Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

08/11/2018

Hội thảo về Biển Đông : đồng lòng bảo vệ con đường hàng hải quốc tế

Tổng hợp

Hội thảo về Biển Đông tại Đà Nẵng (RFA, 08/11/2018)

Một hội thảo khoa học về Biển Đông được khai mạc tại Đà Nẵng trong ngày hôm nay 8/11 và kéo dài hai ngày.

tudo1

Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson cặp Vịnh Đà Nẵng, 3/2018. AFP

Truyền thông trong nước cho biết đây là hội thảo về biển Đông lần thứ 10 do Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam cùng phối hợp tổ chức. Có hơn 300 người tham dự và 30 diễn giả đến từ Việt Nam và các nước khác.

Chủ đề của hội thảo mang tên Hợp tác vì An ninh và Phát triển Khu vực.

Theo chương trình các diễn giả trình bày và thảo luận về vị trí của Biển Đông trong khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương, và những tranh chấp hiện nay cũng như các giải pháp để giải quyết.

Ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhắc lại câu chuyện Biển Đông là rất phức tạp và hiện có nhiều nỗ lực của các quốc gia trong khu vực và quốc tế để giải quyết.

Biển Đông là một hải lộ thương mại quan trọng trên thế giới. Hiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của họ đến 90% diện tích Biển Đông. Các quốc gia Việt Nam, Phlippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền một phần diện tích Biển Đông.

Trước đó, ngày 7/11 cũng tại Đà Nẵng, đã có một hội thảo mang tên Những phát triển mới của luật biển quốc tế, góc nhìn quốc tế và Việt Nam.

Một số ý kiến trong hội thảo này cho rằng hiện nay luật biển quốc tế chia biển ra nhiều vùng với những qui chế pháp lý khác nhau, dẫn đến việc các quốc gia ven biển có thể sử dụng vũ lực để tranh chấp với nhau, và việc này phải được điều chỉnh để tránh tranh chấp bằng vũ lực.

*******************

Canada cử chiến hạm đến Châu Á tập trận bảo vệ tự do hàng hải (RFI, 08/11/2018)

Vào hôm 08/11/2018, Quân Đội Mỹ và Nhật Bản đã kết thúc cuộc tập trận Keen Sword, mở ra từ hôm 29/10 vừa qua ở vùng Tây Thái Bình Dương ngoài khơi Nhật Bản.

tudo2

Thủy thủ đoàn trên tàu Canada Halifax Calgary (FFH335) tại căn cứ hải quân Mỹ, ở Yokosuka, Nhật Bản, ngày 07/11/2018 ReutersS/Issei Kato

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, năm nay, cuộc tập trận hai năm một lần, có sự tham gia của hộ tống hạm chống ngầm Canada HMCS Calgary, đến vùng biển Châu Âu hợp sức với các cường quốc hàng hải đồng minh để tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.

Phát biểu tại cảng Yokosuka, Nhật Bản, ông Blair Saltel, hạm trưởng chiếc Calgary cho biết là ông chờ đợi việc Canada hàng năm sẽ có từ một đến hai chiến hạm Canada đến Châu Á "thực hiện những nhiệm vụ khác nhau với các đối tác khu vực khác nhau" của Canada.

Hộ tống hạm HMCS Calgary, cùng với tàu tiếp liệu Asterix, đã rời Canada vào tháng Bảy trong một chuyến công tác đến biển Hoa Đông, Úc và Biển Đông, nơi tàu chiến của Canada đã bị chiến hạm Trung Quốc theo dõi.

Vào tuần trước, hộ tống hạm Canada đã tham gia các cuộc tập trận chống tàu ngầm cùng với các tàu chiến Nhật Bản và Mỹ, trong đó có tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan. Theo hạm trưởng Saltel, đó là "cơ hội để Canada chứng tỏ rằng mình có kinh nghiệm hợp đồng tác chiến với các đồng minh".

Theo Reuters, quyết định của Canada về việc triển khai chiến hạm đến tham gia các cuộc tập trận hải quân ở Châu Á được đưa ra sau khi nhiều quốc gia khác, trong đó có Anh và Pháp, đã tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực để đối phó với nguy cơ Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự ngày càng tăng để không chế quyền tự do qua lại trên biển.

Anh Quốc đã gửi ba chiến hạm đến vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có cả tàu đổ bộ tấn công lớn nhất của nước này là chiếc HMS Albion. Trên hành trình trở về sau chuyến thăm Nhật Bản, chiếc HMS Albion đã đi sát một số đảo đá mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Hành động của Anh Quốc đã lập tức bị Bắc Kinh tố cáo là "khiêu khích".

Nhật Bản, nước có một lực lượng hải quân lớn thứ hai ở Châu Á, năm nay đã phái tàu chở trực thăng Kaga đi công tác hai tháng ở Biển Đông và Ấn Độ Dương, nơi tàu Nhật đã thao diễn chung với chiếc Argyll, một chiến hạm khác được Anh Quốc phái đến khu vực.

Trước khi trở về Canada, trong tháng này, hộ tống hạm Calgary sẽ ghé Sasebo ở miền tây Nhật Bản, một cơ sở quan trọng khác của Hải Quân Mỹ và Nhật Bản, để tiến hành thêm nhiều bài tập chống tàu ngầm.

Trọng Nghĩa

*******************

Úc gia tăng vai trò ở Thái Bình Dương vì ngại Trung Quốc (BBC, 08/11/2018)

Úc sẽ chi nhiều tỷ đô la cho quỹ giúp các quốc đảo ở Thái Bình Dương xây dựng cơ sở hạ tầng, trong nỗ lực nhằm chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

tudo3

Trung Quốc chi nhiều tiền cho các dự án ở Thái Bình Dương, chẳng hạn như làm đường ở Papua New Guinea

Trong bài phát biểu về chính sách lớn, Thủ tướng Scott Morrison cho biết mục đích của ông là khôi phục Thái Bình Dương thành "tiền tuyến và trung tâm" trong triển vọng nước ngoài của Úc.

Úc sẽ cung cấp tới 2 tỷ đô la Úc (1,45 tỷ USD) cho các khoản tài trợ và cho vay để tăng cường quan hệ, ông nói.

Tại Bắc Kinh, nhà ngoại giao cao cấp Trung Quốc nói rằng hai nước "không phải là đối thủ".

Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Úc Marise Payne, nhà ngoại giao cao cấp Trung Quốc Vương Nghị cho biết hai nước nên hợp tác ở Thái Bình Dương.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc trở nên căng thẳng trước những cáo buộc về sự can thiệp của Trung Quốc vào chính trị Úc và chuyến thăm của bà Payne được xem như nỗ lực để giải quyết căng thẳng.

Bà Payne nói bà đã có những cuộc thảo luận "đáng giá, đầy đủ và thẳng thắn" với ông Vương Nghị, và nói rằng họ sẽ xử lý những khác biệt trên cơ sở "tôn trọng" nhau.

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Morrison cùng ngày với sáng kiến lớn nhắm tới Thái Bình Dương được các nhà phân tích xem như nhắm đến việc đẩy lùi ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc.

"Úc không thể xem nhẹ ảnh hưởng của mình ở Tây Nam Thái Bình Dương. Thật đáng buồn, tôi nghĩ là chúng ta thường như vậy", ông nói. "Đây là khu vực của chúng tôi. Đây là nơi chúng tôi có trách nhiệm đặc biệt".

Quỹ này có thể được sử dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng trong viễn thông, năng lượng và giao thông vận tải, ông Morrison gợi ý. Ông cho biết ông cũng sẽ yêu cầu Quốc hội cam kết một khoản đầu tư khác trị giá 1 tỷ đô la Úc vào khu vực nhằm cung cấp "lợi ích quốc gia cho Úc".

Ông nói thêm rằng Úc sẽ gia tăng các vị trí ngoại giao và quan hệ quân sự, và phát sóng thêm nhiều chương trình truyền hình địa phương trong khu vực.

tudo4

Diễn đàn Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương sẽ được tổ chức ở Papua New Guinea vào tuần tới

Tái xác nhận ảnh hưởng

Hywel Griffith, phóng viên BBC News tại Sydney nhận xét :

Trong hơn một thập kỷ, Úc đã quan sát sức mạnh của Trung Quốc gia tăng ở những gì được xem là sân sau của nước này.

Trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Papua New Guinea (PNG) vào tuần tới, Thủ tướng Úc Scott Morrison quyết định đã đến lúc xác nhận lại vị thế thống trị của Úc.

Bằng cách cung cấp hàng tỷ đô là cho các khoản vay được ưu tiên cho viện trợ dài hạn, Úc có thể tạo ra một số đòn bẩy tài chính thực sự với các quốc gia láng giềng.

Bằng cách hứa hẹn cho tiếp cận nhiều hơn với truyền hình Úc, nó cũng có thể duy trì cái gọi là quyền lực mềm.

Niềm hy vọng là người dân ở Thái Bình Dương sẽ tiếp tục xem Úc là đồng minh láng giềng đương nhiên của họ.

Đầu tư

Ông Morrison nói rằng phái bộ ngoại giao mới sẽ được thành lập ở Palau, quần đảo Marshall, French Polynesia, Niue và quần đảo Cook.

Trung Quốc được ước tính đã đầu tư 1,3 tỷ đô la Úc vào khu vực này kể từ 2011, và đã trở thành nhà tài trợ nước ngoài lớn thứ hai chỉ sau Úc.

Úc đã chuyển sang đóng vai trò quan trọng trong các dự án ở Thái Bình Dương trong năm nay. Vào tháng Bảy, nước này cam kết xây dựng một đường cáp quang internet dưới biển tới quần đảo Solomon và PNG, trong một động thái là đóng cửa công ty Huawei của Trung Quốc.

Nước này cũng tuyên bố các kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân chung với PNG.

Jonathan Pryke, từ Viện Cố vấn Chính sách Lowy, cảnh báo rằng đầu tư của Trung Quốc thường bị phóng đại,

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ngoài Papua New Guinea, không một quốc gia nào khác [ở Thái Bình Dương] nhận các khoản vay mới của Trung Quốc trong thời gian gần đây", ông nói với BBC.

Quay lại trang chủ
Read 578 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)