Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/07/2019

Điểm báo Pháp - "Hongkong mama"

RFI tiếng Việt

"Hongkong mama", bà mẹ kháng chiến Hồng Kông thời hiện đại

L’Obs tuần này nói về "Hongkong mama"Dorothy Wong đã trở thành người ủng hộ vô điều kiện các thanh niên biểu tình ở Hồng Kông, họ gọi bà là "má", trong khi xưa nay bà chưa hề nghĩ đến bước ngoặt này.

mama1

Các bà mẹ Hồng Kông quyết tâm ủng hộ cuộc đấu tranh đòi dân chủ của giới trẻ, 05/07/2019. Reuters/Thomas Peter

Trong số những chuyên gia marketing giỏi, Dorothy Wong từ lâu vẫn nổi tiếng với đôi giày cao chót vót luôn mang trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Những kilomet hàng lang métro, những bậc thang cho khách bộ hành, lề đường nhấp nhô… là những thứ không dành cho bà. Người phụ nữ Hồng Kông xinh đẹp 55 tuổi sống trong thế giới của hàng hiệu, tài chính cao cấp và các phương tiện truyền thông lớn mà bà chịu trách nhiệm về hình ảnh, thường xuyên tổ chức những sự kiện dành cho giới thượng lưu.

Nhưng gần đây, tín đồ thời trang này đã bỏ rơi những đôi giày Louboutin sang trọng, thay bằng giày đế thấp, khiến bà bị bạn bè trêu chọc vì chợt bị "lùn" đi đáng kể. Bởi vì Dorothy nay tham gia tất cả những hoạt động của giới trẻ Hồng Kông : biểu tình ngồi, xuống đường, chạy vắt giò lên cổ dưới cơn mưa hơi cay. Và đi bộ những quãng đường dài khi khu Trung Hoàn bị phong tỏa, để tìm mua những mặt hàng cần thiết phân phối cho những người trẻ ở "tiền tuyến".

Bà trở thành khuôn mặt quen thuộc trong những cuộc biểu tình quy mô, phát ngôn viên của những "bà mẹ Hồng Kông" - một nhóm gồm phụ huynh, luật sư, nhân viên xã hội… nhưng trước hết là những người mẹ, mà vai trò là hiện diện bên cạnh lớp trẻ đang đấu tranh cho tương lai.

Từ cuộc sống nhung lụa đến đường phố và hơi cay

Sinh ra trong một gia đình giàu có, khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, Dorothy 16 tuổi lên đường sang Toronto du học để vừa kiếm mảnh bằng vừa có được hộ chiếu ngoại quốc. Bà gặp gỡ người chồng tương lai tại đây, và năm 1991 cả hai quay về Hồng Kông, không mấy quan tâm đến chính trị.

Đến năm 2002, khi chính quyền đặc khu định thông qua dự luật về "an ninh quốc gia" nhằm kiểm duyệt báo chí, các nhà báo hết sức lo lắng. Dorothy Wong lúc đó làm truyền thông, mới nhận ra sự nguy hiểm. Năm 2003, đối lập tổ chức cuộc "tuần hành ngày 1 tháng Bảy" đầu tiên nhân kỷ niệm Hồng Kông được trao trả. Đó cũng là lần đầu tiên bà xuống đường chống Bắc Kinh cùng với con trai 7 tuổi. Theo con số chính thức thì có nửa triệu người biểu tình, nhưng Dorothy cho rằng thực ra còn hơn thế, bà như bơi trong một biển người, để lại những kỷ niệm không bao giờ quên được.

Cũng là lần đầu, Dorothy Wong tham gia lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn đầy cảm động ngày 4 tháng Sáu. Nhưng bước ngoặt thực sự diễn ra vào năm 2012, cùng với Scholarism, phong trào công dân đầu tiên của thế hệ thiên niên kỷ. Cậu bé Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) 14 tuổi cùng với các bạn học đã đứng lên chống lại chương trình tẩy não mà Bắc Kinh định áp đặt.

Do tò mò, Dorothy Wong tham dự một cuộc biểu tình ngồi gần Nghị Viện. Bà kể : "Thật ấn tượng khi thấy những đứa trẻ này, đơn độc trước cảnh sát, lại đầy ý thức và quyết tâm như thế. Cuối buổi biểu tình, bọn trẻ đứng xếp hàng cảm ơn công chúng, rồi thu dọn giấy tờ rơi vãi dưới đất. Tôi vô cùng kinh ngạc trước sự chín chắn đó".

Trung tâm hậu cần dành cho thanh niên biểu tình

Đêm đó, Dorothy Wong không thể nào chợp mắt được. Các cô cậu bé này hoàn toàn trái ngược với những đứa trẻ được cưng chiều trong giới thượng lưu của bà. Làm thế nào để giúp đỡ ? Bà quyên góp nơi bạn bè, mua tặng những chiếc loa cầm tay vì người tham gia ngày càng đông, các diễn giả trẻ tuổi phải gào khản cổ. Hoàng Chi Phong và các bạn rất vui mừng với món quà thiết thực này.

Sau hai tuần phản kháng, Scholarism giành được thắng lợi. Về phần Dorothy, bà đã tìm được hướng đi : trở thành người bảo trợ cho những nhà đấu tranh trẻ tuổi phải trốn gia đình đi biểu tình. Hai năm sau, Hoàng Chi Phong và các bạn khởi động "Phong trào Dù vàng" đòi phổ thông đầu phiếu, tiếp theo là 79 ngày "Chiếm lĩnh Trung Hoàn". Dorothy lập ra "trung tâm hậu cần" đầu tiên, được những người bạn giàu có bí mật tài trợ.

Tại đây có tất cả những thứ cần thiết để sống trong lều và đối phó với sự tấn công của cảnh sát : băng cá nhân, nước đóng chai, bánh cookies, khẩu trang, kính bơi, nón bảo hộ lao động… Cũng như những bà mẹ người Hoa thực thụ lo lắng cho sức khỏe con cái, mỗi ngày bà đi "tuần tra" những chiếc lều, thúc giục bọn trẻ ăn món súp tự nấu, uống nước có vitamin C. Rồi bà lập ra nhóm Umbrella Parents, kiên quyết chống lại bạo lực cảnh sát.

Những "bà mẹ kháng chiến" hiện đại

Cuộc Cách mạng Dù thất bại, nhiều lãnh đạo vào tù, người Hồng Kông thất vọng thu mình lại. Nhưng năm năm sau, dự luật dẫn độ đã là giọt nước tràn ly. Dorothy Wong một lần nữa lại ra trận. Lần này, đa số dân chúng đã đứng về phía giới trẻ, kể cả giới kinh doanh vốn thân Bắc Kinh.

Những gì gầy dựng được trong phong trào trước đây bỗng sống lại : các bà mẹ lại đi vận động, lập trung tâm hậu cần, phân phối những chai Ventoline – thuốc cắt cơn suyễn nhưng chống lại hơi cay khá tốt. Bản kiến nghị tố cáo bạo lực cảnh sát, ủng hộ giới trẻ đấu tranh chỉ trong một ngày đã thu được 40.000 chữ ký. Những bà mẹ kháng chiến của Hồng Kông thời hiện đại.

Cũng về Hồng Kông, The Economist cảnh báo, vụ xâm nhập Nghị Viện chỉ làm Bắc Kinh thêm cứng rắn, và khuyên người biểu tình nên thận trọng. Một vài khuôn mặt dân chủ nhiều kinh nghiệm lo ngại về yêu sách bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức, vì chỉ có những người hết sức cứng rắn mới chịu lên thay bà trong bối cảnh hiện nay.

Kinh tế : Những cuộc chiến tranh của Donald Trump

Trang bìa của L’Express là những chiếc xe tăng thân có dạng đồng đô la, với ông Trump ngồi ngay trên nòng khẩu súng, tay chỉ về phía trước. Tờ báo chạy tựa "Những cuộc chiến tranh của Trump" : công nghệ Trung Quốc, xe hơi Đức, khí đốt Nga, rượu vang Pháp… với hồ sơ 15 trang cho chủ đề này.

Tuần báo Pháp nhắc lại, ngày 02/09/1987, ông Donald Trump đã chi ra đúng 94.801 đô la để mua hẳn một trang báo trên New York Times, Washington Post, Boston Globe, với ý định lao vào cuộc tranh cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa trước ông George W.Bush. Trump trình bày quan điểm của ông : không thể chấp nhận thâm hụt thương mại, bỏ ra nhiều triệu đô la để bảo đảm an ninh cho các đồng minh không tôn trọng các quy định về kinh tế. Ông đe dọa đánh thuế hải quan, và về đối nội thì giảm thuế cho dân Mỹ, trợ giúp nông dân…

Ba mươi năm sau khi đã trở thành tổng thống nước Mỹ, quan điểm của Donald Trump vẫn không thay đổi, có điều thay vì Nhật Bản, thì nay Trung Quốc bị nằm trong tầm ngắm của ông. Trump làm tê liệt Tổ chức Thương mại Thế giới, và không có ai thoát khỏi họng súng của cao bồi Trump. Phát súng đầu tiên được bắn ra vào tháng 3/2018 : đánh thuế lên nhôm, thép. Canada, Mexico rồi Liên Hiệp Châu Âu được tạm tha, nhưng Trung Quốc dính đòn nặng. Trump đe dọa đánh thêm thuế lên xe hơi Châu Âu, rượu vang Pháp, chấm dứt ưu đãi cho hàng nhập khẩu từ Ấn Độ, thương lượng lại hiệp ước Bắc Mỹ, bắt bí bằng thuế quan để Mexico phải tăng cường giám sát biên giới…

Bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire than thở : "Đối với Donald Trump, chiến thắng kinh tế cho American First là chiến lược duy nhất về ngoại giao".

Trump tận dụng các vũ khí kinh tế đủ loại để buộc đối phương phải đầu hàng. Trong danh sách đen của ông có đủ mặt từ tài phiệt Nga, tập đoàn Hoa Vi, ZTE cho đến Venezuela, Iran, và đặc biệt là Trung Quốc : thâm hụt thương mại lên đến 323 tỉ đô la, đánh cắp sở hữu trí tuệ, gián điệp kinh tế, trợ giá ngầm sản phẩm…

Một chuyên gia nhận định tất cả cáo buộc trên đều đúng, nhưng vấn đề là thế giới đã thay đổi. Để làm ra một sản phẩm, cần đến hàng chục thậm chí hàng trăm nhà cung cấp cung cấp và nhà thầu phụ ở khắp thế giới, nên đánh bằng thuế quan có khi gậy ông đập lưng ông. Và tuy 40,7% công ty Mỹ có ý định rời Trung Quốc, nhưng chỉ có 6% trong số đó muốn đưa sản xuất về lại đất Mỹ.

Ông chủ Hoa Vi : Trung Quốc chưa bao giờ là quốc gia bành trướng

Ngược với L’Express, Le Point ưu ái dành đến 16 trang báo cho kẻ thù của ông Trump là Hoa Vi (Huawei). Trong đó có 13 trang riêng cho bài phỏng vấn độc quyền ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), người sáng lập tập đoàn, với ảnh bìa là chân dung ông Nhậm với dòng tựa "có cánh" : "Con người này sẽ làm thay đổi lịch sử".

Nhậm Chính Phi khôn khéo né tránh những câu hỏi có vẻ nhạy cảm, và ca ngợi Pháp, ca ngợi Châu Âu. Ông cho biết sẵn sàng ký thỏa thuận không làm gián điệp, chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ đòi hỏi Hoa Vi làm việc này.

Theo ông Nhậm Chính Phi, Trung Quốc chưa bao giờ là quốc gia có chính sách bành trướng, chính Hoa Kỳ đã làm gia tăng căng thẳng, muốn thống trị thế giới. Ông cho rằng nếu Mỹ và các nước khác không mua sản phẩm Hoa Vi thì cũng không gây tác động đáng kể, sự giảm sút của tập đoàn hiện nay chỉ trong ngắn hạn, công nghệ trong thiết bị chụp ảnh của điện thoại Hoa Vi là tốt nhất thế giới.

Trả lời câu hỏi về khoảng cách giàu nghèo tại Hoa lục, Nhậm Chính Phi nói rằng việc nhân dân Trung Quốc nổi dậy như Hoa Kỳ hy vọng không bao giờ xảy ra vì người dân sẽ giàu lên. Ông đưa ví dụ là giao thông ở Tây Tạng bây giờ còn tốt hơn Thiên Tân, cuộc sống người dân Tây Tạng được cải thiện. Nhưng hỏi về Hồng Kông thì ông từ chối trả lời, nói mình không phải là chính khách.

Le Point chỉ dành một cột nhỏ để nêu ra mối quan ngại của tình báo Pháp đối với Hoa Vi. Tập đoàn Trung Quốc đã bắt rễ tại Châu Phi, nơi Pháp có nhiều hoạt động quân sự công khai lẫn bí mật, và việc giám sát các mạng lưới viễn thông đang do Hoa Vi quản lý đóng vai trò rất quan trọng.

Bắc Triều Tiên, viên thuốc khó nuốt của Donald Trump

Liên quan đến Bình Nhưỡng, The Guardian trong bài "Một bước ngắn hướng đến hòa bình" cho rằng việc Donald Trump hôm 30/6 là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Bắc Triều Tiên là dấu hiệu hòa hoãn của ông Trump.

Theo tờ báo, đó không chỉ là hoạt động tuyên truyền, mà ông Trump đã trao đổi với Kim Jong-un suốt một tiếng đồng hồ tại Bàn Môn Điếm, với kết quả cụ thể là nối lại đối thoại sau bốn tháng bế tắc. The Guardian ghi nhận trong đoàn đại biểu Mỹ không có mặt diều hâu John Bolton, mà có sự hiện diện của người dẫn chương trình truyền hình Tucker Carlson, đã từng can ngăn ông Trump không tấn công Iran. Tất nhiên động cơ trước nhất của Donald Trump là tranh cử, nhưng ông cũng cần củng cố hình ảnh một nhà đàm phán lỗi lạc, sau thất bại ở Hà Nội.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi sau cuộc gặp bất ngờ này, Kim Jong-un vui vẻ hẳn : sự hiện diện của một tổng thống Mỹ trên đất Bắc Triều Tiên là điều mà cha và ông nội của ông ta có nằm mơ cũng không thấy nổi. Bình Nhưỡng luôn mong muốn được công nhận là một cường quốc nguyên tử. Có nghĩa là nhà độc tài Bắc Triều Tiên không hề muốn giải trừ mà chỉ có thể chấp nhận giới hạn vũ khí hạt nhân - một viên thuốc khó nuốt đối với Donald Trump. The Guardian cho rằng nếu ông Trump do dự, thì Kim Jong-un biết cách gây áp lực : chỉ cần bắn một hỏa tiễn trong lúc đang diễn ra một cuộc mít-tinh tranh cử của Donald Trump.

Hiệp định EU-Mercosur, vũ khí chống Trump

Nhìn chung, Donald Trump đấu với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, tình hình Hồng Kông là những vấn đề thời sự bao trùm trên các tuần báo Pháp kỳ này. Trang bìa The Economist mang màu đỏ với lời cảnh báo "Cuộc khủng hoảng toàn cầu về chủ nghĩa bảo hộ". L’Obs chỉ ra "Những chiếc chìa khóa để tìm được sự tự tin". Courrier International đòi "Kết thúc những chiếc tàu gây ô nhiễm" : 200 chiếc tàu lớn nhất thế giới thải ra lượng lưu huỳnh dyoxide tương đương với toàn bộ những chiếc xe hơi đang lưu hành trên toàn cầu. Về kinh tế, đối với Châu Âu "Hiệp định EU-Mercosur, vũ khí chống Trump", đó là tựa đề bài viết của một tờ báo Đức được Courrier International trích dịch.

Süddeutsche Zeitung nhận xét tuy người Châu Mỹ la-tinh vốn dễ xúc động, nhưng hiếm khi nhìn thấy một ngoại trưởng bật khóc như vậy khi đàm phán kết thúc. Ông Jorge Faurie, ngoại trưởng Argentina khóc nức nở qua điện thoại : "Thưa tổng thống, chúng ta đã đạt được thỏa thuận giữa Liên Hiệp Châu Âu và Mercosur".

Cuộc thương lượng đã kéo dài đến 20 năm. Trong thời gian đó, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã đưa vào sử dụng đồng euro, còn nền kinh tế Argentina sụp đổ. Các chính phủ liên tiếp lên thay tại bốn nước Mercosur (Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay) làm việc đàm phán hết sức khó khăn. Thêm vào đó, cả hai bên đều lo ngại : nông dân Châu Âu sợ đường, ngũ cốc và thịt giá rẻ từ Nam Mỹ tràn vào, còn các công ty nhà nước Mercosur lo rằng thiết bị của họ không cạnh tranh nổi với hàng Châu Âu.

Dù vậy theo tờ báo, nên vui mừng với hiệp định vì không chỉ mang lại lợi ích thương mại mà cả chính trị, qua việc làm đối trọng với chính sách bảo hộ của Donald Trump. Hiện nay nhiều nước Nam Mỹ lệ thuộc nặng nề vào Hoa Kỳ về kinh tế. Hơn nữa, hiệp định tự do mậu dịch này ngoài việc kết nối Châu Âu với Nam Mỹ, còn giúp khối Mercosur đoàn kết lại.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 430 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)