Chỉ với một mảnh giấy, Trump bảo Kim giao nộp võ khí hạt nhân (VOA, 30/03/2019)
Trong ngày thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai sụp đổ tại Hà Nội hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump trao cho lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một tờ giấy đính kèm lời kêu gọi thẳng thừng yêu cầu chuyển giao võ khí hạt nhân và vật liệu có thể phân hạch cho Mỹ, theo tài liệu Reuters xem được.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội tháng Hai năm 2019.
Ông Trump đưa cho ông Kim cả hai bản tiếng Anh lẫn tiếng Triều Triên tại khách sạn Metropole hôm 28/2, theo một nguồn tin ẩn danh biết về các cuộc thảo luận hôm đó. Đó là lần đầu tiên ông Trump tự mình định nghĩa thẳng thừng trực tiếp với ông Kim ý của ông khi nói tới thuật ngữ phi hạt nhân hóa là gì.
Bữa cơm trưa giữa hai nhà lãnh đạo trong cùng ngày đã bị hủy. Dù chẳng bên nào giải thích đầy đủ lý do thượng đỉnh sụp đổ, nhưng tờ giấy vừa kể có thể giúp chúng ta hiểu nguồn cơn.
Sự xuất hiện của mảnh giấy đó lần đầu tiên được đề cập tới bởi cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Bolton trong các cuộc phỏng vấn sau hai ngày thượng đỉnh dù ông không tiết lộ nội dung kỳ vọng của Mỹ chứa đựng trong đó rằng Triều Tiên nên chuyển giao cho Mỹ võ khí hạt nhân và vật liệu có thể phân hạch của họ.
Các nhà phân tích cho rằng ông Kim có thể xem lời đề nghị này là xúc phạm và khiêu khích.
Nguồn tin của Reuters nói mảnh giấy đó đưa ra cho phía Triều Tiên một định nghĩ rõ ràng và chính xác về quan điểm của Mỹ khi nói tới "phi hạt nhân hóa chung cuộc, hoàn toàn có thể kiểm chứng".
Bản tiếng Anh của tờ giấy mà Reuters được xem kêu gọi "giải giới hoàn toàn cơ sở hạ tầng hạt nhân, chương trình chiến tranh sinh học hóa học và các khả năng sử dụng kép có liên quan ; và các phi đạn đạn đạo, bệ phóng, và những cơ sở liên hệ".
Ngoài chuyện kêu gọi Bình Nhưỡng chuyển giao võ khí hạt nhân và vật liệu có thể phân hạch, mảnh giấy còn nêu lên 4 điểm chính khác. Một là kêu gọi Triều Tiên cung cấp công bố toàn diện về chương trình hạt nhân và cho phép thanh sát viên của Mỹ và quốc tế tiếp cận đầy đủ. Hai là yêu cầu Triều Tiên ngưng tất cả mọi hoạt động liên quan và các công trình thi công cơ sở mới. Ba là đề nghị Triều Tiên hủy tất cả cơ sở hạ tầng hạt nhân. Bốn là yêu cầu Bình Nhưỡng chuyển giao tất cả khoa học gia và kỹ thuật viên chương trình hạt nhân sang các hoạt động thương mại.
Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa bình luận về tin này.
***************
Tổng thống Trump đưa mảnh giấy cho Chủ tịch Kim với yêu cầu về giải trừ hạt nhân (RFA, 30/03/2019)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa mảnh giấy cho Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un với yêu cầu Bình Nhưỡng giao vũ khí nguyên tử và nguyên liệu chế bom cho Mỹ.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim bắt tay nhau tại thượng đỉnh ở Hà Nội - AFP
Reuters dẫn tài liệu xem được và Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng trích lại vào ngày 30 tháng 3.
Nguồn tin ẩn danh nói rằng mảnh giấy với yêu cầu như vừa nêu của phía Hoa Kỳ được viết bằng cả tiếng Triều Tiên và tiếng Anh. Tổng thống Trump đưa cho Chủ tịch Kim tại cuộc gặp ở Khách sạn Metropole, Hà Nội vào ngày 28 tháng 2.
Đó được nói là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump nói rõ trực tiếp với Chủ tịch Kim Jong-un điều ông muốn trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân tại Bán đảo Triều Tiên.
Vụ mảnh giấy mà Tổng thống Trump đưa cho Chủ tịch họ Kim cũng được Cố vấn an ninh Nhà Trắng, John Bolton, đề cập đến lần đầu tiên trong một cuộc phỏng vấn truyền hình sau cuộc thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai ở Hà Nội trong hai ngày 27 và 28 tháng 2 vừa qua.
Cố vấn John Bolton không nói rõ mội dung của mảnh giấy ; tuy nhiên dường như trong đó là quan điểm cứng rắn lâu nay của ông này về ‘mô hình Lybia’ trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân tại Bán đảo Triều Tiên. Ông John Bolton lần đầu tiên đề nghị về mô hình này là vào năm 2004. Năm ngoái khi được chọn làm cố vấn an ninh Nhà Trắng, ông Bolton lặp lại đề nghị này.
Chủ tịch Kim Jong-un luôn bác bỏ quan điểm đó từ phía Mỹ. Theo giới quan sát thì chủ tịch Bắc Triều Tiên có thể cho đó là ‘xúc phạm’ và ‘khiêu khích’.
Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng nhắc lại vụ việc 7 năm sau khi thỏa thuận giải trừ hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Lybia đạt được, Washington dẫn đầu chiến dịch quân sự lật đổ tổng thống Muammar Gaddafi. Ông này bị lực lượng nổi dậy được Phương Tây hậu thuẫn giết chết.
****************
Mỹ-Bắc Triều Tiên : Lý do khiến thượng đỉnh Hà Nội thất bại (RFI, 30/03/2019)
Một tháng sau thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội, hãng tin Reuters ngày 30/03/2019 tiết lộ : Washington đòi Bình Nhưỡng nộp tất cả vũ khí nguyên tử và nhiên liệu hạt nhân cho Hoa Kỳ. Đây là lý do khiến phái đoàn của ông Kim Jong-un bỏ ngang đàm phán. Đối thoại Mỹ-Triều trong một tháng qua bị đóng băng.
Cố vấn John Bolton. Ảnh chụp tại Nhà Trắng ngày 28/01/2019 Reuters/Jim Young
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Bolton nhiều lần cho biết, tại khách sạn Metropole, Hà Nội, hôm 28/02/2019 tổng thống Mỹ đã trao tận tay nguyên thủ Bắc Triều Tiên một tờ giấy. Văn bản được soạn thảo bằng hai thứ tiếng Anh và Triều Tiên. Nhưng nhân vật diều hâu này trong chính quyền Mỹ chưa bao giờ để lộ về nội dung tài liệu đó.
Reuters trích dẫn một nguồn tin thông thạo và có được một bản thảo bằng tiếng Anh của tài liệu nói trên tiết lộ những thông tin sau đây. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Donald Trump trực tiếp trao cho Kim Jong-un một văn bản nói rõ Hoa Kỳ định nghĩa như thế nào về cái gọi là "phi hạt nhân hóa". Thứ hai, Mỹ đòi Bắc Triều Tiên giao nộp vũ khí nguyên tử và nhiên liệu hạt nhân.
Điều khoản thứ hai này khiến lãnh đạo Bắc Triều Tiên phẫn nộ vì đã gợi lại kịch bản từng xảy ra cho Libya. Chính quyền của đại tá Muammar Gaddafi năm 2003 đã đồng ý từ bỏ kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân, và đến năm 2011 chế độ Gaddafi sụp đổ. Nhân vật một thời quyền lực nhất tại Libya đã bị giết. Từ năm 2004, John Bolton đã chủ trương áp dụng mô hình Libya với Bắc Triều Tiên. Trong cương vị cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông lại một lần nữa khẳng định lập trường cứng rắn này và đã suýt khiến thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore bất thành.
Ngoài ra, Hoa Kỳ đòi Bắc Triều Tiên dỡ bỏ toàn bộ các cơ sở hạt nhân, ngừng các chương trình nghiên cứu trong các lĩnh vực có thể phục vụ cho cả các mục tiêu dân sự lẫn quân sự, ngừng các chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo, xây dàn phóng tên lửa...
Trước mắt, Nhà Trắng từ chối bình luận về tin trên. Bộ Ngoại giao Mỹ thì giải thích tài liệu mà tổng thống Trump đã trao cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên thuộc diện hồ sơ mật, không thể phổ biến nội dung.
Về phần ông Donald Trump đang đi nghỉ tại bang Florida, hôm qua tổng thống Hoa Kỳ giải thích ông quyết định hủy một số những biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, vì động lòng trước những "khổ đau" của người dân Bắc Triều Tiên nhưng điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ từ bỏ cấm vận nhắm vào quốc gia Đông Bắc Á này.
Thanh Hà