Dự luật Mỹ trừng phạt các hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông (RFI, 24/05/2019)
Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ hôm 23/05/2019 đã trình lên Thượng Viện một dự luật nhằm buộc chính phủ trừng phạt các cá nhân và định chế Trung Quốc có liên can đến "các hành động phi pháp và nguy hiểm" trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc quần đảo Trường Sa, trong vùng tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh ngày 21/05/2015. Reuters/ Hải quân Mỹ
Nếu được thông qua, đạo luật đòi hỏi chính phủ Mỹ tịch thu các tài sản ở Hoa Kỳ, thu hồi và từ chối cấp visa của bất kỳ ai tham gia vào "các hành động hoặc chính sách đe dọa đến hòa bình, an ninh và ổn định" tại Biển Đông, nơi một số thành viên ASEAN đòi hỏi chủ quyền.
Luật quy định ngoại trưởng Mỹ phải báo cáo cho Quốc Hội mỗi sáu tháng, về các cá nhân hay công ty Trung Quốc cụ thể có liên can đến việc xây dựng và triển khai các dự án tại các khu vực ở Biển Đông đang bị các nước ASEAN tranh chấp. Trong số hành động bị dự luật nhắm đến có việc đào đắp đất, xây đảo nhân tạo, xây hải đăng, cơ sở hạ tầng thông tin di động.
Các hoạt động đe dọa "hòa bình, an ninh và ổn định" trong khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông cũng sẽ bị trừng phạt.
Dự luật này đã được trình lần đầu vào năm 2017 nhưng hiện vẫn nằm tại Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio và đồng nhiệm Dân Chủ Benjamin Cardin cùng với nhóm nghị sĩ ủng hộ tỏ ra lạc quan, vì lần này tân chủ tịch ủy ban là thượng nghị sĩ James Risch rất quan tâm đến hồ sơ Trung Quốc, còn tại Hạ Viện cũng có nhiều hy vọng được các dân biểu cả hai đảng thông qua.
Thụy My
****************
Thượng nghị sĩ Mỹ đề nghị dự luật mới nhắm vào Trung Quốc ở Biển Đông (RFA, 23/05/2019)
Các Thượng nghị sĩ Mỹ hôm thứ Năm ngày 23/5 đề xuất lại một dự luật được cho là nhắm đến các hoạt động mở rộng và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông nơi Trung Quốc đang có các tranh chấp về chủ quyền với một số nước châu Á.
Hình minh họa. Thượng nghị sĩ Marco Rubio phá biểu tại Ủy ban Tình báo Thượng Viện hôm 29/1/2019 - AP
Theo trang tin South China Morning Post, dự luật yêu cầu chính phủ Mỹ phải trừng phạt những cá nhân và tổ chức của Trung Quốc tham gia vào các hoạt động phi pháp và nguy hiểm ở Biển Đông và Hoa Đông.
Với tên gọi Dự luật Cấm vận Biển Đông và Hoa Đông, Dự luật đòi hỏi chính phủ phải tịch thu các tài sản về tài chính đặt tại Mỹ của các cá nhân và tổ chức có liên quan đến các hoạt động làm nguy hại đến hòa bình, an ninh và ổn định trên khu vực Biển Đông. Thậm chí, dự luật còn đề nghị việc từ chối cấp visa cho những người bị xác định là vi phạm luật này.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người tham gia đề xuất dự luật được South Morning China Post trích lời cho biết dự luật nhằm thắt chặt hơn nữa các nỗ lực của Mỹ và đồng minh để đối phó với hoạt động quân sự hóa nguy hiểm và phi pháp của Trung Quốc ở vùng tranh chấp mà Trung Quốc đã chiếm đóng ở Biển Đông.
Dự luật trước đó đã được giới thiệu vào năm 2017 nhưng không qua được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Các Thượng nghị sĩ Mỹ tin tưởng lần này dự luật sẽ được thông qua ở Thượng Viện và Hạ Viện trước khi được Tổng thống ký thành luật theo quy định tại Mỹ.
Lý do của sự lạc quan là vì chưa bao giờ các Thượng nghị sĩ và Dân biểu Mỹ lại có chung tiếng nói nhiều như lúc này trong việc đối phó với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nước vì những quan ngại về an ninh và quyền lợi của Mỹ.
Dự luật hiện được sự ủng hộ của 13 Thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa, hơn rất nhiều so với con số 2 Thượng nghị sĩ hồi năm 2017.
*****************
AMTI : 'Đội tàu phá hoại nhất của Trung Quốc trở lại Biển Đông' (VOA, 23/05/2019)
Quân đội Philippines cần kiểm chứng tin tức cho rằng đội tàu khai thác trai tượng khổng lồ của Trung Quốc đã trở lại Biển Đông, hãng truyền thông ABS-CBN của Philippines dẫn nguồn từ Phủ Tổng thống (Malacañang) cho biết hôm 21/5.
Bãi cạn Scarborough nơi
Trước đó, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington D.C. cho biết các hình ảnh vệ tinh mà họ có được cho thấy các đội tàu khai thác trai tượng của Trung Quốc đã trở lại Biển Đông trong khu vực mà Philippines tuyên bố có chủ quyền ‘trong vòng sáu tháng vừa qua’.
"Đây là lần đầu tiên tôi nghe về việc này và tôi cho rằng Bộ Tư lệnh Miền Tây cần kiểm chứng sự việc và chuyển qua cho Bộ trưởng Ngoại giao để cho cơ quan này có thể có bất cứ hành động gì về vấn đề này", phát ngôn nhân Phủ Tổng thống Salvador Panelo phát biểu trong một cuộc họp báo.
Trở lại ồ ạt
Hồi tháng trước, các ngư dân Philippine trình báo rằng ngư dân Trung Quốc đang khai thách ồ ạt loại trai tượng ở Bãi cạn Scarborough mà Manila tuyên bố có chủ quyền nhưng đã bị Trung Quốc giành lấy quyền kiểm soát từ năm 2012.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippine Teodoro Locsin Jr. trước đó đã nói rằng nước ông sẽ có hành động pháp lý với Trung Quốc về việc khai thác trai tượng ở bãi cạn giàu tài nguyên này.
Báo cáo của AMTI cho thấy các đội tàu khai thác trai tượng Trung Quốc đang hoạt động thường xuyên ở bãi cạn Scarborough nhưng ‘không có bằng chứng rõ ràng’ cho thấy ngư dân Trung Quốc cũng đang khai thác trai tượng ở quần đảo Trường Sa.
Sự trở lại ồ ạt của các đội tàu khai thác vào lúc này sau diễn ra sau khi Trung Quốc có sự giảm mạnh các hoạt động từ năm 2016 cho đến cuối năm 2018, theo AMTI.
Những đội tàu này hoạt động theo hình thức là hàng chục tàu đánh bắt nhỏ đi cùng với một vài tàu mẹ cỡ lớn. Chúng phá hủy những dải san hô rộng lớn để bắt trai tượng vốn đang nằm trong diện khẩn nguy. Vỏ của những con trai tượng này sau đó sẽ được đưa trở lại tỉnh Hải Nam nơi mỗi chiếc vỏ sẽ được bán với giá hàng ngàn đô la Mỹ trong thị trường đồ trang sức rất sôi động.
Mặt hàng đắt tiền
Loài trai tượng có vỏ có thể đạt tới chiều dài một mét, có trọng lượng trên 200 kg và có thể sống trên trăm tuổi. Người dân Trung Quốc xem đây là ‘vàng trắng của biển cả’ do giá của nó trong vòng bốn năm qua đã tăng đột biến đến nỗi nhiều ngư dân Trung Quốc đã từ bỏ cánh đánh bắt hải sản truyền thống.
Vỏ của loài trai tượng khồng lồ đã đạt được vị thế là mặt hàng xa xỉ trên thị trường Trung Quốc. Đó cũng là một cách để giữ gìn của cải và khoản đầu tư sinh lợi cao. Các mặt hàng nữ trang được chế tác từ vỏ loài này thậm chí còn được ca ngợi là đem lại cho người đeo năng lực siêu nhiên và cải thiện sức khỏe. Do đó, vỏ trai tượng đối với người Trung Quốc giống như ngà voi, ngọc trai, ngọc bích và vi cá với tất cả những lời đồn thổi phi lý về lợi ích của chúng nhập làm một.
Mặt khác, các sản phẩm làm từ vỏ trai tượng rất khó có thể làm giả. Sản phẩm thật có những lớp tăng trưởng bất thường, mịn với màu sắc khác biệt tinh tế vốn có thể dễ dàng nhìn thấy dưới kính hiển vi thông thường. Một cặp vỏ ốc cao cấp có thể được bán với giá lên đến một triệu nhân dân tệ, tức tương đương 150.000 đô la Mỹ.
Khai thác kiểu tàn phá
AMTI cho biết kể từ cuối năm 2018, các hình ảnh vệ tinh cho thấy các đội tàu này hoạt động thường xuyên ở bãi cạn Scarborough và trên khắp Quần đảo Hoàng Sa, bao gồm cả bãi Châu Viên (Bombay Reef).
Cũng theo cơ quan này thì từ năm 2012 cho đến 2015, các ngư dân khai thác trai tượng của Trung Quốc đã làm hư hại hay phá hủy ít nhất 28 bãi san hô trên khắp Biển Đông.
Phương pháp khai thác điển hình của các ngư dân săn trộm này là neo tàu lại rồi kéo những thanh trụ dài của động cơ đặt bên thành tàu qua bề mặt dải san hô để phá vỡ chúng giúp cho họ có thể dễ dàng lấy lên các con trai tượng khổng lồ. Hậu quả sinh thái là tàn khốc. Vì lẽ đó, trong vụ kiện của Philippines nhằm vào Trung Quốc hồi năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực cho rằng Bắc Kinh đã vi phạm các nghĩa vụ của họ phải bảo vệ môi trường biển theo luật pháp quốc tế.
Khi đó ông John McManus thuộc Đại học Miami, người ra làm chứng với tư cách chuyên gia tại phiên tòa, đã trình bày về diện tích hơn 25.000 mẫu bề mặt san hô nước nông bị thiệt hại do hành động khai thác trai tượng của Trung Quốc gây ra cho đến năm 2016, so với 15.000 mẫu bị tàn phá do việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Bắc Kinh dung dưỡng ?
Theo AMTI thì trước đây cũng như bây giờ, giới chức Trung Quốc đều biết về hành động phá hoại này của ngư dân của họ và dường như dung dưỡng cho hoạt động của những đội tàu này. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu khai thác trai tượng của Trung Quốc đã hoạt động thường xuyên tại bãi Châu Viên trong Quần đảo Hoàng Sa kể từ cuối năm 2018 mà bằng chứng rõ nhất là những cột trầm tích có thể nhìn thấy được. Những cột trầm tích này, cùng với những vết sẹo lan ra rộng khắp bề mặt dải san hô, là những dấu hiệu rõ ràng của cách dùng các thanh trụ đào bới xuống để khai thác vỏ trai tượng. Và tất cả những hoạt động này diễn ra bất chấp Trung Quốc đã thiết lập Trạm ‘Ocean E’ trên bãi Châu Viên hồi tháng 7 vừa rồi với khả năng giám sát vốn cho phép nó gửi các thông tin về các hoạt động gần bãi san hô cho giới chức Trung Quốc ở Hoàng Sa.
Còn tại bãi cạn Scarborough, các rạn san hô ở đây đã bị tổn hại ở quy mô lớn trong giai đoạn khai thác vỏ trai tượng ban đầu cho đến năm 2016. Tuy nhiên các hình ảnh hồi tháng 12 năm 2018 cho thấy một số lượng lớn các tàu khai thác trai tượng đã trở lại hoạt động.
Khi so sánh những hình ảnh chụp vào thời điểm tháng 12 và tháng 3, AMTI đã nhận ra những vết loang lổ mới trên dải san hô do hoạt động khai thác mới đây.
Cách khai thác mới
Bãi cạn Scarborough cũng cho thấy bằng chứng đầu tiên về một cách khai thác khác của ngư dân Trung Quốc ở những bề mặt san hô sâu hơn mà những thanh trụ không thể với tới. Hồi tháng Tư, một nhóm các nhà làm phim của ABS-CBN đã đến bãi cạn Scarborough và quay được cảnh những chiếc tàu Trung Quốc sử dụng những chiếc ống gắn với động cơ trên tàu để khai thác trai tượng. Cách khai thác này làm khuấy động trầm tích ở những vùng biển xung quanh. Và cũng như ở bãi Châu Viên, có bằng chứng rõ ràng cho thấy giới chức Trung Quốc biết rõ và dung dưỡng cho những hành động khai thác tàn phá môi trường này. Đài ABS-CBN đã quy được hình ảnh lực lượng tuần duyên Trung Quốc, vốn duy trì sự hiện diện thường trực ở Scarborough, đến thăm những chiếc tàu khai thác này.
Các nhà làm phim của ABS-CBN cũng quay được những đống vỏ trai tượng lớn được để trên khắp bãi san hô để sau đó các tàu các đến thu gom, trong khi hình ảnh vệ tinh từ tháng Ba dường như cho thấy những đống vỏ trai tượng này dưới những đốm trắng bất thường nằm rải rác vốn không thấy có trong những hình ảnh trước.
Tuy nhiên, ở quần đảo Trường Sa, AMTI không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về hành vi khai thác mới. Nhưng cách khai thác mới mà ngư dân Trung Quốc áp dụng ở bãi cạn Scarborough cho thấy ngày càng khó hơn để ghi lại những hoạt động của đội tàu Trung Quốc. Không giống như những thanh trụ gây ra những vết sẹo trên bề mặt san hô ở nước cạn, những máy bơm nước áp lực cao ở những vùng biển sâu hơn gây ra những thiệt hại khó có thể thấy được trong những hình ảnh vệ tinh, theo giải thích của AMTI. Điều này có nghĩa là nhiều hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc trên Biển Đông không được bên ngoài biết đến.
Tập Cận Bình khuyến khích ?
Trong một bài báo trên tờ Diplomat hồi đầu năm 2016, nhà báo Victor Robert Lee cho biết rằng mặc dù loài trai tượng là loài khẩn nguy và việc buôn bán chúng bị cấm theo luật pháp quốc tế và theo luật pháp Trung Quốc trên danh nghĩa, nhưng hành động khai thác chúng của các ngư dân Trung Quốc trong nhiều trường hợp diễn ra với sự có mặt của các tàu tuần duyên Trung Quốc hay trên những bãi san hô do hải quân của Giải phóng Quân Trung Quốc chiếm giữ.
Trong khi đó, nhiều công dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ với việc khai thác này với lập luận rằng ‘những ngư dân Hải Nam khai thác trai tượng ở Nam Hải đang đảm bảo cho chủ quyền của Trung Quốc’.
Tác giả bài báo đã đưa ra dẫn chứng là trước khi Trung Quốc tiến hành các hoạt động bồi đắp đảo gây tranh cãi ở các bãi Chữ Thập, Subi và bãi Vành Khăn hồi năm 2014 và 2015 đã có làn sóng những tàu cá Trung Quốc đã gây ra những những vết sẹo hình vòng cung trên khắp những dải san hô rộng lớn ‘như thể là ngư dân Trung Quốc được phát tín hiệu được phép thu gom chiến lợi phẩm trước khi những bãi san hô này vĩnh viễn bị nhấn chìm dưới hàng triệu tấn cát. Do đó việc khai thác tàn phá san hô này không chỉ gây quan ngại về hậu quả môi trường mà nó còn cho thấy nơi nào Trung Quốc đang nhắm đến kế tiếp để xây đảo nhân tạo.
Trang mua hàng trực tuyến của Trung Quốc Alibaba có hàng chục trang chyên về các sản phẩm được chế tác từ vỏ trai tượng, từ vòng tay cho đến dây chuyền cho đến một cặp vỏ còn nguyên.
Theo nhà báo Victor Robert Lee thì chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích ngành khai thác vỏ trai tượng bất chấp tính bất hợp pháp của nó như là một cách để thúc đẩy kinh tế của ‘Thành phố Tam Sa’.
Hồi tháng Tư năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một chuyến viếng thăm được đưa tin rộng rãi đến cảng Đầm Môn trên đảo Hải Nam trong một hành động được xem là gửi lời cảnh báo đến các nước khác về tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc. Lúc đó, ông Tập đã lên thăm một chiếc tàu cá vốn đã từng bị chặn giữ ở Palau hồi năm 2012 về tội đánh bắt bất hợp pháp khiến cho 25 ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ và một người bị cảnh sát Palau bắn chết. Tin tức cho rằng các ngư dân này lúc đó đang săn trộm trai tượng.
Ông Tập đã được Tân Hoa Xã dẫn lời nói với các ngư dân lúc đó là : "Đảng và Nhà nước sẽ nỗ lực hơn để giúp đỡ cho quý vị…"
******************
Trung Quốc điều hàng loạt tàu đánh bắt nghêu đến Biển Đông (RFA, 21/05/2019)
Sau một thời gian giảm hoạt động từ năm 2016 đến 2018, Trung Quốc trong vòng 6 tháng qua đã điều hàng loạt tàu đến khu vực Biển Đông để khai thác nghêu, đặt ra nguy cơ về tác động tiêu cực đến môi trường. Trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) loan tin này hôm 20/5.
Hình minh họa. Hình chụp do Hải quân Philippines công bố hôm 11/4/2012 : Hải quân Philippines kiểm tra một tàu cá Trung Quốc chứa đầy nghêu lớn ở bãi cạn Scarborough. AFP
Những hình ảnh vệ tinh của AMTI cho thấy Trung Quốc đã điều hàng chục tàu với các tàu mẹ đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa bắt đầu từ cuối năm ngoái để cào nghêu.
Tại Hoàng Sa, các hình ảnh vệ tinh cho thấy rõ nhất là tình trạng cào nghêu ở đảo Bom Bay bắt đầu từ cuối năm 2018 và rõ nhất là từ ngày 11/4 vừa qua.
Các tàu Trung Quốc dùng bồ cào dưới đáy biển, đập vỡ các rạn san hô để thu hoạch các loại nghêu lớn đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Theo báo cáo của tác giả Victor Robert Lee trên Diplomat hồi năm 2016, trong giai đoạn từ 2012 đến 2015, việc khai thác nghêu của Trung Quốc đã phá hủy ít nhất 28 rạn san hô ở Biển Đông.
Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016 cũng xác định Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ của mình được quy định trong luật quốc tế về bảo vệ môi trường biển.
*****************
Việt Nam siết chặt kiểm soát việc đánh bắt cá trái phép ở nước ngoài (RFA, 21/05/2019)
Thủ tướng Việt Nam vừa ký quyết định thành lập Ủy ban chỉ đạo phòng chống đánh bắt cá trái phép trước nguy cơ Việt Nam có thể phải đối mặt với khả năng bị cấm xuất khẩu cá vào EU. Thông tấn xã Việt Nam loan tin này hôm 21/5.
Hình minh họa. Các ngư dân Việt Nam (trái) đang ngồi trên tàu sau khi họ bị Cảnh sát Biển Thái Lan (phải) bắt giữ ở tỉnh Narathiwat hôm 14/2/2016 - AFP
Trưởng ban chỉ đạo Ủy ban mới là Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ủy ban cũng có một loạt các Phó Giám đốc mà một trong số đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Các thành viên của ủy ban bao gồm các giới chức lãnh đạo của các tỉnh, thành.
Theo truyền thông trong nước, vào ngày 16/5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ký một nghị định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, quy định mức phạt cao nhất lên tới 1 tỷ đồng đối với chủ tàu cá cho tàu đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Toàn bộ chi phí đưa ngư dân về nước do chủ tàu trả.
Từ tháng 10 năm 2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đã rút thẻ vàng cảnh cáo Việt Nam về tình trạng đánh bắt cá trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Trong các tháng 5 và 6 năm nay, Châu Âu sẽ cử phái đoàn đến Việt Nam để thị sát tình hình và quyết định có rút thẻ vàng đối với Việt Nam hay không. Nếu tình trạng vẫn không được cải thiện, Việt Nam có thể phải đối mặt với thẻ đỏ của EC, có nghĩa là hải sản của Việt Nam sẽ không được xuất khẩu vào Châu Âu.
Việt Nam trong những năm gần đây phải đối mặt với tình trạng tàu cá bị bắt giữ liên tục khi đánh bắt cá trái phép ở vùng biển nước ngoài như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Brunei, thậm chí đi xa hơn ra các đảo ở Thái Bình Dương.
Nhiều ngư dân cho biết họ phải đi đánh bắt xa vì nguồn cá gần bờ đã cạn kiệt.