Hải quân Anh, Mỹ tập trận huấn luyện chung trên Biển Đông (VOA, 23/02/2019)
Các tàu hải quân Hoa Kỳ và Anh trong tuần này đã tiến hành huấn luyện an ninh hàng hải và hậu cần ở Biển Đông. Đây là cuộc diễn tập chung lần thứ ba của hai hạm đội tàu hải quân ở Tây Thái Bình Dương, theo trang tin chính thức của Hải quân Hoa Kỳ.
Thủy quân lục chiến và Hải quân Hoàng gia Anh trên tàu hộ tống HMS Monstrose diễn tập huấn luyện cùng với tàu chở dầu tiếp liệu USNS Guadalupe của Hải quân Mỹ.
Tham gia cuộc tập trận có tàu chở dầu tiếp liệu USNS Guadalupe của Hải quân Mỹ, tàu hộ tống HMS Monstrose của Hải quân Hoàng gia Anh, và các chỉ huy của hải quân hai nước.
Trong cuộc tập trận, các sĩ quan hải quân đã diễn tập các hoạt động đổ bộ lên tàu, khám xét và bắt giữ. Ngoài ra, các con tàu cũng được thực tập hoạt động tiếp liệu trên biển theo quy trình của NATO nhằm đảm bảo hoạt động này được thực hiện một cách an toàn và hiệu quả.
Trung tá Conor O’Neill, chỉ huy tàu HMS Montrose, cho biết đây là đợt diễn tập quan trọng để giữ cho cả Hải quân Hoàng gia và Thủy quân lục chiến của Anh luôn trong tư thế sẵn sàng để thi hành bất kỳ nhiệm vụ nào được giao phó.
"Việc chúng tôi có thể thực hiện đợt huấn luyện này và cuộc diễn tập tiếp liệu sau đó là một minh chứng cho mối quan hệ gần gũi giữa Hải quân Hoàng gia và Hải quân Hoa Kỳ, cả ở Thái Bình Dương và những nơi khác trên toàn cầu", chỉ huy Conor O’Neill nói.
Trong khi đó, ông Eric Naranjo, trưởng nhóm thủy thủ dân sự trên tàu USNS Guadalupe, nói rằng cuộc tập trận giúp cho cả hai bên mở rộng khả năng hợp tác.
Đây là đợt hợp tác huấn luyện lần thứ ba giữa Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Hoàng gia Anh trong vài tháng gần đây. Trước đó, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Hải quân Mỹ và tàu hộ vệ HMS Argyll của Hải quân Hoàng gia Anh đã tiến hành cuộc tập trận chung ở Biển Đông vào tháng 1, và một cuộc tập trận chống ngầm ba bên giữa Hải quân Hoa Kỳ, Hải quân Hoàng gia Anh và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cũng được tổ chức vào tháng 12/2018.
Guadalupe là tàu tiếp liệu lớp Henry J. Kaiser thứ 14, có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động thường ngày và hỗ trợ hậu cần cho Hải quân Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh hoạt động trong khu vực thuộc trách nhiệm của Hạm đội 7.
*********************
Tàu sân bay Anh và Pháp tuần tra Biển Đông : Viễn ảnh xa vời (RFI, 22/02/2019)
Trong thời gian qua, có rất nhiều thông tin được loan tải về khả năng cả Pháp lẫn Anh đều sắp phái tàu sân bay của mình đến Biển Đông cùng tham gia nhiệm vụ bảo vệ quyền tự do hàng hải bên cạnh các hàng không mẫu hạm Mỹ. Thế nhưng, vào ngày 21/02/2019, Paris cho biết là trước mắt khả năng đó sẽ chưa diễn ra, trong lúc, dưới sức ép của Trung Quốc, nội bộ chính phủ Anh bắt đầu tranh cãi về kế hoạch triển khai tàu sân bay qua Biển Đông.
Tầu sân bay Charles de Gaulle, ngoài khơi thành phố Toulon, miền nam Pháp, sau 18 tháng nâng cấp. Ảnh chụp ngày 08/11/2018. Reuters/Christophe Simon
Khả năng nước Pháp cử chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất đang hoạt động của mình là chiếc Charles-de-Gaulle qua vùng Thái Bình Dương và Biển Đông đã được chính bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp gợi lên vào trung tuần tháng 11/2018, với thời điểm triển khai được suy đoán là đầu năm 2019.
Vào khi ấy, bà bộ trưởng Pháp Florence Parly đã nhấn mạnh rằng Paris "luôn luôn ở trên tuyến đầu trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế". Đối với bà Parly, "nếu nguyên tắc cơ bản đó của luật pháp quốc tế bị vi phạm, như trường hợp đang xảy ra tại Biển Đông, Pháp sẽ thể hiện quyền tự do hành động và lưu thông của mình trong các vùng biển đó".
Thế nhưng, vào ngày 21/02, Quân Đội Pháp đã xác nhận trở lại rằng tàu sân bay Pháp Charles-de-Gaulle đúng là sẽ lên đường vào khoảng tháng 3 hay tháng 4 qua làm nhiệm vụ ở Châu Á, nhưng chỉ hoạt động ở Ấn Độ Dương, và ghé Singapore mà thôi, còn Biển Đông không nằm trong kế hoạch.
Theo đại tá Guillaume Thomas, phó phát ngôn viên Bộ Tham Mưu Quân Đội Pháp, theo lịch trình, hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle sẽ ghé Địa Trung Hải, tháng 5 tập trận "Ramsès" với Ai Cập, sau đó qua Ấn Độ Dương, tham gia cuộc tập trận "Varuna" vào tháng 7 với Ấn Độ. Bên cạnh đó, tàu sân bay Pháp cũng sẽ thao diễn với Hải Quân Nhật Bản ở Ấn Độ Dương.
Đối với đại tá Thomas, các khu vực Ấn Độ Dương và Châu Á-Thái Bình Dương nằm trong các ưu tiên của Pháp, nhưng lần này, kế hoạch hoạt động của chiếc Charles-de-Gaulle không "dự kiến" đến Biển Đông, nơi mà đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên một số đảo đá đang gây căng thẳng với các láng giềng Đông Nam Á.
Về phần Anh Quốc, chỉ mới đây thôi, hôm 11/02, bộ trưởng Quốc Phòng Gavin Williamson xác nhận rằng Luân Đôn sẽ phái hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth qua vùng Thái Bình Dương và Biển Đông, chở theo một phi đội chiến đấu cơ F-35 hỗn hợp của cả Anh lẫn Mỹ.
Thời điểm của việc triển khai này khá xa vời, vì theo kế hoạch tàu sân bay Anh chỉ chính thức đi vào hoạt động vào năm 2021 mà thôi.
Cho dù vậy, thông báo của ông Williamson đã khiến Trung Quốc bất bình, và theo truyền thông Anh, Bắc Kinh đã hủy một cuộc đàm phán thương mại dự trù với bộ trưởng Tài Chính Anh Hammond để cảnh cáo.
Phát biểu vào hôm 21/02, ông Hammond đã công nhận rằng tuyên bố của ông Williamson về ý định triển khai tàu sân bay đã khiến cho quan hệ với Trung Quốc trở nên phức tạp, một lời hàm ý chỉ trích đồng nhiệm ở bộ Quốc Phòng là đã gây khó khăn cho việc giao thương với Trung Quốc, một yếu tố tối quan trọng vào lúc nước Anh rời Liên Hiệp Châu Âu.
Báo Financial Times hôm 15/02 vừa qua, đã ghi nhận rằng cả Phủ Thủ tướng Anh lẫn bộ Tài Chánh đều giận "tái mặt" vì bài phát biểu của ông Williamson. Tuy nhiên, theo hãng Reuters, một viên chức bộ Quốc Phòng Anh khẳng định rằng phát biểu của ông Williamson đã được cả bộ Tài Chính lẫn hủ Thủ Tướng duyệt qua trước.
Dẫu sao thì các diễn biến kể trên cho thấy là việc Anh Quốc quyết định triển khai tàu sân bay qua Biển Đông không phải là đơn giản, và trong ngắn hạn, hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ chưa có bạn đồng hành trên Biển Đông.
Trọng Nghĩa
*****************
Trung Quốc thử nghiệm hệ thống chỉ huy thời chiến ở Biển Đông (RFI, 21/02/2019)
Theo tin của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) ngày 20/02/2019, Trung Quốc vừa kết thúc một tháng tập trận ở Biển Đông và khu vực ở phía tây và trung Thái Bình Dương, với sự tham gia của các đơn vị hải quân, không quân và tên lửa.
Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông cuối tháng 6/2010. Ảnh minh họa© AFP/ Park Yeong-Dae
Các nhà quan sát quân sự được South China Morning Post trích dẫn cho rằng các cuộc tập trận này, bắt đầu từ ngày 16/01 và kéo dài 34 ngày, cho thấy quân đội Trung Quốc muốn thử nghiệm hệ thống chỉ huy sẽ được sử dụng khi xảy ra chiến tranh ở Biển Đông, đồng thời củng cố khả năng phòng thủ tên lửa của họ trên vùng biển này.
Theo thông cáo của Hạm đội Nam Hải, nhiều loại chiến hạm mới nhất của Trung Quốc đã tham gia đợt tập trận lần này, trong đó có khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường Hợp Phì (Hefei), hộ tống hạm trang bị tên lửa dẫn đường Vận Thành (Yuncheng), tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn (Changbaishan) và tàu tiếp liệu Hồng Hồ (Honghu).
Cũng theo thông cáo Hạm đội Nam Hải, để mô phỏng tình huống chiến tranh thật sự, đợt tập trận lần này ở vùng Biển Đông không theo một kịch bản có sẵn và cũng không có thông báo trước nào đưa ra, mọi chỉ thị và các phương án xử lý đều dựa trên tình huống chiến đấu thực tế.
Các hoạt động thao dượt khác bao gồm đánh trả các tàu tấn công, cứu hộ bằng không quân và tập trận bắn đạn thật. Trong 34 ngày, các binh chủng của quân đội Trung Quốc đã phối hợp tiến hành 20 cuộc tập trận khác nhau.
Một nguồn tin giấu tên nhân dịp này cho nhật báo SCMP biết Lực lượng Tên lửa của quân đội Trung Quốc muốn triển khai thường trực các tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa chống hạm YJ tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam từ năm 1974.
Thanh Phương
**********************
Trung Quốc thử nghiệm hệ thống chỉ huy thời chiến ở Biển Đông (RFA, 21/02/2019)
Trung Quốc vừa tiến hành hơn một tháng diễn tập chiến đấu tại khu vực Biển Đông, khu vực tây và trung Thái Bình Dương.
Chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc. Chu Hải, Quảng Đông, 11/2018. AFP
Thông tin này được tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, phát hành tại Hong Kong, đưa ra trong số ngày 20 tháng 2 với trích dẫn lời nhà phân tích quân sự Tống Trọng Bình, dựa trên những nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc.
Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng cho biết Trung Quốc đang thử nghiệm một hệ thống chỉ huy thời chiến bao trùm khu vực Biển Đông, khu vực miền Tây và Trung Thái Bình Dương. Từ ngày 16 tháng 1/2019 đến nay các lực lượng hải quân, không quân và các đơn vị tên lửa của Trung Quốc tại khu vực này, bao gồm các chiến hạm mới nhất, các hệ thống hỏa tiễn,… đã thực hiện 20 cuộc diễn tập, trong đó có tập trận bắn đạn thật.
Những cuộc thử nghiệm này được đặt trong tình huống chiến tranh bất ngờ.
Quân đội Trung Quốc cho biết những thử nghiệm này giúp cho họ tăng cường sự hiểu biết cũng như khả năng chiến đấu.
Đặc biệt trong kỳ diễn tập và thử nghiệm này lực lượng hỏa tiễn phòng không và chống tàu chiến được đặc biệt chú ý, và có thể sẽ triển khai trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong Biển Đông hiện do Trung Quốc kiểm soát.
Nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc tiết lộ rằng cho đến nay các hỏa tiễn không được triển khai nhiều vì e ngại các chuyến bay thám thính của quân đội Hoa Kỳ.
Theo lời nhà phân tích Tống Trọng Bình, thì lực lượng hỏa tiễn hạt nhân vẫn thuộc Quân Ủy Trung Ương , nhưng các lực lượng hỏa tiễn qui ước sẽ được giao về cho bộ tư lệnh địa phương trong thời chiến.
Đợt diễn tập trong 34 ngày từ giữa tháng giêng vừa qua nhằm thử nghiệm hệ thống chỉ huy thời chiến mang tính phối hợp giữa các lực lượng với nhau.