Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/06/2019

Tập Cận Bình đến Bình Nhưỡng để làm gì ?

RFI tiếng Việt

Tập Cận Bình, người thứ ba trong "chuyện tình" Trump-Kim (RFI, 22/06/2019)

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể bày tỏ "tình yêu mến" Kim Jong-un, nhưng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm mọi cách để xuất hiện như một đối tác không thể thiếu của cặp Trump-Kim, trong chuyến thăm Bình Nhưỡng vừa rồi

tapkim01

Tay bắt mặt mừng, nhưng tình hữu nghị Trung-Triều có thực sự "thắm thiết" ? KCNA via Reuters

Chuyến công du Bắc Triều Tiên đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc kể từ 14 năm qua đã giúp hai nước phô bày sự hòa hảo vừa tìm lại được, sau thời gian căng thẳng do quốc tế trừng phạt chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng – mà Bắc Kinh cũng tham gia.

Cuộc viếng thăm hai ngày kết thúc hôm thứ Sáu 21/06/2019 cũng phục vụ cho quyền lợi của nhà lãnh đạo Trung Quốc, trước cuộc gặp tổng thống Mỹ tuần tới tại Nhật Bản mà cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ là đề tài chủ đạo.

Bối cảnh lần này hỗ trợ cho ông Tập : sau cuộc họp thượng đỉnh lịch sử tại Singapore tháng 6/2018, việc hai ông Trump-Kim xích gần lại với nhau chừng như lại gặp trắc trở. Washington đòi hỏi Bắc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa toàn bộ trước khi được dỡ bỏ trừng phạt, nhưng Bình Nhưỡng từ chối.

Chuyên gia về châu Á Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đặt tại Washington nhận định : "Tập Cận Bình lợi dụng Bình Nhưỡng để chứng tỏ với tổng thống Trump là Trung Quốc đóng vai trò cần thiết tại bán đảo Triều Tiên. Ông Tập hy vọng nếu thuyết phục được ông Kim nối lại đối thoại với Hoa Kỳ, thì ông Trump có thể giảm bớt áp lực thương mại cho Trung Quốc".

Bản thân tổng thống Mỹ trong quá khứ cũng đã từng liên hệ hai hồ sơ này với nhau. Tuy Donald Trump gọi Tập Cận Bình là "bạn", nhưng năm ngoái ông cũng đã cho rằng ông Tập là "tay chơi bài joker tầm quốc tế". Theo ông Trump, Kim Jong-un đã thay đổi thái độ sau khi gặp chủ tịch Trung Quốc.

Kim Jong-un, lá bài của Bắc Kinh ?

Chắc chắn là người quyền lực nhất Trung Quốc đã dùng Bắc Triều Tiên như một con bài để đối đầu với Washington – theo nhận xét của Ahn Chan Il, một người Bắc Triều Tiên đào thoát nay là nhà nghiên cứu ở Seoul. Ông Ahn ghi nhận, việc Tập Cận Bình được Bắc Triều Tiên tiếp đón rình rang giúp ông Tập có thể mạnh miệng nói rằng "liên minh máu thịt giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng (trong cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953) sẽ không bị ông Trump làm đảo lộn", bất chấp các động thái của tổng thống Mỹ.

Lu Chao, chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh dự báo, Bắc Kinh "chắc chắn sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải chủ chốt, để đưa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ đến bàn hội nghị".

Tuy nhiên theo Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), giáo sư về quan hệ quốc tế, trường đại học Nhân Dân Bắc Kinh, mặc dù Kim Jong-un năm ngoái đã thăm Trung Quốc đến bốn lần, quan hệ hai nước vẫn chưa hoàn toàn hữu hảo. Ông nhắc nhở, Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt. "Với việc cải thiện quan hệ, Trung Quốc có thể tìm lại một ít ảnh hưởng đối với Bắc Triều Tiên, nhưng rốt cuộc Kim Jong-un vẫn luôn là người quyết định".

Dấu hiệu cho thấy hai nước láng giềng vẫn ch06/2019ưa thực sự thuận thảo : đài truyền hình Trung Quốc CCTV đã "đặt vào miệng" Kim Jong-un câu "sẵn sàng tỏ ra kiên nhẫn" trong việc thương lượng với Hoa Kỳ - một câu nói không hề có trên báo chí Bắc Triều Tiên.

Tại Bắc Kinh, nhật báo tiếng Anh China Daily nhấn mạnh, ảnh hưởng của Trung Quốc lên nước láng giềng nhỏ bé hãy còn hạn chế. Tờ báo viết : "Có thể thế giới hy vọng rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc có ma thuật biến đá thành vàng, nhưng không thể trông đợi ông Tập có thể giải quyết mọi hồ sơ của bán đảo Triều Tiên trong chuyến công du chỉ có hai ngày".

Thụy My

******************

Bình Nhưỡng ca ngợi tình hữu nghị "không gì lay chuyển" với Bắc Kinh (RFI, 21/06/2019)

Ngày 21/06/2019, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày tại Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên hết lời ca ngợi tình hữu nghị "không gì lay chuyển" với nước láng giềng.

tapkim1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tiếp đón chủ tịch Tập Cận Bình tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng ngày 20/06/2019. KCNA via Reuters

Hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA trích dẫn các phát biểu của lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng chuyến thăm của đồng minh Trung Quốc là "một dịp quan trọng" để hai nước thể hiện với cả thế giới mối quan hệ "không gì lay chuyển" và một tình hữu nghị "bất di bất dịch". Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh đối thoại Mỹ - Triều rơi vào bế tắc.

Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, được AFP dẫn lại, trong các cuộc trao đổi, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã phàn nàn rằng nước ông đã cố gắng đưa ra "rất nhiều biện pháp tích cực" nhằm làm hạ nhiệt căng thẳng, nhưng đã không được "các bên liên quan đáp ứng xứng đáng".

Vẫn theo nguồn tin của CCTV, Kim Jong-un cho biết sẵn sàng "chứng tỏ kiên nhẫn" trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Phía Bình Nhưỡng chưa có bình luận gì về những thông tin này. Tuy nhiên, tờ China Daily cảnh báo hồ sơ Bắc Triều Tiên sẽ không dễ gì được giải quyết bằng"chiếc đũa thần", cho dù lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có gặp tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hay không.

AFP dẫn lại tường thuật của truyền hình Trung Quốc cho biết chủ tịch Trung Quốc đã được "hàng trăm ngàn" người dân Bắc Triều Tiên đón tiếp với những tràng pháo tay nồng nhiệt trong ngày hôm qua.

Chế độ Kim Jong-un tồn tại được bao lâu ?

Cũng liên quan đến chế độ Bình Nhưỡng, ông Thae Yong Ho, cựu quan chức ngoại giao, từng công tác tại đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Anh và đã đào tẩu, khi trả lời các câu hỏi của báo giới tại Tokyo ngày hôm qua nhận định rằng "chế độ Bình Nhưỡng không bao lâu nữa sẽ bị sụp đổ. Tôi không tin rằng Kim Jong-un có thể duy trì chế độ quá 20 năm".

Theo ông, sự sụp đổ chế độ sẽ do sự thay mới một thế hệ lãnh đạo chứ không phải do tác động của một ngoại bang hay do một cuộc đảo chánh của quân đội để lật đổ Kim Jong-un.

Minh Anh

**********************

Bắc Kinh, đối tác nặng ký giúp Bình Nhưỡng nối lại đàm phán với Mỹ về hạt nhân (RFI, 20/06/2019)

Sau Seoul đến lượt Bắc Kinh trở thành trung gian để Bình Nhưỡng nói chuyện với Washington. Theo giới phân tích, trong nhãn quan của chính quyền Kim Jong-un, tiếng nói của ông Tập Cận Bình với Donald Trump sẽ có trọng lượng hơn so với những nỗ lực của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

tapkim001

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Bắc Kinh. (Ảnh Tân Hoa Xã công bố ngày 28/03/2018) Reuters

Ông Tập Cập Bình đến Bình Nhưỡng lần này để đáp lễ Kim Jong-un đã bốn lần sang Bắc Kinh trong 15 tháng vừa qua. Đây là một chuyến công du mang nặng tính biểu tượng. Lần gần đây nhất một nguyên thủ Trung Quốc đến Bình Nhưỡng là hồi năm 2005 và thân phụ của ông Kim Jong-un, là Kim Jong-il, cũng đã dành cho ông Hồ Cẩm Đào những nghi lễ trang trọng nhất. Vào lúc đó, Bắc Triều Tiên là một trong những quốc gia khép kín nhất hành tinh. Giờ đây, quốc gia đông bắc Á này là một trong những địa điểm du lịch được người Trung Quốc ưa chuộng.

Khác với thời đại của hai thế hệ lãnh đạo trước, (Kim Nhật Thành/Kim Il-sung và Kim Jong-il) đương kim chủ tịch Bắc Triều Tiên đã hai lần bắt tay tổng thống Hoa Kỳ sau hàng loạt vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Về phía Bắc Kinh, từ khi lên cầm quyền năm 2012 ông Tập Cận Bình liên tục củng cố địa vị. Trung Quốc dưới năm tháng của ông Tập Cận Bình đã khẳng định là một siêu cường trên thế giới, cạnh tranh quyết liệt với Mỹ về kinh tế, ngoại giao và cả về quân sự. Lần này nguyên thủ Trung Quốc dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu các doanh nhân đến Bình Nhưỡng. Hơn thế nữa, ông Tập là nhà lãnh đạo quốc tế đón tiếp Kim Jong-un nhiều nhất, kể từ khi ông này lên kế nghiệp cha, cuối năm 2011.

Nhìn từ Bắc Triều Tiên, trong 9 năm qua, Kim Jong-un đã ba lần bắt tay tổng thống Hàn Quốc, hai lần họp thượng đỉnh với nguyên thủ Hoa Kỳ Donald Trump, thăm Hà Nội và gặp các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam... Nếu tính luôn chuyến công du Bình Nhưỡng lần này của ông Tập Cận Bình thì đây là lần thứ năm, lãnh đạo Bắc Triều Tiên và Trung Quốc gặp nhau.

Các hoạt động đối ngoại kể trên của Kim Jong-un được giới quan sát đánh giá là rất quan trọng, thể hiện sự năng động và tinh tế trong chính sách ngoại giao của Bình Nhưỡng.

Kể từ khi chuyển hướng, ngừng khiêu khích cộng đồng quốc tế để chuẩn bị đàm phán với Hoa Kỳ, chính quyền Bình Nhưỡng đã xích lại gần với Seoul. Bởi Hàn Quốc vừa là đồng minh thân cận của Mỹ tại đông bắc Á vừa là nước láng giềng anh em với Bắc Triều Tiên. Nhưng vài tuần trước khi đến Singapore bắt tay Donald Trump, ông Kim Jong-un và phu nhân đã đáp tàu hỏa từ Bình Nhưỡng đến thẳng Bắc Kinh.

Chế độ Kim Jong-un từ tháng 4/2018 liên tục thúc đẩy quan hệ Liên Triều, cởi mở với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhưng không bao giờ lơ là với Bắc Kinh, kể cả sau thất bại thượng đỉnh Hà Nội hồi tháng 02/2019.

Điều này khiến giới quan sát khẳng định rằng trong đàm phán Mỹ- Bắc Triều Tiên về hạt nhân, Bắc Kinh là "kênh trên đối thoại ưu tiên" của Bình Nhưỡng, bởi Tập Cận Bình có nhiều lá chủ bài hơn là tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Thứ nhất, về chiến lược và kinh tế, từ giữa thế kỷ 20, Bắc Kinh là điểm tựa an toàn cho gia đình họ Kim.

Thứ hai, trên cương vị thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc có quyền phủ quyết lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào chế độ Kim Jong-un và lợi ích kinh tế của Trung Quốc đối với nước láng giền này không nhỏ.

Điểm thứ ba, là ông Tập Cận Bình có nhiều lá chủ bài để thuyết phục tổng thống Trump ở Nhà Trắng hơn Moon Jae-in.

Donald Trump vừa khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ hai, nên cũng cần lấy điểm với cử tri Mỹ. Khi cả hai ông Trump và Tập cùng muốn nhanh chóng tạm khép lại cuộc chiến thương mại thì rõ ràng lãnh đạo Bắc Kinh mới chính là chìa khóa giúp Bình Nhưỡng nhanh chóng đạt được mục tiêu mong muốn.

Không biết có một sự tình cờ hay không, mà vào hôm nay, đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên tuyên bố rằng để tháo gỡ bế tắc trong hồ sơ hạt nhân, cả Washington lẫn Bình Nhưỡng cần có thái độ "uyển chuyển".

Thanh Hà

***************

Tập Cận Bình đến Bình Nhưỡng : Kinh tế và hạt nhân, trọng tâm đối thoại Trung-Triều (RFI, 20/06/2019)

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên tiếp đón trọng thể nguyên thủ Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình và phu nhân bắt đầu chuyến viếng thăm cấp Nhà nước Bắc Triều Tiên trong hai ngày 20 và 21/06/2019. Một phái đoàn hùng hậu các doanh nhân Trung Quốc tháp tùng ông Tập đến Bình Nhưỡng.

tapkim2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, tại Bắc Kinh, ngày 10/01/2019. (Ảnh do truyền hình Trung Quốc CCTV công bố)AFP

Theo hãng tin Pháp AFP, bốn giờ sau buổi làm việc đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước, báo chí Bắc Kinh chỉ đưa tin chủ tịch Trung Quốc và phu nhân được tiếp đón rất trọng thể. Bắc Triều Tiên bắn 21 phát đại bác chào mừng sự kiện này. 10.000 người dân Bắc Triều Tiên được huy động tại sân bay để đón chào ông Tập. Nhưng cho đến trưa nay, đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc vẫn chưa đăng tải hình ảnh chuyến viếng thăm lịch sử này.

Còn Tân Hoa Xã đưa tin ngay sáng nay, chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo Kim Jong-un đã bắt đầu một loạt các cuộc đối thoại, nhưng không đi sâu vào chi tiết.

Ông Tập Cận Bình là chủ tịch Trung Quốc đầu tiên đến Bình Nhưỡng kể từ năm 2005. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang đọ sức với Washington về thương mại và đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên về hạt nhân rơi vào bế tắc. Theo giới phân tích kinh tế và hạt nhân sẽ là trọng tâm các cuộc hội đàm luận giữa hai nhà lãnh đạo.

Tập Cận Bình và Kim Jong-un muốn gì ?

Đây không phải là lần đầu tiên mà hai lãnh đạo Trung-Triều gặp nhau, thế nên câu hỏi được các nhà quan sát đặt ra là hai ông Tập Cận Bình và Kim Jong-un muốn gì vào thời điểm này.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias giải thích :

"Chủ tịch Trung Quốc đến Bình Nhưỡng nhắc nhở rằng ông là người đóng vai trò không thể bỏ qua trong bất kỳ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Tập Cận Bình muốn cho thấy rõ uy lực cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên. Điều đó sẽ giúp ông có thêm lợi thế khi đàm phán với Mỹ nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại song phương.

Ông Tập Cận Bình đã không chọn thời điểm công du Bình Nhưỡng một cách ngẫu nhiên : Vào tuần tới đây, hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ mở ra tại Osaka (Nhật Bản), nơi ông sẽ gặp tổng thống Mỹ Donald Trump.

Về phần mình, ông Kim Jong-un muốn phô trương liên minh với Trung Quốc để củng cố vị thế đàm phán của chính ông trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Donald Trump.

Lãnh đạo Bình Nhưỡng cũng cần hỗ trợ của Bắc Kinh để hạn chế các lệnh trừng phạt quốc tế. Tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc mới đây đã bác bỏ một yêu cầu của Mỹ muốn nghiêm cấm hoàn toàn việc chuyển giao dầu hỏa cho Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh cũng có thể viện trợ thực phẩm cho Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với đồng minh Bắc Triều Tiên vẫn có giới hạn, và nhân chuyến công du này, khó có khả năng ông Tập Cận Bình đạt được những nhượng bộ lớn từ Kim Jong-un".

Trọng Nghĩa

*******************

Thăm Bắc Triều Tiên : chủ tịch Trung Quốc muốn có thêm lá bài mặc cả với Mỹ (RFI, 19/06/2019)

Ngày 28 và 29/06/2019 tại thượng đỉnh khối G20 ở Osaka, chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Mỹ dự kiến gặp nhau. Tranh chấp thương mại là hồ sơ trọng tâm. Chỉ ít ngày trước cuộc gặp quan trọng này, Bắc Kinh thông báo ông Tập Cận Bình thăm Bắc Triều Tiên trong hai ngày, 20 và 21/06/2019.

tapkim3

Truyền hình Trung Quốc CCTV chiếu cảnh lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un gặp chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh, ngày 10/01/2019. Reuters/Jason Lee/File Photo

Đây lần đầu tiên một nguyên thủ Trung Quốc đến Bình Nhưỡng kể từ 14 năm nay. Vì sao ông Tập Cận Bình chọn thời điểm đặc biệt này để công du Bắc Triều Tiên ?

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc dĩ nhiên là cổ vũ cho chuyến đi, được cho là mang lại hy vọng các bên có thể sẽ đi đến một giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Trong giới chuyên gia quốc tế cũng có nhiều tiếng nói khẳng định Bắc Kinh sẽ có tác động tích cực nhất định đến tiến trình đối thoại Mỹ - Bắc Triều Tiên.

Theo nhiều chuyên gia, một trong những lý do chính để Bắc Kinh chọn thời điểm đặc biệt nhạy cảm này là để khẳng định vị thế đối tác không thể thay thế trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, hiện đang rơi vào bế tắc, kể từ sau thất bại của thượng đỉnh Trump – Kim tại Hà Nội, cuối tháng 02/2019. Việc chủ tịch Trung Quốc thăm Bắc Triều Tiên cũng có thể khiến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên nổi lên trở lại, trong bối cảnh căng thẳng tại vùng Vịnh đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, và phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông buộc Bắc Kinh rút vào thế phòng ngự tạm thời.

Theo ông Chu Chí Quần (Zhiqun Zhu), chuyên gia về chính trị quốc tế, Đại học Bucknell, Pennsylvania, được báo Nhật Japan Times trích dẫn, Bắc Kinh muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng : Trung Quốc vẫn là đối tác chủ chốt tại khu vực Đông Bắc Á, không có sự ra tay của Bắc Kinh, mọi nỗ lực tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên đều vô ích.

Ông Triệu Thông (Zhao Tong), chuyên gia về Bắc Triều Tiên, thuộc trung tâm Carnegie – Tsinghua, Bắc Kinh, cũng nhấn mạnh, cuộc hội kiến Tập – Kim tại Bình Nhưỡng là một cơ hội cho thấy Trung Quốc vẫn còn có khả năng tác động đến chế độ Bắc Triều Tiên, với tư cách người bảo trợ, đồng minh thân cận nhất. Chuyến công du này cũng đưa ra một lời cảnh báo đến Washington, là nếu Hoa Kỳ muốn đạt được các mục tiêu chiến lược tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thì phải có các nhân nhượng với Trung Quốc.

Ông Triệu Thông phỏng đoán, Bắc Kinh có thể đứng ra đóng vai trò thu hẹp khoảng cách về lập trường giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên trong đàm phán về phi hạt nhân hóa, đổi lại Washington sẽ "mềm mại" hơn với Bắc Kinh trong tranh chấp thương mại. Chuyên gia Chu Chí Quần (Zhiqun Zhu), Đại học Bucknell, Pennsylvania, nêu kịch bản lãnh đạo Bắc Triều Tiên thông qua chủ tịch Trung Quốc gửi một thông điệp đến tổng thống Mỹ, đề nghị ông Trump có thái độ thực tế hơn, và nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn về các lo ngại của chế độ Bắc Triều Tiên, trong hồ sơ phi hạt nhân hóa.

Theo ông Abraham Denmark, giám đốc chương trình Châu Á của viện tư vấn Wilson center, Washington, việc các thương thuyết Mỹ - Bắc Triều Tiên có tiến triển, cho dù còn xa mới đi đến đích phi hạt nhân hóa, cũng nằm trong lợi ích của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh lo ngại đàm phán bế tắc có thể dẫn đến những căng thẳng mới tại khu vực, thậm chí xung đột vượt tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng Bắc Kinh tác động vào tiến trình đàm phán Mỹ - Bắc Triều Tiên đến đâu, có thể khai thông bế tắc hay không, cho đến nay vẫn hoàn toàn là một ẩn số. Việc ông Tập Cận Bình tới Bình Nhưỡng với những tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ chế độ Bắc Triều Tiên, kèm theo đó là nhiều khoản viện trợ và các hỗ trợ lớn dự kiến sau đó, càng khiến chính quyền Kim Jong-un thêm vững tâm, khó lòng thỏa hiệp theo đòi hỏi của Mỹ, như nhận định của ông James Schoff, một chuyên gia về Đông Á của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 609 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)