Đầu tư Trung Quốc vào Bắc Mỹ và Âu Châu giảm 73% trong năm 2018 (Người Việt, 14/01/2019)
Mức đầu tư trực tiếp (FDI) từ Trung Quốc vào Bắc Mỹ và Âu Châu giảm khoảng 73% trong năm 2018, xuống tới mức thấp nhất từ sáu năm nay, trong lúc Mỹ gia tăng việc xem xét các thỏa thuận đầu tư, cũng như biện pháp giới hạn đầu tư ra nước ngoài từ phía chính quyền Trung Quốc, theo bản báo cáo của tổ hợp luật sư Baker & McKenzie hôm Chủ Nhật, ngày 13 Tháng Giêng.
Họp báo của giới chức công ty Trung Quốc ChemChina về việc mua lại công ty Syngenta của Thụy Sĩ. (Hình : Sebastien Bozon/AFP/Getty Images)
Bản tin của hãng thông tấn Reuters nói rằng các con số này cho thấy ảnh hưởng của cuộc đối đầu cả về chính trị lẫn mậu dịch giữa Washington và Bắc Kinh. Và nếu tính luôn cả việc các công ty Trung Quốc bán đi các cổ phần đầu tư để rút ra thì nguồn tiền đầu tư FDI vào Mỹ đã ở mức âm.
Trong khi mức đầu tư vào Mỹ giảm 83%, số tiền các công ty Trung Quốc đầu tư vào Canada lại tăng 80% trong cùng thời gian. Tại Âu Châu, dù rằng nói chung có sự giảm sút, nguồn đầu tư FDI của Trung Quốc vào các quốc gia như Đức, Pháp và Tây Ban Nha lại tăng.
Trị giá các thỏa thuận đầu tư FDI của Trung Quốc vào Bắc Mỹ và Âu Châu giảm xuống còn 30 tỉ USD trong năm 2018, so với con số 111 tỉ USD của năm trước đó, theo bản báo cáo của Baker & McKenzie, cùng thực hiện với công ty nghiên cứu Rhodium Group.
Các kiểm soát gắt gao hơn về đầu tư cũng khiến phía Trung Quốc hủy 14 thỏa thuận tại Bắc Mỹ, có trị giá chung vào khoảng 4 tỉ USD, cùng với 7 thỏa thuận ở Âu Châu, trị giá 1,5 tỉ USD. (V.Giang)
******************
Hun Sen dọa sẽ tiêu diệt phe đối lập nếu EU rút ưu đãi thuế quan (VOA, 14/01/2019)
Hôm 14/1, Thủ tướng Campuchia Hun Sen dọa sẽ trả đũa phe đối lập nếu Liên Hiệp Châu Âu (EU) ngừng quy chế ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa Campuchia vì quan ngại về những hành động vi phạm nhân quyền của Phnom Penh.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Khmer Đỏ hôm 7/1/2019.
Vào tháng 11/2018, EU bắt đầu tiến hành thủ tục chính thức để tước bỏ một quy chế ưu đãi gọi là "Mọi thứ trừ Vũ khí - EBA) đối với Campuchia, sau khi ông Hun Sen tái đắc cử trong các cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2018, khi đảng của ông giành được tất cả các ghế trong quốc hội sau một chiến dịch đàn áp phe đối lập.
Phát biểu tại lễ khánh thành một tuyến đường vành đai thủ đô Phnom Penh hôm 14/1, Thủ tướng Hun Sen nói :
"Nếu các ông muốn phe đối lập chết, thì cứ việc cắt nó đi", ông Hun Sen nói khi đề cập tới quy chế EBA của EU.
"Còn nếu các ông muốn phe đối lập tồn tại thì đừng cắt và hãy cùng đàm phán", ông Hun Sen nói thêm.
EBA là một sáng kiến nhằm giúp đỡ các nước nghèo hơn, nhưng sáng kiến này có thể bị rút lại trong trường hợp nước liên hệ có hành động vi phạm nghiêm trọng các công ước quốc tế về nhân quyền.
EU đe dọa sẽ rút các ưu đãi thương mại đối với Campuchia vì một chiến dịch đàn áp nhắm vào phe đối lập trước cuộc bầu cử tháng 7/2018.
EU lên án kết quả cuộc bầu cử này là không đáng tin cậy.