Thủ tướng Malaysia yêu cầu Trung Quốc xác định ‘cái gọi là quyền sở hữu’ ở Biển Đông (VOA, 07/03/2019)
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hôm 7/3 nói rằng Trung Quốc nên xác định rõ "cái gọi là quyền sở hữu" của họ ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp, để các nước có tuyên bố chủ quyền khác có thể bắt đầu khai thác lợi ích trong vùng biển giàu tài nguyên này.
Thủ tướng Mahathir Mohamad.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABS-CBN ở Manila, Thủ tướng Mahathir nói rằng "nếu không có giới hạn, thì yêu sách chủ quyền của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chúng ta". Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của "tự do hàng hải" trên tuyến thủy lộ đông đúc.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông nhưng từ chối xác định phạm vi yêu sách chủ quyền của mình, ngoại trừ một đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) mơ hồ trên bản đồ, làm phức tạp tranh chấp với các nước cũng có tuyên bố chủ quyền là Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei.
"Chúng ta phải nói chuyện với Trung Quốc về việc xác định yêu sách chủ quyền của họ và ‘quyền sở hữu’ hay ‘cái gọi là quyền sở hữu’ mà họ tuyên bố có nghĩa là gì, để chúng ta có thể tìm ra phương cách có được một số lợi ích từ đó", ông Mahathir nói.
"Tôi cho rằng dù yêu sách của Trung Quốc có là gì, thì điều quan trọng nhất là Biển Đông nói riêng phải được mở cửa cho hàng hải", ông Mahathir nói thêm. "Không hạn chế, không trừng phạt và nếu điều đó xảy ra, thì tôi nghĩ những tuyên bố của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chúng ta".
Thủ tướng Mahathir đang có chuyến thăm Manila để hội đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các quan chức hàng đầu khác. Họ cảm ơn Malaysia vì đã là trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Philippines và lực lượng du kích Hồi giáo ở miền Nam nước này, quê hương của người Hồi giáo thiểu số ở quốc gia theo Công giáo La Mã.
Nhà lãnh đạo 93 tuổi của Malaysia là thủ tướng lâu đời nhất thế giới. Ông từng đến thăm Philippines trong tư cách thủ tướng vào năm 1987 và 1994.
******************
Đài Loan chống đối ý tưởng thống nhất của Tập Cận Bình (VOA, 07/03/2019)
Lời cảnh báo Trung Quốc đưa ra hôm 5/3 rằng Đài Loan nên tránh theo đuổi độc lập chính trị đã khởi động điều mà một nhà hoạch định chính sách cấp cao ở Đài Bắc dự đoán là một loạt những hành động mới nhằm kéo hòn đảo này lại gần hơn với sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn chống lại việc thống nhất với Trung Quốc
Trong một bản báo cáo trước Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội) ở Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng chính phủ của ông sẽ ‘kiên quyết phản đối và kiềm chế’ bất cứ nỗ lực nào để chia tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, Tân Hoa Xã đưa tin. Đài Loan, mặc dù đã tự trị trong hơn 70 năm, chưa bao giờ tuyên bố độc lập trong Hiến pháp.
Sau phiên họp Quốc hội thường niên kéo dài 10 ngày ở Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc sẽ mời một danh sách các nhân vật Đài Loan đến tham dự các sự kiện để thảo luận về lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 2/1 về hòa bình, thống nhất, đối thoại và cùng phát triển của hai bờ eo biển Đài Loan, ông Khưu Thủy Chính, Thứ trưởng của Đài Bắc phụ trách các vấn đề đại lục nói với VOA. Chính phủ của ông bác bỏ việc thống nhất với đại lục.
Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan kể từ cuộc nội chiến Quốc-Cộng vào những năm 1940 và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để thống nhất hai bờ eo biển. Trên 80% người dân Đài Loan chống thống nhất, các cuộc thăm dò của chính phủ cho biết. Đề xuất của ông Tập vào ngày 2/1, được gọi là ‘Năm điểm của ông Tập’, lặp lại lập trường kiên quyết của Bắc Kinh rằng hai bên phải thống nhất.
"Chúng ta có thể thấy gần đây là những tổ chức được thành lập ở Đài Loan đang mời các doanh nhân và sinh viên Đài Loan đến dự các hội thảo và diễn đàn", ông Khưu nói. "Chúng tôi nghĩ rằng, sau Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, họ sẽ thúc đẩy một loạt các đạo luật và hoạt động để kêu gọi sự ủng hộ đối với Năm điểm của ông Tập".
Kỳ họp Quốc hội thường niên này quy tụ khoảng 3.000 đại biểu và thường bắt đầu và kết thúc bằng lời kêu gọi thống nhất Đài Loan với Trung Quốc. Kỳ họp năm nay trùng hợp với đợt công bố 31 biện pháp khích lệ của chính phủ Trung Quốc để đưa công dân Đài Loan đến đại lục làm việc, nghiên cứu và đầu tư. Đó cũng là cột mốc chính trị chính kể từ bài phát biểu của ông Tập.
Kỳ họp lần nay sẽ ‘có sự quan tâm cao độ’ từ các quan chức ở Đài Bắc, ông Khưu nói.
Quốc hội Trung Quốc, vốn được nhìn nhận rộng rãi là cơ quan bù nhìn của đảng Cộng sản, có thể phê chuẩn những đạo luật về các chính sách chính trị và kinh tế. Hồi năm 2005, họ đã thông qua đạo luật chống ly khai thứ hai vốn chính thức cho phép sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan nếu cần để ngăn chặn hòn đảo này chính thức tuyên bố độc lập.
Tại kỳ họp này, Quốc hội có thể thông qua những đạo luật để hậu thuẫn cho những đề xuất mà ông Tập đưa ra hồi đầu năm, ông Khưu nói.
Các sự kiện gắn liền với kỳ họp Quốc hội năm nay có thể bàn thảo đề nghị của ông Tập về nguyên tắc ‘một đất nước-hai chế độ’ dành cho Đài Loan, ông Khưu nói thêm. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh sẽ kiểm soát tổng thể Đài Loan trong khi hòn đảo này được tự chủ về kinh tế ở mức độ nhất định.
Tham vấn dân chủ
Các hoạt động sau kỳ họp Quốc hội nhằm vào Đài Loan nhiều khả năng sẽ phối hợp với lời kêu gọi của ông Tập hồi tháng 1 về ‘tham vấn dân chủ’ giữa các lãnh đạo Trung Quốc và các phe phái chính trị ở Đài Loan ngoài Đảng Dân Tiến cầm quyền, ông Khưu nói.
Đảng Dân Tiến cầm quyền có quan điểm cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc và Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, đã chọc giận Bắc Kinh với việc bác bỏ lời kêu gọi đối thoại.
Tuy nhiên Quốc dân Đảng, đảng đối lập chính ở Đài Loan, ủng hộ đối thoại với Bắc Kinh. Đảng này dự kiến sẽ đối đầu với đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2020. Nhiều người Đài Loan ủng hộ đối thoại thương mại và đầu tư với Trung Quốc trong khi duy trì quyền tự trị.
Ông Hàn Quốc Du, thị trưởng thành phố cảng Cao Hùng được Quốc dân Đảng ủng hộ, sắp sửa có chuyến thăm hai thành phố ở đại lục vào cuối tháng 3. Văn phòng của Bắc Kinh lo về các vấn đề Đài Loan bày tỏ ‘hoan nghênh và ủng hộ’, Tân Hoa Xã đưa tin.
Ông Khưu lưu ý rằng các chính phủ khác đã từng đàm phán hòa bình với Trung Quốc ‘không bao giờ có kết quả tốt đẹp’.
"Chúng tôi hy vọng rằng người dân và đồng bào của chúng tôi có thể có tất cả những hiểu biết thông thường này và cùng nhau bảo vệ cho nền tự trị dân chủ của chúng ta", ông nói.
Văn phòng của Bắc Kinh lo về các vấn đề Đài Loan có thể đang nghiên cứu các cách làm để thực hiện ‘tham vấn dân chủ’, ông Tôn Vân, nghiên cứu cao cấp chương trình Đông Á của Viện nghiên cứu Stimson ở Washington, D.C., cho biết.
"Tôi cảm thấy nhất định họ đang làm cái gì đó", ông Tôn giải thích. "Nếu không thì họ không thể nào đáp ứng lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình về tham vấn dân chủ với tất cả các lực lượng chính trị từ tất cả các ngành nghề và các lĩnh vực ở hai bờ eo biển Đài Loan".
"Những cuộc tham vấn này sẽ phù hợp với tiến trình phát triển hòa bình của quan hệ xuyên eo biển Đài Loan cũng như với ý chí của đồng bào hai bờ eo biển và dòng chảy của thời đại", Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn nhân của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan cho biết.
Giọng điệu ôn hòa
Ông Tập cũng ở trong thế đề phòng sau khi chuyện Tổng thống Đài Loan bác bỏ bài diễn văn hôm 2/1 của ông Tập giúp cho bà Thái tăng 10 điểm phần trăm tỷ lệ ủng hộ, ông Lâm Trung Bân, giáo sư về nghiên cứu chiến lược đã nghỉ hưu ở Đài Bắc, nhận định.
Ông Lâm lưu ý rằng ông Uông Dương, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, đã bỏ ‘năm điểm’ tại một hội thảo hồi cuối tháng 1.
"Tôi nghĩ ông Tập đã có bài học đầu tiên sau khi ông nêu lên năm điểm vốn đã đẩy bà Thái từ chỗ thấp lên vị trí rất cao, và đó là lý do tại sao ông Tập phải đổi lập trường", ông Lâm nói thêm.