Trung Quốc tiêu hủy bản đồ 'gây tổn hại chủ quyền quốc gia' (BBC, 02/04/2019)
Hải quan Trung Quốc nói sẽ tiêu hủy gần 300.000 bản đồ đã thu hồi được, vì chúng thể hiện sai một cách không thể chấp nhận được về mặt chính trị các đường biên giới của Trung Quốc.
Bản đồ thế giới, với phần về Trung Quốc (hình minh họa)
Các bản đồ này do một công ty ở miền nam Trung Quốc in rồi xuất khẩu sang Rotterdam, Hà Lan.
Các quan chức Trung Quốc đã dành bốn tháng để thu hồi khi phát hiện ra các bản đồ thể hiện đường biên giới quốc tế mà Bắc Kinh cho là không chính xác.
Các phóng viên nói rằng vụ việc cho thấy Bắc Kinh quyết tâm bác bỏ bất kỳ quan điểm nào khác với họ trong vấn đề đường biên.
Vấn đề Đài Loan và biên giới với Ấn Độ
Các bản đồ bị thu hồi đã không thể hiện Đài Loan và Arunachal Pradesh là thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc, và đe dọa sẽ sử dụng vũ lực nếu nơi này dám tuyên bố độc lập.
Arunachal Pradesh là một trong 29 bang của Ấn Độ nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết lãnh thổ bang này và gọi đó là vùng Tạng Nam (Nam Tây Tạng).
Vùng này trước được Tây Tạng trao cho chính quyền thuộc địa Anh tại Ấn Độ theo một hiệp định hồi 1914, nhưng Trung Quốc phản đối tính hợp pháp của văn bản này.
Ấn Độ và Trung Quốc đến nay đã có 21 vòng đàm phán nhằm tìm giải pháp cho các tranh cãi về đường biên kéo dài gần 3.500km, được gọi là Đường Kiểm soát Ấn Độ - Trung Quốc.
Đường lưỡi bò được Trung Quốc tuyên truyền khắp nơi
Hồi tháng trước, giới chức tại Trung Quốc đã tiêu hủy gần 30 ngàn bản đồ.
Hoàn Cầu Thời báo hôm thứ Ba tường thuật rằng nhân viên hải quan tại tỉnh Quảng Đông sẽ tiêu hủy tiếp hàng trăm ngàn bản nữa, và sẽ khởi tố bốn nghi can về tội cố ý xuất khẩu các bản đồ này sang Hà Lan.
Các bản đồ do một công ty ở tỉnh Quảng Đông in.
Bản đồ thể hiện chủ quyền lãnh thổ và là tuyên bố chính trị, ông Mã Uy từ Vụ Quản lý Thông tin Địa lý thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc được South China Morning Post dẫn lời hôm 25/3.
"Nếu có các 'bản đồ có vấn đề' làm tổn hại tới chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là các sản phẩm do nước ngoài in ấn, hoặc các sản phẩm nhằm để xuất hoặc nhập khẩu, thì chúng sẽ bị cộng đồng quốc tế cố tình sử dụng hoặc suy đoán", ông nói.
"Điều này sẽ trực tiếp gây hại tới lợi ích quốc gia và sự tự tôn của các công dân, và là một mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia".
****************
Vạn người Phi ký tên đòi kiện hình sự Tập Cận Bình (VOA, 02/04/2019)
Hàng vạn người Philippines đã ký vào tuyên bố ủng hộ kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra toà quốc tế nhằm lên án các "hành động tàn ác" của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) và lãnh hải Philippines.
Chủ tịch Tập Cận Bình và binh sĩ Trung Quốc hôm 3/1/2018.
Tuyên bố được lập ra để tán dương việc đưa chính quyền Bắc Kinh ra Toà Hình sự Quốc tế của cựu ngoại trưởng Philippines và cựu Chánh Thanh tra bất chấp xu hướng thân Trung Quốc của chính quyền hiện hành ở Manila.
Cho tới ngày 1/4/2019 đã có trên 33.000 người ký tên vào tuyên bố được lập ra trên trang Change.org mười ngày trước đó.
Những người chủ xướng tuyên bố viết : "Chúng tôi hoan nghênh hành động dũng cảm của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario và cựu nữ Chánh Thanh tra Conchita Carpio Morales kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra Toà Quốc tế (ICC) vì "những hành động tàn ác của quan chức Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa và trong lãnh thổ Philippines".
"Đã đến lúc những người Philippines quan tâm [tới vấn đề này] bày tỏ lập trường phản đối chính quyền Trung Quốc trước các hành động hung hăng của họ ở Biển Nam Trung Hoa bao gồm cả lãnh thổ thuộc về chính quyền Philippines.
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Ngoại trưởng del Rosario và Chánh Thanh tra Morales trong bất cứ bước đi cần thiết nào để thúc đẩy vụ này và kêu gọi mọi người dân Philippines, những người quan tâm tới việc mất quyền kiểm soát lãnh thổ thuộc chủ quyền của Philippines, tới nguồn sinh sống của hàng ngàn ngư dân, tới an ninh thực phẩm, sự tàn phá nghiêm trọng môi trường biển cũng như tới sự mất kiểm soát đối với giao thông đường thuỷ chiến lược, hãy đứng lên và bày tỏ thái độ trước khi quá muộn".
Ông del Rosario và bà Morales cùng các ngư dân Philippines đã kiện ông Tập Cận Bình và các quan chức Trung Quốc ra Toà Hình sự Quốc tế ICC hôm 15 tháng Ba, hai ngày trước khi Philippines chấm dứt là thành viên của toà trọng tài quốc tế này.
Chính quyền thân Bắc Kinh của Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố rút ra khỏi ICC hồi tháng Ba năm 2018 nhưng chỉ có thể chấm dứt tư cách thành viên sau 12 tháng kể từ ngày ra tuyên bố theo quy định của ICC.
Lý do chính ông Duterte muốn rút khỏi ICC là toà án này đã có điều tra ban đầu về các buộc ông Duterte và các quan chức Philippines khác phạm tội giết người hàng loạt và phạm tội ác chống lại nhân loại trong cuộc trấn áp ma tuý vốn đã khiến hàng ngàn người bị bắn chết mà không qua xét xử.
Mặc dù chính quyền của ông Duterte nói việc khởi kiện của hai cựu quan chức cao cấp sẽ "vô ích" vì cả Manila và Bắc Kinh đều không phải là thành viên ICC, hai người đứng đơn kiện cùng ngư dân Philippines nói Toà Hình sự Quốc tế có thẩm quyền xem xét "tội ác" của Trung Quốc với ngư dân Philippines trong giai đoạn 1/11/2011-17/03/2019 khi Manila vẫn là thành viên của ICC.
Đơn kiện của Ngoại trưởng del Rosario và Chánh Thanh tra Morales cũng nhắc tới các hành vi "tội phạm" của Trung Quốc với ngư dân các nước khác dù không nêu đích danh nước nào.
Thư gửi Trưởng Công tố của ICC cũng nhắc tới việc ngư dân Philippines bị"trấn áp và thương vong" bởi các hành động của quan chức Trung Quốc.
Bản sao thư được báo Inquirer của Philippines đưa lên Facebook đã được hơn 11.000 người thích, 4.500 người chia sẻ và hơn 700 bình luận.
Một trong những người bình luận, Peggy Ignacio, viết : "Hoan hô cựu [N]goại trưởng… [v]à cựu [C]hánh [T]hanh tra… Mong Đấng Tối cao bảo vệ chúng ta khỏi tổng thống ác quỷ".
Một người khác, Randy Torrecampo, viết : "Tôi thật mừng vì chúng ta vẫn có những đồng bào dũng cảm, những người tìm mọi cách để đấu tranh cho người dân Philippines".
Philippines từng kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế hồi năm 2013, khi ông del Rosario còn là ngoại trưởng, và tới tháng 7/2016, toà án này đã tuyên bố việc Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với phần lớn Biển Nam Trung Hoa là vô lý.
Việt Nam không tham gia kiện cùng Philippines nhưng cũng không phản đối hành động của Manila khi đó.
Nguyễn Hùng
*****************
Liên Hiệp Quốc : Bắc Kinh "đe dọa" tại Hội Đồng Nhân Quyền (RFI, 02/04/2019)
Giới ngoại giao và các nhà hoạt động nhân quyền tố cáo Trung Quốc gây sức ép, thậm chí đe dọa để ngăn chận những tiếng nói chỉ trích Bắc Kinh nhân khóa họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève.
Một khóa họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève. Reuters/Denis Balibouse - Ảnh minh họa
Theo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, phái bộ Trung Quốc tại Genève đã gửi một bức thư cho một số phái bộ quốc tế kêu gọi không tham dự một sự kiện do Hoa Kỳ tổ chức vào ngày 15/03 để tố giác Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo khác tại Tân Cương.
Bản tin của AFP chiều thứ Hai 01/04/2019 cho biết thêm, bức thư mang chữ ký của đại sứ Trung Quốc Du Kiến Hoa (Yu Jian Hua) yêu cầu các nước "không tham gia, không bảo trợ các sự kiện này để bảo vệ quyền lợi trong quan hệ song phương và đa phương với Trung Quốc".
Theo ông Jonh Fisher, giám đốc Human Rights Watch tại Genève, làn sóng quốc tế phản đối Trung Quốc đàn áp đạo Hồi khiến cho Bắc Kinh "hoảng loạn". Chính quyền Trung Quốc phải sử dụng đến biện pháp gây áp lực để ngăn chận mọi hành động phối hợp của quốc tế.
Phái bộ Trung Quốc tại Genève chưa trả lời các câu hỏi kiểm chứng của AFP nhưng thông tấn xã Pháp cho biết đã được nhiều nhà ngoại giao xác nhận là phái bộ của nước họ có nhận lá thư của Trung Quốc trước khi Hoa Kỳ tổ chức sự kiện Tân Cương. Hôm thứ Hai, nhiều nhà ngoại giao xác nhận tố cáo của HRW là đúng : Trung Quốc gây sức ép rất mạnh với các nước để họ bảo vệ lập trường của Bắc Kinh trong khóa họp kiểm điểm định kỳ về tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc.
Tú Anh
**********************
Trung Quốc bị lên án vì ‘đe dọa’ các đoàn tham dự phiên họp tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (VOA, 02/04/2019)
Các nhà ngoại giao và giới hoạt động hôm 2/4 tố cáo Trung Quốc vận động hành lang, gây áp lực và thậm chí, ‘đe dọa’ nhằm dập tắt chỉ trích đối với Bắc Kinh trong phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng trước, theo AFP.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc-ông Mã Triêu Húc.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tố cáo phái bộ Trung Quốc tại Geneva là đã gửi thư cho một số phái đoàn, kêu gọi họ đừng tới dự một sự kiện do Mỹ tổ chức vào ngày 13/3 với nội dung xoay quanh cách đối xử của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở tỉnh Tân Cương.
AFP đã được xem qua bức thư có chữ ký của Đại sứ Trung Quốc Mã Triêu Húc. Thư kêu gọi các nước "đừng đồng bảo trợ, tham gia hoặc có mặt tại sự kiện bên lề này... vì lợi ích của mối quan hệ song phương với Trung Quốc, và để tiếp tục những hợp tác đa phương".
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền mạnh mẽ chỉ trích những "lời đe dọa" này. Giám đốc HRW ở Geneva, John Fisher, nói rằng làn sóng phản đối của cộng đồng quốc tế về cách Trung Quốc đối xử với các nhóm thiểu số Hồi giáo đã "dồn Trung Quốc vào trạng thái hoảng loạn".
Trong một tuyên bố, ông Fisher nói rằng các quan chức Trung Quốc đang "gây áp lực công khai cũng như trong vòng riêng tư để ngăn chặn hành động có phối hợp của quốc tế".
Phái đoàn Trung Quốc chưa trả lời yêu cầu của AFP xin xác nhận thông tin, và bình luận.
Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao xác nhận với AFP rằng phái đoàn của họ đã nhận được bức thư trong những ngày dẫn tới sự kiện.
Sự kiện diễn ra bên lề phiên họp kéo dài ba tuần của Hội đồng Nhân quyền, với nội dung tập trung vào những cáo buộc rằng có tới một triệu người Duy Ngô Nhĩ và thành viên của các nhóm thiểu số khác - đa số là người Hồi giáo Turk- đang bị cầm giữ tại những trại giam ở Tân Cương.
Trong khi đó, Trung Quốc một mực khẳng định rằng người Duy Ngô Nhĩ và những người thuộc các nhóm thiểu số khác chỉ được đưa vào các "trường đào tạo" huấn nghiệp mà thôi. Trung Quốc nói các trường này được lập ra như một biện pháp để chống lại phong trào cực đoan hóa.