Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

28/05/2019

Nhật giúp Mỹ ở Châu Á, Trung Quốc theo dõi tàu chiến Úc

Tổng hợp

Donald Trump nhấn mạnh vai trò quân đội Nhật đối với Mỹ tại Châu Á (RFI, 28/05/2019)

Hôm 28/05/2019, trước khi kết thúc chuyến thăm Nhật Bản 4 ngày, tổng thống Donald Trump tỏ hy vọng quân đội Nhật sẽ hỗ trợ Mỹ tại Châu Á cũng như ở những nơi khác. Trong khi đó, Tokyo đang cố gắng tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

nhat2

Tổng thống Mỹ (P) đi duyệt đội quân danh dự trên chiến hạm USS Wasp (LHD 1), Yokosuka, nam Tokyo, Nhật Bản, ngày 28/05/2019 Reuters/Jonathan Ernst

Ngày cuối cùng của chuyến công du Nhật Bản, tổng thống Donald Trump và thủ tướng Shinzo Abe cùng tới thăm chiến hạm Kaga, một động thái mang tính biểu tượng cao cho mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật.

Kaga là khu trục hạm lớn nhất của hải quân Nhật đang được hiện đại hóa, trang bị các vũ khí của Mỹ để dùng làm cơ sở tiếp viện cho các hoạt động của không quân Mỹ từ Nhật Bản. Năm ngoái, chiến hạm này đã tiến hành một hải trình dài qua các khu vực Trung Quốc tự nhận chủ quyền trên Biển Đông tới thăm Ấn Độ.

Trên tàu chiến Kaga, ông Donald Trump đã tuyên bố : " Với trang bị tuyệt vời như thế này, Kaga sẽ giúp hai nước chúng ta tự vệ trước hàng loạt mối đe dọa phức tạp trong vùng cũng như ở xa hơn".

Vào hôm qua, tổng thống Mỹ cũng bày tỏ sự hài lòng trước việc Tokyo mua một loạt trang thiết bị quân sự Mỹ, đặc biệt là đơn đặt mua 45 chiến đấu cơ F-35 của Mỹ với trị giá 4 tỷ đô la.

Sau khi thăm chiến hạm Kaga, tổng thống Mỹ tới căn cứ hải quân Mỹ Yokosuka. Tại đây cũng trên một chiến hạm Mỹ, USS Wasp, ông Trump đã có bài phát biểu trước hơn 800 lính Mỹ mà nội dung chủ yếu là tán dương sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ.

Ông Donald Trump khẳng định quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản là "những chiến binh Mỹ đáng gờm nhất trong vùng Thái Bình Dương" và rằng "quân đội Mỹ luôn đứng đầu… Chúng ta có các trang thiết bị, tên lửa, chiến xa, máy bay, tàu chiến mà không ai trên thế giới có thể có được như chúng ta".

Tổng thống Trump ca ngợi các binh sĩ Mỹ có mặt tại căn cứ, rằng họ đang đối mặt với những thách thức về an ninh trong khu vực với tinh thần "quả cảm không thể so sánh được". Ông nhấn mạnh hải quân Mỹ vẫn tuần tra trong các điểm nóng như biển Hoa Đông và Biển Đông. Những tuyên bố về sức mạnh quân sự của tổng thống Mỹ được ngầm hiểu là gửi đến Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Anh Vũ

******************

Tổng thống Trump kỳ vọng quân đội Nhật củng cố Mỹ ở Châu Á (VOA, 28/05/2019)

Tổng thống Donald Trump kỳ vọng rằng quân đội Nhật sẽ củng cố các lực lượng của Hoa Kỳ khắp Châu Á và những nơi khác, theo Reuters.

mynhat1

Ông Trump bắt tay chỉ huy của tàu chiến Kaga của Nhật hôm 28/5.

Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố như trên hôm 28/5, sau khi đi thăm Kaga, tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản, vốn được thiết kế để chở các máy bay trực thăng săn tàu ngầm tới các vùng biển xa xôi.

Tàu này, vốn sẽ sớm được nâng cấp để đáp ứng các máy bay chiến đấu F-35B, từng tới Ấn Độ năm ngoái và qua vùng Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố phần lớn chủ quyền, theo Reuters.

"Với thiết bị mới tuyệt vời này, tàu Kaga sẽ hỗ trợ bảo vệ đất nước chúng ta trước một loạt các mối đe dọa phức tạp trong khu vực và xa hơn”, ông Trump nói trên tàu.

Việc nâng cấp Kaga, cùng với một tàu khác là Izumo của Nhật, được kỳ vọng sẽ củng cố các lực lượng Mỹ hoạt động ở Nhật Bản bằng cách cung cấp nơi tiếp nhiên liệu cho các máy bay F-35B của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tháp tùng ông Trump lên thăm tàu chiến Kaga.

Ông Abe là người đã gia tăng chi tiêu quốc phòng kể từ khi nhậm chức hồi tháng 12 năm 2012, mở rộng hiến pháp chủ hòa của Nhật để nới lỏng các hạn chế đối với hoạt động của binh sĩ ở nước ngoài.

Ông Trump tới thăm Nhật trong vòng bốn ngày kể từ hôm 25/5 nhằm khẳng định liên minh Mỹ - Nhật.

Nhưng chuyến đi này, theo Reuters, cũng bị phủ bóng bởi chuyện Nhật có mức thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

******************

Phi công Hải quân Australia bị tàu Trung Quốc chiếu tia laser khi đang diễn tập tại Biển Đông. (RFA, 28/05/2019)

Nhân chứng Euan Graham trên Chiến hạm HMAS Canberra của Hải quân Australia trong chuyến đi từ Việt Nam sang Singapore cho biết các phi công Hải quân Australia bị tàu Trung Quốc chiếu tia laser khi đang diễn tập tại Khu vực Biển Đông.

nhat3

Một trực thăng của Hải quân Australia - Courtesy : Euan Graham

Tình trạng này khiến các phi công phải hạ cánh để bảo đảm an toàn. Vị nhân chứng này vào ngày 28 tháng 5 tường thuật lại sự việc trên trang chủ Strategist của Viện Chính sách Chiến lược Australia.

Theo đó thì tia laser được chiếu đi từ những tàu cá khi mà chiến hạm Canberra của Australia bị một tàu chiến của Trung Quốc đeo bám theo.

Nhân chứng Euan Graham nêu ra nghi vấn ‘Có phải đó là phản ứng của những ngư dân bị ngạc nhiên trước điều bất ngờ ? Hay đó là dạng sách nhiễu có phối hợp ngày càng nhiều của lực lượng dân quân biển Trung Quốc’. Theo vị nhân chứng này thì khó có thể trả lời một cách chắc chắn ; thế nhưng những sự việc tương tự từng diễn ra ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Nhân chứng Euan Graham cũng nhắc lại những vụ tương tự ở Djibouti, Châu Phi, nơi mà cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều có căn cứ quân sự. Một vụ diễn ra vào năm ngoái khi phía Hoa Kỳ cáo giác Trung Quốc chiếu tia laser vào một máy bay của Mỹ ở Vùng Sừng Phi Châu khiến dẫn đến hậu quả hai phi công Mỹ bị thương nhẹ.

Học giả Euan Graham, giám đốc điều hành Chương trình Châu Á tại đại học La Trobe Australia, là một trong những người được mời tham gia quan sát hoạt động diễn tập Indo-Pacific 2019.

Vị học giả này đưa ra nhận định rằng sự hiện diện thường xuyên của tàu Trung Quốc đeo bám theo tàu nước ngoài ở khu vực Biển Đông cho thấy rằng chúng đủ nhiều, chực sẵn để chờ lệnh. Khả năng giám sát từ xa của tàu Trung Quốc cũng được hỗ trợ bởi các cơ sở công nghệ đặt tại những nơi như Đá Chữ Thập tại Quần đảo Trường Sa.

***********************

Biển Đông : Tàu Trung Quốc bị nghi ngờ tấn công bằng tia laser phi công Úc (RFI, 29/05/2019)

Các phi công của Hải quân Úc đã bị tấn công bằng tia laser khi đang bay trên Biển Đông. Quân đội Úc hôm 29/05/2019 thông báo như trên và nghi ngờ các tàu Trung Quốc là thủ phạm.

nhat4

Hải quân Hoàng Gia Úc đứng canh gác trên chiến hạm HMAS Canberra (L02) đậu tại cảng Colombo, Sri Lanka, ngày 23/03/2019ISHARA S. KODIKARA / AFP

Lực lượng phòng vệ Úc (ADF) tuyên bố đã "quan sát thấy một số tàu gia tăng sử dụng các thiết bị laser di động". Các phi công trực thăng thuộc chiến hạm HMAS Canberra đã là mục tiêu của các tia laser khi tham gia cuộc tập trận Indo-Pacific Endeavour 2019, một hoạt động của Hải quân Hoàng gia Úc trong khu vực, tuy nhiên không có ai bị thương.

Theo giáo sư Euan Graham, một trong số những khách mời hiện diện trên chiến hạm HMAS Canberra trong hành trình từ Việt Nam đến Singapore, thì các tia laser này được bắn đi từ các tàu cá, trong khi một tàu chiến Trung Quốc đi theo chiến hạm Úc trong suốt cuộc hải hành.

Giáo sư Graham viết trên trang web của một think tank độc lập ở Canberra, đặt câu hỏi liệu đây có phải là hành động cố ý quấy nhiễu của dân quân biển Trung Quốc. Ông cho biết thêm, dù các cuộc đối thoại giữa hai bên mang vẻ lịch sự, nhưng phía Trung Quốc đòi hỏi chiến hạm Úc phải báo cáo cho họ. Tuy nhiên, Hải quân Úc "không có ý định nhượng bộ khi thực hiện quyền tự do hàng hải".

Hãng tin AP dẫn lời giáo sư Graham nhận định, việc các tàu Trung Quốc thường xuyên đeo bám tàu nước ngoài cho thấy lực lượng này đã được mở rộng. Đồng thời chứng tỏ khả năng giám sát của Bắc Kinh được nâng cao nhờ các thiết bị hiện đại đặt trên các thực thể như Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) trên quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở quân sự và một phi đạo.

AFP nhắc lại, cách đây hai năm, Bắc Kinh cũng đã chối cãi việc chiếu laser làm hai phi công Mỹ bị thương nhẹ ở mắt khi bay gần căn cứ Mỹ ở Djibouti, nơi Trung Quốc cũng có một hải cảng. Bắc Kinh được cho là điều khiển lực lượng dân quân biển, trong đó có những tàu cá làm nhiệm vụ thám sát khu vực. Các hoạt động này giúp Trung Quốc thách thức các đối thủ, đồng thời hạn chế nguy cơ xung đột quân sự, chối bỏ những vụ khiêu khích.

Trong một diễn biến khác, hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle của Pháp thăm Singapore từ ngày 29/5 đến 2/6, chở theo 30 phi cơ tiêm kích Rafale, với ba chiến hạm hộ tống.

Thụy My

*****************

Đài Loan diễn tập đáp phi cơ xuống xa lộ để 'sẵn sàng đối phó Trung Quốc (BBC, 29/05/2019)

Không lực Đài Loan tiến hành diễn tập hôm 28/5, một phần trong các cuộc tập trận thường niên Hán Quang kéo dài một tuần.

nhat5

Đài Loan diễn tập đáp phi cơ xuống xa lộ

Tổng thống Thái Anh Văn có mặt, theo dõi các hoạt động thao diễn tại thành phố Chương Hóa ở phía tây đảo Đài Loan.

Bà tổng thống tuyên bố tăng cường năng lực quân sự của Đài Loan để đối phó với tình hình hiện thời.

Coi các hoạt động gần đây của Trung Quốc là "gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định khu vực", bà nói Đài Loan "cần phải cảnh giác cao hơn".

"Mục tiêu quốc phòng lớn nhất là bảo vệ lãnh thổ quốc gia và các giá trị tự do dân chủ. Cuộc diễn tập hôm nay là nhằm để các công dân Đài Loan hiểu rằng quân đội chúng ta hoàn toàn có khả năng đáp ứng các mục tiêu này", bà nói thêm.

'Quốc phòng toàn dân'

Trong cuộc diễn tập ở Chương Hóa, không lực Đài Loan phô trương khả năng các chiến đấu cơ có thể hạ cánh, tiếp nhiên liệu, vũ khí trên đường cao tốc, sẵn sàng đối phó nếu Trung Quốc xâm lược, ngay cả khi đường băng quân sự có thể bị hư hại.

nhat6

Tổng thống Thái Anh Văn nói Đài Loan cần "cảnh giác hơn nữa" trước các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở các khu vực gần hòn đảo này

"Đây chính là ý nghĩa đích thực của quốc phòng, với sự tham gia của toàn dân", bà Thái Anh Văn nói. "Các lực lượng có vũ trang có trách nhiệm bảo vệ nhân dân Đài Loan, và người dân cùng các đơn vị khác nỗ lực hết sức để hỗ trợ họ làm nhiệm vụ".

Sức mạnh hải quân cũng được Đài Bắc tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Đài Loan đã bắt đầu việc sản xuất hàng loạt các tàu hộ tống lớp Đà Giang và tàu thả mìn cao tốc giữa lúc bầu không khí thù nghịch với Bắc Kinh ngày càng dâng cao.

Được coi là "sát thủ của hàng không mẫu hạm", loại tàu hộ tống này tuy nhỏ nhưng rất mạnh, có trọng lượng rẽ nước 680 tấn và tốc độ tối đa tới 45 knot, và là chiếm hạm tàng hình tối tân do quân xưởng Long Đức sản xuất.

Có tổng số ba chiếc sẽ được cho xuất xưởng trong dự án Tấn Hải có trị giá 1 tỷ đô la Mỹ, hải quân Đài Loan nói.

Hồi tháng Tư, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành cái mà họ gọi là "các cuộc diễn tập cần thiết" quanh Đài Loan, với sự tham dự của tàu chiến, máy bay ném bom và máy bay do thám.

Mới đây nhất, Bắc Kinh đã giận dữ trước tin Đài Loan và Hoa Kỳ có cuộc họp David Lee (Lý Đại Duy) với John Bolton, cuộc gặp an ninh cấp cao lần đầu tiên trong 40 năm, kể từ khi Mỹ cắt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc.

*****************

Tàu Trung Quốc đeo bám tàu Australia ở Biển Đông (RFA, 27/05/2019)

Trung Quốc đã theo dõi các tàu của Hải quân Australia khi những tàu này đi qua khu vực Biển Đông trong chuyến hoạt động kéo dài 3 tháng của Hải quân nước này ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương, bao gồm các chuyến thăm đến 7 nước trong đó có Việt Nam.

mynhat2

Hình minh họa. Tàu HMAS Canberra của Hải quân Hoàng gia Australia tham gia tập trận ở Sri Lanka hôm 26/3/2019 - AFP

Hãng tin ABC của Australia hôm 27/5 trích lời của Chỉ huy không quân Australia Richard Owen co biết như vậy khi tàu HMAS Canberra về lại cảng Darwin.

Chuyến đi của các tàu Australia lần này có sự tham gia của 3 tàu hải quân, máy bay và khoảng hơn 1.200 nhân sự.

Ông Richard Owen cho biết các tàu đã đi qua khu vực Biển Đông hai lần và quân đội Trung Quốc đã theo dõi rất sát các hoạt động của hải quân Australia khi những tàu này đi qua vùng nước tranh chấp.

"Chúng tôi đã đi qua khu vực phía bắc và nam Biển Đông trong vùng nước quốc tế và chúng tôi có hoạt động cùng với hải quân các nước khác như thương lệ", ông Richard Owen cho biết.

Theo ABC, các tàu của Hải quân Australia đã bị các tàu Trung Quốc Theo đuôi khi đi đến Việt Nam và rời cảng Cam Ranh.

Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông. Các nước khác cũng đòi chủ quyền ở khu vực này bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Thời gian gần đây, Hoa Kỳ và các nước Anh, Pháp, Australia, Canada đã gia tăng các hoạt động tuần tra đi qua khu vực Biển Đông khiến Trung Quốc tức giận.

Hôm 20/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối Hoa Kỳ cho tàu USS Preble đi vào khu vực bãi cạn Scarborough ở Biển Đông và gọi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự trong khu vực.

*****************

Trump và Abe, hai nhà lãnh đạo có đầu óc thực tế (RFI, 27/05/2019)

Chỉ bốn tuần trước thượng đỉnh G20 Osaka –Nhật Bản, tổng thống Hoa Kỳ và phu nhân công du xứ hoa anh đào. Nếu như Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Tokyo, ngược lại toàn bộ an ninh của Nhật Bản đều được đặt trong tay Hoa Kỳ. Sự vồn vã của Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên khiến Tokyo nửa mừng, nửa lo.

mynhat3

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tiếp tổng thống Mỹ Donald Trump tại nhà khách chính phủ, Tokyo ngày 27/05/2019.

Tổng thống Donald Trump là nguyên thủ quốc tế đầu tiên được tân Nhật hoàng long trọng tiếp đón. Đây là một sự trọng thị đặc biệt mà hoàng gia Nhật chỉ dành riêng cho chủ nhân Nhà Trắng.

Trước Tokyo, từ Bắc Kinh đến Paris, Luân Đôn đều đã trải thảm đỏ đón nguyên thủ Mỹ, biết tổng thống Donald Trump thích được tâng bốc và đều xem đó là một ngôn ngữ để nói chuyện riêng với Donald Trump. Nhưng tất cả đều đã thất bại. Tổng thống Hoa Kỳ vẫn mở cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và đã không để Pháp thuyết phục ở lại trong hiệp định hạt nhân với Iran. Dù là Luân Đôn đồng minh thân thiết nhất Washington tại Châu Âu, nhưng nguyên thủ Mỹ không bỏ lỡ cơ hội để chỉ trích chính quyền Anh ngay cả trên một số hồ sơ nội bộ của nước này.

Với Nhật Bản, từ khi tổng thống Trump nhậm chức tháng 1/2017, thủ tướng Shinzo Abe là nhà lãnh đạo thường xuyên lui tới phòng Bầu Dục hơn cả. Lần này là chuyến công du Nhật Bản lần thứ nhì của nguyên thủ Mỹ. Chưa kể là đến cuối tháng 6/2019, ông sẽ trở lại Nhật dự thượng đỉnh G20 Osaka.

Báo chí quốc tế nói đến một "mối quan hệ đặc biệt" giữa Donald Trump và Shinzo Abe. Điều đó không cấm cản tổng thống Hoa Kỳ vẫn đe dọa áp thuế vào xe hơi, thép và nhôm của Nhật bán sang Hoa Kỳ. Donald Trump không từ bỏ mục đích thu hẹp thâm hụt thương mại 70 tỷ đô la một năm của Mỹ với Nhật Bản. Về chiến lược, Tokyo đang lo ngại trước thái độ quá vồn vã của Donald Trump với Kim Jong-un nhất là sau thượng đỉnh Singapore 2018.

Về phía thủ tướng Nhật, Shinzo Abe liên tục chứng tỏ là một người bạn tốt với Donald Trump. Thậm chí ông là một trong hai nhà lãnh đạo trên thế giới đánh giá tổng thống Hoa Kỳ xứng đáng được đề cử tranh giải Nobel Hòa Bình, vì những nỗ lực giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Câu hỏi đặt ra là thủ tướng Nhật Bản đang tính toán những gì và liệu rằng, chiến thuật tâng bốc Donald Trump của ông có đem lại kết quả mong muốn hay không ? RFI Pháp ngữ đặt câu hỏi với chuyên gia Guibourg Delamotte, giảng dậy tại Học Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông, INALCO của Pháp.

Trước hết bà đánh giá về cách cư xử của thủ tướng Shinzo Abe với tổng thống Mỹ, Donald Trump :

Guibourg Delamotte : Chắc chắn là Donald Trump cảm kích về mối quan tâm mà Shinzo Abe đã dành cho ông ngay từ đầu. Khác với Châu Âu, Nhật Bản đã không xem thường Trump và nhờ đó Tokyo ghi được một điểm hết sức quan trọng trong mắt Donald Trump. Hơn nữa tôi thực sự nhận thấy có một sự tôn trọng nào đó giữa hai người mặc dù là họ xuất thân từ hai môi trường rất khác nhau. Câu hỏi đặt ra là chiến thuật đó của ông Abe có hiệu quả hay không, chúng ta phải nhìn nhận rằng hiện đang có nhiều hồ sơ gây bất đồng và đừng quên rằng Donald Trump không ngần ngại gì khi áp thuế nhắm vào kim loại của Nhật.

RFI : Ngay khi đặt chân đến Nhật Bản bắt đầu chuyến công du bốn ngày, tổng thống Mỹ đã tuyên bố ông muốn Mỹ Nhật có một mối quan hệ mậu dịch "công bằng" ?

Guibourg Delamotte : Đúng như vậy. Donald Trump chưa bao giờ đổi ý trên hồ sơ này. Ông ấy luôn trăn trở vì khoản nhập siêu 70 tỷ đô la của Mỹ với bạn hàng Nhật Bản. Tổng thống Hoa Kỳ cũng muốn bảo vệ công việc làm cho người Mỹ trên đất Mỹ. Cần chú ý rằng, Donald Trump là một doanh nhân, ông chủ trương đàm phán song phương để buộc Nhật Bản nhượng bộ. Ngược lại, thủ tướng Abe lại chủ trương đàm phán đa phương, điển hình là qua Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương đã được hoàn tất dưới thời tổng thống Obama. Nhưng rồi khi lên cầm quyền, ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi hiệp định đa phương này và đòi đàm phán lại từ đầu.

RFI : Chỉ riêng về thương mại, hai hồ sơ gây tranh cãi giữa Mỹ và Nhật Bản là công nghệ xe hơi và nông nghiệp. Washington vẫn đang đe dọa đánh thuế xe hơi Nhật và đây là điều mà Tokyo muốn tránh bằng mọi giá ?

Guibourg Delamotte : Vâng, đương nhiên. Mỹ là thị trường lớn nhất để xuất khẩu xe Nhật. Nếu như Washington tăng thuế thì giá thành sẽ bị đẩy lên, và như vậy xe Nhật sẽ đắt hơn đối với người tiêu dùng ở Mỹ, xe Nhật mất đi lợi thế cạnh tranh. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ sụt giảm. Tuy nhiên tháng 9 năm ngoái đôi bên đã bắt đầu dàn xếp với nhau, đã đưa ra một nền tảng để từ đó bắt đầu đàm phán. Theo thỏa thuận này, Tokyo và Washington đồng ý thu hẹp thâm hụt mậu dịch của Mỹ ; Nhật Bản cam kết bảo vệ công việc làm cho người Mỹ. Đổi lại Washington chấp nhận để cho Nhật bảo vệ lĩnh vực nông nghiệp, không cam kết nhiều với phía Mỹ so với những gì đã quy định trong thỏa thuận TPP mà Mỹ đã rút lui, hay là so với hiệp định tự do thương mại giữa Nhật với Liên Hiệp Châu Âu. Tôi nghĩ là sớm hay muôn, thì đôi bên sẽ đạt được đồng thuận trên cả hai lĩnh vực này. Bởi vì Trump và Abe cần lẫn nhau, cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược. Đặc biệt là trong nhãn quan của ông Trump, ông Abe luôn bày tỏ thiện trí hơn những đối tác khác rất nhiều.

RFI : Nhưng về mặt chiến lược, Iran và Bắc Triều Tiên hiện là hai điểm nhậy cảm của trục Washington –Tokyo ?

Guibourg Delamotte : Trước hết về Iran, cho đến nay, lập trường của Nhật gần với Châu Âu hơn là với Mỹ, bởi vì Tokyo vốn có nhiều mối quan hệ làm ăn với Tehran. Nhật cũng mong Hoa Kỳ chóng xóa bỏ cấm vận Iran. Nhưng có ít khả năng là Shinzo Abe đương đầu với Donald Trump về hồ sơ này nhất là sau khi Nhật Bản trông thấy những nỗ lực của Châu Âu đã không đi đến đâu. Tôi hoàn toàn tin tưởng là Tokyo sẽ có cùng quan điểm với Mỹ về hạt nhân Iran. Rủi ro đặt ra ở đây đối với Nhật, là Trump luôn dùng đòn vừa dụ, vừa dọa và ông hoàn toàn có thể đổi thái độ với Iran nếu chính quyền Tehran có một số nhượng bộ nào đó. Hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên phức tạp hơn. Nhật Bản từ trước tới nay vẫn chủ trương giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên một cách toàn diện và không thể đảo ngược – Đây cũng là lập trường của Mỹ. Nhưng sự vồn vã của Donald Trump với Kim Jong-un khiến Tokyo hoang mang. Thêm vào đó, ở Washington ngày càng có nhiều tiếng nói cho rằng, Mỹ không nên có thái độ triệt để như vậy mà hãy lôi kéo Bắc Triều Tiên về phía mình, qua đó tăng cường kiểm soát các hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng. Thay đổi về hồ sơ Bắc Triều Tiên này của Mỹ không phù hợp với quan điểm của Nhật. Tokyo không muốn có những giải pháp nửa vời, hay là Washington có một số nhượng bộ với Bình Nhưỡng. Bởi đây là bước đầu để phá hủy luôn cả hiệp định cấm phổ biến vũ khí hạt nhân".

Thanh Hà

*********************

Công du Nhật Bản, Trump gây áp lực với Abe trong hồ sơ thương mại (RFI, 27/05/2019

Chuyến công du Nhật Bản của tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay, 27/05/2019, bước sang ngày thứ ba. Chuyến thăm này của nguyên thủ Hoa Kỳ có mục đích phô trươngmối quan hệ giữa hai nước, nhưng thông điệp này một phần bị lu mờ bởi căng thẳng thương mại song phương.

mynhat4

Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Shinzo Abe sau cuộc hội đàm ngày 27/05/2019 tại Tokyo. Reuters

Theo Reuters, nguyên thủ Mỹ muốn xóa bỏ các rào cản thương mại, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu của Mỹ để giảm nhập siêu. Ông Trump cho biết sẽ đưa ra một thông báo vào tháng 8, "rất có lợi cho cả hai nước". Tổng thống Mỹ cũng thông báo hai nước đạt thỏa thuận hợp tác thám hiểm vũ trụ.

Về phần Nhật Bản, thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh sự hợp tác song phương. Ông phát biểu : "Chuyến thăm của tổng thống Trump và phu nhân là một cơ hội vàng để chứng tỏ với cả thế giới và nước Nhật về mối quan hệ không thể lay chuyển giữa hai nước". Theo ông Abe, hai nước sẽ đẩy mạnh đối thoại kinh tế.

Tổng thống Trump cũng cho biết là Nhật đặt mua 105 máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Như vậy, Nhật Bản trở thành quốc gia đồng minh Mỹ sở hữu nhiều chiến đấu cơ F-35 nhất.

Hồ sơ Bắc Triều Tiên cũng được lãnh đạo hai nước thảo luận. Nhận định về các đợt bắn thử tên lửa của Bắc Triều Tiên, hai bên bất đồng quan điểm. Nguyên thủ Mỹ tỏ ra "không lo ngại", còn thủ tướng Nhật cho rằng Bình Nhưỡng vi phạm nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, là mối đe dọa đối với an ninh của Nhật Bản.

Gia Hưng

Quay lại trang chủ
Read 506 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)