Hết máy bay ném bom, tới tàu chiến Mỹ băng qua Biển Đông (VOA, 15/03/2019)
Tàu chỉ huy của Hải quân Hoa Kỳ USS Blue Ridge vừa băng qua Biển Đông trong khi chỉ huy tàu tái khẳng định lập trường của Washington, sẽ tiếp tục "điều tàu và máy bay qua lại trên Biển Đông, và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", bất chấp Trung Quốc phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ trên vùng biển đang trong vòng tranh chấp.
USS Blue Ridge, tàu chỉ huy của Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ ghé thăm cảng Manila, Philippines ngày 13/03/2019. (U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Dylan McKay)
Hãng tin AP dẫn lời Đại tá hải quân Eric Anduze, chỉ huy trưởng của USS Blue Ridge, nói với các nhà báo có mặt trên chiếc tàu chỉ huy của Hạm đội 7, rằng chuyến đi này là nhằm tái khẳng định quan hệ liên minh chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Philippines. Chiến hạm này đang neo trong Vịnh Manila hôm thứ Tư 14/3.
Hãng tin AP dẫn lời Đại tá Anduze, phát biểu :
"Hai nước chúng ta có một lịch sử lâu dài… Chúng tôi có mặt ở đây để khẳng định với các bạn rằng quan hệ đối tác của chúng ta vẫn vững mạnh hơn bao giờ hết".
Trả lời câu hỏi của nhà báo, liệu tàu của ông có gặp tàu hải quân Trung Quốc trong khu vực hay không, Đại tá Anduze đáp rằng có, ông nói thêm rằng "tất cả những sự tương tác giữa hai bên đều an toàn và có tính cách chuyên nghiệp", ông không cho biết thêm chi tiết nào khác.
Một lần nữa, người chỉ huy soái hạm Blue Ridge nhấn mạnh :
"Chúng tôi sẽ điều tàu bè, máy bay qua lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp cho phép".
Taiwan News dẫn lời Phó Đô đốc Hải quân Phil Sawyer, Hạm trưởng của Hạm đội 7, nói trong một thông cáo, rằng mục đích của chuyến đi thăm Manila của soái hạm Blue Ridge là để "củng cố sự cam kết của cả hai nước cho một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Trong chuyến đi thăm Manila vào đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng nhắc đến cam kết của Hoa Kỳ, đảm bảo Biển Đông sẽ vẫn mở rộng cho tất cả các hoạt động giao thông đường thủy. Ông tuyên bố Trung Quốc "không phải là một mối đe dọa" có thể đóng cửa các tuyến hàng hải tại đây.
Phản ứng từ Bắc Kinh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông cam kết sẽ duy trì hòa bình và ổn định khu vực để thương thuyết hầu đạt được một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển, nhằm tránh leo thang tranh chấp.
Lúc đó ông Lục Khảng nêu đích danh Hoa Kỳ, nói rằng người Mỹ "không nên can thiệp và gây rối" ở Biển Đông.
Ông Lục Khảng nói :
"Nếu các nước bên ngoài khu vực, như Hoa Kỳ chẳng hạn, thực sự nghĩ tới hòa bình và an sinh của dân trong khu vực, thì họ không nên gây rối trong khu vực".
Theo Military.com, chiến hạm Blue Ridge được coi như trung tâm chỉ huy các hoạt động tác chiến xa bờ của quân đội Mỹ, và được trang bị hệ thống máy tính và hệ thống thông tin liên lạc hiện đại nhất của hải quân Mỹ. Tàu có chiều dài 194m, rộng 33m. Thủy thủ đoàn gồm hơn 1000 người. Trong các tình huống khẩn cấp, tàu Blue Ridge có thể chở tới 3.000 người.
****************
Lần thứ hai trong vòng 10 ngày, Mỹ điều B-52 đến Biển Đông (RFI, 14/03/2019)
Hai chiếc B-52H của Không lực Mỹ đã bay tuần tra ở Biển Đông ngày 13/03/2019. Đây là lần thứ hai, trong vòng mười ngày, Mỹ điều oanh tạc cơ đến vùng biển đang có tranh chấp này.
Ảnh minh họa : Hai oanh tạc cơ B52 của Không Quân Hoa Kỳ @media.defense.gov
Trong thông cáo gửi tờ The Diplomat, Không Lực Hải Quân Thái Bình Dương (PACAF) cho biết "hai oanh tạc cơ B-52H đã rời căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam để tiến hành tập luyện tuần tra thông thường trong vùng lân cận Biển Đông vào ngày 13/03/2019".
Vẫn theo thông cáo trên, chiến đấu cơ Mỹ thường xuyên hoạt động trong vùng Biển Đông để ủng hộ các đồng minh, đối tác của Mỹ và một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do. Cả hai máy bay ném bom đã được một chiếc Boeing KC-135 tiếp nhiên liệu giữa không trung.
Còn trên biển, theo AP, chiến hạm USS Blue Ridge, thuộc Hạm đội 7 Hoa Kỳ, đã đi qua vùng Biển Đông để tiếp tục khẳng định mong muốn của Mỹ bảo vệ quyền được "đi lại, bay trên không phận và hoạt động tại những nơi mà luật pháp cho phép" nhằm thách thức việc Trung Quốc luôn phản đối sự xuất hiện thường xuyên của Hải Quân Mỹ ở Biển Đông.
Sau đó, chiến hạm USS Blue Ridge đã ghé thăm cảng Manila, Philippines ngày 13/03. Phát biểu trước báo giới trên chiến hạm, chỉ huy Eric Anduze nhấn mạnh : "Chúng tôi ở đây để nói rằng quan hệ đối tác này (Mỹ-Philippines) mạnh mẽ hơn bao giờ hết".
Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với thái độ kiên quyết hơn của Nhật Bản trong việc bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp với Bắc Kinh. Theo trang Asia Times ngày 13/03, trong vòng 10 năm, Nhật Bản sẽ hạ thủy 12 tầu trinh sát và giám sát thế hệ mới để thay thế đội tầu đang tuần tra quanh quần đảo Senkaku/Điều Ngư. Đội tầu mới sẽ có lượng giãn nước khoảng 1.300 tấn, với thủy thủ đoàn 30 người.
Thu Hằng
*****************
Hoa Kỳ cho máy bay ném bom bay qua khu vực Biển Đông hai lần trong vòng 10 ngày (RFA, 14/03/2019)
Hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Hoa Kỳ lại được điều bay qua khu vực Biển Đông vào ngày thứ tư 13 tháng 3. Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng 10 ngày hoạt động bay như thế được tiến hành bất chấp phản đối từ phía Trung Quốc.
Pháo đài bay B-52 của Hoa Kỳ tại khu vực Tây Thái Bình Dương - AFP
Thông cáo báo chí của Không Lực Hải Quân Thái Bình Dương nêu rõ hai pháo đài bay chiến lược B-52H Stratofortress cất cánh từ Căn cứ Andersen ở đảo Guam và tham gia vào chương trình huấn luyện thường kỳ trong khu vực Biển Đông trước khi trở về lại căn cứ Andersen.
Thông cáo nói tiếp hoạt động thường lệ của máy bay Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông là để hỗ trợ cho các đồng minh, đối tác cũng như bảo đảm một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Chương trình huấn luyện thường kỳ như vừa nêu được cho biết khởi sự từ năm 2004 khi các loại chiến đấu cơ ném bom B-1, B-52 và B22 được luân phiên tham gia xuất phát từ căn cứ trên đảo Guam. Chương trình này được gọi là ‘sự hiện diện liên tục của pháo đài bay’ của Không lực Hoa Kỳ.
Giáo sư Tôn Triết (Sun Zhe), đồng chủ tịch chương trình Trung Quốc tại Đại học Columbia, được dẫn lời rằng ý đồ rõ ràng của Hoa Kỳ trong việc cho pháo đài bay chiến lược B-52 thay vì máy bay do thám như loại EP-3 tham gia huấn luyện tại khu vực Biển Đông là nhằm kiềm chế Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này.
Vào ngày 4 tháng 3 vừa qua, hai máy bay B-52H của Mỹ cũng cất cánh từ Căn cứ Andersen ; một chiếc tham gia huấn luyện tại khu vực Biển Hoa Đông và một chiếc tại Biển Đông.