Nghị sĩ Mỹ tôn vinh quan hệ Mỹ-Đài Loan (VOA, 10/05/2019)
Các nghị sĩ Mỹ hôm 9/5 tổ chức một sự kiện ở Điện Capitol ca ngợi Đài Loan là đồng minh của Mỹ và là một lựa chọn lành mạnh hơn để thay cho Trung Quốc.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại sự kiện kỷ niệm quan hệ Mỹ-Đài Loan
Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng vì tranh chấp thương mại ngày càng leo thang giữa hai nước, thái độ của Trung Quốc không sẵn lòng dân chủ hóa, và mối đe dọa từ việc bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh khi họ vươn tới thêm nhiều khu vực của thế giới.
Sự kiện ở Quốc hội Mỹ hôm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm thực thi Đạo luật Quan hệ với Đài Loan vốn đem lại một nền tảng để tiếp tục mối quan hệ song phương sau khi Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào năm 1979.
Ca ngợi Đài Loan
Một số nghị sĩ đã nhân dịp này ca ngợi mối quan hệ giữa Washington và Đài Bắc.
"Chúng ta nên gắn bó với những ai giống chúng ta nhất và chúng ta giống họ nhất, mọi thứ phải như thế, và chúng ta không nên ngại nói ra điều đó", Dân biểu Cộng hòa Scott Perry của tiểu bang Pennsylvania nói.
"Nếu chúng ta muốn làm lãnh đạo thế giới và chúng ta đã lãnh đạo thế giới, chúng ta cần phải gắn bó rất chặt chẽ với bạn bè và đồng minh của chúng ta và cho thế giới thấy ai là người chúng ta tin tưởng và sự trung thành của chúng ta đặt ở đâu", ông Perry nói. "Chúng ta vẫn muốn giao thương với Trung Quốc và chúng ta vẫn muốn là đối tác tốt của nhau, tuy nhiên, chúng ta có một đối tác tốt hơn".
Ông Perry nói với VOA rằng Đài Loan là một đối tác và đồng minh tự nhiên ‘nhất là so với chính quyền Trung Quốc’. Ông nhanh chóng nói thêm rằng điều quan trọng là phải làm rõ rằng có sự khác biệt giữa chính phủ Trung Quốc và người dân Trung Quốc ‘bởi vì có nhiều người Trung Quốc cũng đồng ý với các giá trị của chúng tôi’.
Sự kiện lưỡng đảng, lưỡng viện
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng có mặt tại sự kiện mà bà mô tả là ‘tôn vinh mối quan hệ’ giữa Mỹ và Đài Loan.
Bà Pelosi nói các thành viên Quốc hội có mặt tại sự kiện là bằng chứng cho thấy ‘cả lưỡng đảng và lưỡng viện thể hiện và bày tỏ lòng ủng hộ và công nhận tầm quan trọng của Đạo luật Quan hệ với Đài Loan’ mà bà mô tả là đã nuôi dưỡng ‘mối liên hệ không thể lay chuyển giữa Mỹ và Đài Loan’.
Bà cho biết cảm thấy rất ấn tượng với ‘sức sống của Đài Loan’ trong chuyến thăm của bà đến hòn đảo này. Bà nói : "Tôi nóng lòng chờ đợi được trở lại một lần nữa… theo những gì tôi biết thì đồ ăn Trung Quốc ngon nhất thế giới là ở Đài Loan".
Sự kiện này, đồng chủ trì bởi nhóm nghị sĩ thân hữu với Đài Loan ở cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ, đã thu hút hàng chục thượng nghị sĩ và dân biểu.
‘Vinh dự’ vì sự ủng hộ của Mỹ
Khi sự kiện kết thúc, ông Stanley Kao, đại diện của Đài Loan ở Mỹ, nói với VOA rằng ông cảm thấy mình thật vinh hạnh trước sự thể hiện rộng rãi tình cảm ủng hộ Đài Loan trong các nghị sĩ Mỹ.
Ông Kao nói rằng Đài Loan sẽ vẫn giương cao những giá trị vốn gắn bó họ với Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác trên thế giới.
"Chúng tôi phải thể hiện chính khí", ông nói và nhắc nhớ khái niệm truyền thống Trung Hoa có nghĩa là ‘đấu tranh để xứng đáng với hơi thở của chính mình’.
************************
Đài Loan khởi công nhà máy đóng tàu ngầm để đối phó Trung Quốc 'RFI, 09/05/2019)
Hôm 09/05/2019 Đài Loan làm lễ khởi công xây dựng một cơ sở đóng tàu ngầm để đối phó với mối đe dọa quân sự ngày càng tăng lên từ phía Trung Quốc.
Ảnh minh họa : Tuần duyên Đài Loan tập chống đổ bộ đánh chiếm đảo và tấn công khủng bố. Anh ngày 04/05/2019. Reuters/Tyrone Siu
Tổng thống Thái Anh Văn chủ trì buổi lễ khởi công tại thành phố cảng Cao Hùng, nhấn mạnh rằng tàu ngầm là phương tiện hiệu quả để răn đe kẻ thù muốn đổ bộ từ phía biển để xâm lược Đài Loan. Bà cho là trong một cuộc chiến không cân sức, cần sử dụng những chiến lược và chiến thuật đặc thù, để chống lại địch thủ hùng mạnh hơn.
Trung Quốc không loại trừ việc dùng vũ lực đánh chiếm Đài Loan, hiện có đội ngũ hùng hậu khoảng 75 tàu ngầm, gồm cả những chiếc thuộc thế hệ mới. Còn Đài Loan chỉ có 4 tàu ngầm cũ kỹ, và không thể mua thêm từ nước ngoài do Bắc Kinh gây áp lực.
Cách đây 30 năm, Hà Lan quyết định bán cho Đài Bắc hai chiếc tàu ngầm lớp Zwaardvis. Quan hệ ngoại giao giữa Hà Lan với Trung Quốc bị rạn nứt nặng nề vì việc này, rốt cuộc thương vụ đã bị hủy bỏ. Thế nên theo bà Thái Anh Văn, cách duy nhất là phải tự sản xuất.
Đài Bắc dự định đóng 8 tàu ngầm chạy diesel, chiếc đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào năm 2025. Đài Loan lệ thuộc chủ yếu vào Hoa Kỳ về vũ khí, nhưng hiện nay Mỹ chỉ sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử.
Mặc cho sức ép từ Trung Quốc, khoảng 12 công ty cho biết rất quan tâm đến việc tham gia dự án của Taiwan Shipbuilding Corporation (CSBC).
Từ khi bà Thái Anh Văn được bầu làm tổng thống, Bắc Kinh tăng cường áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế để buộc Đài Bắc phải quy phục, kể cả việc điều chiến hạm, chiến đấu cơ đến eo biển Đài Loan để dọa nạt.
Thụy My
********************
Hạ Viện Mỹ thông qua luật bảo vệ Đài Loan, Bắc Kinh tức tối (RFI, 08/05/2019)
Hạ Viện Mỹ hôm 07/05/2019 đã nhất trí thông qua dự luật ủng hộ Đài Loan, vốn đang phải đối phó với áp lực quân sự và ngoại giao của Trung Quốc. Động thái này diễn ra vào lúc quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang căng thẳng, và Bắc Kinh giận dữ tuyên bố cần phải ngăn chận đạo luật.
Chiến hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS William Lawrence (DDG 110) trong một cuộc diễn tập trên Biển Đông. Reuters
Với 414 phiếu thuận và 0 phiếu chống, Hạ Viện đã đồng lòng tái khẳng định các cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, với một nghị quyết không mang tính ràng buộc.
Tất cả các dân biểu Mỹ cũng thông qua "Taiwan Assurance Act of 2019", nhằm hỗ trợ Đài Loan và cổ vũ Đài Bắc gia tăng chi tiêu quốc phòng. Đạo luật lưu ý rằng Washington cần phải "thường xuyên bán vũ khí" cho Đài Loan, và ủng hộ sự tham gia của đảo quốc vào các tổ chức quốc tế. Dự luật này còn phải được trình lên Thượng Viện, nhưng thời điểm hiện chưa rõ.
Bộ ngoại giao Đài Loan hoan nghênh động thái "tích cực" trên đây, đồng thời bày tỏ lòng cảm kích. Thông cáo cho biết "Đài Loan sẽ tiếp tục sát cánh với chính quyền Hoa Kỳ để siết chặt thêm mối quan hệ đối tác giữa đôi bên".
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng dự luật là một sự can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc, và Bắc Kinh đã "nghiêm khắc cảnh báo" Washington về việc này. Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ ngăn chận tiến trình của dự luật, "xử lý đúng đắn các vấn đề liên quan đến Đài Loan, để không gây phương hại nặng nề cho sự hợp tác Mỹ-Trung trên các lãnh vực quan trọng, cho hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan".
Thụy My
***************
Trump chỉ trích Hàn Quốc không trả đủ tiền nuôi lính Mỹ đồn trú (VOA, 10/05/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/5 đưa ra phát biểu đầy ngụ ý ám chỉ Hàn Quốc khi khơi dậy tranh cãi về chuyện chia sẻ gánh nặng kinh phí với Mỹ để duy trì sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại "một nước giàu nứt đố đổ vách và có lẽ không thích chúng ta cho lắm".
Tổng thống Mỹ tiếp người đồng nhiệm Hàn Quốc hồi tháng Tư
Ông Trump không nêu đích danh Hàn Quốc trong lời bình luận tại một cuộc tập hợp ủng hộ ở Florida. Nhưng các con số mà ông đưa ra phù hợp với những lời than phiền trước đây của ông về Seoul và các nhà phân tích nói rằng gần như chắc chắn ông Trump muốn nói đến ai.
"Tôi không nêu tên quốc gia đó, nhưng có một quốc gia mà chúng ta phải tiêu tốn rất nhiều tiền để bảo vệ - ở một nơi rất nguy hiểm – chúng ta mất đến 5 tỷ đô la", ông Trump nói.
Sau khi than phiền rằng quốc gia mà ông muốn nói đến chỉ đóng góp khoảng 500 triệu đô la trong số tiền đó, ông Trump nói : "Chúng ta mất 4,5 tỷ đô la để bảo vệ một quốc gia giàu nứt đố đổ vách và có lẽ không thích chúng ta cho lắm".
Đã từ lâu ông Trump đã lên án các đồng minh của Mỹ, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước NATO, là không trang trải đầy đủ chi phí duy trì quân đội Mỹ trên lãnh thổ của họ.
Tuy nhiên lời phát biểu mới đây của ông Trump nhắm thẳng vào Hàn Quốc, ông David Maxwell, một đại tá về hưu của Lực lượng Đặc biệt Quân đội Hoa Kỳ và hiện đang làm cho Sáng hội Bảo vệ các nền Dân chủ, nói.
"Có một chỉ dấu hy vọng là ông ấy không nêu đích danh Hàn Quốc và chỉ nói như một thông điệp vận động tranh cử", Maxwell nói.
Tranh cãi về san sẻ chi phí
Phát ngôn của ông Trump có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí khó khăn giữa Washington và Seoul vốn chỉ được tạm thời giải quyết hồi tháng 2 với thỏa thuận kéo dài một năm để thay cho thỏa thuận 5 năm trước đây.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA. Trước đây, các quan chức Hàn Quốc đã bày tỏ sự bối rối trước những phát ngôn không chính xác của ông Trump về tranh cãi chia sẻ chi phí.
Hồi tháng Hai, Hàn Quốc đồng ý trả 925 triệu đô la để hỗ trợ cho sự hiện diện quân sự Mỹ vào năm tới. Điều đó tương ứng với 8% tăng thêm so với năm trước đó – ít hơn nhiều so với đòi hỏi của ông Trump là phải tăng 50%. Nhưng vài ngày sau, ông Trump tuyên bố rằng ông đã thuyết phục được Seoul tăng lên gấp đôi khoản đóng góp của họ.
Ông Trump nói rằng số tiền 5 tỷ đô la là cần thiết mỗi năm để trang trải cho binh sĩ và căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc trong khi tất cả các đánh giá đều đặt con số này vào khoảng 2 tỷ đô la.
Hồi tháng 2, ông Trump đã nói sai rằng 40.000 lính Mỹ đang đóng ở Hàn Quốc. Lầu Năm Góc cho biết chỉ gần 28.000 lính Mỹ có mặt ở Hàn Quốc để giúp làm chùn bước nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Về các quan hệ đồng minh
Theo một cuộc thăm dò dư luận của Viện Gallup hồi năm 2018, 80% người dân Hàn Quốc có quan điểm tích cực đối với Mỹ. Ngược lại, chỉ có 44% người dân nước này tin tưởng Trump.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm 2016, ông Trump liên tục chất vấn giá trị các mối quan hệ đồng minh của Mỹ với các nước trong đó có Hàn Quốc và nói rằng những nước này nên ‘trang trải phần xứng đáng’ trong chi phí duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ.
Seoul đã bác bỏ quan niệm của ông Trump rằng nước họ không đóng góp đủ vào chi phí duy trì lính Mỹ. Họ nhấn mạnh rằng họ trang trải gần phân nửa trong tổng chi phí 2 tỷ đô la. Chi phí đó không bao gồm tiền thuê đất cho các căn cứ Mỹ mà hiện nay Mỹ đang sử dụng miễn phí, Seoul nói.
Hồi năm 2017, Hàn Quốc bỏ ra 2,6% trong GDP để chi tiêu cho quốc phòng, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Tỷ lệ này lớn hơn bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào trừ Mỹ.
Hàn Quốc cũng thanh toán trên 90% chi phí xây dựng Doanh trại Humphreys, căn cứ quân sự hải ngoại lớn nhất của Mỹ vốn nằm cách Seoul chỉ 65 km về phía nam, theo các quan chức Mỹ.