Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/12/2018

CPJ : 11 nhà báo Việt Nam bị bỏ tù, Mỹ đòi Miến Điện trả tự do cho nhà báo

Tổng hợp

Tổ chức Bảo vệ Ký giả : Năm 2018 Việt Nam bỏ tù 11 nhà báo (RFA, 14/12/2018)

Tổ chức Bảo vệ Ký giả- CPJ, trụ sở tại Hoa Kỳ vào ngày 13 tháng 12 công bố phúc trình đặc biệt về tình trạng những nhà báo bị bỏ tù khắp nơi trên thế giới trong năm 2018.

botu1

Hình minh họa. Các nhà báo tại một hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Hà Nội hôm 26/11/2009 - AFP

Theo CPJ thì thực tế hằng trăm nhà báo trên thế giới bị bỏ tù đang trở thành chuyện bình thường.

CPJ nhận định tính đến nay là năm thứ ba liên tục, và trong phúc trình thường niên 2018, có hơn 250 nhà báo tại nhiều nơi trên thế giới bị cầm tù. Thực tế đó cho thấy biện pháp độc đoán đối với hoạt động đưa tin phê phán không còn mạnh lên trong tạm thời.

Phúc trình của CPJ nêu rõ 70% những nhà báo bị cầm tù trên thế giới đang phải đối diện với cáo buộc chống nhà nước vì bị cho là thành viên hay ủng hộ những nhóm mà cơ quan chức năng liệt vào diện tổ chức khủng bố.

Theo CPJ, Việt Nam là quốc gia trong năm 2018 bỏ tù 11 nhà báo.

Một số điểm được nêu ra trong phúc trình của CPJ gồm 84% những nhà báo bị tù là công dân nước sở tại mà chính giam giữ họ.

Có 33 nhà báo bị bỏ tù là nữ, tăng 8% so với năm ngoái. Số nhà báo tự do bị cầm tù chiếm 30%. Đây là xu thế trong những năm gần đây.

Tác nhân chính trị là nguy cơ lớn nhất khiến nhà báo bị bỏ tù ; tiếp đến là nhân quyền.

Theo định nghĩa của CPJ thì nhà báo là những người đưa tin hay có những bình luận về các vấn đề chung trên truyền thông gồm cả in ấn, ảnh chụp, phát thanh, truyền hình và trên mạng.

Tổ chức Bảo Vệ Ký Giả cho rằng không nên bỏ tù những người làm công việc của họ như vừa nêu.

Trong năm 2017, hoạt động của CPJ giúp dẫn đến biện pháp trả tự do sớm cho ít nhất 79 nhà báo bị tù trên toàn thế giới.

****************

Hạ Viện Mỹ ra nghị quyết đòi Miến Điện trả tự do cho 2 nhà báo Reuters (RFI, 14/12/20148)

Với 394 phiếu thuận, chỉ có duy nhất 1 phiếu chống, Hạ Viện Mỹ vào hôm qua, 13/12/2018, đã thông qua nghị quyết yêu cầu chính quyền Miến Điện trả tự do cho hai nhà báo Reuters bị cầm tù từ cách nay một năm trong một vụ bị cho là đàn áp quyền tự do ngôn luận.

botu2

Hai nhà báo của Reuters, Wa Lone và Kyaw Soe Oo, mỗi người bị kết án tù 7 năm, hồi tháng 09/2018 Reuters/Antoni Slodkowski/File Photo

Nghị quyết kêu gọi Miến Điện thả các ông Wa Lone, 32 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, bị kết án bảy năm tù vào tháng 9 vừa qua về tội vi phạm Đạo Luật về Bí Mật Nhà Nước có từ thời thuộc địa Anh, nhưng được chính quyền hiện tại của Miến Điện viện dẫn để bỏ tù hai nhà báo đã góp phần phanh phui vụ Quân Đội Miến Điện giết hại người Hồi giáo Rohingya.

Nghị quyết của Hạ Viện Hoa Kỳ không mang tính chất ràng buộc, nhưng là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến cả chính quyền Miến Điện lẫn chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump, cho biết rằng các nghị sĩ Mỹ muốn hai nhà báo làm việc cho hãng Reuters được thả ra.

Nghị quyết cũng gọi thẳng chiến dịch của Quân Đội Miến Điện chống lại thiểu số Hồi giáo Rohingya là một vụ diệt chủng. Trong một báo cáo công bố ngày 27 tháng 08 vừa qua, các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc xác định rằng quân đội Miến Điện đã tiến hành những vụ giết người hàng loạt và hãm hiếp tập thể người Rohingya với "ý định diệt chủng", và lần đầu tiên đòi phải đưa các quan chức Miến Điện ra tòa về tội diệt chủng.

Cho đến nay, bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn tránh dùng từ "diệt chủng" để chỉ chiến dịch đàn áp người Rohingya tại Miến Điện.

Trung Quốc đứng đầu danh sách các công ty "bẩn" ở Miến Điện

Vào lúc Quân Đội Miến Điện bị tố cáo vi phạm nhân quyền và có hành vi diệt chủng nhắm vào người Rohingya, một tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Miến Điện mang tên Burma Campaign UK, hôm 11/12/2018 đã công bố một danh sách đen, chính xác hơn là một "danh sách bẩn" (dirty list) của các tập đoàn bị cáo buộc can dự vào những vụ vi phạm nhân quyền, phá hoại môi trường, hoặc làm ăn với Quân Đội Miến Điện. Và không mấy ngạc nhiên khi thấy các công ty Trung Quốc chiếm phần lớn trong danh sách này.

Đây là danh sách của 49 công ty tập đoàn từ Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Trung Quốc và một số nước khác, trong đó có Việt Nam, được tổ chức đấu tranh cho nhân quyền tại Miến Điện là Burma Campaign UK đúc kết. Các công ty này bị cáo buộc là tiếp tục cung cấp vũ khí, cơ sở hạ tầng, công nghệ, kỹ thuật và chuyên môn cho Quân Đội Miến Điện, hoặc tài trợ cho các dự án được hỗ trợ bị cáo buộc là hủy hoại môi trường, như đập thủy điện và khai thác mỏ cẩm thạch.

Trong danh sách này có đến 16 công ty Trung Quốc, đã cung cấp cho lực lượng võ trang Miến Điện từ chiến đấu cơ, máy bay không người lái có vũ trang, tàu chiến, hệ thống tên lửa đạn đạo, cho đến máy móc hạng nặng và năng lượng.

Cũng theo tổ chức Burma Campaign, các công ty Trung Quốc còn can dự vào một mỏ than và ít nhất sáu dự án đập thủy điện gây tranh cãi tại các khu vực đang có xung đột ở Myanmar.

Danh sách của các tập đoàn quốc tế nhúng tay vào những công việc "bẩn thỉu tại Miến Điện" có tên của Facebook, vì đã cho sử dụng mạng xã hội này để phát tán các thông điệp "kích động hận thù và bạo lực [chống lại] các nhóm thiểu số ở Miến Điện, đặc biệt là người thiểu số Hồi giáo Rohingya và Hồi giáo nói chung".

Riêng tập đoàn điện thoại Viettel của Việt Nam lần đầu tiên bị đưa vào danh sách này.

Trọng Nghĩa

*******************

Miến Điện : Biểu tình tại Rangoon đòi trả tự do cho hai nhà báo Reuters (RFI, 13/12/2018)

Tại Miến Điện, một năm sau vụ bắt giữ hai nhà báo của hãng tin Reuters, hôm 12/12/2018, nhiều nhà hoạt động đã tụ họp biểu tình tại Rangoon đòi trả tự do vô điều kiện cho các nhà báo đồng thời lên án các quyền tự do ngôn luận và báo chí tại nước này bị tụt hậu từ khi đảng của bà Aung San Suu Kyi lên cầm quyền.

asia1 - Copie

Biểu tình tại Rangoon, Miến Điện, đòi tự do cho hai nhà báo của hãng tin Reuters, Wa Lone và Kyaw Soe Oo. Ảnh ngày 12/12/2018. Reuters/Myat Thu Kyaw

Thông tín viên RFI Héloïse de Montety tại Rangoon :

Đám đông dành một phút im lặng, rồi thả các quả bóng đen lên bầu trời. Nhân kỷ niệm một năm hai nhà báo của Reuters Kyaw Soe Ô và Wa Lone bị bắt và kết án 7 năm tù vì tiết lộ các vụ thảm sát người Rohingya, vài chục nhà bảo vệ quyền tự do báo chí và ngôn luận đã tụ họp trên quảng trường trong tâm thành phố Rangoon.

Bà Khin cho biết : "Tôi đến đây để nói rằng nghề làm báo không có tội. Chúng tôi yêu cầu chính quyền trả tự do ngay lập tức cho các nhà báo vì nhiều chứng cứ cho thấy họ không làm gì xấu cả".

Theo tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận Athan, 44 nhà báo và 142 nhà hoạt động đã bị bắt tại Miến Điện từ khi đảng của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền. Theo Moe Tway, thuộc hiệp hội Generation Wave, tình hình như vậy thật đáng ngại, ông nói: Dưới chính quyền trước, chúng tôi nghĩ đảng của bà Aung San Suu Kyi là phù hợp nhất để bảo vệ nhân quyền và tự do báo chí. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như thế. Giờ đây, bà xúc phạm truyền thông và xã hội dân sự. Đó không phải là tín hiệu tốt.

Phiên xử phúc thẩm hai nhà báo sẽ mở từ ngày 24/12 tới. Trong khi chờ đợi, tạp chí Time đã chỉ định hai nhà báo Reuters nói trên trong danh sách các nhân vật của năm 2018.

Anh Vũ

******************

Đối lập Cam Bốt được phép hoạt động chính trị trở lại (RFI, 13/12/2018)

Quốc hội Cam Bốt ngày 13/12/2018 đã sửa đổi luật về các chính đảng, cho phép thành viên các đảng đối lập được quay lại chính trường nếu cá nhân có đơn xin. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Phnom Penh bị Liên Hiệp Châu Âu đe dọa trừng phạt kinh tế.

asia2 - Copie

Trụ sở tòa án Phnom Penh. Ảnh minh họa. Reuters/Samrang Pring

Tòa án Tối cao vào tháng 11/2017 đã ra lệnh giải tán đảng đối lập chính là đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt (CNRP), và cấm mọi hoạt động chính trị trong 5 năm đối với 118 thành viên, mở đường cho thủ tướng Hun Sen tiếp tục tại vị.

Từ Phnom Penh, thông tín viên Juliette Buchez phân tích :

"Trước Quốc hội, một trong số các dân biểu giải thích việc sửa luật về các đảng chính trị được tiến hành trong tinh thần hòa giải dân tộc, chứ không phải để tránh bị trừng phạt.

Hôm 05/10/2018, Ủy Ban Châu Âu đã yêu cầu xem xét tiến trình này, có thể dẫn đến việc ngưng toàn bộ hay một phần thỏa thuận miễn thuế hải quan cho hàng xuất khẩu của Cam Bốt, do tình trạng nhân quyền và không khí chính trị tại đây. Thị trường Châu Âu vốn chiếm đến 40% doanh số xuất khẩu của nước này, trong các lãnh vực chủ yếu như gạo, hàng dệt may.

Nhờ vắng bóng đảng đối lập chính, đảng của thủ tướng Hun Sen trong cuộc bầu cử hồi tháng Bảy đã chiếm được toàn bộ ghế trong Quốc hội. Việc sửa đổi luật được thông qua hôm nay cho phép các thành viên đối lập cũ quay lại, nhưng phải có đơn xin và được thủ tướng hay bộ trưởng Nội Vụ duyệt xét. Như vậy trên lý thuyết họ có thể hoạt động trở lại, nhưng khá tế nhị.

Quyết định trên được đưa ra trong lúc đảng đối lập cũ đang bị chia rẽ nghiêm trọng, nhất là giữa những người ủng hộ của hai cựu lãnh đạo. Người thứ nhất, Sam Rainsy đang sống lưu vong, nay tự nhận là chủ tịch chính thức của đảng đối lập đã bị giải tán, nhưng những người thân cận với Kem Sokha phản đối. Nhà sáng lập thứ hai đang bị quản thúc tại gia kể từ tháng Chín, sau một năm bị giam giữ, trong khi chờ đợi ra tòa vì tội phản quốc".

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 351 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)