Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

21/06/2019

Dân Hồng Kông tiếp tục xuống đường đòi hủy bỏ dự luật dẫn độ

RFI tiếng Việt

Bắc Kinh bóp nghẹt hệ thống bầu cử Hồng Kông như thế nào ? (RFI, 21/06/2019)

Phong trào chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, tại Hồng Kông tháng 6/2019, buộc chính quyền và Bắc Kinh lùi bước. Dự luật bị đình lại. Phong trào dân chủ Hồng Kông giành thắng lợi hiếm hoi. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cảnh báo : Bắc Kinh chỉ tạm nhân nhượng. Về dài hạn, Trung Quốc đang thực thi kế hoạch bóp nghẹt hệ thống bầu cử tại cựu thuộc địa Anh Quốc, vốn mang nhiều chất dân chủ. RFI giới thiệu nhận định của nhà bình luận chính trị Hồng Kông Tang Phổ (Sang Pu), trên mạng Asialyst (1).

hongkong1

Nhiều người biểu tình mang Dù vàng, biểu tượng của phong trào "Occupy Central/Chiếm lĩnh trung tâm", Hồng Kông, 9/6/2019. Reuters/Tyrone Siu

1. Thao túng quy chế bầu cử lãnh đạo đặc khu

Nhà bình luận Tang Phổ, trong bài "Trung Quốc hủy hoại dần mòn hệ thống bầu cử Hồng Kông như thế nào ?", trước hết nhấn mạnh đến sự thao túng của chính quyền Trung Quốc đối với việc bầu cử lãnh đạo đặc khu hành chính và Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông (tên viết tắt là LegCo, hay Nghị Viện đặc khu).

Trước hết là vấn đề lãnh đạo đặc khu Hồng Kông. Kể từ khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, người đứng đầu đặc khu này được bầu 5 năm một lần. Cử tri Hồng Kông không có quyền bầu trực tiếp lãnh đạo Hồng Kông. Người đảm nhiệm chức vụ này do một ủy ban bầu cử (có tên "Tuyển cử ủy viên hội") quyết định.

Theo lịch trình mà Luật cơ bản của Hồng Kông vạch ra, đặc khu này sẽ phải trở thành "một nền dân chủ thực thụ", có nghĩa là lãnh đạo đặc khu phải được bầu lên thông qua con đường phổ thông đầu phiếu, sau khi được một ủy ban - mang tính đại diện thực sự - lựa chọn theo thể thức dân chủ (điều 45), cũng như việc mọi dân biểu của Nghị Viện cũng phải được chọn ra thông qua con đường phổ thông đầu phiếu (điều 68).

Tuy nhiên, hy vọng Hồng Kông đi đến một dân chủ thực sự đã bị bóp nghẹt. Ngày 31/08/2014, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã dội gáo nước lạnh vào niềm hy vọng le lói của cử tri Hồng Kông, khi chính thức thông báo thể thức siết chặt việc bầu lãnh đạo đặc khu mới, kể từ năm 2017.

Ủy ban 1.200 thành viên (Tuyển cử ủy viên hội), với đa số thành phần do Bắc Kinh kiểm soát (2), có trách nhiệm chọn ra từ hai đến ba ứng cử viên chính thức, tranh cử chức vụ đứng đầu đặc khu, để sau đó đưa ra cho cử tri bỏ phiếu. Quy định này chặn đứng khả năng thực thi các nguyên tắc hướng đến dân chủ trong Luật cơ bản (Basic Law), hay Hiến pháp của Hồng Kông. Theo quyết định từ Bắc Kinh, tất cả các đảng phái chính trị tại Hồng Kông, hay cử tri Hồng Kông, dù với số lượng bao nhiêu, đều không có quyền trực tiếp cử người ra tranh chức lãnh đạo đặc khu.

Quyết định của Quốc hội Trung Quốc gây một làn sóng phản kháng chưa từng có, với phong trào bất tuân dân sự "Cách mạng Dù vàng", kéo dài hơn 2 tháng. Tuy nhiên, Bắc Kinh không đổi ý. Lãnh đạo Hồng Kông như vậy vẫn tiếp tục được bầu lên theo thể thức "bất công" lâu nay.

2. Thao túng quy chế bầu cử Nghị Viện

Bên cạnh quy chế bầu lãnh đạo đặc khu, nhà bình luận chính trị Tang Phổ cũng chỉ trích cơ chế bầu cử Nghị Viện Hồng Kông hiện hành. Nghị Viện Hồng Kông với 70 nghị sĩ, được chia thành hai khối. Khối 35 dân biểu do cử tri 5 quận của Hồng Kông bầu lên trực tiếp và khối 35 nghị sĩ khác. Trong khối 35 nghị sĩ thứ hai, có 30 người được đại diện của khoảng 30 nhóm ngành nghề, và 5 người còn lại do 400 thành viên các hội đồng địa phương bầu chọn.

Các lực lượng chính trị dân chủ Hồng Kông nhìn chung được sự ủng hộ của khoảng từ 55 đến 60% cử tri đặc khu. Nhưng việc thiết kế quy chế bầu cử theo kiểu này đã cho phép Bắc Kinh gần như thao túng được toàn bộ các quyết định quan trọng.

Việc thiết kế hệ thống Nghị Viện theo hai nhóm đã tạo một rào cản khó vượt qua. Bởi một đề xuất lên Nghị Viện chỉ được thông qua, nếu được thông qua với đa số phiếu trong cả hai nhóm nghị sĩ. Mà chính quyền Trung Quốc lại đã có được sự ủng hộ của khoảng hai phần ba trong số đại diện các nhóm ngành nghề.

Viễn cảnh cải cách hướng đến cử tri bầu trực tiếp toàn bộ 70 nghị sĩ Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông trở nên bất khả thi sau quyết định của Quốc hội Trung Quốc, chỉ chấp nhận thể thức bầu dân chủ nói trên, một khi thể thức bầu lãnh đạo đặc khu theo quy định mới được thông qua. Mà bầu theo thể thức mới có nghĩa là người dân Hồng Kông chỉ được phép chọn lựa người lãnh đạo trong số các ứng viên đã được Bắc Kinh phê chuẩn.

3. Gài người vào các tổ chức dân chủ để gây chia rẽ

Theo nhà bình luận chính trị Tang Phổ, thì quy chế bầu cử Nghị Viện đối với nhóm 35 dân biểu cử tri bầu trực tiếp tại các đơn vị địa lý – hành chính, nhìn chung khuyến khích nhiều ứng cử viên quyết định lập ra các đảng phái chính trị mới. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự nở rộ của nhiều đảng phái dân chủ ở Hồng Kông trong thập niên vừa qua. Để thể hiện sự khác biệt với các đảng phái truyền thống, họ phải tỏ ra sáng tạo, thậm chí cực đoan hơn. Các đảng phái chính trị mới cũng mở rộng cửa cho người dân tham gia. Đây chính là một cơ hội khiến Bắc Kinh thao túng một số đảng mới, để thực hiện chính sách "chia để trị".

Một trong các biện pháp chủ yếu của chính quyền Trung Quốc là đưa người vào một số đảng mới xuất hiện, và sử dụng các tổ chức này để reo rắc tư tưởng cực đoan, mỵ dân, nhằm gây chia rẽ, xung đột nội bộ, khiến dân chúng ít tin tưởng hơn vào các đảng phái dân chủ... Cùng một chiến thuật này đã được Bắc Kinh sử dụng tại Đài Loan, Úc, Canada và thậm chí tại Mỹ.

Nhà bình luận chính trị Tang Phổ đặc biệt nhấn mạnh đến thủ đoạn của Bắc Kinh nhằm chia rẽ các nhóm được coi là "ôn hòa" với các nhóm "triệt để", giữa các lực lượng dân chủ truyền thống với các nhóm ủng hộ tự trị hay độc lập cho Hồng Kông. Vụ rối loạn tại khu Mongkok năm 2016 bị điểm mặt là có bàn tay của Trung Quốc. Một cuộc điều tra đang được tiến hành.

Tháng 10/2016, một người tên là Win-kin Cheng đã bị một tòa án cấp quận của Hồng Kông kết án, vì đã tìm cách hối lộ một số chính trị gia ủng hộ tự trị cho Hồng Kông (trong đó có ông Lương Tụng Hằng (Sixtus Leung), đảng Yongspiration - Thanh Niên Tân Chánh), nhằm thuyết phục họ ra ứng cử, nhằm phân tán phiếu bầu cho các ứng cử viên khác (không có chính trị gia nào chấp nhận). Win-kin Cheng khai đã nhận tiền của một doanh nhân Trung Quốc họ Lý. Theo Minh Báo Hồng Kông, thì môi giới cho Win-kin Cheng và doanh nhân họ Lý gặp nhau là một số người có quan hệ thân cận với Văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại đặc khu Hồng Kông.

4. Một số thủ đoạn mới để loại trừ các ứng cử viên dân chủ

Theo nhà bình luận chính trị Tang Phổ, thì kể từ năm 2016, chính quyền Trung Quốc thúc đẩy Hồng Kông có thêm một số biện pháp mới để loại trừ các ứng cử viên dân chủ ngay từ vòng đăng ký tranh cử, và trong trường hợp đã đắc cử, ứng cử viên đắc cử vẫn có thể bị loại do vướng vào quy định tuyên thệ không đúng cách.

Kể từ năm 2016, những người muốn tranh cử dân biểu phải ký vào một tờ khai in sẵn, khẳng định tôn trọng Luật cơ bản, đặc biệt là điều 1, đòi hỏi phải chấp nhận Hồng Kông là một bộ phận "không thể tách rời" của Trung Quốc. Những người muốn ứng cử cũng phải khẳng định trung thành với chính quyền Hồng Kông, bằng văn bản viết. Chính quyền Hồng Kông dành cho người đứng đầu ủy ban tổ chức bầu cử quyền hạn rất lớn trong việc thẩm định việc một cử tri có trung thành với Luật cơ bản một cách "thành thực" hay không.

Theo nhà bình luận Tang Phổ, chính quyền Hồng Kông liên tục chuyển dịch "lằn ranh đỏ", tùy theo đòi hỏi chính trị nhất thời, đi ngược lại Quy ước về quyền dân sự và chính trị của chính đặc khu Hồng Kông, khiến cán cân chính trị tại Hồng Kông ngày càng nghiêng về phe thân Bắc Kinh. Thể thức thẩm định độc đoán này hiện có xu hướng mở rộng sang các cuộc bầu cử địa phương, sắp diễn ra. Thể thức này hiện đã được một tòa án cấp dưới chấp thuận.

Việc không tuân thủ đúng quy định về tuyên thệ nhậm chức dân biểu cũng có thể bị coi là một tiêu chí để loại trừ một ứng cử viên đắc cử. Trong những đợt bầu cử trước, nhiều nghị sĩ phe dân chủ đã sử dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc đọc sai lời tuyên thệ, hoặc mang trang phục với dấu hiệu phản kháng, để thể hiện sự bất tuân đối với chính quyền đặc khu và Bắc Kinh, nhưng cho dù lời tuyên thệ bị đọc sai (ví dụ như đọc sai chữ "Trung Quốc" hay biến lời tuyên thệ thành một câu hỏi chẳng hạn), các tân nghị sĩ vẫn có thể đọc lại.

Giờ đây, theo cách giải thích về điều 104 Luật cơ bản Hồng Kông của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc (2016), người đắc cử dân biểu không có quyền tuyên thệ lần thứ hai để sửa sai. Tòa thượng thẩm Hồng Kông đã chấp nhận cách giải thích của Quốc hội Trung Quốc. Theo ông Tang Phổ, cách giải thích này là hết sức phi lý, chưa có tiền lệ và hoàn toàn không dựa vào luật Hồng Kông. Chưa kể việc điều 104 Luật cơ bản Hồng Kông không hề nói đến việc tân dân biểu phải tuyên thệ trung thành nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Ngày 15/12/2017, phe dân chủ mất đa số tuyệt đối tại Nghị Viện, do một số dân biểu bị loại, vì các siết chặt nói trên.

Nhà bình luận chính trị Tang Phổ cũng nhấn mạnh đến chiến lược tổng thể của chính quyền Trung Quốc, cùng chính quyền Hồng Kông, đang hủy hoại dần dần từng bước một các định chế dân chủ tại Hồng Kông, như "bóc hành theo từng lớp vỏ". Phương thức mà Bắc Kinh đang làm không khác những gì mà chính quyền phát xít Đức đã làm trước đây đối với các lực lượng chính trị cộng sản, nghiệp đoàn, các tổ chức của người Thiên Chúa giáo, người Do Thái… trước và trong Thế Chiến Hai (3).

Trọng Thành

Ghi chú :

1) Bài"Hong Kong : comment Pékin déconstruit patiemment le système électoral", Asialyst, 16 juin 2019 (người dịch sang tiếng Pháp David Bartel). Bài viết nằm trong cuốn China’s Sharp Power in Hong Kong,  tác phẩm tập thể do Benny Yiu Ting-tai và một số lãnh đạo phong trào Occupy Central phụ trách.

2) Quy định thành phần hơn 1.000 thành viên ủy ban bầu chọn lãnh đạo đặc khu, trong Luật cơ bản Hồng Kông, được đánh giá là có lợi cho việc Bắc Kinh đưa người thân cận vào định chế quan trọng này.

3) Ông Tang Phổ cũng dự đoán Bắc Kinh trong thời gian tới sẽ tiếp tục có các thủ đoạn nhằm hủy diệt dân chủ tại Hồng Kông, như sắp xếp lại các đơn vị bầu cử, kể từ cuộc bầu cử các hội đồng cấp quận năm 2019 (bổ sung thêm 21 đơn vị), cho phép người dân có giấy tờ thường trú - trong đó có nhiều thành phần thân cận với chế độ Bắc Kinh - bỏ phiếu, đầu tư tài lực hậu thuẫn để các ứng viên thân Bắc Kinh mua chuộc cử tri… hay giải tán một số đảng phái chính trị (như Đảng Dân Tộc Hồng Kông).

*******************

Hồng Kông : luật dẫn độ dẫn Bắc Kinh vào ngõ hẹp (RFI, 21/06/2019)

Chính quyền Trung Quốc muốn biến Hồng Kông thành một đặc khu kiểu mẫu để chiêu dụ hoặc ép buộc Đài Loan hội nhập vào Hoa lục. Tuy nhiên, dân Hồng Kông xuống đường như biển người, vứt bỏ dự luật dẫn độ, cảnh báo Bắc Kinh là họ không để bị nuốt sống. Dự luật bị đình chỉ. Lãnh đạo Hồng Kông và Trung Quốc đều nằm trong thế kẹt.

hongkong3

Người biểu tình trương một tấm bảng khi tham dự một cuộc biểu tình yêu cầu các nhà lãnh đạo của Hồng Kông từ chức và rút dự luật dẫn độ, tại Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 16 tháng 6 năm 2019. Reuters / Jorge Silva

Chưa bao giờ chế độ cộng sản Trung Quốc bị thách thức mạnh mẽ như vậy kể từ sau phong trào dân chủ Thiên An Môn. Hồng Kông chỉ có 7,3 triệu dân mà hơn 2 triệu người xuống đường chống luật dẫn độ, chống toà án Trung Quốc thay thế tư pháp đặc khu.

Vào năm 2014, phong trào Dù Vàng nổi dậy kéo dài 80 ngày. Lúc đó dân Hồng Kông tranh đấu đòi được quyền bầu lãnh đạo một cách dân chủ và bác bỏ đề nghị "Đảng cử để đại cử tri bầu" của Bắc Kinh. Cuối cùng phe tranh đấu không đạt được gì hết.

Lần này, đối với người dân Hồng Kông, nếu dự luật dẫn độ được ban hành, thì đây sẽ là một bước lùi dân chủ rất lớn, trong khi Hồng Kông có pháp luật hẳn hoi và độc lập.

Dân Hồng Kông xem luật dẫn độ là một âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc. Một nhà tranh đấu lý giảiNếu luật dẫn độ được ban hành thì người nước ngoài sẽ bỏ Hồng Kông. Không có đầu tư thì Hồng Kông nghèo đi. Hồng Kông nghèo đi thì tất cả mọi người không riêng gì tầng lớp trung lưu bị tổn hại và cuối cùng lệ thuộc vào Hoa lục.

Phá lá chắn "nhất quốc lưỡng chế"

Nguyên tắc "một quốc gia hai chế độ", lá chắn bảo vệ bản sắc dân tộc từ năm 1997, bị đe dọa nghiêm trọng. Vì sao ? RFI tìm hiểu với giáo sư Jean- François Huchet, đại học ngôn ngữ Đông phương Inalco, Paris trong chương trình "Giải mã" : Nguyên tắc một nước hai chế độ bị đe dọa.

Dự luật này nếu được ban hành sẽ cho phép dẫn độ bất kỳ một người nào đang cư trú tại Hồng Kông bị cáo buộc là phạm pháp theo một định nghĩa rất mơ hồ, qua một nước khác nhất là Trung Quốc. Tất cả mọi người đều có thể bị luật này chi phối từ những nhà hoạt động chính trị cho đến các tổ chức thiện nguyện. Từ năm 1997, rất nhiều nhà hoạt động, nghiệp đoàn độc lập chạy sang lãnh địa này tị nạn. Một hiệp hội bảo vệ người lao động, bị cấm hoạt động tại Hoa lục, nếu đặt cơ sở ở Hồng Kông vẫn có thể bị truy tố theo luật Trung Quốc trong khi Hồng Kông có một hệ thống tư pháp độc lập. Luật Hồng Kông, do yếu tố lịch sử, là luật của Anh Quốc nên hoàn toàn khác với luật của chế độ Trung Quốc. Toà án Hồng Kông độc lập với chính quyền trong khi đó, luật pháp tại Hoa lục như thế nào thì mọi người đã rõ. Người Hồng Kông do vậy rất sợ viễn ảnh bị xét xử theo công lý một chiều của Trung Quốc không theo nguyên tắc tam quyền phân lập như ở Hồng Kông hiện nay.

Vì sao Bắc Kinh phá mô hình "một quốc gia hai chế độ", đề xuất của chính ông Đặng Tiểu Bình ? Giáo sư Jean- François Huchet :

Một quốc gia hai chế độ là nguyên tắc được thiết lập trong vòng đàm phán giữa Luân Đôn và Bắc Kinh trong những năm 1980, 1984. Đó là công thức cho phép Trung Quốc thu hồi một lãnh địa mà đời sống được tổ chức một cách hoàn toàn khác biệt với Hoa lục vẫn được tiếp tục sinh hoạt như thế thêm 50 năm nữa, từ 1997 đến năm 2047 thì chấm dứt.

Chúng ta thấy Hồng Kông được tự trị trong nhiều lĩnh vực. Về thương mại, Hồng Kông là thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, có hệ thống tài chính riêng, tiền tệ riêng. Trong thống kê hoạt động thương mại thế giới, Hồng Kông cũng độc lập với Trung Quốc.

Từ 22 năm qua, chính quyền Trung Quốc luôn cảm thấy khó chịu vì mảnh đất nhỏ dân chủ này cho dù chỉ là một nền dân chủ tương đối. Trong khi đó, người dân Hồng Kông muốn cải cách sâu rộng hơn nữa, muốn dân chủ hơn nữa nên xảy ra phong trào "Dù Vàng" năm 2014, đòi bầu trưởng đặc khu theo lối phổ thông đầu phiếu và tự do. Trung Quốc cũng gặp chống đối ngay từ năm 1997 khi muốn thụt lùi xóa đi những tiến bộ chính trị tại Hồng Kông mà vị toàn quyền cuối cùng là Chris Patten mang lại nhất là về bầu cử lãnh đạo và nghị viện.

Hồng Kông ra sao sau năm 2047 ?

Câu hỏi then chốt là sau năm 2047 thì Hồng Kông sẽ ra sao ? Theo thông tín viên Florence de Changy của RFI và Le Monde, dân Hồng Kông không nghĩ xa xôi. Nhiều người biểu tình cho biết họ chỉ mong "Hồng Kông làHồng Kông từ nay cho đến 2047. Trước khi đến kỳ hạn chừng 15 năm thì họ sẽ tính đến thời hậu 2047". Tuy nhiên, công luận hy vọng trong 22 năm còn lại, tình hình sẽ có biến chuyển. Dường như trong các cuộc thương lượng, lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và thủ tướng Anh Margaret Thatcher ngầm dự đoán là vào thời điểm đó, chính sách mở cửa và tứ hiện đại hóa cộng với dân chủ hóa, Trung Quốc trở thành một nước dân chủ. Do vậy, thống nhất với Hoa lục không còn là một chướng ngại.

Còn theo giáo sư Jean-François Huchet , tất cả tùy thuộc vào diễn tiến tình hình tại Hoa lục và Hồng Kông từ nay cho đến 2047. Với Tập Cận Bình, liệu Trung Quốc tiếp tục làm mọi cách để siết chặt, để kềm tỏa Hồng Kông bằng những văn bản pháp lý như dự luật dẫn độ. Nếu chính quyền Trung Quốc thành công thì xem như xóa sạch nguyên tắc "một quốc gia hai chế độ". Năm 2047 sẽ đến một cách êm ả, không có chuyện gì đặc biệt để nói.

Vấn đề là dân Hồng Kông cương quyết bảo vệ văn hóa, bản sắc yêu chuộng tự do của mình :

Có rất nhiều khác biệt giữa Hồng Kông và Hoa lục. Tự do báo chí, người dân được tự do phát biểu, tự do học hành, không bị nhồi sọ tuyên truyền chính trị. Trong nhiều lãnh vực, Hoa lục không thể sánh bằng Hồng Kông. Dân Hồng Kông có quyền tự do lập hội, tự do thành lập nghiệp đoàn bảo vệ người lao động, có quyền biểu tình, có quyền đình công. Người dân Hồng Kông có dịp sang Hoa lục đều nhận ra được sự khác biệt giữa hai xã hội.

Vì sao có sự khác biệt văn hóa này ? Trước hết, dân Hồng Kông là dân tứ xứ. Một bộ phận là thế hệ hai, thế hệ ba, ông bà cha mẹ có gốc gác ở Hoa lục nhưng chạy qua Hồng Kông trốn chế độ cộng sản Mao Trạch Đông. Những người này có ký ức đau thương với quê cha đất tổ.

Thành phần thứ hai, cũng từ Hoa lục chạy sang nhưng gần đây hơn, vào thập niên 1980 khi Trung Quốc mở cửa. Thế nhưng, thành phần này, sau 15 năm, 20 năm sống tại Hồng Kông, họ tự xem mình là người Hồng Kông hơn là người Hoa lục, một phần cũng vì thừa hưởng cuộc sống tự do.

Do hiện tượng di dân này mà tỷ lệ người Hoa lục định cư tại Hồng Kông ngày càng tăng so với dân bản địa.Thế nhưng Bắc Kinh muốn nhanh chóng "Hán hóa" lãnh địa bằng những kế hoạch mà cuối cùng phải đình chỉ vì đụng với tinh thần phản kháng mãnh liệt. Cụ thể là dự án bắt học sinh phải được giáo dục ái quốc theo nghĩa không cho rèn luyện tinh thần phê phán. Phải học lịch sử Trung Quốc nhưng không được tìm hiểu về các sự kiện lịch sử quan trọng như vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 hoặc có thì cũng chỉ trình bày một chiều theo kiểu tuyên truyền ở Trung Quốc.

Mục đích của giáo dục ái quốc là làm cho người dân Hồng Kông trở thành ngoan ngoãn hơn, yêu Trung Quốc hơn.

Tuy nhiên, đụng đến giáo dục, Trung Quốc gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của Giáo Hội Công Giáo, kiểm soát rất nhiều trường học ở Hồng Kông. Người ta không quên Hồng y Trần Nhật Quân, người bảo vệ triệt để nền dân chủ tại Hồng Kông cũng là động lực cỗ vũ cho các phong trào tranh đấu đẩy lùi các dự án siết chặt tự do trong đó có dự án cải cách giáo dục năm 2012.

Mưu toan "Hán hóa" không thành công. Trong đời sống hàng ngày, người ta thường xuyên chứng kiến những vụ cãi vã giữa du khách Hoa lục và dân cư Hồng Kông. Điều này cho thấy có sự xung khắc giữa hai nền văn hóa.

Hồng Kông, Đài Loan trong thế liên hoàn : ác mộng của Bắc Kinh

Một câu hỏi không kém quan trọng ở đây là phải chăng chính quyền thân Bắc Kinh ở Hồng Kông đánh giá thấp dân chúng đặc khu ? Hoặc là Tập Cận Bình muốn nhanh chóng "bình định chư hầu để củng cố quyền thiên tử" theo văn hóa phong kiến ? Theo giáo sư Jean- François Huchet, Bắc Kinhlo sợ một phong trào độc lập nổi dậy ở Hồng Kông, tạo thêm thanh thế cho Đài Loan :

Lúc khởi đầu, nguyên tắc "một quốc gia hai chế độ" được Trung Quốc tôn trọng khá rộng rãi trừ trường hợp liên quan đến bầu cử tự do mà toàn quyền Chris Patten ban hành trong những ngày tháng cuối cùng. Nhưng từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, Bắc Kinh tiến hành chính sách cứng rắn tại khắp các lãnh thổ ven biên từ Tây Tạng cho đến Tân Cương. Tại Tân Cương, hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ bị tập trung cải tạo. Trung Quốc cũng lên giọng với Đài Loan và quốc tế. Hồng Kông cũng là nạn nhân trong chính sách này. Trong lãnh vực xuất bản xảy ra chuyện chủ nhân và nhân viên bị bắt cóc đem về Hoa lục. Ở đại học, ngày càng có nhiều giới hạn về chương trình giảng dạy. Tự do báo chí và độc lập tư pháp cũng bị siết từ từ.

Năm 2014, xảy ra phong trào "Dù vàng" khi Bắc Kinh muốn sửa luật bầu cử tại Hồng Kông. Một lần nữa, Trung Quốc đụng phải giới trẻ ý thức tương lai gắn liền với nền dân chủ. Đó là lần đầu tiên phong trào học sinh sinh viên tung ra khẩu hiệu "đòi độc lập". Điều này làm Bắc Kinh lo sợ một phong trào độc lập nổi lên và lan rộng. Đó là lý do cần có một đạo luật dẫn độ để toà án Trung Quốc có thể trừng phạt các nhà hoạt động chính trị với những bản án nặng nề.

Dự luật dẫn độ làm tràn ly nước đầy vì đụng thẳng vào nguyên tắc cơ bản của quyền tự do vì vậy mà dân Hồng Kông cực lực phản đối.

Donald Trump xoa tay

Kế hoạch mở đường "pháp lý" triệt đối lập và đảng viên ly khai trốn qua Hồng Kông tạm thời bị ngưng lại.

Trên thực tế, Trung Quốc rơi vào ngõ cụt. Hoặc Bắc Kinh thú nhận sai lầm, nhìn nhận chiến thắng của phong trào xuống đường với hệ quả là trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức. Nếu không, phe thân Bắc Kinh có nguy cơ bị thất bại lớn trong cuộc bầu cử hai năm tới (Le Monde 18/06/2019).

Điều nguy hiểm cho Bắc Kinh hơn nữa là tại Hoa Kỳ, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà cùng quyết định là nếu Hồng Kông không còn chính quyền thượng tôn pháp luật thì Washington sẽ đình chỉ các hiệp định kinh tế với đặc khu, chấm dứt những đặc quyền mà Bắc Kinh thụ hưởng gián tiếp. Nói cách khác, "luật dẫn độ" vô tình tặng cho Donald Trump một lá chủ bài mới trong canh phé chiến tranh thương mại với Tập Cận Bình.

Tú Anh

********************

Hàng ngàn người biểu tình phong tỏa trụ sở cảnh sát Hồng Kông (RFI, 21/06/2019)

Hàng ngàn người biểu tình mặc trang phục màu đen hôm 21/06/2019 tập trung trước trụ sở cảnh sát Hồng Kông để đòi trả tự do cho những người đấu tranh bị bắt trong những ngày gần đây, và yêu cầu trưởng đặc khu phải từ chức.

hongkong2

Biểu tình tại Hồng Kông ngày 21/06/2019. Reuters/Tyrone Siu TPX IMAGES OF THE DAY

Ngay từ sáng sớm, nhiều người đã xuống đường tại khu vực trung tâm thành phố, hầu hết mặc đồ màu đen, màu áo được chọn lựa trong cuộc biểu tình vĩ đại quy tụ hai triệu người vào Chủ nhật tuần trước. Họ mang khẩu trang, hô những khẩu hiệu phản đối chính quyền và phong tỏa Harcourt Road, con đường dẫn vào Nghị Viện, trong một thời gian ngắn.

Sau đó đoàn người chuyển hướng về trụ sở cảnh sát Hồng Kông, đòi thả những người biểu tình bị bắt, mở điều tra về bạo lực cảnh sát. Họ hô vang "Xấu hổ cho cảnh sát côn đồ !". Bên cạnh đó, người biểu tình còn đòi hủy bỏ dự luật dẫn độ và trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải từ chức.

Bà Quan Dư Khải (Yu Hoi Kwan), một trong quan chức của cảnh sát Hồng Kông kêu gọi người biểu tình giải tán với lý do "Số lượng người đông đảo vây quanh trụ sở cảnh sát sẽ gây khó khăn cho việc cấp cứu". Bà cho báo chí biết, một ê-kíp đã được gởi đến để thương thuyết với người biểu tình.

Lời kêu gọi xuống đường hôm nay do nghiệp đoàn sinh viên đưa ra, cùng với các nhà tổ chức không chính thức thông qua các mạng xã hội, và các ứng dụng tin nhắn mã hóa như Telegram. Chẳng hạn như thông báo : "Có vô số cách để tham gia, hãy hình dung ra hành động của bạn để chứng tỏ tình yêu Hồng Kông. Ngày 21/6 không phải là ngày kết thúc đấu tranh, mà cuộc đấu tranh sẽ tiếp tục trong những ngày tới".

Những người phản kháng dự định tổ chức picnic trước Nghị Viện, biểu tình bằng cách di chuyển thật chậm trên đường và trên các phương tiện giao thông công cộng, cổ vũ cư dân tập trung tại nhiều nơi trong thành phố để bày tỏ sự ủng hộ phong trào. Các cơ quan chính quyền hôm nay phải đóng cửa vì lý do an ninh.

Sau hai cuộc biểu tình lịch sử với một triệu người tham gia hôm 9/6 và hai triệu người hôm 16/6, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã phải thông báo hoãn lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, tuy nhiên bà đã không hủy bỏ dự luật này.

Trong một diễn biến khác, thủ lãnh sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) hôm nay cho biết một kiến nghị đòi chính phủ Pháp thu hồi Bắc đẩu bội tinh đã tặng cho bà Lâm năm 2015 đã thu thập được trên 160.000 chữ ký.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 585 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)