Hôm thứ Ba, truyền thông Trung Quốc nói số lượng các cuộc tấn công bạo động mà họ nói do "các tổ khủng bố" trong nước thực hiện đã giảm nhờ các biện pháp tăng cường an ninh, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng mức độ âm mưu bạo lực vẫn còn cao.
Mít-tinh chống 'khủng bố' của cảnh sát Trung Quốc ở Kashgar, Tân Cương, ngày 27/2/2017.
Trung Quốc nói họ đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng do chủ nghĩa cực đoan bạo lực đặt ra, đặc biệt là tại khu vực Tân Cương, miền tây Trung Quốc, nơi hàng trăm người đã bị giết trong những năm gần đây vì tình trạng bất ổn giữa người Hồi giáo Uighur và người Hán chiếm đa số.
Các giới chức Trung Quốc nói có một chiến dịch của những thành phần ly khai muốn thành lập một quốc gia độc lập gọi là Đông Hồi tại đây. Tuy nhiên, các nhóm bênh vực nhân quyền tỏ ra hoài nghi về sự hiện diện của một nhóm chiến binh có tổ chức ở Tân Cương. Các nhóm này cho rằng chính sự giận dữ của người Uighur về các chính sách đàn áp của Trung Quốc là nguyên do đưa đến tình trạng bất ổn.
Nhật báo Trung Quốc China Daily trích dẫn dữ liệu từ Viện Luật thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói "Các vụ tấn công bạo lực được tổ chức hoặc liên quan đến các tổ khủng bố" đã giảm trong năm 2016".
Tuy nhiên, một chuyên gia về chống khủng bố tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, Li Wei, nói với báo chí : "Nên lưu ý là có nhiều cuộc tấn công bị phá vỡ trong giai đoạn lên kế hoạch. Chúng tôi không thấy một sự suy giảm lớn trong các âm mưu tấn công".
Tờ báo Trung Quốc nói nhiều "nghi phạm khủng bố" sinh ra trong những năm 1980 và 1990, và nhiều tổ khủng bố được thành lập từ các thành viên trong một gia đình.
Theo tờ báo, học viện cũng cho biết mối đe dọa các vụ tấn công như vậy "có thể trở nên nghiêm trọng hơn vì các nhóm khủng bố ở nước ngoài đang có ảnh hưởng mạnh hơn tại Trung Quốc, và mối liên hệ giữa các nhóm khủng bố trong và ngoài nước ngày càng sâu sắc hơn".
Cuối tháng trước, những người Uighur sát cánh chiến đấu với nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Iraq đã công bố một video đe dọa Trung Quốc và thề sẽ làm đổ máu người Trung Quốc.
Các nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh cho biết bạo lực xảy ra tại Tân Cương thường xuyên hơn so với báo cáo của chính quyền.
Trong những tuần gần đây, hàng ngàn cảnh sát vũ trang Trung Quốc đã tổ chức diễu hành và mít-tinh ở Tân Cương, trong một chiến dịch mà các giới chức Trung Quốc nói "tuyên bố chiến tranh" với các chiến binh và các lực lượng ly khai.
Cùng với việc biểu dương lực lượng, nhà chức trách Trung Quốc còn đưa ra nhiều biện pháp mạnh khác, từ tuần tra bằng trực thăng đến việc công bố các phần thưởng khổng lồ cho những ai chỉ điểm, bắt buộc theo dõi vệ tinh đối với một số phương tiện giao thông.