‘Giá cô dâu’ tăng cao gây lo ngại ở Trung Quốc (VOA, 13/03/2019)
"Giá cô dâu" tăng phi mã khiến cho hôn nhân ở nông thôn của Trung Quốc trở nên khó khăn và cần được giới hạn, một đại biểu đại diện một làng xã ở nông thôn nói tại Đại hội Nhân dân của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi ngăn chặn việc những người chuyên mai mối thu phí quá mức.
Một cặp đôi đính hôn trong trang phục cưới truyền thống của Trung Quốc chụp ảnh cưới ở một studio ở trung tâm Bắc Kinh. Đàn ông ở nông thôn Trung Quốc ngày càng có ít cơ hội lấy được vợ vì 'giá cô dâu' tăng cao.
Mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong thập kỷ qua đã làm tăng mạnh những kỳ vọng của cha mẹ, và làm tăng cao giá sính lễ, mà giờ đây thường gồm cả một ngôi nhà mới.
Trước đây, một người cầu hôn sẽ phải chuẩn bị sính lễ cho nhà gái khoảng 11.000 nhân dân tệ (1.639 USD). Giờ đây, nhà cô dâu tương lai yêu cầu ít nhất 1,5kg tiền có mệnh giá 100 NDT, một chiếc ô tô và một ngôi nhà, theo ông Zhang Qingbin, một thành viên của đại hội Nhân dân Toàn quốc thường niên đại diện tỉnh Hà Bắc.
"Ở phía nam của miền Bắc Trung Quốc, một thanh niên trẻ muốn cưới vợ sẽ cần phải chi khoảng 700.000 NDT (104,275 USD)", ông Zhang viết trong một đề xuất gửi lên đại hội.
"Đây là một gánh nặng vô cùng lớn với các mức giá cô dâu quá cao trở thành một nguyên nhân chính cho sự nghèo đói ở các vùng nông thôn", theo đại biểu quốc hội của tỉnh Hà Bắc.
Ở các vùng nông thôn, nơi thu nhập bình quân đầu người khoảng 15.000 CNY (2.234 USD)/năm chỉ bằng 1/3 thu nhập ở thành phố, nhu cầu tiền mặt của một chú rể khá là cấp bách.
Với việc nền kinh tế đang đối mặt với sự suy giảm hơn nữa trong năm nay, cơ hội tìm được một cô dâu càng trở nên xa vời, và làm trầm trọng thêm hiện tượng của vùng nông thôn được gọi là "những người đàn ông ế" – những người không có khả năng kết hôn.
Ông Zhang đổ lỗi cho cha mẹ của những cô dâu tương lai muốn nâng cao mức sống của họ bằng cách yêu cầu một mức giá cao từ những người cầu hôn.
Theo ông, trợ cấp hôn nhân có thể là một cách để kết hôn hạnh phúc và ông nêu ví dụ một chương trình trợ cấp thí điểm ở thành phố Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây lân cận.
Thái Nguyên đã thành lập Quỹ trợ cấp tiêu dùng hôn nhân vào năm 2017, nơi cung cấp các khoản giảm giá cho các cặp vợ chồng mới cưới về chụp ảnh đám cưới, tiệc cưới, du lịch tuần trăng mật và thậm chí nội thất cho một ngôi nhà mới.
Các cuộc hôn nhân khó khăn cũng là một yếu tố trong vấn đề lớn hơn về nhân khẩu học của Trung Quốc – tỷ lệ sinh giảm.
Nhiều đại biểu của đại hội Nhân dân Toàn quốc kêu gọi khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con khi đất nước phải đối mặt với dân số già và lực lượng lao động bị thu hẹp.
*******************
Phòng dịch tả lợn Châu Phi, Trung Quốc cấm nhập khẩu lợn từ Việt Nam (VOA, 12/03/2019)
Trung Quốc vừa cấm nhập khẩu lợn nuôi, lợn rừng và các sản phẩm liên quan đến lợn từ Việt Nam sau khi quốc gia Đông Nam Á báo cáo một loạt các ổ dịch tả lợn Châu Phi, một loại dịch bệnh có tính lây lan cao, Reuters dẫn nguồn tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết hôm 12/3.
Nhân viên khử trùng tại một ổ dịch tả lợn Châu Phi ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Kể từ ngày 1/2 đến ngày 3/3, loại virus nguy hiểm này đã được phát hiện trong lợn nuôi tại 202 hộ gia đình ở 7 tỉnh thành phía bắc Việt Nam, bao gồm cả thủ đô Hà Nội. Dịch tả gây tử vong cho lợn nhưng không ảnh hưởng đến con người.
Động thái này được đưa ra giữa lúc Trung Quốc đang vật lộn với dịch tả lợn Châu Phi, hiện đã lan rộng với 111 trường hợp được xác nhận tại 28 tỉnh và khu vực trên khắp Trung Quốc.