Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

04/01/2019

Điểm báo Pháp - Nhật, Hàn bất hòa, Mỹ bất an

RFI tiếng Việt

Nhật, Hàn bất hòa, Mỹ bất an

Châu Á hôm nay, 04/01/2019, khá được báo Pháp, chú ý đặc biệt là thành tích khoa học của Trung Quốc trong việc chinh phục mặt trăng vừa được Bắc Kinh loan báo hôm qua.

nhathan

Một chiến hạm tên lửa dẫn đường của Hàn Quốc trong cuộc tập trận bắn đạn thật ngoài khơi Dokdo/Takeshima ngày 20/06/2014. Reuters/South Korean Navy/Yonhap

Không thời sự bằng, nhưng đáng chú ý là bài phóng sự của Le Monde về khả năng luật Hồi giáo Charia sắp được áp dụng tại Brunei, và nhất là quan hệ căng thẳng trở lại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc khiến cho đồng minh của hai nước là Hoa Kỳ cảm thấy bất an.

Trong bài viết ở trang Quốc tế mang tựa đề "Một sự cố trên biển khơi dậy căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc", Philippe Mesmer, thông tín viên báo Le Monde tại Tokyo, đã đi sâu vào giải thích những nguyên nhân dẫn đến trận khẩu chiến dữ dội đang diễn ra giữa Tokyo và Seoul, với Nhật Bản bị tố cáo là cố tình gây sự.

Nhật và Hàn tố nhau là có hành động nguy hiểm trên biển

Báo Le Monde đã nhắc lại sự cố xẩy ra ngày 20/12/2018 trên Biển Nhật Bản (mà Hàn Quốc gọi là Biển Đông), khi một trinh sát cơ Kawasaki P-1 của Nhật Bản bay đến gần một khu trục hạm Hàn Quốc.

Phía Tokyo đã tố cáo việc chiến hạm Hàn Quốc chốt radar điều khiển hỏa lực trên chiếc phi cơ Nhật Bản – có nghĩa là đã có động thái nhắm bắn. Seoul đã bác bỏ cáo buộc trên, và tố cáo ngược lại là Tokyo đã "bóp méo sự thật", trong lúc chính máy bay tuần tra của Nhật đã gây nguy hiểm khi bay sát trên đầu tàu của Hàn Quốc.

Sự cố ngày 28/12 xẩy ra ít lâu sau khi Tokyo ngày 13/12 đã cực lực đả kích các cuộc tập trận quân sự của Hàn Quốc gần quần đảo Dokdo, do Seoul kiểm soát nhưng bị Nhật Bản đòi chủ quyền (với tên gọi Takeshima). Lời đả kích của Tokyo lần này khác thường, vì trong những năm gần đây, Hàn Quốc vẫn thường có những cuộc tập trận tương tự, nhưng Nhật Bản không hề phản ứng dữ dội như vậy.

Một chuỗi xung khắc

Theo Le Monde, thái độ bất mãn của Nhật Bản bắt nguồn việc từ việc chính quyền của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, vào tháng Bảy, đã đòi xét lại thỏa thuận đạt được năm 2015 giữa thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và cựu tổng thống Park Geun-hye (2013-2017) về việc giải quyết vĩnh viễn "vấn đề phụ nữ giải sầu".

Một lý do khác khiến Nhật Bản giận dữ là hai phán quyết vào tháng 10 và tháng 11 của Tòa Án Tối Cao Hàn Quốc, buộc các tập đoàn nhật bản Nippon Steel & Sumitomo Metal và Mitsubishi Heavy Industries phải bồi thường cho các công nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời Thế Chiến Thứ Hai.

Theo ghi nhận của Le Monde, phía Nhật Bản có dấu hiệu chủ động gây nên căng thẳng, với thủ tướng Shinzo Abe đóng một vai trò tích cực trong vụ việc.

Báo chí Nhật Bản đã tiết lộ rằng chính Shinzo Abe đã ra lệnh cho công bố đoạn video, được mô tả là bằng chứng về hành vi nguy hiểm của Hàn Quốc, bất chấp hai cuộc gặp song phương với Seoul về vấn đề này, và ý kiến dè dặt của Bộ Quốc phòng Nhật. Đối với tờ báo Pháp, các khó khăn chính trị nội bộ của đương kim thủ tướng đã thúc đẩy ông làm căng với Hàn Quốc.

Theo Le Monde, do việc tỉ lệ được lòng dân của ông đang giảm mạnh, thủ tướng Abe có lẽ đang cố ve vãn các thành phần dân tộc chủ nghĩa, vốn là các cử tri cơ sở của ông, nhưng đang không hài lòng với chủ trương tiếp nhận nhiều lao động nhập cư của chính quyền.

Đồng minh Mỹ lo ngại

Căng thẳng giữa Seoul và Tokyo đã khiến giới phân tích quan ngại, trong bối cảnh cả hai đều là đồng minh thân thiết của Washington tại Châu Á, hai nhân tố cần thiết để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên cũng như việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự.

Tokyo và Seoul đã từng ký nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, trong đó có thỏa thuận GSOMIA về chia sẻ thông tin tình báo.

Ông Shin In-kyun, giám đốc một cơ quan tham vấn tại Seoul mang tên Mạng Lưới Quốc Phòng Hàn Quốc, ghi nhận : "Sự xấu đi trong quan hệ giữa Seoul và Tokyo có thể gây tổn hại cho quan hệ hợp tác ba bên với Hoa Kỳ trong địa hạt quốc phòng".

Bóng dáng Trung Quốc trong cuộc chinh phục vũ trụ

Như nói ở trên, thành tích của Trung Quốc trong việc thăm dò mặt trăng đã được báo chí Pháp hết sức chú ý.

Le Monde đã đăng tấm ảnh màu mà cơ quan không gian Trung Quốc cung cấp cho báo chí với hàng tựa "Trung Quốc bộc lộ phần che khuất của mặt trăng" với ghi nhận là phi thuyền thăm dò của Trung Quốc là thiết bị đầu tiên đáp xuống phần của mặt trăng  không thể thấy được từ trái đất. Đối với Le Monde, đây là một thành công quan trọng, cho phép Trung Quốc khẳng định vai trò đại cường vũ trụ của mình.

Thành tích khoa học của Trung Quốc cũng được nhật báo Libération chú ý với một hồ sơ đặc biệt và một ảnh vẽ trăng lưỡi liềm trên nền xanh chiếm trọn trang nhất, mang tựa lớn "Chinh phục không gian – Bóng dáng Trung Quốc".

Libération cũng ghi nhận rằng Trung Quốc đã thực hiện được một thành tích chưa từng thấy, và qua đó tái khẳng định tham vọng của họ trong cuộc chạy đua lên những vì sao.

Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn : "Cuộc đua", Libération đã nêu bật ý nghĩa cuộc chạy đua lên vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, rồi có sự tham gia của Trung Quốc sau này. Đối với tờ báo Pháp : "Có lẽ bắn hỏa tiễn lên các ngôi sao tốt hơn là bắn đến các thủ đô đối nghịch".

Les Echos cũng nói về thành tích không gian của Trung Quốc, nhưng nhìn nhận vấn đề dưới lăng kính kinh tế : "Đã qua rồi thời kỳ mà Trung Quốc chỉ là xưởng sản phẩm giá hạ - low cost của thế giới. Xí nghiệp Trung Quốc giờ đây còn có những chủ bài công nghệ học và chất lượng khác hẳn. Trong ngành viễn thông, sản phẩm made in China đã kể như thắng cuộc, trong năng lượng và đường sắt, Bắc Kinh cũng ghi điểm. Trong fintech và xe hơi chạy bằng điện, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị nhảy vọt. Chủ trương bảo hộ của ông Trump sẽ không thay đổi gì. Năm 2019 sẽ mở ra một chương mới của toàn cầu hóa".

Tổng thống Pháp và công bằng thuế khóa

Thời sự Pháp dĩ nhiên đã được một số tờ báo khai thác, đặc biệt xoay quanh các chính sách mới của chính quyền Macron. Trang nhất Le Monde chạy tựa lớn : "Các lựa chọn kinh tế của tổng thống Macron trước đòi hỏi công bằng trong việc đóng thuế".

Nhật báo Pháp giải thích : Đối với tổng thống Pháp, ưu tiên số một phải là nâng cao sức hấp dẫn của nước Pháp đối với giới đầu tư ngoại quốc, do đó ông đã hủy bỏ sắc thuế ISF đánh trên các lợi tức cực cao, và áp dụng mức thuế cố định (flat tax) trên các khoản tiền lời sản sinh từ vốn tư bản.

Có điều là hai biện pháp trên đã khiến cho chính quyền Pháp bị chỉ trích là không có quyết tâm trong việc chống trốn thuế, làm lợi cho kẻ giàu. Trước những phản ứng trên, chính quyền đã nêu bật việc ban hành một đạo luật vào tháng 10/2018, lập ra một đơn vị cảnh sát chống trốn thuế, tăng mạnh mức tiền phạt và cải tổ "chốt chặn" tại bộ Kinh Tế.

Dẫu sao thì phong trào Áo Vàng mới đây đã biến vấn đề công bằng trong việc đóng thuế thành điểm nóng, và đây sẽ là một trong những chủ đề của cuộc tranh luận cấp toàn quốc sắp mở ra.

Điểm lạ của phong trào Áo Vàng : Đòi giảm thuế chứ không đòi tăng lương

Báo công giáo La Croix đã thì dành trang nhất cho vấn đề lương bổng, với câu hỏi là tại Pháp : "Phải chăng việc tăng lương đã trở thành điều cấm kỵ mới ?".

Đối với La Croix, điều đáng ngạc nhiên trong cuộc khủng hoảng Áo Vàng, là cho dù đầy rẫy những lời than thở về thu nhập eo hẹp, nhưng những đòi hỏi lại chủ yếu được gởi đến chính phủ, chứ không phải gởi đến giới chủ như trước đây.

Theo La Croix, "quả đúng là việc tăng thuế trên xăng dầu đã là tia lửa gây ra tranh chấp, một vấn đề thuộc trách nhiệm của chính phủ chứ không phải là của các xí nghiệp. Thế nhưng, ở một thời điểm khác điều này có thể dẫn đến đòi hỏi tăng lương, chứ không phải thu thuế ít hơn như hiện nay".

Đối với La Croix, điểm khác lạ này có thể được giải thích bằng việc mọi người đã ý thức được là tình cảnh xí nghiệp Pháp không mấy khả quan và do đó tăng lương có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 491 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)