Ngoại trưởng Mỹ : Thế giới phải cảnh giác về công nghệ Trung Quốc (VOA, 01/03/2019)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 1/3 nói rằng thế giới cần phải "hết sức cảnh giác" về các nguy cơ khi sử dụng công nghệ của Trung Quốc.
Theo Reuters, ông cũng nói thêm rằng các công ty Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề ở một số nơi sử dụng thiết bị của tập đoàn Huawei.
Ông Pompeo trả lời như vậy khi được hỏi trong chuyến thăm Manila về khả năng Philippines sử dụng công nghệ 5G của Huawei trong tương lai, trong khi nước này tìm cách hiện đại hóa cơ sở hạ tầng viễn thông lạc hậu.
Ngoại trưởng Mỹ nói rằng nhiệm vụ của Hoa Kỳ là phải "chia sẻ với thế giới về các nguy cơ liên quan tới công nghệ" của Huawei.
Chính phủ Mỹ đã và đang gây áp lực lên Huawei, hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, cũng như ngăn chặn các công ty Hoa Kỳ mua thiết bị của Huawei.
Hoa Kỳ cũng khuyến cáo các đồng minh không nên mua thiết bị của tập đoàn Trung Quốc này, theo Reuters.
********************
Tập đoàn Mỹ sẽ sản xuất linh kiện máy bay ở Việt Nam (VOA, 01/03/2019)
Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tới Hà Nội, một tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới của Mỹ đã quyết định đầu tư 170 triệu USD để xây dựng một nhà máy ở Đà Nẵng.
Máy bay Boeing 787 Dreamliners đang được lắp ráp tại South Carolina, Mỹ, hôm 17/1/2019. Tập đoàn Mỹ UAC, công ty chuyên cung cấp linh kiện máy bay cho Boeing, vừa quyết định mở một nhà máy tại Đà Nẵng.
Truyền thông trong nước trích nguồn tin từ Văn phòng UBND Đà Nẵng cho biết hôm 27/2 rằng Công ty Universal Alloy Corporation Asia Pte. Ltd (UAC) sẽ sản xuất cấu kiện và bộ phận chi tiết của máy bay tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.
Cùng ngày 27/2, hai hãng hàng không của Việt Nam – VietJet và Bamboo Airways – ký kết thỏa thuận mua 110 máy bay Boeing trị giá hơn 15 tỷ USD trước sự chứng kiến của Tổng thống Trump và Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Tập đoàn UAC vừa quyết định xây nhà máy ở Đà Nẵng là công ty cung cấp hợp đồng dài hạn cho Boeing và Airbus.
Theo thông tin từ UBND Đà Nẵng, lãnh đão thành phố sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho tập đoàn UAC vào ngày 1/3.
Khi đi vào hoạt động, tập đoàn của Mỹ dự kiến sẽ sản xuất 4.000 chi tiết trong tổng số 5 triệu chi tiết máy bay các loại để xuất khẩu sang thị trường hàng không Bắc Mỹ và Châu Âu.
Dự án này đặt mục tiêu xuất khẩu 25 triệu USD vào năm 2021 và tăng lên 85 triệu USD sau đó một năm. Họ dự kiến tạo ra giá trị xuất khẩu 180 triệu USD mỗi năm từ sau 2026.
UAC có kế hoạch tuyển dụng 1.200 lao động tay nghề cao về lĩnh vực cơ khí, điện, tự động hóa và 2.000 nhân sự để phát triển chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ, theo truyền thông trong nước.
Theo Tuổi Trẻ, UAC cũng mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các trường đại học kỹ thuật và dạy nghề tại Đà Nẵng trong việc phát triển ngành hàng không vũ trụ.
*******************
Tập đoàn Mỹ sẽ sản xuất linh kiện máy bay ở Đà Nẵng (RFA, 27/02/2019)
Tập đoàn UAC (Universal Alloy Corporation) chi nhánh Châu Á của Mỹ sẽ đầu tư một nhà máy sản xuất linh kiện máy bay trị giá 170 triệu đô la Mỹ tại Đà Nẵng.
Cảng Đà Nẵng 6/2017. AFP
Nhà máy này sẽ sản xuất 4000 trong số khoảng 5 triệu chi tiết của máy bay hiện đại các loại.
Thông tin này được Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng công bố trong ngày 27 tháng 2.
Theo dự án này, khi hoàn tất, nhà máy của UAC sẽ tuyển dụng đến 1200 lao động có tay nghề cao, và có thể sinh ra thêm 2000 công việc khác sản xuất những sản phẩm hỗ trợ.
Dự kiến là nhà máy UAC Đà Nẵng sẽ xuất khẩu trị giá 25 triệu đô la Mỹ vào năm 2021 sang thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ. UAC được biết là nhà cung cấp hàng đầu cho các hãng máy bay lớn là Boeing và Airbus.
Tại Việt Nam hiện đã có hai nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay cung cấp chủ yếu cho hãng Airbus tại khu công nghiệp Biên Hòa.