Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim ‘không đạt thỏa thuận’ ở Việt Nam (VOA, 28/02/2019)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un "không đạt được thỏa thuận" trong cuộc họp thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói trong một thông cáo hôm 28/2 rằng Tổng thống Trump và Chủ tich Kim Jong-un "đã có các cuộc gặp rất tốt đẹp và mang tính xây dựng ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 27 và 28/2".
"Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một loạt cách thức nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa và các khái niệm đẩy mạnh kinh tế", bà nói tiếp.
"Không có thỏa thuận nào đạt được vào lúc này, nhưng các nhóm [đàm phán] của hai nước kỳ vọng sẽ gặp nhau trong tương lai".
Nhà Trắng trước đó thông báo rằng hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tham gia "lễ ký thỏa thuận chung" sau khi kết thúc đàm phán vào lúc 2 giờ chiều (giờ Hà Nội).
Nhưng thay vào đó, phía Mỹ thông báo rằng ông Trump chủ trì cuộc họp báo riêng.
Theo buổi trao đổi với phóng viên được nhiều hãng truyền hình trực tiếp, Tổng thống Trump nói rằng Bắc Hàn muốn các biện pháp trừng phạt "được dỡ bỏ hoàn toàn", nhưng phía Mỹ "không thể làm vậy" nên đã cắt ngắn cuộc hội đàm.
Hiện chưa rõ là ông Kim có tổ chức một buổi họp báo riêng như ông Trump hay không.
Trước khi cuộc đàm phán đổ vỡ, trả lời phóng viên quốc tế, ông Kim cho biết rằng ông "sẵn lòng" phi hạt nhân hóa vì nếu không sẵn sàng, ông đã "không có mặt" ở Hà Nội để dự cuộc họp thượng đỉnh.
Theo đoạn video được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội, ông Trump nói rằng đó là "câu trả lời hay".
Nguyên thủ Mỹ cuối ngày 28/2 sẽ đáp chuyên cơ Air Force One để quay trở lại Hoa Kỳ.
Viễn Đông
*********************
Giải mã vì sao thượng đỉnh Mỹ-Triều ‘không ký được gì’ ở Hà Nội (BBC, 28/02/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/2 đã rời Hà Nội, kết thúc cuộc họp hai ngày với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un mà không đạt thỏa thuận nào.
"Đôi khi bạn phải từ chối và lần này là vậy", ông Trump nói.
Theo tiết lộ của ông Trump tại cuộc họp báo, Bắc Hàn muốn lệnh trừng phạt được xóa hoàn toàn, nhưng "chúng tôi không thể làm vậy".
"Đôi khi bạn phải từ chối và lần này là vậy", ông Trump nói thêm.
Ông Trump cho hay : "Họ muốn dỡ bỏ trừng phạt, nhưng không chịu làm đúng lĩnh vực chúng tôi muốn".
"Họ sẵn sàng cho chúng tôi một số nơi nhưng lại không phải nơi chúng tôi muốn".
Ông Trump nói việc dỡ bỏ khu hạt nhân Yongbyon đã được đề cập ở Hà Nội nhưng "không đủ".
"Phải nhiều hơn. Nhưng ông ấy muốn mọi trừng phạt phải xóa đi đầu tiên".
Tổng thống Mỹ còn cho hay Mỹ đã nêu ra các địa chỉ vũ khí bí mật của Bắc Hàn, gồm cả "kế hoạch làm giàu uranium" mà chưa từng được báo chí đăng tải.
"Họ ngạc nhiên là chúng tôi biết hết", ông Trump bảo.
Có mặt cùng tổng thống ở buổi họp báo, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói việc không đạt thỏa thuận ở Hà Nội chưa có nghĩa là việc giải giáp hạt nhân đã bế tắc.
"Tôi vẫn lạc quan", ông Pompeo nói.
Ông Pompeo bày tỏ hy vọng hai phía sẽ mở lại đàm phán cấp chuyên viên "trong những ngày, tuần sắp tới".
Trước đó, hai nhà lãnh đạo được mong đợi đưa ra tuyên bố về tiến trình phi hạt nhân hóa.
Chia sẻ tại buổi họp báo sau hội nghị tại Hà Nội, ông Trump cho biết chưa có kế hoạch nào cho buổi hội nghị lần ba.
Theo kế hoạch ban đầu, Nhà Trắng đã lên kế hoạch trong ngày cho "Lễ Ký kết thỏa thuận chung" cũng như một buổi ăn trưa làm việc cho hai nhà lãnh đạo, nhưng kế hoạch này đã không được thực hiện do cả hai cùng hủy bỏ đột ngột.
Nam Hàn cho biết kết quả của cuộc đàm phán là "đáng tiếc", nhưng họ tin tưởng rằng Mỹ và Bắc Hàn đã "đạt được những tiến bộ có ý nghĩa hơn thời gian trước".
Chuyện gì xảy ra vào ngày 28/2 ?
Ngày đầu tiên, 27/2, chứng kiến lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn gặp nhau ngắn 20 phút ở khách sạn Metropole, rồi ăn tối cùng trợ lý.
Ngày thứ hai, 28/2, mở đầu trong khi dư luận tưởng rằng sắp có thỏa thuận nào đó công bố.
Theo kế hoạch, ngày 28/2 sẽ gồm cuộc gặp trực tiếp, ăn trưa, và lễ ký kết.
Ông Trump và Kim đi bộ dọc hồ bơi khách sạn. Thậm chí ông Kim còn phát biểu với báo chí quốc tế rằng ông không tới Việt Nam làm gì nếu đã không có thiện chí.
Ông Kim nói ông hoan nghênh ý tưởng mở văn phòng liên lạc của Mỹ ở Bình Nhưỡng, và ông Trump cũng tán thưởng.
Nhưng sau đó, khi phóng viên được báo hiệu chuẩn bị cho họp báo, thì tình hình thay đổi.
Tin đồn loan ra rằng họp báo sẽ diễn ra sớm hai tiếng.
Sau đó Nhà Trắng xác nhận tin đồn, rồi lại cho hay rằng hai lãnh đạo không có thỏa thuận gì nhưng sẽ gặp lại nhau dịp nào đó.
Ăn trưa và lễ ký bị hủy bỏ.
Rồi ông Trump tổ chức họp báo với ngoại trưởng Mỹ, trước khi ra máy bay ở sân bay Nội Bài về nước.
Đâu là mấu chốt của vấn đề ?
Theo Tổng thống Trump, ông Kim đề nghị sẽ tháo dỡ toàn bộ khu liên hợp Yongbyon - cơ sở nghiên cứu và sản xuất trọng yếu trong chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.
Nhưng đổi lại, ông Kim muốn Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt - điều mà Mỹ đã không chuẩn bị để thương thảo.
Một câu hỏi về mạng lưới các cơ sở hạt nhân khác ngoài Yongbyon cũng đã được đặt ra.
Tháng trước, Stephen Biegun, Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Bắc Hàn nói, tại các buổi đàm phán trước hội nghị, Bắc Hàn nói sẽ phụ thuộc vào các biện pháp của Mỹ để cân nhắc phá hủy tất cả cơ sở phát triển các chất phóng xạ hạt nhân (plutonium và uranium).
Yongbyon ở Bắc Hàn được biết đến là nguồn sản xuất plutonium duy nhất, nhưng quốc gia này được cho là còn có ít nhất hai cơ sở sản xuất uranium khác.
Các biện pháp của Mỹ nay được hiểu là việc dỡ bỏ tất các lệnh trừng phạt, điều mà Tổng thống Trump sẽ không đồng ý.
Tại buổi họp báo, Tổng thống Trump cho biết ông Kim chỉ đề nghị hủy bỏ Yongbyon chứ không phải toàn bộ hệ thống hạt nhân ở Bắc Hàn.
Tổng thống Trump nói khi ông nhắc đến một cơ sở hạt nhân khác ngoài Yongbyon, phái đoàn Bắc Hàn đã tỏ ra "ngạc nhiên" bởi những gì ông Trump biết.
Ngày đầu tiên, 27/2, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim gặp nhau ngắn 20 phút ở khách sạn Metropole, rồi ăn tối cùng trợ lý.
Đây là bước lùi của Trump ?
Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của hai nhà lãnh đạo diễn ra tại Singapore hồi tháng 6/2018 bị chỉ trích vì không đạt được nhiều thỏa thuận.
Ông Trump được mong đợi sẽ đạt được thỏa thuận về phi hạt nhân hóa tại hội nghị lần hai tại Hà Nội.
Thất bại lần này sẽ được xem như là một bước lùi đối với một nhà giao dịch tự phong như ông Trump, người đã nói về mối quan hệ lịch sử của mình với ông Kim như một thành tựu chính sách quan trọng.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh ông Trump đang phải đối mặt với sự giám sát gia tăng ở Mỹ về các giao dịch kinh doanh và cáo buộc có quan hệ với Nga, sau khi ông Michael Cohen - luật sư cũ của Trump ra làm chứng trước quốc hội hôm thứ Tư.
Phi hạt nhân hóa nghĩa là gì ?
Cả Mỹ và Bắc Hàn chưa đưa ra quan điểm rõ ràng về phi hạt nhân hóa. Trước đó Washington nói rằng, Bắc Hàn phải đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân và hủy bỏ tất cả các cơ sở hạt nhân trước khi việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt được cân nhắc.
Trong khi đó, quan điểm phi hạt nhân hóa của ông Kim được cho là một thỏa thuận chung mà theo đó Mỹ phải rút lực lượng quân sự khỏi bán đảo Nam Hàn.
Khi được hỏi tại cuộc họp báo hôm thứ Năm, ý nghĩa của việc phi hạt nhân hóa là gì, ông Trump nói :
"Đối với tôi điều đó khá rõ ràng, chúng ta phải loại bỏ hạt nhân".
Ông Trump cho biết phái đoàn Mỹ "có một vài lựa chọn và lần này chúng tôi quyết định không thực hiện bất kỳ lựa chọn nào". Ông nói thêm rằng ông cảm thấy "lạc quan" và cho biết các cuộc đàm phán đã giúp hai quốc gia "đạt được vị trí để có một kết quả thực sự tốt" trong tương lai.
Mối quan hệ Mỹ - Bắc Hàn sau hội nghị sẽ ra sao ?
Hai nhà lãnh đạo tỏ vẻ hòa hợp tại hội nghị tại Hà Nội, giống như điều họ đã làm tại hội nghị trước đó ở Singgapore. Cả hai đi bộ bên hồ bơi cho các phóng viên chụp ảnh dù không nói gì nhiều.
Sau cuộc hội đàm tại Hà Nội, ông Trump nói ông Kim là "một người đàn ông ít nói" và mô tả mối quan hệ của cả hai là "rất mạnh mẽ".
Mặc dù không đạt được thỏa thuận gì, hội nghị thượng đỉnh lần hai đã vẫn được xem như là bước tiến quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ của hai quốc gia.
Cuối năm 2017, họ đã đe dọa lẫn nhau khi ông Trump gọi ông Kim là "người đàn ông tên lửa nhỏ", còn ông Kim gọi ông Trump là "ông già loạn trí".
Trước hội nghị, đã có một cuộc đàm phán về khả năng tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Bà Kim Yo-jong đứng tránh về phía rìa trái bức hình khi ông Kim và các khách Hoa Kỳ gặp nhau cùng hai người phiên dịch tại khách sạn Metropole, Hà Nội.
Và giờ đây, với việc hội nghị Trump-Kim kết thúc đột ngột, mục đích của cuộc đàm phán nói trên chắc sẽ còn lâu mới đạt được.
Hàn Quốc thiệt hại nhất ?
Cơ quan nghiên cứu IHS Markit nói Hàn Quốc là bên thiệt hại nhất sau khi hội nghị Hà Nội không đạt thỏa thuận.
Theo IHS Markit, tỉ lệ ưa chuộng của dư luận với tổng thống Moon Jae-in đã giảm thường xuyên. Tỉ lệ này chỉ tăng ngắn ngủi khi xảy ra hội nghị liên Triều tháng Chín 2018.
Vì vậy, khi không có tiến bộ về Bắc Hàn, IHS Markit nói ông Moon chỉ còn dựa vào chính sách đối nội để thu hút cử tri. Nhưng cử tri Hàn Quốc thì đã phê phán chính phủ vì không cải thiện được các số đo kinh tế ví dụ như thất nghiệp.
IHS Markit cũng nói nay tăng thêm rủi ro ngoại giao Mỹ - Triều đổ vỡ.
Theo tổ chức này, Kim Jong-un sẽ khó giữ mặt mũi với trong nước khi không đạt kết quả cụ thể.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc bình luận :
"Dự kiến ông Trump sẽ đối diện chỉ trích nặng nề hơn về ngoại giao của ông với Bình Nhưỡng từ giới chỉ trích ở Washington DC.
Nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều của Hàn Quốc có lẽ sẽ gặp thất vọng nặng nề.
Còn ông Kim sẽ phải nghĩ lại chiến lược của mình, vì tiếng nói của giới chức quân đội cứng rắn trong nước có thể tăng thêm một chút".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa phát biểu nói nước này mong Hoa Kỳ và Bắc Hàn "tiếp tục đối thoại và tôn trọng những quan ngại của nhau".
Cho đến giờ này, Bắc Hàn chưa ra tuyên bố gì.
Bà Kim Yo-jong tại khách sạn Metropole, Hà Nội, luôn đi không xa anh trai nhưng giữ khoảng cách
Ông Kim Jong-un không mở họp báo giống Donald Trump, và dư luận đang chờ xem liệu Bình Nhưỡng có phát ngôn gì hôm nay hay không.
Trong một tin liên quan, truyền thông Hàn Quốc nói tàu hỏa màu xanh của ông Kim Jong-un hiện đang đậu tại Nam Ninh, Trung Quốc.
Có đồn đoán có thể ông Kim sẽ phải đi máy bay tới Trung Quốc, rồi mới dùng tàu hỏa quay về Bình Nhưỡng. Trong kịch bản này, có thể tàu hỏa Bắc Hàn sẽ chờ ở Bắc Kinh hay Quảng Châu.
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn còn ở lại Việt Nam, và sẽ mở đầu chuyến thăm chính thức hai ngày từ thứ Sáu 1/3.
**********************
Mỹ và Bắc Hàn không đạt được thỏa thuận tại Thượng đỉnh lần hai (RFA, 28/02/2019)
Đàm phán giữa Mỹ và Bắc Hàn tại Thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội hôm 28/2 đã thất bại khi lãnh đạo hai nước không đạt được một thỏa thuận nào và phải cắt ngắn chương trình đàm phán theo dự kiến, nhưng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vẫn nói cuộc đàm phán diễn ra thân thiện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un tại Thượng đỉnh lần hai ở khách sạn Metropole, Hà Nội hôm 28/2/2019 AFP
Nói với báo giới tại buổi họp báo vào chiều ngày 28/2, Tổng thống Hoa Kỳ cho biết ông đã có thể ký một thỏa thuận với Bắc Hàn nhưng điều này sẽ không hợp lý và vì vậy ông đã quyết định không làm vào lúc này.
Lý do thất bại của đàm phán lần này được Tổng thống Donald Trump đưa ra là do phía Bắc Hàn yêu cầu Hoa Kỳ gỡ bỏ toàn bộ các cấm vận trong khi chỉ chấp nhận phi hạt nhân hóa một phần, không đúng với ý của Mỹ. "Họ sẵn sàng tiến hành phi hạt nhân hóa một phần lớn những khu vực mà chúng tôi muốn nhưng chúng tôi không thể bỏ các cấm vấn để đổi lại điều này", Tổng thống Donald Trump nói tại cuộc họp báo.
Trước thượng đỉnh, nhiều người hy vọng Chủ tịch Bắc Hàn sẽ sớm cho thanh sát viên quốc tế vào nước này xác nhận Bắc Hàn đã phá bỏ một cách không thể đảo ngược cơ sở thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri và khu thử nghiệm động cơ tên lửa Tongchang-ri. Ngoài ra, quan trọng hơn cả là việc Mỹ muốn Bắc Hàn ngừng hoạt động của trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon.
Khi được hỏi về khả năng hai nước sẽ có một thượng đỉnh tiếp theo, Tổng thống Trump nói : "có thể sẽ sớm có một thượng đỉnh tới mà cũng có thể sẽ còn rất lâu nữa".
Như vậy những dự đoán và trông đợi của một số nhà quan sát quốc tế cho rằng Hoa Kỳ sẽ tuyên bố hòa bình trên bán đảo Triều Tiên để kết thúc tình trạng chiến tranh kể từ sau chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, đã không xảy ra.
Trước khi bước vào đàm phán ngày hôm nay, cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đều bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ đạt được kết quả. Chủ tịch Bắc Hàn khi được hỏi là ông đã sẵn sàng hay chưa đã trả lời là nếu không sẵn sàng thì ông đã không có mặt ở đây.
Tổng thống Trump trước đó cũng nói ông không vội vàng trong đàm phán miễn là các bên làm điều đúng, và điều đúng theo ông là việc Bắc Hàn ngưng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa, điều mà nước này đã thực hiện được hơn 1 năm qua.
Như vậy so với thượng đỉnh lần trước tại Singapore hồi năm 2018, thượng đỉnh lần này đã không có một thỏa thuận nào. Trong thỏa thuận tại thượng đỉnh lần 1, Bắc Hàn cam kết sẽ làm việc để hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo triều tiên. Mặc dù vậy hai bên không đưa ra một mức thời gian cụ thể nào. Các nhà phân tích quốc tế trước thượng đỉnh cũng cho rằng vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn.
********************
Tổng thống Trump tiết lộ lý do rời khỏi thỏa thuận với Triều Tiên (VOA, 28/02/2019)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng hội nghị thượng đỉnh giữa ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc hôm 28/2 mà không có được thỏa thuận là vì chia rẽ trong vấn đề dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Hà Nội vào ngày 28/2/2019.
"Về cơ bản, họ muốn chế tài được dỡ bỏ hoàn toàn và chúng tôi không thể làm điều đó", ông Trump nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ở thủ đô Hà Nội, nơi diễn ra cuộc hội đàm. "Họ sẵn sàng giải giáp phần lớn những khu vực mà chúng tôi muốn, nhưng chúng tôi không thể bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt vì điều đó".
Tổng thống Hoa Kỳ cho biết cả hai đã thảo luận về việc tháo dỡ cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên ở Yongbyon, và ông Kim hứa với ông rằng Triều Tiên sẽ không tiến hành các vụ thử tên lửa hạt nhân nữa.
Cuộc họp hôm thứ Năm đã kết thúc sớm hơn dự kiến, và hai nhà lãnh đạo đã bỏ bữa ăn trưa và lễ ký kết theo kế hoạch trước đó.
Ông Trump mô tả các cuộc đàm phán là "hữu ích" và nói rằng ông nghĩ hai bên cuối cùng rồi cũng sẽ đạt được thỏa thuận về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nhưng cần thời gian. Ông cho biết hai bên hiện vẫn chưa xác định về một hội nghị thượng đỉnh thứ ba.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói ông hy vọng các cuộc đàm phán giữa hai nước sẽ sớm được nối lại.
Hàn Quốc nói kết quả của hội nghị thượng đỉnh là "không may", nhưng cũng có những bước đi tích cực, và "dường như các cuộc thảo luận có nhiều tiến bộ hơn bao giờ hết".
Người phát ngôn của Nhà Xanh Kim Eui-kyeom nói trong một tuyên bố rằng : "Việc Tổng thống Trump tuyên bố công khai ý định xóa bỏ hoặc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt liên quan đến các biện pháp phi hạt nhân hóa Triều Tiên là một dấu hiệu cho thấy mức độ thảo luận giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ đã tiến triển".
Trước đó cùng ngày, cả ông Trump và ông Kim đều bày tỏ lạc quan về các cuộc thảo luận của họ về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, và ông Trump nói rằng ông nghĩ mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đang tốt hơn bao giờ hết.
Trong khi một số quan chức Mỹ cố gắng hạ thấp kỳ vọng về kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, ông Trump đã chịu áp lực phải đưa ra được một kết quả cụ thể vượt khỏi cam kết mơ hồ với ông Kim hồi tháng 6 năm ngoái tại Singapore, trong đó ông Kim cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đang đè nặng lên quốc gia nghèo khó.
Hội nghị thượng đỉnh ở Singapore được ca ngợi là một sự kiện lịch sử vì Washington và Bình Nhưỡng chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao.
Khi ông Trump nhậm chức, đã có những lo ngại về một cuộc chiến mới với Triều Tiên khi Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ tung ra "lửa và thịnh nộ mà thế giới chưa từng thấy" trên quốc gia Đông Bắc Á để đáp lại mối đe dọa từ Triều Tiên đối với Mỹ và các đồng minh.
Trong cuộc hội đàm hôm thứ Năm, cả ông Trump và ông Kim đều bày tỏ quan điểm thuận lợi về khả năng Triều Tiên sẽ cho phép Mỹ mở văn phòng tại Bình Nhưỡng.
Các quan chức tình báo Hoa Kỳ vẫn hoài nghi rằng Bình Nhưỡng sẽ tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa của ông Kim tại Singapore.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Dan Coats nói với một ủy ban quốc hội vào tháng trước rằng Triều Tiên "đã tạm dừng hành vi khiêu khích" bằng cách kiềm chế các vụ thử tên lửa và hạt nhân trong hơn một năm qua. "Đồng thời, ông Kim Jong-un tiếp tục thể hiện sự cởi mở đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".
Mặc dù kết thúc thử nghiệm, nhưng ông Coats cảnh báo rằng "chúng tôi hiện đang đánh giá việc Triều Tiên sẽ hạn chế khả năng đó (về vũ khí hủy diệt hàng loạt) của mình và khó có thể từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và khả năng sản xuất nó".