Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/02/2019

Biển Đông : Trung Quốc sốt ruột làm càng, bất chấp quốc tế

RFI tiếng Việt

AMTI : Trung Quốc điều dân quân tới đảo Thị Tứ Biển Đông (RFI, 07/02/2019)

Hôm 06/02/2019, tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) dựa trên các hình ảnh vệ tinh, tiết lộ rằng "một số tàu Trung Quốc đã hoạt động trong khu vực giữa bãi đá Subi và đảo Thị Tứ, Biển Đông, ít nhất kể từ tháng 7 năm 2018"

biendong1

Binh sĩ Philippines trên đảo Thị Tứ, Trường Sa , nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan. Ảnh chụp ngày 11/05/2015. AFP PHOTO / POOL / RITCHIE B. TONGO

AMTI thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, cho biết hành động nói trên của Trung Quốc có thể là nhằm "đáp trả nỗ lực ban đầu của Philippines về việc tu sửa đường băng" trên đảo Thị Tứ vào tháng 5 năm 2018.

Thị Tứ là đảo tự nhiên lớn thứ 2 tại quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông, hiện do Philippines kiểm soát, nhưng Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan cùng đòi chủ quyền.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 04/02 cho biết Manila đặt mục tiêu hoàn thành một đoạn đường dốc trên đảo Thị Tứ "trong đầu năm 2019", theo tin của tờ Philippine Daily Inquirer.

Theo AMTI, đoạn đường này "sẽ tạo thuận lợi cho việc cung cấp thiết bị và vật liệu xây dựng cho hòn đảo để phục vụ các hoạt động nâng cấp đã được dự trù", đặc biệt là nâng cấp đường băng trên đảo. Và Trung Quốc đã đáp trả công trình mới của Philippines này "bằng cách triển khai một đội tàu lớn từ đá Subi, chỉ cách Thị Tứ hơn 12 hải lý về phía tây nam". Đội tàu này gồm một số tàu của hải quân Trung Quốc và Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG), cùng với hàng chục tàu cá lớn, có kích thước từ 30 đến 70 mét.

Các chuyên gia của AMTI cho rằng các tàu cá này "có những dấu hiệu thuộc về lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc", có trang bị hệ thống vô hiệu hóa máy thu phát tự động (AIS) nhằm che giấu các hoạt động của họ.

Thanh Phương

*******************

Nhật phản đối Trung Quốc khoan dầu tại vùng biển tranh chấp (RFI, 07/02/2019)

Nhật Bản hôm 07/02/2019 lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tiếp tục đưa tàu khoan dầu đến một mỏ khí đốt tại vùng biển tranh chấp ở biển Hoa Đông.

biendong2

Dàn khoan khai thác khí tại vùng mà Trung Quốc gọi là Xuân Hiểu (Chunxiao), còn đối với Nhật là Sirakaba - Reuters/Kyodo

Phản kháng của Nhật thông qua con đường ngoại giao được đưa ra sau khi Tokyo khẳng định chiếc tàu này vào tháng Giêng đã di chuyển đến gần đường phân cách giữa hai nước trên biển Hoa Đông, dường như đang thăm dò tài nguyên. Trước đó vào tháng 9/2018, Nhật đã phát hiện chiếc tàu đang khoan dầu khí, sau đó tàu này dời đi nơi khác.

Chánh văn phòng nội các Nhật, ông Yoshihide Suga, tuyên bố : "Thật vô cùng đáng tiếc là Trung Quốc vẫn tiếp tục đơn phương triển khai các hoạt động này".

Bắc Kinh hiện có 16 dàn dầu khí bên phía Trung Quốc, ở gần đường ranh giới vùng đặc quyền kinh tế. Tokyo lo sợ Trung Quốc âm thầm hút đi tài nguyên dầu khí bên phía Nhật.

Phát hiện trên đây diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nhật-Trung đang có tiến triển. Hôm thứ Bảy, đôi bên đã thỏa thuận đẩy nhanh việc chuẩn bị chuyến viếng thăm Nhật Bản của ông Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, thứ trưởng ngoại giao Nhật Takeo Mori và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định đó là "sự kiện quan trọng nhất trong năm nay" của cả hai nước.

Thụy My

********************

Năm 2019 Trung Quốc có thể tăng cường "tuần tra hàng hải" ở Biển Đông (GDVN, 04/02/2019)

Về các cuộc tuần tra đang diễn ra trên biển Hoa Đông và Biển Đông, ông Hứa Kỳ Lượng chỉ thị cảnh sát biển Trung Quốc phải "chuẩn bị tốt cho các kịch bản".

biendong3

Tướng Hứa Kỳ Lượng, ảnh : Reuters.

Tân Hoa Xã ngày 3/2 đưa tin, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng cùng ngày nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một lực lượng thực thi pháp luật hàng hải mạnh mẽ và hiện đại.

Ông Lượng cũng là Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nêu yêu cầu này khi tới chúc Tết các sĩ quan, binh lính cảnh sát biển Trung Quốc.

Về các cuộc tuần tra đang diễn ra trên biển Hoa Đông và Biển Đông, ông Hứa Kỳ Lượng chỉ thị cho lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc phải "chuẩn bị tốt cho các kịch bản khác nhau", khuyến khích họ kiên quyết bảo vệ (cái gọi là) quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc.

Hứa Kỳ Lượng kêu gọi phát triển lực lượng cảnh sát biển vững chắc hơn và gắn liền với chiến lược phát triển Trung Quốc thành một cường quốc biển.

Ông Lượng cũng nhấn mạnh việc cần phải tăng cường đều đặn sự sẵn sàng của cảnh sát biển Trung Quốc trong việc bảo vệ các quyền lợi hàng hải và thực thi luật pháp trên biển, cải thiện khả năng đối phó với các rủi ro và thách thức liên quan [1].

Trong một động thái khác có liên quan, ngày 30/1 South China Morning Post đưa tin, Trung Quốc đã xây dựng một trung tâm cứu hộ (bất hợp pháp) trên đảo nhân tạo ở đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa (thuộc Khánh Hòa, Việt Nam ; 7 cấu trúc hiện bị Trung Quốc chiếm đóng, đảo hóa và quân sự hóa trái phép).

Thông báo này được Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đưa ra 6 tháng sau khi Trung Quốc điều tàu cứu hộ Nanhaijiu 115 đến Su Bi.

Đảo nhân tạo trên đá Chữ Thập có doanh trại cho hơn 1000 quân với nguồn cung cấp nước ngọt, năng lượng pin mặt trời và các nhà kính trồng rau, bên cạnh hệ thống vũ khí, công sự [2]

Hồng Thủy

Chú thích :

[1] http://www.xinhuanet.com/english/2019-02/03/c_137797573.htm

[2] https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/2184351

Quay lại trang chủ
Read 610 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)