Đe dọa sử dụng sức mạnh hải quân Trung Quốc, khả năng tới đâu ? (RFA, 10/12/2018)
Vào ngày 8/12/2018, Hoàn Cầu Thời báo, một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bản tiếng Anh, đăng phát biểu của ông Đái Húc, Viện trưởng Viện An toàn và hợp tác biển, nói rằng Trung Quốc nên điều tàu chiến vào các vùng biển mà ông gọi là lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông, để ngăn chận và đâm vào tàu chiến Mỹ nếu các tàu chiến này thực hiện cái gọi là chiến dịch Tự do hàng hải, xâm phạm lãnh hải Trung Quốc.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, Hông Kong, 7/2017. AFP
Chiến dịch Tự do hàng hải của Mỹ thực hiện ở Biển Đông liên tục trong ba năm gần đây nhằm thách thức đòi hỏi chủ quyền lên đến 90% diện tích Biển Đông.
Lời tuyên bố rất cứng rắn này của một chuyên gia hàng hải và quân sự Trung Quốc được đưa ra ba tháng sau khi tàu Lan Châu của Trung Quốc ra kèm tàu chiến Mỹ Decatur khi chiếc này đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Gaven tại Trường Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Phía Mỹ lên tiếng nói vụ kèm cặp này diễn ra một cách nguy hiểm vì tàu Trung Quốc đi rất sát tàu chiến Mỹ.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nhận xét về phát biểu của ông Đái Húc như sau :
"Ông Viện trưởng đề xuất cái ý kiến đưa tàu ra để húc, để đâm vào tàu Mỹ là một ý kiến không lành mạnh. Nó còn sai ở chỗ nữa là kích động cái chuyện đối đầu".
Ông Đinh Hoàng Thắng cũng đề cập đến Công ước quốc tế về luật biển, cũng như phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016, rằng xung quanh các đảo đá, và bãi cạn mà cuộc sống con người không được duy trì một cách tự nhiên tại chỗ, thì vùng biển xung quanh không phải là của nước nào cả.
Bắc Kinh không đồng ý với phán quyết này.
Một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông tại Sài Gòn là Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định :
"Có những tín hiệu cho thấy trong nội bộ Trung Quốc có những phe hiếu chiến, thì ông này thuộc phe đó, chủ trương không ngại va chạm với Mỹ".
Tuy nhiên ông Hoàng Việt nói thêm rằng việc đưa ra bình luận rất cứng rắn như vậy qua tờ Hoàn Cầu Thời báo, chứ không phải kênh chính thức của Chính phủ Bắc Kinh, hoặc là tờ Nhân dân Nhật báo, tiếng nói chính thức của nhà nước Trung Quốc, Bắc Kinh có hàm ý "nắn gân" Hoa Kỳ và các đồng minh mà thôi.
Nhận xét về nhiệm vụ của tờ Hoàn Cầu Thời báo, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một chuyên viên nghiên cứu độc lập tại Singapore nói với RFA :
"Trung Quốc có cái truyền thống là chuyện gì họ nói chính thức không được thì họ dùng những cái kênh ba phần tư là chính thức. Tờ Hoàn cầu thời báo là một kênh như vậy, nó là một kênh đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ở kênh này họ thường đưa ra những phát biểu với giọng điệu nói ngược nói xuôi, dọa nạt".
Ông Hoàng Việt nói lý do mà Bắc Kinh không đưa ra lời đe dọa này theo những kênh chính thức là vì họ không có cơ sở pháp lý để đưa ra những đe dọa đó.
Ông Hà Hoàng Hợp cho rằng dù không chính thức, nhưng việc tờ Hoàn cầu thời báo đưa lời bình luận như vậy chứng tỏ một thái độ mà ông gọi là rất "nghiêm trọng" của người Trung Quốc, trong đó có thể bao gồm cả việc trả đũa vụ Mỹ yêu cầu Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của công ty điện từ Hoa Vi của Trung Quốc với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Hoa Kỳ với Iran.
Trả lời câu hỏi rằng với sự va chạm hồi tháng 9/2018 giữa tàu Lan Châu của Trung Quốc và tàu Decatur của Mỹ khi Decatur đi sát đảo do Trung Quốc chiếm đóng, và lời đe dọa của ông Đái Húc vừa mới đưa ra, thì liệu sắp tới va chạm thực sự dẫn tới xung đột có xảy ra không, ông Hoàng Việt nói :
"Sự việc chắc chỉ dừng ở mức độ đó, vì cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không muốn chiến tranh xảy ra, không bên nào có lợi cả. Trung Quốc cũng biết sức mạnh hải quân của mình dù đã mạnh hơn rất nhiều so với trước nhưng còn rất lâu mới bằng được Hoa Kỳ".
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng đồng ý rằng xung đột hải quân Mỹ Trung rất ít có khả năng xảy ra, thậm chí xung đột hải quân giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á cũng thấp, nhưng ông cảnh báo khả năng khác :
"Chuyện đụng chạm có thể xảy ra ngoài biển nhưng ở một chổ khác, đó là với cảnh sát biển hay là với đám ngư dân Trung Quốc có trang bị súng nhỏ. Vì nếu chúng ta để ý kỹ thì Trung Quốc không ký vào thỏa thuận mở rộng của việc Tránh xung đột không lường trước trên biển, Code for Unplanned Encounters at Sea, tiếng Anh viết tắt là CUES".
CUES được các quốc gia vùng Tây Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam và Trung Quốc, đồng ý với nhau vào năm 2014. Lúc đó CUES được đưa ra chỉ giới hạn ở phạm vi lực lượng hải quân và quân đội của các nước với nhau, và cho đến nay CUES cũng chỉ dừng lại ở mức độ đó. Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Việt Nam đã đề nghị ký CUES mở rộng bao gồm cả lực lượng cảnh sát biển, ngư dân,… nhưng đến nay Bắc Kinh vẫn chưa đồng ý.
Việc ngư dân Trung Quốc có vũ trang, hoặc được các tàu hải giám có vũ trang của nước này hộ tống đi vào vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á, hoặc đụng chạm với ngư dân và hải quân những nước này đã diễn ra từ rất lâu nay, ví dụ như hồi tháng 5/2018 giới chức Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo tàu cá Trung Quốc vào đánh cá sâu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách Đà Nẵng chỉ có 40 hải lý, với sự hộ tống của lực lượng hải giám có vũ trang của Trung Quốc.
Kính Hòa
***************
Giới chức quân đội Trung Quốc đòi tấn công tàu Mỹ đến Biển Đông (VOA, 12/12/2018)
Một quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc thúc giục hải quân nước này dùng vũ lực để ngăn chặn các hành động của Mỹ trên Biển Đông khi phát biểu tại một hội nghị cuối tuần qua ở Bắc Kinh, theo Taiwan News.
Tàu khu trục USS Decatur có tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ trong một hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông. Tàu chiến này đã từng bị tàu Trung Quốc xuýt đâm vào hồi tháng 9.
Tờ nhật báo Đài Loan cho biết một vị đại tá của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) nói rằng hải quân nước này nên đâm vào các tàu hải quân Mỹ khi các tàu đó tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên "lãnh hải của Trung Quốc" ở Biển Đông.
Cú ‘chạm mặt’ nguy hiểm trên Biển Đông : Trung Quốc đổ lỗi Mỹ
Một hành động gây hấn như vậy chắc chắn sẽ cấu thành sự leo thang căng thẳng như một vụ việc hồi tháng 9 trong đó một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc xuýt đâm vào một tàu chiến của Mỹ trên Biển Đông.
Đại tá không quân Trung Quốc Đới Húc, chủ tịch của Viện An toàn và Hợp tác Hàng hải, nói tại hội nghị hôm 8/12 rằng : "Nếu tàu chiến Mỹ một lần nữa đi vào hải phận của Trung Quốc, tôi gợi ý rằng chúng ta nên cử hai tàu chiến : một để chặn chúng lại và một để đâm vào chúng".
Taiwan News, lấy nguồn của Hoàn cầu Thời báo – một tờ báo của nhà nước Trung Quốc đứng ra tổ chức hội nghị, trích lời ông Đới nói : "Trong lãnh hải của chúng ta, chúng ta không cho phép các tàu chiến Mỹ gây ra xáo trộn".
Ông Đới, được biết tiếng với các phát ngôn diều hâu, cho rằng những hoạt động của hải quân Mỹ là những hành động gây hấn nhằm làm suy yếu lãnh thổ của Trung Quốc hơn là một nỗ lực để đảm bảo tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế. Hải quân Mỹ thường xuyên đưa các tàu khu trục và tàu tuần dương đi ngang qua các vùng lãnh hải mà Trung Quốc chiếm giữ trên Biển Đông trong khi các máy bay ném bom của Không lực Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các chuyến bay trên vùng trời khu vực này làm Bắc Kinh gận dữ.
Trong hoạt động gần đây nhất vào cuối tháng 11, hải quân Mỹ gửi tàu tuần duyên USS Chancellorsville có tên lửa lớp Ticonderoga dẫn đường tới thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa.
Hoàn cầu Thời báo thường có những bài viết mang tính khiêu khích và khác với những cơ quan truyền thông nhà nước khác của Trung Quốc như Xinhua cũng như thu hút thành phần độc giả khác ở nước này. Phát ngôn của ông Đới tại hội nghị hôm 8/12 có vẻ đi theo đường lối đó khi vị đại tá không quân này dường như hoan nghênh sự gia tăng về những căng thẳng và cho rằng việc đối đầu trên Biển Đông có thể tạo ra một cơ hội cho Trung Hoa lục địa lấy lại được Đài Loan.
"Nó sẽ làm tăng tốc việc đoàn tụ của chúng ta với Đài Loan", ông Đới được trích lời nói tại hội nghị. "Hãy chuẩn bị và chờ xem. Một khi có một cơ hội chiến lược, chúng ta phải sẵn sàng để giành lại Đài Loan".
Những bình luận của ông Đới về việc dùng vũ lực trên Biển Đông được đưa ra sau vụ các tàu chiến của Trung Quốc và Mỹ xuýt đâm nhau hồi tháng 9. Tàu khu trục lớp Lữ Dương (Luyang) của Trung Quốc đối đầu với tàu khu trục USS Decatur có tên lửa lớp Arleigh Burke dẫn đường trong một hoạt động ở Quần đảo Hoàng Sa.
Trong sự việc mà phía Mỹ gọi là "không an toàn", tàu Trung Quốc dường như sẵn sàng đâm vào tàu Mỹ để đẩy họ ra khỏi tuyến hàng hải. Chuyên gia về chính sách ngoại giao của The Diplomat, Ankit Panda, mô tả vụ việc là "hành động trực diện và nguy hiểm nhất của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhằm can thiệp vào hoạt động hợp pháp của hải quân Mỹ trên Biển Đông cho tới lúc này".