Tổng thống Mỹ bắt đầu chuyến công du Nhật Bản (RFI, 25/05/2019)
Tổng thống Hoa Kỳ và phu nhân bắt đầu chuyến công du Nhật Bản trong bốn ngày, kể từ hôm nay 25/05/2019. Donald Trump là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên được tân Nhật hoàng Naruhito tiếp đón.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump rời khỏi chiếc Air Force One tại sân bay Haneda ở Tokyo, ngày 25/05/2019. Reuters/Issei Kato
Tuy nhiên, theo giới quan sát, đây là một chuyến viếng thăm mang tính biểu tượng nhiều hơn. Ít có khả năng đôi bên san bằng những bất đồng về thương mại như Nhà Trắng mong đợi.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet cho biết thêm về lịch trình của tổng thống Mỹ tại Tokyo lần này.
"Donald Trump thích được tâng bốc. Nước chủ nhà Nhật Bản biết rất rõ điều ấy. "Tôi là vị khách danh dự duy nhất. Đây là sự kiện quan trọng nhất tại Nhật Bản từ hơn hai trăm năm qua". Nguyên thủ Mỹ đã tuyên bố như trên khi đề cập đến buổi tiếp xúc sắp tới đây với hoàng gia Nhật Bản.
Donald Trump là nhà lãnh đạo đầu tiên tiếp kiến tân Nhật hoàng và cũng sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên được mời xem một trận đấu sumo. Ban tổ chức đặt một chiếc ghế rất gần các võ sĩ cho Donald Trump, thay vì để ông phải ngồi trên sàn nhà như khán giả bình thường.
Ngoài ra, chương trình của tổng thống Trump bao gồm cả việc tham quan một chiếc hàng không mẫu hạm của Nhật đang được trùng tu để chiến đấu cơ F35 của Mỹ có thể đáp xuống. Tokyo muốn chứng minh rằng Nhật Bản tích cực tăng cường khả năng phòng thủ và mua trang thiết bị quân sự của Mỹ như điều mà Washington mong đợi. Nói tóm lại, Nhật Bản đang làm tất cả để Donald Trump được vừa lòng.
Nhà Trắng cho biết chuyến công du Nhật Bản lần này nhằm "khẳng định lại tầm mức quan trọng của liên minh giữa hai nước". Ngoài ý nghĩa biểu tượng, chính quyền Mỹ cũng muốn đạt được một số tiến bộ về đàm phán thương mại với Tokyo.
Một thỏa thuận được ký kết với Nhật Bản có lẽ sẽ giúp Donald Trump ghi được một bàn thắng và phần nào giảm bớt áp lực mà giới nông gia Mỹ đang phải gánh chịu do tác động chiến tranh thương mại Mỹ-Trung".
Thanh Hà
*******************
Mỹ áp lực các đảo quốc Thái Bình Dương chớ bỏ rơi Đài Loan (VOA, 25/05/2019)
Một nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ hôm 24/5 kêu gọi các đảo quốc Thái Bình Dương chớ rút lại sự công nhận ngoại giao đối với Đài Loan và cảnh báo rằng sức ép của Bắc Kinh để thay đổi vị thế quốc tế của hòn đảo tự trị này đe dọa làm tăng khả năng xung đột.
Ông Patrick Murphy đang có chuyến công du đến các đảo quốc Thái Bình Dương
Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương W. Patrick Murphy đã phát biểu với các phóng viên ở Canberra vào cuối chuyến thăm Úc ba ngày để hội đàm với các quan chức của chính phủ mới vừa được bầu lại ở Úc về mở rộng liên minh an ninh giữa hai nước.
Sáu đảo quốc Thái Bình Dương công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao, chiếm 1/3 trong tổng số các đồng minh ngoại giao của hòn đảo tự trị này trên thế giới.
Tuy nhiên, họ đang gặp sức ép ngày càng mạnh mẽ từ Bắc Kinh phải chuyển phe vào lúc Trung Quốc đang gầy dựng ảnh hưởng trong khu vực.
Ông Murphy nói rằng không nên để Trung Quốc đại lục gây ảnh hưởng các quyết định ngoại giao.
"Trung Quốc đang âm mưu giảm các quan hệ ngoại giao của Đài Loan trong khu vực và đó là một kiểu hành động mạnh tay", ông phát biểu. "Điều đó gây ra căng thẳng bằng cách thay đổi hiện trạng và dẫn đến khả năng xung đột".
Thủ tướng Quần đảo Solomon, Rick Hou, hứa sẽ xem xét lại quan hệ của nước ông với Đài Loan trước khi ông để mất quyền lực trong cuộc bầu cử hồi tháng rồi. Tuy nhiên, chuyển quan hệ sang Bắc Kinh, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Solomon, vẫn là vấn đề đang được xem xét.
Ông Murphy nói rằng Hoa Kỳ ‘có quan hệ ngoại giao mạnh mẽ’ với Solomon và đã chúc mừng tân Thủ tướng Manasseh Sogavare.
Ông từ chối cho biết liệu ông có bàn bạc với giới chức Úc về quan ngại của một số phân tích gia an ninh rằng Bắc Kinh đang muốn xây dựng một căn cứ quân sự nước sâu đâu đó ở Thái Bình Dương hay không.
Việc Trung Quốc quân sự hóa Thái Bình Dương cũng sẽ gây bất ổn như việc họ quân sự hóa các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông, ông nói.
"Sự hiện diện quân sự ngày càng lớn ở bất cứ nơi đâu trong khu vực của một quốc gia như Trung Quốc vốn không hành động trên cơ sở luật lệ hay tuân thủ các chuẩn mực quốc tế là một vấn đề gây quan ngại", Murphy nói.
"Chúng tôi có rất nhiều lợi ích quốc gia trong khu vực vốn được xây dựng dựa trên tự do thương mại, tự do hàng hải và tự do bay trên vùng trời. Chúng tôi có những đối tác chủ chốt và việc thiết lập sự hiện diện quân sự ở đó thật sự là rất phiền toái".
Ông Murphy dự kiến sẽ bay đến nước láng giềng gần nhất của Úc là Papua New Guinea vào ngày 25/5. Thủ tướng nước này Peter O’Neill ủng hộ đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Mỹ và Úc cam kết xây dựng lại một căn cứ hải quân ở đảo Manus của Papua New Guinea.
Khi Úc và Papua New Guinea công bố kế hoạch nâng cấp căn cứ này hồi tháng 10, Trung Quốc lưu ý cả hai nước cần từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh.
"Các đảo quốc Thái Bình Dương không nên là phạm vi ảnh hưởng của bất cứ nước nào", phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu vào lúc đó.
********************
Trump thúc Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Mỹ, chỉ trích lợi thế thương mại (VOA, 25/05/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Bảy thúc giục các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản gia tăng đầu tư vào Mỹ trong khi ông chỉ trích Nhật Bản có "lợi thế lớn" về thương mại mà các nhà đàm phán đang cố gắng cân đối trong một thỏa thuận song phương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự một sự kiện với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản cùng với Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản William Hagerty ở Tokyo, ngày 25 tháng 5, 2019.
Ông Trump đến Nhật Bản vào ngày thứ Bảy trong một chuyến thăm cấp nhà nước phần lớn mang tính hình thức nhằm nêu bật mối quan hệ thân thiết giữa hai nước đồng minh dù có một số vấn đề trong quan hệ thương mại.
Ngay sau khi được chào đón trên thảm đỏ tại sân bay, ông Trump dự tiệc chiêu đãi tại dinh thự của Đại sứ Hoa Kỳ William Hagerty mà Nhà Trắng cho biết bao gồm giám đốc điều hành các doanh nghiệp Nhật Bản từ Toyota, Nissan, Honda, SoftBank và Rakuten.
Ông Trump nói với các quan chức của các công ty rằng chưa bao giờ có một thời điểm tốt hơn để đầu tư vào Mỹ và nhắc lại lời than phiền rằng các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã cản trở tăng trưởng kinh tế của Mỹ đạt được tiềm năng trọn vẹn.
Với các cuộc đàm phán thương mại đang tiếp diễn, ông Trump cũng chỉ trích nước chủ nhà và nói ông muốn có một thỏa thuận để giải quyết sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước.
"Nhật Bản đã có lợi thế đáng kể từ nhiều năm qua, nhưng không sao, có lẽ đó là lí do vì sao các bạn thích chúng tôi đến vậy", ông nói.
"Với thỏa thuận này, chúng tôi hi vọng sẽ giải quyết được sự mất cân bằng thương mại, xóa bỏ những rào cản đối với hàng xuất khẩu của Mỹ và đảm bảo sự công bằng và đối ứng trong mối quan hệ của chúng ta", ông Trump nói.
Thương mại là một trong những vấn đề mang dấu ấn của ông Trump, và khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Mỹ là một đặc trưng trong các chuyến đi nước ngoài của ông.
Ông Trump sẽ hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào Chủ nhật và chơi golf, xem một giải đấu sumo và dùng bữa tối riêng tư.
Hai nhà lãnh đạo có mối quan hệ nồng ấm, điều mà ông Abe muốn nhấn mạnh giữa lúc Washington đang cân nhắc thuế quan đối với xe hơi xuất khẩu của Nhật Bản mà chính quyền Trump coi là mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm năng.
Lãnh đạo Việt - Nhật kêu gọi ‘phi quân sự hóa Biển Đông’ (VOA, 31/05/2018)
Lãnh đạo Việt Nam và Nhật hôm 31/5 đồng ý tăng cường hợp tác về quốc phòng và an toàn hàng hải, cũng như cùng bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, theo AP.
Thủ tướng Abe và phu nhân trong lễ tiếp đón Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang hôm 30/5.
Trong chuyến thăm "xứ sở mặt trời mọc", Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng trong các lĩnh vực như huấn luyện và cung cấp thiết bị quân sự.
AP dẫn một tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, theo đó kêu gọi phi quân sự hóa Biển Đông và cảnh báo về bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng của vùng biển tranh chấp này.
Tin cho hay, Việt Nam "đặc biệt quan ngại" về nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập chủ quyền đối với các hòn đảo ở Biển Đông.
Ông Abe hội đàm với Chủ tịch Quang trong chuyến thăm Việt Nam năm 2017.
Nhật Bản hiện cũng có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc nhưng là ở Biển Hoa Đông.
Hãng tin Kyodo nhận định rằng việc củng cố hợp tác với Việt Nam là bước đi quan trọng trong bối cảnh chính quyền của ông Abe đang thúc đẩy "chiến lược về một vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở" nhằm chống lại ảnh hưởng về hàng hải của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Quang và Thủ tướng Abe cũng đồng ý tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại và năng lượng.
Chủ tịch Việt Nam công du tới Nhật nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hôm 30/5, Nhật Hoàng Akihito đã chào đón ông Quang trong buổi yến tiệc có thể là cuối cùng trước khi ông thoái vị vào tháng Tư năm sau, theo Kyodo.
******************
Nhân quyền trong quan hệ Việt-Nhật (RFA, 29/05/2018)
Trước thềm chuyến thăm của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang Nhật Bản, truyền thông trong nước đăng tải những bài viết về quan hệ hai nước. Nhìn chung đều nói là quan hệ hợp tác Việt- Nhật đang ở thời kỳ tốt đẹp. Báo chí Việt Nam cũng thừa nhận một trong những yếu tố thúc đẩy quan hệ chính trị giữa hai nước là nhờ phía Nhật không can thiệp vào nội bộ Việt Nam như chỉ trích nhân quyền hay tôn giáo,…, trái người hoàn toàn với Hoa Kỳ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Nhật Bản. Ảnh Tuổi Trẻ
Nhìn lại những năm gần đây, đặc biệt là năm ngoái, Nhật Bản và Việt Nam thường xuyên thực hiện các chuyến thăm qua lại, trong đó có cả cấp cao nhất như Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, hay của Thủ tướng Shinzo Abe.
Tuy nhiên, các buổi gặp gỡ kể cả là cao cấp nhất, vấn đề nhân quyền Việt Nam hiếm khi được phía Nhật nêu lên.
Trao đổi với RFA, ông Đỗ Thông Minh, một học giả quan tâm đến dân chủ nhân quyền của Việt Nam , đang sinh sống tại Tokyo, nhận định :
Nước Nhật có lẽ là từ thời Thế chiến II họ mạnh khá nhiều mặt và họ can dự vào tình hình của các nước lân cận. Nhưng từ khi thất trận thế chiến, họ quay về phát triển kinh tế. Mình có thể nói một cách đại để, họ hơi giống người Hoa, chú trọng làm ăn hơn là chú trọng chuyện nhân quyền.
Ông Đỗ Thông Minh cũng cho biết trong suốt hơn 40 năm qua, chỉ có một lần duy nhất Nhật nêu vấn đề nhân quyền với Việt Nam, nhưng cũng chỉ nói cho mang tính hình thức chứ không mấy mặn mà. Đài NHK của Nhật, trong chương trình tiếng Việt cũng chỉ nói đến văn hóa, giao lưu, kinh tế, hay phát triển, chứ hầu như không bao giờ nói đến những mặt trái của Việt Nam trong đó có nhân quyền, dân oan,…
Trước chuyến thăm Nhật lần này của ông Trần Đại Quang, tổ chức Theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đã lên kêu gọi Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, cần phải áp lực Việt Nam chấm dứt ngay tình trạng đàn áp những nhà hoạt động ôn hòa và cải thiện thành tích nhân quyền đang suy thoái nghiêm trọng của chính phủ Hà Nội.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh tình hình nhân quyền ở Việt Nam được đánh giá là đi xuống một cách trầm trọng. Trong hơn 1 năm qua, Human Rights Watch ghi nhận gần 70 nhà hoạt động chính trị, tôn giáo bị Việt Nam cầm tù với mức án ngày càng cao. Human Rights Watch cho biết hiện có khoảng 140 tù nhân chính trị bị chính quyền Hà Nội giam cầm.
Học giả Đỗ Thông Minh cho rằng để tiếng nói của các tổ chức bảo vệ nhân quyền gây tác động đến Chính phủ Nhật Bản là rất khó :
Trước đây cũng có Hiệp hội người Việt tại đây. Mỗi lần 4 tứ trụ Việt Nam qua đây thì cũng hay có biểu tình. Mỗi lần biểu tình cũng không đông đâu, tầm 30 người và thường có đưa kiến nghị thư. Khi mình đưa bộ Ngoại giao họ nhận nhưng hầu như không có phản ứng gì. Từ xưa đến giờ mấy chục lần rồi.
Cuối năm ngoái, Việt Nam tặng thành phố Mimasaka của Nhật một bức tượng ông Hồ Chí Minh nhằm ca ngợi hình ảnh ông Hồ với quốc tế. Ông Đỗ Thông Minh cho rằng chính quyền thành phố Mimasaka nhận bức tượng này để lấy cảm tình từ Việt Nam nhằm đưa thêm người Việt Nam sang lao động. Vụ việc khiến hàng chục người Việt biểu tình phản đối, và hơn 8.000 cá nhân tổ chức ký phản đối. Tuy nhiên phía Nhật vẫn giữ lại bức tượng.
Ông cũng nói thêm rằng nhiều nhà nghiên cứu, học giả của Nhật biết khá rõ về tình hình nhân quyền Việt Nam nhưng né tránh không lên tiếng vì sợ sẽ bị cấm nhập cảnh.
Cũng đồng tình với quan điểm của ông Đỗ Thông Minh rằng Nhật chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, nhưng cựu đại tá Bùi Tín, một nhà quan sát chính trị, nhân quyền đang sống ở Pháp bổ sung thêm :
Nhật bây giờ cũng có nhu cầu ngăn chặn sự lớn mạnh của Trung Quốc, cho nên mấy năm nay Nhật bắt đầu kiếm tình thân bạn bè đối với các nước Đông Nam Á, và Việt Nam là một trong những nước Nhật Bản muốn có quan hệ khăng khít.
Hiện nay Việt Nam là nước Nhật viện trợ một cách vô tư và cao nhất. Đó là nhu cầu cả hai bên, Việt Nam thì tranh thủ sự giúp đỡ về kinh tế tài chính.
Nhật không đặt ra chuyện nhân quyền nhiều lắm đâu, mà họ đặt ra quyền lợi dân tộc và quyền lợi của khu vực lên hàng đầu.
Kể từ khi nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam năm 1992, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ lớn nhất cho Chính phủ Việt Nam, và cũng là một trong những nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất cho Chính phủ Hà Nội.
Về tình hình biển Đông, Nhật Bản cũng là quốc gia tích cực tham gia vào việc chống lại sự bành chướng của Bắc Kinh tại vùng biển này. Nhật được đánh giá rất mặn mà với chủ trương Tứ giác Kim cương của Mỹ ở biển Đông bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ để bảo vệ địa bàn trọng điểm Châu Á-Thái Bình Dương.
Truyền thông trong nước nói với đại ý rằng quan hệ Việt Nam và Nhật có đi có lại. Việt Nam thì bỏ qua chuyện quá khứ từ thời Chiến tranh thế giới thứ II như nạn đói năm Ất Dậu, vấn đề Nhật Bản thờ phụng những nhân vật bị phán quyết là tội phạm chiến tranh… Và đổi lại Nhật Bản không can thiệp chuyện nhân quyền, tôn giáo với Việt Nam và nhận định đây là mối quan hệ chính trị "đầy tin cậy".
Học giả Đỗ Thông Minh nhận định giờ chỉ còn trông cậy vào Mỹ và Châu Âu liên quan đến nhân quyền Việt Nam , chứ không thể trông hòng gì từ chính phủ Tokyo.
VN và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973, nhưng từ năm 1979 đến đầu những năm 1990 Việt Nam đưa quân vào Campuchia và phải chịu cấm vận từ Mỹ, lúc đó Nhật đã ngưng viện trợ ODA cho Hà Nội. Sau đó, quan hệ hai nước được bình thường hóa đến ngày nay. Năm 2014, Việt Nam và Nhật bản thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á.