Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/03/2017

Ai đứng sau lưng vụ ám sát Kim Chính Nam dang rõ ràng

tổng hợp

Kim Jong-nam nạn nhân cuộc ám sát được dự báo (RFI, 02/03/2017)

Từ thuốc độc, mỹ nhân kế cho đến quy buộc tội bất kính để thanh toán nhau, chế độ do Kim Im-sung (Kim Nhật Thành) lập ra tại Bắc Triều Tiên, truyền đến đời thứ ba, càng ngày càng bạo ngược. Sự kiện người anh của lãnh đạo tối cao bị hạ sát bằng chất độc VX tại Malaysia ngày 13/02/2017 không khác chi kịch bản xã hội đen hay cây dù tẩm độc của mật vụ Bulgaria thời cộng sản.

kim1

Bản thân Kim Jong-nam biết trước sẽ bị ám sát. Ảnh chụp tháng 11/2007. Kyodo/via REUTERS

Tư pháp Malaysia truy nã bẩy nghi can Bắc Triều Tiên đã chạy về Bình Nhưỡng. Tình báo Mỹ và Hàn Quốc chỉ đích danh Kim Jong-un (Kim Chính Ân). Cục tình báo Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đưa qua Malaysia ba nhóm "sát thủ", mỗi nhóm do một cán bộ của bộ An Ninh - tức mật vụ- và một quan chức của bộ Ngoại Giao chỉ huy. Hai trong ba nhóm đã tuyển hai phụ nữ người Indonesia và Việt Nam để ra tay.

Năm 2012, trong một e-mail trao đổi với người em lãnh đạo, Kim Jong-nam yêu cầu "em hủy bỏ lệnh hành quyết" nếu không "gia đình anh chỉ còn con đường tự sát vì không nơi chốn dung thân". Một năm sau, Kim Jong-un ra lệnh giết chú dượng Jang Song-thaek, người đỡ đầu của Kim Jong-nam.

Từ sau vụ Kim Jong-nam (Kim Chính Nam) dùng hộ chiếu giả bị bắt tại Tokyo năm 2001, truyền thông Nhật Bản đặc biệt chú ý và tìm hiểu nhân vật một thời được xem là lãnh đạo đời thứ ba tương lai của chế độ Bình Nhưỡng trước khi bị thất sủng và bị ám sát hụt năm 2012 ở Macau.

Hai phóng viên Nhật Bản được Kim Jong-nam tin cậy, tiếp xúc kín nhiều lần, trao đổi hàng trăm điện thư và cả một bức thư cảnh báo gửi đi từ văn phòng của Kim Jong-un.

Năm 2012, Gomi Yogi ra quyển sách "Bố Kim Chính Nhật và tôi" cho dù Kim Jong-nam có yêu cầu chờ sau khi ông chết hãy công bố tác phẩm này.

Nhiều người cho rằng nội dung những lời tố cáo đã gây bất bình cho chế độ Bình Nhưỡng. Còn nữ phóng viên Fujita Minami, sau 30 lần tiếp chuyện với Kim Jong-nam cũng xác nhận nội dung quyển sách là chính xác : sau 10 năm du học, ở Nga và Thụy Sĩ, đúng ra là một phần tránh mặt bà mẹ kế, Kim Jong-nam hồi hương và được Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) đưa đi một vòng thăm Bắc Triều Tiên. Kim Jong-nam đã nói với bố là "phải cải cách". Sau này ông nói dứt khoát với Kim Jong-un : "Chế độ này không cải cách thì kinh tế sẽ sụp đổ, còn cải cách thì sẽ dẫn đến khủng hoảng và chế độ sẽ cáo chung".

Có lẽ quan điểm tự do này là bản án tử hình của Kim Jong-nam. Điều phải xảy ra đã xảy ra.

Câu hỏi đặt ra là vì sao Kim Jong-nam lại muốn tố giác chế độ do cha ông lập ra ? Có dấu hiệu nào cho phép suy đoán chính Kim Jong-un chủ trương bịt miệng một tiếng nói đối kháng ? Từ Tokyo, giáo sư Vũ Đăng Khuê tổng hợp thông tin : "…Tháng 10 năm 2011, cô ký giả Fujita Minami cho xem một bức fax (điện thư) bảo Kim Jong-nam đừng chỉ trích chế độ nữa, trên tiêu đề thấy gửi đi từ văn phòng của Kim Chính Vân …".

Giáo sư Vũ Đăng Khuê-Tokyo 02/03/2017

Nghe

Tú Anh thực hiện 

*************************

Ai đã giết Kim Jong-nam ? (BBC, 02/03/2017)

Phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes tìm hiểu nghi vấn Kim Jong-un đã tìm cách sát hại anh cùng cha khác mẹ của mình, Kim Jong-nam.

kim2

Hai anh em họ Kim cùng cha nhưng khác mẹ : Kim Chính Ân đảng cầm quyền và Kim Chính Nam sống lưu vong vừa bị ám sát

Để hiểu được những mối quan hệ ở Bắc Hàn, ta thực sự cần phải hiểu rõ về "vương triều" tại đây : "Triều đại" nhà ông Kim, vốn được ông Kim Nhật Thành đặt nền móng xây dựng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Khi ông qua đời hồi năm 1994, con trai ông là Kim Jong-il lên nối ngôi.

Ông Kim Jong-il qua đời cách đây 5 năm, con trai út của ông là Kim Jong-un trở thành tân lãnh đạo.

Tuy nhiên, Kim Jong-un khi đó còn rất trẻ, rất thiếu kinh nghiệm, và không cảm thấy đủ tự tin.

Kể từ khi lên nắm quyền, ông đã giết chết rất nhiều người. Một số người cho rằng điều này bắt nguồn từ việc Kim Jong-nam cảm thấy quyền lực của mình chưa chắc chắn và cần phải củng cố.

Những người mà Kim Jong-un thấy nghi ngại nhất chính là những người trong gia đình mình.

Quan trọng nhất và quyền lực nhất là người chú dượng của Kim Jong-un, Jang Song-thaek. Vào lúc Kim Jong-un lên nắm quyền, ông Jang là người quyền lực nhất Bắc Hàn, với một mạng lưới các đồng minh trên toàn quốc và trong cả khu vực.

Một trong những người đó là cháu trai, gọi ông bằng chú, Jang Yong-chol, người từng giữ chức đại sứ Bắc Hàn tại đây, Malaysia.

Qua Jang Yong-chol, ông đã giữ liên lạc được với một người cháu khác, chính là Kim Jong-nam.

Nhưng đến năm 2013, Kim Jong-un đã tiến hành cuộc thanh trừng tàn khốc nhất trong suốt hơn 30 năm qua, bắt đầu với người chú dượng Jang Song-thaek. Ông này đã bị bắt và bị xử bắn.

Trong những tháng sau đó, cả gia đình ông bị dồn bắt, gồm cả người cháu đang làm đại sứ tại Malaysia, người bị triệu hồi về Bình Nhưỡng và cũng bị xử tử.

Vụ việc khiến Kim Jong-nam bị cô lập, cô đơn và không còn được ai giúp đỡ.

Kim Jong-nam từng là đứa con trai được cha rất yêu thương, nhưng về sau này, người anh em họ của ông bị bắn vào đầu. Người cô và con gái của bà bị lưu đày và phải ẩn kín, còn bản thân Kim Jong-nam bị giết chết bằng chất độc thần kinh.

Tại Bắc Hàn, là thành viên trong đệ nhất gia đình không đồng nghĩa với việc được đảm bảo có cuộc sống dài lâu, hạnh phúc.

Rupert Wingfield-Hayes

**************************

Vụ Kim Jong-nam : Malaysia thả nghi phạm Bắc Hàn (BBC, 02/03/2017)

Bas du formulaire

kim3

Ri Jong-chol mặc áo chống đạn bị dẫn giải ra khỏi đồn cảnh sát

Nghi phạm Bắc Hàn bị bắt tại Malaysia trong vụ giết hại Kim Jong-nam đã được thả.

Các quan chức cho biết không đủ bằng chứng buộc tội Ri Jong-chol, và rằng ông sẽ bị trục xuất vì vi phạm luật nhập cư.

Gần ba tuần sau hôm Kim Jong-nam bị giết, Malaysia lên án việc dùng chất độc VX trong vụ tấn công.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết "rất quan ngại" về việc chất độc này có thể gây nguy hại cho công chúng.

Ri Jong-chol, sống ở Malaysia trong ba năm qua, bị bắt bốn ngày sau vụ giết ông Kim jong-nam.

Cảnh sát không cung cấp chi tiết lý do tại sao ông bị bắt.

Reuters cho biết ông Ri có giấy phép làm việc tại Malaysia có thời hạn đến 6/2/2017.

Malaysia hiện đang truy tìm một số người Bắc Hàn, trong đó có một quan chức sứ quán bị nghi tham gia vụ giết hại ông Kim Jong-nam.

Cũng trong hôm 2/3, Malaysia loan báo sắp chấm dứt việc miễn thị thực cho công dân Bắc Hàn vì lý do an ninh, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết.

Anh của nhà lãnh đạo Bắc Hàn chết hôm 13/2 do bị đầu độc bằng chất VX.

Hai nữ nghi phạm Việt Nam và Indonesia chính thức bị buộc tội giết người hôm 1/3.

Hai người này khai rằng tin rằng đang tham gia một show hài tình huống trên TV.

Thi thể ông Kim Jong-nam vẫn đang được giữ trong nhà xác ở Kuala Lumpur, trong bối cảnh tranh chấp về việc ai sẽ được quyền nhận xác.

Cũng trong hôm 2/3, Malaysia loan báo sắp chấm dứt việc miễn thị thực cho công dân Bắc Hàn vì lý do an ninh, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết.

Quy định yêu cầu tất cả công dân Bắc Hàn phải có thị thực mới được nhập cảnh vào Malaysia sẽ có hiệu lực từ ngày 6/3, thông tấn Bernama tường thuật.

Quan hệ ngoại giao giữa hai nước bắt đầu từ những năm 1970 và khi giao thương về dầu cọ và thép tăng, Bắc Hàn mở sứ quán tại Kuala Lumpur năm 2003.

Nhưng vụ giết hại ông Kim Jong-nam khiến mối quan hệ bị rạn nứt, Malaysia thậm chí triệu hồi đại sứ tại Bình Nhưỡng.

************************

Vụ ám sát Kim Jong-nam : Malaysia ngưng miễn visa cho Bắc Triều Tiên (RFI, 02/03/2017)

kim4

Khủng hoảng ngoại giao Malaysia- Bắc Triều Tiên sau vụ án mạng Kim Jong-nam. REUTERS/Athit Perawongmetha

Tiếp theo những căng thẳng ngoại giao do vụ ám sát hại Kim Jong-nam, ngày 02/03 /2017, hãng tin Bernama loan tin Malaysia sẽ ngừng miễn thị thực nhập cảnh đối với công dân Bắc Triều Tiên.

Phó thủ tướng Ahmid Zahid Hamidi được hãng tin Malaysia dẫn lời cho biết bắt đầu từ ngày 06/03/2017 các công dân Bắc Triều Tiên muốn tới Malaysia phải xin thị thực nhập cảnh và Kuala Lumpur đã quyết định như vậy là vì an ninh quốc gia.

Quyết định của Malaysia được đưa ra hai tuần sau vụ Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, bị ám sát tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur bằng chất độc thần kinh cực mạnh VX.

Trong vụ án mạng này, hai nữ nghi phạm, một người Việt Nam tên Đoàn Thị Hương, 28 tuổi và một người Indonesia tên Siti Aishah, 25 tuổi, đã bị truy tố vì tội mưu sát. Với tội danh này, các bị cáo có thể bị kết án tử hình.

Cùng ngày, chưởng lý Malaysia Mohamed Apandi Ali thông báo, nghi phạm người Bắc Triều Tiên, ông Ri Jong-chol, bị bắt ba ngày sau vụ án mạng, sẽ được thả và bị trục xuất ngay về Bắc Triều Tiên vào ngày 03/03/2017, do thiếu bằng chứng và hết thời hạn tạm giam.

Cũng trong khuôn khổ án mạng này, cảnh sát Malaysia đã xác định có 7 nghi phạm khác người Bắc Triều Tiên, trong đó có một quan chức sứ quán Bắc Triều Tiên. Bốn trong số nghi phạm trên đã trốn khỏi Malaysia. Ba nghi phạm còn lại đang được chính quyền Kuala Lupur đòi thẩm vấn, nhưng chưa được đáp ứng.

Vụ ám sát Kim Jong-nam đã làm cho quan hệ Malaysia và Bắc Triều Tiên trở nên căng thẳng. Bắc Triều Tiên phản đối gay gắt cuộc điều tra cũng như các kết luận giảo nghiệm tử thi nạn nhân của chính quyền Malaysia. Bình Nhưỡng còn lên án Kuala Lumpur thông đồng với các thế lực thù địch nhằm hạ thấp uy tín của Bắc Triều Tiên.

Malaysia thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Triều Tiên từ năm 1973, đến năm 2003 mới mở sứ quán tại Bình Nhưỡng. Cho đến trước vụ án mạng Kim Jong-nam, quan hệ hai nước vẫn tốt đẹp. Malaysia đã đón nhận hàng ngàn lao động Bắc Triều Tiên.

 Anh Vũ

****************************

Vụ Kim Jong-nam : Bắc Hàn đưa giả thuyết mới (BBC, 02/03/2017)

Bas du formulaire

kim5

Vụ ám sát Kim Jong-nam được dư luận hết sức quan tâm

Bắc Hàn nói có thể công dân của họ chết ngày 13/2 do đau tim trong khi nghi phạm Bắc Hàn bị Malaysia bắt vì nghi liên quan sắp được thả.

Phát biểu với các nhà báo bên ngoài Đại sứ quán Bắc Hàn ở Kuala Lumpur, cựu phó Đại sứ nước này tại Liên Hiệp Quốc - ông Ri Tong-il, đặt nghi vấn về kết luận của Malaysia rằng người mà Bắc Hàn gọi là Kim Chol đã bị đầu độc bằng chất hóa học VX.

Ông Ri nói cần gửi mẫu lên Tổ chức cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) để phân tích.

Ông nói : "Nếu đúng là thuốc này thì phải gửi mẫu phân tích tới văn phòng OPCW. Một khi hai phòng thí nghiệm quốc tế khác nhau cùng đưa ra kết luận rằng chất hóa học này đã được sử dụng, thì họ cần xác định ra ai là kẻ chế tạo ra loại thuốc này".

"Ai là kẻ đã mang chất này vào Malaysia ?".

Ông Ri đang dẫn đầu phái đoàn ngoại giao cao cấp của Bắc Hàn làm việc với các quan chức chính phủ Malaysia tại Kuala Lumpur.

Trong khi đó, công dân Bắc Hàn duy nhất bị bắt vì nghi liên quan vụ ám sát Kim Jong-nam sắp được trả tự do.

Tổng chưởng lý Malaysia Mohamed Ali Apandi nói ông Ri Jong-chol nay là "người tự do" vì không đủ chứng cứ để buộc tội ông.

Quy chế mới

Ri Jong-chol, sống ở Malaysia trong ba năm qua, bị bắt bốn ngày sau vụ giết ông Kim Jong-nam.

Cảnh sát không cung cấp chi tiết lý do tại sao ông bị bắt.

Reuters cho biết ông Ri có giấy phép làm việc tại Malaysia có thời hạn đến 6/2/2017.

Malaysia hiện đang truy tìm một số người Bắc Hàn, trong đó có một quan chức sứ quán bị nghi tham gia vụ giết hại ông Kim Jong-nam.

Cũng trong hôm 2/3, Malaysia loan báo sắp chấm dứt việc miễn thị thực cho công dân Bắc Hàn vì lý do an ninh, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết.

Anh của nhà lãnh đạo Bắc Hàn chết hôm 13/2 do bị đầu độc bằng chất VX.

Hai nữ nghi phạm Việt Nam và Indonesia chính thức bị buộc tội giết người hôm 1/3.

Hai người này khai rằng tin rằng đang tham gia một show hài tình huống trên TV.

Thi thể ông Kim Jong-nam vẫn đang được giữ trong nhà xác ở Kuala Lumpur, trong bối cảnh tranh chấp về việc ai sẽ được quyền nhận xác.

kim6

Các chuyên viên tìm dấu vết chất độc thần kinh VX tại sân bay Kuala Lumpur

Quan hệ xấu đi

Malaysia tuyên bố sẽ chỉ trao thi thể cho thân nhân, những người có thể cung cấp mẫu DNA.

Nhưng Bắc Hàn nói rằng họ có thể đòi trao trả thi thể công dân của họ.

Bình Nhưỡng vẫn chưa xác nhận nạn nhân là ông Kim Jong-nam.

Ông dùng hộ chiếu ngoại giao dưới một cái tên khác khi vụ việc xảy ra.

Ông Zahid cho biết quy định yêu cầu tất cả công dân Bắc Hàn phải có thị thực mới được nhập cảnh vào Malaysia sẽ có hiệu lực từ ngày 6/3, thông tấn Bernama tường thuật.

Quan hệ ngoại giao giữa hai nước bắt đầu từ những năm 1970 và khi giao thương về dầu cọ và thép tăng, Bắc Hàn mở sứ quán tại Kuala Lumpur năm 2003.

Nhưng vụ giết hại ông Kim Jong-nam khiến mối quan hệ bị rạn nứt, Malaysia thậm chí triệu hồi đại sứ tại Bình Nhưỡng.

*************************

Bộ Ngoại Giao Việt Nam lần đầu tiếp xúc gia đình Đoàn Thị Hương (RFA, 02/03/2017)

kim7

Đoàn Thị Hương, 28 tuổi (trái) được cảnh sát đặc biệt hộ tống sau phiên tòa tại Sepang, Malaysia vào ngày 01 tháng 3 năm 2017. AFP photo

Theo tin của hãng thông tấn Reuters, sau khi bức hình nghi phạm Đoàn Thị Hương trong chiếc áo chống đạn được dẫn giải đến tòa án Malaysia với ánh mắt thất thần được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội Việt Nam với nhiều câu hỏi : Vì sao chính quyền Việt Nam vẫn không làm gì để hỗ trợ cho công dân của mình ?

Hôm nay thứ Năm 2/3/2017, Bộ Ngoại Giao Việt Nam lần đầu tiên đã có cuộc tiếp xúc với gia đình của cô Đoàn Thị Hương, và cho biết sẽ hỗ trợ pháp lý và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho cô Hương.

Trong một thông báo phổ biến sau cuộc gặp, Bộ Ngoại Giao Việt Nam viết thêm rằng "Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân trong quyền hạn cho phép của mình, để đảm bảo thủ tục tố tụng là công bằng và khách quan".

Văn bản của Bộ ngoại giao viết thêm là "Đại sứ quán đang tìm kiếm luật sư thích hợp để bảo vệ cho cô Đoàn Thị Hương trước tòa.

Cũng trong ngày thứ Năm 2/3, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết đã chủ động đề xuất với Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao về việc hỗ trợ pháp lý cho cô Đoàn Thị Hương, người đang phải đối mặt với cáo buộc mưu sát ở Malaysia.

Nói với báo giới vào trưa ngày 2 tháng 3, ông Đỗ Ngọc Thịnh, chủ tịch Liên đoàn cho biết đã có trao đổi và đề xuất với hai bộ để cử luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho cô Đoàn Thị Hương. Ông Thịnh cho biết Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao đã ghi nhận đề xuất và sẽ có thông báo phản hồi tới Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ông cũng cho biết thêm là qua trao đổi, một số luật sư đều tỏ ý sẵn sàng tham gia hỗ trợ pháp lý trên tinh thần nếu được nhà nước hỗ trợ thì tốt nhất, còn nếu không thì họ sẽ tự bỏ tiền ra để thực hiện.

Cô Đoàn Thị Hương bị cáo buộc tham gia giết ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un ở phi trường Kuala Lumpur, Malaysia hôm 13 tháng 2. Cô nói với đại diện Đại sứ quán Việt Nam rằng cô đã bị lừa và nghĩ mình đang tham gia một show truyền hình.

Trước tòa hôm 1 tháng 3 vừa qua cô cũng khẳng định mình vô tội.

Luật sư đại diện hiện tại cho cô tại tòa do phía Malaysia chỉ định.

Theo quy định ở Malaysia, các luật sư nước ngoài không được phép trực tiếp tham gia bào chữa. Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh cho biết nếu được các cơ quan chức năng Việt Nam cho phép, các luật sư Việt Nam sẽ phối hợp với các luật sư Malaysia và cơ quan chức năng Malaysia để cung cấp các bằng chứng và tài liệu có lợi cho cô Đoàn Thị Hương.

Quay lại trang chủ
Read 797 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)