Tokyo sẵn sàng tịch thu tài sản của Hàn Quốc trên đất Nhật (RFI, 01/12/2018)
Chính quyền Tokyo có thể tịch thu tài sản của Hàn Quốc tại Nhật Bản nếu Seoul tịch thu cơ sở của các công ty Nhật Bản ở Hàn Quốc bị nêu tên trong phán quyết của Tòa Án Tối Cao Hàn Quốc gần đây, liên quan đến vấn đề bồi thường cho người Triều Tiên bị Nhật Bản cưỡng bức lao động cưỡng bức trong thời chiến.
Kim Seong Ju, một phụ nữ Triều Tiên bị Nhật Bản cưỡng bức lao động, cùng với người thân hoan hô phán quyết của Tòa Án Tối Cao Hàn Quốc tại Seoul ngày 29/11/2018. Reuters/Kim Hong-Ji
Theo hãng tin Nhật Bản Jiji hôm nay, 01/12/2018, một số nguồn tin tại Tokyo đã cho biết là biện pháp đối phó nói trên đã được một số thành viên chính phủ Nhật Bản thảo luận như là "phương án tối hậu" để đối phó với Hàn Quốc.
Ngày 30 tháng 10 vừa qua, Tòa Án Tối Cao Hàn Quốc đã ra lệnh cho hãng Nhật Bản Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp. là phải bồi thường cho một nhóm người Hàn Quốc đã nộp đơn kiện về việc họ đã bị bắt buộc phải làm việc cho các hãng này trước khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc.
Đến ngày 29/11 vừa qua, định chế tư pháp Hàn Quốc đã ban hành một phán quyết tương tự nhắm vào tập đoàn Nhật Mitsubishi Heavy Industries Ltd.
Trước các đe dọa kể trên nhắm vào các tập đoàn Nhật Bản, một số viên chức Nhật đã nghĩ đến cách đối phó, và việc tịch thu tài sản của Hàn Quốc là điều có thể được cho phép như là một biện pháp "bảo vệ ngoại giao" trong khuôn khổ luật quốc tế, nhưng trước đó phải được ghi trong một văn bản luật của Nhật.
Chính quyền Tokyo đã bác bỏ phán quyết của Tòa Án Tối Cao Hàn Quốc, viện lẽ là một thỏa thuận song phương Nhật-Hàn năm 1965 đã giải quyết dứt điểm vấn đề bồi thường chiến tranh. Nhật Bản tuyên bố có thể đưa vụ việc này ra trước Tòa Án Quốc Tế.
Trong cuộc họp báo hôm qua, tổng thư ký nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết : "Chúng tôi đang xem xét mọi khả năng".
Còn ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, tại một cuộc họp báo riêng biệt, đã kêu gọi chính phủ Hàn Quốc có cách xử lý đúng đắn.
Trọng Nghĩa
***************
Trung Quốc nói chuyện 'nghiêm khắc' với Mỹ về tàu trên Biển Đông (VOA, 30/11/2018)
Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu, 30/11, rằng họ đã "giao thiệp nghiêm khắc" với Hoa Kỳ sau khi Hải quân Hoa Kỳ điều một con tàu đi xuyên qua Biển Đông đang có tranh chấp. Con tàu đã đi gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Tàu USS Chancellorsville của Mỹ tại cảng Hồng Kông hôm 21/11/2018
Căng thẳng xảy ra giữa hai cường quốc ở vùng biển châu Á có tranh chấp trùng vào lúc mối quan hệ hai nước đang xấu đi vì tranh cãi về thương mại, kéo theo các đợt tăng thuế ngày càng cao đánh vào hàng nhập khẩu của nhau trị giá hàng tỷ đô la.
Tàu tuần dương mang tên lửa điều hướng của Hoa Kỳ, USS Chancellorsville, đã đi gần quần đảo Hoàng Sa hôm 26/11 để thách thức "những tuyên bố chủ quyền biển quá đáng" của Trung Quốc, hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, nói tại một cuộc họp báo hàng ngày rằng tàu của Mỹ đã vào trong vùng biển của Trung Quốc mà không được phép và Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm thông qua "giao thiệp nghiêm khắc".
Quân đội Trung Quốc cho biết họ đã điều tàu và máy bay để theo dõi tàu Mỹ và cảnh báo nó phải rời đi.
Chuyến đi của tàu Chancellorsville là chuyến mới nhất trong hoạt động vì tự do hàng hải của Mỹ nhằm thách thức điều mà Mỹ xem là các hoạt động của Trung Quốc gây hạn chế quyền tự do đi lại trong vùng biển chiến lược.
Đặc biệt, Hoa Kỳ đã chỉ trích việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trên các đảo, bãi cạn, rạn san hô và lắp đặt các cơ sở quân sự của họ trên đó, bao gồm cả các đường băng và bến tàu.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền "không thể tranh cãi" đối với hầu hết Biển Đông và các đảo trong đó, và cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng quân sự với sự hiện diện hải quân của Mỹ ở đó.
Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines đều tuyên bố chủ quyền về các phần khác nhau của tuyến đường thủy, nơi có lượng thương mại hàng hóa trị giá khoảng 5 nghìn tỷ đô la đi qua mỗi năm. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền về vùng biển.
*******************
Hải quân Trung Quốc cảnh báo tàu chiến Mỹ ở Hoàng Sa (RFA, 01/12/2018)
Bộ tư lệnh miền Nam của Trung Quốc hôm thứ Bảy, ngày 1/12 cho biết Hải quân nước này đã cảnh báo tàu chiến Mỹ khi tàu này đi vào vùng nước mà Trung Quốc đòi chủ quyền ở Hoàng Sa.
Tàu USS Chancellorsville tại HongKong hôm 21/11/2018 - AFP
Thông báo của Bộ tư lệnh miền Nam Trung Quốc cho biết tàu chiến Mỹ USS Chancellorsville đã đi vào vùng nước gần Hoàng Sa hôm thứ Tư ngày 28/11 vừa qua mà không xin phép Trung Quốc.
"Bộ Tư lệnh miền Nam đã điều hải quân và không quân giám sát tàu Mỹ và ra cảnh báo yêu cầu tàu này dời đi", thông báo viết.
Bộ Tư lệnh miền Nam Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ vùng trời và vùng nước để ngăn chặn những sự việc có thể gây đe doạ cho an ninh quốc gia.
Trước đó, vào hôm 29/11, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Nathan Christensen cho biết tàu chiến Mỹ đã thực hiện hoạt động gần Hoàng Sa để thách thức đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, và duy truỳ tự do hàng hải qua vùng nước được luật quốc tế công nhận.
Hôm 21/11, tàu USS Chancellorville đã cùng hàng không mẫu hạm Ronald Reagan ghé thăm cảng HongKong.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 30/11 nói tàu chiến Mỹ đã vào vùng nước của Trung Quốc mà không xin phép và Trung Quốc đã làm rõ lập trường cứng rắn của mình về vấn đề này.
Hồi cuối tháng 9, tàu chiến của Trung Quốc cũng đã đi sát đến mức nguy hiểm tàu của Hải quân Mỹ khi tàu này đi gần đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc từ trước đến nay vẫn cho rằng việc tàu chiến và máy bay Mỹ đi qua khu vực Biển Đông gây mất ổn định trong khu vực.
Biển Đông là vùng nước đang tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước trong khu vực bao gồm cả Việt Nam. Trung Quốc là nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích biển Đông qua vùng đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Tòa Trọng tài quốc tế hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này nhưng Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của toà.