Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

21/06/2019

Trung Quốc đưa chiến đấu cơ đến Hoàng Sa và chối không trốn thuế

RFI tiếng Việt

Biển Đông : Trung Quốc công khai đưa chiến đấu cơ đến Hoàng Sa (RFI, 21/06/2019)

Đài truyền hình Mỹ CNN hôm 21/06/2019 dựa trên các hình ảnh vệ tinh cho biết Trung Quốc đã đưa ít nhất bốn chiến đấu cơ J-10 đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa cưỡng chiếm của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017 có bằng chứng loại máy bay tiêm kích này được triển khai tại Biển Đông.

tq1

Ảnh vệ tinh của tổ chức CSIS Asia Maritime Transparency Initiative chụp các hệ thống vũ khí mới, gồm cả các chiến đấu cơ J-11, trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa ngày 12/05/2018. Courtesy CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe

Các chuyên gia khi quan sát những ảnh chụp này đã nhận định, các phi cơ J-10 đậu công khai ngoài trời cùng với các thiết bị, không có các thùng dầu phụ, cho thấy chúng đã được tiếp nhiên liệu ngay trên đảo và đã hiện diện ít nhất 10 ngày. Họ đặt câu hỏi vì sao Bắc Kinh lại muốn phô trương như vậy.

Ông Carl Schuster, cựu quan chức trung tâm tình báo phối hợp của bộ chỉ huy Thái Bình Dương, cho rằng Trung Quốc muốn "khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ của họ, và họ có thể đưa chiến đấu cơ đến bất kỳ nơi nào họ muốn. Đồng thời họ chứng tỏ là Bắc Kinh có thể mở rộng năng lực không quân trên Biển Đông theo ý mình".

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh ông Tập Cận Bình chuẩn bị gặp tổng thống Mỹ Donald Trump trong hội nghị G20 tổ chức tại Nhật Bản tuần tới.

J-10 là loại chiến đấu cơ có tầm hoạt động 500 dặm (740 km), có thể bao phủ phần lớn Biển Đông và các tuyến đường hàng hải quan trọng tại đây.

Phú Lâm là đảo lớn nhất tại quần đảo Hoàng Sa, đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, được đặt tên mới là Vĩnh Hưng.

Hiện chưa thấy phía Việt Nam lên tiếng. Điều đáng ghi nhận là trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã yêu cầu Trung Quốc "giáo dục các nhân viên", không để tái diễn tình trạng xua đuổi, tịch thu tài sản của các tàu đánh cá Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa.

Thụy My

******************

Đặc khu kinh tế Trung Quốc tại Cam Bốt bác bỏ cáo buộc về né thuế (RFI, 21/06/2019)

Đặc khu kinh tế Sihanoukville do Trung Quốc sở hữu tại Cam Bốt hôm nay 21/06/2019 bác bỏ thông tin là các công ty ở đây đã bị phạt vì đã thay đổi xuất xứ hàng Trung Quốc để né thuế hải quan của Mỹ.

tq2

Cảng Sihanoukville, Cam Bốt. Ảnh chụp ngày 28/09/2017. Reuters/Samrang Pring/File Photo

Hôm thứ Tư 19/6, phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ Arend Zwartjes trong một email đã xác nhận với hãng tin Reuters là bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã thanh tra và phạt một số công ty bên trong đặc khu kinh tế Sihanoukville (SSEZ) vì những công ty này đã thay đổi xuất xứ hàng Trung Quốc thành hàng sản xuất tại Cam Bốt, nhằm tránh thuế hải quan mà chính quyền Donald Trump áp đặt lên Bắc Kinh. Phát ngôn viên này không cho biết thêm chi tiết.

Đặc khu kinh tế Sihanoukville trong một thông cáo đăng trên trang web tối qua đã bác bỏ cáo buộc trên đây, nói rằng họ đã kiểm tra nội bộ, nhưng không thấy đơn vị nào trong số 29 công ty tại đây có sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị hải quan Mỹ thanh tra và phạt.

Thông cáo tỏ ý tiếc là thông tin trên đã "gây phương hại sâu sắc cho uy tín của SSEZ", khẳng định "luôn cổ vũ các cơ sở trong đặc khu chấp hành luật lệ, kiên quyết phản đối các hoạt động bất hợp pháp".

Đại sứ quán Mỹ từ chối bình luận về thông cáo trên.

Trong tháng này, hải quan Việt Nam loan báo phát hiện nhiều trường hợp hàng Trung Quốc đội lốt "Made in Vietnam" để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, né tránh mức thuế bị Washington áp đặt trong thương chiến Mỹ-Trung.

Reuters ghi nhận Trung Quốc là nước cung cấp viện trợ và nhà đầu tư lớn nhất của Cam Bốt, với hàng tỉ đô la viện trợ phát triển và cho vay trong khuôn khổ dự án "Một vành đai, một con đường". Phnom Penh từng tích cực ủng hộ Bắc Kinh, khiến hội nghị của ASEAN không ra được thông cáo chung về Biển Đông.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 633 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)