Hải quân Mỹ, Ấn, Nhật và Philippines thao dượt chung ở Biển Đông (RFI, 09/05/2019)
Theo thông báo của hải quân Philippines hôm nay, 09/05/2019, được báo chí nước này trích dẫn, lần đầu tiên hải quân của bốn nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines đã cùng đi vào khu vực Biển Đông trong khuôn khổ các cuộc thao dượt chung trên biển.
Chiến hạm Mỹ USS Blue Ridge (LCC 19) tại căn cứ Hải quân Changi, Singapore, ngày 09/05/2019. Reuters/Edgar Su
Sáu chiến hạm của 4 quốc gia nói trên đã băng qua vùng biển quốc tế và hôm qua đã đến Changi, Singapore, kết thúc cuộc thao dượt mang tên ASEAN-Plus Defense Ministers’ Meeting Maritime Security Field Training Exercis (ADMM-Plus MARSEC FTX) 2019 . Cuộc thao dượt kéo dài một tuần, khởi đầu tại Busan, Hàn Quốc, nhằm củng cố quan hệ đối tác và nâng cao sự thông hiểu nhau giữa hải quân các nước tham gia.
Trưởng phái đoàn hải quân Philippines, hạm trưởng Roy Vicent Trinidad, cho biết cuộc thao dượt chung này là dịp để hải quân Philippines tăng cường quan hệ với các đồng minh và các đối tác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Thông cáo của Hạm đội Bẩy Mỹ cho rằng những sự kiện như vậy là "cơ hội để các lực lượng hải quân có cùng quan điểm ( like-minded navies ) tập huấn với nhau và tăng cường hợp tác hàng hải trong một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở".
Cuộc thao dượt quy tụ hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines diễn ra sau khi Washginton vào tháng 12 năm ngoái kêu gọi các nước đồng minh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ xây dựng.
Thanh Phương
**********************
Mỹ, Nhật, Ấn, Phi tập trận tại Biển Đông thách thức Trung Quốc (RFA, 09/05/2019)
Hải quân Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng 5 cho biết khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence của Mỹ vừa tham gia đợt diễn tập chung tại Biển Đông với một hàng không mẫu hạm Nhật, hai chiến hạm Ấn Độ và một tàu tuần duyên của Philippines.
Khu trục hạm USS William P. Lawrence của Mỹ. AFP
Reuters cho biết Nhật cử một trong hai hàng không mẫu hạm của nước này là chiếc Izumo tham gia ; còn phía Ấn Độ cử khu trục hạm INS Kolkata và tàu dầu INS Shakti tham dự.
Cuộc diễn tập kéo dài 1 tuần và kết thúc vào ngày 8 tháng 5 vừa qua. Theo Reuters, đợt diễn tập chung bốn nước như vừa nêu cho thấy thách thức mới đối với Trung Quốc vào khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dọa sẽ tăng thuế đối với lượng hàng hóa Trung Quốc tương đương 200 tỷ đô la.
Trung tá Andrew J. Klug, hạm trưởng khu trục hạm USS William P. Lawrence, ra thông cáo nêu rõ giao lưu chuyên môn với các đồng minh, đối tác và thân hữu trong khu vực là cơ hội để tăng cường các mối quan hệ chặt chẽ hiện có.
Tại Biển Đông, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền qua đường đứt khúc 9 đoạn mà họ tự vạch ra. Tuy nhiên đường này bị Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế- PCA ở La Haye vào ngày 12 tháng 7 năm 2016 tuyên là không có giá trị cả về lịch sử lẫn pháp lý ; tuy nhiên Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của PCA.
Tại khu vực Biển Đông, ngoài Trung Quốc và Đài Loan còn Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam có tuyên bố chủ quyền ở đó.
********************
Tàu chiến Mỹ áp sát Trường Sa khiến Trung Quốc tức giận, Việt Nam lên tiếng (VOA, 09/05/2019)
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 9/5 lên tiếng ủng hộ "quyền tự do hàng hải" ở Biển Đông, ít ngày sau khi hai tàu chiến Mỹ áp sát khu vực thuộc kiểm soát của Trung Quốc ở Trường Sa, vốn khiến Bắc Kinh giận dữ phản đối.
"Là một quốc gia ven Biển Đông và là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982", bà Lê Thị Thu Hằng nói tại cuộc họp báo thường kỳ.
Tháng trước, người đứng đầu hải quân Trung Quốc nói rằng tự do hàng hải "không nên được sử dụng để xâm phạm quyền lợi của các nước khác", theo Reuters.
Hai tàu khu trục có tên lửa dẫn đường của Hoa Kỳ, có tên là Preble và Chung Hoon, đã tuần tra trong khu vực 12 hải lý gần đá Ga Ven (Gaven) và đá Gạc Ma (Johnson) hiện thuộc kiểm soát của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa.
Mỹ tiến hành bước đi này trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng các tàu của Hoa Kỳ đã tiến vào vùng biển gần các đảo nhỏ mà không có sự cho phép của Bắc Kinh, và hải quân Trung Quốc đã ra cảnh báo buộc các tàu này phải rời đi.
"Một số động thái có liên quan của các tàu Hoa Kỳ đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, và phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự của các vùng biển liên quan. Trung Quốc không hài lòng và mạnh mẽ phản đối điều này", ông Sảng nói tại một cuộc họp báo hôm 6/5.
Trong phần tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 9/5, bà Hằng một lần nữa khẳng định rằng "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế".
"Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương", nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
********************
Việt Nam lên tiếng về hai chiến hạm của Hoa Kỳ ở Biển Đông (RFA, 09/05/2019)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vào chiều ngày 9 tháng 5 trả lời báo giới về việc hai chiến hạm Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 5 đi vào vùng 12 hải lý của hai đảo đá Gaven và Gạc Ma tại Trường Sa hiện do Trung Quốc chiếm đóng.
Bà Lê Thị Thu Hằng - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao -Courtesy of infonet
Phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bỉnh, ổn định của khu vực. Bà này cũng kêu gọi các nước tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, luật pháp quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Vào ngày thứ hai 6 tháng 5, hai chiến hạm của Hải quân Mỹ là USS Preble và USS Chung Hoon áp sát hai đảo đá Gaven và Gạc Ma ở Trường Sa.
Theo phát ngôn nhân Clay Doss của Hạm Đội Bảy thuộc Hải Quân Hoa Kỳ thì hoạt động ‘đi qua vô hại’ của hai chiến hạm Mỹ nhằm mục đích thách thức đòi hỏi chủ quyền quá đáng và duy trì quyền tiếp cận các vùng biển thuộc phạm vi luật quốc tế.
Trước hoạt động mới của phía Hoa Kỳ như vừa nêu, phát ngôn nhân Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng từ Bắc Kinh rằng việc Hoa Kỳ cho chiến hạm đi vào vùng biển áp sát hai đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lắp nên như thế mà không có phép của Bắc Kinh là vi phạm chủ quyền của Hoa Lục.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà họ tự vạch ra ở khu vực biển có tuyến đường hàng hải quan trọng này.
Phía Hoa Kỳ cho thực hiện chiến dịch mang tên ‘tự do hàng hải’, FONOPS, nhằm thách thức tuyên bố bị cho là quá mức đó của Trung Quốc.
Chuyến FONOP mới nhất diễn ra vào khi cuộc thương chiến giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục căng thẳng. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa lên tiếng sẽ cho tăng thuế suất đối với 200 tỉ đô la hàng hóa của Trung Quốc vì đàm phán về vấn đề này diễn tiến quá chậm chạp.