột cách đây đúng một năm vào giữa lúc còn khỏe mạnh và sáng suốt. Gia đình và bạn bè đều bất ngờ. Anh ra đi nhẹ nhàng và bình yên như anh đã sống.
Nguyễn Văn Loan chắc chắn không phải là một anh hùng, điều mà anh cũng không bao giờ muốn. Nhưng anh đã thành công một điều khó hơn nhiều là luôn luôn sống lương thiện, trung thực và thủy chung trong một xã hội đầy giành giật, lật lọng và dối trá. Nếu ngày nay nhiều người nghĩ rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa mặc dù những thiếu sót của nó vẫn còn hơn hẳn chế độ cộng sản bây giờ thì đó chính là nhờ những người, khá đông đảo, như anh Loan.
Xét cho cùng thì anh Loan đã rất may mắn và rất xứng đáng với sự may mắn đó. Dù sống và làm việc thẳng thắn, dù không bao giờ thỏa hiệp với sự gian trá, anh cũng đã đạt tới một địa vị mà rất ít người Việt Nam đạt tới được và không gặp một hoạn nạn nào đáng nói, kể cả trong cơn đại họa tháng 4/1975 mà anh đón chờ bình yên vì đã dự liệu trước. Để rồi cuối cùng ra đi rất an nhiên ở tuổi 86 trong sự quý mến của mọi người, khi các con đã thành đạt. Cuộc đời của anh là cuộc đời mà người ta có thể chúc tụng cho một đứa trẻ vừa sinh ra.
Đó là tất cả những gì đáng kể trong một đời người. Phần còn lại chỉ là thứ yếu, hoặc phù phiếm.
Nguyễn Gia Kiểng
(24/07/2017)
Nhìn lại lịch sử, chúng tôi thấy câu ngạn ngữ "hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai" sao nó đúng quá : tai bay vạ gió thì luôn theo nhau mà đến với Việt Nam Cộng Hòa, còn những cái may mắn thì ít khi nó trở lại.
Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa Đại Hàn Lý Thừa Vãn và Tổng thống Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm vào năm 1958
Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm : sau bao nhiêu gian lao với Pháp, ông đã khai sinh ra nền Cộng Hòa.
Sau đó xây dựng được những thành tích vẻ vang của "Năm Năm Vàng Son 1955-1960", (độc giả xem Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 13). Nhưng vừa tới năm 1961 thì ông phải đối đầu ngay với những giao động khôn lường : nửa năm đầu thì Tổng thống John F. Kennedy hết sức ủng hộ, tới nửa năm sau, bang giao Việt - Mỹ rơi vào khủng hoảng.
Sau cùng thì trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng vào dịp Lễ Phật Đản thứ 2507 (ngày 8/5/1963), Tổng thống Kennedy gửi ông Henry Cabot Lodge sang làm Đại sứ thay thế ĐS Frederick Nolting về hưu.
Nolting là người ủng hộ ông Diệm. Ông Lodge là người mưu mô, nham hiểm, có nhiều thành kiến về ông Diệm. Vì tham vọng muốn lập thành tích để ra ứng cứ tổng thống vào năm 1964 cho nên ông đã dùng đủ mọi mưu lược triệt tiêu Tổng thống Diệm với hậu quả là phá nát nền Đệ Nhất Cộng Hòa mùa Thu 1963. Tôi gọi ông này là Đao phủ HENRY I.
Tới Đệ Nhị Cộng Hòa, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại gặp ngay một tay HENRY nữa - Henry A. Kissinger. Về ông này, ta có thể đặt câu hỏi : ở một cường quốc vĩ đại như Hoa Kỳ, biết bao nhiêu người vừa tài, vừa đức, vừa có tâm, vừa có tầm mà lại không lên được tới địa vị quyền hành như ông Kissinger ?
Ông này còn mưu lược, gian dối hơn Cabot Lodge gấp mấy lần. Kissinger đã đạo diễn chính sách của Hoa Kỳ về Việt Nam trong gần sáu năm rưỡi, tức là trên hai phần ba thời gian của Đệ Nhị Cộng Hòa.
Cái nguy hiểm cho cả Mỹ lẫn Miền Nam là ông này thích hành động bí mật và một mình.
Trong một cuộc phỏng vấn với nữ ký giả người Ý, bà Oriana Fallaci, ông giải thích rằng sở dĩ ông có sức mạnh là nhờ ở lối hành động một mình :
"Điểm chính là lúc nào tôi cũng hành động một mình. Người Mỹ thích cái đó vô cùng. Người Mỹ thích hình ảnh một gã chăn bò dẫn đầu một toán di dân, một mình trên lưng ngựa, đi đầu, thủng thẳng tiến vào một tỉnh lỵ, một thị xã ; chỉ mình với ngựa thôi, không có gì khác. Có thể là không có cả súng nữa, là vì gã ta không cần bắn. Gã chỉ hành động bằng cách là ở đúng chỗ, vào đúng lúc, thế thôi. Nói gọn hơn, gã là một cao bồi miền Tây".
Tôi gọi ông này là Đao phủ HENRY II.
Khi Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ
Những cái xui xẻo đã xảy ra liên tục cho Tổng thống Ngô Đình Diệm trong ba ngày cuối cùng của cuộc đời ông (xem Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 22).
Ngày 3/03/1963 Tòa Bạch Ốc gửi mật điện chỉ thị cho Đại sứ Lodge là : "phải thông báo đầy đủ cho Tướng Harkins (tư lệnh quân đội Mỹ ở Miền Nam) trong mọi giai đoạn, và sử dụng những khuyến cáo của cả Harkins lẫn Smith", và "tất cả chỉ thị cho Conein (người trung gian với nhóm tướng lãnh đảo chính) cũng phải được thông qua ý kiến của Harkins và Smith". Nhưng vào những giờ phút chót, ông Lodge đã trái lệnh Tổng thống, không chịu bàn bạc, thông báo gì với ông Harkins (vì Harkins hết sức bênh vực Tổng thống Diệm) ;
Cố vấn Ngô Đình Nhu, người bị sát hại cùng anh ông, Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa năm 1963
Cùng ngày 30/03, Đại sứ Lodge hoãn chuyến đi Washington. Ông đã định đi vào ngày 31 tháng 10. Chỉ thị từ Washington là khi ông Lodge đi vắng thì Tướng Harkins sẽ thay thế ông để điều khiển ở Sàigòn. Nếu ông Harkins ở lại thì khó có thể đảo chính. Sau cùng, Washington lại quyết định cho phép ông Lodge hoãn chuyến đi vài ngày. Lodge muốn ở lại Sàigòn để theo rõi đảo chính ngày hôm sau.
Ngày 31 tháng 10 là ngày trước đảo chính. Vì ngày đảo chính (mồng 1 tháng 11) là ngày Lễ Các Thánh, ngày lễ của người Công giáo, nên ông Diệm có thể đi kinh lý hoặc thăm viếng chỗ này chỗ kia. Cho nên Tướng Trần Văn Đôn đề nghị với Tổng thống Diệm là ông nên tiếp xã giao Đô đốc Harry Felt (Tư lệnh quân lực Mỹ Thái Bình Dương) vừa tới Sàigòn. Đề nghị như vậy là để có cớ thuyết phục Tổng thống Diệm ở lại Dinh Gia Long trong ngày đảo chính cho chắc ăn.
Chính ông Đôn đã viết lại trong cuốn hồi ký Our Endless War - Inside Vietnam :
"Sáng ngày 31 tháng 10, tôi vào dinh gặp Tổng thống Diệm để hỏi về vấn đề Đô đốc Felt đến Sàigòn, và dò hỏi xem có phải vì ông không có mặt ở Sàigòn vào ngày mai nên không tiếp ông Felt được hay không ? Ông Diệm ngạc nhiên vì không biết tin ông Felt tới Sàigòn".
Vì tướng Đôn đề nghị, Tổng thống Diệm đã quyết định ở lại Sài gòn để tiếp Đô đốc Felt vào ngày 1/11.
Buổi sáng ngày 1 tháng 11, khi Tổng thống Diệm tiếp hai ông Felt và Lodge, ông bất chợt hỏi ông Lodge rằng ông biết đang có âm mưu đảo chính nhưng không biết rõ tướng tá nào muốn đảo chính. Ông Lodge trả lời một cách quanh co : "Tôi không nghĩ rằng Tổng thống phải lo ngại gì cả". Như vậy là để đánh lừa ông Diệm ;
Một chuyện nữa hết sức quan trọng, đó là cuối cùng, như đã đề cập trên đây, Tổng thống Diệm đã muốn làm một nghĩa cử ôn hòa với cả Đại sứ Lodge, cả Tổng thống Hoa kỳ. Vì biết ông Lodge sắp lên đường về Washington, ông dặn ông Lodge là khi về tới Washington thì nên gặp hai ông Colby (trưởng trạm CIA ở Sàigòn trước đây) và Nolting (cựu Đại sứ) để bàn bạc về vấn đề giải quyết chuyện ông Nhu cho ổn thỏa.
Rồi ông gửi một thông điệp cho Tổng thống Kennedy nói :
"Tôi bằng lòng chấp nhận tất cả những đề nghị của Tổng thống Kennedy một cách hết sức nghiêm chỉnh, và muốn thực sự thi hành những điều này, chỉ còn vấn đề thời gian tính".
Tổng thống JF Kennedy trước khi bị ám sát ngày 22/11 cũng trong năm 1963 ở Dallas
Chắc ông Lodge cũng còn một chút lương tâm và cho rằng như vậy là đã có thể đi tới chỗ hòa hoãn với ông Diệm được rồi, nên ông có báo cáo về Washington thông điệp này.
Thế nhưng, vô tình hay hữu ý, theo Mark Moyar thì ông Lodge lại gửi điện tín này theo thủ tục 'ưu tiên thấp nhất' nên khi thông điệp này tới Washington thì tiếng súng đã bắt đầu nổ ở Sàigòn rồi. Theo một tác giả khác, James W. Douglas trong cuốn JFK and The Unspeakable thì Lodge đã trì hoãn để khi Kennedy nhận được điện tín này thì đã quá trễ.
Ngày 1 tháng 11 cũng là ngày sinh nhật của Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải quân, là người trung thành với Tổng thống Diệm và đã cứu ông trong dịp đảo chính tháng 2 năm 1962.
Sau khi chơi quần vợt với một số đồng đội, họ mời ông dùng cơm trưa để mừng sinh nhật thứ 36 của ông. Thoạt đầu, ông đã từ chối. Buổi sáng hôm ấy, ông cũng đã chột dạ vì thấy có những cuộc chuyển quân hơi lạ nên muốn theo dõi để báo cáo cho ông Diệm. Nhưng rồi viên sĩ quan phụ tá cố nài ép nên ông nể lòng. Lúc đang trên đường đi tới một quán nhậu ở ngoại ô Sàigòn, ông đã bị sát hại. Như vậy là ông Quyền đã đi trước và dọn đường tới nghĩa trang cho hai ông Diệm-Nhu.
Theo tác giả Mark Moyar (trong cuốn Triumph Forsaken) thì "khi cuộc đảo chính sắp bắt đầu, một viên sĩ quan chỉ huy lữ đoàn Lực lượng Đặc biệt đề nghị với Tổng thống Diệm cho ông dùng xe thiết giáp tấn công tổng hành dinh của nhóm đảo chính để bắt trọn ổ số Tướng lãnh đang họp hành. Thành công là chắc chắn, viên sĩ quan cố thuyết phục ông Diệm, vì chỉ có một số lính đang tập sự đứng gác ở Tổng Tham Mưu, và đúng như vậy.
Nếu những tướng chủ mưu bị bắt thì quân đội đảo chính tất sẽ bị rối loạn.
Nhưng Tổng thống Diệm không cho phép, ông nói : "Quân đội phải tiết kiệm súng đạn để chống Cộng, và tránh đổ máu", rồi thêm : "Chỉ cần bảo vệ Dinh Gia Long, nhà Bưu điện và Tổng Nha Ngân khố".
Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng gọi ông Henry Kissinger (bìa trái hình) là Đao phủ Henry II
Như đề cập trên đây, sau khi tiếng súng đảo chính đã vang dội, Tổng thống Diệm gọi giây nói cho Đại sứ Lodge vào lúc 4 giờ 30 chiều (ngày 1 tháng 11) để hỏi về thái độ của Hoa kỳ. Ông Lodge trả lời lơ mơ là ông không biết gì để nói nhưng có đề nghị với ông Diệm là sẽ cho xe cắm cờ Mỹ đến Dinh Gia Long đưa ông Diệm ra phi trường, rồi dùng máy bay riêng của đại sứ để chở ông ra khỏi nước, nhưng Tổng thống Diệm từ chối. Nhưng trái với điều mà nhiều tác giả đã viết, cuộc điện đàm này không phải là trao đổi cuối cùng giữa hai người. Vẫn còn một cú điện thoại khác nữa.
Cú điện thoại thứ hai là lúc ở tại nhà thờ Cha Tam, ông Diệm đã gọi ông Lodge để yêu cầu giúp đỡ phương tiện để ra đi, vì ông Lodge đã hứa rằng "Nếu tôi có thể làm được gì để giúp cho an toàn của Ngài thì Ngài cứ gọi tôi". Nhưng bây giờ ông Lodge lại trả lời là Tòa Đại sứ Mỹ chỉ có thể cho ông trú ẩn và bất cứ điều gì khác, nhưng không thể giúp phương tiện chuyên chở ông ra khỏi nước. Như vậy là trái hẳn với đề nghị của ông Lodge chiều hôm trước. Ông Mike Dunn, Phụ tá trưởng của đại sứ - là người đứng bên ông Lodge khi ông này nói diện thoại với ông Diệm - đã xin tự nguyện đến chở hai ông Diệm, Nhu đi để bảo vệ cho hai ông, nhưng ông Lodge đã không đồng ý ! "Tôi thật ngạc nhiên là ta đã không làm gì để giúp cho hai anh em họ Ngô", ông Dunn phàn nàn.
Một nhân chứng nữa cũng khẳng định về việc này là nhà báo Joseph Fried của tờ New York Daily News trong một báo cáo vào ngày 5 tháng 11, 1963.
Sau khi ông Lodge từ chối giúp đỡ, Tổng thống Diệm hoàn toàn thất vọng, khoảng 7 giờ sáng ngày mồng 2 ông quyết định gọi điện thoại cho Bộ Chỉ huy Đảo Chánh thông báo là ông đã ra lệnh cho lính phòng vệ Phủ tổng thống ngưng bắn và ông đầu hàng vô điều kiện.
Đây là một việc không may mắn nhất cho Tổng thống Diệm vì cho tới ngày đảo chính, nhóm tướng lãnh vẫn còn nghi ngờ nhau, chưa có sự tin tưởng và đồng ý hoàn toàn. Chính Tổng thống Thiệu đã kể lại (với Phụ Tá Nguyễn Văn Ngân) là "nếu ông Diệm và ông Nhu không ra trình diện (gọi điện thoại) vào sáng ngày 2 tháng 11, chỉ cần nán lại tới trưa cùng ngày thì các tướng lãnh sẽ lên máy bay chạy hết vì lo sợ và nghi ngờ lẫn nhau" là đã mắc mưu ông Nhu.
Trước đó, trong giai đoạn chuẩn bị đảo chính, Tướng Paul Harkins, Tư lệnh Mỹ ở Việt Nam cũng báo cáo về cho tướng Maxwell Taylor, Chủ tịch Tham Mưu Liên Quân về nhóm tướng lãnh :
Bà Nhu, Trần Lệ Xuân cùng con gái trong một chuyến công du nước ngoài
"Tôi thấy chúng ta có một tổ chức của nhóm người thật hoang mang trong đó mọi người nghi ngờ mọi người khác".
Các tướng lãnh yêu cầu Conein sắp xếp máy bay, nhưng CIA trả lời là cần 24 giờ thì mới thu xếp được, nhưng thật ra là đã có sẵn một chiếc máy bay ở Sàigòn để chở Đại sứ Lodge về Washington và ông này đã hoãn chuyến đi. Dù sao, khi nghe thấy nói đến 24 giờ, Tướng Minh gắt lên "Chúng tôi không giữ họ lâu thêm được nữa".
Sau này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (lúc đó là Đại tá) còn kể lại với chúng tôi rằng :
"Khi được lệnh đánh Dinh Gia Long, ông đã có ý định tìm Tổng thống Diệm và mời ông lên xe jeep mở mui để về Bộ TTM rồi đưa ông đi ra ngoại quốc, nhưng khi chiếm Dinh xong thì thấy ông Diệm đã đi rồi. Ông Thiệu thêm : "Nếu như Tổng thống Diệm đi xe jeep mui trần như vậy thì không ai dám sát hại ông..".
Đến khi ông Thiệu được tin Tổng thống Diệm gọi điện thoại về Bộ Tổng Tham Mưu, ông còn đề nghị với Tướng Minh để cho ông đi đón Tổng thống Diệm từ nhà thờ Cha Tam, nhưng ông Minh gạt đi và nói "Khỏi phải lo, đã có người rồi".
Bất hạnh cuối cùng của Đệ nhị Cộng hòa
Tháng 2/1972, Tổng thống Nixon đi Bắc Kinh gặp Chủ tịch Mao. Dịp này ông đã đảo ngược "chính sách ngăn chặn Trung Quốc" (containment of China). Khi mở cửa Bắc Kinh thì ông đóng cửa Sàigòn, và khi bắt tay với ông Mao thì buông ngay tay ông Thiệu (như chúng tôi đã viết trong cuốn Tâm Tư Tổng Thống Thiệu).
Sau đó Nixon - Kissinger áp lực Miền Nam ký Hiệp Định Paris (1/1973). Từ đó những cái xui xui xẻo tới dồn dập :
Ngược lại với những cam kết của Tổng thống Nixon là sẽ tiếp tục viện trợ, Việt Nam Cộng Hòa vừa ký kết một hiệp định hết sức bất lợi thì lại bị cắt xén viện trợ thật bất ngờ và thật nhanh ;
Còn được chút ít viện trợ thì lại bị ngay cú 'sốc' siêu lạm phát (do chiến tranh Israel - Ai Cập vào tháng 10/1973) làm tiêu hao mãi lực của viện trợ. Một thùng dầu thô đang từ 4USD vọt lên 12 USD.
Tới khi viên trợ bị cắt hết, Miền Nam xoay xở đi vay Quốc Vương xứ Saudi để mua tiếp liệu. Vua Saud al Faisal vừa đồng ý cho vay 300 triệu USD thì lại bị người cháu ruột hạ sát thê thảm ngay trong hoàng cung. Ông nằm xuống vào đúng ngày cố đô Huế bị bỏ ngỏ.
Tổng thống Johnson và Tổng thống Thiệu tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Việt 20/07/1968 ở Honolulu
Trên chiến trường, lúc bị tấn công, Ban Mê Thuột gọi không quân đến yểm trợ. Phi vụ vừa tới thả bom thì một trái rơi trúng ngay Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 ;
Mất Ban Mê Thuột, có lệnh rút Pleiku. Ngày 18 tháng 3, quân dân hoảng hốt rút trên con đường 7B đẫm máu. Vừa về tới Phú Bổn thì bị kẹt ngay vì công binh chưa làm xong cây cầu nổi như đã dự tính : đoàn người di tản chịu thêm một trận pháo kích bên bờ sông Ea Pha. Sau này Tổng Thống Thiệu kể lại cho tôi rằng ông vẫn còn thắc mắc về chuyện tại sao Công Binh không làm xong cái cầu nổi ? Đại tướng Viên cũng cho rằng "Sư đoàn 320 của cộng sản sẽ không bao giờ truy kích kịp đoàn quân nếu chúng ta có được cầu qua sông thiết lập đúng lúc, và giữ đuợc trật tự trong đoàn dân quân di tản". Vì cầu không xong, cho nên :
Hai ngày sau mới rời đuợc Hậu Bổn. Đoàn dân quân vừa tiến được chừng 20 cây số là khựng ngay, vì "trước mặt đoàn di tản là Phú Túc đả bị địch chiếm".
Khi không quân tới cứu",một trái bom nữa rơi vào đoàn quân đi đầu, gây thương vong cho gần một tiểu đoàn Biệt Động Quân".
Tôi đang dự một buổi họp đầy căng thẳng tại Dinh Độc Lập sau cuộc rút lui thảm hại này thì Đại Tá Cầm (Chánh Văn phòng Tổng Thống) bước vào đưa một tin bất hạnh : ông Paul Léandri, trưởng phòng thông tấn xã Agence France Presse ở Sàigòn bị cảnh sát bắn chết.
Léandri loan tin "có số lính người Thượng (Montagnards) đã nổi loạn ở Hậu Bổn, chống lại quân đội Việt Nam Cộng Hòa'. Nha Cảnh Sát mời ông đến để thẩm vấn. Sau vài tiếng đồng hồ bị giữ lại, Leandri bỗng nhiên bước ra khỏi phòng, nhảy lên xe và lái vút đi. Khi cảnh sát huýt còi ngừng, ông cứ tiếp tục phóng. Cảnh sát rút súng bắn vài phát vào bánh xe để giữ lại. Chẳng may một viên đạn lạc trúng ngay vao người. Leandri gục chết tại chỗ.
Phóng viên ngoại quốc vô cùng phẫn uất, phản kháng kịch liệt. Trong một tình hình vô cùng bất lợi cho Miền Nam về tất cả mọi phương diện quân sự, chính trị, kinh tế, và bộ mặt Miền Nam đã bị bôi nhọ bởi những hình ảnh dã man, độc tài, tham nhũng, bây giờ hình ảnh Leandri bị bắn gục chết lại phóng đi khắp thế giới ! Tổng Thống Thiệu nghe tin này đã tái mặt. Ông liền chấm dứt, bước ra khỏi phòng họp.
Mấy ngày hôm sau, trong một phiên họp khác ở Văn Phòng Thủ Tướng, lại có tin chiếc máy bay vận chuyển C-5A chở đám trẻ em mồ côi vừa cất cánh ở Tân Sơn Nhất đã bị nổ tan. Chết trên 200 trăm em bé ! Vào chính lúc đó lại đang có những chống đối ngay tại Washington về việc di tản người Việt Nam bằng máy bay Mỹ.
Ôi sao tin tức nó dồn dập, bi đát đến thế vào lúc con thuyền Miền Nam nghiêng ngửa sắp chìm đắm !
Suy gẫm như vậy, nhiều nguời trong đó có tác giả, cũng chỉ còn có cách là nghĩ đến chữ 'mệnh'.
...Ngày nay nhìn lại, riêng phần tác giả thì cũng chỉ có một mong ước, đó là những thế hệ con cháu được sống trong thời đại kỹ thuật, có nhiều phương tiện và hoàn cảnh thuận lợi để liên lạc nên sẽ có thể gần gũi nhau hơn, thông cảm nhau hơn để rồi từng bước có thể giúp cho vận mệnh đất nước trở nên tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn.
Chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là niềm hy vọng của đại đa số người dân Việt Nam hôm nay.
Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, từng giữ chức Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm Cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Ông là tác giả cuốn 'Khi Đồng minh Tháo chạy' và là đồng tác giả cuốn The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc Lập, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh. Hiện ông định cư tại Virginia, Hoa Kỳ.