Một quan chức Liên Hợp Quốc cấp cao nói quân đội và cảnh sát Myanmar đang gây ra "tội ác chống loài người" cho người Hồi giáo thiểu số Rohingya.
Người Rohingya là một nhóm người Hồi giáo thiểu số từ Myanmar
Đặc sứ Liên Hợp Quốc về nhân quyền ở Myanmar, bà Yanghee Lee, phát biểu trong một cuộc điều tra chung của BBC Newsnight và BBC Our World.
Bà Aung San Suu Kyi, người lên nắm quyền đã gần một năm, từ chối phỏng vấn.
Người phát ngôn của đảng bà lãnh đạo nói những lời cáo buộc này "bị phóng đại" và đây là vấn đề "nội bộ", không phải "quốc tế".
Bà Lee nói bà đã được tự do vào khu vực đang diễn ra tranh chấp ở Myanmar. Nhưng sau khi nói chuyện với người tỵ nạn ở Bangladesh, bà nói với BBC tình hình "tệ hơn nhiều" so với những gì bà tưởng.
"Tôi cho rằng đây là tội ác chống loài người. Chắc chắn là tội ác chống loài người...do người Miến điện, quân đội Myanmar, lính biên phòng hay cảnh sát và các lực lượng an ninh gây ra".
Bà nói nạn lạm dụng là "có hệ thống" trong các lực lượng an ninh Myanmar, nhưng chính phủ của bà Aung San Suu Kyi cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
"Xét cho cùng thì chính phủ, chính phủ dân sự phải trả lời và có phản ứng trước hàng loạt những trường hợp người dân bị tra tấn dã man và những tội ác rất vô nhân tính họ đã gây ra cho chính người dân của họ".
Bà Aung San Suu Kyi, cựu biểu tượng của dân chủ, dẫn dắt Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) thắng áp đảo trong cuộc bầu cử công khai đầu tiên ở Myanmar trong 25 năm hồi tháng 11/2015.
Hơn 70.000 người Rohingya, một dân tộc thiểu số người Hồi giáo ở Myanmar, đã chạy sang Bangladesh trong mấy tháng qua. Quân du kích có cuộc tấn công hồi tháng 10/2016 dẫn đến đàn áp của quân đội.
Trong các trại ở Bangladesh, những người tỵ nạn Rohingya mới đến có cáo buộc với BBC rằng các lực lượng an ninh đã bắn dân thường, và bắt cóc hay hãm hiếp các em gái.
Các hình ảnh từ vệ tinh và video củng cố lời kể của người tỵ nạn.
Aung San Suu Kyi thắng cử năm 2015 sau 15 năm bị thúc quản tại gia
BBC đã nhiều lần xin phỏng vấn bà Suu Kyi về tình hình người Rohingya.
Mặc dù hiến pháp Myanmar cấm bà trở thành chủ tịch nước, bà vẫn được coi như nhà lãnh đạo trên thực tế.
Nhưng từ khi bà thắng cử cách đây 16 tháng, bà Suu Kyi chưa có một cuộc phỏng vấn nào với các nhà báo, cả trong nước và quốc tế, ở Myanmar, hay có cuộc họp báo đáng kể nào.
Người phát ngôn cho đảng chính trị của bà Suu Kyi, đảng NLD, ông Win Htein nói với BBC rằng dưới tình hình hiện nay, bà Suu Kyi không có quyền lực để buộc quân đội Miến Điện dừng lại.
Bình luận về cáo buộc "tội ác chống loài người" của bà Lee, ông nói tin có hàng trăm người Rohingya đã chết là "phóng đại" và "đôi khi Liên Hợp Quốc cũng sai".
"Là một chính phủ mới, chúng tôi đang cố gắng xây dựng một đất nước hiện đại. Chúng tôi có hàng vạn vấn đề [phải lo].
Chúng tôi không tin có tội ác chống loài người", ông nói thêm. "Đây là vấn đề nội bộ, không phải là vấn đề quốc tế".
Hàng chục ngàn người Rohingya đã chạy sang Bangladesh trong vài tháng qua.
Chính phủ Myanmar mở cuộc điều tra riêng cho những lời cáo buộc về tình trạng lạm dụng này.
Cuộc điều tra do một cựu tướng quân đội dẫn đầu, và bị bà Lee chỉ trích vì do các binh sĩ quân đội chiếm số đông, cũng như phương pháp tiến hành điều tra.
Hôm thứ Hai 13/3, bà Lee sẽ trình bày kết quả mới nhất tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva. Bà sẽ chính thức kêu gọi thành lập Ủy ban Điều tra, tương tự như các ủy ban điều tra tình trạng lạm dụng tại những nơi như Bắc Hàn hay Syria.
Khi BBC liên hệ với chính phủ Anh và EU, cả hai bên đều từ chối phát biểu họ sẽ ủng hộ việc thành lập một ủy ban điều tra.
Nhiều người ngại có những động thái có thể được cho là là giảm uy tín của nhà lãnh đạo Myamar được bầu lên.