Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/07/2019

Trump gặp Kim lần thứ ba để làm gì ?

Tổng hợp

Gặp Trump lần ba : Nước cờ mạo hiểm của Kim Jong-un ? (RFI, 01/07/2019)

Ngày 30/06/2019, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp lần ba tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm. Sự kiện còn mang đậm ý nghĩa lịch sử vì ông Donald Trump là vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đặt chân lên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, trong khi hai nước về mặt nguyên tắc vẫn còn đối đầu nhau. Một số nhà quan sát nhận định : Cuộc gặp lần này đã được Kim Jong-un tính toán kỹ lưỡng.

kim1

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Bàn Môn Điếm, ngày 30/06/2019. KCNA via Reuters

Sự kiện đã khiến cả thế giới sững sờ trong hai ngày cuối tuần qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump phá vỡ các quy tắc ngoại giao, mời gặp đồng nhiệm Bắc Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm trong một dòng tweet ngắn ngủi. Bình Nhưỡng sau một hồi do dự đã chấp nhận lời mời vào phút chót.

Vậy Kim Jong-un đang toan tính gì nhận lời mời gặp không tuân theo một nghi thức ngoại giao nào ? Trước hết, nhật báo Pháp Le Figaro nhìn nhận, sau thượng đỉnh Hà Nội và Singapore, cú bắt tay "lịch sử" này đã mang lại cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhiều mối lợi chính trị và ngoại giao. Việc tổng thống Mỹ mời Kim Jong-un một ngày đến thăm Nhà Trắng là một "bước nhảy vọt" mới cho chế độ "độc tài" đang tìm kiếm một sự nhìn nhận về ngoại giao từ cộng đồng quốc tế.

Về mặt phương pháp, lãnh đạo Bắc Triều Tiên muốn nối lại đối thoại trực tiếp giữa hai nguyên thủ. Sau thất bại thượng đỉnh Hà Nội, chế độ Bình Nhưỡng tuyên bố không muốn hai nhân vật "diều hâu" là ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia, John Bolton có mặt trong các cuộc đàm phán.

Bắc Triều Tiên cáo buộc hai nhân vật này tìm cách phá hỏng các cuộc thương lượng và yêu cầu chỉ đàm phán với Donald Trump, được cho là linh động hơn. Cuộc gặp lần này gần như xác nhận cách tiếp cận trên của Bình Nhưỡng. Giới chuyên gia đặc biệt lưu ý là trong buổi gặp ngày Chủ Nhật 30/06 không có sự hiện diện của ông John Bolton. Một dấu hiệu cho thấy Donald Trump đang thay đổi phương pháp đàm phán ?

Thượng đỉnh lần ba này cũng có thể được xem như là kết quả của một tháng chiến dịch "quyến rũ" tổng thống Mỹ từ lãnh đạo Bắc Triều Tiên, như viết thư hỏi thăm hay gởi thiệp chúc mừng sinh nhật ngày 14/06. Dường như Kim Jong-un sợ rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và hồ sơ Iran có thể làm cho nguyên thủ Mỹ "lơ là" Bắc Triều Tiên.

Đây quả là một nước cờ được tính toán, nhưng cũng hàm chứa nhiều rủi ro cho lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng. Áp lực của phe chủ trương cứng rắn trong nội bộ chế độ ngày càng tăng sau thất bại của thượng đỉnh Hà Nội. Những người này cho rằng, tại Hà Nội, Kim Jong-un không những đã không có được một sự nhượng bộ nào về các trừng phạt , mà còn bị kẻ thù Hoa Kỳ sỉ nhục. Kết quả là một đợt thanh trừng đã diễn ra và nhà thương thuyết chính của Bắc Triều Tiên Kim Yong Chol vô hình chung bị biến thành vật tế thần để giải tỏa các lời chỉ trích ông Kim Jong-un.

Khi chấp nhận đến gặp Donald Trump tại khu phi quân sự, nhà độc tài trẻ tuổi hy vọng được tổng thống Donald Trump giảm nhẹ trừng phạt kinh tế, hiện đang bóp nghẹt nền kinh tế đất nước, nhằm làm hài lòng người dân và những tầng lớp lãnh đạo. Nhưng nếu lần này về tay không, hình ảnh lãnh đạo tối cao sẽ bị sứt mẻ. Thật ra, ông Kim Jong-un không thể không nhận lời gặp tổng thống Donald Trump, vì làm như thế là sĩ nhục chủ nhân Nhà Trắng, gây tác hại cho mối quan hệ của ông với vị tổng thống nổi tiếng "khó lường" này.

Minh Anh

********************

Trump - Kim : Đảng Dân chủ lên án sự khinh suất của tổng thống Mỹ (RFI, 01/07/2019)

Một năm sau cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu giữa Donald Trump và Kim Jong-un, tình hình chẳng có mấy gì thay đổi. Tại Hoa Kỳ, phe đối lập Dân chủ lên án sự ưu ái mà ông Donald Trump dành cho nhà "độc tài" Bắc Triều Tiên, được cho là đã không đưa ra một chút nhượng bộ nào.

kim2

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ở Bàn Môn Điếm, ngày 30/06/2019. Reuters/Kevin Lamarque

Từ Washington, thông tín viên Grégoire Pourtier tường thuật :

"Các ứng viên đảng Dân chủ giành quyền đại diện tranh cử tổng thống Mỹ gần như có cùng luận điệu. Khi nhắc lại lời đe dọa "lửa và cuồng nộ" chống lại Bắc Triều Tiên của tổng thống Mỹ, thật sự họ không thể lên án sáng kiến ngoại giao của Donald Trump. Nhưng giống như Julian Castro, nhiều người lấy làm tiếc về sự ngẫu hứng và khinh suất dường như đang chi phối mối quan hệ đặc biệt giữa ông Trump với Kim Jong-un.

Ông Julian Castro phát biểu : "Tôi cho rằng chúng ta nên có chuẩn bị kỹ từ trước và buộc Kim Jong-un phải thực hiện những cam kết mà ông ấy đưa ra tại thượng đỉnh Singapore. Tôi không nghĩ là thích hợp khi lãnh đạo Hoa Kỳ tiếp tục gặp gỡ một nhà độc tài một cách sai lầm như thế, vì ông ấy đã không tuân thủ những gì mình nói cách nay một năm".

Đối với một số người trong đảng Dân chủ, chính Bắc Triều Tiên đang dẫn cuộc chơi. Đương nhiên, Donald Trump nghĩ ngược lại, và ông ấy muốn tạo ra hình ảnh một người kiến tạo hòa bình. Đối với ông Bernie Sanders, một ứng viên khác, cuộc gặp đó chẳng qua chỉ là làm cho người ta lóa mắt và điều này đi ngược với những lập trường khác được đưa ra.

Ông Sanders nói : "Tôi không muốn đó đơn giản chỉ là một bức ảnh để thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai và những ngày sau đó ? Hiện tại, vào lúc gặp Kim Jong-un, quý vị biết rồi đấy, ông Trump luôn là người khiêu khích và hầu như luôn nhắm đến một cuộc chiến với Iran".

Tổng thống Mỹ đang làm ngược lại người tiền nhiệm Barack Obama và phải đợi một thời gian để biết là chiến lược của ông đối với Bình Nhưỡng hay Iran có thành công hay không. Trừ phi là có một ứng viên đảng Dân chủ bước vào Nhà Trắng sau năm 2020 và lại dỡ bỏ những gì Donald Trump đang cố thực thi lúc này".

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 484 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)