Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/03/2019

Điểm báo Pháp - Quyền lực của Tập Cận Bình bị rạn nứt

RFI tiếng Việt

Trung Quốc : Quyền lực của Tập Cận Bình bị rạn nứt

Trong khóa họp Quốc hội thường niên cách đây tròn một năm, ông Tập Cận Bình đứng trên đỉnh cao quyền lực. Tại khóa họp năm 2019, "quyền lực của ông bị rạn nứt", theo nhận định của nhật báo Le Figaro. Hai lý do chính là cuộc chiến thương mại dai dẳng Bắc Kinh- Washington và tăng trưởng của Trung Quốc bị chững lại.

tcb1

Quốc hội Trung Quốc khai mạc phiên họp toàn thể ngày 05/03/2019 tại Đại lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh. Reuters/Jason Lee

Dù quyền lực của ông Tập không bị đe dọa nhưng ông bị chỉ trích trong nội bộ đảng và trong tầng lớp trí thức. Sự bất bình về chế độ chuyên quyền gia tăng khi ông bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch vào tháng 03/2018. Một số người thì lấy làm tiếc về chính sách đối ngoại hống hách của ông, mà theo họ, đang chịu trách nhiệm về sự xuống cấp trong quan hệ Mỹ-Trung, không chỉ dừng ở vấn đề thương mại. Một số khác thì chỉ trích sự ưu ái dành cho các tập đoàn nhà nước, gây bất lợi cho các doanh nghiệp tư nhân. Theo Le Figaro, những dấu hiệu trên cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ đảng, giữa một bên là bảo thủ và bên kia là cải cách về chính sách kinh tế.

Kỳ họp Quốc hội thường niên diễn ra vào đúng lúc căng thẳng thương mại với Mỹ và các cuộc đàm phán thương mại chưa mang lại những kết quả cụ thể. Chủ tịch Trung Quốc muốn trấn an chính quyền Trump, cũng như phương Tây, với việc bỏ phiếu luật đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc, được soạn thảo trong thời gian ngắn kỷ lục và chủ yếu nhắm vào việc bắt buộc chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng văn bản trên vẫn quá mù mờ và sẽ không cấm các doanh nghiệp tư nhân yêu cầu đối tác chuyển giao công nghệ.

Ưu tiên của ông Tập Cận Bình là làm mọi cách để tránh rối loạn xã hội do năm 2019 được cho là khá nhạy cảm với nhiều sự kiện mang tính biểu tượng cao : 50 năm vùng Tây Tạng nổi dậy và Đức Đạt Lai Lạt Ma bỏ trốn sang Ấn Độ (17/03/1959), kỉ niệm 30 năm vụ tàn sát đẫm máu phong trào đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn (04/06/1989), 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa…

Ông Tập sẽ có một số nhân nhượng để chấm dứt chiến tranh thương mại với Mỹ nhưng ông sẽ không bao giờ từ bỏ ảnh hưởng của Nhà nước đối với nền kinh tế, theo nhận định của nhiều chuyên gia, và ông sẽ làm mọi cách để củng cố quyền lực của mình, cũng như quyền lực của đảng.

Bắc Kinh ưu tiên tăng trưởng và việc làm

Vậy phải làm như thế nào ? Nhật báo Les Echos cho biết : "Bắc Kinh ưu tiên tăng trưởng và việc làm". Phát biểu khai mạc Quốc hội ngày 05/03/2019, thủ tướng Lý Khắc Cường nêu lên mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2019 là từ "6% đến 6,5%".

Sau mức 6,6% đạt được vào năm 2018, đây là chỉ tiêu thấp nhất kể từ 30 năm nay, do "cục diện quốc gia cũng như quốc tế đã tác động đến sự phát triển của chúng ta trong một môi trường khắc nghiệt và phức tạp, được đánh dấu bằng hàng loạt nguy cơ và thách thức ngày càng gia tăng và trầm trọng hơn", theo phát biểu của thủ tướng Trung Quốc trong phiên khai mạc Quốc hội.

Việc làm cũng nằm trong chính sách ưu tiên của chính phủ và "phải được áp dụng trong mọi lĩnh vực". Tuy nhiên, tạo ra 11 triệu việc làm trong năm 2019 không phải là chuyện dễ, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị được ấn định ở mức dưới 4,5%, vẫn cao hơn so với mức 3,8% trong năm 2018.

Để duy trì ổn định xã hội, Bắc Kinh cũng thông báo một loạt biện pháp kích thích kinh tế, từ giảm thuế "trên quy mô lớn hơn" đối với các doanh nghiệp và các hộ gia đình đến thúc đẩy các dự án hạ tầng. Ví dụ cụ thể là biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng từ 16% xuống còn 13% có thể sẽ giúp tăng sức mua thêm 80 tỉ euro.

Các doanh nghiệp sẽ được giảm khoảng 263 tỉ euro về các khoản thuế và đóng góp trong năm 2019. Chính phủ khuyến khích ngân hàng cung cấp tín dụng nhiều hơn để đem lại "hỗ trợ có mục tiêu và hiệu quả cho nền kinh tế thật".

Tuy nhiên, theo đánh giá với Les Echos của một chuyên gia kinh tế Châu Á, làm việc tại Natixis, những biện pháp trên là "một tin vui cho thị trường trong ngắn hạn, nhưng sẽ là tin xấu cho Trung Quốc trong trung hạn vì khối nợ sẽ lại tích tụ nhiều hơn". Chuyên gia Pháp cũng khẳng định : "Phục hồi kinh tế mà không thổi phồng khối nợ, là một thách thức phức tạp" cho Trung Quốc.

Mỹ-Bắc Triều Tiên : Ngõ cụt hay ván cờ dang dở ?

Trở lại với thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội, thông tín viên của Le Monde tại Tokyo đặt câu hỏi "Bắc Triều Tiên-Mỹ : ngõ cụt hay chỉ tạm gác lại ?"

Tuy không đạt được kết quả như mong muốn, thượng đỉnh Hà Nội đã cho thấy Kim Jong-un tái khẳng định cam kết sẽ không thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Washington và Seoul cũng tỏ ra hòa hoãn hơn khi thông báo ngừng hai cuộc tập trận thường niên có quy mô lớn, thay vào đó là cuộc tập trận "Đồng minh" có quy mô nhỏ hơn.

Theo tác giả bài viết, một trong những nguyên nhân khiến các cuộc thảo luận bị bế tắc là do cách làm ngoại giao mang tính cá nhân của Donald Trump, quá tự tin vào khả năng thuyết phục của mình, thêm vào đó là những dự đoán kết quả trước khi thượng đỉnh diễn ra. Hai bên đưa ra những giải thích khác nhau về việc thượng đỉnh bị rút ngắn và không ra được thông cáo chung. Tác giả bài phân tích đặt câu hỏi : Do đánh giá sai lầm ? Do mỗi bên cố nhấn thêm một chút ? Nếu đúng như vậy, thì có lẽ, nguồn gốc của ngõ cụt, là do cả Kim Jong-un và Donald Trump phán đoán lầm.

Về phía tổng thống Mỹ, có lẽ ông Trump đã cảm thấy rằng thỏa thuận (deal) mà ông đưa ra sẽ có nguy cơ khiến các đồng minh Mỹ và các đối thủ Dân chủ cũng như Cộng hòa chỉ trích. Cuộc điều trần của cựu luật sư riêng Micheal Cohen, vào đúng lúc diễn ra thượng đỉnh Hà Nội, có thể là yếu tố mang tính quyết định. Tạo cảm giác rằng ông chiều lòng lãnh đạo Bắc Triều Tiên có nguy cơ đổ thêm dầu vào lửa.

Liệu lãnh đạo Kim Jong-un có hiểu được rằng ông Donald Trump không có đủ phạm vi hoạt động cần thiết để tiến lên phía trước ? Có thể điều này giải thích thái độ chừng mực của Bình Nhưỡng sau khi thượng đỉnh không đạt được kết quả. Washington nhấn mạnh đến "mối quan hệ nồng ấm" giữa Donald Trump và Kim Jong-un, Bình Nhưỡng nhắc đến "sự tôn trọng lẫn nhau" giữa hai nhà lãnh đạo.

Tác giả Philippe Pons cho rằng con đường ngoại giao chưa bị cắt nhưng sẽ chông gai và báo hiệu những cuộc đàm phán lâu dài và khó khăn.

Tổng thống Pháp tìm đường phục hưng Châu Âu

Bức thư ngỏ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi tới toàn bộ công dân Châu Âu là chủ đề được nhiều nhật báo quan tâm. Bức thư ngỏ nhấn mạnh đến vấn đề biên giới và các giá trị chung của Châu Âu.

Theo nhật báo Le Figaro, bức thư là "câu trả lời cho ý nghĩ rằng Liên Hiệp Châu Âu trở thành con ngựa thành Troy của quá trình toàn cầu hóa", theo nhận định của Emmanuel Rivière, giám đốc Viện thăm dò Kandar Public. Còn trả lời cho hỏi của La Croix : "Emmanuel Macron có thể thuyết phục được về chủ đề Châu Âu hay không ?", vẫn ông Rivière cho rằng "các chủ đề (của tổng thống Pháp) mang tính tập hợp". Đây cũng là ý kiến của bà Lena Morozova-Friha, đại diện cho tổ chức Europa Nova, khi cho rằng đó là "một văn bản thú vị nhưng rủi ro".

Với Libération, "Macron thử một cuộc thảo luận lớn mang mầu sắc Châu Âu". Bị các đồng nhiệm bỏ rơi trong các dự án cải cách, trong bức thư gửi đến công dân 28 nước Liên Âu, tổng thống Pháp hứa có nhiều dân chủ hơn và an ninh hơn. Tuy nhiên, vẫn theo Libération, "với nhiều đề xuất lấy cảm hứng từ đề xuất của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, tổng thống Emmanuel Macron hy vọng chia rẽ cánh hữu để thu hút ủng hộ của các chính trị gia ủng hộ Châu Âu ở Nghị Viện Châu Âu". Kết quả, theo La Croix, "cựu thủ tướng Jean-Pierre Raffarin (cánh hữu) ủng hộ dự thảo về Châu Âu của nguyên thủ Pháp và kêu gọi tập hợp bên phía cánh hữu và cánh trung".

Nhật báo Le Monde đánh giá : "Khó khăn tìm kiếm thủ lĩnh Châu Âu". Trước hết, theo tác giả bài phân tích, tổng thống Pháp không thật sự nổi bật trên trường quốc tế so với thủ tướng Đức Angela Merkel, đặc biệt trong quan hệ với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bà Merkel tại Đức không còn được như trước, đặc biệt trong bối cảnh lãnh đạo đảng CDU phải chật vật tìm liên minh để duy trì nội các.

Sau khi bị tác động do phong trào Áo Vàng, dần dần điểm tín nhiệm của ông Macron đã tăng lại và ông tìm cách trở lại chính trường Châu Âu. Nhưng lần này, không phải là những bài diễn văn hào hùng, tổng thống Pháp gửi thư trực tiếp đến công dân Châu Âu, sau khi tham khảo các đồng nhiệm và chính phủ các nước - theo khẳng định của điện Elysée - để nhấn mạnh đến tầm quan trọng và mức độ nguy hiểm của tình hình hiện nay.

Trong bối cảnh kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu đang đến gần, tổng thống Pháp muốn thể hiện là người tập hợp, chứ không phải là người kết tội. Điều này có thể được thể hiện qua trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ý khi ông Macron không còn là "nhà đối lập chính" của lãnh đạo cực hữu Ý Matteo Salvini.

Pháp đơn phương đánh thuế GAFA

Dự luật đánh thuế 3% doanh thu tại Pháp tính từ ngày 01/01/2019 của các đại tập đoàn internet được trình trước chính phủ ngày hôm nay, 06/03/2019.

Theo nhận định của Libération trong bài : "GAFA : Pháp chuyển sang đánh thuế", đây là bước đầu tiên trong cuộc chiến chống nạn tối ưu hóa thuế khóa của các đại tập đoàn.

Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết khoản thuế 3% sẽ được đánh vào doanh thu từ quảng cáo trực tuyến, sử dụng dữ liệu cá nhân và việc bán hàng trên mạng. Dự luật này giống rất giống với văn bản "thuế GAFA" được dự trù cho toàn Liên Hiệp Châu Âu, nhưng một vài nước thành viên không ủng hộ.

Theo thẩm định của Le Figaro, Nhà nước sẽ thu về được khoảng 500 triệu euro tiền thuế kể từ năm 2020. Bộ trưởng Kinh Tế Pháp trấn an rằng biện pháp này mang tính chất tạm thời trong khi chờ tìm ra được một thỏa thuận quốc tế trong nội bộ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE.

Tuy nhiên, Les Echos dẫn lại nhận định của văn phòng luật Taj, thì gần như toàn bộ khoản thuế này sẽ do khách hàng của các tập đoàn trên chi trả và những ông khổng lồ chỉ phải bỏ ra khoảng 5% để trả thuế mà thôi.

Carlos Ghosn được tại ngoại

Đây là thông tin được một số nhật báo Pháp đề cập trên trang nhất. Cựu tổng giám đốc liên minh Renault-Nissan-Mitshubishi được tại ngoại hầu tra sau khi nộp gần 8 triệu euro tiền bảo lãnh. Với Le Figaro, đây là sự kiện gây ngạc nhiên vì cuối cùng tư pháp Nhật Bản chấp nhận đơn xin yêu cầu được tại ngoại lần thứ ba của ông Ghosn. Tuy nhiên, ông phải chịu giám sát mọi lúc, mọi nơi.

Một số chủ đề khác là Pháp phản công đánh thuế các nhà khổng lồ Internet ; Kế hoạch phục hưng Châu Âu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron ; Trợ cấp nuôi con "bị quỵt", một hình thức bạo lực khác đối với phụ nữ và Mùa ăn chay của Thiên Chúa Giáo.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 535 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)