Căng thẳng Kashmir : Pakistan thả phi công Ấn Độ để thể hiện thiện chí (RFI, 01/03/2019)
Ngày 01/03/2019, Pakistan thông báo thả một phi công Ấn Độ, bị bắt trong đợt giao tranh giữa hai bên ngày 27/02 tại vùng Kashmir đang có tranh chấp. Thông qua "cử chỉ hòa bình" này, chính quyền Islamabad muốn tỏ thiện chí giảm căng thẳng giữa hai nước sau vụ khủng bố nhắm vào lực lượng quân sự Ấn Độ ở Kashmir.
(Ảnh minh họa) - Người dân Ấn Độ tại Ahmedabad ngày 18/02/2019 biểu tình phản đối vụ tấn công do tổ chức JeM - Pakistan tiến hành ở Kashmir. Reuters/Amit Dave
Vụ trao trả phi công Ấn Độ bị Pakistan bắt diễn ra vào chiều ngày 01/03 tại đồn biên phòng Wagah, nằm giữa hai thành phố lớn Lahore (Pakistan) và Amritsar (Ấn Độ). Từ sáng sớm, đông đảo người dân Ấn Độ đã đến khu vực này để chào đón trung tá Abhinandan Varthaman, mà họ coi là người hùng của đất nước.
AFP nhắc lại căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân tăng thêm một bậc sau khi khoảng 40 quân nhân Ấn Độ bị thiệt mạng trong vụ tấn công do tổ chức Jaish-e-Mohammed (JeM, đóng tại Pakistan) tiến hành ở Kashmir, phần do Ấn Độ kiểm soát, vào ngày 14/02.
Nhằm bắt các thủ phạm "phải trả giá đắt", New Delhi điều chiến đấu cơ bay vào không phận Pakistan để "đánh phủ đầu" một trại huấn luyện của tổ chức JeM và tiêu diệt rất nhiều chiến binh của tổ chức này.
Sau khi lên án Ấn Độ xâm phạm lãnh thổ và hứa đáp trả vào "thời gian và địa điểm" thích hợp, ngày 27/02, Pakistan điều nhiều chiến đấu cơ vượt qua ranh giới ở Kashmir và bắn hạ hai chiến đấu cơ của Ấn Độ trong đợt giao tranh, trong đó một chiếc rơi xuống khu vực do Pakistan kiểm soát. Cùng ngày, Islamabad thông báo đóng cửa không phận và có thể mở lại vào ngày 01/03. Quyết định trên đã làm rối loạn ngành hàng không dân dụng thế giới trong hai ngày 27 và 28/02.
Thu Hằng
********************
Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan tác hại nặng nề đến hàng không Âu-Á (RFI, 28/02/2019)
Vào lúc quan hệ với Ấn Độ tiếp tục căng thẳng, chính quyền Pakistan hôm qua, 27/02/2019, đã quyết định tạm thời đóng cửa không phận, buộc hàng loạt hãng hàng không nối liền Châu Âu và Châu Á phải hoãn chuyến bay hoặc thay đổi lộ trình bay. Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế cấp tốc kêu gọi New Delhi và Islamabad xuống thang tranh chấp.
Hành khách bị ách lại sau khi hãng hàng không Thai Airway hủy hoãn các chuyến đi và đến từ Châu Âu, sân bay Suvarnabhumi Airport, Bangkok, 28/02/2019. Reuters/Soe Zeya Tun
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, vào hôm nay 28/02, hàng ngàn hành khách đi Châu Âu đã bị mắc kẹt tại phi trường Bangkok (Thái Lan), một trong những điểm trung chuyển chính của những chuyến bay nối liền Châu Á với Châu Âu. Hãng hàng không Thái Airways xác nhận đã phải hủy bỏ hơn một chục chuyến bay qua Châu Âu. Thậm chí có đến ba chuyến bay đang trên đường đi đã phải trở ngược về Bangkok.
Xin nhắc lại là tuyến đường truyền thống nối liền Châu Á với hai khu vực Châu Âu và Trung Đông đều bay qua không phận Pakistan.
Trong một thông cáo, hãng hàng không Thái Lan còn cho biết thêm là các chuyến bay đến và đi từ Luân Đôn, Munich, Paris, Bruxelles, Milano, Vienna, Stockholm, Zurich, Copenhagen, Oslo, Frankfurt và Roma đã thay đổi đường bay để tránh bay qua không phận Pakistan.
Không chỉ các hãng hàng không Thái Lan là bị tác hại, mà một loạt hãng hàng không khác của các nước Châu Á như Việt Nam, Singapore… hay các nước Ả Rập như Emirates, Qatar Airways, Etihad… cũng bị ảnh hưởng. Bị nặng nhất là Air Canada, đã phải hủy nhiều chuyến bay vì không có khả năng tìm tuyến đường thay thế.
Trong tình hình như kể trên, hai nước Ấn Độ và Pakistan vẫn tiếp tục căng thẳng với nhau. Theo hãng AP, vào sáng nay hai bên vẫn đấu pháo dọc theo Đường Ranh Giới Kiểm Soát (LoC) phân định 2 vùng do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát ở khu vực tranh chấp Kashmir.
Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan gây lo ngại trên thế giới. Vào hôm qua, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc cho biết tổng thư kí Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai bên, nếu được yêu cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump từ Việt Nam cũng tỏ ý hy vọng là hai bên sẽ bình tĩnh trở lại, và Washington đang giúp hai bên thoát khỏi khủng hoảng. Nga cũng tuyên bố sẵn sàng hòa giải hai bên, trong lúc Trung Quốc kêu gọi xuống thang tranh chấp.
Tại New York, vào hôm qua ba nước Anh, Pháp và Mỹ đã đề nghị Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trừng phạt thủ lãnh của nhóm Jaish-e-Mohammad ở Pakistan, đã lên tiếng tự nhận là tác giả vụ khủng bố tại Kashmir, châm ngòi nổ cho cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan hiện nay.
Trọng Nghĩa