Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

21/03/2017

Chiến lược Biển Đông : cuộc chạy đua đi tìm liên minh

RFI tiếng Việt

Việt Nam tìm kiếm sự hỗ trợ của Hàn Quốc tại Biển Đông (RFI, 21/03/2017)

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp gỡ ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se tại Hà Nội hôm 20/03/2017 đã bày tỏ mong muốn Seoul ủng hộ lập trường của Việt Nam về Biển Đông.

lienminh1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-Se tại Hà Nội ngày 20/03/2017. REUTERS/Kham

Reuters nhận định, Việt Nam là nước phải đối mặt với Trung Quốc nhiều nhất trên Biển Đông, từ khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thay đổi chủ trương, không đối đầu với Bắc Kinh như người tiền nhiệm.

Thông cáo của chính phủ Việt Nam cho biết : "Thủ tướng đã đề nghị Hàn Quốc tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam và các nước Đông Nam Á về Biển Đông, giúp đỡ Việt Nam tăng cường việc thực thi pháp luật trên biển". Thông cáo trên không nói rõ Hàn Quốc có đồng ý hỗ trợ hay không.

Ngoại trưởng Yun Byung-se khẳng định sẵn lòng siết chặt quan hệ, mặc dù tình hình Hàn Quốc đang bất ổn sau khi tổng thống Park Geun-hye bị truất phế.

Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, nhờ các tập đoàn như Samsung. Seoul, đang xung khắc với Bắc Kinh do việc Hoa Kỳ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc, hôm qua đã kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) việc Trung Quốc trả đũa các công ty Hàn Quốc.

Tuần trước, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc đưa tàu du lịch đến Hoàng Sa. Đây là hành động mới nhất của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền tại quần đảo chiếm được từ tay Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, sau các hành vi khác như truy đuổi tàu cá Việt Nam, bồi đắp đảo Bắc ở Hoàng Sa…

*******************

Pháp, Nhật ủng hộ tự do hàng hải tại Châu Á-Thái Bình Dương (RFI, 21/03/2017)

Pháp và Nhật Bản ủng hộ một "trật tự hàng hải tự do và mở rộng" tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố như trên, sau khi hội đàm với tổng thống Pháp François Hollande hôm 20/03/2017 tại Paris.

lienminh2

Tổng thống Pháp Francois Hollande và thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại điện Elyséee ngày 20/03/2017. REUTERS/Philippe Wojazer

Theo Reuters, thông điệp này có lẽ nhắm vào Trung Quốc, nước đang đòi hỏi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, gây quan ngại cho Nhật Bản và phương Tây trước sự hiện diện quân sự ngày càng hùng hậu trên biển.

Thủ tướng Nhật nói với báo chí sau cuộc hội kiến : "François và tôi đều đồng ý về tầm quan trọng của việc bảo đảm một trật tự hàng hải tự do và rộng mở tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tiếp tục ủng hộ sự ổn định và thịnh vượng cho khu vực".

Nhật Bản dự định điều chiến hạm lớn nhất của mình đi tuần tra một vòng Biển Đông bắt đầu từ tháng Năm. Đây sẽ là cuộc biểu dương lực lượng hải quân quy mô nhất trong khu vực kể từ Đệ nhị Thế chiến đến nay. Trung Quốc đe dọa sẽ đáp trả cứng rắn nếu Nhật Bản khuấy động vùng biển này.

Ông Shinzo Abe cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các cuộc tập trận hải quân hỗn hợp Nhật, Pháp, Anh, Mỹ gần đảo Tinian do Hoa Kỳ quản lý, tại Tây Thái Bình Dương vào tháng Năm tới.

Về phía Pháp, tổng thống François Hollande tái khẳng định ủng hộ việc tăng cường vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật, nói rằng hai nước sẽ cùng làm việc để xúc tiến khả năng phối hợp giữa hai quân đội. Ông tố cáo việc Bắc Triều Tiên phát triển chương trình nguyên tử và đạn đạo, và bày tỏ sự ủng hộ Nhật Bản sau vụ Bình Nhưỡng phóng bốn hỏa tiễn sang đến vùng ngoài khơi bờ biển tây bắc nước Nhật.

Thụy My

***************

Báo Nhật : Tillerson đã ăn phải bả của Bắc Kinh ? (RFI, 21/03/2017)

Chuyến công du Châu Á đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuần qua tiếp tục được báo chí trong khu vực bàn luận, đặc biệt là về chuyến đi Trung Quốc của ông trong hai ngày 18 và 19/03.

lienminh3

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 19/03/2017 tại Bắc Kinh. REUTERS/Thomas Peter

Riêng tờ The Japan Times của Nhật thì lo lắng đặt câu hỏi trong hàng tựa : "Lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã vô tình tạo cho Trung Quốc một mối quan hệ đại cường mới ?". Lý do là vì, theo nhận xét của tờ báo, trong chuyến đi đầu tiên của ông tới nước này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã sử dụng các cụm từ và ngôn ngữ thường được Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng.

Tại Bắc Kinh, ông Tillerson đã đề cập đến mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc như là được "xây dựng trên nguyên tắc không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và luôn tìm kiếm các giải pháp có lợi cho cả hai bên". Đó là những ngôn từ thường được Bắc Kinh sử dụng và điều đó đã làm một số chuyên gia ngạc nhiên. Cụm từ "tôn trọng lẫn nhau" có thể được hiểu là tôn trọng những gì mà Trung Quốc xem là "lợi ích cốt lõi" của họ.

Những lợi ích cốt lõi này bao gồm các vấn đề về lãnh thổ và chủ quyền, chẳng hạn như tranh chấp Trung - Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, cũng như tranh chấp trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Đài Loan, mà Trung Quốc coi một tỉnh phản nghịch, nếu cần sẽ dùng vũ lực để thống nhất với Hoa lục, cũng là một lợi ích cốt lõi.

Trong các tuyên bố được công bố sau cuộc gặp với ông Tillerson, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh hợp tác là "sự lựa chọn đúng đắn duy nhất" đối với quan hệ Trung-Mỹ, vì theo ông, các lợi ích chung của Trung Quốc và Mỹ vượt xa sự khác biệt giữa hai nước.

Các phương tiện truyền thông Nhà nước của Trung Quốc cũng đã đăng nhiều bài ca ngợi những tuyên bố ông của Tillerson, nói rằng Ngoại trưởng Mỹ đã "ngầm thừa nhận" mô hình quan hệ đại cường mới" của Bắc Kinh.

Ngay cả Hoàn Cầu Thời Báo, nổi tiếng với giọng điệu dân tộc chủ nghĩa cực đoan, cũng nhấn mạnh rằng Tillerson đã hai lần đề cập đến "nguyên tắc không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi", trong khi chính quyền Obama trước đây không hề nói đến điều này.

Theo The Japan Times, các đồng minh của Mỹ trong khu vực, cụ thể là Tokyo và Seoul, đã rất lo lắng theo dõi cách thức mà chính quyền Trump đối phó với một nước Trung Quốc ngày càng mạnh.

Khi được hỏi là phải chăng Tillerson muốn bắn một tín hiệu cho Bắc Kinh bằng cách diễn đạt với những ngôn từ gần như giống hệt nhau, phát ngôn viên Mark Toner của Bộ Ngoại giao nói rằng Ngoại trưởng Mỹ chỉ cố chuyển tải một điều là Hoa Kỳ cũng muốn có một quan hệ "thắng-thắng" với Trung Quốc.

Trên thực tế, theo The Japan Times, gần như chắc chắn ông Tillerson đã tỏ thái độ cứng rắn hơn khi hội đàm kín với giới lãnh đạo Bắc Kinh, nên việc sử dụng những ngôn từ nói trên có lẻ là nhắm để cho Trung Quốc vớt vát thể diện.

Trong một tuyên bố, Tillerson đã thể hiện quan điểm cứng rắn của ông với Trung Quốc khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng "trật tự dựa trên luật lệ để giải quyết các tranh chấp lãnh hải và tự do hàng hải và hàng không". Đây là một cách để duy trì nguyên trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và cũng nhằm để trấn an thủ tướng Nhật Shinzo Abe, người cũng có đường lối cứng rắn trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc trên hai vùng biển đó.

Theo một chuyên gia được tờ The Japan Times trích dẫn, tuy Trung Quốc sẽ rất vui mừng với cử chỉ hợp tác của Tillerson, Bắc Kinh không ngây thơ đến mức nghĩ rằng những khác biệt sâu sắc giữa hai bên sẽ biến mất như có "phép mầu".

Thanh Phương

********************

Đài Loan tự đóng tàu ngầm để chống Trung Quốc (RFI, 21/03/2017)

Trước sự bành trướng, đe dọa quân sự của Trung Quốc, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ngày 21/03/2017 thông báo nước này sẽ tự chế tạo tàu ngầm và hy vọng Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Đây là dự án đóng tầu ngầm đầu tiên của Đài Loan.

lienminh4

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trên chiếc tàu ngầm do Hà Lan sản xuất Sea Tiger tại căn cứ hải quân ở Cao Hùng ngày 21/03/2017. SAM YEH / AFP

Reuters cho biết là từ căn cứ hải quân Zuoying, cách Đài Bắc 350 km về phía Nam, tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố "tăng cường khả năng chiến đấu dưới biển là thiết yếu để bảo vệ Đài Loan". Bà Thái Anh Văn cũng nói thêm : "Đây là vấn đề mà tất cả mọi người đều biết (…), nhưng chúng ta đã không thể làm được trong quá khứ. Với tư cách là tổng tư lệnh quân đội, tôi quyết tâm giải quyết vấn đề này".

Theo nhiều chuyên gia, để đóng một tàu ngầm tối tân, Đài Loan sẽ phải dựa vào công nghệ nước ngoài. Hiện Đài Loan mới chỉ có 4 tàu ngầm : hai chiếc mua của Mỹ từ hồi Đệ Nhị Thế Chiến, chủ yếu được dùng để huấn luyện, hai tàu ngầm còn lại do Hà Lan sản xuất vào những năm 1970 và bán cho Đài Loan vào những năm 1980.

Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan cho biết Trung Quốc đang hướng 1.500 tên lửa sang Đài Loan. Quân đội Đài Loan chỉ có 200.000 người, so với con số 2.3 triệu quân của Trung Quốc.

Chính quyền của tổng thống Donald Trump đã bắt đầu chuẩn bị giao cho Đài Loan số vũ khí nước này đặt mua của Mỹ, trong đó có cả tên lửa chống hạm để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, thông báo về thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình khiến chính quyền Đài Loan lo sợ là sẽ không còn là đối tượng được hưởng ưu tiên từ Hoa Kỳ.

Thùy Dương

**********************

Thủ tướng Singapore thăm Việt Nam (BBC, 21/03/2017)

lienminh5

Thủ tướng Lý Hiển Long cùng phu nhân đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất hôm 21/03/2017

Vừa đến thăm Việt Nam, Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore đã thông báo trên mạng Facebook và chia sẻ video về Thành phố Hồ Chí Minh, chặng dừng chân đầu tiên của ông.

Ông nói ông "đã đến Thành phố Hồ Chí Minh năm 2006" và viết thêm rằng "Singapore là bạn tốt của Việt Nam".

Thủ tướng Lý Hiển Long nhận xét so với lần thăm trước, thì "thành phố sôi động hơn rất nhiều".

Ông nói tôi "rất mong đợi gặp Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Phong và sau đó ra Hà Nội, gặp Chủ tịch Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo khác, để khai thác các cách tăng cường tình hữu nghị".

"Tôi sẽ gặp nhiều người Singapore trong mấy ngày tới, ở đây và ở Hà Nội, và sẽ cập nhật bằng ảnh nhanh chóng".

Phong cách rất thân thiện với mạng xã hội của Thủ tướng Lý Hiển Long ngay từ giờ đầu chuyến thăm Việt Nam từ 21 đến 24/3 đã thu hút các bạn dùng Facebook cả tiếng Việt và tiếng Anh.

******************

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thăm Việt Nam (BBC, 20/03/2017)

Một nhà quan sát bình luận với BBC rằng chuyến thăm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chứng tỏ "Singapore rất chú trọng quan hệ với Việt Nam".

lienminh6

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến thăm Việt Nam bốn ngày từ ngày 21 đến 24/3.

Hôm 20/3, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas) ở Singapore nói với BBC : "Chuyến đi này đáng chú ý vì cuối tháng 9 sẽ diễn ra thượng nghị APEC ở Việt Nam, cho nên ông Lý Hiển Long sẽ đến Việt Nam hai lần trong năm nay".

"Điều này cũng cho thấy Singapore rất chú trọng Việt Nam và quan hệ hợp tác với Việt Nam", ông Hiệp nói thêm.

"Có một điểm đáng lưu ý ở đây là về tình hình tranh chấp ở Biển Đông, quan điểm của Việt Nam và Singapore ngày càng có nhiều điểm tương đồng. Đây có thể là mẫu số chung cho sự phát triển mối quan hệ song phương", ông Hiệp bình luận.

BBC hôm 20/3 đã tìm cách liên hệ với Đại sứ Việt Nam tại Singapore Nguyễn Tiến Minh nhưng không liên lạc được.

Nhưng ông Nguyễn Tiến Minh trước đó có nói với VietnamNet rằng chuyến thăm của ông Lý Hiển Long là để trao đổi những cơ hội mới về đầu tư kinh doanh giữa hai nước.

Đối tác quan trọng

Singapore là đối tác lớn thứ sáu của Việt Nam và thứ hai trong khối ASEAN.

Singapore cũng là nhà đầu tư lớn thứ ba ở Việt Nam, chỉ sau Nhật Bản và Nam Hàn, với tống giá trị đầu tư là 40 tỉ đôla.

"Trong chuyến thăm này, thủ tướng dự kiến sẽ có buổi nói chuyện với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Việt Nam để củng cố mối quan hệ hợp tác song phương", Đại sứ Việt Nam nói thêm.

Ông cũng sẽ gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Singapore tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Lý Hiển Long qua thăm cùng đợt với lễ ra mắt sách Hồi Ký Lý Quang Diệu diễn ra ở Hà Nội ngày 23/3.

Thủ tướng quốc đảo sư tử đã từng thăm Việt Nam rất nhiều lần từ khi còn giữ chức vụ Phó Thủ tướng.

Chuyến thăm gần đây nhất của ông là vào tháng 9/2013, theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore.

Quay lại trang chủ
Read 676 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)