Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

03/04/2019

Malaysia truy tố cựu Thủ tướng, Brunei ban hành luật Hồi giáo

Tổng hợp

Malaysia : Cựu thủ tướng Najib Razak ra tòa về tội tham nhũng (RFI, 03/04/2019)

Phiên tòa xét xử cựu thủ tướng Najib Razak, vướng vào vụ tai tiếng Quỹ đầu tư 1MDB, đã mở ra hôm 03/04/2019, tại Kuala Lumpur. Ngay khi đến tòa án, ông Razak đã phủ nhận tất cả các tội danh quy cho ông.

malay1

Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak rời Tòa Án Tối Cao ở Kuala Lumpur, ngày 03/04/2019. Reuters/Lai Seng Sin

Quỹ 1MDB được thành lập khi ông Najib Razak nắm quyền vào năm 2009, và có mục tiêu hiện đại hóa Malaysia. Nhưng dần dà tiền quỹ này đã bị biển thủ, với hàng tỷ đô la lọt vào túi của giới thân cận của thủ tướng, thậm chí vào túi riêng của chính thủ tướng.

Theo giới điều tra, từ 750 triệu đến 1 tỷ đô la đã vào tài khoản của ông Razak. Những khoản tiền này được chi tiêu vào việc mua sắm tác phẩm nghệ thuật, du thuyền, nhà cửa ở nước ngoài. Hiện nay có sáu quốc gia đang điều tra về vụ 1MDB, trong đó có Hoa Kỳ, Thụy Sĩ…

Sau thất bại bất ngờ trong cuộc bầu cử năm 2018, ông Najib Razak đã bị câu lưu, thẩm vấn nhiều lần, bị quy vào 47 tội danh : từ rửa tiền, lạm quyền, cho đến lạm dụng lòng tin...

Trong phiên xét xử hôm 03/04, ông phải trả lời 7 tội danh, chủ yếu là tham nhũng, rửa tiền, liên quan đến khoản tiền 10 triệu đô la. Ngay khi đến tòa ông Razak đã phủ nhận tất cả các cáo buộc.

Theo giới quan sát, phiên tòa ngày 03/04 rất quan trọng đối với chính quyền Mahathir bị chỉ trích là cải tổ quá chậm và không dứt khoát đưa thủ tướng tiền nhiệm ra xét xử.

Về phần mình, ông Najib Razak luôn khẳng định không hề biết về vụ biển thủ tiền quỹ 1MDB. Vào tháng 01/2019, ông đã ra bài hát kèm theo clip video trong đó ông kêu lên là mình vô tội.

Buổi sáng diễn ra phiên tòa, một đám đông ủng hộ ông Razak đã chờ ông trước tòa án. Ông đã đứng lại cùng cầu nguyện với họ vài phút, trước khi vào tòa trong tiếng hoan hô.

********************

Bê bối 1MDB : Cựu Thủ tướng Malaysia Najib ra tòa (BBC, 03/04/2019)

Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak ra hầu tòa liên quan tới vai trò của ông trong vụ bê bối tài chính lớn, vốn gây chấn động thế giới.

malay2

Ông Najib bị cáo buộc bỏ túi 681 triệu đô la từ quỹ 1MDB nhưng phủ nhận mọi hành vi sai trái

Ông đối diện bảy cáo buộc trong vụ đầu tiên của một số vụ án hình sự, trong đó ông bị cáo buộc đã bỏ túi 681 triệu đô la từ quỹ đầu tư quốc gia 1MDB.

Ông Najib bác bỏ tất cả các cáo buộc trong phiên xử hôm thứ Tư.

Quỹ 1MDB được thành lập với mục tiêu nhằm thúc đẩy kinh tế Malaysia thông qua các hoạt động đầu tư chiến lược.

Nhưng thay vào đó, quỹ này bị cáo buộc là đã được dùng để trang trải cho kiểu sống xa hoa, để đầu tư vào một bộ phim điện ảnh Hollywood, và một siêu du thuyền.

malay3

Ông Najib Razak được người ủng hộ chào đón khi ông tới tòa tại Kuala Lumpur

Nhóm những người ủng hộ đã gặp ông Najib khi ông tới tòa tại Kuala Lumpur. Họ đứng cầu nguyện cùng ông trước khi ông bước vào bên trong tòa nhà, và hô to "Najib muôn năm".

Các luật sư của ông Najib đã có nỗ lực phút chót nhằm trì hoãn trình tự tố tụng, nhưng bị thẩm phán bác bỏ.

Trong phần mở đầu cáo trạng, Trưởng Công tố Malaysia Tommy Thomas nói ông Najib "quyền lực gần như tuyệt đối" đã sử dụng quyền lực đi kèm với "trách nhiệm to lớn".

"Bị cáo không thể đứng trên pháp luật", ông nói thêm.

Phiên tòa hôm thứ Tư là phiên xử quan trọng đầu tiên liên quan tới vụ bê bối MDB.

Ngày xử lẽ ra là ngày 12/2, nhưng được hoãn lại để cơ quan công tố có thời gian lắng nghe các kháng cáo liên quan.

Chính phủ Malaysia cũng ra các cáo buộc hình sự đối với hãng Goldman Sachs của Mỹ, theo đó nói ngân hàng đầu tư này lừa dối các nhà đầu tư với việc gây quỹ cho 1MDB.

Goldman Sachs bác bỏ và nói "mạnh mẽ phản đối các cáo buộc".

Chi tiết về phiên tòa

Ông Najib đang phải đối mặt với tổng cộng 42 cáo buộc, chủ yếu liên quan đến 1MDB.

Phiên tòa đầu tiên bắt đầu vào hôm 3/4, tập trung vào các cáo buộc rằng 10,3 triệu đô la đã được chuyển từ SRC International, công ty con của 1MDB, vào tài khoản cá nhân của ông Najib.

Vụ án liên quan đến ba tội danh "rửa tiền", ba tội danh "thiếu trách nhiệm" và một tội danh "lạm quyền". Ông Najib không nhận tội đối với tất cả các cáo buộc.

Số tiền liên quan đến phiên tòa đặc biệt này được cho là chưa kể khoản 681 triệu đô la được cho là chuyển vào tài khoản cá nhân của ông.

malay4

Các cáo buộc tham nhũng được cho là khiến ông Najib thất bại trong cuộc bầu cử năm 2018

Bối cảnh

Quỹ 1MDB được ông Najib, khi đang là Thủ tướng, thành lập vào 2009, nhằm thúc đẩy nền kinh tế Malaysia phát triển.

Nhưng quỹ bắt đầu thu hút sự chú ý từ đầu 2015, do không trả đúng hạn một số các khoản trong tổng số 11 tỷ đôla nợ ngân hàng và các chủ nợ.

Sau đó quỹ này bị điều tra ở ít nhất là sáu quốc gia liên quan tới các cáo buộc rửa tiền và tham nhũng.

Tạp chí Wall Street Journal tường thuật rằng họ đã nhìn thấy tài liệu được cho là lần ra dấu vết cho thấy khoản 700 triệu đôla từ quỹ được chuyển sang các tài khoản cá nhân của ông Najib.

Ông Najib liên tục bác bỏ việc lấy tiền từ 1MDB hoặc từ bất kỳ quỹ công nào.

Những ai liên quan vụ này ?

Một mục tiêu khác của cuộc điều tra là doanh nhân Malaysia Low Taek Jho, người đóng vai trò chính trong các giao dịch của 1MDB.

Ông bị cáo buộc chuyển tiền cho bản thân và các cộng sự, nhưng cũng liên tục phủ nhận mọi hành vi sai trái. Hiện chưa rõ ông ta đang ở đâu.

Ít nhất sáu quốc gia gồm Singapore và Hoa Kỳ tiến hành các cuộc điều tra về rửa tiền và tham nhũng nhắm vào 1MDB.

Ngân hàng Goldman Sachs là một trong những thương hiệu lớn nhất bị dính vào vụ bê bối.

Chính phủ Malaysia đã đệ trình cáo buộc hình sự đối với ngân hàng này, cáo buộc họ đã tiếp tay lấy tiền biển thủ từ quỹ.

Tim Leissner, người từng là chủ tịch Đông Nam Á của Goldman Sachs, đã nhận tội tham gia âm mưu hối lộ và rửa tiền.

*********************

Brunei sẽ 'ném đá đến chết' người quan hệ đồng tính (BBC, 03/04/2019)

Luật mới bắt đầu có hiệu lực hôm thứ Tư 3/4, cũng áp dụng cho một loạt các tội phạm khác, bao gồm cắt cụt chi cho hành vi trộm cắp.

malay5

Brunei sẽ 'ném đá đến chết' người quan hệ đồng tính (Ảnh minh họa)

Quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé Brunei đang đưa ra các luật Hồi giáo hà khắc mới trong đó tình dục đồng tính trở thành một hành vi phạm tội bị trừng phạt bằng cách ném đá đến chết.

Động thái này lập tức bị cộng đồng quốc tế lên án.

Cộng đồng đồng tính Brunei 'sốc' và sợ hãi trước "những hình phạt thời trung cổ" này.

"Bạn thức dậy và nhận ra rằng hàng xóm, gia đình bạn, hoặc thậm chí bà già tốt bụng bán tôm rán bên đường cũng không nghĩ bạn là con người, hoặc rằng việc ném đá là ok", một người Brunei đồng tính muốn ẩn danh, nói với BBC.

Theo luật mới, các cá nhân sẽ chỉ bị kết án tình dục đồng giới nếu họ thú nhận hoặc bị bốn nhân chứng nhìn thấy thực hiện hành vi này.

Đồng tính luyến ái bị coi là bất hợp pháp ở Brunei và bị phạt tới 10 năm tù.

Brunei, nằm trên đảo Borneo, do Quốc vương Hassanal Bolkiah trị vì, trở nên giàu có nhờ xuất khẩu dầu khí.

Quốc vương 72 tuổi là người đứng đầu Cơ quan đầu tư Brunei, nơi đã đầu tư vào một số khách sạn hàng đầu thế giới bao gồm Dorchester ở London và khách sạn Beverly Hills ở Los Angeles.

Tuần này, nam diễn viên Hollywood, George Clooney, và một số nhân vật nổi tiếng khác kêu gọi tẩy chay các khách sạn hạng sang của Brunei.

Các hoàng gia cầm quyền của Brunei có một khối tài sản tư nhân khổng lồ và dân Brunei, chủ yếu là người dân tộc Malay, tận hưởng các dịch vụ hào phóng của nhà nước và không phải trả thuế.

Người Hồi giáo chiếm khoảng hai phần ba dân số, khoảng 420.000 người ở Brunei.

Brunei vẫn giữ án tử hình nhưng chưa thực hiện một vụ hành quyết nào kể từ năm 1957.

Luật Hồi giáo ở Brunei

Brunei lần đầu tiên đưa ra luật Sharia vào năm 2014 mặc dù bị lên án rộng rãi, tạo cho nước này một hệ thống pháp luật kép gồm cả luật Sharia và Luật chung. Sau đó, quốc vương cho hay bộ luật hình sự mới sẽ có hiệu lực trong vài năm.

Giai đoạn đầu tiên, bao gồm các tội phạm bị trừng phạt bằng án tù và phạt tiền, được thực hiện năm 2014. Brunei sau đó trì hoãn việc thực thi luật trong hai giai đoạn cuối, bao gồm các tội phạm bị trừng phạt bằng cách cắt cụt chi và ném đá.

Nhưng vào thứ Bảy, chính phủ đã đưa ra một tuyên bố trên trang web nói rằng bộ luật hình sự Sharia sẽ được thực thi đầy đủ vào thứ Tư 3/4.

Trong những ngày sau đó, cộng đồng quốc tế bày tỏ sự phẫn nộ và kêu gọi Brunei đảo ngược tiến trình.

Rachel Chhoa-Howard, một nhà nghiên cứu Brunei tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết : "Những điều luật này đã bị lên án rộng rãi khi các kế hoạch được thảo luận lần đầu tiên cách đây 5 năm".

"Bộ luật hình sự của Brunei chứa một loạt các điều khoản vi phạm nhân quyền".

Liên Hợp Quốc lặp lại tuyên bố này, gọi bộ luật của Brunei là "tàn nhẫn, vô nhân đạo", và rằng nó đánh dấu một "thất bại nghiêm trọng" trong việc bảo vệ nhân quyền.

Luật Hình sự mới có những thay đổi gì ?

Hình phạt tử hình sẽ được áp dụng đối với các hành vi phạm tội như hãm hiếp, ngoại tình, kê gian, trộm cướp, tình dục đồng giới, lăng mạ hoặc phỉ báng nhà tiên tri Muhammad.

Đánh roi được áp dụng với tội phá thai và cắt cụt chi đối với người có hành vi trộm cắp.

Những thay đổi khác bao gồm biến việc "thuyết phục, nói hoặc khuyến khích" trẻ em Hồi giáo dưới 18 tuổi "chấp nhận lời dạy của các tôn giáo khác ngoài Hồi giáo" thành một tội hình sự.

Luật chủ yếu áp dụng cho người Hồi giáo, mặc dù một số điều sẽ áp dụng cho người không theo Hồi giáo.

Quay lại trang chủ
Read 570 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)