Trung Quốc kêu gọi ‘gác tranh chấp’ ở Biển Đông (VOA, 03/12/2018)
Sau khi ký biên bản ghi nhớ về khai thác dầu khí gây tranh cãi với Philippines, Trung Quốc mới lên tiếng kêu gọi các nước tranh chấp ở Biển Đông "hợp tác" để biến nơi này trở thành "vùng biển hòa bình và hữu nghị".
Phát ngôn viên Cảnh Sảng.
Hai bên đã ký gần 30 thỏa thuận song phương, trong đó có biên bản ghi nhớ, mở đường cho hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông, trong chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 20 tới 21/11.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng sau đó nói rằng "việc ký văn bản ghi nhớ giữa Trung Quốc và Philippines phát tín hiệu về một bước tiến mới của hai bên về việc phát triển và khai thác dầu khí chung", và rằng "hai bên sẽ tiếp tục thảo luận thêm nữa về các vấn đề liên quan cụ thể".
Ông Cảnh nói thêm rằng việc ký bản ghi nhớ này "là môt minh chứng cho sự tôn trọng lẫn nhau, việc đàm phán công bằng và lòng tin lẫn nhau giữa Trung Quốc và Philippines".
Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Philippines ở Manila hôm 20/11.
Người phát ngôn này nói tiếp rằng Bắc Kinh "cũng mong chờ tiến hành các hợp tác như vậy với các nước ven Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) để biến Nam Trung Hoa thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác".
"Phía Trung Quốc đã kiên định hậu thuẫn việc ‘gác lại tranh chấp và cùng phát triển’ ở Biển Nam Trung Hoa và thúc đẩy hợp tác ở các lĩnh vực liên quan, trong đó có dầu, khí để thực sự mang lại lợi ích cho các nước ven biển và người dân của họ", ông Cảnh Sảng nói.
"Trung Quốc sẵn lòng tiếp tục duy trì trao đổi và hợp tác về việc này với các nước liên quan ở Biển Nam Trung Hoa, trong đó có Philippines, và nỗ lực vì tiến bộ thực chất về việc sớm cùng phát triển ở Biển Nam Trung Hoa".
Theo Asia Times, thỏa thuận giữa Manila và Bắc Kinh đã gây sóng gió ở Philippines. Trang tin này dẫn lời chánh án Tòa án Tối cao Antonio Carpio lên tiếng cảnh báo chính phủ không nên đồng ý với bất kỳ thỏa thuận "thăm dò, phát triển và khai thác chung" nào với Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp.
Ông Carpio được trích lời nói rằng việc Trung Quốc củng cố chủ quyền lãnh hải ở Biển Nam Trung Hoa là "mối đe dọa từ bên ngoài nghiêm trọng nhất kể từ Thế Chiến II" đối với Philippines.
Liên quan tới biên bản ghi nhớ trên, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà nói rằng "lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, bao gồm cả chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền lợi ích hợp pháp trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được nêu nhiều lần".
Bà Trà nói tiếp rằng "là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác trên biển, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, cũng như quan hệ hữu nghị của các quốc gia".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng "hợp tác dầu khí giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông chỉ có thể được tiến hành tại những khu vực mà hai quốc gia này có quyền và quyền chủ quyền, theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982".
Hồi năm 2015, dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, người quyết định đưa Bắc Kinh ra tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc, một số học giả của Philippines, trong đó có ông Renato de Castro, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle, nhận định với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam và Philippines có thể "gác tranh chấp" và "chống Trung Quốc" sau khi Manila và Hà Nội đồng ý nâng cấp mối quan hệ song phương lên tầm chiến lược.
Ông Renato de Castro cho rằng dù hiệp định không dẫn tới một liên minh quân sự như giữa Manila và Washington, nhưng nó cho thấy đôi bên "đã gác lại các tranh chấp ở Trường Sa để chống lại mối đe dọa chung là Bắc Kinh".
Tuy nhiên, một năm sau đó, ông Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống và theo giới quan sát, chính sách ngoại giao của Philippines đã ngả dần về phía Trung Quốc.
Viễn Đông
******************
Việt Nam lún sâu hơn trong thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc (Người Việt, 03/12/2018)
Việt Nam tiếp tục thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc nặng hơn nữa, theo các con số thống kê về tình hình xuất nhập cảng giữa Việt Nam với Trung Quốc của 11 tháng trong năm 2018.
Việt Nam có 24 cửa khẩu quốc tế với các nước láng giềng, hàng nhập cảng lậu đi công khai.(Hình : DTnews)
Theo các con số của Tổng Cục Thống Kê của Bộ Công Thương cộng sản Việt Nam, trong 11 tháng của năm 2018, Việt Nam đã xuất cảng sang Trung Quốc một số lượng hàng hóa trị giá khoảng 38,1 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái. và nhập cảng 59,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. So ra Việt Nam bị thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc 21,6 tỷ USD.
Gần đây, bản thống kê của Tổng Cục Hải Quan cộng sản Việt Nam cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc một số lượng hàng hóa các loại trị giá 33,48 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng thời gian năm ngoái và chiếm 16,6% trong tồng số hàng hóa xuất cảng đi khắp nơi. Trong khi đó, Việt Nam nhập cảng từ Trung Quốc một số lượng hàng hóa trị giá 53,39 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 27,4% trong tống số trị giá hàng hóa nhập cảng và gia tăng 13,4% so với cùng thời kỳ của năm ngoái. Như vậy, thâm thủng mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc là 18,81 tỷ USD trong 10 tháng vừa qua.
Theo tài liệu của Tổng Cục Thống Kê nói trên, Mỹ vẫn là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam với với số lượng hàng hóa các loại trị giá 43,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đáng nói nhất lại là đồ điện tử giá trị cao như điện thoại di động của Samsung đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Thống kê cho thấy, xuất cảng mặt hàng điện thoại và linh kiện có mức tăng trưởng cao nhất, lên đến gần 50%.
Tháng trước, Tổng Cục Hải Quan cộng sản Việt Nam cho hay trong 9 tháng đầu của năm 2018, xuất cảng hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 28,8 tỷ USD tăng 29,9% và nhập cảng hàng hóa của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc đạt 47,25 tỷ USD, tăng 12.8%. Như vậy, thâm thủng mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc trong 9 tháng đầu của năm 2018 là 18,45 tỷ USD.
Con số thâm thủng mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc mỗi ngày một phình to hơn theo từng tháng chứ không hề giảm.
Đầu tháng Mười Một, khi sang Thượng Hải tham dự "Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc 2018 và Diễn đàn Kinh tế Thương mại Quốc tế Hồng Kiều", ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Dịp này, theo TTXVN, ông Phúc "đề nghị Trung Quốc mở cửa, tạo điều kiện cho hàng hoá Việt Nam vào Trung Quốc ; có chính sách và biện pháp thiết thực để giảm mức nhập siêu lớn hiện nay của Việt Nam, hướng tới thương mại song phương tăng trưởng ổn định, bền vững".
TTXVN cũng thuật lời ông Tập Cận Bình "nhấn mạnh, Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu với Việt Nam và sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam để thương mại hai nước phát triển theo hướng cân bằng, bền vững".
Không phải lần đầu tiên Hà Nội thúc giục Bắc Kinh mở cửa rộng hơn để gia tăng nhập cảng hàng hóa từ Việt Nam. Các quan chức hàng đầu của Hà Nội lập đi lập lại điều này mỗi khi gặp đối tác Bắc Kinh suốt nhiều năm qua.
Hồi giữa tháng Năm 2018, Bộ Tài Chính Hà Nội kêu rằng Việt Nam "chi hơn 250 tỷ USD để nhập khẩu hàng từ Trung Quốc nhưng ở chiều ngược lại Việt Nam chỉ xuất khẩu được trị giá hơn 100 tỷ USD, điều này dẫn đến thâm hụt thương mại nặng nề gần 150 tỷ USD giữa Việt Nam với Trung Quốc trong thời gian gần 6 năm qua" mà "lượng nhập khẩu vẫn gia tăng hàng năm".
Thời gian nổ ra vụ kình chống giữa Việt Nam với Trung Quốc khi Bắc Kinh đưa giàn khoan khổng lồ HD981 tới phía Nam quần đảo Hoàng Sa dò tìm dầu khí hồi năm 2014 làm quan hệ giữa hai nước Cộng Sản anh em chùng xuống thật thấp, có nhiều lời kêu gọi "thoát Trung" ở trong nước. Nhưng những con số thống kê vẫn cho thấy thực tế khác hẳn.
Nếu kinh tế của Việt Nam vẫn càng ngày càng lún sâu vào vòng lệ thuộc Trung Quốc, người ta cũng từng thấy có những lời cảnh báo Trung Quốc có thể dùng thương mại như một võ khí khi tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo giữa Việt Nam với Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn.
Hà Nội nhập cảng phần lớn nguyên phụ liệu để sản xuất hàng dệt may, các chế phẩm tiêu dùng, máy móc trong khi xuất cảng sang Trung Quốc phần lớn là nông sản và quặng mỏ thô. Xuất cảng sang Trung Quốc đồ điện tử, công nghệ cao lại từ các công ty ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Thống kê đưa ra các con số thâm thủng mậu dịch giữa Việt Nam với Trung Quốc không kể đến một lượng hàng hóa khổng lồ nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam từ đường biển đến các cửa khẩu trên đất liền có dịch vụ "biên mậu". Người ta từng thấy có những tranh cãi về thống kê xuất nhập cảng giữa hai nước "vênh nhau" tới 20 tỷ USD.
Hồi tháng Tư, người ta thấy nêu ra tại "Hội thảo nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ" do "Cục Quản Lý Thị Trường (Bộ Công T/2018) hương cộng sản Việt Nam) tổ chức là hàng lậu, hàng giả vẫn tràn lan trên thị trường. (TN)