Tổng thống Mỹ bắt đầu chuyến công du Nhật Bản (RFI, 25/05/2019)
Tổng thống Hoa Kỳ và phu nhân bắt đầu chuyến công du Nhật Bản trong bốn ngày, kể từ hôm nay 25/05/2019. Donald Trump là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên được tân Nhật hoàng Naruhito tiếp đón.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump rời khỏi chiếc Air Force One tại sân bay Haneda ở Tokyo, ngày 25/05/2019. Reuters/Issei Kato
Tuy nhiên, theo giới quan sát, đây là một chuyến viếng thăm mang tính biểu tượng nhiều hơn. Ít có khả năng đôi bên san bằng những bất đồng về thương mại như Nhà Trắng mong đợi.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet cho biết thêm về lịch trình của tổng thống Mỹ tại Tokyo lần này.
"Donald Trump thích được tâng bốc. Nước chủ nhà Nhật Bản biết rất rõ điều ấy. "Tôi là vị khách danh dự duy nhất. Đây là sự kiện quan trọng nhất tại Nhật Bản từ hơn hai trăm năm qua". Nguyên thủ Mỹ đã tuyên bố như trên khi đề cập đến buổi tiếp xúc sắp tới đây với hoàng gia Nhật Bản.
Donald Trump là nhà lãnh đạo đầu tiên tiếp kiến tân Nhật hoàng và cũng sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên được mời xem một trận đấu sumo. Ban tổ chức đặt một chiếc ghế rất gần các võ sĩ cho Donald Trump, thay vì để ông phải ngồi trên sàn nhà như khán giả bình thường.
Ngoài ra, chương trình của tổng thống Trump bao gồm cả việc tham quan một chiếc hàng không mẫu hạm của Nhật đang được trùng tu để chiến đấu cơ F35 của Mỹ có thể đáp xuống. Tokyo muốn chứng minh rằng Nhật Bản tích cực tăng cường khả năng phòng thủ và mua trang thiết bị quân sự của Mỹ như điều mà Washington mong đợi. Nói tóm lại, Nhật Bản đang làm tất cả để Donald Trump được vừa lòng.
Nhà Trắng cho biết chuyến công du Nhật Bản lần này nhằm "khẳng định lại tầm mức quan trọng của liên minh giữa hai nước". Ngoài ý nghĩa biểu tượng, chính quyền Mỹ cũng muốn đạt được một số tiến bộ về đàm phán thương mại với Tokyo.
Một thỏa thuận được ký kết với Nhật Bản có lẽ sẽ giúp Donald Trump ghi được một bàn thắng và phần nào giảm bớt áp lực mà giới nông gia Mỹ đang phải gánh chịu do tác động chiến tranh thương mại Mỹ-Trung".
Thanh Hà
*******************
Mỹ áp lực các đảo quốc Thái Bình Dương chớ bỏ rơi Đài Loan (VOA, 25/05/2019)
Một nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ hôm 24/5 kêu gọi các đảo quốc Thái Bình Dương chớ rút lại sự công nhận ngoại giao đối với Đài Loan và cảnh báo rằng sức ép của Bắc Kinh để thay đổi vị thế quốc tế của hòn đảo tự trị này đe dọa làm tăng khả năng xung đột.
Ông Patrick Murphy đang có chuyến công du đến các đảo quốc Thái Bình Dương
Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương W. Patrick Murphy đã phát biểu với các phóng viên ở Canberra vào cuối chuyến thăm Úc ba ngày để hội đàm với các quan chức của chính phủ mới vừa được bầu lại ở Úc về mở rộng liên minh an ninh giữa hai nước.
Sáu đảo quốc Thái Bình Dương công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao, chiếm 1/3 trong tổng số các đồng minh ngoại giao của hòn đảo tự trị này trên thế giới.
Tuy nhiên, họ đang gặp sức ép ngày càng mạnh mẽ từ Bắc Kinh phải chuyển phe vào lúc Trung Quốc đang gầy dựng ảnh hưởng trong khu vực.
Ông Murphy nói rằng không nên để Trung Quốc đại lục gây ảnh hưởng các quyết định ngoại giao.
"Trung Quốc đang âm mưu giảm các quan hệ ngoại giao của Đài Loan trong khu vực và đó là một kiểu hành động mạnh tay", ông phát biểu. "Điều đó gây ra căng thẳng bằng cách thay đổi hiện trạng và dẫn đến khả năng xung đột".
Thủ tướng Quần đảo Solomon, Rick Hou, hứa sẽ xem xét lại quan hệ của nước ông với Đài Loan trước khi ông để mất quyền lực trong cuộc bầu cử hồi tháng rồi. Tuy nhiên, chuyển quan hệ sang Bắc Kinh, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Solomon, vẫn là vấn đề đang được xem xét.
Ông Murphy nói rằng Hoa Kỳ ‘có quan hệ ngoại giao mạnh mẽ’ với Solomon và đã chúc mừng tân Thủ tướng Manasseh Sogavare.
Ông từ chối cho biết liệu ông có bàn bạc với giới chức Úc về quan ngại của một số phân tích gia an ninh rằng Bắc Kinh đang muốn xây dựng một căn cứ quân sự nước sâu đâu đó ở Thái Bình Dương hay không.
Việc Trung Quốc quân sự hóa Thái Bình Dương cũng sẽ gây bất ổn như việc họ quân sự hóa các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông, ông nói.
"Sự hiện diện quân sự ngày càng lớn ở bất cứ nơi đâu trong khu vực của một quốc gia như Trung Quốc vốn không hành động trên cơ sở luật lệ hay tuân thủ các chuẩn mực quốc tế là một vấn đề gây quan ngại", Murphy nói.
"Chúng tôi có rất nhiều lợi ích quốc gia trong khu vực vốn được xây dựng dựa trên tự do thương mại, tự do hàng hải và tự do bay trên vùng trời. Chúng tôi có những đối tác chủ chốt và việc thiết lập sự hiện diện quân sự ở đó thật sự là rất phiền toái".
Ông Murphy dự kiến sẽ bay đến nước láng giềng gần nhất của Úc là Papua New Guinea vào ngày 25/5. Thủ tướng nước này Peter O’Neill ủng hộ đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Mỹ và Úc cam kết xây dựng lại một căn cứ hải quân ở đảo Manus của Papua New Guinea.
Khi Úc và Papua New Guinea công bố kế hoạch nâng cấp căn cứ này hồi tháng 10, Trung Quốc lưu ý cả hai nước cần từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh.
"Các đảo quốc Thái Bình Dương không nên là phạm vi ảnh hưởng của bất cứ nước nào", phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu vào lúc đó.
********************
Trump thúc Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Mỹ, chỉ trích lợi thế thương mại (VOA, 25/05/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Bảy thúc giục các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản gia tăng đầu tư vào Mỹ trong khi ông chỉ trích Nhật Bản có "lợi thế lớn" về thương mại mà các nhà đàm phán đang cố gắng cân đối trong một thỏa thuận song phương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự một sự kiện với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản cùng với Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản William Hagerty ở Tokyo, ngày 25 tháng 5, 2019.
Ông Trump đến Nhật Bản vào ngày thứ Bảy trong một chuyến thăm cấp nhà nước phần lớn mang tính hình thức nhằm nêu bật mối quan hệ thân thiết giữa hai nước đồng minh dù có một số vấn đề trong quan hệ thương mại.
Ngay sau khi được chào đón trên thảm đỏ tại sân bay, ông Trump dự tiệc chiêu đãi tại dinh thự của Đại sứ Hoa Kỳ William Hagerty mà Nhà Trắng cho biết bao gồm giám đốc điều hành các doanh nghiệp Nhật Bản từ Toyota, Nissan, Honda, SoftBank và Rakuten.
Ông Trump nói với các quan chức của các công ty rằng chưa bao giờ có một thời điểm tốt hơn để đầu tư vào Mỹ và nhắc lại lời than phiền rằng các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã cản trở tăng trưởng kinh tế của Mỹ đạt được tiềm năng trọn vẹn.
Với các cuộc đàm phán thương mại đang tiếp diễn, ông Trump cũng chỉ trích nước chủ nhà và nói ông muốn có một thỏa thuận để giải quyết sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước.
"Nhật Bản đã có lợi thế đáng kể từ nhiều năm qua, nhưng không sao, có lẽ đó là lí do vì sao các bạn thích chúng tôi đến vậy", ông nói.
"Với thỏa thuận này, chúng tôi hi vọng sẽ giải quyết được sự mất cân bằng thương mại, xóa bỏ những rào cản đối với hàng xuất khẩu của Mỹ và đảm bảo sự công bằng và đối ứng trong mối quan hệ của chúng ta", ông Trump nói.
Thương mại là một trong những vấn đề mang dấu ấn của ông Trump, và khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Mỹ là một đặc trưng trong các chuyến đi nước ngoài của ông.
Ông Trump sẽ hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào Chủ nhật và chơi golf, xem một giải đấu sumo và dùng bữa tối riêng tư.
Hai nhà lãnh đạo có mối quan hệ nồng ấm, điều mà ông Abe muốn nhấn mạnh giữa lúc Washington đang cân nhắc thuế quan đối với xe hơi xuất khẩu của Nhật Bản mà chính quyền Trump coi là mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm năng.