Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

04/01/2019

Trung Quốc : Đài Loan không sợ, ăn hiếp Việt Nam, cảnh báo du lịch, người Uighur

Tổng hợp

Quân đội Đài Loan bày trận chờ Trung Quốc (RFI, 04/01/2019)

Trong thông điệp đầu năm 2019, một lần nữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đe dọa "sử dụng mọi biện pháp, kể cả vũ lực" để thống nhất Đài Loan. Đài Bắc, qua tuyên bố của tổng thống Thái Anh Văn, phản ứng dứt khoát : không bao giờ chấp nhận đề xuất "một quốc gia hai chế độ" của Bắc Kinh. Nếu tuyên chiến, Trung Quốc sẽ đụng với nhiều bất ngờ.

dailoan1

Một lính hải quân trên khu trục hạm Cơ Long (Kee Lung DDG-1801) trong cuộc tập trận gần căn cứ hải quân Nghi Lan (Yilan) của Đài Loan ngày 13/04/2018.13, 2018. Reuters/Tyrone Siu

Theo các tài liệu học tập của Trung Quốc mà các chuyên gia Tây phương có được, khi tấn công Đài Loan, quân đội Trung Quốc dự trù sử dụng hỏa lực tên lửa áp đảo, trên không, trên biển để nhanh chóng hủy diệt các công sự phòng thủ của đối phương, vô hiệu hóa các đại đơn vị ngay từ phút đầu tiên. Cùng lúc, gián điệp đặc công xâm nhập từ trước sẽ ra tay ám sát tổng thống Thái Anh Văn, phá hoại hệ thống truyền tin và giao thông, biến tàn quân thành rắn mất đầu.

Giai đoạn hai sẽ là chiến dịch vượt eo biển với hàng chục ngàn tàu lội nước, thương thuyền của tư nhân chở một triệu quân đổ bộ. Cũng theo dự kiến, trong vòng một tuần lễ Đài Bắc sẽ thất thủ. Tuần thứ hai, ban hành thiết quân luật, biến hải đảo thành tiền đồn đối phó với cuộc phản công của quân đội Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, nếu đánh thật, quân đội Trung Quốc sẽ gặp một kịch bản khác vì ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa không hội đủ.

Theo chuyên gia địa chính trị Đông Á Tanner Green trên mạng Slate.fr, trở ngại đầu tiên là Trung Quốc không thể ra tay bất ngờ. Bởi vì để vượt eo biển, mỗi năm chỉ có tháng Tư và tháng Mười là sóng yên gió lặng. Chuyên gia Mỹ Ian Easton, (tác giả quyển sách The Chinese Invasion Threat : Taiwan’s Defense and American Strategy in Asia) nhận định Mỹ, Nhật và Đài Loan biết quân đội Trung Quốc chuẩn bị động binh trước đến 60 ngày và biết nơi nào là mục tiêu của tên lửa trước 30 ngày.

Như vậy, Đài Loan có đủ thời giờ di dời các cơ quan chỉ huy trọng yếu, tăng cường phòng thủ, bắt nhốt gián điệp, gài thủy lôi và mìn, phân tán mỏng lực lượng võ trang và phân phát vũ khí cho 2,5 triệu quân trừ bị. Chưa hết, hàng triệu công nhân Trung Quốc làm việc ở các công ty Đài Loan sẽ bị sa thải và mất lương. Nhân viên hoạt động tại Đài Loan bị cấm gửi tiền về quê khi Trung Quốc khai hỏa.

Ở mặt tây của Đài Loan, 13 bãi biển thuận tiện cho đối phương đổ bộ đã được chuẩn bị phòng thủ từ lâu. Tuy trong thời bình, hàng loạt đường hầm kiên cố đã được xây dựng nối kết với những kho vũ khí, kho lương thực dưới mặt đất. Trên các mỏm núi là rừng cây gai. Hầu hết các nhà máy hóa học của Đài Loan tập trung ở vùng duyên hải sẽ là những lò phun hơi ngạt khi cần.

Những tàu đổ bộ nào không bị tiêu diệt trên biển sẽ đưa lính vào "mê hồn trận" tân thời : hàng hàng cây số lưới sắt bén như dao cạo, những móc câu, dây kẽm gai, chông sắt, tường thép chống tăng cùng với trùng trùng container và xe phế thải.

Tất cả các con đường và địa điểm đổ bộ, chuyển quân đã được ghi tọa độ. Mỗi tòa cao ốc, mỗi khu phố sẽ biến thành một "quần đảo trên bộ" kéo quân Hoa lục vào chiến tranh thành phố.

Thiên thời và địa lợi không có, Trung Quốc còn bị thiếu yếu tố nhân hòa. Hơn ai hết, ban lãnh đạo Bắc Kinh xem Đài Loan là cái gai phải nhổ, vì hải đảo là một nền dân chủ đúng nghĩa và xứng đáng ở Châu Á, theo Mathieu Duchatel, chuyên gia Pháp thuộc viện ECFR. Trung Quốc biết rõ phe muốn thống nhất với Hoa Lục không bao giờ đủ đa số để lên cầm quyền. Một kết quả thăm dò ý dân công bố ngày hôm nay, ba ngày sau lời đe dọa của Tập Cận Bình, cho thấy 84% dân Đài Loan khước từ sống chung với chế độ Hoa lục.

Điều mà Đài Bắc cần được trấn an để không mất tinh thần là sự hỗ trợ của Mỹ về chiến lược và vũ khí. Điều này vừa được tổng thống Donald Trump đáp ứng. Với John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia Mỹ , Đài Loan có người bạn vô giá. Ngay sau khi Tập Cận Bình đọc xong "thông điệp gửi đồng bào Đài Loan", chủ nhân Nhà Trắng ký đạo luật "Sáng kiến Tái Bảo đảm Châu Á" (ARIA) đã được Quốc Hội biểu quyết một tháng trước : cho phép bán vũ khí cho Trung Hoa Dân Quốc để đối phó với các đe dọa hiện tại và tương lai từ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Tú Anh

********************

Hơn 80% dân Đài Loan bác bỏ "Đồng thuận 1992" với Trung Quốc (RFI, 04/01/2019)

Theo hãng tin Đài Loan CNA trích dẫn kết quả một cuộc thăm dò công bố hôm qua, 03/01/2019, đã có đến 84,1% người dân Đài Loan không chấp nhận định nghĩa của Trung Quốc về một thỏa thuận ngầm được gọi là "Đồng thuận 1992", theo đó hai bên đều công nhận nguyên tắc "Một nước Trung Quốc" duy nhất.

dailoan2

Cờ Đài Loan trong ngày quốc khánh ở Đài Bắc hôm 10/10/2018. Reuters/Tyrone Siu

Đối với người Đài Loan, mục tiêu của thỏa thuận đó chỉ nhắm phủ định chủ quyền Đài Loan, và thu hẹp vị thế của hòn đảo trên trường quốc tế.

Cuộc thăm dò do Hiệp hội Chính sách Eo biển Đài Loan (Cross-Strait Policy Association) thực hiện một ngày sau phát biểu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Tư 02/01, nhấn mạnh rằng "Đài Loan phải và sẽ thống nhất với Trung Quốc dựa trên cơ sở "Đồng thuận 1992" và trên nguyên tắc "Một nước Trung Quốc"".

Kết quả thăm dò còn cho thấy có 55,5% người được hỏi không mấy hiểu nội dung của "Đồng thuận 1992", 44,4% cho là "ở hai bên eo biển Đài Loan là hai nước khác biệt". Chỉ có 20,9% nghĩ rằng đó là hai phần của một đất nước đang chờ thống nhất.

"Đồng thuận 1992" là thỏa thuận ngầm đạt được vào năm 1992 giữa chính quyền Quốc Dân Đảng ở Đài Loan và Bắc Kinh, theo đó hai bên eo biển Đài Loan thừa nhận chỉ có một nước Trung Quốc.

Mai Vân

******************

Tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam là "hành động chấp pháp bình thường" (RFA, 04/01/2019)

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng vào ngày 3/1/2019, đã trả lời báo chí rằng việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam tại Biển Đông là hành động chấp pháp bình thường.

dailoan3

Cảnh một vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá ngư dân Việt Nam. Ảnh nguồn VOV

Cụ thể, trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tải buổi họp báo thường kỳ của bộ này trong đó có câu hỏi của một phóng viên về những vụ đụng độ trên biển.

Theo đó người phóng viên hỏi rằng phía Việt Nam nói tàu cá nước này nhiều lần bị tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tấn công ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa mà theo Trung Quốc là Tây Sa và hải sản của họ cũng bị phía Trung Quốc lấy đi. Phóng viên yêu cầu bình luận và cho biết vụ việc xảy ra bao nhiêu lần.

Ngoài ra phóng viên còn hỏi thêm "Lệnh cấm đánh bắt cá" Trung Quốc thực hiện ở biển Nam Trung Hoa (South China Sea) òa đồng thời được áp dụng cho các tàu cá của các quốc gia khác hoạt động trong cùng khu vực hay không và cơ sở của việc đó là gì.

Ông Lục Khảng trả lời câu hỏi thứ nhất rằng theo thông tin mà phía Trung Quốc có được, thì tàu công vụ của Trung Quốc chỉ hoạt động chấp pháp bình thường trong vùng biển liên quan thuộc thẩm quyền của Trung Quốc. Việc áp dụng các biện pháp đối với các tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép là bình thường, và các biện pháp đó được giữ ở mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật.

Ông này cho rằng theo những gì mà ông ta biết, câu hỏi của người phóng viên chỉ là trường hợp cá biệt. Theo lời của ông Lục Khảng thì mọi người đều hiểu là việc tranh chấp đánh cá theo thời gian giữa các nước láng giếng có biển là việc bình thường.

Theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, theo những gì mà phía Bắc Kinh nắm được, các ban ngành liên quan của 2 chính phủ Trung Quốc và Việt Nam vẫn giữ liên lạc bình thường trong vấn đề chấp pháp nghề cá.

Trung Quốc thường sử dụng đường lưỡi bò hay còn gọi là đường đứt khúc chín đoạn để đòi chủ quyền lên đến 90% diện tích Biển Đông.

Đây cũng là nơi một số nước trong khu vực cũng tuyên bố chủ quyền bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Những năm qua, tàu cá Việt Nam thường xuyên bị tàu cá Trung Quốc đâm va hay bắt giữ khi đang hoạt động đánh bắt cá bình thường ở khu vực ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa.

Báo chí Việt Nam thường gọi là "tàu lạ" đối với những thủ phạm đâm chìm tàu cá của ngư dân trong nước.

***************

Chính phủ Mỹ khuyến cáo công dân phải cẩn thận khi đi Trung Quốc (Người Việt, 04/01/2019)

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Năm, ngày 3 tháng Giêng, lập lại lời khuyến cáo công dân Mỹ là phải cẩn thận khi sang Trung Quốc do "sự áp dụng tùy tiện luật pháp địa phương", trong lúc có tình trạng căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia về việc Mỹ yêu cầu Canada bắt giữ một giới chức cao cấp của công ty Huawei.

dailoan4

Căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia về việc Mỹ yêu cầu Canada bắt giữ một giới chức cao cấp của công ty Huawei - Hình minh họa : AP

Bản thông cáo về an ninh di chuyển ở Trung Quốc, cho hay mức độ báo động "cấp 2" vẫn được duy trì, nhưng cũng cho biết thêm về các biện pháp kiểm soát an ninh chặt chẽ hơn và sự tăng cường hiện diện của công an ở vùng Uighur ở Tân Cương và Khu Tự trị Tây Tạng.

Khuyến cáo được đưa ra tiếp theo việc chính quyền Trung Quốc hồi tháng Mười Hai năm ngoái bắt giữ hai công dân Canada, là ông Michael Kovrig, một cựu nhân viên ngoại giao đồng thời cũng là một nhà tư vấn cho tổ chức nghiên cứu International Crisis Group (ICG), và doanh gia Michael Spavor. Trung Quốc nói rằng cả hai người này bị bắt giữ vì tình nghi gây nguy hại cho an ninh quốc gia.

Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc gia tăng sau khi cảnh sát Canada bắt giữ tổng giám đốc tài chánh của công ty Huawei Technologies Co. Ltd, bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu), hôm 1 tháng Mười Hai, ở Vancouver, theo yêu cầu của chính phủ Washington.

Các công tố viên Mỹ cáo buộc bà Mạnh đã nói dối với các ngân hàng về các thương vụ với Iran, khiến các ngân hàng này gặp rủi ro vi phạm các biện pháp cấm vận của Mỹ.

Vào sáng ngày thứ Năm, viên chức công tố hàng đầu của Trung Quốc nói rằng hai công dân Canada "rõ ràng" là vi phạm luật Trung Quốc.

Trong bản khuyến cáo về việc đến Trung Quốc, đưa ra hôm 22 tháng Giêng năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi công dân phải cẩn thận hơn nữa khi đến Trung Quốc "vì sự thi hành tùy tiện luật địa phương và sự giới hạn đặc biệt đối với các công dân song tịch Mỹ-Trung Quốc".

Bản khuyến cáo cũng nói về việc Trung Quốc sử dụng biện pháp không cho xuất cảnh, theo đó sẽ cấm các công dân Mỹ rời khỏi quốc gia này, có khi giữ họ lại tới mấy năm. (V.Giang)

*****************

Hoa Kỳ cảnh báo công dân sau các vụ bắt giữ ở Trung Quốc (BBC, 04/01/2019)

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã kêu gọi người Mỹ "tăng cường thận trọng" khi đi du lịch đến Trung Quốc sau một loạt các vụ giam giữ các nhân vật cao cấp.

dailoan5

Hai công dân Canada Michael Spavor (trái) and Michael Kovrig đang bị giam giữ tại Trung Quốc

Lời cảnh báo mới đây nhất cho rằng nhiều công dân Hoa Kỳ đang bị ngăn cản xuất cảnh khỏi Trung Quốc.

Cảnh báo này được đưa ra khi hai công dân Canada vẫn đang bị giam giữ tại nước này.

Nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor bị bắt vào tháng trước khi quan hệ giữa Canada và Trung Quốc đi xuống sau vụ Canada bắt giữ giám đốc tài chính Huawei, Mạnh Vãn Chu.

Bà Mạnh đang phải đối mặt với việc bị dẫn độ sang Mỹ để ra tòa vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Kovrig và Spavor sẽ phải đối mặt với các cáo buộc gây hại đến an ninh quốc gia. Hôm thứ Năm, công tố viên Trung Quốc cho rằng họ "chắc chắn" đã vi phạm luật.

Ba công dân Hoa Kỳ khác cũng đang bị tình nghi là "tội phạm kinh tế" và bị cấm rời khỏi Trung Quốc vào tháng 11.

Victor và Cynthia Liu, là con của một doanh nhân đang bị truy nã, và mẹ của họ, Sandra Han, đã bị giam giữ kể từ tháng Sáu.

Công dân Mỹ cần phải làm gì khi đi Trung Quốc ?

Đây là lời cảnh báo cho công dân Hoa Kỳ về cái gọi là lệnh cấm xuất cảnh đối với các công dân nước ngoài đến Trung Quốc.

"Công dân Hoa Kỳ có thể bị giam giữ mà không có quyền tiếp cận... các dịch vụ lãnh sự hoặc thông tin về các cáo buộc chống lại họ", lời cảnh báo viết.

dailoan6

Giám đốc tài chính Huawei, Mạnh Vãn Chu đã bị bắt ở Canada theo yêu cầu của Trung Quốc

Các cá nhân không liên quan đến thủ tục tố tụng hoặc nghi ngờ có hành vi sai trái cũng bị cấm xuất cảnh kéo dài để buộc các thành viên gia đình hoặc đồng nghiệp của họ phải hợp tác với tòa án Trung Quốc", Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một cảnh báo riêng được đưa ra vào tháng 1 năm ngoái.

Lời khuyên mới nhất cũng cảnh báo về "những hạn chế đặc biệt" đối với những người có hai quốc tịch Mỹ-Trung. Quyền công dân kép không được công nhận theo luật Trung Quốc, và Bộ Ngoại giao đã cảnh báo rằng công dân Mỹ-Trung có thể bị giam giữ và bị từ chối các hỗ trợ của Hoa Kỳ tại Trung Quốc.

Hoa Kỳ cũng khuyên công dân nên sử dụng hộ chiếu Hoa Kỳ và thị thực Trung Quốc hợp lệ, đồng thời yêu cầu các quan chức thông báo cho đại sứ quán Hoa Kỳ ngay lập tức nếu bị giam giữ hoặc bị bắt giữ.

Các vụ bắt giữ gần đây

Giáo viên người Canada Sarah McIver đã được thả vào tuần trước sau khi bị bắt giữ vì "làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc".

Cả Trung Quốc và Canada đều cho biết trường hợp này khác với trường hợp của ông Kovrig và ông Spavor, những người bị buộc tội làm nguy hại đến an ninh quốc gia.

Trung Quốc khẳng định việc giam giữ cả hai người đàn ông không liên quan đến vụ bắt giữ bà Mạnh, nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng đó là một hành động ăn miếng trả miếng.

Hôm thứ Năm, công tố viên Trung Quốc cho biết hai người đàn ông này đã "vi phạm luật pháp và quy định của đất nước chúng tôi" và đang bị điều tra. Bắc Kinh cũng duy trì quyết định cấm ba công dân Mỹ rời khỏi đất nước này vào tháng 11.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên rằng họ "tất cả đều có ... giấy tờ nhận dạng hợp lệ là công dân Trung Quốc" và "bị nghi ngờ đã phạm tội kinh tế".

Cha của Victor và Cynthia Liu, ông Liu Changming, bị truy nã trong vụ lừa đảo trị giá 1,4 tỷ đô la tại Trung Quốc và việc giam giữ người thân của ông Liu là một nỗ lực nhằm ép ông ta đối mặt với cáo buộc lừa đảo.

***************

Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ngay tại Pháp (RFI, 04/01/2019)

Việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ không dừng lại ở biên giới Tân Cương. Chính quyền Trung Quốc còn cố gắng dùng mọi cách để kiểm soát cộng đồng người thiểu số này dù sống ở nước ngoài. Trang tin Asialyst đã điều tra về những biện pháp của Bắc Kinh để dọ thám cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Pháp, ép buộc một số người quay về Hoa lục.

dailoan8

Biểu tình tại Bandung, Indonesia, ngày 21/12/2018, phản đối chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.Antara Foto/Novrian Arbi/ via Reuters

"Mẹ của cháu đang ở trường trại".Khi nhận được tin nhắn bí ẩn này qua điện thoại vào đầu tháng 7/2017, Gulhumar Haitiwaji hiểu được ngay. Cô gái Duy Ngô Nhĩ, sống ở Paris từ 12 năm qua, thấy mối nghi ngờ của mình được xác nhận nhờ người dì vẫn ở Tân Cương, cách xa 6.000 km.

"Trường trại" là một trong những từ dùng để chỉ các trại cải tạo đang nở rộ từ hai năm qua tại vùng tự trị Tân Cương. Như vậy là mẹ của Gulhumar đang bị nhốt tại một trong "trung tâm huấn nghiệp"nhằm "giáo dục và cải tạo những người bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cực đoan", theo như tuyên truyền của Bắc Kinh. Theo Ủy ban Liên Hiệp Quốc về loại trừ phân biệt chủng tộc, có trên một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác nói tiếng Thổ và theo đạo Hồi (Kazakhstan, Kyrghyzstan, Uzbekistan) bị giam giữ trong những trại này, khiến Tân Cương trở thành "một kiểu giống như trại tập trung lớn, phủ đầy bí mật, chẳng theo luật lệ nào cả".

Chiếc bẫy

Gulhumar, 26 tuổi, mà nhà báo Baptiste Fallevoz của Asialyst gặp trong một quán ăn Paris gần công ty đồng hồ nơi cô làm việc, vừa ân hận vừa phẫn nộ. Mẹ cô, Gulbahar Haitiwaji, liệu đã có thể tránh được chiếc bẫy của chính quyền Trung Quốc hay không ? Năm 2006, người kỹ sư cơ khí ở miền bắc Tân Cương đã chọn sang Pháp sống cùng chồng, mang theo hai con gái "để con cái được học hành tốt hơn". Bà theo dõi từ xa làn sóng đàn áp ập xuống 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong vùng, sau các vụ nổi dậy năm 2009 đã làm cho 197 người chết tại thủ phủ Urumqi – theo số liệu chính thức.

Những lần trở về hiếm hoi được chính quyền theo dõi gắt gao. "Cha mẹ tôi đã quen với việc phải ‘đi uống trà’ với an ninh, bị chất vấn về những người Duy Ngô Nhĩ khác sống ở ngoại quốc, bị theo dõi trên đường phố". Nhưng mẹ của Gulhumar không nghi ngờ gì khi nhận được một cuộc gọi vào tháng 11/2016 từ thủ trưởng cũ của công ty dầu khí, nơi bà từng làm việc. Cô gái tức giận : "Hơn nữa, đó còn là một người bạn của gia đình". Người này cho biết nay bà có thể lãnh lương hưu, nhưng phải nhanh chóng về Tân Cương để ký giấy tờ. "Mẹ tôi trả lời là khi nào tình hình tốt đẹp hơn sẽ về, không có gì phải vội. Nhưng sếp cũ nói rằng không thể được, và cứ nói đi nói lại mãi. Rốt cuộc vài ngày sau mẹ tôi cũng nghe theo".

Ngay khi về đến thành phố Karamay, bà bị bắt. Trong thời gian câu lưu, công an đưa cho xem các hình ảnh của con gái bà chụp ở Paris, lấy được trên internet. Gulhumar nhìn nhận : "Tôi có tham gia một cuộc biểu tình của cộng đồng Duy Ngô Nhĩ cùng với người chị, trong đó chị giơ cao một lá cờ Duy Ngô Nhĩ (Đông Thổ - tên có trước khi Trung Quốc trở thành cộng sản). Có lẽ vì vậy mà mẹ bị bắt. Mẹ tôi không hề biết đến tấm ảnh này. Bà còn mắng tôi khi ra khỏi đồn công an 24 giờ sau đó".

Bà Gulbahar không thể quay trở về Pháp vì hộ chiếu đã bị tịch thu. Hôm 29/01/2017, công an đưa bà đi đến một nơi nào không rõ. "Từ đó đến nay, tôi không hề được nghe tiếng nói của mẹ. Vào tháng Bảy năm đó, chúng tôi được biết bà đã bị bắt vào trại cải tạo. Dì tôi có được gặp bà vài lần, nhưng không thể nào biết được các điều kiện giam giữ. Tất cả những cuộc nói chuyện đều bị nghe lén".

Theo với thời gian, người dì này càng trở nên ít nói hơn, và xóa tên Gulhumar trong liên lạc WeChat - mạng xã hội thông dụng nhất tại Trung Quốc. Cô gái bèn quyết định lên tiếng sau hai năm giữ im lặng.

Hôm 25/12 vừa qua, một người bạn của gia đình gọi cho cô. "Ông ấy cho biết mẹ tôi vừa bị kết án 7 năm tù vì tội ‘phản quốc’. Không thể biết được gì hơn, chúng tôi không hề nhận được thông báo, ngay cả việc mẹ tôi bị giam ở đâu cũng chẳng biết. Tôi liên hệ với bộ Ngoại Giao Pháp, họ cũng cố tìm thông tin". Một nhiệm vụ rất phức tạp vì bà Gulbahar Haitiwaji là người duy nhất trong gia đình còn giữ quốc tịch Trung Quốc. "Có lẽ vì vậy mà mẹ tôi bị nhắm đến".

 "Hãy quay về ngay, nếu không cả nhà sẽ vào trại cải tạo"

"Bà ấy là người Duy Ngô Nhĩ đầu tiên tại Pháp bị bắt. Từ đó đến nay danh sách đã dài thêm" - Dilnur Reyhan, một nhà xã hội học người Duy Ngô Nhĩ vốn theo dõi chặt chẽ áp lực trên cộng đồng này tại Pháp, cho biết. "Đó là một cộng đồng mới mẻ, khác với cộng đồng ở Đức, Hà Lan và các nước Bắc Âu chủ yếu gồm sinh viên".

Người giảng viên Inalco từ chối nói về người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ "vì những người bị nhắm đến đều không theo đạo". Bà Reyhan đưa ra một kết luận đáng sợ : "Từ cuối năm 2016, với việc hệ thống hóa các trại cải tạo, đại đa số sinh viên trở về đều mất tích ngay khi đặt chân vào Tân Cương. Hiện tượng này liên quan đến cả những người không quan tâm tới chính trị, không giao tiếp với cộng đồng Duy Ngô Nhĩ để không bị nghi ngờ. Ngày nay không có ai dám quay về nước".

Tiêu biểu là trường hợp của Adili. Người thanh niên thổ lộ qua điện thoại : "Tôi đã mất đất nước, mất gia đình, bỗng chốc tôi trở nên đơn độc". Khi cùng với vợ đến Pháp du học vào đầu những năm 2010, anh giữ khoảng cách với những người đấu tranh. "Chúng tôi hết sức thận trọng, vì muốn trở về Tân Cương sau khi học xong, vì ngờ vực đối với ý thức hệ. Hơn nữa, chúng tôi không phải là tín đồ ngoan đạo, vẫn uống bia rượu".

Khi Adili hoàn thành chương trình học năm 2016, vấn đề hồi hương được đặt ra. "Chúng tôi bắt đầu nghe nói đến các trại cải tạo. Vợ tôi bèn nói : ‘Về nước sẽ gặp rắc rối, thôi thì đợi ít lâu đã’". Nhưng vài tháng sau, vợ của Adili nhận được một cuộc gọi từ Tân Cương. Mẹ cô nói rằng đang bệnh nặng, bảo cô về càng sớm càng tốt. Một loại bẫy rập mới, với một kịch bản từ nay càng rõ. Cô vợ bị câu lưu ngay khi về đến sân bay, rồi bị quản thúc tại nhà cha mẹ. Liên lạc với chồng bị cắt. Adili nói : "Gia đình bên vợ nói với tôi rằng đừng bao giờ gọi điện nữa".

Ít lâu sau, anh được công an nơi thành phố quê hương liên lạc. "Hãy quay về ngay, nếu không cả gia đình anh sẽ bị đi cải tạo". Anh từ chối, và lưỡi gươm đao phủ đã sập xuống. Vài ngày sau, vợ anh bị gởi đi một nơi nào không rõ. Công an khi bắt cô đã nói : "Chồng chị có các hành động chính trị bất hợp pháp tại Pháp, anh ta có liên lạc với bọn khủng bố". Adili phẫn nộ : "Tôi không thể nào hiểu nổi. Năm 2016, tôi về Tân Cương mà không gặp rắc rối mấy. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, tôi đã trở thành khủng bố trong mắt chính quyền Trung Quốc. Sao có thể như thế được ?".

Truyền thống mao-ít

Các vụ bắt giữ hàng loạt trên đây không làm ngạc nhiên Remi Castets, giám đốc khoa Trung Quốc của trường đại học Bordeaux-Montaigne. "Đó là chính sách tung một mẻ lưới lớn. Bộ máy an ninh bắt giữ và cố coi tất cả nghi can như những véc-tơ ý tưởng mà họ cho là phản động. Theo truyền thống mao-ít, họ cho rằng có thể cải tạo những người này trong trại, bằng cách vừa thuyết phục, vừa cưỡng bức. Thời gian giam giữ tùy thuộc mức độ cần đưa vào khuôn khổ". Theo chuyên gia về Tân Cương này, việc giám sát cộng đồng Duy Ngô Nhĩ đã có từ cuối thập niên 90, nhưng nay càng gắt gao hơn.

Nếu Adili ngày nay không có tin tức gì về vợ, thì cơ quan tình báo Trung Quốc vẫn không quên anh. Trong lần gọi điện gần đây nhất, họ yêu cầu Adili làm tai mắt cho Bắc Kinh. An ninh ra lệnh : "Nếu anh muốn có được chút tự do, anh phải tham gia những cuộc biểu tình của cộng đồng Duy Ngô Nhĩ, len lỏi vào các hiệp hội Pháp chống lại chính quyền Trung Quốc. Anh cũng phải đi lại các nước Châu Âu".

Hệ thống giám sát rộng lớn nhắm vào cộng đồng lưu vong, được nhiều nguồn tin xác nhận với Asialyst. Một người giải thích : "Thường thì mọi sự bắt đầu bằng một cuộc gọi từ gia đình đang ở Tân Cương bị gây áp lực. Những người thân của chúng tôi yêu cầu liên lạc với những người không quen biết trên WeChat hay WhatsApp. Ở bên kia đầu dây, các nhân viên tình báo tiếp chuyện. Họ đòi cung cấp một loạt thông tin cá nhân : ảnh chụp các văn bằng, hợp đồng lao động, hợp đồng thuê nhà, sổ gia đình nếu có, hoặc thông tin về vợ hay chồng người Pháp… Một số còn phải tự chụp hình ở nhiều địa điểm khác nhau mà họ đến mỗi ngày".

Đối với những người được cho là thông minh hơn, những đòi hỏi được mở rộng. Munire, sống ở vùng ngoại ô Paris từ nhiều năm qua, đã phải trả giá. "Họ nói với tôi rằng, tôi là người con của một đất nước cộng sản, tôi phải làm việc cho Nhà nước. Họ yêu cầu tôi tham gia một hội nghị về văn hóa Duy Ngô Nhĩ, thu thập tối đa các thông tin về những người tham gia và các phát biểu.Tôi từ chối".

Cô gái "có cảm tưởng như đang sống trong một bộ phim James Bond" nay cố gắng làm ngơ trước rất nhiều tin nhắn bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ của một nhân vật bí ẩn nào đó. Những émoticône vô hại nay được kèm theo những lời cảnh cáo lạnh lùng : "Cô có quan tâm đến sự an toàn và sức khỏe của gia đình cô không ? Từ nay tất cả tùy thuộc vào cô".

Từ sau lời đe dọa cuối này, một tin nhắn bí hiểm của người cha Munire khiến cô hiểu rằng một trong những anh em trai của cô đã bị đi cải tạo. Cô gái không thể nào đến nơi để kiểm chứng. Hiện nay cô phải đối phó với một dạng áp lực khác của Bắc Kinh. Cũng như Adili, cô tìm cách làm hộ chiếu mới để xin gia hạn cư trú tại Pháp. Nhưng tại đại sứ quán Trung Quốc ở Paris, cả hai đều nhận cùng một câu trả lời :"Các vị là người Duy Ngô Nhĩ, nên phải làm giấy tờ ở Tân Cương".

Liệu đây có phải là một chiếc bẫy nữa để đưa những con cừu trở về ? Munire tin tưởng như thế, và mô tả một tình trạng khó xử : "Nếu hồi hương, chúng tôi sẽ bị bắt. Nếu xin nhập tịch Pháp, chính quyền Trung Quốc từ chối cấp tờ giấy khai sinh mà thủ tục đòi hỏi. Và nếu xin tị nạn, gia đình hoặc thậm chí cả bạn bè chúng tôi sẽ bị đàn áp nhiều hơn". Cô gái thú nhận đã kiệt sức về mặt tinh thần : "Tôi không còn có thể chịu đựng việc chính quyền Hoa lục quyết định về cuộc đời tôi. Đôi khi tôi tự nhủ, nên chăng thà chiến đấu thật sự trong một cuộc chiến tranh, hơn là cứ sống như thế này".

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 552 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)