Miến Điện : Ủy ban Annan khuyến cáo cho người tị nạn Rohingya hồi hương (RFI, 17/03/2017)
Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan (G), lãnh đạo một ủy ban về vấn đề người Rohingya, tại Răngun, ngày 06/12/2016. Romeo GACAD / AFP
Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan lãnh đạo một ủy ban về vấn đề người Rohingya, hôm qua 16/03/2017 đã đưa ra bản báo cáo với các đề nghị táo bạo : đóng cửa tất cả các trại tị nạn.
Từ tháng 10/2016, miền tây Miến Điện là nơi diễn ra những vụ bạo động dữ dội. Trên 70.000 người Rohingya theo đạo Hồi phải chạy trốn sang nước láng giềng Bangladesh và quân đội Miến Điện đang bị cáo buộc phạm tội ác chống nhân loại.
Từ Răngun, thông tín viên RFI Rémy Favre tường trình :
"Ở miền tây Miến Điện, trên 100.000 người Rohingya sống từ 5 năm qua trong các trại tị nạn mà không có quyền ra khỏi những nơi này. Ủy ban Kofi Annan đề nghị cho những tị nạn người đạo Hồi và đạo Phật được tự do di chuyển, qua việc tổ chức hồi hương.
Ủy ban còn khuyến cáo tạo điều kiện cho các nhân viên hoạt động nhân đạo và các nhà báo đến vùng này. Từ tháng 10/2016, miền tây Miến Điện đã cấm cửa báo chí, và các tổ chức phi chính phủ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân phối thực phẩm tại chỗ.
Cuối cùng, ủy ban dự kiến đào tạo lực lượng an ninh để họ biết tôn trọng nhân quyền. Lính Miến Điện bị tố cáo nhiều tội ác trong khu vực : hãm hiếp tập thể, cưỡng bức dân cư di dời, bắn giết bừa bãi…
Đó là các đề nghị đầy tham vọng, dù vẫn không nêu ra vấn đề chính yếu liên quan đến người Rohingya : sắc tộc này là những người vô tổ quốc. Đạo luật về quốc tịch năm 1982 ngăn trở họ được cấp giấy tờ Miến Điện, và ủy ban không nói gì về chủ đề này.
Chính phủ của cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi chối bỏ các tội ác của quân đội, nhưng cũng hứa hẹn sẽ nhanh chóng thực hiện đa số những khuyến cáo của ủy ban Kofi Annan".
Thụy My
********************
Nhân quyền Myanmar bị chú ý vì vấn đề người Rohingya (VOA, 17/03/2017)
Trẻ em Rohingya tại trại Dar Paing dành cho người tị nạn Hồi giáo, bang Rakhine, Myanmar.
Myanmar ngay lập tức nên cho phép người Hồi giáo Rohingya trở về nhà và chung cuộc nên đóng các trại lánh nạn cho người thất tán tại bang Rakhine, một ủy ban do cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan ngày 16/3 kêu gọi.
Hơn 120 ngàn người, chủ yếu là người Rohingya đang sinh sống trong những khu ở tạm cho người thất tán kể từ khi bạo động bùng phát ở bang Rakhine năm 2012.
Một số người bị kẹt trong các trại tạm cư này gần 5 năm nay sau khi bị buộc phải di tản.
Ủy ban nói hàng trăm người có thể trở về an toàn và khả dĩ nên được tạo điều kiện ngay lập tức như tín hiệu đầu tiên của sự thiện chí.
Chính phủ Myanmar đã nhận được khuyến nghị của ủy ban và sẽ công bố hồi đáp, một giới chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao cho biết.
Vài tháng sau khi lên nắm quyền hồi năm ngoái, bà Suu Kyi bổ nhiệm ông Annan làm lãnh đạo ủy ban cố vấn vừa kể.
Ủy ban 9 thành viên có nhiệm vụ đề nghị giải pháp cho các vấn đề ở Rakhine trong vòng 1 năm.
Trong khi đó ngày 16/3, Liên hiệp Châu Âu kêu gọi Liên hiệp quốc gửi một phái bộ điều tra quốc tế khẩn cấp tới Myanmar để điều tra các cáo giác rằng quân đội chính phủ tra tấn, hãm hiếp, và hành quyết cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Một phúc trình của Liên hiệp quốc tháng rồi dựa trên các cuộc phỏng vấn với các nhân chứng sống nói rằng quân đội và cảnh sát Myanmar giết người hàng loạt, cưỡng hiếp tập thể người Rohingya trong một chiến dịch có thể dẫn tới tội ác chống nhân loại và thanh trừng sắc tộc.
Dự thảo nghị quyết của EU hôm 16/3 đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhấn mạnh nhu cầu cần mở cuộc điều tra quốc tế về các cáo giác tội ác này.
Khoảng 75 ngàn người đã rời khỏi Rakhine sang Bangladesh kể từ khi quân đội Myanmar bắt đầu chiến dịch an ninh từ tháng 10 năm ngoái để trấn áp điều mà quân đội nói là cuộc tấn công bởi các phần tử nổi dậy Rohingya tại các đồn biên giới, nơi đã có 9 cảnh sát viên thiệt mạng.