Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/11/2018

Trung Quốc đàn áp người Ngô Duy Nhĩ, ăn cắp kỹ thuật công nghiệp

RFI tiếng Việt

Trung Quốc hứng bão tại Liên Hiệp Quốc vì giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ (RFI, 07/11/2018)

Hôm 06/11/2018 tại Genève, trong suốt cả buổi sáng, phái đoàn đông đảo của Trung Quốc do thứ trưởng ngoại giao Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) làm trưởng đoàn, đã phải hứng chịu một trận bão chỉ trích trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) ở Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

tq1

Biểu tình trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève ngày 06/11/2018 phản đối Bắc Kinh. Dòng chữ trên biểu ngữ : "Trên 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tùy tiện tại Trung Quốc. Liên Hiệp Quốc cần phải lên tiếng !" - Reuters/Denis Balibouse

Đại diện Mỹ Mark Cassayre đòi hỏi Bắc Kinh "chấm dứt tất cả các kiểu bắt giam tùy tiện, trả tự do ngay lập tức cho hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương". Đại sứ Pháp François Rivasseau cũng yêu cầu "kết thúc việc giam giữ người hàng loạt trong các trại tập trung", và đề nghị cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet giám sát tình hình tại chỗ.

Trong lúc đại sứ các nước liên tục đặt câu hỏi, đả kích, chất vấn đoàn Trung Quốc, bên ngoài trụ sở Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khoảng 500 người biểu tình với các khẩu hiệu đòi "Chấm dứt diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ".

Phía Trung Quốc, như thường lệ, bác bỏ các cáo buộc mà họ cho là "đầy định kiến" đối với "cuộc chiến chống khủng bố" của Bắc Kinh.

Một phóng sự trước đó của hãng tin Pháp AFP ghi nhận, nếu cứ tin vào các hình ảnh trên truyền hình nhà nước Trung Quốc, thì một trong những "trung tâm huấn nghiệp" dành cho những người Hồi giáo ở miền tây bắc nước này là một trường học hiện đại, nơi đó học viên được dạy tiếng Hoa, một môn thể thao hay múa cổ truyền.

Trại tập trung được giới thiệu trên kênh truyền hình nhà nước CCTV vào tuần rồi là một trong số 181 trại cải tạo được lập ra tại Tân Cương kể từ năm 2014, theo điều tra của AFP. Đài CCTV nói rằng việc nhập trại là tự nguyện, chiếu cảnh các học viên đang vui vẻ học tiếng Hoa, và học các nghề may mặc hay chế biến thực phẩm.

Ma trắc, còng… tại các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ

Nhưng cơ quan chính quyền phụ trách về trung tâm này ở thành phố Hòa Điền (Hotan) nơi các hình ảnh trên được quay, hồi đầu năm đã đặt mua cả một kho vũ khí chẳng liên quan gì đến giáo dục. Có thể kể : 2.768 cây ma-trắc, 1.367 bộ còng tay, 2.792 bình xịt hơi cay.

Danh sách trên đây nằm trong số hàng ngàn đơn đặt hàng của các chính quyền địa phương ở Tân Cương, từ hai năm qua phải chịu trách nhiệm về việc thiết lập một mạng lưới "các trung tâm huấn nghệ", nhằm đối phó với các phong trào Hồi giáo và ly khai đang tăng lên tại khu vực đại đa số dân cư là người theo đạo Hồi, nằm cách Bắc Kinh 2.200 km về phía tây.

Theo các nhà tranh đấu lưu vong, thực ra đó là những trại cải tạo, đang giam giữ đến một triệu người Duy Ngô Nhĩ, trên tổng số 11,5 triệu người thuộc sắc tộc này. Bên cạnh đó, các sắc tộc thiểu số khác theo đạo Hồi như người Kazakhstan mang quốc tịch Trung Quốc, cũng nằm trong tầm ngắm.

Do bị đả kích tại Liên Hiệp Quốc cũng như từ các nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, Bắc Kinh sau nhiều tháng chối cãi sự hiện diện của các trại giam này, đã tung ra một chiến dịch truyền thông nhằm giới thiệu các trại cải tạo trên đây như là các trung tâm dạy nghề. Mục tiêu lập ra, theo chế độ cộng sản Trung Quốc là : ngăn ngừa khủng bố trỗi dậy, trong bối cảnh người Duy Ngô Nhĩ là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tấn công đẫm máu trong những năm gần đây.

Tuy nhiên một cuộc điều tra của AFP dựa theo trên 1.500 tài liệu có thể tham khảo trên mạng – gồm cáo thị gọi thầu, dự chi ngân sách, báo cáo công tác – cho thấy các trung tâm trên là nhà tù thay vì trường học.

Hàng ngàn quản giáo được trang bị hơi cay, ma-trắc, súng điện giám sát các trại cải tạo bao quanh là những hàng rào thép gai và camera hồng ngoại. Những trại này phải "giảng dạy như ở trường học, được quản lý như trong quân đội và được canh gác như nhà tù" - một văn bản dẫn lời bí thư tỉnh ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) chỉ đạo như trên.

Một tài liệu khác nhấn mạnh, "các biện pháp đặc biệt rất cần thiết để chấm dứt nạn khủng bố". Để tạo ra các công dân tốt, những trung tâm này phải giúp "cắt đứt việc tạo ra các thế hệ (khủng bố) mới, cội rễ, các quan hệ và nguồn lực của họ".

Chỉ tiêu mỗi gia đình một người đi cải tạo

Các trại cải tạo loại này trở nên phố biến từ năm ngoái, sau khi có chỉ thị của chính quyền Tân Cương. Một danh sách 25 thái độ "khả nghi" về tôn giáo và 75 dấu hiệu "cực đoan" đã được phổ biến, trong đó có việc bỏ hút thuốc, để râu dài hay mua một căn lều "mà không có lý do chính đáng"… Hoặc những người đã sống "quá lâu" ở nước ngoài, những gia đình có thành viên bị công an bắt hoặc giết chết.

Theo báo cáo của Human Rights Watch, các quy định mới được đưa ra từ năm 2014 cấm hàng loạt hành động, mơ hồ cho đến nỗi muốn bắt ai cũng được. Nhiều nhân chứng khẳng định có những người Duy Ngô Nhĩ bị bỏ tù chỉ vì đi học tiếng Ả Rập ở Ai Cập, hoặc công an tìm thấy những văn bản tôn giáo trong máy tính của họ, thậm chí chỉ do tiếp xúc với người nước ngoài. Có công an viên cho biết họ phải "hoàn thành chỉ tiêu". Một chỉ thị cho chính quyền địa phương đòi hỏi mỗi gia đình phải có ít nhất một người vào trại cải tạo trong thời gian tối thiểu ba tháng.

Số vụ bị bắt vào trại cải tạo đã tăng vọt, và vào mùa xuân năm 2017 chính quyền các địa phương bắt đầu đưa ra nhiều cáo thị gọi thầu để xây dựng thêm các trại mới. Trong số các đơn đặt hàng có : các loại giường tầng, máy điều hòa, chén bát… Vào đầu năm nay, chỉ trong vòng một tháng, riêng cơ quan phụ trách "huấn nghệ" ở Hòa Điền đã đặt mua 194.000 sách dạy tiếng Hoa, và 11.310 đôi giày. Có cả camera giám sát, thiết bị nghe trộm điện thoại, cảnh phục, nón bảo hộ, khiên chống bạo động, lựu đạn cay, ma-trắc dùng điện và loại có gai nhọn được mệnh danh là "răng chó sói".

Có ít nhất một trại cải tạo đặt mua loại ghế có thể trói tay chân các nghi can vào. Các cán bộ đảng ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương đã đòi được cung cấp ngay súng điện cho các trại cải tạo, giải thích rằng nhằm "bảo đảm an toàn cho nhân viên". Loại vũ khí không sát thương này giúp "giảm bớt nguy cơ xảy ra sự cố khi không cần thiết phải dùng đến súng".

Hãng tin Pháp đã liên lạc với các cơ quan chính quyền địa phương về các thông tin trên nhưng không được trả lời.

Theo một chỉ thị vào cuối năm 2017, học viên phải thường xuyên được trắc nghiệm về tiếng Hoa, về chính trị và làm các bản tự kiểm thảo, bày tỏ lòng trung thành với đảng Cộng sản. Suốt cả ngày, họ phải "hô khẩu hiệu, hát những bài ca cách mạng và học thuộc lòng Tam Tự Kinh ca ngợi chế độ", như thời mao-ít trước đây (1949-1976).

Các cán bộ được lệnh phải thường xuyên đi thăm gia đình các "học viên" để quảng bá việc giáo dục "chống cực đoan" và phát hiện kịp thời các dấu hiệu phẫn nộ trước khi đối tượng trở thành người chống đối đảng cộng sản Trung Quốc. Một số cơ quan được lập ra năm 2017 để tập trung quản lý các trại cải tạo, bảo đảm "an toàn tuyệt đối" tại đây, tránh các vụ vượt ngục.

Học viên được phân loại theo mức độ "nhiễm độc ý thức hệ" để tẩy não. Nếu phản kháng, họ sẽ bị trừng phạt như bỏ đói, không cho ngủ, biệt giam, bị đánh đập. Một bài điều tra trên báo Libération dẫn lời Omurbel Eli, một người Duy Ngô Nhĩ bị đi cải tạo khoảng 20 ngày mô tả : "Trong xà lim có khoảng 40 tù nhân, tất cả đều là người đạo Hồi, có hai camera giám sát. Ngủ thì phải thay phiên, mỗi tháng chỉ được tắm một lần. Việc đánh đập thường xuyên diễn ra, có những người không chịu nổi đã tự sát".

Bị đàn áp như thế, nhưng theo chuyên gia Thierry Kellner trên Le Monde, khả năng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đứng lên đấu tranh vũ trang là rất thấp. Ngoài sự bênh vực từ các tổ chức phi chính phủ, ít có Nhà nước nào muốn chọc giận Bắc Kinh. Chuyên gia này lý giải, do là vùng đất bản lề trong dự án "Con đường tơ lụa mới", nên Trung Quốc muốn kiếm soát toàn bộ Tân Cương, không chấp nhận bất kỳ một rủi ro nào.

Thụy My

******************

Triển lãm hàng không Trung Quốc bị dính tai tiếng ăn cắp công nghiệp (RFI, 06/11/2018)

Triễn lãm hàng không Trung Quốc sẽ diễn ra ở thành phố ven biển Châu Hải (Zhuhai) kể từ ngày hôm nay, 06/11/2018 cho đến ngày Chủ nhật 11/11.

tq2

Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc biểu diễn trên bầu trời Châu Hải nhân cuộc Triển Lãm Hàng Không khai mạc ngày 06/11/2018. China Daily via Reuters

Cuộc triển lãm hai năm một lần này là dịp để Bắc Kinh phô trương tiến bộ công nghệ hàng không Trung Quốc trước thế giới. Thế nhưng năm nay, mây đen như đã kéo đến che phủ bầu trời hội chợ hàng không Châu Hải, với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đang diễn ra gay gắt và việc Bắc Kinh bị tố cáo hoạt động gián điệp công nghiệp. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cũng khiến các hãng hàng không thận trọng

Theo hãng tin Anh Reuters, với Triển Lãm Hàng Không Châu Hải, Bắc Kinh muốn chiêu dụ các lãnh đạo hàng không không gian, các khách hàng mua vũ khí đến từ 40 quốc gia. Nhưng giới phân tích nhìn thấy trước là năm nay sẽ khó mà có những thông báo long trọng hay những đàm phán mua bán lớn.

Trên các sân bãi, sẽ có đầy những loại máy bay như của hãng Airbus SA và Embraer, biểu tượng chính của cao vọng hàng không thương mại Trung Quốc, nhưng chiếc C919, máy bay đường trường mà tập đoàn chế tạo phi cơ dân dụng COMAC (Commercial Aircraft Corp of China) của Trung Quốc sản xuất, thì sẽ không được đưa ra vì như một viên chức cao cấp Trung Quốc đã giải thích, phi cơ này đang trong quá trình bay thử.

Không chỉ vắng bóng chiếc máy bay mới mà Trung Quốc tự sản xuất, mà phi cơ của các tập đoàn khác như Boeing cũng vậy. Tập đoàn chế tạo phi cơ Mỹ đã mở một xưởng lắp ráp hoàn chỉnh loại phi cơ 737 tại Trung Quốc, nhưng sẽ không đưa đến triển lãm bất kỳ máy bay nào, mà chỉ trưng bày máy bay mẫu ở gian hàng của mình mà thôi.

Tác động của hiệu quả kinh tế không mỹ mãn

Chuyên gia về hàng không Trung Quốc, ông Lí Hiểu Tân (Li Xiaojin), thừa nhận rằng Bắc Kinh không chờ đợi là Triển Lãm Hàng Không Châu Hải năm nay sẽ có nhiều người tham dự. Lý do : kinh tế Trung Quốc không có thành quả mỹ mãn cho nên các tập đoàn ngoại quốc, bình thường vẫn cử 10 người tham dự, thì năm chỉ cử 5 người.

Trung Quốc đã trở thành "trường săn" của các tập đoàn nước ngoài, đổ xô đến Trung Quốc tìm kiếm hợp đồng bán máy bay do việc các hãng hàng không Trung Quốc gia tăng đội máy bay nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại gia tăng mạnh. Dự kiến Trung Quốc sẽ là thị trường hàng đầu, vượt cả Mỹ trong thập niên tới đây.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi do hai nguyên nhân : Một là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã yếu đi, xuống đến mức thấp nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính, và hai là quan hệ của Trung Quốc với các nước khác cũng đã bị thử thách do tham vọng của Bắc Kinh muốn phát triển các loại phi cơ do chính Trung Quốc chế tạo.

Hiện thời, các loại máy bay do Hoa Kỳ chế tạo vẫn chưa bị vướng vào vòng áp thuế của Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cho biết là họ vẫn đợi xem những tập đoàn Mỹ như Boeing, Honeywell và Gulfstream sẽ bị cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng ra sao. Đây là những tập đoàn đang chịu cạnh tranh rất mạnh ở Trung Quốc trước các đối thủ như Airbus hay các hãng chế tạo phi cơ khác.

Vào năm ngoái 2017, Hoa Kỳ đã xuất được 16,3 tỷ đô la máy bay dân sự sang Trung Quốc. Đây là loại mặt hàng có trị giá lớn nhất theo số liệu công bố của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang St Louis.

Marc Szepan, một chuyên gia về hàng không Trung Quốc ở Đại Học Oxford cho là có khả năng Trung Quốc sẽ mua Airbus trong tương lai hơn là Boeing. Một chọn lựa chiến lược. Và họ cũng sẽ đánh giá lại, chọn đối tác công nghiệp cho những chương trình máy bay tương lai, như chiếc CR929, có thể thiên về thiết bị, linh kiện Châu Âu hơn là Mỹ.

Cho đến giờ này, Trung Quốc cố tránh không cho thấy là họ thiên hẳn về bên nào trong bối cảnh mà những cuộc đàm phán, thương lượng của các hãng của Trung Quốc để mua máy bay nước ngoài đang được giữ kín hoặc đã bị dời lại.

Cáo buộc gián điệp công nghiệp

Những cáo buộc liên tiếp gần đây của Washington nhắm vào Bắc Kinh, theo đó Trung Quốc đã tìm cách đánh cắp công nghệ hàng không của Mỹ cũng phủ bóng đen lên Triển Lãm Châu Hải

Theo ghi nhận của Reuters, tư pháp Mỹ mới đây lại tố cáo tình báo Trung Quốc tìm cách ăn cắp thông tin về một động cơ phản lực cánh quạt đẩy Mỹ- Pháp dùng cho máy bay thương mại dân sự. Phía Mỹ không cho biết đó là loại gì, nhưng theo hãng tin Anh, đó rõ ràng là là động cơ Safran-General Electric LEAP.

Mỹ không chỉ tố cáo mà còn truy tố những nghi can cụ thể. Trong một thông báo chính thức công bố hôm 30/10 vừa qua, bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã truy tố 10 người bị cho là điệp viên Trung Quốc tìm cách thâm nhập vào hệ thống máy tính của một công ty Mỹ và một công ty Pháp có văn phòng tại thành phố Tô Châu (Trung Quốc), để ăn cắp công nghệ liên quan đến loại động cơ phản lực cánh quạt do liên doanh Pháp-Mỹ này sản xuất.

Theo phía Mỹ, mục tiêu của hành vi trộm cắp đó là nhằm cung cấp dữ liệu thiết yếu cho các công ty Trung Quốc, để các hãng này có thể sản xuất một động cơ tương tự mà không phải bỏ tiền và thời gian nghiên cứu.

Bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc bị tố cáo đích danh

Điểm đáng nói là trong số những người bị truy tố, có hai đặc vụ của Bộ An Ninh Trung Quốc tại tỉnh Giang Tô, một cơ chế được cho là tương đương với cơ quan CIA tại Mỹ. Bản khởi tố đã nêu rõ tên của hai nhân viên tình báo này là Tra Vinh (Zha Rong) và Sài Mạnh (Chai Meng).

Đây là lần thứ ba trong không đầy hai tháng, nhân viên tình báo của chính quyền Trung Quốc bị tư pháp Mỹ cáo buộc về tội đánh cắp công nghệ và bí mật thương mại của Hoa Kỳ.

Thậm chí vào thượng tuần tháng 10, Hoa Kỳ đã dẫn độ được về Mỹ một nhân viên tình báo Trung Quốc tên là Từ Ngạn Quân (Xu Yan Jun), bị gài bẫy và bắt tại Bỉ vào tháng Tư. Sau khi bị dẫn độ qua Mỹ, điệp viên Trung Quốc này đã bị truy tố về âm mưu đánh cắp thiết kế kỹ thuật của một động cơ máy bay do hãng Mỹ General Electric Aviation chế tạo. Từ Ngạn Quân sẽ trở thành điệp viên Trung Quốc đầu tiên có quan hệ chính thức với một cơ quan chính quyền Trung Quốc bị xét xử trước một tòa án Mỹ.

Trước vụ Từ Ngạn Quân, vào cuối tháng 9, Mỹ cũng đã bắt một công dân Trung Quốc tên là Kỷ Siêu Quần (Ji Chao Qun) tại Chicago, bị cáo buộc là đã hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh, dưới sự chỉ đạo của quan chức tình báo thuộc Sở An Ninh Quốc Gia Giang Tô.

Đối với ông John Brown, lãnh đạo văn phòng FBI tại San Diego, "các mối đe dọa từ các hoạt động tin tặc do chính phủ Trung Quốc bảo trợ là có thật và diễn ra liên tục". Còn ông Adam Braverman, công tố liên bang tại Nam California thì tố cáo đích danh bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc.

Bắc Kinh từ lâu đã coi hàng không là ngành quan trọng trong kế hoạch mang tên Made in China 2025 nhằm biến Trung Quốc thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng các chuyên gia cho rằng công nghệ hàng không của nước này đang tụt hậu, đi sau 20-30 năm so với các quốc gia khác. Để đuổi kịp Mỹ, đánh cắp công nghệ là một trong những biện pháp.

Mai Vân

Quay lại trang chủ
Read 623 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)